Đọc xong bản tin trên RFA về trận lũ lụt tại thủy điện Rào Trăng 3, thuộc Hương Điền, Hương Khê, Thừa Thiên, tôi lặng người trong nỗi xót xa vô vàn! Không xót xa sao được khi mà Huế “của Ngoại” tôi – thuộc tỉnh Thừa Thiên – cũng chìm sâu trong biển nước!
Không nói được tiếng Huế, nhưng tôi đã âm thầm thương yêu Huế từ khi tôi vừa bắt đầu học đánh vần – nhờ giọng nói dịu dàng, thiết tha của bà Ngoại và Má tôi.
Là đứa cháu đầu tiên của bà Ngoại cho nên tôi được Ngoại cưng lắm. Biết được cưng, chìu, lúc nào tôi cũng nhõng nhẽo với Ngoại. Khi nào sự nhõng nhẽo của tôi “vượt quá giới hạn”, bị Ba Má tôi la rầy, tôi cũng thụng mặt, môi trề ra, nước mắt rưng rưng thì Ngoại vỗ về tôi rồi lén Ba Má tôi, giúp tôi có được những gì tôi muốn. Giúp tôi xong, thấy tôi vừa quẹt nước mắt vừa cười “toe toét”, Ngoại dí nhẹ ngón tay trỏ vào trán tôi vừa cười vừa “mắng”:
– Cại mặt mi là cại mặt “tò vè”!
– Mặt “tò vè” là cái mặt chi mà Ngoại cứ nói với con hoài vậy?
– Cái mặt “tò vè” là cái mặt “tò vè” chứ có chi mô mà không hiểu.
Tôi hỏi Ba Má tôi về hai tiếng “tò vè”, Ba Má tôi không biết; vậy là tôi nghĩ Ngoại rất thông minh, có vốn ngữ vựng riêng.
Khi tôi hơn mười tuổi, thấy Ba tôi bắt đầu dạy tôi học nhạc, Ngoại dặn dò:
– Con học đờn thì học mà lớn lên con không được “làm” ca sĩ, nhạc sĩ, nghe chưa?
– Con thích “làm” ca sĩ mà!
– Không được mô! Ba Mạ mi mà cho mi “làm” ca sĩ là tau từ Ba Mạ mi liền.
Ba tôi cười:
– Mạ đừng lo! Không bao giờ con để con của con trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp đâu!
Khi tôi trở thành thiếu nữ, được nhiều thanh niên để ý, Ngoại dặn dò Ba Má tôi:
– Gả hắn cho ai thì gả, đừng gả hắn cho người Huế, nghe!
Tôi ngạc nhiên:
– Ngoại là người Huế mà tại sao Ngoại không thích người Huế?
– Ai nói với mi tau không ưa người Huế? Con nhỏ ni nói chuyện nghe “dị òm”!
Tôi lại nghĩ hai tiếng “dị òm” là từ ngữ riêng của Ngoại. Tôi hỏi:
– Nếu Ngoại thương người Huế tại sao Ngoại không muốn con lấy chồng người Huế?
– Ui chao, con nhỏ ni dại “dễ sợ”! Lấy chồng Huế mi phải làm dâu bà già chồng người Huế chanh chua mà còn bị mấy “ông chú mụ o” nhọn mồm xỉa xói nữa. Biết chưa?
Người Việt có câu: “Ghét của nào Trời trao của đó”, quả thật ứng nghiệm vào đời tôi. Chồng tôi – Minh – người Huế.
Sau đám cưới, Minh đưa tôi về Huế để “ra mắt” họ hàng bên chồng.
Hôm đãi họ hàng tại nhà, thấy tôi mặc áo dài, sẵn sàng “ra mắt” họ hàng, Bố của Minh gọi tôi đến. Với tâm trạng rất ngại ngùng và lo sợ, tôi vừa nghĩ đến lời “cảnh báo” của Ngoại vừa bước về phía Bố vừa nhìn Minh rất nhanh, như “cầu cứu”. Không ngờ, khi tôi đến cạnh, Bố cười, hỏi:
– Răng con không trang điểm?
– Dạ, Ba Má con không cho con trang điểm. Con quen rồi.
– Không được! Con có chồng rồi, con nên trang điểm phơn phớt thôi, cho ra vẻ thiếu phụ.
Tôi đang “ngớ” ra thì Mạ của Minh vào phòng, lấy thỏi son của Mạ, đưa cho tôi, bảo:
– Con dùng thử màu ni coi có hợp hay không; nếu không hợp, con nói Minh đưa con ra tiệm gần nhà mua màu khác, con hỉ! Mau đi kẻo khách tới chừ!
Hết nhìn Mạ rồi nhìn Minh, tôi tự hỏi: “Bà Mẹ chồng Huế như vầy mà chanh chua cái nỗi gì!”
Những ngày sau đó Minh dùng Vespa của người em, đưa tôi đi khắp mọi ngõ ngách của Huế. Huế xưa hơn tuổi đời của Ngoại rất nhiều. Huế trầm mặc, thanh lịch như vóc dáng cao sang, đài các của Má tôi. Huế êm đềm, tĩnh lặng như mặt Hồ Xuân Hương, Dalat – nơi tôi chào đời. Huế có sức quyến rũ âm thầm nhưng mãnh liệt mới có thể chinh phục được người có cá tính cứng rắn như tôi.
Nếu George Cory và Douglass Cross đã để lại trái tim tại thành phố San Francisco – bằng ca khúc “I Left My Heart in San Francisco” – thì tình thương tôi dành cho Huế cũng không khác chi tình thương tôi dành cho Ngoại và Má tôi.
Vì đã dành cho Huế lòng thương yêu cao vời và thiêng liêng như vậy, cho nên, Tết Mậu Thân – năm 1968 – nghe tin Huế bị cộng sản Việt Nam (csVN) xé Hiệp Ước đình chiến, xua quân về tàn sát người dân và phá tan di tích lịch sử, Ngoại khóc, tôi khóc theo. Ngoại bảo Ba Má tôi mua vé xe lửa cho Ngoại về thăm Huế, Má tôi cản:
– Về mần chi? Gia đình mình còn ai ngoài nớ nữa mô mà Mạ đòi về?
– Khổ chi lạ! Không còn người sống thì còn người chết! Mạ phải về vì nghe nói “tụi hắn” – Việt cộng & csVN – giết cả mấy ngàn người, không có chỗ chôn. Mạ phải về để “chịu tang chung” với Huế, con ơi!
– Mạ về ngoài nớ, thấy Huế tang thương, đổ nát, Mạ khổ thêm chứ Mạ làm được cái chi mà đòi về?
Ngoại trả lời không được, đành nhổ nước cốt trầu vào “ống nhổ”, rồi khóc!
Khi Minh và tôi đem các cháu đến gửi, nhờ Ngoại và Má tôi trông giùm để Minh và tôi về Huế đưa Mạ và các em của Minh vào Saigon – thời điểm đó Bố của Minh không còn nữa – Ngoại thủ thỉ với tôi:
– Con! Nghe nói “tụi hắn” biến Huế thành bình địa rồi, Ngoại đau lòng quá, chỉ muốn về, khóc với Huế “của Ngoại” một lần rồi có… chết Ngoại cũng cam lòng! Con nói Ba Mạ con cho Ngoại về thăm Huế “của Ngoại” đi, con!
Ngoại, Minh và tôi về Huế bằng đường hàng không; vì Ba Má tôi ngại, nếu chúng tôi đi xe lửa, nhỡ xe lửa bị Việt cộng chận thì sẽ nguy hiểm cho Minh.
******
Huế “của Ngoại” tan hoang, đổ nát, chỉ còn hằng hà sa số ngôi mộ mới chôn và rất nhiều ngôi mộ tập thể cùng nước mắt và tiếng oán than thấu Trời!
Sự tang thương của Huế gợi lại trong hồn tôi hình ảnh những ngôi đình làng – tại Sơn Tịnh, Quảng Ngãi – bị bộ đội cụ Hồ đập phá; vì Việt Minh & csVN kết tội chùa, đình làng là biểu tượng của phong kiến. Nhiều mái tranh phựt cháy vì bị Việt Minh đốt. Rất nhiều người dân bị đuổi ra khỏi nhà để bộ đội cụ Hồ giật sập nhà, thực hiện chính sách “bần cùng hóa nhân dân” và “tiêu thổ kháng chiến” do đảng csVN chủ xướng, trong thời kỳ Ba tôi đảm nhận chức vụ Trưởng Đoàn Văn Nghệ Liên Khu V. Thế mà, sau đó, người dân và trẻ em trong làng Sơn Tịnh phải “học tập” để nghe cán bộ tuyên truyền một cách xảo trá rằng: Thực dân Pháp đã càn quét, bắn phá, đốt cháy xóm làng!
Chính sự xảo trá này của csVN là động lực chính thúc đẩy Ba tôi – cũng như nhiều trí thức miền Nam – ly khai Việt Minh, trở về “vùng bị chiếm”.
Từ ngày trở về “vùng bị chiếm”, tôi cứ tưởng chiến tranh và bom đạn đã rời xa tôi; nhưng không! Theo Wikipedia – được csVN tài trợ và chi phối – đã xác định: “…2 giờ 33 phút ngày 30- 1- 1968, pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu địch ở khu Tam giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Đông Toàn, Đông Ba, mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng quân Giải phóng trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu trong và ngoại thành Huế…”
Đấy, đoạn văn trích dẫn từ Wikipedia đã xác định một cách rõ ràng: “…pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu địch {…} mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế…” Thế thì Việt Nam Cộng Hòa hay csVN xâm phạm Hiệp Định ngưng chiến Tết Mậu Thân? Thế mà câu tiếp theo, Wikipedia lại đổ tội cho Mỹ: “… Theo thống kê, sau 25 ngày chiến sự, 80% nhà cửa ở Huế đã bị bom đạn Mỹ phá hủy, hàng ngàn thường dân cũng chết trong các cuộc giao tranh.[10]”
Bằng vào thời gian dài tháp tùng nhiều cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch, tôi được biết chính xác: Cùng với chiến thuật “biển người” đã được csVN thực hiện từ thời Điện Biên Phủ, Việt cộng & csVN thường áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” – như csVN & Việt cộng đã áp dụng tại Huế năm Mậu Thân: Pháo kích ào ạc trước rồi tấn mới tấn công – và chiến thuật “xa luân chiến”. Thế thì ba chiến thuật dã man này và mã tấu của Viêt cộng & csVN không có hiệu năng giết người hằng loạt và gây hỏa hoạn hay sao mà Wikipedia chỉ đổ tội cho bom đạn của Mỹ, trong trận Tết Mậu Thân?
Năm Mậu Thân, thấy Huế “của Ngoại” tiêu điều, xơ xác bao nhiêu tôi càng thương nhớ và luyến tiếc nét mỹ miều, diễm lệ của Huế dạo tôi về “ra mắt” nhà chồng bấy nhiêu! Tim tôi thắt lại, chỉ biết âm thầm quẹt nước mắt. Mắt của Minh cũng đỏ rực! Đó là lần đầu tiên tôi thấy Minh – một sĩ quan rất “ba gai” – không thể đè nén được niềm xúc động! Riêng Ngoại, sau khi nghe nhiều nạn nhân ở Huế kể lại, Ngoại khóc ròng!
– Chao ơi! Nghiệt chi mà nghiệt dữ ri, Trời! Bộ đội ông Hồ “đổ vạ” là “thằng” Tây, “thằng” Mỹ đô hộ nước mình; rứa mà từ khi Cha sinh Mạ đẻ đến chừ có khi mô Ngoại thấy “thằng” Tây, “thằng” Mỹ kéo quân về giết hại dân mình như bộ đội ông Hồ xua quân về đánh khắp miền Nam rồi chém giết mọi người trong thành phố Huế như lần ni! Trời ơi là Trời! Huế “của Ngoại” mô rồi? Huế “của Ngoại” không còn nữa thì Ngoại sống mần chi, con ơi!
Tôi chỉ im lặng, khóc!
Năm 1995, tôi về Việt Nam thăm Mạ của Minh đang bệnh. Khi về kinh tế mới thăm gia đình, thấy Ngoại, tôi khóc! Ngoại ốm tong ốm teo, già quắt già queo. Ba và các em trai của tôi đi “cải tạo?” về đều bị bệnh, sức khỏe sa sút nhiều, không thể lao động mưu sinh; tiền tôi gửi về giúp chưa đủ chữa bệnh cho Ba và các em trai của tôi. Má tôi không có tiền mua trầu cho Ngoại; chỉ mua được vài trái cau khô. Ngoại nhai vỏ cau khô cho đỡ thèm! Tôi hỏi:
– Ngoại muốn về thăm Huế không, con đưa Ngoại đi?
– Huế “của Ngoại” còn chi nữa mà thăm! Chừ Huế, Đà Nẵng là của Tàu rồi! Ra đường chỉ nghe tiếng Tàu chứ có tiếng Huế mô nữa mà thăm, con!
Nhớ lại lời than của Ngoại, tôi buồn quá, vào Google tìm tin tức về Huế để xem Huế “của Ngoại” thay đổi như thế nào. Tôi chỉ thấy đa số báo online đều viết về trận lũ lụt tại Huế “của Ngoại”.
Tôi biết, Huế “của Ngoại” mỗi năm thường bị lụt lội. Nhưng từ thời Pháp thuộc rồi Mỹ “đô hộ” Việt Nam cho đến năm 1975 tôi chưa hề thấy Huế “của Ngoại” chìm sâu trong biển nước hãi hùng và các thành phố lân cận khác thì núi đồi sạc lỡ, chôn vùi dân cư và chôn luôn – ông Nguyễn văn Man – thiếu tướng csVN!
Nhưng, từ sau khi csVN cưỡng chiếm được miền Nam thì những cơn lũ lụt kinh hoàng tiếp tục giáng xuống Huế và các tỉnh lân cận mỗi năm một tệ hại hơn. Tôi tự hỏi, có phải vì môi trường thay đổi cho nên Huế “của Ngoại” cũng bị ảnh hưởng hay không? Tôi nghĩ, có thể đúng phần nào; còn phần không đúng thì do đâu?
Vào Google tìm hiểu, tôi đọc được trên vietnambiz.vn – số ra ngày 06/01/2020 lúc 14:01 – bản tin này: “Vượt mặt nhiều ngành hàng, năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức cao nhất trong lịch sử.”
Và đây là bản tin trên Tuổi Trẻ online, ngày 15/05/2020 lúc 13:28GMT+7 “Xuất khẩu gỗ: Hàng ngàn container hàng bị tồn tại các cảng biển.{…} Từ giữa tháng 3 đến nay, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam bị đình trệ, trong đó có Mỹ vốn chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt và EU chiếm 10%.”
Không một tờ báo nào trong nước dám viết bất cứ điều gì về những dinh thự “hoành tráng” – thuộc “quyền sở hữu” của đảng viên đảng csVN, “đại gia” hay là của người từ Trung cộng sang – mà “nội thất” “khủng” của những dinh thự đó được trang hoàng bằng gỗ quý từ rừng núi Việt Nam.
Những ai sống ở Mỹ, từng du lịch Âu Châu, Trung cộng hoặc Nam Mỹ – từ phi cơ nhìn xuống – đều thấy núi rừng ở Mỹ cũng như Âu Châu, Trung cộng hoặc Nam Mỹ xanh bạt ngàn và kéo dài đến vô tận. Thế thì tại sao Mỹ, Âu Châu, Trung cộng và Nam Mỹ không chặt cây rừng của họ để bán hoặc dùng vào kỹ nghệ mà Mỹ, Trung cộng và Âu Châu lại mua gỗ của Việt Nam?
Còn Việt Nam, cả dãy Trường Sơn của Việt Nam – nơi từng che chở, bảo bọc cho đoàn quân csVN khát máu và man rợ – so với núi rừng bao la của Mỹ, Nam Mỹ, Trung cộng hoặc Âu Châu thì thấm vào đâu mà csVN lại xuất cảng sang Mỹ và Âu Châu số lượng gỗ cao đến như thế? Đã thế, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn gián tiếp cổ xúy cho hành động tàn phá núi rừng Việt Nam bằng câu này: “Việt Nam phải trở thành một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới.” (Báo Lao Động – LĐO, ngày 08/08/2018.)
Tôi không muốn phân tích ý đồ của ông Nguyễn Xuân Phúc khi ông cổ xúy phá rừng Việt Nam. Nhưng tôi muốn khẳng định rằng: Chặt cây, phá rừng là một trong những nguyên nhân chính của những trận lũ lụt kinh hoàng tàn phá đồng bằng – trong đó có Huế “của Ngoại” tôi.
* Hình của Huy Nguyên trên BBC – 22 tháng 10- 2020
Sau khi đưa dân tộc Việt Nam vào hai cuộc chiến tàn khốc để thiêu rụi mấy triệu người Việt – và đẩy ra biển cả mấy trăm ngàn người Việt – đảng và người csVN “hãnh tiến” trên hoan lộ và “ngủ quên” trong những kho vàng!
Thời Việt Nam Cộng Hòa, Ngoại tôi – một phụ nữ già yếu – nghe Huế bị hoạn nạn, chỉ muốn được về để “chịu tang chung” với Huế.
Bây giờ, Huế và miền Trung nước ngập đến mái nhà mà người dân vẫn chưa hề thấy bóng dáng cấp lãnh đạo csVN nào cả! Tại sao?
Tại vì ông Nguyễn Phú Trọng bận tham dự lễ thăng “quân hàm” và tặng hoa cho Thứ Trường Bộ Quốc Phòng Hoàng Xuân Chiến và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Lê Huy Vịnh! (Tuổi Trẻ online, 16- 10- 2020 lúc 14:31GMT+7). Và 50 đảng bộ trực thuộc trung ương bận tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020- 2025. (Theo Ban Nội Chính Trung Ương, 19- 10- 2020, lúc 16:18GMT+7).
Viết đến đây, tôi thấy bản tin của Minh Long, trên báo Trithuc VN, ngày 22 tháng 10- 2020 câu này: “… Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã chỉ ra trong 4 năm từ 2016- 2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha (trung bình mỗi năm mất 2.430ha rừng).”
Thế mà, cũng trong bản tin của Minh Long, cùng ngày, trên TrithucVN, ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – khẳng định: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng”.
Hỡi người csVN, ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Quốc Trị! Hãy thức tỉnh, nhờ con cháu dịch câu này: “A nation that destroys its soils destroys itself. Forests are the lungs of our land, purifying the air and giving fresh strength to our people” – của Franklin D. Roosevelt, vị Tổng Thống thứ 32 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ – để hiểu và nhận thức được hậu quả tàn khốc của những gì mà người csVN đã, đang áp đặt và thực hiện trên quê hương Việt Nam và Huế “của Ngoại” tôi!
ĐIỆP MỸ LINH