Con trai nghĩ chắc mẹ xem phim nhiều nên bị ám ảnh.
Bà cụ ngồi thụt sâu vào góc sa lông, lim dim trước màn hình ti vi gắn sát tường. Trong cái khung chữ nhật nhập nhòe ấy, cô con dâu Hàn Quốc hai má phơn phớt hồng đang nỉ non to nhỏ với bà mẹ chồng – cũng Hàn Quốc – bằng tiếng Việt.
Chợt cụ bật người dậy. Có tiếng chuông cửa. Tiếng chuông trong veo. Âm thanh ong óng như tiếng chiếc bình pha lê rơi xuống nền xi măng. Mảnh vỡ nhảy nhót va vào bốn bức tường, rồi loãng đi. Tiếng chuông làm cụ tỉnh hẳn.
Cụ túm chặt lấy ngực áo mình, hớt hải, “Chúng nó đến đấy à?”
“Không có ai đâu mẹ ơi.” Đang loay hoay trong bếp với bó rau, người đàn ông ngừng tay, nói vọng ra.
“Tao nghe tiếng chuông rõ ràng.” Cụ nói, dằn từng tiếng.
“Chắc trong ti vi đấy.”
Câu nói làm bà cụ hoang mang. Phim tập Hàn Quốc đang đến hồi gay cấn. Cô con dâu trên màn hình đang nỉ non với mẹ chồng trong căn biệt thự kín cổng cao tường, chẳng có ai đến bấm chuông mà quấy rầy họ. Rõ ràng là tiếng chuông từ ngoài cửa vọng vào.
“Mẹ cứ tưởng tượng.” Anh con trai nói. “Mà mẹ lại túm cổ áo làm gì thế?”
“Tao có túm đâu,” bà cụ nói vội, tay buông cổ áo, khẽ vuốt mặt vải cho thẳng nếp. Bà ngẫm nghĩ gì đó rồi gật gù. Chắc mình tưởng tượng ra thật.
Trong góc bếp anh con trai khẽ lắc đầu. Chẳng nhìn anh cũng biết mẹ đang túm chặt lấy cổ áo như bị đứa quyền thế nào đó trong quá khứ túm cổ kéo đi. Cái tật nhắc hoài không bỏ được.
Bà cụ lại co người trong góc chiếc sofa cũ kỹ, chăm chú nhìn vào màn hình xem bà mẹ chồng Hàn Quốc phản ứng thế nào với con bé dâu thị thành đanh đá kia.
Kính coong. Lại tiếng chuông chết tiệt ấy nữa. Tiếng chuông làm cụ giật bắn người.
Cụ nắm chặt đồ bấm ti vi trong tay, mò mẫm tìm nút tắt tiếng. “Cái bọn chế ra đồ bấm ti vi thật là đần độn,” cụ lẩm bẩm.
Anh con trai nghe tiếng mẹ cằn nhằn nhưng đã quen nên không hỏi xem mẹ nói gì.
Ngoài phòng khách, mẹ anh vật vã với đồ bấm ti vi. Cái nút tắt tiếng quan trọng như thế lẽ ra phải to nhất, và phải gồ hẳn lên để người ta khỏi mất công mò mẫm tìm.
Phải bấm cho mẹ chồng và con dâu cái nhà Hàn Quốc kia im lặng để cụ nghe xem có phải tiếng chuông cửa nhà cụ hay không.
Chuông nhà cụ nghĩa là chúng đã đến. Cụ cần biết sớm để còn kịp mà nhanh chân trốn vào phòng, khóa chặt cửa lại.
Đến khi bấm được cái nút tắt tiếng thì tiếng chuông cửa chỉ còn văng vẳng trong đầu cụ.
“Chúng nó bấm chuông phải không?” Cụ hỏi anh con trai.
“Không có đâu mẹ ơi.”
“Tao nghe rõ ràng.”
“Con có nghe gì đâu,” anh con trai nhăn nhó. “Nhưng làm gì mà mẹ sợ tiếng chuông cửa thế?”
“Tao phải biết để còn kịp…”
“Kịp cái gì?”
Cụ không trả lời. Cụ chả thèm trả lời. Cụ chỉ cần biết có phải chúng nó đã đến đây hay không thôi. Cụ cần biết sớm để còn trốn kịp. Thế giới này chẳng còn nơi nào yên ổn nữa rồi. Cũng may mà cụ còn căn phòng nhỏ như cái hộp để nương náu.
Sau khi cô con dâu bế cháu nội cụ đi bặt tăm lúc vợ chồng nó vừa mới ly dị, hai mẹ con cụ dọn về căn nhà nhỏ bé này.
Ngày mới dọn về đây, sau khi được chia cho một phòng, cụ tỉ mẩn đi quanh bốn vách tường, con mắt kéo mây chăm chú nhìn, những ngón tay cong quẹo rờ rẫm từng góc cạnh căn phòng, và cụ quyết định cửa phòng phải có khóa.
Con trai ngạc nhiên bảo trong nhà an toàn mẹ đòi khóa bên trong làm gì.
Cụ túm chặt lấy cổ áo mình, gằn giọng, “Khóa cho an toàn!”
“Nhà đã khóa cửa ngoài, lại còn có gắn alarm đứa nào mở cửa vào ban đêm là chuông nó réo ầm lên rồi,” con trai lý luận. “Với lại mẹ khóa cửa bên trong, lỡ có chuyện gì làm sao con vào được.”
Thấy mẹ cứ túm chặt lấy cổ áo, anh con trai lắc đầu ngao ngán. Cụ tiếp, “Mày muốn tao thức trắng đêm à?”
Thuyết phục thế nào thì cũng vậy thôi. Cụ nhất định đòi phải làm móc khóa bên trong cho cụ.
Con trai nghĩ chắc mẹ xem phim nhiều nên bị ám ảnh. Nhưng anh cũng chiều ý mẹ. Có cái móc bên trong cánh cửa khiến mẹ yên tâm hơn.
“Mẹ có ngủ ngon hơn không?” Sau cái hôm gắn cái móc khóa vào bên trong cửa phòng mẹ, anh con trai hỏi, ngầm nhắc đến cái khóa mới gắn.
“Ngon chứ. Tao ngủ một mạch tới sáng.”
“Mẹ không phải thức đi tiểu à?”
Cụ ngập ngừng suy nghĩ rồi quả quyết, “Chả phải đi.”
Con trai lặng thinh nhưng trong đầu hiện ra một mớ hình ảnh không đẹp mắt chút nào. Chiếc tô sành đầy chất nước vàng đục. Cái khăn len phủ lên vũng nước sặc mùi khai.
Nhưng đành chịu vậy chứ biết sao.
“Mày làm gì thế?” Cụ chợt hỏi.
“Con xếp áo quần cho mẹ.”
Bà cụ săm soi nhìn hai ba chồng áo quần xếp gọn ghẽ trên giường.
“Tìm đâu ra nhiều thế?”
“Thì quần áo từ hồi trước đến giờ.”
Cụ nheo mắt ngẫm nghĩ. Hẳn có chuyện gì nghiêm trọng sắp xảy ra. Chắc cái ngày ấy đã đến. Tim cụ rối lên trong lồng ngực.
“Lại có cả giầy dép nữa.” Cụ nói, mắt nhìn đăm đăm những đôi dép buộc thành bó trên thảm.
“Giầy dép gì đâu.” Vừa nói anh con trai vừa luồn tay vào ngăn tủ tìm xem còn thứ gì không.
“Thế cái gì kia?” Cụ chỉ tay về phía cái bó giầy dép nằm lăn lóc trên nền nhà.
“Mắt mẹ còn tốt nhỉ,” anh con trai nói lảng.
Cụ hầm hừ, “Tao đâu đã mù.”
Anh con trai lặng im.
Rồi những đống quần áo được buộc thành bó, bỏ vào trong túi vải. Hai ba cái túi vải dựa vào nhau ở đầu giường.
“Chừng nào chúng nó đến?” Cụ bất chợt hỏi.
“Chưa đâu mà,” anh con trai nói nhỏ.
“Còn nó, chừng nào nó dọn vào nhà này?” Cụ cao giọng hỏi.
“Mẹ nói ai?”
“Cái con tây tóc vàng chứ còn ai vào đây nữa.”
“Janet,” anh con trai hạ giọng. “Janet chứ không phải con tây tóc vàng mẹ ạ.”
“Tóc vàng thì nói tóc vàng còn không chịu nữa à?”
Anh con trai bỏ ra ngoài. Mẹ càng ngày càng khó tính. Anh thầm nghĩ nhưng không dám nói ra.
“Đã thắp nhang trên bàn thờ Phật chưa?” Cụ nhắc, lần thứ bao nhiêu anh con trai cũng không nhớ nữa.
Anh trả lời gọn, “Thắp rồi.”
“Mày hay quên lắm đấy.”
“Con đã nói thắp rồi.”
Điện thoại reo. Bàn tay anh vồ lấy cái điện thoại nhanh như con diều hâu sớt mồi. Thật đúng lúc, cứ như có thần giao cách cảm vậy. Anh khẽ lắc đầu mỉm cười một mình.
“Mọi chuyện tốt đẹp cả chứ, honey?” Người đàn bà tóc vàng. Đúng là người đàn bà tóc vàng. Từ đầu dây kia, chị ta hỏi, giọng reo vui.
“Tốt đẹp, honey.”
“Mọi chuyện?”
“Ya, mọi chuyện.”
“Anh đang làm gì thế?”
“Đang xếp đồ cho mẹ anh.”
“Bà ấy chịu đi chưa?”
“Anh chưa nói cho mẹ biết.”
“Sao vậy?”
“Sợ mẹ không chịu.”
“Có gì mà không chịu. Ở đó có người lo cho mình thích hơn chứ.”
“Mẹ đã quen ở nhà.”
Tiếng cười trong trẻo lọt cả ra ngoài ống nói điện thoại, “Mama’s boy!”
“Thật mà, mẹ đã quen ở nhà.”
“Ở đó rồi cũng quen.” Người đàn bà nhấn mạnh.
“Mẹ không nói được tiếng Anh.”
“Có cần phải nói gì đâu.”
“Anh thấy mẹ cũng chẳng cần phải đi,” anh nói, giọng ngập ngừng.
“Cần chứ,” giọng người đàn bà trở nên nghiêm trang. “Anh phải nhớ là mình cần sự riêng tư.”
“Mẹ có phòng riêng mà.”
Anh đang tìm cách giải thích – hay thuyết phục bạn gái ở đầu dây kia – thì bàn tay mẹ chạm vào lưng anh. Anh quay lại.
“Chúng nó đến đấy hả?” Mẹ anh hỏi.
Anh dán điện thoại vào một bên tai, đưa tay ra dấu không phải.
Ở đầu dây kia bạn gái anh thắc mắc, “Bà ấy đấy à?”
Anh nói nhỏ, “Ừ, mẹ anh.”
“Bà ấy nói gì vậy?”
“Mẹ anh bảo sao chưa ăn cơm?” Anh nói dối.
Cũng may hai người nói với nhau bằng tiếng Anh nên mẹ anh không hiểu.
“Anh chưa ăn à?”
“Chưa.”
“Thôi ăn cơm đi. Bye nhé.”
Anh cúp điện thoại, quay xuống nhìn mẹ. Mẹ gầy gò, bé nhỏ đến tội nghiệp.
“Chừng nào chúng nó đến?” Mẹ anh lại hỏi cái câu đã hỏi không biết bao nhiêu lần từ hai tuần lễ nay. Anh khẽ lắc đầu, lặng thinh.
Cách đây đúng hai tuần, nhân viên xã hội lại nhà. Một người đàn ông và một người đàn bà. Cùng một cô thông dịch viên. Họ trò chuyện với mẹ anh trong phòng bà cụ.
Anh nói tiếng Anh được nhưng họ không muốn để anh dịch cho mẹ, họ sợ anh dịch sai ý bà.
Sau buổi phỏng vấn ấy, mẹ anh bỗng trở nên lầm lì. Và trong đầu lúc nào vang vọng tiếng chuông cửa kính coong và miệng luôn hốt hoảng, “Chúng nó đến đấy à?”
Đến mức anh không biết mẹ thực sự nghe tiếng chuông hay chỉ tưởng tượng ra thế rồi quýnh quáng lên.
Để yên tâm, anh điện thoại cho nhân viên xã hội.
“Mẹ tôi nghe tiếng chuông cửa một ngày không biết bao nhiêu lần.”
“Nhưng thực sự có ai bấm chuông không?”
“Không có tiếng chuông nào hết nhưng mẹ tôi vẫn quả quyết có người bấm chuông.”
“Chắc là ảo tưởng thính giác.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” anh ngập ngừng. “Có khi nào mẹ tôi bị bệnh tâm thần không?”
Đầu dây kia im lặng vài giây. “Không hẳn như vậy. Chắc cụ lo lắng quá đấy thôi.”
Anh con trai yên lòng sau cú điện thoại. Mẹ không bị tâm thần. Vậy là anh có thể yên lòng gửi mẹ đi.
Sáng thứ Bảy, bà ngồi xem phim tập Hàn Quốc như mọi khi. Vẫn nàng dâu chanh chua mà bà gọi là cái con thần đanh đỏ mỏ, vẫn bà mẹ chồng ma mãnh đầy mưu mô trong đầu.
Chợt bà túm chặt lấy cổ áo, ngểnh cổ lên hỏi ngay đoạn phim hấp dẫn, “Chúng nó đến đấy à?”
Anh không biết nói sao.
Tiếng chuông, lần này thực sự có tiếng chuông ngoài cửa. Tiếng chuông phát ra khi có kẻ nào đó bấm nút ngoài khung cửa chứ không vang ra từ trí tưởng tượng của mẹ.
Lại những tiếng kính coong. Tiếng chuông cửa trong veo. Lan tỏa trong không khí nghe như tiếng mảnh thủy tinh rơi xuống nền xi măng.
Anh vội vã bỏ cái ly còn dính xà bông xuống chậu, rửa tay và bước nhanh ra cửa.
Lúc đi qua phòng khách, anh thoáng thấy mẹ nhớn nhác nhìn quanh như con nai nghe tiếng bước chân của loài cọp dữ xạc xào trên lá khô.
Anh mở cửa. Vẫn ba người ấy. Một đàn ông, một đàn bà và một cô thông dịch viên người Việt.
Những câu chào hỏi rộn ràng vang lên.
“Chúng tôi đến đón bà cụ,” người đàn bà nói.
“Bà cụ sẵn sàng cả rồi chứ,” người đàn ông tiếp lời.
Cô gái Việt mỉm cười với anh, “Chắc anh không cần em dịch lại đâu há.”
Anh mỉm cười, lắc đầu và mời cả ba vào nhà. Trên ti vi, cô con dâu thần nanh đỏ mỏ đang chí chóe với bà mẹ chồng Hàn Quốc bằng thứ tiếng Việt lồng tiếng ngây ngô.
“Mẹ ơi,” anh gọi nhỏ.
Không có tiếng trả lời, anh vừa cao giọng gọi “Mẹ đâu rồi?” vừa bước về phía phòng khách.
Anh với tay tắt ti vi. Căn phòng chao đi trong tĩnh lặng. Cái sofa trống trơn. Chiếc gối dựa lưng nằm chỏng chơ trên mặt thảm. Anh quay đầu nhìn về phía phòng ngủ của mẹ. Cánh cửa đóng kín. Anh bước vội về phía ấy.
Ngang qua chỗ hai nhân viên xã hội và cô thông dịch viên đứng lớ ngớ, anh khẽ lắc đầu.
Những con mắt mở to nhìn theo anh. Anh xoay nhẹ nắm cửa. Cái nắm cửa cứng ngắc. Anh biết trước như thế.
“Mẹ ơi,” anh gọi khẽ.
Không có tiếng trả lời. Anh lại gõ cửa, lần này mạnh hơn
Vẫn không có tiếng trả lời.
Ba người khách bước đến sau lưng anh. “Hello Mrs. Le,” người đàn bà lên tiếng.
“Chào bác Lê,” cô gái Việt Nam dịch lại.
Giọng trong trẻo của hai người đàn bà tan loãng vào cái tĩnh lặng của căn nhà.
Người đàn ông cao lêu nghêu nói một câu dài.
Cô gái Việt Nam nhanh miệng dịch vọng qua cánh cửa đóng kín, “Bác ơi, bác sẽ có chỗ ở thoải mái, có người nấu thức ăn cho bác, có người rửa chén bát cho bác, có nhân viên y tế săn sóc sức khỏe cho bác, có bạn đồng lứa tuổi để trò chuyện với bác…”
Anh con trai cũng vừa xoay cái nắm cửa vừa cao giọng thuyết phục, “Ở đó cũng có ti vi màu, có phim tập Hàn Quốc cho mẹ xem.”
Bốn người thay nhau nói qua cánh cửa đóng chặt.
Một thế giới nồng ấm mở ra bên ngoài khung cửa.
Có người phục vụ miếng ăn, có người săn sóc sức khỏe, có người trải giường xếp gối cho mình, có người dọn phòng hút bụi lau nhà, có người dẫn mình đi dạo quanh sân cỏ xanh mướt, có người nói chuyện cho mình nghe, cuối tuần có linh mục lại làm lễ trong nhà nguyện, ngày rằm có thầy đọc kinh gõ mõ cho nghe.
Họ cứ đứng như thế mà vẽ ra cả một thiên đường huyền hoặc cả bằng hai thứ tiếng.
Chợt từ trong phòng vọng ra tiếng ho thúng thắng của bà cụ. Và cái giọng khàn khàn nghe tiếng được tiếng không, “Nhớ thắp nhang bàn thờ.”
Cô gái Việt dịch lại câu nói của bà cụ. Rồi cả bốn người đứng lặng, những tia nhìn bối rối quyện vào nhau.
Tiếng còi xe cấp cứu từ đầu đường vọng lại nghe xa xăm như vọng ra từ trí nhớ.
Rồi không gian lắng xuống. Xa vắng, lạnh lùng.
Bốn người chôn chân trên nền nhà. Họ đứng như thế từ trưa đến chiều. Cửa phòng bà cụ vẫn đóng chặt.
Họ đứng từ chiều đến tối. Cho đến khi thế giới huyền ảo họ vẽ ra quyện vào nhau như những sợi khói đầu cây nhang trên bàn thờ Phật đóng trên vách tường phòng khách.
Thế giới ấy trôi bồng bềnh trong căn phòng đặm mùi khói nhang rồi nhẹ nhàng luồn qua khung cửa sổ, lướt thướt kéo lê trên sân cỏ cắt không đều trước nhà.
Họ đứng mãi như thế. Cho đến khi chính họ cũng tan thành những cuộn khói mỏng biếc xanh, và theo nhau trôi qua khung cửa sổ mở hé ra khoảng sân chật hẹp trước nhà, lãng đãng chìm vào cái thế giới ảo huyền họ dày công vẽ vời.