main billboard

Tên trường Trần Lục gắn liền với cuộc di cư vĩ đại năm 1954. Khi vào miền Nam, trường tạm trú tại trường Đồ Chiểu, Sài Gòn, cho đến năm 1971 thì chuyển đến cư xá sĩ quan Chí Hòa, Quận 10 Sài Gòn, với tên mới là trường Nguyễn Du.


SANTA ANA, California (NV) – Cựu học sinh trung học Trần Lục, niên khóa 1956-1962 từ khắp nơi trên thế giới về tham dự đêm hội ngộ, tưng bừng tổ chức lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy, 6 Tháng Chín, tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.

tranluc hoingo 1Cựu Giáo Sư  Vũ Đình Tuyến (giữa) phát biểu, bên hai học trò cũ, ông Nguyễn Tự Cường (trái) và Bác Sĩ Vũ Văn Dũng, xúc động đứng nghe. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Đây là lần thứ hai, chúng tôi tổ chức hội ngộ các bạn đồng môn Trần Lục trên toàn thế giới. Có những người từ Úc, Canada, các tiểu bang của Hoa Kỳ và cả từ Việt Nam về đây tham dự, mong gặp bạn cũ, thầy xưa. Có những người mà chúng tôi đã 40 hay 50 năm chưa hề gặp lại,” ông Nguyễn Tự Cường, giám đốc đài truyền hình SBTN, trưởng ban tổ chức, tuyên bố.

“Mục đích của đêm hội ngộ hôm nay để chúng ta có cơ hội gặp lại hai vị thầy khả kính, các bạn đồng môn gặp lại nhau, nhớ ơn sự giáo dục của hai nền Cộng Hòa, ôn lại những kỷ niệm cũ, nhớ đến các bạn xưa và đa số là các đồng đội của một thời chinh chiến cũ. Tôi long trọng tuyên bố khai mạc đêm hội ngộ,” vị đại diện nói trong tiếng vỗ tay của mọi người.

Ông giới thiệu cựu Giáo Sư Vũ Đình Tuyến, 93 tuổi, từng là tổng giám thị trường Trần Lục, hiện cư ngụ tại Santa Ana. Vì đi đứng khó khăn, hai cựu học sinh dìu vị thầy cao tuổi lên ngồi trên ghế trước sân khấu.

“Tổng Giám nhà ta cấp nhỏ gì. Khoe khoang tài nghệ nữa mà chi,” Giáo Sư Tuyến cầm máy và đọc luôn hai câu thơ. Mọi người vui vẻ vỗ tay và nhìn vị thầy gầy gò với đầy lòng thương mến.

“Ngày xưa, có em nào bị thầy phạt thì cho thầy xin các em quên đi. Thầy chỉ làm nhiệm vụ nhưng lúc nào cũng dành tình thương cho học trò,” vị thầy nói thều thào, hơi thở đứt quãng vì xúc động.

Các cựu học sinh hiện diện không cầm được nước mắt.

tranluc hoingo 2Cựu Giáo Sư Vũ Đình Tuyến (trái), cựu Giáo Sư Đỗ Kim Bảng, được học trò vui mừng thăm hỏi. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Con là học sinh trung học Trần Lục,” ông Nguyễn Tự Cường lập lại câu nói bằng tiếng Pháp mà ngày xưa ông học trong lớp Pháp văn của Giáo Sư Tuyên.

“Chúng con xin thầy tha lỗi nếu ngày xưa chúng con có lỡ làm buồn lòng thầy,” ông Cường nắm tay vị thầy, mắt ông rưng rưng.

Vị trưởng ban tổ chức mời một số cựu học sinh phát biểu cảm tưởng.

“Tôi chỉ xin được nói một phút thôi. Trước khi lên đây tôi đã khóc, lau nước mắt, vì tôi sung sướng được gặp lại mọi người,” ông Đinh Hùng Cường, một cựu học sinh đến từ Washington, DC, nói.

Một người khác đến từ Canada, Bác Sĩ Vũ Văn Dũng, một cựu học sinh, bước lên sân khấu. Ông cầm máy vi âm, nghẹn ngào, không thốt nên lời. Mắt ông đẫm lệ. Ông nhìn về hướng hai vị giáo sư ngồi bên dưới, hai tay ông chắp trước ngực. Không khí nặng trĩu khiến ai cũng xúc động.

Mọi người sau đó hoan hỉ vỗ tay như thông cảm với những gì Bác Sĩ Dũng muốn nói.

Một vị đến từ Houston, Texas, tên tuổi quen thuộc với thính giả nghe radio, lên chia sẻ cảm tưởng. Đó là nhà báo Dương Phục.

“Tôi rất vui mừng gặp lại quý thầy và các bạn cũ. Nhìn thấy anh Nguyễn Tự Cường là tôi thấy đài SBTN. Thế là đủ để tôi tịt ngòi rồi,” ông vui vẻ, nói đùa.

Ông Ngô Tất Tố, một cựu học sinh đại diện trung học Nguyễn Du (tên một trường hậu thân của Trần Lục, nơi có một số học sinh từng theo học trường Trần Lục) lên phát biểu.

tranluc hoingo 3Ông Nguyễn Đức Tường (bìa phải), một cựu học sinh đến từ Việt Nam. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Dù học Nguyễn Du nhưng gốc của tôi là Trần Lục. Tôi còn nhớ thầy Đỗ Kim Bảng dạy Sử Địa. Những gì thầy dạy đi vào tâm khảm khiến tôi nhận thức được sự đóng góp của các bậc đàn anh cho đất nước trong thời chiến. Em hãnh diện các anh đã một đời cống hiến cho đất nước,”  ông Tố nói hùng hồn, nhưng vẫn bị ngắt quãng bởi các tràng pháo tay từ góc phải của nhà hàng, nơi đây có một số cựu học sinh Trần Lục, một thời là sĩ quan chỉ huy các đơn vị tác chiến trong Quân Lực VNCH.

Ông Nguyễn Như Sơn, cựu thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 4/7, Trung Đoàn 47, Sư Đoàn 5, từ Canada đến tham dự lần đầu.

“Nhờ buổi hội ngộ này mà tôi gặp lại được bạn Đào Hồng ở San Diego, trước ở cùng một tiểu đoàn với tôi,” ông Sơn, một cựu sĩ quan xuất thân khóa 18 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tâm sự.

“Tôi cũng may mắn gặp lại anh Phạm Quang Hậu, một đồng môn khóa 21 Võ Bị, ngồi cùng bàn với nhà báo Nguyễn Tuyển, một cựu phóng viên chiến trường. Chúng tôi là học sinh Trần Lục,” ông hãnh diện nói và giới thiệu các người bạn xưa.
tranluc hoingo 4
Ông Ngô Tất Tố phát biểu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cũng khi ấy, tiếng xướng ngôn viên nói: “Vợ chồng 'Quách đồng đen' đến rồi.”

Mọi người nhìn về hướng cửa vào. Ðó là người được bạn bè đặt cho tên hiệu “Quách đồng đen.”

Ông Quách Văn Ðức, một cựu sĩ quan xuất thân khóa 20 trường Sĩ Quan Trừ Bị, chỉ tay vào một người bạn học cũ của mình: “Ông Ðinh Ðức Chính là trung úy Nhảy Dù, từng tham dự trận Hạ Lào năm 1971, bị bắt làm tù binh từ dạo đó, trải qua rất nhiều nhà tù ở miền Bắc.”

Trước đó, sau phần nghi thức chào cờ và mặc niệm, cựu Giáo Sư Đỗ Kim Bảng, 82 tuổi, là một trong hai giáo sư hiện diện, được ban tổ chức mời lên phát biểu.

“Cuộc đời dạy học của tôi rất lạ. Hình như với thời gian, sự nghiệp dạy học của tôi càng ngày càng gần với những người trẻ. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tôi về dạy Trường Võ Bị Đà Lạt. Sau đó tôi về dạy trung học đệ nhất cấp trường Trần Lục,” Giáo Sư Bảng kể.

“Sau năm 1975, qua Mỹ tôi dạy lớp bốn. Sau lại xuống dạy lớp ba. Hai năm sau, tôi dạy lớp hai. May quá lúc ấy tôi 65 tuổi nên xin về hưu, nếu tiếp tục dạy, không chừng học sinh của tôi là các em lớp mẫu giáo,” vị giáo sư làm mọi người vui vẻ, cười thấm ý, trong tiếng vỗ tay.

Chương trình văn nghệ tiếp nối do ông Nguyễn Tâm Hàn phụ trách với các bản nhạc nói về Hà Nội, những ngày tháng cũ, hay những bản nhạc lính trước năm 1975.

tranluc hoingo 5Quý ông, Phạm Quang Hậu (trái), Nguyễn Như Sơn, Đào Hồng, nhà báo Nguyễn Tuyển và Bác Sĩ Phạm Văn Điến. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Một cựu học sinh đến từ Việt Nam, là ông Nguyễn Đức Tường, 72 tuổi,cùng vợ , bà Trần Lan Khanh, chia sẻ kinh nghiệm tham dự lần đầu.

“Khi nghe tin các bạn tổ chức, vợ tôi là tác nhân chính khuyến khích tôi đi. Lúc gần đi tôi phải vào bệnh viện Việt Đức để mổ tim.  Tôi nghĩ tuổi đã ngoài 70 thì cứ coi như là lần chót, để gặp lại những người bạn từ 50, 60 năm trước. Vậy cũng xứng đáng,” ông Tường kể.

“Các bạn tôi, như Phùng Vĩnh, Nguyễn Trung Nhan và còn nữa, là những người tôi ngưỡng mộ. Họ đi lính, đánh đổi mạng sống hay ở bên lề cái chết, để chúng tôi được sống. Sau năm giờ trên máy bay, tôi tưởng là chết rồi. Tôi cầu Trời, khấn Phật và vong linh bố mẹ tôi, phù hộ cho tôi tai qua nạn khỏi. Ấy thế mà tôi có mặt hôm nay,” ông nói thêm.

“Hồi nãy, khi chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, tôi bật khóc,” ông Tường nói.

Tên trường Trần Lục gắn liền với cuộc di cư vĩ đại năm 1954. Khi vào miền Nam, trường tạm trú tại trường Đồ Chiểu, Sài Gòn, cho đến năm 1971 thì chuyển đến cư xá sĩ quan Chí Hòa, Quận 10 Sài Gòn, với tên mới là trường Nguyễn Du.