".. có một số đồng hương đi mua khu nhà gần sông Amite River, lại không bị đòi hỏi mua bảo hiểm lụt. Thực tế bây giờ nhà họ lại bị lụt và hiện trong tình trạng không có bảo hiểm. Thật là khó xử!”
Khu vục lụt gần sông Amite River. (Hình: Facebook)
BATON ROUGE, Louisiana (NV) – Thảm trạng lũ lụt ập xuống vùng Baton Rouge, Louisiana, được coi là trận lụt lớn nhất, chưa từng thấy trong lịch sử, nơi có khoảng 15,000 người Mỹ gốc Việt, theo lời một người Việt định cư lâu năm tại đây và cũng là chủ tịch cộng đồng người Việt tại đây.
“Chúng tôi nghe tin mưa lũ từ hôm Thứ Sáu tuần trước, lượng nước mưa từ 6 đến 10 inch, nhưng đến trưa Thứ Bảy lên thêm 4 rồi 6 inch nữa, theo Sở Khí Tượng Quốc Gia, tôi nghĩ là nguy hiểm rồi,” ông Nguyễn Anh Dũng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại Baton Rouge, nói với nhật báo Người Việt.
Ông Nguyễn Anh Dũng xem thử độ sâu nước lụt cách nhà mình 150 mét ở Baton Rouge. (Hình: Facebook)
“Tôi xem TV thấy Thống Đốc John Bel Edwards ban hành tình trạng khẩn trương hôm Thứ Sáu, cho hay khu tầng hầm của dinh thống đốc đã bị ngập, một điều ông nói rằng chưa hề xảy ra trước đây. Nhiều con sông ở vùng Đông Nam Louisiana và Bắc Mississippi đang tràn bờ và các giới chức phòng chống thiên tai hiện chưa biết sự thiệt hại lan rộng đến cỡ nào,” ông hồi tưởng và chia sẻ thêm.
“Hôm Thứ Bảy, khoảng bốn năm giờ chiều, tôi được điện thoại của anh Đặng Văn Thọ, một người bạn đồng khóa 25 Đà Lạt, nói nước dâng lên nhanh quá, và anh đã phải nhanh chân rời khỏi nơi anh cư trú. Anh Thọ nói 8 giờ 30 tối là nước đã ngập nửa nhà. Nước dâng nhanh đến độ anh ấy chỉ kịp một mình lái xe, mong sẽ đến nhà tôi tạm trú,” ông Dũng kể.
Cũng theo lời kể, nóng lòng gặp bạn khi lâm nạn, ông Dũng lái xe về hướng Đông và ông Thọ lái về hướng Tây, để may ra có thể gặp nhau giữa đường.
Cuối cùng thì hai người bạn cũng tìm ra nhau.
“Buổi sáng tôi thấy nước ngập cách nhà tôi 150 mét, tôi mặc quần cụt bước xuống xem sâu ra sao. Lúc ấy nước chỉ mới trên cổ chân mà thôi. Nhà tôi không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nơi con gái tôi ở, cách nhà tôi hai giờ đồng hồ, nước ngập vào nhà, và hiện cháu về ở với chúng tôi,” ông Dũng nói.
“Đến 2 giờ chiều Chủ Nhật, tức cách lúc hai chúng tôi nói chuyện, 20 giờ trôi qua với những kinh hoàng xảy đến cho người dân Baton Rouge. Phía Đông Baton Rouge là thành phố Denhem Springs giờ ấy lụt 100% nhưng số người Việt trong vùng ấy rất ít.”
Ông kể: “Ba hôm vừa qua chính quyền cũng có thiết lập trung tâm tiếp cư FEMA tại một trung tâm điện ảnh sau chợ Costco lớn, không xa nhà tôi lắm.”
Một chợ nhỏ bị lụt ở Baton Rouge, Louisiana. (Hình: Facebook)
“Sáng nay tôi ra trước nhà thì thấy nước đã bò gần đến nhà tôi, nhưng rất may là các nơi khác nước đã bắt đầu rút. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện Thiên Chúa che chở cho đồng hương người Việt, vì Baton Rouge có khoảng 50% gia đình người Việt bị thiệt hại vì lũ lụt,” ông kể.
Được hỏi có bao nhiêu người Việt là nạn nhân lũ lụt, ông cho biết: “Tôi không biết chắc, nhưng theo chỗ tôi biết, có khoảng 15,000 người sinh sống tại đây. Như thế là có khoảng 7,000 người lâm cảnh không nhà.”
Ông Dũng cho biết một thảm trạng oái oăm mà người Việt ở Baton Rouge hiện gặp khó khăn. Đó là vấn đề không có bảo hiểm lụt mà nhiều nạn nhân là thuộc gia đình các cựu quân nhân diện HO.
“Những người ở trong vùng được mệnh danh là vùng có thể lụt đều phải mua bảo hiểm lụt khi mua nhà. Thế nhưng sau này, có một số đồng hương đi mua khu nhà gần sông Amite River, lại không bị đòi hỏi mua bảo hiểm lụt. Thực tế bây giờ nhà họ lại bị lụt và hiện trong tình trạng không có bảo hiểm. Thật là khó xử!” ông nói.
Cũng theo ông chủ tịch cộng đồng, vào sáng Thứ Năm, nhiều người đã rời trại tạm cư để trở về nhà.
Họ dọn dẹp và đem rất nhiều đồ gia dụng để lên lề đường, vì bị thấm nước, không còn sử dụng được nữa, nào mền, nào nệm, xe cộ ngập nước nằm trước nhà, bất khiển dụng.
Ông cho biết cộng đồng người Việt ở đây chỉ có một ngôi chùa Phật Giáo tên là chùa Tam Bảo và hai cái am nhỏ khác. Ngoài ra, còn có nhà thờ Công Giáo Saint Anthony, thường được biết qua tên nhà thờ Giáo Xứ An Tôn và Lê Văn Phụng, do Linh Mục Phêrô Nguyễn Viết Tân quản nhiệm; và một nhà thờ Tin Lành của Giáo Hội Báp Tít Hy Vọng do một mục sư người Việt tên Vinh quản nhiệm.
Trước thảm họa này, ông Dũng nghĩ rằng sự chia sẻ của người Việt là quan trọng.
“Tôi thấy những lá thư chia sẻ, hay những lời cầu nguyện của đồng hương gởi về sẽ có giá trị an ủi và khuyến khích tinh thần cho những gia đình người Việt gặp thiên tai,” ông Dũng nói với nhật báo Người Việt.
Vì hoàn cảnh khó khăn, ông hứa sẽ cung cấp thông tin để đồng hương có thể ủy lạo, chia sẻ, vì hiện nay, theo ông, chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực cứu trợ rồi.
Số điện thoại tạm để liên lạc là (225) 485-8562.