Xa Bolsa bạn tôi nói thấy nhớ. Cái nhớ lay lắt, cái nhớ bồn chồn như vừa mới… xa người yêu.
Bolsa là một Việt Nam, là một quê hương thu nhỏ, là… “Bôn Sa” như cách gọi dễ dãi của nhiều người. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Do công việc của nghề, tôi có dịp đi đây đi đó, lùng sục vào các ngóc ngách có người Việt sinh sống. Đến đâu tôi cũng nhìn ra được những điều thú vị mà nơi mình đang ở không có, trong cách này hay cách khác.
Nhưng lạ một chỗ, là người Việt ở bất kỳ đâu, ngoài California, cũng đều có một câu gần như giống nhau, mang chút gì đó như “hờn mát”, đó là: ở đây không bằng với Cali, với Bolsa, Little Saigon đâu!
Ra là, Bolsa, nơi tôi sống từ hơn 10 năm qua, trong mắt tất cả người Việt xa xứ, được xem như chốn “phồn hoa đô hội”, là niềm mơ ước được một lần đặt chân đến, hay tìm về thăm viếng nơi mà vì cuộc mưu sinh họ đã đứt đoạn ra đi.
Bolsa quả là lạ lắm!
Bolsa là nơi tôi dừng bước đầu tiên khi đặt chân đến Mỹ. Lý do? Vì gia đình người thân tôi ở ngay Bolsa, ngay trung tâm Little Saigon.
Bolsa, là hình ảnh nước Mỹ đầu tiên trong tôi. Tôi nhớ tôi đã thốt lên ngay buổi sáng thức dậy đứng nơi ngân hàng Bank of America trên đường Bolsa, nhìn khu shopping chung quanh chợ ABC với tất cả bảng hiệu đều đậm chất quê hương, “Ủa, Mỹ sao kỳ vậy? Mỹ gì y như… Việt Nam vậy?” Ba tôi bật cười, “Ờ, đây là trung tâm của người Việt tại Mỹ.”
Sau những hụt hẫng đầu tiên vì Mỹ ở Bolsa không giống Mỹ mình từng xem trong phim ảnh, tôi lần hồi quen dần và tự hào dần khi mình có cơ may sống ngay tại Bolsa, làm dân Bolsa, niềm mơ ước của biết bao người Việt xa xứ.
Nhưng thật tình, cái gì quen quá, dễ dàng có quá thì đôi khi lại trở nên… nhàm chán. Bolsa với tôi cũng vậy. Lắm lúc tôi còn tự hỏi sao mình chọn chi ở chốn này, lúc nào cũng ầm ầm, náo nhiệt, tìm chút tĩnh lặng là điều thật khó.
Nghề của tôi cũng tạo cơ hội cho tôi được đi đây đi đó, được quen biết với nhiều người. Và hầu như ai đã từng đến với Bolsa đều cùng có suy nghĩ: Bolsa đông vui quá!
Bạn tôi, một người đang sinh sống ở tiểu bang rất xa, có lần tâm sự rằng ngày xưa bạn đã từng ở nơi đây trong một thời gian khá dài. Dạo đó Bolsa chỉ là nơi bạn đến mỗi cuối tuần để mua sắm sách báo, băng nhạc, đi chợ mua thực phẩm rồi đi ăn uống xong là về. Bạn nói cực chẳng đã mới xuống Tiểu Sài Gòn vì xe cộ đông đúc, người qua lại ồn ào. Cứ mỗi lần như vậy bạn tôi hay thắc mắc “không hiểu người ở đâu về mà lúc nào cũng nghìn nghịt.”
Câu hỏi đó đã có câu trả lời sau khi chính bạn tôi làm người… di dân sang tiểu bang khác sinh sống.
Ngày bạn về thăm lại chốn xưa, đi lại những con đường quen thuộc, vào hàng quán chợ búa, bạn mới ngỡ ngàng nhận ra đây chính là quê hương mà bạn đã… ruồng bỏ. Chung quanh í a í ới tiếng mẹ đẻ, cảnh giành nhau chỗ paking, nhìn người đi chợ lựa rau quả sờ nắn cho đã rồi chọn… món khác, thản nhiên chen vào đứng trước người đang xếp hàng, hoặc đưa tay giữ cửa cho người ra vô mà không hề nhận được tiếng cám ơn… Tất cả những điều đó, nếu là ngày ấy sẽ làm bạn bực mình rồi càu nhàu cáu gắt, nhưng nay, bạn nói sao lại thấy “dễ thương lắm, quen thuộc lắm, gần gũi lắm” như đi xa về gặp lại người xưa cảnh cũ.
Nơi bạn tôi ở rất ít người Việt. Bạn nói đôi khi vợ sai đi chợ để nấu nồi bún bò cũng phải đi vài nơi mới mua cho đủ những thứ cần thiết. Muốn đi ăn ở nơi tạm gọi là ngon cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ. Và khi vô nhà hàng thì ngồi nói hết cả chuyện, uống không biết mấy lần nước lạnh thức ăn mới được đem ra. Tôi phì cười khi nghe bạn càm ràm “hổng biết ‘nó’ chờ mình vô rồi mới đi chợ hay đang bắt bò làm thịt hay sao mà lâu dữ vậy trời!”
Bolsa có chợ Tết, có diễn hành, có múa lân, có đốt pháo, có đầy đủ sắc màu quê hương (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Xa Bolsa bạn tôi nói thấy nhớ. Cái nhớ lay lắt, cái nhớ bồn chồn như vừa mới… xa người yêu. Bạn nhớ nửa đêm đói bụng, thèm ổ bánh mì cứ phải vuốt bụng rồi chắt lưỡi than thầm “Phải chi giờ ở Cali, chạy ngay ra Lee’s Sandwiches là sẽ có ổ bánh mì thịt thơm phưng phức.”
Đêm về đường khuya tối đen vắng vẻ, cũng làm bạn nhớ lại những lúc chạy xe trên những con đường sáng choang ánh đèn, ngược xuôi xe tiếp nối xe. Tôi nhận ra được sự quạnh hiu, đơn độc qua giọng bạn nói, làm tôi cũng xót xa theo.
Bolsa là vậy đó, ở gần thì thấy rất tầm thường, nhưng có đi xa rồi mới thấy không nơi đâu bằng ở Bolsa. Bolsa là một Việt Nam, là một quê hương thu nhỏ, là… “Bôn Sa” như cách gọi dễ dãi của nhiều người. Cứ xa “Bôn Sa” là nhớ, là thương.
Rời những đêm tối đen như mực khi chạy xe lúc không còn ánh sáng trên những con phố mà ngỡ như trong đồng quê im vắng ở một thành phố nào đó ở Bradenton, ở Atlanta, ở Dallas, hay Centerville, Homestead… trở lại với Bolsa tưng bừng ánh đèn, nhộn nhịp người qua lại, dù đồng hồ đã chỉ qua 10 giờ đêm, tôi cảm nhận đầy đủ hơn bao giờ hết câu nhắn gửi của người không còn ở nơi đây, “Nhớ đừng ruồng rẫy bỏ Bolsa mà đi nhé, vì Bolsa ‘đi dễ khó về’ lắm, bạn ơi!”