Nhỏ ơi, mở cửa đi, có người đem gì cho nhỏ kìa!
– Ứ! ai biểu!
– Anh có làm gì đâu?
– Thiệt không?
– Hé xem chút xíu thôi.
Tôi hé cửa, Ô thì ra người giúp việc của chung cư đang cầm bó hoa phi yến violets mà tôi rất thích – ở Ðà Lạt của tôi có rất nhiều, mà ở đây suốt bao nhiêu năm nay không tìm thấy đâu cả..
Sao anh tìm được hay vậy ta? Ừ, giận, nhưng mà vẫn mở cửa ra lấy hoa chứ!
Tôi nhắn tin:
– Xin cám ơn, nhưng anh nhớ lại đi…
Tối hôm qua, như thường lệ, tôi vẫn gõ cho anh vài chữ trước khi ngủ, nhưng không thấy hồi âm, nên sáng nay tức!
Bảo Huân
-oOo-
Có vẻ như hai người tuổi teen đang gởi tin cho nhau?…
Không phải đâu ạ, họ đều nhiều bó lắm rồi…
Anh trả lời:
– A, tại vì hôm qua cháu Tí nó kể cho anh là tuần sau Lễ Tốt nghiệp, cháu được chọn làm valedictorian – đọc bài diễn văn từ biệt, rồi nhiều chuyện nữa, sau đó anh quên trả lời cho em. May quá, vô tình chùm hoa violets đến tạ lỗi giùm anh rồi nhỏ à.
Tôi mỉm cười.
– Thiệt là!..
Trước ngày dọn đến khu chung cư dành cho người… ít tuổi này, tôi rất băn khoăn và cảm thấy buồn tủi. Ði đâu làm gì cũng một mình, vì ông ấy đi xa rồi, và tôi cũng không giúp đưa đón các cháu được…
Và điều quan trọng nhất là tôi rất sợ ma. Hết trong vòng tay yêu thương che chở của Ba Me anh chị, rồi đến đấng trượng phu đầy nghị lực sức mạnh – tôi thường nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ phải suốt ngày ngồi một mình trông ngóng người thân. Vì anh «mái nhà» của tôi rất khỏe mạnh, cho dù bị bầm giập sau nhiều năm đi tù cộng sản… lúc nào cũng có đôi. Tôi thường nói «Bố ơi, Bố đừng giành đi trước nhé Bố, vì Bố rất giỏi, kiên cường, uyên bác mọi thứ, sẽ vẫn luôn giúp cho con cháu, cho xã hội…
Ðể mẹ đi trước, vì mẹ vô tích sự! Với lại mẹ không thể sống một mình, bố ạ. Mẹ sợ mọi thứ”.
Thế đấy, mà ông í đã ích kỷ ra đi. Ðể lại mình tôi. Các con bảo mẹ muốn ở với đứa nào, tùy mẹ, mẹ nhé. Vài năm nay, khi đã «gác kiếm», mỗi ngày không còn chạy theo cái đồng hồ, tôi sống với gia đình con gái, anh và em cháu đều ở xa, và cháu là tay hòm chìa khóa của gia đình, tỏ tường mọi thứ. Nhưng rồi có người bạn cũng «côi cút» như tôi, bà đang sống rất thoải mái ở một chung cư… người ít tuổi, một mình một cõi, không phiền hà đến ai. Hai thế hệ dưới cùng một mái nhà đôi khi cũng có những điều bất tiện…
Ðến chung cư này được chừng 4 tháng, một hôm trong buổi họp – ban Giám Ðốc thường có những sinh hoạt để ngày bớt dài cho mọi người, tổ chức dạy nấu ăn, đan móc … bingo… Tôi có giúp dạy cho những sinh hoạt ấy, vì đó là những thú tiêu khiển mà tôi rất thích… Bên cạnh tôi là một đấng nam nhi. Ông ấy gợi chuyện và hỏi tôi có phải người ở xứ Sương Mù không, vì những người ở xứ đó đa số đều biết đan…và có nhiều người Huế nên họ biết nấu món Huế…
– Tại sao ông biết?
– Vì tôi ở căn đối diện với nhà của cô, cách khu đậu xe và khoảng sân rộng, thỉnh thoảng tôi thấy cô ngồi đan…
Thôi chết rồi! Có lúc tôi ra ban công khi trời mát, để vừa đan vừa nhìn xuống vườn hoa rất đẹp bên dưới. Tôi cũng có nhìn sang dãy nhà bên đó, cũng thấy có vài người ra đứng ngắm trời trăng như mình…
Và rồi, buổi sáng, buổi chiều đi bộ trên những con đường quanh chung cư có nhiều bóng cây rợp mát, tôi lại gặp ông ấy, có lần ông xin phép được sóng đôi cùng tôi.
– Thanh có thích bài “… con đường Duy Tân cây dài bóng mát” không?
– Dạ thích, đó cũng là câu chuyện tùy bút về ngày xưa của Thanh đó ạ!
…Chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều kỷ niệm về Ðà Lạt, về Huế. Ông ấy là người gốc Cố Ðô, có nhiều năm sống ở xứ Ngàn Hoa, nên những cà phê Tùng, khu Hòa Bình, các ghềnh thác, hồ núi… và sông Hương… các thắng cảnh ở hai nơi thương yêu ấy là tiền đề cho những buổi dạo mát của ông Thịnh và tôi.
– Ngộ chưa Thanh, cả hai chúng ta đều có những 4 chữ giống nhau trong tên của mình; đáng lý ra…
– Là sao?
– Ðáng lý ra nếu như mình gặp nhau từ rất lâu rồi, thì anh và Thanh đã có thể nghĩ ra một chữ ký chung cho cả hai rồi, thích thú biết chừng nào, phải không?
Ðã qua nhiều tháng rồi, anh thi sĩ đã viết cho tôi những bài thơ, về cái răng khểnh, về mắt buồn… và gởi tin nhắn.
Anh lớn hơn tôi rất nhiều tuổi.
Anh bảo:
– Cám ơn em đã cho anh sống lại thời xưa.
Có hôm sinh hoạt với mọi người ở chung cư, một buổi lễ lạt, anh lên sân khấu hát, vừa nhìn tôi:
“Xin cho yêu em nồng nàn…
… Dù biết yêu tình yêu muộn màng..” *1
Hôm đó tôi đã rất xúc động, và cứ nghĩ như ngày xưa… nhưng rồi.
Có hôm tôi phải đi bác sĩ, và con gái bận việc bất ngờ nên không chở tôi đi như đã dự định, tôi hỏi anh có thể giúp tôi được không. Tất nhiên anh rất vui, vì lâu nay muốn qua tận căn chung cư để giúp tôi sửa vài thứ lặt vặt, như khi tủ lạnh hư, hoặc vòi nước rỉ, nhưng tôi đều không muốn, và kiên nhẫn chờ thợ đến… và tôi cũng chưa bao giờ sang nhà của anh.
Các con của anh và của tôi đều biết chuyện của hai chúng tôi, và chúng rất hoan nghênh, vì ba, mẹ chúng đã có niềm vui chứ không lẻ loi như những năm qua…
Có lúc làm những món anh thích – bánh flan, món Huế… tôi nhờ chị nhân viên của chung cư mang qua cho anh.
Hôm nay ngồi cạnh anh trong xe, tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ.
Khi ra về, anh ngừng xe ở một công viên, và quay lại phía tôi, cầm tay tôi và nói:
– Thanh ơi, nhiều đêm rồi anh thao thức, và hôm nay anh muốn hỏi em: Em về sống cùng anh được không? Từ khi biết em, anh thấy cuộc đời mình thật có ý nghĩa, đôi tay anh như có cánh, lúc nào cũng cảm thấy như bay trên mây trời hạnh phúc, em đồng ý nhé em? – Và anh cũng muốn có anh ngay bên cạnh khi em đau đầu, nhức tay…anh sẽ yên tâm hơn, em ạ.
Anh luôn cám ơn Trời đã cho anh gặp được em, dù muộn màng, Thanh ơi…
Mình sẽ tổ chức một buổi họp mặt nhỏ, mời bà con bạn bè đến chung vui với mình, em nhé?
– Anh Thịnh, thật là đột ngột. Cám ơn anh đã dành cho Thanh những tình cảm thương quý. Anh cho phép Thanh suy nghĩ rồi trả lời anh sau nhe. Và tôi rút tay về.
Anh rất buồn, nhưng tôn trọng ý của tôi, và đưa tôi về.
Và tôi gởi cho anh một lá thư, sang bỏ vào hộp thư của anh.
“Thưa anh,
Th cám ơn và thật trân quý những tình cảm anh dành cho Th.
Những ngày tháng vừa qua, Th rất vui và hạnh phúc khi có anh cùng đi ngắm hoa cỏ, trăng lên… Trước đây, khi thấy những cặp đôi sánh vai bên nhau, Th rất buồn tủi, tại sao mình lại cô đơn…?
Nay thì Th cũng đã có người chia sẻ mọi việc, Th cám ơn anh nhiều lắm.
Cám ơn anh đã dệt muôn vàn lời thơ lãng mạn làm say đắm lòng người cho bao độc giả của anh và những dòng thơ tràn đầy cảm xúc cho Th.
Cám ơn anh đã thi vị hóa những tháng ngày cô đơn buồn tủi của Th khi nghĩ về quá khứ. Th không còn lặng lẽ tiếc nuối những hạnh phúc đã qua.
Nhưng xin anh hiểu cho Th, và Th nghĩ anh cũng như Th, có những lúc anh cũng nghĩ về chị, như Th vẫn nhớ về người đã cùng mình chia sẻ ngọt bùi suốt nhiều năm tháng trước đây…
Hãy cứ để mỗi người sống theo ý nguyện của mình.
Dù anh thấy rằng quãng đời còn lại của anh và Th sẽ có ý nghĩa hơn, ấm áp hơn khi mình ở cùng mái nhà, ăn cùng mâm, nhưng không nên để cả hai phải gượng gạo, có những lúc “nếu như là ông ngoại của bé Nhi thì đã khác rồi”. Cũng như anh “nếu là Ngọc thì thế này thế kia”, anh nhé.
Cứ để mọi việc tiếp tục như hiện nay, thưa anh. Anh vẫn chăm lo những nhỏ nhặt nhưng cần thiết của Th “Hôm nay trời gió. Em ra ngoài với bé Nhi thì nhớ quàng khăn ấm, em nhé”.
Buổi tối: “Nhớ mang vớ nha em”…
Anh với Th, chúng ta là bạn, ông Tơ đã không se duyên cho mình sớm hơn, nhưng muộn cũng còn hơn không. Gặp nhau, lo cho nhau để cùng bước đi những bước còn lại, để những giờ phút của cả hai không còn lẻ loi, là hạnh phúc nhất trên đời. Nhưng các con, các cháu chúng ta không bao giờ muốn người khác thế vào vị trí của cha, mẹ, ông bà của chúng.
Những ngày đặc biệt, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới … anh và Thanh đều có thể nhớ về những ngày xa xưa, anh nhé.
Mong anh hiểu và không buồn khi đọc những dòng thư này.
Th sẽ luôn trân quý những gì anh đã và sẽ dành cho Th..
Thương quý,
– Thanh”.
Và tối nay, cũng như bao nhiêu đêm, anh vẫn gởi tin nhắn:
“Em ngủ ngon nhé. Nhớ em”.
Hé màn cửa sổ nhìn qua dãy nhà đối diện, một cánh cửa sổ cũng vừa mới mở ra, và trên màn hình điện thoại, một nụ hôn gió vừa hiện lên.
– “Chúc anh ngủ ngon. Nhớ uống thuốc nhức đầu với thật nhiều nước nhé anh”.
“ …còn tuổi nào cho nhau
Còn tuổi trời hư vô...” *2
TL
*1 Tình Khúc Cho Em- Lê Uyên Phương
*2 Còn Tuổi Nào Cho Em- Trịnh Công Sơn