main billboard

Chỉ còn hai ngày nữa là đến Noel. Trời lạnh căm căm, tuyết rơi trắng xóa…

Thành phố Coventry, Anh Quốc, ngày 22 tháng 12 năm 1959. Chỉ còn hai ngày nữa là đến Noel. Trời lạnh căm căm, tuyết rơi trắng xóa… Trung úy Stanley Miller thuộc đội cảnh sát của thành phố, nhăn nhó lái xe như bay trong đêm. Anh bực dọc không phải do thời tiết xấu của mùa đông mà vì các đồng nghiệp vừa báo tin một phụ nữ vừa bị giết chết tại bãi đậu xe trên đường Birmingham bằng hai nhát dao chém sâu vào cơ thể.

Án mạng vẫn thường xảy ra ở thành phố khá đông dân này. Nhưng điều đáng lo ngại là cách đây một tuần, một phụ nữ khác cũng bị giết cách nơi xảy ra án mạng lần này chỉ vài trăm thước! Trung úy Stanley e rằng có một tên sát nhân bệnh hoạn đang lảng vảng trong khu vực do anh kiểm soát. Có thể hắn lại ra tay vào đêm Noel…

Stanley đậu xe trên bãi, cạnh chiếc xe của đồng nghiệp mà đèn tín hiệu trên mui vẫn còn chớp nháy. Cảnh sát đang ghi nhận thông tin, chụp ảnh hiện trường. Một số người hiếu kỳ đứng nhìn từ xa mặc cho tuyết rơi, trời lạnh giá. Một cảnh sát viên tiến đến Stanley:

– Xác nạn nhân vừa được đưa vào xe cứu thương, mời trung úy đến xem.

Ðứng cạnh xe cứu thương là một người đàn ông khoảng ngoài 60 đang thút thít khóc. Stanley đưa tay vén tấm vải đậy chiếc băng ca. Những vết dao trên thi thể nạn nhân xác nhận điều anh lo ngại: một nhát vào bụng và một ngay tim, gần như y hệt với nạn nhân bị sát hại một tuần trước. Ðiều khác biệt mà anh ghi nhận là xác chết trước mặt anh là một phụ nữ trạc ngoài 50, ốm cao, tóc muối tiêu… trong khi nạn nhân trước chỉ khoảng 21 tuổi, tóc vàng, người tròn trịa… Stanley hơi ngạc nhiên vì bọn sát nhân bệnh hoạn thường chỉ giết hại những phụ nữ có đặc điểm giống nhau như người già, người trẻ hoặc người tóc nâu hay tóc vàng… Hẳn là tên sát nhân này không giống những tên khác vì hai người bị nạn hoàn toàn khác nhau. Nếu không thì ít ra cũng phải có điểm giống nhau nào đó giữa những người bị hại. Trung úy Stanley rời nạn nhân và tiến đến bên người đàn ông luống tuổi đang khóc:

Xin lỗi, có phải ông là chồng của nạn nhân?

Vâng.

Ông có chứng kiến diễn biến của sự việc không?

Không ạ. Tôi cũng vừa mới được báo hung tin thôi. Vợ tôi bị tấn công khi đang trên đường đi làm về nhà.

Nghề nghiệp giống nhau, một ý nghĩ mới loé lên trong đầu Stanley. Nạn nhân thứ nhất làm nghề uốn tóc.

Vợ ông làm nghề gì, thưa ông?

Y tá.

 thoat nan dem noel

 Thoát nạn đêm Noel!

Ðiều phỏng đoán của Stanley hoàn toàn sai… Sau vài câu trao đổi với chồng nạn nhân, Stanley rời hiện trường. Về đến văn phòng, anh lấy hồ sơ vụ án trước ra xem. Trước mắt anh là tấm hình nạn nhân: thân hình đầy đặn, gương mặt bầu bĩnh phảng phất nét hồn nhiên… hoàn toàn khác với gương mặt khắc khổ và thân hình khô đét của nạn nhân mà anh vừa nhận dạng ở hiện trường.

Trung úy Stanley đọc lại kết quả xét nghiệm tử thi, một chi tiết bất chợt làm anh chú ý: nạn nhân bị lao khớp xương háng nên bước đi khập khiễng. Lập tức Stanley nhấc điện thoại gọi người chồng của nạn nhân thứ hai:

Xin lỗi làm phiền ông lần nữa. Tôi muốn biết vợ ông đi có bị khập khiễng không?

Vâng, có đấy. Vợ tôi bị dị tật khập khiễng bẩm sinh, thật là đáng thương.

Vài giây nặng nề trôi qua rồi Stanley nghe đầu dây bên kia nói tiếp:

Thưa trung úy, ông nghĩ rằng đó chính là lý do khiến vợ tôi bị sát hại?

Vâng, tôi tin là như thế…

Lời xác nhận nạn nhân thứ nhất có dáng đi khập khiễng sau căn bệnh lao xương háng lúc còn trẻ mà Stanley ghi nhận được qua cuộc điện thoại ngay sau đó với bố mẹ nạn nhân càng khẳng định và củng cố suy nghĩ của mình.

Tình hình quả là nghiêm trọng. Trung úy Stanley mở ngay cuộc họp đề nghị các nhà báo hỗ trợ. Các tờ báo ra buổi chiều ngày 23 tháng 12 đồng loạt đưa tin trên trang nhất: “Một tên sát nhân bệnh hoạn chuyên tấn công những phụ nữ đi khập khiễng. Yêu cầu những người có tật đi khập khiễng hạn chế tối đa đi ra ngoài. Nếu cần đi chợ thì nên nhờ hàng xóm. Trường hợp bất khả kháng thì đừng ra ngoài một mình. Những người đi làm việc nên đi cùng với đồng nghiệp. Cần liên lạc ngay với cảnh sát để cử người đến giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp”.

Tin trên được các đài phát thanh phát đi rộng khắp và hầu như mọi người dân thành phố Coventry đều thông suốt. Họ cảm thấy hơi khó chịu vì đây là thời điểm mọi người cần ra ngoài mua sắm Noel.

Trung úy Stanley lên kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tuần tra vào ban đêm. Anh cũng được Luân Ðôn chấp thuận gởi một đội đặc nhiệm gồm sáu nữ cảnh sát tinh nhuệ có khả năng khóa tay đối phương bằng một thế võ judo hoặc karaté. Trong cuộc họp với đội đặc nhiệm, Trung úy Stanley yêu cầu:

Các bạn phải nghiên cứu kỹ tuyến đường được giao trách nhiệm tuần tra. Cứ mỗi 15 phút các bạn phải liên lạc với nhau bằng vô tuyến. Bây giờ các bạn phải tập đi khập khiễng, đi thọt chân để thu hút sự chú ý của tên sát nhân bệnh hoạn đó.

Trung úy Stanley đứng nhìn các bạn nữ đồng nghiệp đi thọt chân trong phòng. Thật là ấn tượng! Anh chợt hiểu ra vì sao tên sát nhân bệnh hoạn lại chỉ giết hại phụ nữ đi thọt chân. Một kẻ tâm lý bất bình thường có thể xem kiểu đi tật nguyền kia là sự khiêu khích lắm chứ!!! Stanley yêu cầu các bạn nữ đồng nghiệp ngưng tập kiểu đi làm anh khó chịu:

Cám ơn các bạn. Ðiều tôi muốn lưu ý các bạn là giả bộ đi thọt chân trong thời gian lâu không phải chuyện dễ. Các bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, lúc bấy giờ các bạn quên khuấy đi nhiệm vụ và trở lại dáng đi bình thường. Tôi khuyên các bạn nên lặp lại trong đầu: “Tôi đi khập khiễng, tôi đi khập khiễng”. Chúc các bạn may mắn và lập được thành tích.

5 giờ chiều ngày 24 tháng 12 năm 1959. Judith Appelby bước vội vã trên lề đường chói chang ánh đèn. Ðó là một phụ nữ trạc 35 tuổi, tóc vàng, mắt xanh, má hồng. Sau ngày làm việc, Judith cảm thấy lòng phơi phới trong khung cảnh nhộn nhịp đêm Noel: những tràng hoa đèn chớp nháy trang trí khắp nơi đã biến phố phường Coventry vui nhộn không khí lễ hội. Những cây thông chễm chệ trước cửa nhà, bên cửa sổ, từng nhóm trẻ con nắm tay nhau tung tăng bước đi, miệng hát bài thánh ca…

Ngân hàng nơi Judith làm việc cho nhân viên nghỉ sớm một giờ để đi mua sắm chuẩn bị cho đêm lễ hội. Sau khi mua vài món đồ chơi cho hai con, Nicolas và Marjorie, Judith tiến về cửa hàng thịt để lấy con gà tây quay mà chị đặt mua từ sáng nay. Tuy nhiên bản tin về tên sát nhân bệnh hoạn phát ra từ đài phát thanh sáng nay làm chị hơi lo âu. “Bọn bất lương thật là nhẫn tâm. Tại sao hắn lại có thể làm điều tệ hại như thế vào thời điểm lễ hội thánh thiện thế này?”, Judith lầm thầm trong đầu.

Judith bước ra khỏi cửa hàng thịt, hai tay nặng trĩu hai giỏ xách đồ chơi, thực phẩm… Ngoài trời tuyết rơi… Judith đang ở cách nhà không xa mấy. Các chuyến xe buýt đều đã đầy ắp, không thể chen chân. Chị quyết định đi bộ theo con đường tắt về nhà. Ðó là một con đường nhỏ xuyên qua một khu vực vắng vẻ mà chị đã vài lần đi qua trong lúc gấp gáp. Chồng chị và mấy người láng giềng trách chị thiếu cẩn trọng, nhất là đi qua con đường vắng vẻ này vào ban đêm. Nhưng Judith là một phụ nữ gan dạ, tự tin và rất lạc quan…

Với hai giỏ xách đầy ắp đồ trên tay, Judith tiến tới bằng những bước nặng nề trên con đường ẩm ướt. Judith bỏ lại sau lưng cột đèn đường cuối cùng khoảng 50 mét. Tuyết vẫn rơi, trời nhá nhem tối, con đường vắng vẻ… Rất may là chị đã đi qua đây đôi lần nên nhận biết khá tốt con đường dù nó chỉ được soi sáng bởi ánh đèn yếu ớt từ những con đường lân cận. Judith bất chợt rùng mình nhưng không phải hoàn toàn vì lạnh… Chị cảm thấy mình quá liều lĩnh khi nghĩ đến tên sát nhân có thể đang chực chờ chị ở một góc xó nào đó trong bóng tối.

Judith vươn vai hít một hơi thật sâu để lấy lại niềm tin. Chị thầm nhủ: “Tại sao mình lại sợ hắn nhỉ. Vả lại cảnh sát thông báo hắn chỉ tấn công những phụ nữ đi khập khiễng, mà mình thì có đi thọt chân đâu nào”. Chị bước nhanh hơn… Bỗng chị rú lên một tiếng, chị vấp phải một cục đá, toàn thân nằm xoải trên mặt đường, hai giỏ đồ rơi vãi khắp nơi. Judith lẩm bẩm:

Hẳn là con gà tây quay và đồ chơi đều bị bẩn cả rồi!

Chị ngồi dậy định nhặt lấy đồ nhưng chị lại rú lên vì đau đớn, chân phải của chị bị trật khớp mất rồi. Chị cố gắng bước thử vài bước nhưng không thể nào bước đi bình thường: chị đi khập khiễng!!! Chị lại rùng mình nhớ lại tên sát nhân bệnh hoạn trong bản tin buổi sáng.

Judith nghe tiếng bước chân vang lên sau lưng, tiến lại gần… Theo bản năng, chị dừng bước ngay, nói đúng hơn là ngưng đi khập khiễng. Chị đứng im như pho tượng. Tuyết vẫn thản nhiên rơi. Chỉ vài giây trước, chị rùng mình khi nghĩ đến hắn. Giờ thì linh tính báo cho chị biết rằng hắn đang ở sau lưng! Chị không đủ can đảm ngoái nhìn ra sau. Hắn chỉ còn cách chị vài bước bởi chị nghe hơi thở của hắn trong gió lạnh. Ðôi mắt chị vẫn nhìn thẳng về phía trước. Hắn mở lời trước:

Chào buổi tối!

Judith quay lại nhìn. Hắn khoảng bằng tuổi chị. Hắn ăn mặc chỉnh tề, lịch lãm: áo khoác vừa vặn, khăn quàng cổ trắng, tóc hớt ngắn, đôi mắt kính trắng hơi trệ xuống mũi. Chị thầm nghĩ: “Trông hắn thật là lịch thiệp và không lý do gì lại sợ một người lịch thiệp cả. Biết đâu chừng hắn sẽ giúp mình xách giỏ đồ. Mình sẽ kể cho hắn nghe chuyện không may vừa xảy ra và đề nghị hắn che chở…”.

Người đàn ông nhìn chị, miệng mỉm cười. Chị đứng bất động mà nghe mồ hôi lạnh chạy dài theo cột sống. Một người đàn ông lịch lãm làm gì tại nơi vắng vẻ và trong đêm tối đầy tuyết như thế này?… Judith không thể tìm ra câu trả lời.

Chị nhìn gì thế?

Judith đưa mắt nhìn hắn: tóc vàng, vẻ mặt hiền lành… Chị trả lời bằng giọng bông đùa:

À thì tôi đang nhìn ra phía trước!

Trước mặt chị là nhà máy khí đốt…

Judith nhìn kỹ phía trước, điều mà chị chưa hề làm trước đó. Ðúng là chị đang nhìn về nhà máy khí đốt của thành phố Coventry.

Vẫn với giọng nói pha lẫn chút ít mỉa mai và sốt ruột, hắn tiếp:

Chị định đứng im đấy đến bao giờ?

Tôi có thừa thời gian và cũng chẳng gấp gáp gì.

Chị có biết mình đang đứng ngay giữa vũng nước không?

Judith nhìn xuống chân:

Không, tôi không quan tâm.

Chị có biết tuyết đang rơi và chị đã đánh rơi mọi thứ ra đường không?

Judith không thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi dồn dập ấy. Hắn nhìn thẳng vào mắt Judith và nói như ra lệnh:

Bước tới nào!

Judith tin chắc rằng nếu bước tới chị sẽ thua cuộc. Phải chăng lúc nãy hắn đã nhìn thấy chị đi khập khiễng? Bằng bất cứ giá nào chị cũng không được bước tới!

Tôi không thể!

Tại sao? Mọi người đều biết đi cơ mà. Ngoại trừ… chị không thể đi bình thường như mọi người khác.

Ðứng trước nguy cơ bị sát hại, con người thường có một trong hai phản ứng: một là toàn thân như bị tê liệt phó mặc cho số mệnh, hai là cơ thể như được kích thích, sáng suốt hẳn lên để đối phó với tình thế. Rất may là Judith thuộc mẫu người thứ hai. Chị cảm thấy đầu óc minh mẫn lạ thường! Từ trước đến giờ chưa bao giờ chị thấy bình tĩnh và sáng suốt đến thế… Phải bịa chuyện ra nói để kéo dài thời gian, chỉ có cách duy nhất đó mới có thể cho chị cơ may sống sót.

Thật là bất hạnh cho anh chàng sát nhân bệnh hoạn mà đài phát thanh đưa tin sáng nay. Thật là khủng khiếp khi nghĩ đến chuyện giết những phụ nữ đi khập khiễng !

Tại sao lại bất hạnh?

Giết người vào đêm Noel, ông không thấy đó là một hành động quá tàn nhẫn sao?

Còn tùy thuộc vào người bị giết là ai nữa chứ. Có nhiều phụ nữ không đáng sống chút nào!

Nhưng thật ra đâu phải do lỗi của họ.

Những phụ nữ đi khập khiễng trông thật xấu coi làm sao. Họ xứng đáng được giải thoát về bên kia thế giới!

Judith nhìn hắn với ánh mắt thất vọng. Hắn lại cất tiếng, lần này có vẻ lịch sự hơn, nhưng dứt khoát:

Xin bà vui lòng đứng lên và bước đi!

“Lần này có lẽ là không thể thoát được nữa rồi”, Judith thầm nhủ. Nhưng Judith không bỏ cuộc, chị quyết định đánh ván bài cuối cùng. Chị ngã xuống mặt đường, đưa chân phải sưng phù ra cho hắn xem:

Tôi bị trượt té và bong gân mắt cá chân, chứ tôi không đi khập khiễng. Chỉ vài hôm là hết thôi mà.

Hãy đứng lên và bước tới!

Dứt lời hắn lấy từ trong túi chiếc áo khoác ra một cây dao sắc nhọn.

Hãy đứng lên và bước đi như lúc nãy! Bà đã bắt đầu đi khập khiễng tốt đấy…

Judith tiếp tục suy nghĩ một cách minh mẫn. Ðối với tên tâm thần bệnh hoạn này, hình ảnh phụ nữ bước đi khập khiễng khiến hắn bị kích thích tột cùng và kết thúc bằng tội cố sát. Nếu Judith đứng lên và bước đi thì chắc chắn hắn sẽ ra tay không thương tiếc. Judith tin chắc rằng chừng nào chị còn ngồi im, không tuân theo lệnh hắn thì chừng ấy chị vẫn còn làm chủ tình hình.

Không! tôi xin lỗi, tôi không muốn bước đi chút nào cả.

Hắn thay đổi ngay sắc diện. Gương mặt hắn lộ rõ vẻ van xin… như một đứa trẻ bị bạn từ chối cuộc chơi.

Tôi van bà đấy, hãy bước tới đi! Ðêm nay là Noel. Tôi cần phải về nhà nữa mà. Vợ và các con đang chờ tôi…

Ông cũng có vợ và con nữa ư?

Tất nhiên. Hãy bước tới, tôi van bà đấy.

Không! Hãy nói cho tôi nghe về ông trước đã.

Và hắn bắt đầu kể về cuộc đời hắn… Tuyết vẫn rơi. Judith chẳng nghe gì cả. Thỉnh thoảng chị gật đầu, ậm ừ cho qua chuyện. Chị chờ một phép lạ giải thoát chị khỏi lưỡi hái của thần chết…

Ðài phát thanh thông báo rằng cảnh sát tuần tra khắp nơi trong thành phố, nhưng tại sao họ lại bỏ quên con đường vắng vẻ đặc biệt nguy hiểm này nhỉ? Chính vào lúc này xuất hiện một bóng phụ nữ bước đi khập khiễng trên đường! Lập tức hắn rời bỏ Judith và tiến về con mồi…

Judith không hưởng đêm Noel cùng với gia đình. Sau khi tên sát nhân bệnh hoạn bị nữ cảnh sát đặc nhiệm khoá tay và đưa về nhà giam, Judith được đưa ngay đến bệnh viện điều trị sau cơn sốc đối đầu với thần chết…

                                                                                                     ĐDH

                                                                                                    (Phỏng dịch từ nguyên tác “La boiteuse” của Pierre Bellemare).