29 Tết tôi nhận được thư anh. Chưa kịp hưởng trọn niềm vui tim tôi như run lên bởi những nhịp đập rối loạn trong nỗi lo âu, sợ hãi khi cầm trên tay lá thư dày đặc những dòng chữ viết vội, trong đó có đoạn “Có thể, trong những ngày Tết anh sẽ “thuyên chuyển” về đơn vị mới và trên đường đi sẽ lưu lại thành phố Saigon. Khi đó, nhờ em lo cho anh và 3 người bạn chỗ tạm trú khoảng một tuần. Tất cả chỉ còn biết trông cậy vào em. Được hay không anh vẫn về vì không còn thời gian để chờ em trả lời. Xin lỗi vì anh đã bắt em phải gánh vác một việc quá nặng nề nhưng thật tình anh không thể làm khác hơn vì quá gấp gáp. Anh sẽ về với em. Và về như thế đó. Như trong giấc mộng nhưng là ác mộng phải không em?…”.
Những lời úp mở của anh cho tôi biết dự tính trốn trại của anh sắp được thực hiện như anh đã từng nói với tôi trong lần thăm cuối cùng ở trại Vườn Đào. Là đứa con gái yếu đuối và nhút nhát tôi không biết làm gì khi phải đối diện với một vấn đề nghiêm trọng như thế ngoài việc đưa thư cho Ba tôi xem. Nét trầm ngâm trên khuôn mặt không chút thay đổi của Ba cho tôi chút an tâm sau câu nói “Đây là chuyện mình phải làm con à! …”. Thế là tôi bắt đầu chờ đợi. Ngày thứ nhất. Ngày thứ hai. Rồi ngày thứ ba – tức mồng Hai Tết – anh vẫn biệt tăm. Tôi cùng Ba Má chuẩn bị về Ngoại chúc Tết ông bà như mọi năm trong nỗi hoang mang, lo lắng “Nếu anh đến mà tôi không có ở nhà thì sao?”. Ba trấn an khi thấy tôi bồn chồn trong quyết định đi hay ở lại “Tính thì tính vậy, chứ muốn trốn đâu phải dễ”. Tôi cũng nghĩ thế nhưng vẫn chần chờ chưa chịu thay quần áo thì có tiếng gọi tên tôi. Chạy ra phía trước, mắt tôi nhòa lệ khi nhìn thấy anh đứng ngoài cổng rào với nụ cười thân yêu, quen thuộc.
Cánh cửa mở vội, anh bước nhanh vào nhà. Sau cuộc chuyện trò ngắn ngủi với Ba tôi về cuộc vượt trại của anh cùng 3 người bạn, anh đứng lên và cho biết, trên đường đi ra Vũng Tàu để tìm lực lượng kháng chiến, anh xin phép người dẫn đường ghé thăm tôi vài mươi phút, bây giờ đã đến lúc anh phải đi. Trong nỗi bàng hoàng chưa dứt, tôi vội vàng mở ví lấy những đồng tiền ít ỏi còn lại dúi vào tay anh. Khi đưa anh ra cửa tôi nghẹn ngào hỏi khẽ:
– Bao giờ mình gặp lại hả anh?
Anh nhìn tôi mắt hoe hoe đỏ, giọng chùng xuống:
– Anh cũng không biết.
Tôi bật khóc khi anh quay lưng. Nhưng chỉ sau vài bước chân anh đã trở lại, nắm chặt tay tôi, bằng giọng ngọt ngào anh nói với ánh mắt sáng ngời:
– Anh tin sẽ có ngày mình gặp lại.
Bảo Huân
Anh đi rồi những ngày kế tiếp tôi dìm mình trong nỗi nhớ thương chất ngất. Bao nhiêu câu chuyện thảm khốc về những người trốn trại bị bắt lại mà tôi đã từng nghe kể lần lượt hiện về trong trí nhớ với nỗi sợ hãi, lo lắng trùng trùng. Tôi từ chối những cuộc họp mặt tân niên với bạn bè để thu mình trong thế giới riêng. Cái thế giới tràn ngập yêu thương của tôi trong đó có những cánh thư viết từ quân trường, từ các địa danh xa xôi nơi anh đóng quân và miệt mài chiến đấu với bao gian nan, nguy hiểm mà anh và đồng đội, những người Chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa phải đối diện từng giây, từng phút. Tôi nâng niu từng kỷ vật anh làm và gửi cho tôi từ trại cải tạo. Này là chiếc lược nhôm đơn sơ với những dòng chữ gửi gắm niềm thương yêu được khắc tỉ mỉ, đầy công phu. Này là chiếc kẹp tóc sắc sảo với 2 chữ SN quyện vào nhau như lời hẹn thề gắn bó mà tôi và anh đã trao nhau trong những cánh thư thấm đẫm hương tình. Đặc biệt hơn hết là chiếc nhẫn trắng do anh khéo léo đục đẽo từ chiếc “bi đông” đựng nước và trang trọng đeo cho tôi trong lần thăm đầu tiên trước mặt Mẹ anh như một lời cầu hôn chân thành và cảm động.
Nhưng chuyến đi của anh và các bạn không thành vì không liên lạc được với lực lượng kháng chiến. Anh trở lại và xin phép Ba Má tôi cho tạm trú để tiếp tục tìm nơi anh muốn đến. Đó là thời gian hạnh phúc nhất vì chúng tôi được ở bên nhau dẫu trong xót xa, âu sầu vì không biết lúc nào “Anh sẽ đi” như lời nhắc nhở hàng ngày anh nói bên tai tôi.
Tôi biết nỗi uất hận vẫn còn tràn đầy trong lòng anh qua những dòng thơ ghi vội trên các mảnh giấy rời.
Ta đứng đó rủ buồn như phiến đá
Đội trên đầu bao tủi nhục chua cay
Nhiều đêm dài chợt nghĩ đến tương lai
Ta tự hỏi, đau thương này suốt kiếp?
Và trong anh vẫn còn nguyên lý tưởng kiêu hùng để hăm hở ra đi.
…
Mai ta đi đòi lại kiếp làm người
Ta sẽ đi!
Ta sẽ đi!
Nhất định ngày mai.
Bên cạnh sự quyết liệt đó là niềm băn khoăn, ray rứt “7 năm dài yêu nhau là 7 năm em đã khóc vì anh – có phải những giọt nước mắt nồng nàn rơi xuống đã vun đắp cho tình yêu chúng ta?. Gần 4 năm ngồi trong tù suy gẫm, anh nhớ cuộc tình thơ mộng của hai đứa mình, nhớ những lần em đến thăm trong nghẹn ngào, nhớ Saigon và em một mình trong cuộc sống đầy chán chường, rồi nhìn lại cuộc đời mình với mấy khung rào thù hận, anh nghĩ mình chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nên anh sợ những đợi chờ của em sẽ trở thành mộng ảo. Anh muốn em quên anh dù lòng anh rất đau khi nghĩ đến điều đó và anh cũng biết em đã khóc rất nhiều khi nghe anh nói nhưng anh biết làm sao hơn trong hoàn cảnh này.
Rồi đột nhiên anh lại về với nguyên vẹn hình hài nhưng khác nào một bóng ma giữa Saigon tan tác và anh đã trùm lên một bóng tối đầy hãi hùng cho em….”
Từng chữ từng câu là máu, là nước mắt trong trái tim xao xác nỗi đau, nỗi hận không lối thoát.
Ngày qua ngày, những điều anh nghe nói về lực lượng kháng chiến càng mơ hồ, đồng thời tin tức những chiến sĩ VNCH bị sập bẫy và bị bắt càng nhiều. Hoàn toàn thất vọng trước tấm phao mong manh cuối cùng, anh và 3 người bạn tù quyết định chia tay mỗi người mỗi nẻo, tự lo cuộc sống của riêng mình. Phần anh vẫn tiếp tục sống trong nhà tôi một cách lén lút. Mỗi ngày, lúc Ba và tôi đi làm anh lẩn quẩn ở nhà với Má tôi. Qua những lần tâm sự, trò chuyện Má tôi thương anh nhiều hơn. Tôi nhớ có lần Ba Má cãi nhau, Má tôi cố nhịn để không to tiếng, “Tôi chịu thua vì không muốn thằng S nghĩ rằng vì nó ăn nhờ, ở đậu nhà mình mà tôi với ông bực bội, sanh bất hòa”. Ba tôi cũng cười xòa sau câu nói ấy. Khi Má tôi theo người quen tập tành buôn bán ở chợ trời thì anh đảm trách việc nấu nướng và đưa đón. Những người bạn hàng của Má cứ tưởng anh là con trai khi thấy anh đỡ đần và chăm sóc Má tôi từng chút một. Thỉnh thoảng tôi và anh ra phố chơi thì anh đi cửa trước như một người khách đến thăm rồi ra về, còn tôi đi bằng cửa sau và hai đứa gặp nhau ở ngoài đường lớn. Dần dần, anh bớt dè dặt và dạn dĩ hơn nên thỉnh thoảng đến chỗ làm đón tôi. Những bạn đồng nghiệp đa số đều biết tôi có bồ đang bị tù cải tạo nay bỗng dưng thấy xuất hiện một anh chàng dáng vẻ sạch sẽ với đôi kính cận trí thức, thế là rộ lên tin đồn “Nhỏ N bỏ người yêu “ngụy” rồi. Anh bồ mới này chắc là ‘Ba Tàu Chợ Lớn’ giàu có”. Tôi vui vì đã qua mắt được mọi người nhưng cũng cảm thấy “đau” vì đương không mình trở thành kẻ bạc tình.
Thời gian này, trong sở làm vì thiếu nhân sự nên tôi được giữ lại làm việc trong phòng Tổ Chức Cán Bộ và được bà trưởng phòng tạm tin tưởng giao tất cả những con dấu dùng trong việc ấn ký các văn thư, nhờ đó mà tôi đã cung cấp cho anh những “giấy tờ giả” với “con dấu thật” để có thể đi lại thong dong và cũng từ ngày ấy trong đầu anh manh nha ý tưởng vượt biên.
6 tháng anh cư trú trong nhà tôi cũng đủ dài để Má anh từ dưới quê lặn lội lên SG gặp Ba Má tôi nói lời cảm ơn sâu sắc vì đã cho con trai của bà một chỗ dung thân trong lúc hoạn nạn và xin phép làm lễ hỏi cho chúng tôi sau 7 năm yêu nhau chỉ toàn là đợi chờ và xa cách. Lễ hỏi được tổ chức bí mật và đơn giản trong căn nhà nhỏ với các cánh cửa đóng kín, chỉ vỏn vẹn 10 người thân trong gia đình.
Với tôi, tất cả những gì có được trong ngày tháng ấy là niềm hạnh phúc vô cùng quý báu dù trước mắt con đường tương lai thật mịt mù, đen tối. Nhưng với anh, cái tư tưởng “không thể chấp nhận chế độ này” luôn là niềm thôi thúc khiến anh lặn lội khắp nơi để tìm đường vượt thoát.
Rồi một ngày buồn, lần nữa anh lại ôm siết lấy tôi nói lời từ biệt.
Anh vẫn là anh với chiếc lưng thẳng và dáng đi mạnh mẽ, với nụ cười âu yếm cùng lời thề hẹn sắt son. Và tôi vẫn là tôi với mắt lung linh buồn sau làn tóc rối, giọt lệ vắn dài như lời thơ nào anh đã từng viết cho tôi trong những ngày vời vợi ngóng tin nhau.
Trăm năm bỗng chốc tình cờ
Cho son phấn nhạt hững hờ dung nhan
Áo em bay lẫn mây ngàn
Chân mênh mông bước biết còn thấy nhau
Ta đi hiu hắt phương nào
Sầu bên khung cửa em vào biển du
Mưa buồn ướt sợi tóc thu
Nghìn sau mắt mỏi mịt mù dáng xưa
Tình sâu biết mấy cho vừa
Đời nghiêng ngả khóc trời lưa thưa sầu.
NB
(Trích tập truyện “Hôm qua, hôm nay và mãi mãi”)