Chủ đề buổi hội thảo xoay quanh một số vấn đề về vệ sinh tiệm thẩm mỹ, đặc biệt là tại các tiệm móng tay của người Việt: cách thức “state board” kiểm tra và những lỗi thường bị bắt phạt trong các năm qua.
GARDEN GROVE, California (NV) - Hội Đồng Thẩm Mỹ California (người trong ngành gọi là “state board”) vừa có một buổi hội thảo với cộng đồng Việt Nam về an toàn vệ sinh trong ngành móng tay và thẩm mỹ tại trường thẩm mỹ Advanced Beauty College, thành phố Garden Grove, hôm Thứ Hai vừa qua.
Ghi danh tham dự buổi hội thảo. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Buổi hội thảo do văn phòng Thượng Nghị Sĩ Lou Correa phối hợp cùng trường tổ chức, với sự tham dự của giám đốc, ủy viên, thanh tra viên Hội Đồng Thẩm Mỹ California, cùng rất nhiều học viên, kỹ thuật viên, và người kinh doanh trong nghề thuộc đủ sắc dân.
Chủ đề buổi hội thảo xoay quanh một số vấn đề về vệ sinh tiệm thẩm mỹ, đặc biệt là tại các tiệm móng tay của người Việt: cách thức “state board” kiểm tra và những lỗi thường bị bắt phạt trong các năm qua.
Bà Christie Trúc Trần (áo đen) đang đại diện Hội Đồng Thẩm Mỹ California trả lời thắc mắc của một chủ tiệm. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Ba mục chính của chương trình bao gồm: thuyết trình, giải đáp câu hỏi, và phần trao đổi trực tiếp giữa thợ thẩm mỹ và thanh tra viên tại địa phương.
Giữ vai trò chính trong buổi thuyết trình bằng hai thứ tiếng Việt và Anh ngữ là bà Kristy Underwood, giám đốc Hội Đồng Thẩm Mỹ California, và bà Christie Trúc Trần, thành viên gốc Việt duy nhất của hội đồng.
Hai thanh tra viên ở địa phương (phải) nói chuyện cùng các thợ móng tay và thẩm mỹ. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Một số lỗi thường gặp khiến thợ và chủ các tiệm bị phạt liên quan đến giấy phép hoạt động, cách khử trùng dụng cụ, vệ sinh bồn ghế spa, các dụng cụ phải dùng một lần rồi bỏ, cách bảo quản các chất lỏng, kem, bột và mỹ phẩm...
Người nhân viên gốc Việt của hội đồng giải thích thêm về các trường hợp “người Việt mình không biết nên hay mắc phải.”
Liên quan đến việc kháng cáo, bà Trúc Trần nói: “Quý vị có quyền mang thông dịch viên hoặc người đại diện. Nhưng nhiều người lại lầm lẫn giữa thông dịch viên và người đại diện.”
Bà Trúc cho biết công việc của thông dịch viên chỉ cho phép được dịch lại chính xác những điều thân chủ nói. Nếu người kháng án đưa người thân đi cùng và có nói chuyện, trao đổi trong phòng xử, thì phải ghi danh người này là người đại diện, thay vì là thông dịch viên.
Bà Trúc cũng khuyên người kháng cáo nên in sẵn những bằng chứng để ủy ban có thể xem xét và lưu vào hồ sơ.
Về một lỗi tiệm thường xuyên mắc phải khi bị thanh tra, theo lời hội đồng, tiệm luôn luôn phải có một người có bằng hành nghề để đại diện, “licensee in charge.” Rất nhiều tiệm bị phạt chỉ vì chủ tiệm không hiện diện và không có thợ nhận là “licensee in charge” khi thanh tra viên hỏi. Trái với suy nghĩ của nhiều người, người “licensee in charge” chỉ đại diện tiếp thanh tra viên chứ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì thay cho chủ tiệm.
Một số lỗi thường gặp khác là khi thợ dùng những bao phủ đầu ngón tay bằng nhựa khi làm cho khách mà không thay bao mới cho từng lượt khách, hay để kiềm trong bao nhựa chỉ có tên của hãng sản xuất thay vì dán nhãn là sạch hay dơ...
Ghi lại những điều buổi thuyết trình đề cập. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Bà Kristy Underwood, giám đốc Hội Đồng Thẩm Mỹ California, cho hay: “Tiền quý vị đóng phạt chúng tôi không được giữ. Xin quý vị hiểu là luật do các bác sĩ và nhà khoa học đưa ra để tiểu bang đảm bảo vệ an toàn cho khách hàng của quý vị.”
"Chúng tôi cũng cố gắng dịch các thông tin sang Tiếng Việt, để ngăn ngừa việc bị phạt.” Bà Underwood nói thêm.
Phần hỏi đáp thắc mắc với gần hai mươi câu hỏi khác nhau, từ về ghi danh giấy phép hoạt động của một học viên chưa vào nghề đến cách thay đổi luật bảo trì và lau chùi ghế spa của một số chủ tiệm móng tay, lần lượt được hội đồng giải đáp.
Chương trình kết thúc vào khoảng giữa trưa, nhiều người tham dự nán lại để tiếp tục trao đổi với các thanh tra viên địa phương và nhân viên Hội Đồng Thẩm Mỹ California.