Dạ, tôi dạy học trò chớ đâu dám dạy thầy giáo! Mà sao ông biết tôi đi dạy học ?...
Không biết tự bao giờ dân xóm Chợ bỗng nhận ra ở cạnh dãy phố lụp xụp ngoài bờ sông, gần lò heo có thêm một căn nhà nhỏ. Cột nhà bằng tre chôn chân xuống đất. Bốn vách được đóng vá víu bằng ván thùng sữa. Đủ loại sữa Tây, sữa Mỹ, sữa Nhật với các hình đầu bò, hình em bé mập xanh đỏ. Người thợ đóng không chuyên môn nên có tấm nằm xuôi tấm quay ngược. Cũng có nhiều chỗ trống trơn đủ để cho chủ nhơn căn nhà khi nào muốn nhìn ra đường thì khỏi phải cần đi ra ngoài chi cho mất công. Bên trong cũng có bàn ghế, giường ngủ và bếp đàng hoàng. Một cái thùng gỗ thông lớn vừa làm tủ đựng đồ đạc, vừa làm bàn viết, trên đó để đầy hộp lon đủ kiểu, đủ cỡ. Cách đó vài bước là bếp nấu ăn với ba cục gạch cháy xám đen chụm đầu vào nhau. Gọi là cái nhà, cái lều hay cái chòi? Làm sao biết! Đó là tất cả gia nghiệp của ông thầy Bảy. Vì quá ít ỏi và không có gì đáng giá nên khi phải đi ra ngoài, ông ta chỉ cần đưa tay khép sơ cái cửa lại là đủ. Nhiều khi say quá, ông để luôn cửa, ngủ luôn tới sáng hôm sau, cũng chưa bao giờ mất mát món gì.
Ông thầy Bảy đến ở đây cũng được đâu chừng chín, mười năm. Dân xóm Chợ từ ngày biết ông đến giờ, lúc nào cũng thấy ông mặc cái áo khoác đen, bên trong có áo sơ mi, chân đi giày. Tuy áo đã cũ mèm, vá cả chục chỗ, đôi giày há miệng để lòi ngón chân cái ra vì không có vớ. Có điều đầu tóc ông lúc nào cũng chải láng mướt. Trong túi luôn luôn có cây lượt đỏ bằng cao su được dùng hoài nên lên nước bóng. Thiên hạ gọi ông là thầy vì ông mặc đồ tây, đồng thời gọi là ông vì thấy ông thầy Bảy tuổi đã cao. Người ta cũng đồn đãi với nhau là ông có làm thầy thuốc, nhưng tôi chỉ thấy ông sinh sống với nghề câu cá, câu tôm. Cá tôm ở sông nầy đâu có nhiều nên ông nghèo rớt mùng tơi.
Tôi với ông thầy Bảy gặp gỡ hình như có duyên tiền định. Buổi đó tôi còn nhớ như in. Một tối mùa hè, trời nóng dữ dội, hai dãy phố chợ như bị hầm trong lò lửa. Tôi xách cần câu ra ngoài cầu tàu để mong hứng được chút gió mát từ sông thổi lên. Cạnh bên có ông già say miệng cứ lè nhè, mùi rượu đế hôi rình bay nồng nặc. Ngồi cả giờ lâu, không được con cá nào, ông xích lại gần tôi, cất giọng khàn khàn:
-Nè, nè, phải tiên sanh dạy thầy giáo không ?
-Dạ, tôi dạy học trò chớ đâu dám dạy thầy giáo! Mà sao ông biết tôi đi dạy học ?
-Ở cái chợ nầy, ai tôi cũng biết hết, từ ông Đại tá tỉnh trưởng cho tới chú lùn bán hủ tiếu ở dưới gốc me. Tiên sanh dạy học ở trường Nguyễn Trãi, ai mà không biết.
Tôi ngạc nhiên thú vị, nhưng cũng hơi giựt mình:
-Ông rành cái tỉnh nầy quá hả! Mà sao hồi nhỏ tôi không biết, ông ở đâu đến chớ đâu phải gốc gác ở đây.
Ông chận cái cần câu xuống dưới mũi giày, thò tay vô trong túi áo móc ra một hộp thuốc rê, vấn một điếu thuốc to bằng ngón tay cái, bật lửa đốt. Mùi thuốc khét lẹt. Ngọn lửa bùng lên soi sáng gương mặt. Cặp mắt sâu nằm ẩn dưới đôi mày rậm, lỗ mũi to đỏ sần sùi, cái càm nhô hẳn ra khiến khuôn mặt ông đầy vẻ cổ quái.
Bập bập điếu thuốc, ông trả lời:
-Ối, hơi đâu mà nhớ. Tôi đi khắp mọi nơi, ở đủ mọi chỗ. Trọn miền Nam nầy chỗ nào tôi cũng đã sống qua. Tiên sanh có bao giờ câu cá miệt Đồng Tháp chưa? Miền Đông nầy làm sao bì kịp. Rắn, rùa, lươn, ếch tha hồ mà ăn. Còn ở Ngã Bảy, Cạnh Đền thì khỏi nói.
Rồi ông kể một hơi trên cả chục địa danh, nào là Lịch Hội Thượng, Kế Sách, Xẻo Rô, Tắc Vân, Tắc Sậy, Gành Hào, Cái Vừng, Chợ Mới, cù lao Long Sơn... khiến tôi nhớ không hết! Tôi vẫn chưa thỏa mãn câu trả lời nên hỏi tiếp:
-Sao ông không ở miệt dưới cá tôm nhiều dễ sinh sống hơn. Lên đây ở chi cái đất khô cằn nầy, nghề câu đâu đủ sống ?
Câu hỏi đúng ngay mạch, ông trả lời tôi một hơi dài:
-Không dấu gì tiên sanh, tôi còn làm thầy thuốc nữa nên phải đi đó đi đây để giúp đỡ nhơn dân. Nghề thuốc là nghề chánh, còn câu cá là nghề phụ. Tiếc quá, ở cái tỉnh nầy không ai biết được cái tài của tôi. Không phải nói phách chớ bịnh gần chết, bác sĩ ở nhà thương chạy rồi, bà con khóc lóc mà đi lựa hòm, nếu tin tôi mà uống thuốc thì người đó cũng còn ăn cháo được vài chục năm nữa.
Tôi cười ngất:
-Tại sao ăn cháo mà không ăn cơm ?
Ông ta cười khà khà, quảng cáo tài nghệ:
-Bịnh gần chết mà còn sống được, ăn cháo là mừng rồi. Đòi chi tới ăn cơm. Tiên sanh không biết chớ, bịnh ho lao tôi trị cái một. Mấy ông thầy giáo ưa bịnh nầy lắm! Có lần ở U Minh Thượng, tôi trị cho thầy giáo Sang, bịnh ho thổ huyết, uống có ba thang, bịnh hết trơn. Nhưng rủi quá, tuần sau đó, thầy Sang bị Tây bố ráp, bắn chết. Thuốc dầu hay cũng không cải được số trời. Năm đó, thầy giáo mới có bốn mươi ba. Tuổi Dần mà lại gặp năm Thân. Dần Thân Tị Hợi, tứ hành xung mà!
Rồi ông chép miệng:
-Nhớ lại tội nghiệp thầy giáo. Suốt đời tận tụy phục vụ nhơn dân. Trường học ở gần phòng y tế, tôi với thầy Sang thương nhau như anh em ruột. Lúc còn trẻ, tôi chữa bịnh nổi tiếng nhờ tổ đãi, trị đâu hết đó. Tiên sanh biết không, tôi chuyên trị các bịnh nan y. Bịnh khó mà mình trị được mới hay. Như bịnh ho lao là dễ trị. Bịnh phong xù, bịnh củ trướng, bịnh nhức đầu đông, bịnh cùi, mới khó.
Nghe tới đây, tôi sửng sốt:
-Ông cũng trị được bịnh cùi sao ?
Ông ta trả lời quả quyết:
-Bịnh nầy tuy khó, nhưng tôi dư sức trị. Chỉ cần uống thuốc liên tiếp một năm, mỗi ngày một thang là hết liền. Nếu chưa dứt căn, bịnh trở lại, tôi châm cứu tiếp thì cam đoan tuyệt nọc.
Tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác:
-Ông cũng biết châm cứu ?
Ông Bảy nhìn ra xa, tay nhấp nhấp cần câu không thèm ngó qua tôi:
-Châm cứu dễ ợt, tôi biết từ lâu. Bá phát bá trúng. Hay lắm! Môn châm cứu giúp ích cho người nghèo. Nhơn dân nhờ nó mà sống còn tới bây giờ. Bọn đế quốc, tư bản đâu có biết châm cứu. Hồi đó tôi có viết một cuốn sách truyền bá cho nhơn dân cái toa thuốc căn bản để trị bá bịnh. Phía sau có phần chỉ các huyệt đạo. Ở thôn quê có nó thì khỏi lo các bịnh hoạn lôi thôi.
Tôi nhìn qua ông ta, lòng đầy thắc mắc, không biết ông nói thiệt hay nói chơi. Hồi đó là hồi nào? Những danh từ “nhơn dân, đế quốc, tư bản” nghe lạ tai quá. Tôi cẩn thận nhìn quanh thấy trên cầu tàu đêm hôm khuya khoắc không còn ai, hỏi nhỏ:
-Nói vậy là lúc trước ông có viết sách thuốc phổ biến cho nhơn dân ?
-Thú thiệt với tiên sanh, lúc còn trẻ tôi ở trong khu, coi việc y tế. Bây giờ già rồi, về thành lây lất qua ngày, không làm chánh trị nữa. Mình giúp ích cho đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cuốn sách đó là công trình của tôi góp nhặt các món thuốc hay lạ của đồng bào thôn quê thường dùng. Ban đầu tôi thử đem cho người bịnh uống, kết quả bá phát bá trúng, mấy ảnh hoan nghinh lắm nên đề nghị về trung ương cho phổ biến tận hang cùng ngõ hẻm. Nhơn dân cũng thích dùng cái toa thuốc căn bản nầy vì cây cỏ dễ kiếm. Ở đâu cũng có, cứ quơ tay ra là đụng.
-Ủa, thuốc gì mà dễ kiếm quá vậy. Hồi nhỏ chắc ông học thuốc cực khổ lắm ?
-Hồi đó, tôi sống ở nhà quê, có được học hành gì đâu, lặn lội làm thuê làm mướn kiếm sống, hết chỗ nầy đến chỗ kia. May mắn năm đó tôi làm công cho ông thầy “Xe Kéo” , học lóm được chút ít kinh nghiệm. Bịnh ho thì ổng cho uống lá tía tô, bịnh cảm thì uống lá bạc hà, làm kinh thì uống củ sả. Loanh quanh lẩn quẩn tôi thấy có mười món, bịnh gì cũng dùng được, khỏi mất công lộn xộn chọn tới chọn lui. Khi ra đời hành nghề, tôi bèn gom mười món đó lại thành một thang cho gọn, bịnh gì cũng sắc uống là hết liền. Do đó anh em thuộc Viện Y Tế Dân Tộc mới đặt tên là toa thuốc căn bản. Các món thuốc đó toàn là cây nhà lá vườn rất dễ kiếm như củ cỏ gấu, cỏ mần trầu, cỏ chỉ thiên, cỏ lá tre, vỏ quít, củ sả, lá tía tô, rau sam, rau húng cây, rau má…
Thấy toa thuốc của ông cũng hay hay nhưng có điều gì không ổn, tôi lại không rành về y lý nên chẳng dám bàn. Tánh tôi vốn tò mò nên cũng rán hỏi thêm:
-Theo như ông nói thì các bịnh nan y như bịnh cùi, bịnh ho lao, bịnh củ trướng, bịnh phong xù… cũng uống toa thuốc nầy là hết bịnh ?
-Tùy theo bịnh mà gia giảm thêm vài món, nhưng toa căn bản vẫn là gốc. Bịnh nặng lắm thì phải kiên trì uống thuốc thật nhiều ngày. Ông trời sanh ra cây cỏ cho nhơn dân dùng mà. Cứ lấy cây cỏ nơi mình ở, uống vô là đúng bịnh. Đó là theo lý ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ… Xứ mình là xứ nóng, uống các loại rau cỏ nó mát thì hết bịnh. Chớ thuốc tây nóng lắm, nó đuợc chế ra cho người xứ lạnh. Người mình dùng đâu có hạp. Tiên sanh học xa thấy rộng, nghĩ coi tôi nói đúng không ?
Tôi đáp vội:
-Phải, phải, ông nói rất hạp lý. Tôi cũng thích dùng thuốc bằng thảo mộc, uống vô nghe dễ chịu lắm. Ông quả là bậc lương y nhưng tiếc là gặp phải cái thời mạt pháp nên “tài bất thắng thời”!
Rồi tôi chép miệng than thở:
-Lưỡi gươm báu chặt sắt như chém bùn mà bây giờ phải đành để lấy đào trùn… để câu cá!
Nghe tôi an ủi, ông cười chua chát:
-Thiên hạ bây giờ ngày một đảo điên, ối, hơi đâu mà nói. Cũng may tôi trơ trọi một mình, không vợ không con, có cái cần câu nầy ngày ngày ngồi bên bờ sông, như con cò kiếm tôm kiếm cá.
Nghe ông nói tới đây, tôi chợt nhớ tới câu thơ cổ, buột miệng :
Tiên sinh sách cư giang hải thuợng
Tiếu như bệnh hạc thê hoang viên
Ông vổ đùi cười hả hê:
-Ờ, ờ, giữa cảnh trời trăng mây nước, tiên sanh nói chữ nho nghe hay quá. Mà hai câu đó nghĩa là gì vậy? Tôi chịu thua ba cái chữ nho, nhờ tiên sanh giải nghĩa, tôi rán nhớ thuộc lòng, nhậu lai rai vô, xổ nho nghe khoái lắm!
-Dạ, hai câu nầy của Tô Đông Pha làm lúc ông ở đất Lãnh Nam. Ông tả hoa mai nở, cảnh tuy rất đẹp nhưng thi sĩ cảm khái cuộc đời xế chiều của mình nên ngậm ngùi tiếc nuối. Lúc đó, ông Tô tuổi đã gần sáu mươi. Nếu dịch cho dễ hiểu thì là như vầy: “Ông thầy sống lênh đênh trên bến nước, cười gượng như hạc bịnh đậu vườn hoang”. Ông thử nghĩ coi, hạc là loài chim ốm o gầy mòn mà lại còn bịnh nữa thì ủ rũ lắm. Đã vậy mà nó còn đậu ở vườn hoang lạnh lẽo thì hết nước nói!
Câu giải đáp đúng ngay tâm sự, ông quơ quơ cái cần câu:
-Đúng quá, đúng quá, tôi là con chim hạc bịnh ngồi câu cá ở cầu tàu…
Tôi cảm thấy mình nói hớ, bèn rào đón:
-Xin lỗi, tôi vô ý giải nghĩa qua loa như vậy không biết có đúng không? Ông coi có chỗ nào sơ sót, sửa dùm lại cho hoàn hảo.
Ông đưa tay ngăn tôi lại:
-Tiên sanh đừng có ngại, có gì mà lỗi với phải. Tiên sanh còn trẻ mà nói chữ nho nghe hay ghê. Tôi cũng phải học thêm vài câu nữa như vậy mới được… để dành đi nhậu với hàng xóm cho đúng điệu nghệ. Phải tiên sanh hỏi chuyện thuốc men thì tôi rành lắm, còn chuyện văn chương chữ nghĩa thì tôi chịu thua…
Đêm dã thiệt khuya, gió sông thổi nghe lành lạnh, tôi cuốn dây câu để về. Lúc chia tay, ông nói vói theo:
-Lúc nào tiên sanh có rảnh ghé nhà chơi, tôi cho coi cuốn “Toa Thuốc Nam Căn Bản” in hồi đó, có tên với hình tôi chụp rõ ràng, in ở trang nhứt. Tiếc quá, lúc về thành, lại bỏ mất cái giấy ban khen của Bộ Y Tế…
Từ đó tới sau, tôi quen với ông thầy Bảy. Hình như ông hết thời, công cuộc sanh nhai ngày càng bết bát. Bịnh nhân bây giờ lại ưa dùng các loại thuốc nóng phương tây, cá tôm câu hoài cũng không có được bao nhiêu, khiến ông thầy Bảy vốn đã xác xơ lại càng xơ xác. Cái nhà mưa nắng gây hư mục cũng như tuổi già khiến đầu óc ông khi nhớ khi quên. Tôi cũng không biết làm sao mà ông sống được trong cái thời củi quế gạo châu nầy. Có lần gặp tôi, ông say khướt, miệng lè nhè:
-Tiên sanh biết không, tôi có giấy ban khen của nhà nước đàng hoàng. Ở miền Nam nầy tôi hạng nhứt…
Ông ngã tới ngã lui, mắt trợn trắng trợn dọc, tay níu lấy xe đạp của tôi, dằn mạnh:
-Tiên sanh không tin tôi hả ? Tôi có giấy ben khen của nhà nước đàng hoàng. Ở miền Nam nầy tôi hạng nhứt, không có thằng nào giỏi bằng thằng già nầy!
Tôi sợ ông giận, bèn trả lời cho xuôi:
-Ờ, ờ, ông thầy Bảy hạng nhứt, tôi hạng chót. Cả tỉnh nầy ai cũng hạng chót, hạng bét…
*
* *
Ai ngờ câu nói chơi thành ra thiệt. Ngày đó tôi bị cho nghỉ việc vì lúc trước lỗi lầm là đi dạy học cho chánh quyền quốc gia chống lại nhân dân. Cũng may, lỗi nhẹ nên không phải đi học tập lâu ngày. Tự nhiên thất nghiệp, tôi đâm ra lúng túng. Mỗi ngày cầm chén cơm ăn mà xấu hổ. Thân dài vai rộng mà vẫn phải còn nhờ cha mẹ nuôi dưỡng như lúc còn nhỏ, coi sao được. Sau khi đắn đo suy nghĩ về hoàn cảnh của mình, tôi nộp đơn xin học một khóa châm cứu cấp tốc ở chùa Con Ngựa, với dụng ý là tìm nơi ẩn náu cho qua thời buổi nhiễu nhương. Anh Ba Đê trưởng phòng thuốc dân tộc xã, đòi tôi một số tiền lớn, cấp cho một giấy chứng nhận là học viên châm cứu của cơ quan nhà nước. Giấy nầy có công dụng là được miễn lao động ở khu phố, đồng thời xác nhận tôi là công nhân viên nên ít bị dòm ngó lôi thôi.
Mỗi ngày tôi phải đến chùa làm các công việc xắc thuốc, phơi thuốc và học châm cứu với các bác, các anh có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Thấy tôi biết được chữ nghĩa, anh Ba Đê giao luôn cho công việc hành chánh văn phòng. Từ đó, tôi đỡ phải vất vả. Thôi vậy là mừng rồi, số mình còn đỏ hơn bạn bè đồng nghiệp. Tụi nó đứa nào đứa nấy ngất ngư luôn, đâu có tìm được chỗ ẩn thân tốt đẹp như vậy.
Cho tới một ngày, trước cửa phòng thuốc có một hàng xe Huê Kỳ đậu dài. Cả phòng ai nấy ngừng công tác, ngó ra đường để coi. Anh Ba trưởng phòng rối rít chạy ra đón tiếp quan khách. Trong phòng có người xầm xì:
-Bác sĩ Bộ Trưởng Y Tế của Chánh phủ Lâm thời lên thăm phòng thuốc dân tộc của mình.
Tôi nhìn ra ngoài. Một đoàn người đông đảo tiến vào sân. Loáng thoáng thấy có vài khuôn mặt lạ đi cùng với anh Mười, Phó tỉnh ủy, anh Tám, Trưởng ty Y Tế và một đông cán bộ cao cấp trong tỉnh. Giữa đám người rộn ràng đó là ông thầy Bảy, ông bạn già câu cá của tôi.
Ông thầy Bảy hôm nay thiệt là lạ, quần áo mới tinh. Đầu tóc hớt ngắn gọn gàng. Cái áo veste đen sờn rách được thay bằng áo sơ mi trắng tay dài, cái quần xanh đậm, cổ thắt cà vạt sọc xanh sọc đỏ. Đôi giày đen bóng loáng. Bộ đồ hình như không đúng khổ nên rộng thùng thình. Bước đi của ông vẫn xiêu vẹo như lúc say rượu, dáng điệu rụt rè, ánh mắt mệt mỏi, ngơ ngác.
Anh Tám Trưởng ty ân cần dìu ông lên các bậc cửa, cử chỉ chăm sóc như con cái thương yêu cha mẹ già. Ông thầy Bảy được ngồi ở chiếc ghế danh dự giữa phòng, bên cạnh ông Bộ Trưởng. Cái lưng ông còng xuống một phần vì tuổi già, một phần vì được ngồi ở chỗ quá trang nghiêm, ông cảm thấy ngại ngùng nên ké né.
Sau phần chào đón và giới thiệu quan khách của anh Tám Trưởng ty Y Tế, ông Bộ Trưởng ứng khẩu ca ngợi thành quả tốt đẹp mà phòng thuốc dân tộc đã đạt được trong năm qua, đồng thời trình bày lý do và mục đích của ông lên tỉnh nầy là để rước cụ lương y Bảy về Sài Gòn. Theo ông thì ông thầy Bảy có công trong nền y tế nước nhà. Ông xứng đáng được gọi là vị lão lương y của miền Nam. Tất cả phát minh sáng kiến về ngành thuốc của ông thầy Bảy trong thời kháng chiến vẫn còn đúng hoàn toàn với đường lối y tế của Đảng và nhà nước ta ngày hôm nay. Ông nói :
-…cộng cái học lực thâm sâu cùng với sự nghiên cứu kỹ lưỡng món thuốc dân tộc qua một quá trình kinh nghiệm lâu dài của cụ Bảy, nước ta có thể tự hào là đã có một vị lương y tài ba. Bây giờ đất nước hoàn toàn giải phóng, cụ lương y tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn còn có thể đóng góp sự hiểu biết sâu xa và quí báu về môn thuốc dân tộc bằng cách dạy dỗ hướng dẫn các anh em trẻ trong nghề hoặc viết lại các kinh nghiệm, kiến thức mà cụ thủ đắc được.
Kết thúc bài nói chuyện, ông bộ trưởng cũng không quên kết án bọn ngụy quyền cũ đã không biết trọng dụng chăm sóc một bậc kỳ tài để cụ lương y phải nghèo đói khổ sở. Mọi người im lặng nghe. Ai nấy cũng hoang mang vì không ngờ. Riêng tôi thì đã biết tài năng của ông thầy Bảy từ lâu nhưng hơi ngạc nhiên vì sân khấu đã đổi màn mà ông còn được kêu trình diễn tiếp tục.
Ông thầy Bảy nghe người ta ca tụng mình, hả hê cảm động. Mặt ông nghệch ra, đôi mắt rơm rớm. Ông rờ lỗ tai, rờ lỗ mũi, rờ râu. Ôi, cái bàn tay sần sùi vụng về, quen nhấp nhấp cái cần câu mỗi khi bối rối, bây giờ nó dư dả, thừa thãi. Lời ông Bộ trưởng vẫn còn tiếp tục, vang bên tai:
-… nhà nước sẽ rước cụ về bộ để đóng góp sự hiểu biết và sẽ nuôi dưỡng cụ chu đáo cho đến tuổi già để đền đáp công ơn…
Tiếng vỗ tay vang vang. Sau đó, đến phần ông thầy Bảy đáp lời. Ông đứng dậy, dáng lảo đảo y như lúc say rượu, quần áo xúng xính. Ông ấp a, ấp úng nói cái gì không ai nghe rõ. Tôi ngồi ở đàng xa nghe được có câu:
-tôi xin từ giã anh em phòng thuốc dân tộc.
Nói tới đó, ông đi đến từng người, ôm hun thắm thiết y như các cán bộ cao cấp ôm hun nhau trong các buổi lễ. Bắt đầu là anh Ba Đê, trưởng phòng, rồi đến ông Tám Vàng, ông Sáu Trầm và các vị y sĩ lớn tuổi. Sau rốt tới tôi. Khi ông đến gần, tôi ngượng ngập đứng dậy, ông vòng hai tay ôm lấy. Tôi ngửi thấy mùi áo mới, mùi thuốc rê hôi nồng, mùi rượu đế phảng phất và một mùi gì khó tả. Cái mũi đỏ, to sần sùi chạm vào má, tôi như muốn nín thở. Tiếng vỗ tay vang dội, có người nói xì xào ở chung quanh:
-Ông thầy Bảy được rước về Sài Gòn cho làm lớn lắm!
Buổi lễ tan, quan khách ra về hết. Phòng thuốc tĩnh mịch trở lại. Ông Tám Vàng lại gần tôi nói nhỏ:
-Đàn ông hun đàn ông kỳ thấy mồ, cái lỗ mũi ổng trơn chùi lạnh ngắt, nghe nhột nhột.
Tôi trả lời cười cười:
-Lần đầu tiên tôi được ông già say rượu hun, nghe rởn da gà!