main billboard

“Hướng dẫn các em đàn nhạc cổ truyền Việt Nam như việc đi ngược dòng, vì phải làm sao cho các em yêu thích loại nhạc này và tiếp tục học để rồi tiếp nối chúng tôi dạy cho các thế hệ mai sau.”


WESTMINSTER, California (NV) - Vào trưa Chủ Nhật, 31 Tháng Tám, Hội Phát Triển Nghệ Thuật Việt Nam và Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng tổ chức chương trình nhạc chủ đề “Tuổi trẻ và nhạc cổ truyền Việt Nam” tại hội quán Lạc Hồng, Westminster.

Các em nhạc sinh từ 5 đến 15 tuổi trong những bộ y phục truyền thống rất dễ thương quấn quít bên cha mẹ và những người thân, có những em còn rất bé tự mang những nhạc cụ cao hơn mình bước vào nơi tổ chức đã tạo ra bầu không khí ấm cúng thân thương, trọn vẹn cho sự bảo tồn văn hóa Việt nơi hải ngoại qua ý nghĩa của chủ đề.

vannghe lachong 1Các nữ nhạc sinh tứ tấu đàn tranh bài “Qua Cầu Gió Bay.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong chủ đề này, các em trình diễn những bài nhạc cổ truyền Việt Nam với những nhạc cụ khác nhau như: đàn nguyệt (kìm), đàn bầu (độc huyền), đàn nhị (cò) cùng với đàn tranh, với những bản nhạc Bắc, Trung, Nam, những bài dân ca, nhạc thính phòng, nhạc tài tử.

Các em này được học nhạc từ lúc mới 5, 6 hay 10 tuổi, khi chưa hề biết một nốt nhạc, một bước múa. Ðể rồi, với thời gian học hành và luyện tập, các em trở thành một nhạc sinh, vũ sinh có thể trình diễn trên sân khấu.

Bà Nguyễn Thị Mai, giáo sư hướng dẫn nhạc cụ, bài bản, cổ truyền dân tộc, cho biết: “Hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu các em nhạc sinh của thế hệ trẻ diễn và đàn những nhạc cụ và bài bản cổ truyền của Việt Nam. Trong chương trình này, các em nhỏ thì đàn những bài dân ca, các em lớn thì đàn những bài nhạc lễ, đồng thời các em cũng có trình diễn những bài mới được sáng tác sau 1975, và có phần hát phụ diễn những bài tân nhạc cũng như sử dụng những nhạc cụ cổ truyền để hòa điệu.”

Người ta thường nghĩ, các em nhỏ ở hải ngoại học nhạc cổ truyền Việt Nam là khó, nhưng theo Giáo Sư Mai, nói được tiếng Việt là đàn được nhạc Việt, vì âm của tiếng Việt đã là âm nhạc rồi, với những dấu lên bổng xuống trầm thì học nhạc Việt rất dễ.

Giáo sư nói tiếp: “Trong tất cả kỷ luật áp dụng cho việc học, học nhạc phải theo kỷ luật rất khắt khe, như kỷ luật trong quân đội vậy. Và việc dạy nhạc cũng giống như đi tìm tài năng, đối với chúng tôi.”

Bà nói thêm: “Hướng dẫn các em đàn nhạc cổ truyền Việt Nam như việc đi ngược dòng, vì phải làm sao cho các em yêu thích loại nhạc này và tiếp tục học để rồi tiếp nối chúng tôi dạy cho các thế hệ mai sau.”

vannghe lachong 2Em Samantha Sanchez (phải), đại diện các nhạc sinh, tặng hoa Giáo Sư Nguyễn Thị Mai. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo bà, muốn học nhạc cổ truyền các em phải học đánh đàn những bài dân ca rồi mới đi sâu vào những bài nhạc thính phòng và nhạc lễ. Vì vậy, bắt buộc các em phải dùng những nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Mục đích của hội là để tập cho các em hiểu biết và ham thích những bài bản nhạc cổ truyền của dân tộc mặc dù các em đang ở hải ngoại và rất còn bé.

Các em đã thay mặt cho những nghệ nhân đi trước phát huy bộ môn văn hóa cổ truyền này qua các buổi trình diễn của cộng đồng Việt Nam, hay cùng với các cộng đồng bạn tại hải ngoại trong các trường đại học, các viện bảo tàng. Sắp tới, các em sẽ đi trình diễn Hội Tết Trung Thu tại Arcadia County Park, Long Beach Aquarium, viện bảo tàng của đại học USC, Hollywood, Disneyland...

Khán thính giả phần nhiều là những phụ huynh của các em. Họ lặng lẽ ngồi nghe những lời giới thiệu của cô giáo Mai về kết quả của sự thành đạt của con cháu mình. Sự thành công này không phải riêng về phần dạy dỗ tận tình của các thầy cô mà còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của các bậc cha mẹ.

Buổi trình diễn gồm các nhạc sinh được tuyển chọn để cống hiến đến mọi người qua những nhạc phẩm như Trống Cơm và Lý Ngựa Ô (Xuân Thảo và Thuận Thiên, hòa tấu); Thu Hồ (Thanh Thảo); Lý Cây Ða (Alina Việt Morgan); Cò Lả (Minh Châu, hát và Lan Anh, đàn tranh); Hoa Champa (Thuận Thiên và Ngọc Trâm); Phong Ba Ðình (Samantha Sanchez); Qua Cầu Gió Bay (Minh Châu, Samatha, Bích Hiền, Ngọc Trâm); Ðiệu Buồn Phương Nam (Annie Lê); Phi Vân Ðiệp Khúc (Minh Châu); Ðoản Khúc Lâm Giang (Hồng Ngọc Gabrielle); Ðơn ca Ðiệu Buồn Phương Nam (Anna Gia Lâm và Kim Trang); Ngồi Tựa Song Ðào (Bích Hiền và Danny); Câu Hò Bến Ngự (Ngọc Trâm Vũ); Tứ Ðại Cảnh (Ngọc Trâm, Hồng Ngọc và Minh Châu); Xàng xê (Alex, Cody, Danny); Biến Tấu Lý và Quàng (Kim Thư).

vannghe lachong 3Em Minh Châu hát bài “Cò Lả” với phần đệm đàn của ban nhạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chương trình còn có phần phụ họa của ban nhạc gồm: Alex (đàn nguyệt), Danny (đàn nhị), Cody (đàn bầu), và những bài đơn ca như Nam Xuân (Băng Tâm) và Mừng Tuổi Mẹ (Andrew Khanh).

Ðược biết, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ niên khóa 1960-1961 các môn đàn tranh và sư phạm âm nhạc.

Năm 1961, bà được bổ nhiệm dạy âm nhạc tại trường nữ trung học Gia Long, Sài Gòn, đồng thời dạy môn đàn tranh, ký xướng âm và chính tả âm nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc.

Ðến năm 1975, bà chuyển về dạy tại trường Nghệ Thuật Sân Khấu, Sài Gòn.

Bà học đàn và nhạc với các thầy Nguyễn Văn Thinh, Vĩnh Bảo, Hai Biểu, Ba Dư, Nguyễn Hữu Ba, Trần Viết Vấn, Nguyễn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Cầu, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước.

Giáo Sư Nguyễn Thị Mai là đồng sáng lập và điều hành Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam và Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng tại Orange County với Giáo Sư Nguyễn Văn Châu từ năm 1989 đến nay.

Ngoài ra, giáo sư còn có lớp dạy đàn tranh cho các thế hệ trẻ, đặc biệt lớp dành cho các em thiếu nhi và hướng dẫn các em trong những buổi sinh hoạt cộng đồng.