"Nhà thì ai cũng có một ngôi nhà, có thể đó không phải là một ngôi nhà thực thể mà là nhà trong tâm hồn, và đó là điều mà họa sĩ thuộc sắc dân nào cũng có thể chia sẻ được.”
Triển lãm của OCCCA & VAALA
SANTA ANA (NV) - Hình ảnh một ngôi nhà tạm bợ, một chiếc lều khắc khoải, một người vô gia cư trùm chăn nằm ngủ bên đường, một em bé dõi ánh mắt buồn nhìn chiếc bàn máy may trong căn phòng vắng, một chiếc bình vỡ nát được chắp vá lại, những ngôi nhà như những chiếc hộp cũ kỹ chứa đựng bên trong bao điều bí ẩn... là một vài trong số nhiều hình ảnh có thể khiến người xem xúc động, bồi hồi, ngỡ ngàng, thích thú, khi bước chân đến với cuộc triển lãm HÔME do Trung Tâm Nghệ Thuật Ðương Ðại (OCCCA) & Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt - Mỹ (VAALA) phối hợp tổ chức.
Một góc của phòng triển làm chủ đề HÔME. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
HÔME được khai mạc vào chiều Thứ Bảy, 5 Tháng Bảy, 2014 tại Santa Ana.
Trong ý nghĩa HÔME là nhà, là một nơi chốn, một cội nguồn của bản sắc, một vùng đất hứa, một nơi chốn không thể có được, hoặc một khoảng không gian không một ai có thể tước đi được, cô Lê Ðình Y Sa, thành viên ban tổ chức, giải thích thêm về lý do chọn chủ đề này, “Ðây là lần đầu VAALA cộng tác với OCCCA nên chúng tôi nghĩ cần có chủ đề nào mà họa sĩ của các sắc dân khác đều có thể cảm nhận được và có những sáng tác theo chiều hướng đó. Nhà thì ai cũng có một ngôi nhà, có thể đó không phải là một ngôi nhà thực thể mà là nhà trong tâm hồn, và đó là điều mà họa sĩ thuộc sắc dân nào cũng có thể chia sẻ được.”
Hơn 600 tác phẩm từ khắp nơi được gửi về tham gia cuộc triển lãm với nhiều thể loại như tranh acrylic, sơn dầu, nhiếp ảnh, nghệ thuật xếp đặt (installation), ... là một niềm vui ngoài sức tưởng tượng của các thành viên VAALA, “khi nơi đây trở thành HOME, trở thành ngôi nhà cho các họa sĩ muốn đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, không chỉ là Việt Nam,” như lời của cô Y Sa, giám đốc điều hành VAALA.
Người đảm nhiệm công việc của một giám tuyển - chịu trách nhiệm chọn ra khoảng 100 tác phẩm của 57 họa sĩ thuộc nhiều sắc dân để trưng bày là nghệ sĩ tạo hình Richard Turner, một giáo sư tại trường đại học Chapman, chuyên về nghệ thuật Á Châu hiện đại, cũng là người từng sống ở Việt Nam từ năm 1959 đến 1961 khi còn là học sinh trung học.
“Ðiều chính yếu khi tôi chọn để đưa ra triển lãm trong số 600 tác phẩm được gửi đến là nó có phản ánh được chủ đề HÔME của cuộc triển lãm hay không. Ðồng thời những tác phẩm đó cũng phải có tính thử thách đối với tôi.” Nghệ sĩ Turner trình bày, “Tôi không muốn chọn những tác phẩm quá đơn giản, dễ hiểu. Tôi muốn những tác phẩm có nhiều ý nghĩa chứa đựng trong đó.”
Các thành viên VAALA và khách thưởng ngoạn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Nói về tố chất độc đáo của người nghệ sĩ, giám tuyển cuộc triển lãm cho rằng, “Tôi nghĩ điều quan trọng ở người họa sĩ là họ trình bày được điều riêng tư của họ nhưng điều đó lại nói được với tất cả người khác Một số họa sĩ trong cuộc triển lãm này đã thực hiện được điều đó. Thêm nữa, một số tác phẩm trong cuộc triển lãm này khiến tôi thích thú là vì nó có tính cách mơ hồ khiến mình suy nghĩ chứ không phải trắng đen rõ ràng, tôi không hiểu không thích nó khi mới nhìn lần đầu nhưng sau đó thì khác.”
Và đó là điều khiến nghệ sĩ Richard Turner “cảm thấy rất khâm phục ở các tác giả.”
Người xem, tùy theo khả năng và sự đồng cảm riêng của mình, có thể bắt gặp nơi đây, trong hơn 100 tác phẩm đang trưng bày những ký ức, những hoài niệm, hay những cảm xúc sợ hãi, lạ lẫm, thậm chí đau đớn bên cạnh sự an toàn, ấm áp, bình an xoay quanh một chữ HÔME - NHÀ.
Họa sĩ Ann Phong, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của VAALA nhận xét, “Sự cô đơn lạc lõng, hay sự ấm cúng đông người trong một không gian gọi là nhà, đã được các họa sĩ diễn đạt với một tâm trạng rung động riêng. Không thông qua ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình đủ sức để nối kết mọi người tìm hiểu và chia sẻ cảm xúc lẫn nhau.”
“Với chủ đề về Nhà, đầu tiên người nghệ sĩ nghĩ đến cảm xúc trước rồi đến vật liệu nào có thể diễn tả được cảm xúc đó rồi họ đi tìm vật liệu. Thành ra khi vào đây mình thấy cách diễn tả hoàn toàn khác nhau. Hy vọng các họa sĩ Việt Nam có dịp tới coi sẽ thấy được một cái lạ, một cái gì khác so với trước giờ mình vẫn thấy. Với tôi thì điều đó rất quý.” Họa sĩ Ann Phong nói thêm.
Quả thực, sự độc đáo, mới lạ, không rập khuôn là điều ai cũng có thể nhận ra khi đến thưởng lãm những tác phẩm được trình bày tại đây.
Có mặt tại nơi triển lãm, họa sĩ Trịnh Cung nêu cảm nghĩ: “Rất chuyên nghiệp, rất thích nơi bày tranh như thế này. Với chủ đề Home rất nhân bản, các tác phẩm rất đa dạng, từ nhiếp ảnh, hội họa đến sắp đặt, rất đương đại, đa dạng. Mỗi tác phẩm đều có trọng lượng của nó. Do mới xem qua nên tôi chưa thể đưa ra những nhận xét xác đáng cho các tác phẩm nhưng nó cho tôi cảm giác hạnh phúc khi đứng trước phòng tranh này.”
Ông Huỳnh Hữu Ủy, một nhà nghiên cứu và phê bình về mỹ thuật, nhận xét, “Phòng này tôi thích. Họ dùng nhiếp ảnh để khai thác hiện thực của đời sống, của ngôi nhà. Home vừa là nhà vừa là đời sống gia đình. Từ home đi đến homeless. Hai thứ đối lập nhau. Tất cả đề tài tập trung vào chỗ đó. Tôi thấy nhiều người cầm máy ảnh lấy được những góc cạnh rất đặc sắc.”
“Tôi học được một điều là trong tương lai tôi có thể cầm máy ảnh vì phòng trưng bày này tạo ra được sự hấp dẫn đó cho tôi.” Người chuyên phê bình về mỹ thuật này nói sau khi xem qua cả hai phòng trưng bày của cuộc triển lãm.
Cuộc triển lãm sẽ kéo dài cho đến ngày 26 Tháng Bảy. Phòng tranh mở cửa từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều, từ Thứ Năm đến Chủ Nhật.
Hai địa điểm của cuộc triển lãm là Orange County Center for Contemporary Art (OCCCA): 117 N. Sycamore, Santa Ana, CA 92701 và VAALA, 1600 N. Broadway, phòng 210, Santa Ana, CA 92706.
Vào cửa hoàn toàn miễn phí.