main billboard

 

Trong xã hội, bác sĩ là hạng người được tôi tin tưởng nhứt. Bác sĩ “phán” sao, tôi tin vậy...

ho-an-binh

Trong xã hội, bác sĩ là hạng người được tôi tin tưởng nhứt. Bác sĩ “phán” sao, tôi tin vậy. Tuy nhiên, nại đến quyền của bệnh nhân không buộc phải dùng thuốc, nhiều lần tôi đem “toa” của bác sĩ về và cất kỹ trong ngăn kéo. Trong việc chữa bệnh, tôi luôn chủ trương “còn nước còn tát”; thuốc men chỉ là phương tiện cuối cùng khi không còn một chọn lựa nào khác. Chẳng hạn cách đây gần một năm, qua một cuộc thử máu, tôi bị tuyên án mắc bệnh tiểu đường loại 2 và được chính phủ cấp cho cái thẻ hội viên của Hội những người mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ cho toa mua thuốc. Tôi mua thuốc về, nhưng lại bỏ đó. Biết rõ ràng nguyên nhân của bệnh tiểu đường loại 2 là cách sống thiếu kỷ luật và lối dinh dưỡng không được lành mạnh của mình, tôi liền bắt tay vào việc tập thể dục mỗi ngày và khép mình vào việc ăn uống kiêng khem và điều độ. Thêm vào đó, đọc được dược tính thần diệu của trái khổ qua (mướp đắng) trong việc chữa bệnh tiểu đường, tôi liền mua về, lớp thì canh xào chua mặn đủ món, lớp thì xắt phơi khô uống như trà. Chỉ một tuần lễ sau, phép lạ đã diễn ra: lượng đường trong máu của tôi xuống lại mức bình thường của một người không bị tiểu đường.

Mới đây, tôi lại có thêm một kinh nghiệm về việc tự chữa bệnh. Số là huyết áp của tôi cũng bắt đầu trở chứng. Sau ba lần khám, bác sĩ lại cho toa mua thuốc hạ huyết áp. Lần này cũng thế, tôi mang toa về cất kỹ trong hồ sơ bệnh lý của tôi. Tôi bỏ nhiều ngày để tìm hiểu tác dụng của nhiều loại trái cây và rau quả trong việc trị huyết áp cao. Tổng hợp lại, tôi thấy dầu Ôliu và cây cần Tây là hai loại được nhắc đến nhiều nhứt trong việc trị chứng huyết áp cao. Hai loại “dược thảo” này lại rẻ và cũng dễ tìm. Tôi liền thử nghiệm trong một tuần lễ. Kết quả thật khả quan: tuy chưa xuống thấp như tôi mong muốn, nhưng huyết áp của tôi đã giảm đi rất nhiều, nẳm trong “tiêu chuẩn lý tưởng” của những người trên sáu bó.

Ngoài dầu Ôliu được trộn trong rau xà lách và cà chua vốn không thiếu trong vườn của tôi cũng như một nhánh cần Tây được tôi nhai ngấu nghiến sau mỗi buổi cơm trưa, tôi nghĩ có lẽ việc giảm ăn mặn của tôi mới là yếu tố chính góp phần vào việc hạ huyết áp.

Đây có lẽ là một trong những hy sinh lớn nhứt trong đời tôi. Tôi đã bỏ được thuốc lá.Tôi đã tập được thói quen uống cà phê không đường. Tôi cũng đã quên hẳn bia rượu. Tôi cũng đã không màng đến hương vị thơm ngon của ớt. Nhưng bắt tôi phải bớt ăn mặn thì chẳng khác nào cướp đi một bản năng trong tôi. Ông “thần nước mặn” như tôi, có sống được cho tới ngày hôm nay là nhờ muối. Tôi nhớ những năm thiếu ăn của thời thập niên 1950, món ăn khoái khẩu nhứt trong nhà tôi vẫn là bắp rang ngào với nước muối. Tôi cũng không thể nào quên được những ngày trốn học đi theo đám chăn trâu: bữa ăn trưa chỉ có cơm vắt chấm với muối hột đâm nhuyễn với ớt xiêm chín đỏ, vậy mà cho tới giờ này, vị giác của tôi vẫn còn nhớ rõ cái mùi vị “ngon ngọt” của muối. Hôm nào bắn được một chim, săn được một con chuột, hay cắm câu được một con cá trầu (cá lóc)... đem nướng trui và chấm với muối ớt, nó ngon đến độ tôi sẵn sàng đánh đổi với những lần bị các bà xơ mang ra giữa lớp học cho đấu tố vì tội trốn học. Sau 1975, nước mắm chỉ toàn là muối, vậy mà nó cũng đã giúp tôi cầm cự và sống còn được hơn 5 năm trong thiên đàng xã hội chủ nghĩa!

Người tôi đầy muối. Muối là một cái gì huyền hoặc trong tôi. Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên được tiếp xúc với nước biển. Làng tôi cách biển không đầy 15 cây số. Nhưng phải đợi đến lúc lên tiểu học, tôi mới được “xuống” biển. Hôm đó là một ngày “du ngoạn” do trường tổ chức. Mẹ tôi mua cho tôi một ổ bánh mì và chuẩn bị cho tôi một cục thịt trâu “hon”, tức thịt trâu ướp với sả và um cho đến lúc khô. Đây là một một món ăn đặc sản của người miền trung Trung Việt. Vừa xuống đến bờ biển, tôi ngấu cho hết ổ bánh mì và cục thịt trâu hon. Cứ tưởng nước biển cũng như nước sông, tôi nhào xuống nước đưa tay vốc một bụm và đưa lên miệng cho đỡ khát. Trời ơi, sao lại có cái thứ nước mặn chát như thế này! Đây là lần đầu tiên tôi biết có nước mặn và biết muối từ đâu ra. Sau này, được sống ở thành phố biển, da thịt tôi lại càng thấm muối hơn. Đi đâu rồi cũng nhớ biển, nhớ những ngọn gió biển có mùi mằn mặn.
Kiêng mặn, tức bớt lại lượng muối trong thức ăn là cả một cuộc chiến cam go trong tôi. Mà cuộc chiến đâu chỉ diễn ra trong bản thân tôi. Mới đây, trên nguyệt san Reader’s Digest, số ra tháng 10 vừa qua và trong phụ trương Good Weekend (GW) của báo The Sydney Morning Herald số ra cuối tuần 1, 2 tháng 12 vừa qua, tôi cũng thấy diễn ra một cuộc chiến về muối trong giới khoa học.

Trong bài báo có tựa đề “Salt: health demon? Or not” (Muối: có phải là kẻ thù của sức khỏe không?”) tác giả Helen Signy cho biết hiện đang có hai phe kình chống nhau về lượng muối cần có trong thức ăn của con người. Phe chống việc ăn nhiều muối cho rằng ở khởi thủy con người ít dùng muối; những người sống bằng săn bắn và hái lượm có lẽ mỗi ngày tiêu thụ không quá một gram muối. Thế rồi cách đây 6 ngàn năm, người Trung Hoa mới bắt đầu xử dụng muối để bảo quản thức ăn và kể từ đó, muối mới trở thành một thành phần chính trong dinh dưỡng của con người trên khắp thế giới. Ngày nay, mặc dù lượng muối trung bình mỗi ngày được các nhà chuyên môn khuyên nên có chỉ có khoảng 4 gram, nhưng các thức ăn chế sẵn thường tăng lượng muối lên đến 8 gram. Giáo sư Bruce Neal, giám đốc Viện George về Y tế công cộng kiêm chủ tịch phân bộ Úc về Muối và Y tế nói rằng ngay cả lượng muối 4 gram mỗi ngày cũng đã là cao rồi.

Theo tác giả bài báo, ăn nhiều muối khiến huyết áp gia tăng, đó là điều không ai chối cãi. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một giải thích rõ ràng nào về tương quan giữa huyết áp cao và muối. Có thể muối khiến cho cơ thể gia tăng chất lỏng và như vậy cũng gia tăng sức ép trong các mạch máu và huyết áp cao dẫn đến nguy cơ đau tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy thận...

Những người chống lại việc ăn muối nhiều nói rằng ngày nay con người ăn nhiều muối đến độ hầu như không thể hãm lại được nữa. Cùng với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhiều chính phủ cũng đã bắt đầu thông qua luật pháp yêu cầu các hãng chế biến thức ăn phải giảm thiểu số lượng muối trong thức ăn. Tại Phần Lan chẳng hạn, nhờ một chiến dịch kéo dài trong 30 năm, nay lượng tiêu thụ muối của người dân đã giảm được một phần ba. Kết quả là huyết áp trung bình của người dân nước này cũng giảm xuống và nguy cơ chết vì các thứ bệnh về tim mạch cũng giảm đến từ 75 đến 80 phần trăm.

Phe ủng hộ việc dùng nhiều muối, tuy nhìn nhận rằng dùng nhiều muối gia tăng huyết áp và kéo theo các thứ bệnh về tim mạch, nhưng lại trích dẫn một loạt những nghiên cứu mới đây để nói rằng giảm muối trong thức ăn không những có ít tác dụng hay hoàn toàn không có tác dụng đối với tỷ lệ tử vong mà con gia tăng nguy cơ chết sớm là khác.

Bài báo có tựa đề “Salt Wars” (những cuộc chiến về muối) của ký giả Mark Whittaker, được đăng trên phụ trương Good Weekend của báo The Sydney Morning số ra cuối tuần qua, trích dẫn kết quả nghiên cứu của giáo sư George Jerums và sinh viên tiến sĩ nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của ông là bác sĩ Elif Ekinci. Hai chuyên gia này đã theo dõi lượng muối của 638 người già bị tiểu đường loại 2 được điều trị tại dưỡng đường Heidelberg’s Austin Health, ở Melbourne. Kết quả cho thấy những người ăn quá ít muối chết sớm hơn những người dùng nhiều muối hơn.
Bài báo cũng nhắc đến 4 cuộc nghiên cứu khác với kết quả tương tự. Chẳng hạn như một cuộc nghiên cứu về 3681 người Âu Châu không hề có vấn đề về tim mạch. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong của những người xử dụng quá ít muối là 4.1 phần trăm. Trong khi tỷ lệ tử vong của những người dùng nhiều muối hơn lại chỉ có 0.8 phần trăm.

Dạo tháng 11 năm ngoái, một cuộc nghiên cứu tại Gia nã đại cũng tìm thấy một kết quả tương tự.
Trở lại với bài báo trên Tạp chí Reader’s Digest. Với cuộc chiến về muối chưa hoàn toàn ngã ngũ, tác giả Helen Signy cho rằng “ có nhiều thứ gây ra bệnh tật và cái chết chứ không chỉ một mình muối. Có thể những người dùng ít muối lại cảm thấy đói nhiều hơn hay ăn chất béo đã được bão hòa chẳng hạn hoặc cũng có thể họ hút thuốc. Những người khỏe mạnh vận động nhiều hơn và ăn nhiều hơn, do đó lượng muối họ cần cũng cao hơn”.

Tác giả trích dẫn giải thích xem ra rất hợp lý của bác sĩ Rob Grenfell, giám đốc toàn quốc về những vấn đề “lâm sàng” tại Heart Foundation. Bác sĩ này nói rằng giảm muối trong thức ăn vẫn còn là một thông điệp có giá trị. Theo ông, muối cũng giống như thuốc lá. Ai cũng biết rằng có những người hút thuốc suốt đời mà vẫn sống tới 85 tuổi. Đây là trường hợp của cha tôi: ông hút cho đến chết năm 95 tuổi! Nhưng con số này ít đủ để có thể coi như một thứ kỷ lục. Việt Luận số thứ Ba 20/11 vừa qua đã ghi lại “4 phát minh hủy diệt nhiều người nhất thế giới”, trong đó đứng đầu là thuốc lá. Mỗi năm trên thế giới có 1.1 triệu người chết vì ung thư phổi, trong số này có 85 phần trăm do hút thuốc lá.

Theo dõi “cuộc chiến về muối” trên đây, tôi cũng cảm thấy bị giao động. Nhưng kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy rằng giảm ăn mặn đã giúp tôi kiểm soát được phần nào huyết áp của tôi. Chọn lựa nào cũng đòi hỏi hy sinh. Muốn kiểm soát được huyết áp, tôi phải bớt lượng muối trong thức ăn hàng ngày, bởi vì ngoại trừ rau luộc, chắc chắn không có món ăn Việt nam nào mà lại có lượng muối ít thích hợp với việc kiêng mặn. Đây quả là một hy sinh lớn đối với người quen “ngã mặn” như tôi. Tôi nghĩ đến câu nói của một người thân trong gia đình, vốn có nhiều hiểu biết về y tế: “Trên đời, hễ cái gì ngon thì cũng đều độc hại cả”. Tôi đã nếm được cái “ngon” của thuốc lá. Tôi cũng đã cảm được cái “ngon” của bia rượu và dĩ nhiên biết bao nhiêu lần, tôi đã không kháng cự nổi trước sức hấp dẫn của những món bánh ngọt thơm phức hay thức ăn chiên dòn mặn mòi đầy gia vị.

Khốn một nỗi, thấy cái gì ngon tôi cũng thèm. Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt chước triết gia Pháp René Descartes để triết lý...cùn “Tôi còn thèm, vậy tôi hiện hữu”. Chính vì còn thèm mà cứ phải chiến đấu liên tục.

Mùa Giáng Sinh đã bắt đầu trên nước Úc. Có lễ là có lạc. Tôi thấy người Úc đã bắt đầu “ăn nhậu”. Không biết có phải do hậu quả của ăn nhậu không, nhưng tôi thấy cảnh sát và xe cứu thương cũng đã bắt đầu làm việc rối rít.

Trong những ngày chuẩn bị lễ Giáng Sinh, đến nhà thờ, tôi thường nghe các linh mục nhắc lại sứ điệp của vị tiên tri trong Cựu Ước: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Tâm hồn tôi thì vẫn còn đầy dẫy những lối đi gồ ghề của đủ mọi thứ tham sân si. San bằng chỗ này thì gồ ghề lại nổi lên chỗ khác. Thôi thì ít nhứt mỗi năm một lần, không làm được việc lớn thì cũng cố gắng có một vài “kế hoạch nhỏ”. Theo đề nghị của “xấp nhỏ” gia đình tôi sẽ không sắm quà Noel cho nhau mà dùng tiền đó cho người nghèo. Vừa đỡ tốn thì giờ vừa đỡ tốn kém không cần thiết.

Trong khi khép chính mình vào kỷ luật để giữ gìn sức khỏe, tôi “tái khám phá” ra một “chân lý”: sức khỏe thể xác góp phần rất lớn vào sự bình an trong tâm hồn. Cắt giảm tiền thuốc tôi bớt áy náy lương tâm, bởi vì phần tôi trả thì ít nhưng phần Medicare thì quá nhiều. Vận động và ăn uống lành mạnh giúp tôi bớt đi những đêm mất ngủ và những buổi sáng phờ phạc. Ngày nào khỏe tôi thấy phấn chấn yêu đời. Và nhứt là khi vượt qua được lối sống ích kỷ thì tôi thấy mình dễ tìm đến và thông cảm hơn với người khác trên những lối đi bình an.