Báo OC Register tường trình rằng Bác Sĩ Huy xuyên một sợi dây vào cổ tay bà, dẫn đến tim bà, thổi phồng lên để mở động mạch bà đang bị tắc nghẽn 90%.
Bác Sĩ Huy Nguyễn và bà Shanaz Shah-Rais. (Hình: OC Register)
IRVINE, Clifornia (NV) – Bác sĩ chuyên khoa tim Huy Nguyễn vừa cứu mạng người mẹ của một người bạn từ năm lớp hai đến giờ của mình tại bệnh viện Hoag Irvine.
Theo báo OC Register, hôm 27 Tháng Hai, một vị bác sĩ gốc Việt vừa tận tình cứu chữa cho bà Shanaz Shah-Rais, một bệnh nhân gốc Iran năm nay tuổi ngoài 60. Ngay khi nghe giọng bà trên điện thoại khi bà nói chuyện với nhân viên bệnh viện Hoag Irvine, Bác Sĩ Huy Nguyễn nhận ra bà là người mẹ của bạn mình từ thuở mới đặt chân trên đất Mỹ năm 1982. “Vừa nghe tên bà là tôi nổi gai ốc. Tôi lập tức lái xe đến bệnh viện, chắc chỉ chừng tám phút,” bác sĩ nói.
Ông tiếp: “Khi nghe giọng nói của bà, tất cả mọi cảm xúc quay lại trong đầu tôi…”
Ông cùng gia đình đến thành phố Irvine năm 1982. Chỉ vài tháng trước khi gia đình ông vượt biên năm 1979, cha ông là Anh Nguyễn, một bác sĩ, qua đời vì bệnh ung thư bạch cầu.
Tàu của ông được một tàu chuyên chở hàng hóa của Anh cứu, theo báo OC Register.
Bác Sĩ Huy còn nhớ ngày đầu học lớp hai tại trường University Park Elementary School, khi tên ông bị đọc sai. Trong lớp còn có một học sinh khác cũng bị đọc sai tên, đó là Bardia Shah-Rais. Vì thế mà cả hai trở thành bạn thân.
Ông nói với báo OC Register: “Anh ấy hay phá phách, nhưng lại vui vẻ và thân thiện. Anh ấy hay chọc ghẹo tên tôi.”
Bardia Shah-Rais, hiện là phó giám đốc phát hành cho đài truyền hình FoxSports, nói với báo OC Register: “Có lẽ tôi có phá phách và ghẹo tên anh ấy. Nhờ vậy mà chúng tôi coi nhau như anh em.”
Gia đình ông Bardia Shah-Rais cũng vượt thoát từ Iran. Ông Cambyse và bà Shanaz Shah-Rais đưa gia đình đến Irvine sau một cuộc chính biến.
Ông Cambyse Shah-Rais trở thành người cha tinh thần cho ông Huy.
“Cha tôi thường đưa Huy đi tập bóng rổ, hoặc đưa anh ấy đi ăn doughnut,” Bardia nói.
Cả hai đứa trẻ cùng nhớ những ngày nghịch ngợm – ném giấy đi cầu ướt vào nhà người ta hoặc vào hồ bơi công cộng.
Có lần khi đang học lớp năm, ông Cambyse đưa cả hai đi coi một trận đấu của đội bóng rổ Lakers tại sân Inglewood Forum.
“Ông ấy thương hai đứa nhỏ lắm,” bà Shanaz nói về chồng mình.
Ngày 26 Tháng Bảy, 1992, ông Cambryse qua đời vì đau tim. Bà Shanaz không thể gọi điện thoại cho con trai Bardia để báo hung tin nên sau khi xe cấp cứu đưa chồng đến một bệnh viện bây giờ đổi tên thành Hoag Irvine, bà gọi cho ông Huy.
Ông Huy lái xe khắp Irvine để tìm bạn. Sau cùng ông tìm được Bardia và đưa bạn đến bệnh viện.
Bà Shanaz kể với báo OC Register là khi bác sĩ ra báo tin buồn thì bà, ông Huy và Bardia đang đứng trong phòng cấp cứu.
Sau đó, ông Bardia Shah-Rais học ngành truyền thông tại đại học Seton Hall tại New Jersey, rồi làm cho đài truyền hình Fox, và dần dần lên chức.
Ông Huy Nguyễn học trường y khoa Chicago Medical, theo ngành tim mạch.
Nhưng cả hai người bạn vẫn giữ liên lạc với nhau, theo báo OC Register.
Bác Sĩ Huy Nguyễn có thể hành nghề tại bất cứ nơi nào trên nước Mỹ, nhưng ông chọn Irvine.
Ông nói: “Tôi thích ở gần nhà.”
Ngày 27 Tháng Hai, bà Shanaz ăn tối một mình ở nhà trong lúc ông Bardia đang ở Thụy Sĩ quay một trận bóng đá cho đài truyền hình. Chợt bà thấy tức ngực và môi trên toát mồ hôi. Thấy triệu chứng này kéo dài, bà lái xe đến phòng cấp cứu bệnh viện Hoag Irvine. Theo báo OC Register, bà bị đau tim mà bác sĩ tim của bà lại đi vắng.
Thật may mắn là bà nhớ ngay đến Bác Sĩ Huy Nguyễn và hôm ấy lại là ngày trực của ông.
Bác Sĩ Huy chạy vội đến phòng cấp cứu và nhớ đến ngày bà Shanaz mất chồng tại cùng một chỗ.
Báo OC Register tường trình rằng Bác Sĩ Huy xuyên một sợi dây vào cổ tay bà, dẫn đến tim bà, thổi phồng lên để mở động mạch bà đang bị tắc nghẽn 90%.
“Bác sĩ lo cho tôi y như con ruột vậy,” bà Shanaz kể với báo OC Register.
Bác Sĩ Huy ở bên bà cho đến bốn giờ sáng rồi sau đó chở mẹ ông đến ngồi với bà.
Hiện giờ bà Shanaz đã hồi phục và đã nghe lời Bác Sĩ Huy bỏ thuốc lá.
Ông Bardia nói với báo OC Register: “Không ngày nào mà tôi không nhớ ơn anh Huy. Nhờ anh ấy mà tôi còn có mẹ.” (ĐG)