Thực tế cho thấy, chính quyền Việt Nam đã giữ im lặng suốt từ ngày 20 Tháng 6 đến nay, không hề đả động hay thực hiện bất kỳ hành động nào để “tìm hiểu vụ việc” bảy ngư dân ở Quảng Bình cũng bị Trung Quốc bắt giữ từ hạ tuần Tháng Sáu.
HÀ NỘI 13-7 (NV) - Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ đề cập đến sáu ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt hôm 3 Tháng Bảy, không đả động gì tới bảy ngư dân Quảng Bình bị bắt giữ trước đó hai tuần.
Mẹ thuyền trưởng Thành (trái) và vợ các ngư dân trên tàu QB 93256 không biết lúc nào thì con và chồng của họ được trả tự do. (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)
Cuối tuần trước, Bộ Ngoại Giao loan báo Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, đã cử đại diện tới thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, để tiếp xúc với sáu ngư dân Quảng Ngãi, bị Trung Quốc bắt giữ trong vịnh Bắc Bộ.
Sáu ngư dân vừa kể làm việc trên tàu đánh cá mang số hiệu QNg 94912, bị Trung Quốc cáo buộc “xâm phạm hải phận Trung Quốc,” trong khi các nhân chứng là đồng nghiệp của họ trên những tàu đánh cá khác, cùng có mặt tại vịnh Bắc Bộ vào thời điểm họ bị cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ, khẳng định, Trung Quốc đã bắt giữ tàu QNg 94912 và sáu ngư dân khi họ đang hành nghề trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vụ Trung Quốc bắt giữ tàu QNg 94912 và sáu ngư dân Quảng Ngãi được báo chí Việt Nam đồng loạt loan tải, khi các nhân chứng báo tin cho gia đình của các nạn nhân và thân nhân của các nạn nhân kể với báo giới. Ngay sau đó, công chúng Việt Nam đòi chính quyền Việt Nam phải hành động.
Thực tế cho thấy, chính quyền Việt Nam đã giữ im lặng suốt từ ngày 20 Tháng 6 đến nay, không hề đả động hay thực hiện bất kỳ hành động nào để “tìm hiểu vụ việc” bảy ngư dân ở Quảng Bình cũng bị Trung Quốc bắt giữ từ hạ tuần Tháng Sáu.
Trên số mới nhất, tờ Sài Gòn Giải Phóng loan báo, hôm 20 Tháng sáu, tàu đánh cá mang số hiệu QB 93256, do ông Nguyễn Văn Thành, chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng với sáu ngư dân ngụ ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã bị cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ khi đang hành nghề tại vịnh Bắc Bộ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, mẹ ông Nguyễn Văn Thành, kể với phóng viên tờ Sài Gòn Giải Phóng rằng, gia đình bà vay mượn khắp nơi để có 800 triệu mua tàu QB 93256 và con tàu này bị Trung Quốc bắt giữ ngay trong chuyến đi biển đầu tiên. Mười ngày sau khi tàu QB 93256 bị Trung Quốc bắt giữ bà mới biết tin. Ba tuần qua, con tàu và bảy ngư dân Việt Nam, trong đó có con trai bà đang bị giữ ở cảng Nam Hải.
Hôm 12 Tháng Bảy, Chi Cục Khai Thác và Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản của tỉnh Quảng Bình xác nhận với tờ Sài Gòn Giải Phóng về việc bảy ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ từ ba tuần trước. Đại diện cơ quan này nói thêm, theo một số nhân chứng, hôm 20 Tháng Sáu, phi cơ và một số tàu có vũ trang của Trung Quốc đã vờn đuổi một nhóm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam và không may là tàu QB 93256 bị bắt giữ.
Theo chủ tịch xã Quảng Phú, ông chính là người báo tin tàu QB 93256 bị Trung Quốc bắt giữ cho gia đình ông Thành và gia đình sáu ngư dân khác. Lý do ông biết tin là vì “phía Trung Quốc báo tin qua kênh ngoại giao, tỉnh nhận tin, xác minh qua Đồn Biên Phòng Roòn, rồi báo lại cho xã để xã động viên gia đình các ngư dân.”
Chủ tịch huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nói thêm là họ đang nhờ Cục Lãnh Sự của Bộ Ngoại Giao Việt Nam “hoạt động tích cực để đưa các ngư dân về sớm.” Tất cả những ý kiến vừa kể chỉ ra cho thấy, chính quyền Việt Nam đã biết tin bảy ngư dân Quảng Bình bị bắt từ lâu nhưng cho tới nay vẫn chưa phản ứng gì.
Giống như khu vực đang tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa, trong thời gian vừa qua, tình hình vịnh Bắc bộ không êm ả.
Hồi thượng tuần Tháng Sáu, tàu đánh cá mang số hiệu HP 90258 của ông Nguyễn Đức Quang, ngụ tại Hải Phòng đã bị tàu của Trung Quốc tấn công tại vịnh Bắc Bộ. Theo ông Quang, sáng 6 Tháng Sáu, khi đang thả neo để câu mực cách đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, khoảng 30 hải lý, thì tàu của ông bị một con tàu treo cờ Trung Quốc, mang số hiệu 45024, tấn công. Khoảng 20 người mặc quân phục trên tàu của Trung Quốc đã liệng vỏ chai vào tàu của ông Quang, dùng sào đập bể các bóng đèn cao áp, xịt vòi rồng vào tàu.
Khi ông Quang lái tàu chạy trốn, tàu của Trung Quốc đã rượt đuổi suốt hai tiếng, đâm vào tàu của ông Quang nhiều lần, khiến con tàu bị vỡ đuôi, bể mạn trái, vỡ toàn bộ kính và giàn đèn cao áp dùng để câu mực.
Đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn chưa lên tiếng phản đối và đòi Trung Quốc điều tra về vụ tấn công tàu HP 90258. (G.Đ.)