main billboard

Trực đi thật nhẹ nhàng định đến sau lưng Trung bịt mắt xem thằng bạn có đoán ra là ai chăng, nhưng thật vô ích...


thoi tho_âuVừa đến cổng nhà thằng Trung, Trực gặp ngay hai chị em con Thu và con Thi đang ngồi trên bậc thềm xi măng nhà nó, hai tay cầm miếng dưa to đưa lên miệng. Vừa thấy bóng thằng Trực, miệng chúng bô bô: „Nhem nhem thèm, tao cho một miếng!… Nhem nhem thèm, tao cho một miếng!“

Con Thi và con Thu vừa nói vừa nhồm nhoàm ngoạm vào miếng dưa hấu đỏ au, trông thật hấp dẫn, khiến vị giác của thằng Trực làm việc liên hồi, nước miếng, nước dãi cứ thi nhau tiết ra khiến nó phải mấy lần nuốt vào ừng ực.

Nhìn hai chị em con Thi con Thu vừa ăn vừa nhem thèm nó với điệu bộ nghênh ngang ta đây mà thằng Trực muốn tống cho mỗi đứa một thoi cho bõ ghét. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thôi, chứ đời nào nó dám đụng đến hai đứa con gái này, hai con nhè, em của thằng bạn thân của nó từ lớp năm đến giờ.(lớp năm là lớp một bây giờ).

Đã 5 năm rồi nó và thằng Trung thân nhau còn hơn ruột thịt, lúc ăn, lúc chơi, lúc ngủ, lúc nào cũng như bóng với hình. Hằng ngày cứ giờ tan học buổi trưa là thằng Trung rủ nó mà như ép buộc nó về nhà thằng Trung ở lại ăn cơm trưa và chiều hai đứa lại cắp sách đến trường (thời gian đó học trò bậc tiểu học đi học cả ngày, chỉ được nghỉ chiều thứ tư hoặc chiều thứ năm, tùy trường). Có khi không muốn về nhà, nó ngủ lại với thằng Trung, vậy mà má thằng Trung không la rầy chi cả, còn khuyến khích nó ở đây luôn với thằng Trung cho có bầu có bạn. Mới đầu bà nó không cho phép nó ăn ngủ lại nhà thằng Trung, bà nó la nhiều lần lắm, nhưng sau má thằng Trung phải đến nói chuyện với bà nhiều lần, bà nó nể lời nên bà nó mới cho phép.

Ở nhà này không khi nào nó dám động đến hai cô tiểu thư Thu và Thi cả. Hai cô bé này đang học lớp tư và lớp ba, nổi tiếng là hay nhè, động một tí là nước mắt ngắn nước mắt dài tuôn ròng ròng, làm như mắt của chúng chỉ dùng để khóc không thôi vậy, và lại còn khóc dai không ai dỗ nổi nữa chứ. Nó thấy hai đứa này khác xa con em của nó, con Chôm cũng bằng tuổi con Thu và học lớp ba với con Thi. Em gái nó mới bằng ấy tuổi mà đã biết nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa thật gọn gàng vén khéo, lại còn phụ giúp bà nó nhổ cỏ tưới rau v.v… Quần áo thì thiếu thốn chứ đâu có được như hai chị em con con Thi Thu này. Thế mà lúc nào nụ cười cũng đượm trên môi em chứ có khóc nhè bao giờ đâu. Chắc tại vì không có ai dỗ dành nên em không khóc nhè chăng?

Thằng Trực cũng biết thân phận anh em nó côi cút, từ ngày lớn lên nó không được biết ba mẹ nó là ai cả. Nó lớn lên trong sự thương yêu đùm bọc của bà nội nó trong mái nhà tranh và mảnh vườn nho nhỏ do tự tay bà nó vun trồng những luống cải, những luống xà-lách và gieo thêm ít luống ngò, trồng vài liếp rau thơm, rau húng, rau răm v.v… Mỗi ngày bà nó và em nó hái rau đem ra chợ bán để lấy tiền mua gạo và thức ăn hàng ngày. Thường thì ở nhà chỉ có nó là con trai nên những công việc như xách nước đổ đầy chum, hoặc gánh nước tưới rau là việc của nó. Thế mà đôi khi bà nó cũng không cho nó làm vì bà nó cứ nói rằng, để thì giờ cho nó học hành, sau này đỗ đạt ra làm quan cho bà nó nhờ. Vì thế trong lớp không khi nào nó không được lãnh bằng danh dự đem về nhà. Bà nó rất hãnh diện về nó vì lúc nào nó cũng được thầy giáo khen là học giỏi và ngoan ngoãn nhất trường lớp. Việc bếp núc thì không khi nào bà nó cho nó mó tay vào vì bà bảo đó không phải là việc của con trai, con trai phải làm những việc to lớn chứ ai lại cứ chui vào bếp với những việc cỏn con lụn vụn… Thằng Trực lên tiếng hỏi: „Ê thằng Trung có nhà không?“

Hai con nhè không thèm trả lời câu hỏi của thằng Trực mà còn toét miệng cười và lập lại câu „nhem, nhem, thèm tao cho một miếng!“. Con Thi vừa nói vừa nghiêng đầu nhìn nó, hàm răng trắng bóng cắn ngập vào miếng dưa hấu đỏ tươi khiến nước dưa chảy chan hòa hai bên mép xuống chiếc áo đầm xanh lơ có viền nhiều đăng-ten như chiếc áo của cô công chúa Bạch Tuyết với bảy chú lùn mà nó thấy trong phim. Chiếc áo mà con Chôm em nó thường mơ ước mà bà nó không bao giờ sắm cho em nó. Bà nó nói mình là con nhà nghèo, phải ăn mặc giản dị, phải „ăn theo thuở, ở theo thì“. Nó cũng biết là chẳng bao giờ bà nó có nổi tiền để mua chiếc áo đó cho em nó, với lại bà nó nói cũng đúng, em nó mà mặc chiếc áo đó vô thì chắc là không đẹp bằng con Thi đâu. Nó thấy tiếc cho chiếc áo bị dính những giọt nước dưa đo đỏ. Nó quên mất ý nghĩ muốn thoi cho chị em con Thu mỗi đứa một thoi cho bõ ghét, nên tự nhiên miệng nó thốt ra: „Thèm, cho tao một miếng!”

Cơn thèm làm cho thằng Trực không giữ được mồm miệng mà thốt ra câu ấy. Con Thu nhìn con Thi, con Thi nhìn lại con Thu, không đứa nào muốn cho nó cắn một miếng, thế mà miệng chúng ra rả: “Đứa nào thèm tao cho một miếng”. Sau khi thốt ra khỏi miệng câu nói trên, nó thấy hối hận ngay và không để cho chị em con Thu, Thi thốt lời nào, nó bèn bỏ chạy một mạch về nhà chui vào bếp đóng cửa lại, ngồi xuống xó bếp gục đầu vào lòng mà thấy hối hận và xấu hổ không biết chừng nào. Nếu bà nó mà biết được là nó đi xin ăn một miếng dưa hấu của chị em con Thu thì thế nào bà nó cũng đánh cho một trận. Đòn thì nó không sợ vì bà nó có bao giờ đánh đau đâu, nhưng nó sợ nhất là bà nó buồn, bà nó sẽ vắt tay lên trán và thở dài mãi. Những tiếng thở dài của bà nó làm cho nó chết điếng trong lòng.

Nó nhớ có một lần nó lén lấy trái cây trên bàn thờ mà bà nó vừa mới cúng xong, khi biết ra bà nó không la rầy cũng không đánh mắng chi nó mà bà cứ nằm vắt tay lên trán mà thờ dài mãi làm nó từ đó đến giờ không bao giờ dám phạm lỗi nữa. Thế mà hôm nay tự dưng nó lại phạm một lỗi lầm to thế… Miếng dưa hấu lại ám ảnh nó khiến tuyến nước miếng lại thi đua nhau làm việc. Nó vội nuốt ực cơn thèm muốn và tủi nhục xuống bụng rồi gục đầu vào hai bàn tay suy nghĩ.

Tại sao cũng là người cả mà bà nó và anh em nó phải nghèo nàn thiếu thốn như vậy mà nhà thằng Trung thì cái gì cũng có. Quần áo thì chúng thay mỗi ngày một bộ, đi học về lại thay bộ khác để mặc ở nhà. Các em nó thì có cả đống áo đầm, cái nào cũng đẹp cũng sang hết. Đồ chơi của chúng nó không thiếu một thứ gì, từ những khẩu súng bắn bằng nút điên điển tối tân mà nó không bao giờ dám mơ ước đến, những chiếc xe hơi bằng sắt vặn dây thiều của thằng Trung đến những con búp bê nhắm mắt mở mắt mà anh em nó thèm thuồng biết chừng nào. Tất cả, nhà thằng Trung có hết.

Ba nó thì có đầy cả mấy tủ sách, báo thì có người đến đưa tận nhà hằng ngày. Lần nào đến nhà thằng Trung, nó cũng thấy ba thằng Trung nằm trên võng hay ngồi chồm hổm trước cửa mà đọc sách hay đọc báo. Có lẽ ba thằng Trung có cái thú đọc báo khi ngồi chồm hổm hay sao ấy, mà lần nào nó cũng thấy như vậy. Ông lại thích ngồi ngay trước cửa lớn của ngôi nhà trên nền xi-măng láng bóng, vừa đọc báo vừa nhâm nhi những hột đậu phụng rang giòn bỏ trong một cái lọ thủy tinh tròn to. Nhiều lần thằng Trung và nó cũng đã bốc trộm những nắm đậu phụng rang trong hũ nhưng ba nó không thấy vì ham đọc báo hay vì ông để mặc cho chúng nó tự do làm như thế? Những hột đậu phụng mà chị người giúp việc nhà thằng Trung rang thật khéo, không bị bong mất vỏ nâu nâu bên ngoài mà đậu vẫn giòn thơm như thường. Thường thường thị chị ấy rang một lúc đầy cả một thẩu lớn như thế rồi đậy nắp thật kỹ để cho ba nó ăn dần.

Mỗi lần thấy ba thằng Trung đi đâu về cũng có một nắm kẹo Nougat phân phát cho các con của ông. Trực thèm có một ông bố quá chừng. Nó cũng luôn luôn được bố của thằng Trung chia phần như các con ông và còn xoa đầu nó khen ngoan nữa khiến nó cảm động cúi đầu rưng rưng nước mắt và tưởng tượng thấy bố nó cũng giống bố thằng Trung vậy, nghĩa là cũng cưng con, hay mua quà cho các con… Thế mà bố nó không còn nữa. Nó nghe bà nội nó bảo là bố nó chết trận vì đi lính đánh nhau với Việt cộng.

Anh em nó lớn lên trong sự đùm bọc, săn sóc thương yêu của bà nội nó. Từ khi lớn lên đến giờ nó không biết mẹ nó là ai cả, chỉ nghe bà nội nó nói là mẹ nó đã đi thêm bước nữa. Nó cũng không hiểu “đi thêm bước nữa” là thế nào, nó có hỏi thì bà nó gắt: “là đi theo thằng bố khác rồi!..” Thế là từ đó nó không bao giờ dám gợi chuyện với bà để hỏi về thân thế của bố và mẹ nó nữa. Giá nó có một bà mẹ hay một ông bố hoặc là có cả hai như những đứa trẻ khác thì nó đâu có khổ, đâu có thiếu thốn mà thấy dưa hấu đến thèm thuồng như vậy. Sao mà hai cái con nhè ấy dễ ghét đến như thế cơ chứ. Mọi khi đến nhà chơi với thằng Trung mà hễ có hai cái con nhè này sà đến đòi chơi chung là thằng Trung liền quắc mắt rồi đuổi đi chỗ khác chơi liền: “Đồ con gái hay nhè, cút chỗ khác chơi!”

Thế là hai con nhè, nước mắt ngắn nước mắt dài, chạy đi mách mẹ. Thằng Trung chẳng sợ mẹ nó rầy chi cả, còn tỉnh bơ kéo nó vào phòng riêng chơi đánh kiếm hay làm cao-bồi bắn súng, chơi chán rủ nhau ra sân bắn bi, đánh đáo, vít hình… Chỉ khi nào chúng nó chơi tạt lon hay rượt bắt thì mới cho hai con nhè chơi chung mà thôi, nhưng trong trò chơi lúc nào Trực cũng phải nhường hai con nhè hết, nên những lúc chơi với chúng nó, Trực chẳng thấy hứng thú gì hết.

Trực và em nó luôn được tiếng là ngoan nhất làng, vì con mồ côi ở với bà mà đi đâu quần áo cũng tươm tất, lại được đến trường học hành, lúc nào cũng lễ phép với người lớn, hòa hoãn với những đứa bé cùng lứa tuổi nên anh em nó đi đến đâu cũng được mọi người thương mến, vì thế má thằng Trung thích nó ở chơi với thằng Trung, vì má thằng Trung thường nói với thằng Trung là “gần mực thì đen, gần đền thì sang” con phải chơi với anh em thằng Trực mà học cái tánh nết na nhu mì của anh em nó.

Ba ngày nay rồi, trưa nào thằng Trung cũng rủ Trực về nhà ăn Trung cơm mà Trực nhất định không chịu khiến thằng Trung thắc mắc mãi.

Mày giận gì tao hả Trực?

Không. Nó trả lời với vẻ mặt lầm lì.

Thế sao mấy ngày rồi mày không về nhà tao ăn cơm? Mẹ tao nhắc mày luôn đó, bà nói hôm nay tao phải rủ cho được mày về ăn cơm đó. Hôm nay bà nấu canh cá với lại món tôm rim mà mày thích đó.

Hôm nay tao phải về nhà tao, bà tao bảo vậy.

Thế thì mai mày sang nhà tao nhé. Nào, ngoéo tay.

Thằng Trung đưa ngón tay trỏ cong cong ra chờ đợi ngón tay trỏ của thằng Trực ngoéo vào là lời hứa đã được chấp thuận, như lúc tụi nó đã ngoéo tay thề hứa chơi chung với nhau suốt đời, không bỏ nhau. Trực không muốn thấy hai cái bản mặt hai con nhè tí nào cả vì vẫn còn tức cái hận xin dưa hôm nọ, nhưng nó thấy ngón tay của thằng Trung chờ lâu quá không đành, với lại cái món tôm rim mà nó và thằng Trung đều thích ăn. Má thằng Trung mà kho rim thì phải biết, nó ăn đến ba bốn chén cơm mà vẫn cứ còn thòm them. Khi ngón tay của nó đưa ra, thằng Trung liền ôm lấy vai nó xiết mạnh một cách thân thiết làm nó cảm động và cơn giận kéo dài ba bốn ngày nay tan biến một cách nhẹ nhàng.

Trưa hôm đó nó lại về nhà thằng Trung ăn cơm như thường lệ và hai cái con nhè kia cũng vẫn nhìn nó cười thay cho cái chào. Con Thi còn hỏi han nó nữa chớ:

Ê Mấy ngày nay mày đi đâu mà không lại ăn cơm?

Ờ, tao phải về nhà với bà tao.

Bà mày đau hả?

Không.

Vậy sao mày không đến nhà tao ăn cơm rồi đi học chiều luôn?

Ờ, ờ… tao… tao…

Thằng Trực chưa tìm ra được lời nào để trả lời câu hỏi của con Thi thì con Thu đã chạy ra nắm lấy tay nó kéo vào bàn học của nó để khoe tập giấy màu và cây kéo mới.

Này anh Trực ơi, có đẹp không hả? Ba em mới mua ngày hôm qua đó. Vừa nói Thu vừa đưa cây kéo vào tay Trực:

Này, anh cắt thử mà xem, nó sắc lắm. Khi nào anh cần thì Thu cho anh mượn nhé?

Ừ.

Thằng Trực vừa cười vừa trả lời con Thu và cơn bối rối cùng những giận hờn đã tan biến đâu mất.

Trực đi thật nhẹ nhàng định đến sau lưng Trung bịt mắt xem thằng bạn có đoán ra là ai chăng, nhưng thật vô ích vì con Thu ngồi đối diện với Trung đã lên tiếng: Kìa anh Trực đến… thế là Trung đã a thần phù chạy ra đón Trực vào. Hôm nay là ngày ăn mừng con Thi vừa thi đỗ bằng tiểu học và trúng tuyển vào lớp đệ thất trường nữ trung học công lập độc nhất trong tỉnh lỵ. Em Chôm cũng thi đỗ như nó nhưng chẳng có ăn mừng gì hết ráo, em chỉ được bà nội của Trực thưởng cho mười đồng bạc mà mừng đến phát khóc và được Trực dắt em đi chơi, bao em một chầu xi nê phim Bambino, sau đó hai anh em làm thêm một chầu đậu đỏ bánh lọt bên hè đường là em vui vẻ và hài lòng lắm rồi. Thật con nhà giàu có khác, bà nội Trực vẫn thường nói là “phú quý sính lễ nghĩa” con ạ.

Hôm nay, thực tình Trực cũng không muốn đến dự bữa tiệc này một tí nào cả, nhưng vì chỗ quá thân tình, ngày thường còn có mặt luôn thì những ngày đặc biệt này Trực vắng mặt coi sao được. Phần thì vì Trực năn nỉ mãi mà em Chôm nhất định không chịu cùng đến dự, viện lẽ là em không thích tiệc tùng đông người, phần thì Trực cũng ngại ngùng vì đến dự tiệc mà mình không có bộ đồ vía nào cho ra hồn cả, mà lại đến dự tiệc nhà giàu nữa thì thế nào cũng có đông họ hàng bà con nhà thằng Trung nữa. Nhưng Trung cứ nhất định là Trực phải đến, nếu không thì nó giận luôn cho coi và những lúc như thế nó lại nhắc lại lời hứa của hai đứa thề hứa nghoéo tay với nhau từ lúc còn học lớp tư lớp năm với nhau, nay hai đứa cùng là học sinh lớp đệ lục trường trung học Nam công lập chứ bộ, sang năm hết hè này là vào lớp đệ ngũ rồi chứ ít sao.

Trên chiếc bàn ăn mọi khi, hôm nay được phủ một lớp khăn trắng muốt, những chiếc ly thuỷ tinh trong suốt, bên trong mỗi ly là một khăn giấy đủ màu trông rất đẹp, bày bên cạnh mỗi chiếc ly là một chiếc chén kiểu và một đôi đũa chạm trổ rất đẹp mà mọi khi Trực thường thấy chúng được chưng trong tủ kiếng, thức ăn bày la liệt trên bàn. Chu choa ơi, tiệc con nít mà trịnh trọng còn hơn những bữa giỗ của nhà bà cháu Trực nữa. Mỗi lần giỗ ông nội hay giỗ ba Trực, bà chỉ mua có một con gà, làm sạch sẽ xong đem luộc chín rồi cho nó ngậm một chiếc hoa hồng, trông con gà thật đẹp trong chiếc đĩa to tròn, trịnh trọng làm sao! Bà nó bày con gà lên bàn thờ khói hương nghi ngút, bên cạnh con gà là đĩa bánh cốm mà bà rất thích, bà mua ở tiệm bánh „Rồng Vàng“, tiệm bánh mà bà nó thường nói là làm bánh vừa khéo vừa tinh khiết, nổi tiếng từ Hà Nội vào đến Dalat và đĩa trái cây đủ loại. Cúng xong bà hạ con gà xuống chặt ra làm hai đĩa, phần cổ cánh thì bà nấu canh với su su trồng trong vườn, còn bộ đồ lòng gà thì bà xào với đậu hoà lan hay su hào cũng tự tay bà trồng trong vườn nhà. Trực tự nhiên thấy ngậm ngùi làm sao, cúi nhìn xuống đất di di mũi giày trên nền xi măng láng bóng mà nỗi hờn tủi kéo đến xâm chiếm đầy hồn…

– Anh Trực à, ngồi gần em đi, chỗ này em để dành cho anh đó. Chôm đâu mà không đến hả anh?

Thi lên tiếng mời chào khiến Trực đâm ra ngượng ngập thế nào. Sao hôm nay tử tế thế, lại còn gọi Trực bằng anh nữa, mọi khi nó vẫn mày tao với Trực luôn cơ mà. Thật ra thì có khi nào con Thi không tử tế với Trực đâu, lúc nào nó cũng vui vẻ với Trực, cũng coi Trực như anh Trung của nó đấy chứ, mà những lúc nó mày tao với Trực, Trực lại thấy dễ chịu hơn là khi nó anh anh em em với Trực. Vậy mà lúc nào Trực cũng có cảm tưởng là nó không có cảm tình với Trực vậy, có lẽ vì Trực mặc cảm cái lần xin dưa năm nào chăng… Cái chuyện xa xưa đó chắn chắn là con Thi chẳng nhớ một tí gì, nhưng với Trực thì sao nó vẫn cứ dai dẳng trong đầu, nên hễ nhìn thấy Thi là nó thấy ghét cái bản mặt con nhè. Bây giờ Thi không còn nhè nữa nhưng cái tội nhõng nhẽo ba mẹ nó thì Trực thấy nó không bỏ một tí nào cả, mỗi lần thấy nó nhõng nhẽo mẹ nó là Trực lại thấy ghét con Thi thậm tệ và thương em Chôm của Trực vô cùng.

Mà nghĩ cho cùng Trực là thằng chúa giận dai chứ con Thi nó có khi nào để bụng đâu. Có lần Trực cũng làm cho nó giận đến cả tuần không thèm nhìn mặt Trực đó thôi. Một hôm Trực và Trung từ trong phòng đi ra, ngang qua phòng hai con nhè, Trực nghe tiếng hát vọng từ trong phòng ra “chùa Hương có người chết trôi….” Trực liền phóng miệng “có cô đái dầm…“ Thế là con Thi giận lắm, mà chắc là nó mắc cở nhiều hơn vì nó có bệnh đái dầm từ nhỏ đến giờ chưa hết, mặc dù má nó đưa nó đi chữa bệnh khắp nơi từ ông lang ta cho đến những ông „đốc tờ“ nổi tiếng mà bệnh của nó cũng không thuyên giảm, sau má nó lại nhờ đến những hoàn thuốc tễ mua ở tiệm thuốc của ông tàu hiệu “Con Cua”, rồi đến những liều thuốc chữa mẹo mà mọi người mách cho má nó, chẳng hạn như bằng cách bắt con nhện to đen đem nướng rồi nghiền thành tro cho nó uống, hoặc là bằng cách lấy ba cái lông đuôi gà rửa sạch đốt cháy thành than, tán nhỏ hoà với rượu uống là hết ngay v.v…, nhưng bệnh của nó cũng không hề dứt được, nên hễ ai nhắc tới căn bệnh của nó là nó mắc cở dữ lắm và giận ghê lắm. Suốt một tuần lễ sau đó hễ cứ thấy mặt Trực là nó lui vô phòng, và hễ bữa cơm nào có Trực là con Thi viện cớ nọ cớ kia để bỏ cơm, làm Trực không dám đến nhà nó nữa, và sau đó Trực phải xin lỗi nó, và nói chuyện với má nó để bà hiểu, má nó phải dỗ dành nhiều lần con Thi mới chịu thôi không giận Trực nữa.

Trực ngồi xuống bên cạnh con Thi và Trung, rồi đến Tân, Huy, hai người em họ của Trung, bên cạnh Thi thì con Nga, con Thuý, cũng vừa thi đỗ như nó và con Tý em của Tân, Huy, đứa nào cũng diện áo đầm đẹp đẽ, tóc cài nơ vì chúng là con nhà giàu cả. Trực lại nhớ em Chôm, may mà em không đến chứ em mà đến đây với bộ quần áo mộc mạc thì em Chôm và Trực xấu hổ biết chừng nào bên cạnh những chiếc áo đầm rực rỡ sang trọng. Trực là con trai ăn mặc sao cũng được cả chứ em… Trực nhìn sang con Thi trong chiếc áo đầm màu hồng, tóc cũng cài nơ hồng, đối diện nó là con Thu cũng ăn mặc y hệt chị nó. Trực lại ngậm ngùi nghĩ đến em Chôm và đến bà, vài tháng nữa bà lại phải may sắm cho em vài bộ đồng phục nhà trường, quần dài, áo dài trắng, áo dài xanh, guốc dép, sách vở v.v và v.v... anh em Trực càng lớn càng là gánh nặng cho bà Trực, vì thế đứa nào cũng cố gắng học hành ngoan ngoãn. Chưa lúc nào mà Trực và em Chôm đứng dưới hạng thứ ba trong lớp mỗi cuối tháng, bà Trực thường nói đó là phần thưởng của hai anh em đem về cho bà, như vậy là bà vừa lòng và vui lắm rồi.

Con Tý nhìn Trực, cái nhìn soi mói từ đầu tới chân làm Trực hơi mất tự nhiên. Trực trừng mắt nhìn lại nó khiến nó quay nhìn đi chỗ khác. Tự ái trong lòng Trực lại nổi lên, Trực rất ghét con Tý vì con này rất chanh chua, thương ganh tỵ với em Chôm vì em học giỏi và thấy Trực hay lui tới chơi thân với Trung nên nó ghét lắm. Một hôm Trực và cả nhà Trung đang ăn cơm trưa thì nó và mẹ nó đến nhà Trung, nó liền sà xuống mâm cơm và nói ngay vào mặt Trực. “Ê, đồ ăn chực, Trực, trực, là đồ ăn chực“. Trực giận lắm, vừa tủi thân vừa tức giận nên nước mắt ứa ra và Trực buông bát cơm cắm cổ chạy về nhà, mặc cho thằng Trung chạy theo năn nỉ. Chiều đó Trực bỏ học, nằm nhà gặm nhấm nỗi buồn tủi và giận đời hết sức… Đến tối má thằng Trung và cả má con Tý đến nhà xin lỗi bà Trực và khuyên Trực đừng giận gì con Tý cả vì nó còn nhỏ ăn nói tầm bậy tầm bạ, yêu cầu Trực bỏ qua. Nhờ vậy cơn giận cũng lắng dần dần, nhưng sự đi lại nhà Trung tự nhiên Trực cũng thưa thớt dần vì kỷ niệm chua cay đau đớn này cứ ám ảnh Trực mãi.

Không khí và thời tiết California luôn luôn gợi Trực nhớ đến Dalat thân yêu, nơi Trực được sinh ra và lớn lên với biết bao nhiêu vui buồn tủi cực, bao nhiêu êm đềm cũng như sóng gió trong cuộc đời, nơi đó biết bao người thân yêu của Trực đã đi vào lòng đất, và biết bao người thân yêu còn đang sống dưới chế độ hà khắc bóc lột của bạo quyền Việt cộng.

Những kỷ niệm xa xưa từ thuở thơ ấu lại kéo về, Trực ngẫm nghĩ và mỉm cười một mình, tuổi thơ sao nhiều kỷ niệm quá, mà về phần Trực, chàng chỉ nhớ những kỷ niệm chua cay nhiều hơn là những kỷ niệm êm đềm những ngày sống bên anh em Trung. Nếu không nhận được thư của em Chôm và tập nhật ký của Thi nhờ Chôm trao lại cho chàng lúc em ra đi vượt biển tìm tự do, thì Trực không bao giờ biết được rằng trong lòng cô gái đài các nhà giàu đó lại đã yêu mình tha thiết mà không hề thốt một lời nào.

Những giòng nhật ký với hàng chữ xinh xắn của thuở xa xưa gợi cho Trực nhiều thương cảm, ngậm ngùi về người con gái đẹp đã có với Trực rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Từ khi Trung và Trực đỗ tú tài xong, năm đó em Chôm và Thi cũng đậu bằng trung học đệ nhất cấp, Trung tiếp tục theo học nốt phần tú tài II và sau đó được gia đình cho đi du học ở Pháp, phần Trực ra đi làm để giúp bà và để em Chôm được tiếp tục ăn học. Trực thì sau khi đi làm việc được vài năm ở một hãng của Mỹ, thì em Chôm lập gia đình với một thằng bạn học của Trực, vài tháng sau bà Trực bị bịnh nặng qua đời. Trực tình nguyện vào Quân Trường Thủ Đức, từ đó chàng lang bạt giang hồ, vui với đời binh nghiệp, không một lần trở về thăm Chôm và gia đình Trung cho đến ngày vật đổi sao dời năm 1975. Trực không hề gặp lại Thi lần nào, tuy Trực và Trung vẫn thư từ liên lạc với nhau luôn. Trực đâu có ngờ rằng trong thời gian đó là thời gian Thi thường lui tới với vợ chồng em Chôm để dò la tin tức của Trực, nàng cũng mong ngóng một ngày về phép của Trực như em Chôm đã từng mong ngóng, thế mà Trực vẫn cố tình làm ngơ để tự cho phép mình sống một cuộc đời binh nghiệp phóng túng.

Ngồi ngả người ra trên chiếc ghế bành bọc da, mắt lim dim theo khói thuốc vấn vít trên trần nhà Trực để hồn mình tự do phiêu du với những lời cầu khẩn cho Thi, cho ngừơi con gái lúc nào cũng xa cách Trực, một khoảng cách do Trực ngăn ra từ những ngày còn thơ bé hay chơi đùa bên nhau, có lẽ vì hai hoàn cảnh gia đình khiến Trực muốn giữ mãi khoảng cách. Đâu ngờ rằng trong lòng cô gái đài các ấy lại thương yêu, lưu giữ hình ảnh cái thằng Trực nghèo nàn này. Anh thật không ngờ em gái có một tâm hồn thầm lặng và sâu sắc quá, thật khác xa với bề ngoài vui vẻ và trực tính của em. Em ạ, hãy ngủ yên trong lòng biển lạnh, anh sẽ nhớ em qua những nén nhang để cầu nguyện cho hương hồn em, em gái ạ. Em mãi mãi là em gái của anh, của Trung, Thi nhé. Hãy ngủ yên em gái dễ thương của anh./-