main billboard

"Hôm nay gặp lại thầy xưa, bạn cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ những con tàu, nhớ những dòng sông. Nhớ những nơi đến rồi đi, bốn vùng chiến thuật, hải đảo xa xôi.”


hq k1k2 sqhsq doanvien 1Nghi lễ chào quốc kỳ Việt-Mỹ và khai mạc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi hội ngộ 50 năm ra khơi của các cựu quân nhân Khóa 1 và 2 Hạ Sĩ Quan/Sĩ Quan Đoàn Viên Hải Quân (HSQ/SQĐVHQ), tưng bừng diễn ra lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy, tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove, với đông đảo quan khách, gia đình và các thân hữu hải quân từ khắp nơi về tham dự.

Hai hàng quân dàn chào danh dự trước sân khấu, MC Nguyễn Thế Phiệt long trọng cử hành nghi lễ chào cờ, mọi người đồng ca quốc ca VNCH. Ông Tom Võ, một cựu quân nhân, hát bài quốc ca Hoa Kỳ, trước phút mặc niệm.

Phần đặc biệt của chương trình là lễ truy điệu 106 chiến hữu hải quân đồng khóa đã quá vãng. Hai cựu quân nhân đồng khóa là ông Nguyễn Văn Viễn và ông Nguyễn Đại Nam được ban tổ chức giao nhiệm vụ dâng rượu và thắp hương trước bàn thờ Tổ Quốc.

Trên bàn thờ là bức tượng đồng của đức Trần Hưng Đạo, thánh tổ Hải Quân VNCH, di ảnh của năm vị tướng tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư, 1975, bài vị của 74 chiến sĩ Hoàng Sa, bài vị của 106 chiến hữu  đồng khóa, và hai câu thơ của cố Hải Quân Trung Úy Nguyễn Văn Đồng, người hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa.

hq k1k2 sqhsq doanvien 2Ông Hồ Tấn Thuần, trưởng ban tổ chức, trong phần diễn văn khai mạc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Hai bên bàn thờ là hai câu “Anh hùng tử, khí hùng nào tử” và “Sinh vi tướng, tử vi thần.”

“Lướt sóng kình ngư, các anh đi, để nỗi nhớ thương cho cha mẹ, anh em... Gương tử tiết muôn đời nhớ mãi” là đôi lời trong bài văn tế truy điệu, hùng hồn nhưng đầy thương cảm, khiến mọi người xúc động.

“Bài văn tế truy điệu do chính tôi soạn cho dịp hội ngộ đặc biệt 50 năm ra khơi,” MC Nguyễn Thế Phiệt nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
Trước đó, ông Hồ Tấn Thuần, trưởng ban tổ chức, mở đầu bài diễn văn chào mừng quan khách và các bạn đồng khóa, ông nói: “Thấm thoắt 39 năm đã trôi qua từ khi miền Nam Việt Nam bị bức tử, hành trang của chúng ta mang theo là mối sầu ray rứt ám ảnh suốt đời. Hôm nay gặp lại thầy xưa, bạn cũ, ôn lại những kỷ niệm xưa, nhớ những con tàu, nhớ những dòng sông. Nhớ những nơi đến rồi đi, bốn vùng chiến thuật, hải đảo xa xôi.”

 Ông diễn tả kỷ niệm đời lính như một thi sĩ sống với cảm xúc dâng trào.

“Thật vậy, những kỷ niệm một thời để thương, một thời để nhớ, với nắng vàng, biển xanh trong mắt em gái long lanh khiến các anh lính trẻ thời ấy rung động. Chúng ta kỷ niệm 52 năm của những chàng thư sinh gia nhập khóa. Sau 15 tháng huấn luyện, chúng ta về các đơn vị của Hải Quân VNCH,” ông Thuần kể.

“Một năm sau chúng ta học khóa sĩ quan. Người đi Thủ Đức, người đến Nha Trang hay vào Trung Tâm Huấn Luyện Bổ Túc Hải Quân ở Sài Gòn theo học chương trình huấn luyện. Chúng ta làm xong nhiệm vụ phục vụ quân chủng hải quân. Chúng ta mất tàu, mất nước, nhưng vẫn giữ lá cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho tổ quốc, cho người tỵ nạn Việt Nam,” ông nói trong niềm xúc động.

hq k1k2 sqhsq doanvien 3Thắp nhang chuẩn bị nghi lễ truy điệu các chiến hữu (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Bùi Xuân Mộng, cựu Đại úy Hải Quân, một trong 13 thiếu sinh quân gia nhập hải quân, lên đọc bài thơ dâng Mẹ.

“Đáng lẽ tôi qua bộ binh, nhưng tôi viết thư cho mẹ tôi rằng tôi quyết định đi học hải quân. Tiếc thay thư chưa đến tay thì mẹ tôi đã qua đời,” ông Mộng nói.

Ông Nguyễn Văn Viễn từ San Jose về tham dự, thông báo cho mọi người biết ngày 21 Tháng Tám, hội Bạch Đằng được Tổng Hội Hải Quân giao tổ chức Ngày Thánh Tổ Hải Quân ở San Jose. Sau đó cá nơi sẽ thay phiên nhau tổ chức hàng năm.

Trong phần phát biểu của quan khách, cựu Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Hoa nói: “Thật là một sự bất ngờ khi ban tổ chức mời tôi phát biểu hôm nay, nhưng thật là thú vị vì sau 50 năm, dù ở xứ lạ, chúng ta vẫn có sự đoàn kết. Cầu mong khóa 1 và 2 luôn có sự đoàn kết.”

“Hồi xưa không hề có Tàu Cộng, nay chúng vẽ đường lưỡi bò. Hy vọng con cháu chúng ta trong tương lai sẽ cắt đi cái lưỡi bò ấy. Hoàng Sa là của chúng ta. Hình ảnh chiến hạm HQ-10 vẫn còn đó. Chúng ta khác với lũ buôn dân, bán nước CSVN. Nhiệm vụ đối với quê hương của chúng ta chưa chấm dứt,” ông nói trong tiếng vỗ tay của mọi người hiện diện.

Đặc biệt, ban tổ chức cho biết có sự tham dự của bà quả phụ Đòan Bình, vợ của Hải Quân Thiếu Úy Trần Quốc Việt, tử trận ở U Minh năm 1970 khi mới 23 tuổi.

“Tôi rất buồn nhưng thấy được an ủi vì anh em nhớ đến chồng tôi,” bà Bình nói và cho biết gia đình bà gồm cả thảy 28 người, từ long Xuyên vượt biển tới Poulo Bidong, và định cư tại Mỹ năm 1979.

Ông Phương Hồ, 40 tuổi, cư dân Anaheim, con trai của vị trưởng ban tổ chức, chia sẻ: “Gia đình tôi qua Mỹ năm 1982. Nay tôi đã có gia đình và ba con. Tôi cảm thấy vui và hãnh diện khi các bác vẫn tìm đến nhau, dù là cả nửa thế kỷ đã qua đi.”

hq k1k2 sqhsq doanvien 4Ông bà cựu Đại Tá Nguyễn Văn Hớn (trái), quan khách hiện diện tại buổi hội ngộ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Tôi rất cảm động còn nhớ những kỷ niệm khi đi cùng tàu với Hạm Trưởng Nguyễn Bá Trang để tuần tiễu, tiếp tế và bảo vệ hải phận cùng hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa,” ông Nhan Hữu Mai, một cựu quân nhân hải quân, tâm sự.

MC Nguyễn Thế Phiệt cho biết: “Điểm đặc biệt của khóa 1 và 2 chúng tôi là được huấn luyện 16 tháng để ra trường mang lon trung sĩ hải quân. Tôi nhớ thời đó, phải thi ba kỳ mới đậu. Rớt một kỳ cũng phải ra thủy thủ. Cả thế giới, chưa có hải quân nước nào mà trung sĩ hải quân phải học tới 16 tháng ở quân trường!”

“Chỉ có hai khóa hạ sĩ quan hải quân chúng tôi thôi. Năm 1969 tất cả chúng tôi theo học chuyên môn cho khóa sĩ quan đoàn viên, trong đó có sáu tháng về tham mưu. Nếu so sánh với sĩ quan hải quân, mỗi hạ sĩ quan phải đảm trách một ngành (phòng tai, giám lộ, cơ khí), trong khi đó, ít khi nào một sĩ quan có thể được giao làm trưởng ngành,” ông Phiệt, giải thích.

“Tính đến năm 1975, đa số anh em chúng tôi mang lon đại úy. Có bốn người lên thiếu tá. Cách đây bảy năm, cứ hai năm chúng tôi tổ chức hội ngộ một lấn. Nay thì người trẻ nhất là 70 tuổi, chúng tôi quyết định tổ chức gặp nhau hàng năm để điểm danh quân số,” ông nói thêm.

Ông cũng cho biết, thành viên khóa 1 và 2 có chừng 180 người, sống rải rác trên toàn Hoa Kỳ.

Buổi hội ngộ được xen lẫn chương trình văn nghệ với nhiều tiếng hát và ban nhạc The Night Star Band.

Mọi chi tiết, liên lạc đại diện hội ái hữu khóa 1 và 2 HSQ/SQĐVHQ (714) 457-0909 hay (714) 539-6421.