Không nhớ tôi và BT quen biết từ lúc nào. Trước 1975, ba chị là Quân cảnh, mẹ chị bán vải. Chị chỉ có một đứa em nhỏ nên cuộc sống gia đình của chị rất sung túc. BT lớn hơn tôi 2 tuổi nhưng chúng tôi xem nhau như cùng trang lứa.
Trong chuyện này cũng cần nhắc đến một nhân vật phụ là anh NNH. Anh NNH mới ra trường (Vì thấy anh đeo lon Chuẩn úy) anh đổi về quận và trọ ở nhà sát vách nhà tôi. Khách quan nhận xét thì anh cũng khá đẹp trai, dễ cảm tình nhưng có vẻ … kiêu! Không thấy anh quen cô gái nào, cũng không thấy giao thiệp với ai, riêng tôi là hàng xóm nên thỉnh thoảng anh sang nhà nói vài chuyện trên trời dưới đất, đó là lý do tôi được vài cô lân la làm quen, kết bạn. Tôi cũng dư biết họ muốn tiếp cận với NNH nên đến chơi với tôi. Riêng BT thường xuyên đến nhà tôi, tôi cũng biết rằng không phải do chị thích tôi mà nhờ người hàng xóm của tôi nên chị tỏ ra thân thiện với tôi.
Dĩ nhiên BT có ưu thế hơn các cô khác, chị tự nhiên đến nhà tôi bất cứ lúc nào chị muốn vì chị là bạn của tôi. Không biết chữ “đào hoa” là có thật? Hay vì người có nhiều điểm nổi trội thì sẽ được nhiều người thích hoặc ngược lại? Riêng BT, từ khi biết chị tôi chưa bao giờ nghe có người theo đuổi chị, vì vậy cái gọi là tình yêu chỉ có một phía chị! Khi tôi biết chị có “tình ý” với NNH, tôi cũng hiểu tâm lý lắm nên lúc nào biết có NNH ở nhà, tôi rủ BT sang nhà anh chơi. Nhưng con người “tự kiêu” kia ngó lơ không nhìn BT lấy một cái, anh ta ngồi cắm cúi đọc sách cho đến khi chúng tôi ra về. Nhưng nỗi ẩn tình của BT làm sao qua mắt được chị K chủ nhà, chị K ra sức lợi dụng BT nhiều thứ. Có lần chị K nói “Chú H thích ăn chè sâm bổ lượng lắm…(?!)”. Nghe vậy BT rủ tôi đến nhà BT để cùng nấu chè, chủ ý nấu cho… NNH!. Thời đó tôi chưa làm ra tiền nên việc nấu một nồi chè sâm bổ lượng to cỡ hai chục người ăn thì tôi thua, nhưng BT thì dư sức vì chị có sạp vải của mẹ chị mà. Ăn chơi chán, tôi rinh cả nồi chè về cho chị K (BT không quên gởi riêng một bịch thật to cho NNH!) Tôi làm “chim xanh” nhiệt tình chờ anh đi làm về để chuyển. Lần đó tôi bị NNH phản ứng “MH thích thì cứ ăn, đừng có đem về…”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao nghe anh thích ăn chè?”. Anh nghiêm mặt “Thích hồi nào?” rồi anh quay phắt đi. Trời đất! Tôi chẳng hiểu sao luôn …
Bảo Huân
Sau 1975.
Nhiều người thích nghi với chế độ mới rất nhanh, trong đó có BT. Chị mặc áo bà ba đen, quàng khăn rằn. BT tích cực công tác, lúc đó ai năng nổ là được “trọng dụng” ngay. BT được “đề cử” vào làm trưởng ban chấp hành thanh niên khu vực của tôi. Buổi giao thời chức gì nghe cũng to, nên chị hô đâu chúng tôi dạ đó. Thời đó thường là đi công tác thủy lợi (Ai có tên trong danh sách là phải đi, gạo và thực phẩm mang theo đều tự túc) ai đến lượt là phải đi, không ai kêu ca. BT rất có tài điều động thanh niên.
Ban đêm các khu phố thay phiên nhau họp tổ để nghe chỉ thị và học tập chính trị liên miên. Riêng tôi được chị giao cho viết bài để làm bích báo thi đua với các tổ khác, khi bích báo được khen, được treo ở văn phòng ủy ban là hãnh diện cho tập thể lắm, nên lại càng phải viết. Có khi tôi còn phải đi tập văn nghệ tới khuya (Tôi hát cho người ta múa!). “trên” bảo sao làm vậy đố dám cãi, chị bảo “Đó là nhiệm vụ chính trị!”. Thời điểm đó ai cũng khổ. Nhà tôi đông người mà toàn trẻ nhỏ, nên tôi phải ra chợ buôn bán từ 5 giờ sáng tới 18 giờ mới về, thời gian không đủ cho tôi làm việc, nghỉ ngơi nhưng tôi không dám bỏ một buổi họp nào.
BT có một “tay sai” tên là L. Bữa nào thanh niên phải họp, L ôm cuốn sổ đứng trước rạp ciné, chờ em nào trốn không họp mà đi xem phim là L ghi tên cho BT “làm việc”. Thanh niên sợ BT vì có thể bị chị báo cáo lên “trên” mà khi ấy cái gì cũng có thể bị cho là sai phạm. Tôi gọi (lén) BT là “Javert* thời đại!” Cũng có một số người bị BT theo dõi sao đó, rồi thấy họ bị bắt…(Chị không ngại khoe là nhờ công của chị)
Lần lượt có vài “Ngụy-quân”, “Ngụy-quyền” được “thả về”. Những người này còn bị quản chế tại địa phương, hàng tháng các anh phải đi trình diện tại công an xã với bản tự khai đã tích cực chấp hành mọi chỉ thị của chính quyền, bản tự khai đó phải có chữ ký xác nhận của trưởng thôn. Mà đâu dễ gì được trưởng thôn ký, nên trước đó các anh phải ra trước buổi họp toàn dân để mọi người có nhận xét đã tốt thật chưa! Những buổi họp đó tôi thường đến với một số ý kiến viết sẵn trong giấy rồi đưa cho vài người quen đọc giùm, đại ý như “Tôi thấy anh… khi được gọi đi công tác thì làm tích cực, về địa phương cư xử với mọi người rất tốt…”, phần tôi chỉ có thể giúp họ bằng cách đó. BT còn muốn anh “ngụy” nào trong tuổi thanh niên thuộc quyền quản lý của chị phải được chị ký xác nhận trước, nên chị ra điều kiện với trưởng thôn: Nếu không có chữ ký của chị thì trưởng thôn không được xác nhận tờ tự khai của “Ngụy”, nếu không chị sẽ từ chức không làm trưởng ban chấp hành thanh niên nữa. Chị không làm thì có ai “giỏi” như chị để lên thay, nên ông thôn phải chấp nhận. Vậy là hàng tháng anh “Ngụy” nào còn tuổi thanh niên phải đến xin BT ký xác nhận trước rồi mới đến trưởng thôn. Quyền của chị to thêm một chút.
Trong số “Ngụy” đó có một anh lọt vào mắt xanh của BT, nhờ đó có tháng đích thân BT đi lấy chữ ký của ông thôn giùm cho anh ấy! Có lần tôi có việc đến nhà BT vào ban đêm và “đụng độ” anh trước cổng nhà BT, anh giải thích vì BT hẹn anh đến để ký cho “cái giấy” đó?! Tôi phải lẳng lặng rút lui vờ như không biết gì về “kế hoạch” của BT, chữ ký của BT lúc ấy quan trọng biết bao với một người bị quản chế. Nhưng mãi sau đó thì BT cũng biết người ấy rất thân với tôi, BT đã “ra tay” với tôi vài vụ, nhưng vì thật sự là tôi không hề vi phạm nên tôi không gặp rắc rối.
Rồi khi có lệnh những ai vay nợ ngân hàng trước 1975 vẫn phải trả, trong danh sách cũng có tên ba của BT bị đem ra đọc giữa buổi họp, chị càng được “trên” tin tưởng khi đứng giữa đoàn thể chị đấu tố ba mình, tôi nhớ đại khái như “..ông ấy đã lợi dụng sự thông cảm của nhà nước mà lần lữa không trả nợ ngân hàng …”. Một thời gian sau đó không biết do áp lực của chính quyền hay do BT mà ba chị đã bán nhà trả nợ cho ngân hàng rồi cả gia đình chị dọn về quê.
Mấy năm sau BT trở lại, chị cho biết khi về quê, do hớ hênh của bà con trong dòng họ nói ra, chị mới biết chị là con nuôi. BT lên án ba mẹ nuôi của chị “Người sinh ra tao có thể vì cần tiền. Ông bà Đ đã ỷ có tiền mua tao…”, chị đã bỏ nhà ra đi với cái lý do đó, tôi thật ngỡ ngàng trước suy nghĩ và sự “trả ơn” của chị dành cho người đã nuôi chị khôn lớn như thế. Khi còn sống trong gia đình ba mẹ nuôi, tôi biết BT được thương yêu, muốn gì được nấy. Chị sung sướng hơn tôi nhiều vì chị không phải chăm sóc một bầy em như tôi. Vậy mà khi biết mình không phải là con ruột, chị đã bỏ những người đã nuôi chị mấy chục năm trời…
BT đã trở lại nhưng chị không còn vị trí như trước ở địa phương này, dân cũng không còn ai “ngán” chị. BT vào làm việc gì đó ở một vùng nông nghiệp và lấy một người ở đó. Vậy là sau nhiều mối tình đơn phương cuối cùng chị cũng có chồng. Khi tôi gặp lại BT, nhìn chị tiều tụy đến tội nghiệp: “Nhà đó nghèo, khi tao sanh họ gọi một bà mụ nông thôn đến … con tao không qua khỏi. Chồng tao thì nghe lời gia đình hơn…”. Tôi cũng có chút chạnh lòng vì hiểu thân phận một người phụ nữ kém may mắn. BT mà tôi từng biết chưa bao giờ được người chị yêu đáp lại tình chị. Cuối cùng người chị gọi là chồng không biết có đem lại hạnh phúc, bình yên cho chị không?
Đó cũng là lần sau cùng tôi gặp BT. Mấy chục năm rồi tôi và những người biết chị ở đây không ai nghe tin gì về chị nữa. Không biết hiện giờ chị ra sao …
Người ta nói “Người mình thương yêu sẽ nằm trong trái tim. Còn người mình ghét sẽ nằm trong trí nhớ”. Đối với BT, tôi không thương mà cũng không ghét. Nhưng tôi không quên chị, không quên những việc chị đã làm với nhiều người trong cảnh tranh tối, tranh sáng thời đó. Còn với tôi, tôi đã tẩy xóa, nhạt mờ những gì chị có ý hại tôi, vì tôi tin rằng tất cả đều có luật nhân quả, mà tôi đã thấy điều đó trong lần sau cùng gặp chị …
LN