main billboard

CHƯƠNG   VII

HÒA  GIẢI  BẾ  TẮC

7.1   SỚ PHÚC TRÌNH CỦA CHƯỞNG MÔN NGUYÊN ĐỨC THIỆP

 Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma sau cuộc họp với các Hoàng Đế Thiên Giáo tại Hoa Thạch Đông, trở về Hồ Sinh với một sự bực tức khôn tả. Ông căm giận nhóm Chân Lý Thái Bình đã cả gan vạch trần chính sách cai trị khắc nghiệt của Ông cho các Hoàng Đế Thiên Giáo. Vì thế tên tuổi Ông đã được các nhà lãnh đạo Thiên Giáo nhắc nhở luôn luôn và điều này đã làm cho uy tín của Ông giảm sút rất nhiều. Để vớt vát lại chút nào uy tín và hoá giải một phần những thiệt hại do nhóm chống đối gây ra, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma cho triệu tập các quan cận thần trung tín hầu tìm biện pháp đối phó. Sau nhiều ngày hội họp, bàn thảo, Triều đình bắt đầu cho thực hiện kế hoạch thâm độc nhằm đánh lạc hướng cuộc tranh đấu của người Hoài Quốc tại  Doanh Tuẫn Giáo.

 Buổi chiều ngày 20 tháng 11 năm Bính Dần 1986, trong lúc Bạc Trang Hán Tử đang ngồi đọc sách trong thư phòng thì người bưu trạm hộc tốc gõ cửa trao cho Ông một mật thư hoả tốc có đóng dấu triện của Dinh Tể Tướng. Bạc Trang Hán Tử vội mở ra xem thì bắt gặp một bức thư với thủ bút của Tể Tướng Xú Uế Vân. Trong thư, đích thân vị Tể Tướng của Triều đình Thạch Đỗ Ma mời Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang của Doanh Tuẫn Giáo tham dự cuộc tỉ võ tay ba do Ông đứng làm chủ đài. Cuộc tỉ võ này nhằm mục đích khai thông những bế tắc của vấn đề người Hoài Quốc. Song song với thư mời giao đấu, Tể Tướng Xú Uế Vân cũng còn gửi cho Bạc Trang Hán Tử một bản sao tờ sớ phúc trình của vị sứ giả hoà giải là Quan Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp. Bạc Trang Hán Tử liếc nhìn sơ tờ sớ thì cau mày lộ vẻ khó chịu. Tờ sớ vừa đọc có những điểm vô lý kể sau:

 - Sớ phúc trình không đề ngày tháng, niên lịch như các văn kiện quan trọng.
 - Thứ hai không thấy dấu triện hoặc ấn tính của Quan Chưởng Môn.
 - Thứ ba là điều hết sức quan trọng. Bạc Trang Hán Tử trước kia có tiếp xúc với vị Sứ giả thì được biết tờ sớ phúc trình của Ông khá dài. Những điều nhận xét về Triều đình và dân chúng Hoài Quốc được Quan Chưởng Môn đúc kết và viết lại trên một tờ sớ dài khoảng 9 trang. Thế mà bản sao tờ sớ Tể Tướng Xú Uế Vân gửi cho Bạc Trang hôm ấy chỉ dài độ 3 trang và nhất là nội dung chỉ chứa đựng những lời lẽ lên án việc thỉnh nguyện của Chân Lý Thái Bình. Bạc Trang Hán Tử đã thừa biết 6 trang còn lại của tờ sớ chứa đựng những điều bất lợi cho Triều đình; do đó Triều đình quyết định cắt xén và ém nhẹm không cho phổ biến. Nhất là những giải pháp được Quan Chưởng Môn đề nghị liên quan đến sự ra đi tránh mặt của Lộ Dung cũng không thấy tiết lộ. Bạc Trang Hán Tử cho người liên lạc với Giáo Học Thiền Trang và được biết vị Chủ sự của Bang Hành Sự cũng nhận được một mật thư tương tự. Cả hai vội thông báo cho Đệ Nhất võ quan của Triều đình Thạch Đỗ Ma là Tể Tướng Xú Uế Vân và chấp nhận cuộc tỉ thí vào ngày hôm sau để dò xem thái độ của Triều đình.

 Chiều ngày 21 tháng 11 vào khoảng đầu giờ Thân, tại bãi đất trống trải nằm sau bức tường bên ngoài Chánh Điện của Đền Thờ Vương Quốc, cuộc tỉ thí giữa hai bên bắt đầu. Tể Tướng Xú Uế Vân trong bộ võ phục quen thuộc màu đen của Thiên Giáo khuỳnh hai tay bái tổ vào thế. Bài quyền ra mắt của ông ngày hôm ấy thật là uyển chuyển, nhu mì không có vẻ gì thô bạo hung hãn như lần giao đấu với Bạc Trang Hán Tử trên võ đài của Đệ Thập Nhất Truyền Ảnh Trạm. Với nụ cười trên môi, khuôn mặt hớn hở, Tể Tướng Xú Uế Vân một tay vỗ nhẹ vào vai của Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang trong thế “Thông Cảm Quyền”, tay còn lại dùng phán quan bút nguệch ngoạc hai chữ đại tự “Hiểu Lầm” trên mặt đất. Cả hai cao thủ của Doanh Tuẫn Giáo đều nhanh trí đoán biết vị Tể Tướng đang nghĩ gì về cuộc tranh chấp của người Hoài Quốc; tuy nhiên, họ vẫn đứng chờ, chưa vội động thủ. Tể Tướng Xú Uế Vân sau khi thi triển bút pháp trên mặt đất, ông vội luồn tay vào ngực lôi ra tờ sớ ba trang vắn tắt của Quan Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp. Đến lúc ấy, Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang không thể nhịn hơn nữa, cả hai tung người nhảy vọt lên cao như hai chiếc pháo thăng thiên, đầu lắc nguầy nguậy, hai tay khoác liên hồi trước mặt vị Tể Tướng trong thế “Tam Vô Pháp”, ý nói không muốn xem, không muốn nghe, không muốn đọc vì tất cả những lời lẽ trong sớ chỉ là sự lập đi lập lại ngôn ngữ của Triều đình. Tể Tướng Xú Uế Vân thấy hai cao thủ của Doanh Tuẫn Giáo quyết liệt chống lại tờ sớ bửu bối của Ông, nên vội vàng mở nắp một chiếc bầu to trong chứa thứ nước đặc quánh như mật. Ông dốc một hơi vào mồm gần cạn bầu rồi bắt đầu dùng ngữ pháp ngọt ngào rót vào tai hai cao thủ Chân Lý Thái Bình. Ông cố gắng khuyến dụ họ và buộc họ phải nhìn nhận rằng cuộc chống đối Triều đình chỉ do sự hiểu lầm mà ra. Nhận thấy ngữ pháp của vị võ quan Triều đình chỉ làm ngứa ngáy màng nhĩ, cả hai cùng rút vội cặp song kiếm “Chân Lý Thái Bình” và bắt đầu kết hợp theo thế liên hoàn “Thượng Bất Chánh Hạ Tắc Loạn” tố cáo những điều sai quấy của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và Tổng Trấn Lộ Dung khiến cho dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo phải thỉnh nguyện trong khổ sở.
 
 Sau khi cố gắng giao đấu bằng những thế đánh ôn hoà nhưng không kết quả, Tể Tướng Xú Uế Vân bắt đầu nổi nóng. Mặt Ông đổi màu đỏ như gấc, máu dồn lên đầu nóng hừng hực. Thủ pháp của ông và nhất là ngôn ngữ bắt đầu chuyển hướng. Ông bắt đầu để lộ con người thực của Ông. Những thế đánh mềm dẻo, uyển chuyển của “Bồ Câu Pháp” lúc ban đầu bắt đầu trở thành những cái vung tay, đá chân đầy phẫn nộ, hung hãn của “Mã Nhập Quyền”. Hai mắt long lên sòng sọc, mặt đỏ tía tai, tay đập xuống nền đất thùm thụp, mồm phun ra những ngôn từ thật khó nghe. Giáo Học Thiền Trang dùng hết sức bình sinh chống trả mãnh liệt bằng tất cả lập luận vững chắc của một người am hiểu đầy đủ tình hình. Bạc Trang Hán Tử thấy lối đánh của Tể Tướng Xú Uế Vân đầy tính cách hung hăng nóng nảy, ông vội dùng đấu pháp “Tiếu Ngạo Môn” vừa cười cười vừa chọc giận địch thủ. Quả nhiên vị võ quan của Triều đình lại càng nổi nóng, ngôn từ bừa bãi và đấu pháp ngày càng rối loạn.

 Đến khoảng giờ Thân, thấy trời đã gần tối, Tể Tướng Xú Uế Vân cảm thấy thấm mệt, vội thu quyền về. Ông biết không dễ gì thuyết phục hai cao thủ của Doanh Tuẫn Giáo chấp nhận những sự lầm lỗi như trong tờ sớ của Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp. Trái lại, buộc lòng ông phải thoả mãn lời yêu cầu của họ là tất cả những thông tư và yết thị trước đây của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma liên quan đến chính sách cai trị đối với Doanh Tuẫn Giáo có những thiếu sót. Để tỏ thiện chí, hai cao thủ của Chân Lý Thái Bình hứa sẽ cố gắng cho sửa đổi những gì xét thấy là không đúng trong việc cắt nghĩa chính sách của Triều đình. Cả ba đều đồng ý sẽ tái đấu vào ngày 5 tháng 12 năm Bính Dần 1986.

 Cuối tuần lễ đó, Lộ Dung và thủ hạ rần rộ cho phổ biến tờ sớ thiếu đầu thiếu đuôi đã bị cắt xén quá nhiều của vị Sứ giả. Việc làm đen tối này đã bị hịch Chánh Đạo phơi bày trước công luận trong phần nhận định được viết vào giờ chót vì những thủ lãnh của Chân Lý Thái Bình biết chắc bọn người Lộ Dung sẽ lợi dụng cơ hội này để làm giảm tinh thần phe chống đối. Âm mưu của họ bị đập tan thêm một lần nữa . . .

7.2   QUYẾT TÂM GIỮ TRẤN

 Đúng như dự đoán của Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình, Triều đình và Lộ Dung cố gắng nắm quyền chủ động tại các Đền Thờ vào cuối tháng 11 năm Bính Dần 1986. Dựa vào tờ sớ phúc trình của Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp, những người ủng hộ Lộ Dung tin tưởng rằng họ có thể giành lấy quyền kiểm soát tại các buổi tế tự mà không sợ công luận lên án. Một yếu tố khác khiến thủ hạ của Lộ Dung trở nên chủ quan là sự lắng dịu của phe Chân Lý Thái Bình. Sự lắng dịu này trước sau vẫn là chủ trương cố hữu của những người ở Doanh Tuẫn Giáo. Tuy nhiên thủ hạ Lộ Dung đã không nghĩ như thế. Trái lại, họ cho rằng những người chống đối đã bắt đầu chán nản, tan rã hàng ngũ sau gần năm tháng đòi hỏi hai thỉnh nguyện. Trong suốt tuần lễ đó, tin tức của quân thám báo của Chân Lý Thái Bình thu lượm được cho thấy những hoạt động rộn rịp của phe Lộ Dung chuẩn bị cho kế hoạch “Tổng vùng lên” chính thức được phát động vào cuối tuần. Để kế hoạch được thành công hoàn toàn, thủ hạ của Lộ Dung đã thao luyện võ nghệ ráo riết, bày trận giả thực tập hàng đêm, học tập và bàn bạc kỹ lưỡng mọi chi tiết của kế hoạch.

 Để đối phó với tình hình đột biến mang chiều hướng bất lợi, Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình một mặt tung ra những nhận định trên hịch Chánh Đạo đả phá sớ phúc trình vắn tắt của Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp có những nhận định thiếu khách quan, mặt khác thu thập ý kiến của dân chúng trong buổi Tiểu Diên Hồng Hội ngày 28 tháng 11 để tìm biện pháp đối phó. Tất cả dân chúng có mặt trong sảnh đường đêm hôm ấy đã nhất tề cương quyết chống lại mọi âm mưu lấn lướt của phe Lộ Dung. Họ khuyến cáo những thủ lĩnh của Chân Lý Thái Bình không nên hoà hoãn nhượng bộ thêm nữa và bày tỏ tinh thần đoàn kết quyết tâm bẻ gãy mọi kế hoạch tiếm quyền của phe Lộ Dung. Giáo Học Thiền Trang vội vàng thảo một tối hậu thư vạch rõ ý đồ đen tối của nhóm người ủng hộ Triều đình và cấp tốc cho người mang thư đến các quan Tổng Trấn của ba Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình, Đền Thờ Sanh Lưu Xinh và Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị. Trong thư ông tái xác định lập trường ôn hoà cố hữu của Doanh Tuẫn Giáo, đồng thời nói lên âm mưu tiếm quyền kiểm soát của phe Lộ Dung. Ông yêu cầu các vị Tổng Trấn bản xứ tìm biện pháp khôn khéo ngăn chận việc những người do Triều đình cắt cử đi thâu thuế để tránh cảnh hỗn loạn có thể xảy ra vì sự chống đối của những người thuộc Doanh Tuẫn Giáo.

 Tối ngày 29 tháng 11 năm Bính Dần 1986, những thủ hạ Lộ Dung kéo đến Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình thật sớm, dáng điệu hăng hái, bố trí khắp nơi trong Đền Thờ, chuẩn bị thi hành kế hoạch. Chúng cho người quan sát và canh gác các nơi đang để những giỏ thâu thuế. Không may cho chúng là vị Tổng Trấn bản xứ của Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành xảy ra nếu ông không can thiệp gấp. Bức thư của Giáo Học Thiền Trang mà ông nhận được từ buổi sáng nói lên tầm mức quan trọng của vấn đề. Lập tức ông yêu cầu Phó Tổng Trấn Đậu Lư đang chủ tế ngày hôm ấy đặt những giỏ thuế trước Chánh Điện để dân chúng tự động lên đóng góp. Bọn thủ hạ Lộ Dung thấy kế hoạch bị thất bại vào giờ chót liền hậm hực kéo nhau ra về.

 Sáng hôm sau không khí ngột ngạt vẫn bao trùm buổi tế tự tại hội đường của Đền Thờ Sanh Lưu Xinh. Lực lượng hai bên gườm nhau như hai con thú dữ trong suốt buổi tế. Nhận thấy tình hình không có vẻ gì là hoà dịu, Phó Tổng Trấn Chánh Nguyên quyết định cử hai chú tiểu đồng hầu tế đi làm công việc thâu thuế. Thế là cả hai lần toan tính đều thất bại. Một số người ủng hộ Lộ Dung đã trở nên giận dữ và một vài cuộc cãi vã nho nhỏ diễn ra nhưng mọi sự đều được dàn xếp êm đẹp. Sau đó phe Lộ Dung kéo dốc toàn lực về Lê Gia Trang để bàn định kế hoạch cho ván bài chót là Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị vào buổi chiều cùng ngày.

 Vào khoảng đầu giờ Mùi, trong lúc sinh hoạt tại Hồ Sinh có phần mệt mỏi uể oải dưới cái nóng của một buổi trưa rực nắng, đoàn chiến mã từ Doanh Tuẫn Giáo cuốn thốc bụi mù trực chỉ Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị. Đây là lần di quân đông đảo nhất của Chân Lý Thái Bình kể từ sau ngày Lễ Trao Gươm 16 tháng 8 năm Bính Dần 1986. Khí thế của nhóm nghĩa quân hôm ấy lên thật cao vì tin tức cuối cùng cho thấy thủ hạ của Lộ Dung sẽ “Tổng vùng lên” bằng mọi giá. Cuộc giao tranh chỉ còn trong đường tơ kẻ tóc. Đoàn người ngựa của Chân Lý Thái Bình vừa đến cổng Đền Thờ liền phân tán, len lõi vào những chỗ quan yếu. Lúc bấy giờ thủ hạ của Lộ Dung cũng đứng rải rác khắp nơi, vẻ mặt cực kỳ khẩn trương. Đạo quân chủ lực của Chân Lý Thái Bình cắt cử khoảng ba mươi cao thủ tiến về phòng xiêm y của Đền Thờ vì họ được cấp báo thủ hạ Lộ Dung đang cố thủ hậu điện, sửa soạn cho cuộc tế. Nhóm Chân Lý Thái Bình trong nháy mắt đã tràn ngập gian phòng xiêm y nhỏ bé. Khẩu chưởng hai bên bắt đầu tung ra. Một số thủ lãnh của Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin thuộc phe Lộ Dung thấy khí thế dõng mãnh của Chân Lý Thái Bình thì hoảng sợ, lập tức đào thoát bằng cổng hậu của phòng xiêm y. Số còn lại khẩu chưởng yếu ớt rời rạc như rắn không đầu.

 Lúc bấy giờ Tổng Trấn Hầu Bao của Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị thấy tình hình cực kỳ căng thẳng, ông vội bước ra giữa chánh điện tuyên đọc bức tối hậu thư của Giáo Học Thiền Trang mà ông nhận được ngày hôm trước. Mục đích của ông lúc bấy giờ là kêu gọi sự bình tĩnh của dân chúng đang có mặt trong Đền Thờ. Vì không thể dùng ngôn ngữ Hoài Quốc, ông nhờ Liễu Tu Sinh  chuyển dịch những lời của ông. Liễu Tu Sinh tuổi ngoài hai mươi là một trong những tiểu tử của Lê Gia Trang Chủ, năm đó đang theo học tại trường Quốc Tử Giám Sanh Phá Trạch, nơi đào tạo các võ quan Thiên Giáo cho Vương quốc Hồ Sinh và các Vương quốc lân cận. Liễu Tu Sinh được Lộ Dung nhận làm dưỡng tử nên người môn đồ luôn tìm cơ hội để  giúp đỡ đền ơn vị ân nhân của mình. Hôm ấy, vì muốn lập công với Triều đình và Tổng Trấn Lộ Dung, Liễu Tu Sinh cố tình dịch sai lạc bức thư của Giáo Học Thiền Trang và tự ý đọc thêm lệnh cắt cử người đi thâu thuế do Triều đình ban ra trước đó hai tháng. Khi hắn chưa kịp dứt lời thì trời đất như rung chuyển cực độ. Tất cả mọi người có mặt trong Đền Thờ đều đứng bật cả lên, la hét rầm rĩ, phản đối lối dịch đầy thâm độc của hắn. Liễu Tu Sinh sực nhớ đến ngày 9 tháng 8 năm đó, khi những người chống đối gào thét như trời long đất lở, tẩy chay Tổng Trấn Lộ Dung khỏi Đền Thờ Vương Quốc. Hắn lo sợ thật sự và tự than thân trách phận đã dại dột đùa với lửa. Tổng Trấn Tích Hầu Bao đứng ngơ ngác hồi lâu không hiểu vì sao đám dân trước mặt đột nhiên phản đối dữ dội. Một người trong nhóm Chân Lý Thái Bình vội vàng giải thích vắn tắt cho ông. Ông vội ra hiệu cho mọi người bình tĩnh và bắt đầu xin lỗi dân chúng vì đã chọn lầm một người thiếu thành thực để làm công việc dịch thuật. Sau đó Ông tuyên bố huỷ bỏ buổi tế tự vì nhận thấy tình hình không mấy thuận lợi để tránh những sự đáng tiếc có thể xảy ra. Bọn thủ hạ Lộ Dung nghe tin buối tế bị huỷ bỏ thì sung sướng ra mặt. Bọn chúng cho rằng nếu không nắm được quyền kiểm soát thì nên dẹp bỏ những buổi tế tự để dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo cũng chịu thiệt hại. Mặc dù chứng tỏ cho Triều đình và phe Lộ Dung thấy sự cưong quyết chống đối lại mọi lệnh lạc vô lý, nhóm Chân Lý Thái Bình lượng định trước tình hình sẽ không lấy gì làm khả quan trong những ngày kế tiếp. Họ cũng ngao ngán về tư cách của những ngưòi đang được huấn luyện để trở thành những võ quan Thiên Giáo như Liễu Tu Sinh.

 Tục truyền rằng trong phòng xiêm y của Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị buổi chiều hôm ấy, một số thủ hạ của Lộ Dung đã lợi dụng sự đỡ đầu của Triều đình nên đã tỏ ra hống hách bất chấp những lời phân trần phải quấy của nhóm Chân Lý Thái Bình. Nhận thấy đã đến lúc cần phải biểu dương sức mạnh, Bang Chủ tráng niên bang là Ngươn Trấn Cương bắt đầu thi triển công lực. Sau khi quan sát chung quanh, thấy căn phòng quá nhỏ hẹp trong khi người đứng chật như nêm cối, ông nghĩ ngay đến thế “ Phụng Hoàng Đập Cánh” trong “Điểu Quyền” mà ông vẫn thích sử dụng ở những nơi đông người như hôm ấy. “ Phụng Hoàng Đập Cánh” là thế võ rất khó luyện, chỉ có những cao thủ có trình độ võ thuật thượng đẳng và ý chí sắt đá mới có thể thi triễn thế võ này. Ngươn Trấn Cương hít một làn hơi thật dài đầy ngực, vận khí đan điền, máu chuyển hết lên đầu khiến mặt ông đỏ bừng như mặt trời đúng ngọ. Cùng lúc ấy, mười thần công lực dồn hết ra hai cánh tay, các bắp thịt săn cứng như hai thanh thép nguội. Mười ngón tay nắm chặt, cánh tay co vào, khuỷu tay chìa ra như hai cánh chim phụng hoàng sắp sửa bay lượn. Trong lúc những tên thủ hạ Lộ Dung còn đang oang oanh này nọ, Ngươn Trấn Cương lẳng lặng vung hai khuỷu tay thật mạnh. Lập tức hai luồn kinh phong ào ạt tốc ra hai bên. Hai tên thủ hạ của Lộ Dung đang đứng gần đấy thấy luồng nội lực kinh khiếp ào ào bay đến, chúng vội vàng vận hết nội lực trong người ra chống đỡ. Nhưng võ công của chúng quá kém và nhất là phản ứng quá chậm, chúng trở tay không kịp, luồng kình lực vũ bão như cơn lốc, xoáy thốc vào hông của chúng. Như búa tạ ngàn cân va vào cạnh sườn, hai tên thủ hạ của Lộ Dung chỉ kịp kêu lên một tiếng “hự!” rồi lảo đảo bước ra ngoài không dám ngoái cổ lại.

 Thấy hai đồng bọn bị sức gió đã ra nội thương trầm trọng, một tên thủ hạ khác kinh vãi vội móc chiếc tù và và định đưa lên mồm thổi để báo động. Lập tức Thuỷ Tần Quới Vĩnh Nguyên của Chân Lý Thái Bình phi thân đứng sát người tên nọ. Thuỷ Tần Quới Vĩnh Nguyên là cao thủ của Doanh Tuẫn Giáo, khi còn ở Hoài Quốc đã từng tham dự các trận hải chiến và đục thủng rất nhiều thuyền bè của bọn Rợ Hồ bằng thủ pháp siêu đẳng của Ông. Thấy thủ hạ của Lộ Dung giở trò thổi tù và như trẻ con, ông tức giận dùng “Nhất Dương Chỉ” điểm ngay mặt hắn hét to “Lão già kia! Dẹp trò rởm ngay, bằng không ta cho đi thổi kèn đám tang bây giờ”. Vì đã từng nghe danh của Quới Vĩnh Nguyên và nhất là cảm thấy da thịt mình không cứng bằng vỏ tàu chiến, tên thủ hạ Lộ Dung vội vàng giấu chiếc tù và vào cạp quần rồi lủi vào đám đông mất dạng.

 Sau khi buổi tế tại Đền Thờ bị huỷ bỏ, thủ hạ của Lộ Dung hí hửng kéo về phúc trình tự sự cho chủ tướng. Lộ Dung đang hân hoan mơ tưởng bọn thủ hạ của ông sẽ làm chủ tình hình tại Đền Thờ thì bất thần bọn chúng kéo vào. Sau khi nghe báo cáo, Tổng Trấn Lộ Dung sa sầm nét mặt, nụ cười chợt tắt. Ông điểm ngay vào mặt tên thủ lãnh và giận dữ quát: “Chúng bay chỉ toàn một lũ ăn hại. Ta tưởng chúng bay sẽ làm nên cơm cháo gì, ai ngờ lại mang thân tàn ma dại về nhà. Đã không nắm được quyền kiểm soát còn làm hư buổi tế. Chúng bay có biết rằng nếu buổi tế vẫn được tiếp diễn thì dù bọn Chân Lý Thái Bình có tẩy chay đóng thuế, ta vẫn còn thâu về được vài chục quan tiền. Bây giờ buổi tế đã huỷ bỏ thì lấy tiền đâu bù vào chỗ thiếu hụt đó. Rõ là một đám báo cô”.

 7.3   HỘI NGHỊ TAN VỠ

 Ngày 5 tháng 12 năm Bính Dần 1986, vào khoảng giờ Ngọ, không khí tại Doanh Tuẫn Giáo đột nhiên sôi động. Một số nghĩa quân và dân chúng của Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình bỏ dở những công việc thường nhật, kéo nhau về tập họp tại Doanh phủ để chuẩn bị cho cuộc tỉ võ đã được giao ước giữa Tể Tướng Xú Uế Vân và hai thủ lãnh của họ sẽ diễn ra vào buổi chiều. Việc tập họp đông đảo này có hai mục đích: thứ nhất để yểm trợ tinh thần của Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang trong sứ mạng khó khăn trước mắt, thứ hai ngăn ngừa những biến chuyển bất ngờ có thể xảy ra vì nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình đã nhận được những lời đe doạ liên quan đến hai thủ lãnh của Doanh Tuẫn Giáo.

 Cuộc hội ngộ giữa Triều đình và nhóm chống đối vào buổi chiều hôm ấy thật là quan trọng vì không khí căng thẳng đã kéo dài suốt cả tuần lễ. Khởi đầu là việc huỷ bỏ buổi tế tự tại Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị vào ngày 30 tháng 11 kéo theo những tin tức liên quan đến việc chấm dứt tất cả các buổi tế tự bằng ngôn ngữ Hoài Quốc trong khắp lãnh thổ Hồ Sinh. Triều đình Thạch Đỗ Ma viện dẫn lý do an ninh trong các buổi tế tự nên đã chuẩn bị cho phổ biến yết thị cảnh cáo phe Chân Lý Thái Bình nếu họ vẫn tiếp tục chống lại những người đã được Triều đình cắt cử đi thâu thuế Đền Thờ. Dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo hy vọng cuộc hội ngộ giữa Tể Tướng Xú Uế Vân Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang sẽ mang lại một giải pháp ổn định tình hình đang căng thẳng, đồng thời khai thông những bế tắc liên quan đến hai thỉnh nguyện của Doanh Tuẫn Giáo.

 Hai thủ lãnh của Doanh Tuẫn Giáo được đoàn nghĩa quân đông đảo của Chân Lý Thái Bình hộ tống đến Trường Quốc Tử Giám Sanh Phá Trạch ở Trấn Vưu Sơn để gặp Tể Tướng Xú Uế Vân. Cuộc hội ngộ hôm ấy đặc biệt có sự hiện diện của Phó Tể Tướng kiêm Công Bộ Thượng Thư Ẩu Gàn Bộ, một người có khuynh hướng ôn hoà của Triều đình Thạch Đỗ Ma. Trong cuộc giao đấu, Phó Tể Tướng Ẩu Gàn Bộ chỉ đứng ngoài quan sát, chốc chốc lại cúi xuống ghi chép những thế đánh của cả hai phe. Tể Tướng Xú Uế Vân vẫn áp dụng lối đánh cố hữu bằng những thủ pháp ào ạt dồn dập ngay từ lúc đầu,. Khi hai thủ lĩnh Chân Lý Thái Bình chưa kịp chấm dứt bài quyền ra mắt, Tể Tướng Xú Uế Vân đã vội vàng rút một mảnh giấy màu trắng giấu bên trong những tranh sách của hịch Chánh Đạo đang cầm trên tay, cuộn tròn lại như mũi phi tiêu và phóng thẳng vào đối thủ. Ông hớn hở ra mặt, tin tưởng rằng thế phóng ám khí đầu tiên sẽ gây thương tích cho Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang. Ngạc nhiên tột cùng vì lối phóng phi tiêu kỳ dị của viên Đệ Nhất võ quan của Triều đình, hai hảo hán của Doanh Tuẫn Giáo không ai bảo ai đều vận khinh công thượng đẳng sẵn có, tung người lên cao, bốn bàn tay phối hợp đẩy ra một luồng kình lực hãm bớt vận tốc của mũi phi tiêu giấy đang bay vút đến họ. Bạc Trang Hán Tử dáng người nhỏ thó, sở trường về những thế đánh uyển chuyển, vội giở ngay thế “Phi Yến” né người sang một bên, hai tay giang rộng như chim én đang bay lượn, đồng thời dùng mưòi ngón tay kẹp chặt mũi phi tiêu của Tể Tướng Xú Uế Vân. Bạc Trang Hán Tử cảm thấy bàn chân của mình lành lạnh như chạm phải nước. Ôi vội nhìn xuống thì thấy lòng bàn chân loang lổ những vết màu đen như mực. Lấy làm kỳ lạ, ông mở banh mũi phi tiêu giấy thì bắt gặp mảnh giấy quen thuộc: tờ sớ phúc trình vắn tắt của Chưởng Môn Nguyên Đức Thiệp. Phía cuối tờ sớ có điểm khác biệt là lần này có thêm dấu triện chưa ráo mực của vị  Chưởng Môn. Lúc bấy giờ cả hai cao thủ của Chân Lý Thái Bình mới vỡ lẽ là Triều đình muốn minh chứng cho họ thấy tờ sớ của Nguyên Đức Thiệp là sớ thật, không phải văn từ giả mạo. Tuy nhiên cả hai người của Doanh Tuẫn Giáo đều ôm bụng cười thầm về đấu pháp ấu trĩ kể trên: tờ sớ được phổ biến đã hơn tuần lễ mà đến giờ đó mực dấu triện vẫn chưa khô.

 Tể Tướng Xú Uế Vân thấy lối phóng phi tiêu bị hoá giải nhanh chóng liền chuyển cuộc đấu sang vấn đề Thể Nhân Trấn. Hai chân ông lúc ấy đứng xoạc rộng, hai tay giăng ra như cản đường trong thế “Thái Sơn Ngăn Lộ”, ý nói việc thỉnh nguyện Thể Nhân Trấn của ngưòi Hoài Quốc đã gặp phiến đá to như núi. Đồng thời ông rút vội phán quan bút đang cài ở ngực áo vẽ nguệch ngoạc bức hoạ một Đền Thờ đang được xây cất trên một khu đất rộng. Nhìn bức hoạ, hai cao thủ của Chân Lý Thái Bình ước tính thời giá của Đền Thờ cộng với đất đai sẽ lên tới ít nhất hai triệu quan. Cả  Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang lấy làm tức giận, bê hai tảng đá gần đó đưa lên khỏi đầu trong thế “Đội Đá Vá Trời” như oán trách Triều đình đã đòi hỏi ở dân chúng Hoài Quốc một điều không tưởng.

 Cuộc tỉ võ hầu như kết thúc vào lúc đó vì hai cao thủ của Doanh Tuẫn Giáo không còn cảm thấy hy vọng gì ở Triều đình. Trước khi rời khỏi đấu tràng, Tể Tướng Xú Uế Vân còn ráng tung hai thế võ quen thuộc: Một có tên là “Phản Kháng Quyền”, lên án những bài viết trong hịch Chánh Đạo thiếu thiện chí, và thế thứ nhì là “Đe Doạ Pháp” cảnh cáo những người chống đối sẽ gặp biện pháp mạnh nếu tiếp tục có xáo trộn tại các buổi tế tự. Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang chán nản, phóng nhanh khỏi đấu tràng, đầu óc đầy những hình ảnh và kế hoạch phải làm cho những ngày kế tiếp.

7.4   NHẤT TRÍ TRONG HÀNH ĐỘNG

 Tin tức về sự tan vỡ của cuộc hội ngộ giữa Tể Tướng Xú Uế Vân và hai thủ lãnh của Chân Lý Thái Bình lan rộng nhanh chóng đến mọi người dân ở Hồ Sinh. Triều đình ngầm ra chỉ thị cho các Tổng Trấn người bản xứ hỗ trợ cho kế hoạch đưa người của Lộ Dung đi thâu thuế tại các Đền Thờ. Tham Mưu Bộ của Lộ Dung gấp rút tập họp thủ hạ của ba tổ chức thuộc quyền chuẩn bị đối đầu với nhóm Chân Lý Thái Bình. Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin Thiên Giáo do Khuyển Ngôn Đầu Đà làm Tổng khậu, Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội do Trang Bất Lương làm Hội Chủ và Đạo quân binh Công Cán Thiên Giáo Hoài Quốc do Trang Bạch Thố làm chủ đạo họp suốt đêm 5 tháng 12 năm Bình Dần 1968 và suốt ngày hôm sau để cắt đặt và duyệt xét tình hình. Họ tiên liệu những phản ứng mạnh mẽ của Doanh Tuẫn Giáo sẽ đổ lên đầu họ một khi Triều đình cương quyết thi hành kế hoạch thâu thuế đã dự trù.

 Trong khi đó tại sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo đêm mồng 5 tháng 12 cũng không kém phần sôi động. Nỗi tuyệt vọng vì cuộc đấu tranh đi vào bế tắc cộng thêm thái độ cứng rắn của Triều đình sẽ áp dụng biện pháp huỷ bỏ các buổi tế tự khiến toàn thể dân chúng uất ức tột cùng. Họ cương quyết dốc toàn lực chống lại những áp bức vô lối của Triều đình và thái độ ngang ngạnh của Lộ Dung và thủ hạ của ông ta. Tuy nhiên có một điểm may mắn cho họ là tại Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình ở Trấn Ánh Dương đêm mồng 6 tháng 12, buổi tế tự vẫn được diễn ra êm thắm vì viên Tổng Trấn người bản xứ đã khôn ngoan cho áp dụng biện pháp đặt giỏ thuế trước Chánh Điện để dân chúng tự động lên đóng góp. Thất bại tại Đền Thờ Nữ Vương Thái Bình khiến Tham Mưu Bộ của Lộ Dung tức giận. Chúng liền chỉnh đốn hàng ngũ và ra sức thực hiện cho bằng được công tác đã được giao phó vào ngày hôm sau.

 Trấn Cẩm Báo, ải địa đầu của Doanh Tuẫn Giáo, nơi chứng kiến những cuộc biến động kể từ ngày lập Trấn thêm một lần nữa ghi dấu sự rạn nứt giữa Triều đình và người Hoài Quốc. Một bên vì thể diện của những người đang nắm giữ quyền hành, một bên vì những thỉnh nguyện chính đáng cần phải thực hiện, cả hai đều bước tới lằn ranh cuối cùng. Tờ mờ sáng ngày mồng 7 tháng 12 năm Bính Dần 1986, lực lượng hai bên tràn ngập hội đường của Đền Thờ Sanh Lưu Xinh của Trấn Cẩm Báo. Quân Cảnh Bị cũng được điều động đến sân tiền đường thật đông sẵn sàng đối phó với những cuộc xung đột của hai phe. Nhóm Chân Lý Thái Bình người đông như rạ đứng chật phía cuối hội đường trong khi thủ hạ của Lộ Dung đứng rải rác phía trên gần bàn tế. Những thủ hạ của Lộ Dung có tên trong danh sách thâu thuế bề ngoài tỏ vẻ lăng xăng nhưng trong bụng phập phồng lo sợ không biết tai ương sẽ ập đến lúc nào.

 Tổng Trấn Bồ Xịch của Trấn Cẩm Báo xuất hiện cùng với Phó Tổng Trấn Đậu Lư sáng hôm ấy khiến những người của Chân Lý Thái Bình đoán biết việc gì sẽ xảy ra. Sau khi Phó Tổng Trấn Đậu Lư tuyên đọc bản thông tư của Tể Tướng Xú Uế Vân, trong đó vừa kêu gọi dân chúng giữ thái độ bình tĩnh trong các buổi tế, vừa đe doạ sẽ huỷ bỏ các buổi tế bằng ngôn ngữ Hoài Quốc nếu những người chống đối vẫn bất tuân lệnh của Triều đình. Không khí trong hội đường trở nên căng thẳng khi Tổng Trấn Bồ Xịch bắt đầu tuyên bố. Ông tái xác nhận lệnh bổ nhiệm những người thâu thuế của Tể Tướng Xú Uế Vân và cương quyết cử những người ấy làm công tác đã được giao phó. Có tiếng xì xào từ phía cuối hội đường, dân chúng bắt đầu chuẩn bị. Khi danh tánh năm người của Lộ Dung vừa được xướng lên xong, Hoả Tâm Đại Hiệp Trương Võ Huỳnh lúc bấy giờ đang đứng ở phía trên và Bang Chủ Tráng niên Bang Ngươn Trấn Cương đồng nhất loạt dùng thuật “Sát Nhĩ Truyền Thanh” hét thật to, tẩy chay quyết định của Bồ Xịch. Lập tức không khí trong hội đường ồn ào như vỡ chợ. Tiếng la hét chống đối, tiếng chửi bới xen lẫn tiếng ghế xô đẩy, tiếng chân người bước vội kéo nhau ra ngoài tạo nên khung cảnh thật hỗn loạn. Bọn cảnh bị đang túc trực tại các cửa hội đường liền kéo vào ứng trực. Tổng Trấn Bồ Xịch chỉ đợi có thế, ông tuyên bố huỷ bỏ buổi tế tự và đuổi dân chúng Hoài Quốc về nhà. Toàn thể nhóm Chân Lý Thái Bình lúc bấy giờ cất cao giọng, hát bài kêu cầu Nữ Vương của Thiên Giáo cứu vớt họ khỏi sự khốn khó. Tiếng hát thật cao và to như thách thức, như quyết tâm chống lại sự áp bức vô lối của Triều đình. Tuy nhiên ảnh hưởng của bài hát hôm ấy cũng chất chứa một điều gì u uất, than vãn cho thân phận lạc loài của một thân phận bất hạnh.

 Chiều ngày mồng 7 tháng 12 năm Bính Dần 1986, buổi tế tự tại Đền Thờ Nhất Thể Tam Vị ở Trấn Bắc Hồ Sinh cũng chỉ như giọt nước đổ vào một ly nước đã tràn. Buổi tế tự đáng lý phải được huỷ bỏ ngay từ lúc lực lượng hai bên kéo đến Đền Thờ vì mọi người đã tiên đoán kết quả sẽ xảy ra như thế nào. Tổng Trấn Tích Hầu Bao cũng có cùng một đường lối như Tổng Trấn Bồ Xịch của Cẩm Báo, quyết tâm thực hiện kế hoạch cử người Lộ Dung đi thâu thuế. Cũng thông tư của Tể Tướng Xú Uế Vân, cũng sự chỉ định thủ hạ Lộ Dung, cũng chống đối la hét, cũng ồn ào, náo loạn và cuối cùng  Đền Thờ trở nên bãi chiến. Việc đụng độ giữa hai phe lần đầu tiên mang cường độ ác liệt khi những người của Lộ Dung bất chấp lệnh cấm cản của Tể Tướng Xú Uế Vân mang những máy thâu ảnh vào Đền Thờ để thâu hình của những người của Chân Lý Thái Bình. Việc làm này đã bị những người chống đối phản ứng quyết liệt và một vài cuộc đụng độ xảy ra. Tham Mưu Bộ của Lộ Dung thấy khí thế ồ ạt của Doanh Tuẫn Giáo liền ra lệnh cho thủ hạ rút lui về hướng cửa hông của Đền Thờ. Tuy nhiên, một vài tên thủ hạ ngông cuồng đã dại dột tấn công người của Chân Lý Thái Bình ở khoảng đất trống nơi tập trung các chiến mã. Lập tức các cao thủ của Chân Lý Thái Bình tung hết chưởng càn quét những người đang ủng hộ Triều Đình. Đấu tràng trở nên sôi động, không khí cực kỳ căng thẳng. Thủ hạ của Lộ Dung cố gắng giải vây cho đồng bọn, đồng thời dìu những tên bị thương nặng ra khỏi đấu tràng. Tiếng la hét, chửi bới vang động khắp nơi. Bọn Cảnh Bị lại được sai đến để tái lập trật tự. Thủ hạ của Lộ Dung mặc dầu một số bị nội thương vẫn hớn hở ra mặt vì thấy phe chống đối lọt vào kế hoạch của Triều Đình. Trong khi đó những người chống đối của Doanh Tuẫn Giáo càng oán trách những người đang nắm giữ quyền bính đã cố tình dồn họ vào chân tường không lối thoát.

 Ngày hôm sau tờ Hồ Sinh Thuỷ Ngân Công Báo chính thức loan tin quyết định cấm cử hành các buổi tế tự cho người Hoài Quốc trên toàn lãnh thổ Hồ Sinh. Dân chúng ở Doanh Tuẫn Giáo đã biết trước kết quả đó và họ bắt buộc phải chấp nhận quyết định vì họ chỉ là những thần dân nhỏ bé. Sáng hôm ấy, trời trở lạnh hơn thường lệ. Những tia nắng không đủ sức xuyên thủng màn sương dày đặc. La liệt trên các bức thành chung quanh Doanh phủ, những băng vải với các hàng chữ chống đối Triều đình lại tái xuất hiện. Bầu trời ảm đạm, gió đông lạnh buốt như cắt xé da thịt. Thêm vào cái lạnh của trời đất, người Hoài Quốc còn cảm thấy cái lạnh của những nhà lãnh đạo Thiên Giáo đang nắm quyền. Cái lạnh lẽo của một chính sách cai trị kỳ quặc chưa từng có trong lịch sử Thiên Giáo.

7.5   GƯƠNG ANH DŨNG

 Vương Quốc Hồ Sinh, mùa Đông năm Bính Dần 1986, thời tiết có vẻ lạnh lẽo hơn mọi năm. Bầu trời lúc nào cũng ảm đạm, xám xịt như phủ màu tang. Không một ánh nắng. Đêm dài tưởng như vô tận. Gió lạnh từ phương Bắc kéo về buốt giá, se thắt.

 Ngoại cảnh có tang thương thay đổi nhưng lòng người Hoài Quốc trước sau như một. Không khí sôi sục và những hoạt động tại Doanh Tuẫn Giáo có vẻ trở nên mạnh mẽ hơn. Tháng 12, những người theo Thiên Giáo chuẫn bị tinh thần mừng đại lễ Thiên Sai Giáo Chủ Giáng Trần cách đó gần 2000 năm khi Ngài mang sứ điệp An Hoà cho những người thành tâm thiện chí. Những biến cố dồn dập vào đầu tháng 12 tại Hồ Sinh khiến người Hoài Quốc băn khoăn lo lắng cho niềm vui của ngày đại lễ không được trọn vẹn. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma ra chiếu chỉ ngưng các cuộc tế tự của người Hoài Quốc trên toàn lãnh thổ Hồ Sinh càng làm cho dân chúng ở Doanh Tuẫn Giáo thêm tuyệt vọng và chán nản. Mặc dầu cuộc binh biến đã bước vào tháng thứ năm và phải đối đầu với sự cứng rắn của Triều đình, niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự tất thắng đã giữ vững tinh thần đoàn kết của dân chúng. Sự đoàn kết này lại một lần nữa thể hiện trong những ngày họ chuẩn bị cho cuộc đại lễ. Dầu Triều đình cố tình gây khó khăn rất nhiều, những chuẩn bị cho đại lễ Giáng Trần tại Doanh Tuẫn Giáo như một minh chứng hùng hồn cho sự nhiệt thành và niềm tin sắc đá cho một giống dân nổi tiếng về lòng sùng đạo.

 Ngày 13 tháng 12 Doanh Tuẫn Giáo mang một bộ mặt khác thường. Lúc bấy giờ vào khoảng giờ Mùi, không khí trong Doanh phủ vô cùng tấp nập. Trong gian đại sảnh một nhóm đông dân chúng gồm đủ nam phụ lão ấu hăng say sắp xếp và hoàn tất những công việc cuối cùng cho tờ hịch Chánh Đạo hàng tuần. Cùng lúc trước cửa gian đại sảnh, bên cạnh gốc cổ thụ ở khoảng giữa sân, một nhóm nghĩa quân khác dưới sự điều động của Kha Trưởng Bảo Trầm Luân đang hì hục dựng lên một hang đá giả khổng lồ thật mỹ thuật. Theo truyền thuyết và sử liệu của Thiên Giáo, Thiên Sai Giáo Chủ đã giáng trần trong một hang đá nghèo nàn trong lãnh thổ của một vương quốc nhỏ bé ở vùng Cận Đông. Hình ảnh này cho thấy tinh thần khó nghèo mà vị Giáo Chủ mong muốn các tín đồ của Ngài nên noi theo. Hàng năm, người Hoài Quốc theo Thiên Giáo có tục lệ làm những hang đá giả bằng giấy hay bằng vải nhựa để kỷ niệm ngay giáng trần của vị Giáo Chủ. Đó là một trong những sắc thái đặc biệt có mục đích phát triển tinh thần sống đạo, bảo tồn phong tục tập quán và những nghi thức tốt đẹp mà người Hoài Quốc đã có từ lâu. Điều này là động lực chính thôi thúc họ dâng sớ thỉnh cầu cho một Thể Nhân Trấn để họ có cơ hội thực hiện ước nguyện ấy. Những nghĩa quân, đa số trong lứa tuổi thanh niên, trong lúc làm việc hầu như quên bẵng những khó khăn đang đè nặng sau 5 tháng. Trái lại họ cười đùa vui vẻ như đang sống tại quê hương yêu dấu của họ. Ngoài nhóm nghĩa quân trẻ tuổi đang làm việc ở giữa sân có có một nhóm đông đa số là lão ông, lão bà và phụ nữ đang họp nhau thành từng nhóm nhỏ đứng dọc dưới mái hiên của nguyện đường. Họ vui trò chuyện, chốc chốc lại nhìn ra cổng Doanh phủ như đang chờ đợi điều gì. Gương mặt họ thỉnh thoảng lại thoáng nét băn khoăn.
 
 Bổng chốc từ xa có tiếng vó ngựa vọng lại, một kỵ mã tuổi trạc ngũ tuần, gương mặt phúc hậu, đang cho ngựa phóng nhanh vào cổng. Lập tức những người trong Bang Hành Sự ào ra như đàn ong vỡ tổ; tiếng chào mừng vang dậy. Người kỵ mã trong võ phục màu nâu, lưng đeo thắt lưng trắng bằng dây nhỏ, nụ cười luôn nở trên môi, cúi người đáp lễ dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo. Bộ võ phục màu nâu còn lấm tấm một vài giọt sương chứng tỏ ông vừa di hàng từ xa đến. Ông là Tấn Mãnh Nguyên thuộc phái Phan Sanh của người bản xứ tại Vương quốc Kim Sơn. Môn phái Phan Sanh của ông chủ trương cuộc sống khó nghèo thật sự và tất cả môn sinh trong môn phái, từ vị Chưởng Môn cho đến những người mới nhập môn, đều coi nhau như anh em. Tấn Mãnh Nguyên theo dõi cuộc binh biến tại Doanh Tuẫn Giáo kể từ lúc bắt đầu phát khởi, và quan tâm rất nhiều đến đời sống của dân chúng. Khi những quyết định cấm đoán của Triều đình Thạch Đỗ Ma liên quan đến đời sống tinh thần của người Hoài Quốc càng lúc càng trở nên gắt gao, ông lo sợ thật sự. Ông đã đàm đạo rất nhiều với vị Chưởng Môn người bản xứ và cuối cùng, khi các buổi tế tự dành cho người Hoài Quốc tại Hồ Sinh bị huỷ bỏ, ông bắt đầu nhập cuộc.

 Tấn Mãnh Nguyên không hề lên tiếng ủng hộ đường lối đấu tranh của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình. Điều này thật dễ hiểu, vì với tư cách một võ quan Thiên Giáo, ông không muốn có những đụng chạm với Triều đình Thạch Đỗ Ma. Tuy nhiên ông luôn luôn đặt nặng đời sống tâm linh của những tín đồ Thiên Giáo lên trên hết, và đó cũng là lý do chính khiến ông vượt đường xa đến Doanh Tuẫn Giáo để chủ sự một trong những nghi thức tôn giáo cho dân chúng: đó là nghi thức Giải Hoà. Theo Thiên Giáo, tất cả mọi người đều có những sự thiếu sót hoặc lầm lỗi. Thiên Sai Giáo Chủ đã thiết lập nghi thức Giải Hoà để tín hữu có dịp chuộc lại những lỗi lầm đã vấp phạm. Nghi thức này chỉ những võ quan Thất Phẩm hoặc cao hơn mới có quyền làm Chủ sự. Kể từ ngày Doanh Tuẫn Giáo rơi vào cuộc binh lửa, các Phó Tổng Trấn bị Triều đình ngăn cấm không được cử hành bất cứ một nghi thức tôn giáo nào tại Doanh phủ. Hơn nữa, ngày đại lễ kỷ niệm giáng trần của Thiên Sai Giáo Chủ lại gần kề nên nỗi ước ao có những nghi thức cần thiết luôn luôn là vấn đề hàng đầu đối với dân chúng.

 Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên sau khi xuống ngựa và chào hỏi những người ra đón rước, ông đi thẳng vào nguyện đường và bắt đầu nghi thức Giải Hoà cho từng người một. Ông đã chứng tỏ tinh thần chịu đựng, sự nhẫn nại và nhất là lòng nhân hậu cần thiết của một võ quan Thiên Giáo. Ông đã từ chối lời mời ăn uống và liên tục Chủ sự nghi thức Giải Hoà cho đến mãi đêm hôm ấy để giúp dân chúng tìm được sự bình an trong tâm hồn. Sự có mặt của Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên tại Doanh Tuẫn Giáo như một ngọn đuốc sáng khơi dậy niềm tin trong lòng dân chúng. Dân chúng sau năm tháng tranh đấu đã mất đi phần nào niềm tin tưởng vào các võ quan và những người lãnh đạo của họ. Trái lại Tấn Mãnh Nguyên đã có can đảm khôi phục lại hình ảnh quý báu cao trọng của những người đã chọn con đường xả thân phục vụ cho tha nhân. Hành động của ông được dân chúng vô cùng cảm phục. Tuy nhiên, Triều đình Thạch Đỗ Ma thấy có điều không ổn . . .

 Tục truyền rằng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma được tin cấp báo Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên bất chấp lệnh cấm đoán của Triều đình, đến Doanh Tuẫn Giáo để lo cho dân chúng, ông ra lệnh cho Tể Tướng Xú Uế Vân và các quan trong triều tìm biện pháp đối phó. Tể Tướng Xú Uế Vân lại xuống lệnh cho các quan thức trắng nhiều đêm, lục lọi tất cả các sách vở, luật lệ hy vọng tìm thấy một khoản luật nào để tìm cách buộc tội Tấn Mãnh Nguyên. Cả một phòng sách rộng lớn trong Tàng Kinh Các đột nhiên trở nên tấp nập. Họ mang cả những miếng kính khuếch đại để phóng to những nét chữ li ti trong các bộ sách luật dày cộm. Tiếng lật sách sột soạt, tiếng bàn cãi, tham luận ồn ào, náo động, đánh tan cái không khí tĩnh mịch của Tàng Kinh Các. Tất cả các sách luật mới cũng như cũ, có quyển đã bị bụi bám nhện giăng từ bao nhiêu đời cũng được chiếu cố. Nhiều quyển sách luật rất lâu đời, bìa đã rách, gáy đã sờn, các trang giấy ngã màu vàng đen, nhàu nát lại còn đóng rêu xanh, ẩm mốc cũng được bàn tay của các võ quan nâng niu tra xét. Sau nhiều đêm lục lọi tìm tòi, Tể Tướng Xú Uế Vân ngồi thừ thở dốc trước cửa Tàng Kinh Các. Ông không thể nào tìm ra sự vi phạm luật lệ của Tấn Mãnh Nguyên. Ông bóp trán suy nghĩ nhiều giờ. Cuối cùng mắt ông sáng lên, ông vỗ đùi khoái chí, cười ha hả và chạy như bay vào tấu trình với Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma.

 Sáng hôm sau Tể Tướng Xú Uế Vân liên lạc với Tấn Mãnh Nguyên và nói với ông như sau: “Ngài muốn chủ sự nghi thức Giải Hoà cho dân chúng ở đâu cũng được. Nhưng Triều đình, không muốn Ngài làm việc ấy tại Doanh Tuẫn Giáo. Theo Bộ Tân La Luật quy định những quyền hạn về lãnh thổ, Doanh Tuẫn Giáo thuộc về Vương quốc Hồ Sinh và dĩ nhiên dưới quyền cai trị của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma. Tấn Mãnh Nguyên lắc đầu chán nản. Ông không ngờ Triều đình lại có thể cứng rắn đến như vậy. Ông vội tiếp xúc với vị Chưởng Môn của ông . . .

7.6   NGHI BINH

 Tờ mờ sáng ngày 14 tháng 12 năm Bính Dần 1986, khi sương mù dầy đặc trên các đường phố và khí lạnh vẫn còn bao trùm các trang trại, đoàn người ngựa của Chân Lý Thái Bình đã tề tựu trước sân tiền đường của Doanh Tuẫn Giáo. Cuối tuần lễ đó, vì các buổi tế tự của người Hoài Quốc tại các Trấn đã bị Triều đình ngăn cấm. Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình liền quyết định cho dân chúng đến tham dự các buổi tế tự của người bản xứ. Việc làm này khiến Triều Đình và thủ hạ của Lộ Dung áy náy, không hiểu đường lối của những người chống đối sẽ như thế nào tại các buổi tế tự. Dân chúng bản xứ cũng hoang mang lo sợ cho những cuộc xáo trộn có thể xảy ra tại các Đền thờ của họ.

 Đoàn chiến mã chia làm hai đạo, một do Bạc Trang Hán Tử thống lĩnh tiến về hướng Bắc đến Đền thờ Sanh Hồ Sinh của Trấn Vưu Sơn, đạo còn lại do Giáo Học Thiền Trang chỉ huy kéo đến Đền thờ Vương quốc nằm tại thủ phủ Hồ Sinh. Ở Đền thờ Sanh Hồ Sinh của Trấn Vưu Sơn, người của Chân Lý Thái Bình chiếm khoảng 10 dãy ghế và tạo sự ngạc nhiên không ít cho người bản xứ. Tuy nhiên, mục đích chánh của cuộc di quân đến Đền thờ ấy không phải nhắm vào dân bản xứ, trái lại nghĩa quân Chân Lý Thái Bình chỉ muốn đặt Tể Tướng Xú Uế Vân vào thế bất an vì ông chính là vị Chủ sự cho buổi tế ngày hôm đó. Quả nhiên Tể Tướng Xú Uế Vân giao động tâm thần khi ông thấy những khuôn mặt chống đối xuất hiện tại Đền thờ của ông.

 Tại Đền thờ Vương quốc ở thủ phủ Hồ Sinh, dân bản xứ lo sợ có những xáo trộn nên đã tham dự các buổi tế tự khác. Vì thế số người bản xứ tham dự buổi tế thật là thưa thớt, Trái lại, người Hoài Quốc kéo đến thật đông, ngồi chật các dãy ghế. Trong Đền thờ, vị Phó Tổng Trấn Chủ sự cuộc tế và những người dân bản xứ còn lại cảm thấy có điều không ổn khi đám đông dân chúng Hoài Quốc tiến vào Đền thờ. Trong suốt buổi tế, vị Chủ sự có vẻ không được tự nhiên như thường lệ. Dáng điệu của ông chứng tỏ sự bối rối lo lắng vì không khí ngột ngạt đè nặng lên tất cả mọi người. Cũng trong buổi tế này, Phó Tể Tướng Ẩu Gàn Bộ đã bỏ dở những công việc thường lệ để đến quan sát tình hình vào lúc sớm. Một số các Truyền Ảnh Trạm cũng cho người đến Đền thờ hy vọng ghi lại những hình ảnh đặc biệt của buổi tế.

 Tuy nhiên cả hai buổi tế đều diễn ra êm thắm vì Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình quyết định dùng đường lối ôn hoà cho tuần lễ đó. Họ muốn chứng tỏ cho Triều đình thấy rằng thật sự họ là những tín đồ ngoan đạo biết tôn trọng sự trang nghiêm của Đền thờ và các buổi tế tự. Việc xáo trộn đã xảy ra ở các buổi tế tự khác là do những quyết địn thất sách của Triều đình và thủ hạ của Lộ Dung. Hơn nữa họ muốn nhờ tiếng nói của người bản xứ thôi thúc Triều đình giải quyết nguyện vọng chính đáng của họ. Triều đình cũng biết như thế. Sự yên tĩnh của tình hình vào cuối tuần đó không có nghĩa là nhóm Chân Lý Thái Bình đã không còn những phương thức để tranh đấu. Đó chỉ là một chiêu thức trong toàn bộ kế hoạch nghi binh.

7.7   CHUẨN BỊ ĐẠI LỄ GIÁNG TRẦN

 Càng gần đến ngày đại lễ Giáng Trần, không khí tại Doanh Tuẫn Giáo càng trở nên tấp nập. Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình phối hợp với Bang Hành Sự của Doanh Tuẫn Giáo định tổ chức một đại lễ thật vĩ đại cho người Hoài Quốc. Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của năm Bính Dần, việc tổ chức nhằm  nói lên sức mạnh của đại đa số dân chúng Hoài Quốc đối với hai thỉnh nguyện họ đang theo đuổi. Ngoài ra họ cũng muốn chứng tỏ cho Triều đình thấy lòng đạo đức vô biên và tinh thần đoàn kết có một không hai, chống lại những áp bức vô lối của những người đang lãnh đạo.

 Giáng Trần là đại lễ hoàn toàn có tính cách thuần tuý tôn giáo nên mọi chuẩn bị và tổ chức cũng không nằm ngoài mục đích kể trên. Khoảng một tuần trước ngày đó, Doanh Tuẫn Giáo cho người liên lạc thường xuyên với quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên thuộc môn phái Phan Sanh để yêu cầu ông đến chủ sự cho những nghi thức tôn giáo cần thiết. Vì Triều đình Thạch Đỗ Ma cương quyết cấm cách tất cả mọi nghi thức tôn giáo cử hành tại nguyện đường của Doanh Tuẫn Giáo. Những người lãnh đạo của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình đã khéo léo tổ chức những địa điểm bí mật để Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên có dịp đến chủ sự nghi thức giải hoà cho từng cá nhân. Người Hoài Quốc kéo đến với ông rất đông khiến cho những buổi lễ có nghi thức giải hoà do Tổng Trấn Lộ Dung tổ chức tại các Đền Thờ trở nên thưa thớt, trống vắng. Triều đình lấy làm căm giận vô cùng nhưng đành thúc thủ.

 Cũng trong khuôn khổ mừng đại lễ Giáng Trần,  Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình quyết định tung ra hai chiêu thức ngoạn mục khiến Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma trở nên bối rối. Thứ nhất, những người lãnh đạo của Chân Lý Thái Bình âm thầm liên lạc với một vị Tổng Trấn người bản xứ đang trấn nhậm một Đền thờ để tổ chức một buổi đại tế cho người Hoài Quốc vào đêm chính lễ 24 tháng 12 năm Bính Dần 1986 tại Đền thờ của ông ta. Được biết lệnh cấm tế tự bằng ngôn ngữ Hoài Quốc đã được ban hành cách đó hai tuần và được tất cả các quan lại trong Vương quốc Hồ Sinh thi hành. Ngoài ra Bạc Trang Hán Tử cũng bí mật mời một quan Thất Phẩm Hoài Quốc từ phương xa về Hồ Sinh để đồng chủ sự cuộc đại tế. Những tờ hịch báo trước cuộc đại tế bằng ngôn ngữ Hoài Quốc được tung ra khắp nơi khiến dân chúng Hoài Quốc nức lòng, phấn khởi ra mặt. Trái lại, Triều đình vô cùng lo âu, tìm đủ mọi cách để ngăn cấm.  Liên tiếp trong nhiều ngày, Tể Tướng Xú Uế Vân cho công bố những thông tư, yết thị xác nhận lệnh cấm đoán các nghi thức bằng ngôn ngữ Hoài Quốc vẫn còn hiệu lực và cho biết bất cứ bất cứ một buổi tế nào trong ngày đại lễ cũng phải có sự chấp thuận của Triều đình hoặc các Tổng Trấn bản quyền. Song song với biện pháp trên, Triều đình còn tung quân thám báo dò xét và điều tra về địa điểm và vị võ quan bí mật sẽ chủ sự cho cuộc đại tế. Ngoài ra Triều đình cũng cho gửi các hoả tốc thư đến các võ quan Hoài Quốc ở những vương quốc lân cận cảnh cáo họ không được về Hồ Sinh tiếp tay hay tham dự các hoạt động của nhóm Chân Lý Thái Bình; nếu bất tuân họ sẽ bị nghiêm trị theo luật lệ của Thiên Giáo. Mặc dầu tìm đủ cách thăm dò khắp nơi, Triều đình vẫn đành bó tay vì nhóm Chân Lý Thái Bình đã bảo mật tối đa cho kế hoạch trên.

 Song song với kế hoạch đại tế, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình còn tung ra một chiêu thức khác thật là hiểm độc. Chiêu thức nhằm hoá giải những tai tiếng không tốt về nhóm người đang chống đối Triều đình và nhân tiện đặt Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chiêu thức này được mệnh danh là “Chiêu Thức Giao Hoà”. Bạc Trang Hán Tử và Giáo Học Thiền Trang thảo sớ dâng lên  Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma để mời ông và tất cả các quan lại Hoài Quốc, kể cả Tổng Trấn Lộ Dung cũng như Tể Tướng Xú Uế Vân, Phó Tể Tướng Ẩu Gàn Bộ về tham dự cuộc lễ Giao Hoà tối ngày 24 tháng 12 năm đó. Cuộc lễ Giao Hoà dự định tổ chức trong thao diễn đường của một Trung Học tràng nằm cạnh Doanh Tuẫn Giáo. Lời mời này cũng được gửi đến tất cả những tổ chức thuộc Tham Mưu Bộ của Lộ Dung qua hệ thống công báo của Hồ Sinh. Với kế hoạch Giao Hoà vừa kể, nhóm Chân Lý Thái Bình đã đi bước tiên phong trong việc khai thông những bế tắc giữa Triều đình và nhóm chống đối. Ngoài ra, nó còn biểu lộ tinh thần ôn hoà và thiện chí hoà giải mà giới lãnh đạo Chân Lý Thái Bình vẫn thường ấp ủ. Khi sớ và thư mời được gửi, công luận nhiệt liệt hoan nghênh việc làm của Doanh Tuẫn Giáo, cùng lúc toàn thể dân chúng Hoài Quốc đặt tất cả niềm hy vọng vào sự phúc đáp của Triều đình và Lộ Dung. Tất cả đều chờ đợi trong sự hồi hộp . . .

7.8   DOANH TUẪN GIÁO VÀ ĐẠI LỄ GIÁNG TRẦN

 Năm Bính Dần 1986 đánh dấu 12 năm người Hoài Quốc mừng đại lễ Giáng Trần trên đất khách quê người. Những năm trước đó, dưới sự cai trị của Tổng Trấn Bình Viễn An, người Hoài Quốc tại Doanh Tuẫn Giáo vẫn tổ chức đại lễ mừng Thiên Sai Giáo Chủ giáng trần bằng các cuộc tế lễ long trọng và nhạc hội tưng bừng. Năm Bính Dần 1986, mặc dầu đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn, các võ quan bị Triều đình đưa đi khỏi Doan Phủ, tinh thần dân chúng đối với ngày đại lễ vẫn không có gì thay đổi. Trái lại sự vắng bóng những người lãnh đạo tinh thần càng làm cho dân chúng cảm thấy gần gũi nhau hơn và tinh thần đoàn kết ngày càng lên cao. Điều này đã làm cho những người lãnh đạo Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình quyết định mừng đại lễ thật long trọng bằng một buổi đại tiệc và nhạc hội. Buổi đại tiệc và nhạc hội được dự định tổ chức thật vĩ đại đánh dấu biến cố quan trọng trong lịch sử của Doanh Tuẫn Giáo. Quyết định trên đã được toàn thể hoan nghênh nhiệt liệt và điều quan trọng hơn cả là nguồn tài lực và nhân lực cho việc tổ chức đều do dân chúng tự nguyện đóng góp.

 Chiều ngày 23 tháng 12, một toán nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình được phái đến ngã ba Cách Phi Tần và Sinh Tử Lộ để hộ tống cho đoàn xe vận lương đặc biệt đến Doanh Tuẫn Giáo. Đoàn xe vận lương được kéo bằng những con ngựa thồ to lớn lầm lũi tiến vào sân tiền đường giữa tiếng reo hò của những người đang có mặt. Để chuẩn bị cho buổi đại tiệc, Doanh Tuẫn Giáo đã thuê hẳn đoàn xe vận lương kể trên để chuyển hàng ngàn cân thịt và rượu về Doanh phủ. Kể từ chiều ngày 23 cho đến hết ngày 24 tháng 12, hàng trăm nghĩa quân và dân đinh thuộc Chân Lý Thái Bình bắt tay vào việc tổ chức buổi đại tiệc và nhạc hội vĩ đại nhất kể từ ngày người Hoài Quốc đến định cư lập nghiệp tại Hồ Sinh.

 Việc tổ chức được phân công rõ rệt. Một toán nghĩa quân gồm đa số thiếu niên lo giăng những giấy cờ phủ sắc dọc bờ thành của Doanh phủ. Trên những trụ cờ cao chung quanh sân tiền đường là những lá đại kỳ phất phới tung bay trong gió. Những ngọn đèn lồng hình ngôi sao năm cánh, màu sắc rực rỡ được treo lên tháp cao và chung quanh nguyện đường, lung linh nhảy múa đẹp mắt. Ở khoảng giữa sân, một toán nghĩa quân khác đang cố hoàn tất bức hoạ vĩ đại cho lễ đài của buổi nhạc hội. Bức hoạ diễn tả hình ảnh sống động của ngày Thiên Sai Giáo Chủ Giáng Trần. Nét vẽ linh động, màu sắc hoà hợp khiến bức hoạ trở nên một trong những hoạ phẩm kiệt tác khó tìm thấy. Trong khi đó ở góc cuối sân tiền đường, ba chiếc hoả lò vĩ đại, trong chứa những lớp than hồng đỏ rực được kê ngay ngắn trên những phiến đá to. Hàng ngàn miếng thịt lần lượt phơi mình trên ánh lửa đỏ, màu vàng cháy xém cạnh bắt mắt, tiếng mở cháy xèo xèo thơm phức, mùi thơm toả ngào ngạt, khói bốc nghi ngút. Dân chúng từng đoàn lũ lượt kéo về Doanh phủ trong những chiếc áo ngự hàn màu sắc rực rỡ. Tiếng cười cười nói nói, những ly rượu mừng thơm nồng, những miếng thịt béo ngậy, tất cả tạo thành khung cảnh nhộn nhịp, vui tươi sống động. Tất cả mọi người hầu như quên bẳng những ngày tháng nhọc nhằn, những đêm dài lo âu trằn trọc cho tương lai của Doanh Tuẫn Giáo. Ngày hôm ấy, ngọn lửa đấu tranh sôi sục của 5 tháng biến loạn đã hoàn toàn tắt lịm, nhường chỗ cho không khí an hoà, hoan lạc. Lòng người lắng dịu, tinh thần thoải mái, họ hy vọng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma sẽ nhân cơ hội đó nối lại nhịp cầu hoà giải giữa Triều Đình và người Hoài Quốc.

7.9   NIỀM VUI KHÔNG TRỌN VẸN

  Sau khi dân chúng đã vui say với buổi đại tiệc trong sảnh đường của Doanh Tuẫn Giáo, toàn thể dân chúng kéo vào thao diễn đường của Trung Học tràng bên cạnh Doanh phủ để dự lễ Giao Hoà và nhạc hội mừng đại lễ Giáng Trần. Trước đó không lâu, Bạc Trang Hán Tử đã nhận được hoả tốc thư của Tể Tướng Xú Uế Vân thay mặt cho Triều đình phúc đáp sớ mời dự lễ Giao Hoà của Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình. Trong thư, Triều đình và các võ quan từ khước lời mời của Doanh Tuẫn Giáo với lý do sớ mời của họ không có dấu triện của Tổng Trấn Lộ Dung. Tể Tướng Xú Uế Vân nhấn mạnh chỉ có Tổng Trấn Lộ Dung mới có đủ tư cách thay mặt Doanh Tuẫn Giáo để thảo sớ mời Triều đình. Bạc Trang Hán Tử đã tiên liệu trước phản ứng của Triều đình nên ông không lấy gì làm ngạc nhiên cho lắm. Ông cho người phối kiểm với các võ quan Hoài Quốc; tất cả cũng đều thoái thác không đến tham dự vì chống đối nhóm Chân Lý Thái Bình hoặc vì áp lực của Triều đình.

 Lúc bấy giờ hàng ngàn dân chúng bất kể nam phụ lão ấu, kẻ ngồi người đứng, chen chúc lẫn nhau choán tất cả mọi chỗ trong thao diễn đường. Họ hồi hộp chờ đợi giây phút Lễ Giao Hoà bắt đầu. Bất thình lình Hảo Hán Hồ Quang Nguyệt trong bộ võ phục đại lễ ba mảnh màu xám, tung mình lên lễ đài tuyên bố sự có mặt của Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên và hai tu sinh của Thiên Giáo. Không khí trong thao diễn đường đột ngột bừng dậy. Tiếng vỗ tay vang dội, tiếng gào thét hân hoan vui mừng như sấm động; ca tụng sự hiện diện của những võ quan can trường bất chấp lệnh cấm đoán của Triều đình. Niềm vui mừng của dân chúng pha lẫn niềm hãnh diện, thương yêu dạt dào đối với những vị võ quan Hoài Quốc vẫn còn chút tình đối với đám dân bất hạnh. Nghi lễ Giao Hoà được bắt đầu bằng những bài đọc ngắn trích từ những pho Thánh Thư cổ xưa của Thiên Giáo. Kế đến Quan Thất Phẩm Tấn Mãnh Nguyên có vài lời nhắn nhủ và chúc mừng dân chúng. Và sau cùng Nghi lễ Giao Hoà được kết thúc bằng những lời cầu thống thiết cho một nền an bình thật sự đến với vương quốc Hồ Sinh và đặc biệt cho Doanh Tuẫn Giáo. Tiếp theo là phần nhạc hội tưng bừng được trình diễn trên một lễ đài rộng lớn giữa ánh sáng muôn màu của những ngọn đèn rực rỡ. Những bài hát du dương thánh thót, những vũ khúc điêu luyện, những vở hoạt cảnh vui tươi đã mang lại không khí thoải mái vui nhộn cho tất cả mọi người trong đêm đại lễ. Họ say sưa theo dõi buổi nhạc hội đồng thời chờ tin tức về cuộc đại tế bằng ngôn ngữ Hoài Quốc sẽ được thông báo sau đó.

 Lúc bấy giờ Tể Tướng Xú Uế Vân bực dọc nóng nảy như ngồi trên lửa. Ông đi đi lại lại trong thư phòng, đầu óc làm việc dữ dội, cố gắng tìm cách ngăn chận buổi đại lễ bí mật của người Hoài Quốc. Suốt cả ngày 24 tháng 12, ông đã cho quân đi dọ thám khắp các Đền thờ để tìm cho ra tung tích vị võ quan và địa điểm của buổi đại tế nhưng vô hiệu. Trong lúc ông hoàn toàn thất vọng và buổi nhạc hội của Doanh Tuẫn Giáo gần kết thúc, vị Tổng Trấn của Đền thờ mà nhóm Chân Lý Thái Bình dự định tổ chức buổi đại tế báo cáo tự sự với Tể Tướng Xú Uế Vân. Vị Tổng Trấn hy vọng vào lúc cuối cùng Triều đình sẽ không có đủ thời giờ giải quyết và mọi sự sẽ được diễn ra như dự liệu. Tuy nhiên, viên đệ I võ quan của Triều đình Thạch Đỗ Ma  đã cứng rắn, cấp tốc ra lệnh cho vị Tổng Trấn phải lập tức huỷ bỏ buổi tế, đồng thời đe doạ ông bằng những biện pháp kỷ luật gắt gao nếu vẫn bất tuân lệnh cấm của Triều đình. Thế là cuộc đại lễ của Doanh Tuẫn Giáo bị “bức tử” vào giờ cuối. Khi Hảo Hán Hồ Quang Nguyệt tuyên đọc thông tư khẩn cấp về quyết định và những biện pháp của Triều đình về buổi đại tế của người Hoài Quốc, hàng ngàn ngưòi trong thao diễn đường sững sờ chết lặng. Cả bầu trời như sa xuống, không khí nặng nề ngột ngạt bao phủ cả toà nhà rộng lớn. Họ uất ức, nghẹn ngào không nói nên lời. Niềm vui cuối cùng của ngày đại lễ an hoà đã bị chính những người lãnh đạo của họ huỷ diệt. Những người luôn luôn kêu gọi yêu thương, thân ái lại là những người xoá bỏ niềm an hoà, thanh bình của đám dân cô thế.

 Để đối phó với biến chuyển đột ngột do quyết định hà khắc của Triều đình, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình kêu gọi toàn thể dân chúng kéo về Đền thờ Vương quốc để tham dự buổi đại tế do đích thân Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma chủ sự. Đây là lần đầu tiên Đền thờ Vương quốc chứng kiến  một số đông người Hoài Quốc về dự tế. Họ đứng chật cả hành lang và những lối đi dẫn vào Đền Thờ. Khuôn mặt của họ thoáng nét buồn bã, đầu óc nặng trĩu những ưu tư. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đứng trên Chánh Điện nhìn xuống đám dân Hoài Quốc, ông cảm thấy lo âu thực sự. Ông nhớ đến hình ảnh hỗn loạn ngày ông cố tình làm lễ Trao Gươm cho Tổng Trấn Lộ Dung ở Đền thờ Đồng Tâm cách đó vài tháng. Ông chờ đợi chuyện chẳng lành sẽ xảy đến. Tuy nhiên đám người Hoài Quốc đã có chủ trương ôn hoà trong ngày đại lễ nên họ chỉ im lặng tham dự cuộc tế. Chỉ đến lúc cuối trước khi cuộc tế bế mạc, cả hàng ngàn người Hoài Quốc đã tự động cất cao bài hát mừng đại lễ Giáng Sinh bằng ngôn ngữ của họ. Tiếng hát của họ thật cao và to làm Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và một số ít người bản xứ có mặt trong Đền thờ bàng hoàng sững sờ. Mặc dầu bài hát hôm ấy có những cung bậc vui tươi, mừng rỡ chào đón Vị Cứu Tinh của nhân loại, giọng hát của người Hoài Quốc dường như chất chứa một âm hưởng u buồn, than vãn cho số phận hẩm hiu, tiếc nuối cho một ngày vui không trọn vẹn.

 Tục truyền rằng trước đó nhiều đêm, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đã trằn trọc băn khoăn rất nhiều về những diễn biến tại Doanh Tuẫn Giáo. Ông cảm thấy bực dọc vì không thể nào ngăn chận được buổi tế tự của người Hoài Quốc. Mãi đến tối ngày 24 tháng 12, trước khi ngự giá đến Đền Thờ Vương quốc để chủ sự buổi tế tự cho ngày chính lễ, ông vẫn còn ưu tư ray rức. Khoảnh khắc trước giờ ông lên đường, quân tâm phúc của Tể Tướng Xú Uế Vân vội vả phi ngựa về hoàng cung phúc trình tự sự. Hay tin buổi tế bí mật của nhóm Chân Lý Thái Bình đã bị Tể Tướng Xú Uế Vân ra lệnh huỷ bỏ, gương mặt của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đang từ u sầu trở nên tươi tỉnh. Ông thở phào nhẹ nhỏm; tắt ngọn bạch lạp bước vội ra ngoài. Trong bóng tối, miệng ông nở một nụ cười đắc chí, nụ cười không thể ngờ được trên môi của một nhà lãnh đạo Thiên Giáo. Ông lẩm bẩm : “Thế là xong!” rồi băng mình qua khoảng sân rộng. Cùng lúc ấy, Quan Giám Lĩnh của Nha Thiên Văn ghi nhận một hiện tượng lạ chưa bao giờ xảy ra tại vương quốc Hồ Sinh. Xuyên qua Thiên Văn kính, Quan Giám Lĩnh nhận thấy ánh sánh của sao An Bình đã bị lù mờ toàn diện vì ảnh hưởng của sao Hão Vọng. Một điều lạ lùng khác làm ông muốn toát mồ hôi là vị trí của sao Thiên Tử đã hoàn toàn di động. Thay vào đó, ánh sáng của sao Quả Tạ lại chiếu thẳng vào hướng Hoàng Cung. Ông định vào cấp báo Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma nhưng đoàn xa giá vừa rời cổng thành.

7.10   CÔNG LUẬN ĐỐI VỚI VIỆC NGĂN CẤM TẾ TỰ

 Tờ lịch cuối cùng của năm 1986 rơi xuống. Những tờ lịch mới còn thơm mùi mực của năm 1987 Tây Lịch bắt đầu xuất hiện. Người Hoài Quốc bàng hoàng giật mình vì thời gian qua nhanh như bóng câu. Thấm thoát đã hơn 5 tháng, cuộc biến loạn tại Doanh Tuẫn Giáo vẫn không một tia hy vọng sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn. Dân chúng chào đón năm mới trong sự bồn chồn lo âu.

 Sau 4 tuần lễ từ ngày Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma ra chiếu chỉ huỷ bỏ tất cả các nghi lễ tế tự của người Hoài Quốc trong toàn lãnh thổ Hồ Sinh, người Hoài Quốc thuộc cả hai phe ủng hộ và chống đối Triều đình đã có những ý kiến trái ngược nhau rõ rệt. Phe ủng hộ Triều đình gồm những người Hoài Quốc trung thành với Tổng Trấn Lộ Dung, được sự hướng dẫn bởi Tham Mưu Bộ của ông, đã bày tỏ thái độ dứt khoát: hoàn toàn ủng hộ lệnh cấm các buổi tế tự của Triều đình. Lý do chính đưa đến thái độ trên là tinh thần tự nguyện, muốn hội nhập hoàn toàn vào xã hội của người bản xứ. Với tinh thần hội nhập này, những nghi lễ tế tự bằng ngôn ngữ Hoài Quốc không còn là điều cần thiết đối với họ. Họ có thể tham dự các buổi tế của ngưòi bản xứ tại các Đền thờ ở các Trấn. Một lý do nữa là sự yếu kém về thực lực. Thủ hạ của Lộ Dung đã cố gắng nắm quyền chủ động tại các buổi tế tự trước kia nhưng không thể nào thực hiện được. Với một số dân thưa thớt lại phải đối đầu với lực lưọng hùng mạnh của Chân Lý Thái Bình, phe Lộ Dung bắt buộc phải ở vào thế thụ động tránh né. Trước đó, họ phải trải mỏng lực lượng để yểm trợ cho thủ hạ tại các buổi tế tự. Điều này đã làm cho thế lực của họ bị suy yếu. Thêm vào đó, sự gia tăng sự đóng góp tài chính để cân bằng sự thiếu hụt của thuế Đền thờ do việc tẩy chay của Chân Lý Thái Bình càng làm cho họ thêm kiệt quệ. Do đó, khi lệnh cấm của Triều đình được ban hành, họ đã tỏ ra hoan hỉ, cảm thấy như trút được gánh nặng. Đồng thời họ cố gắng vận động với Triều đình tiếp tục lệnh cấm đoán để khỏi phải trực diện với Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình.

 Về phần người Hoài Quốc tại Doanh Tuẫn Giáo, họ chống đối hoàn toàn lệnh cấm đoán bất công của Triều đình. Đối với họ, các nghi lễ tế tự bằng ngôn ngữ Hoài Quốc vẫn được xem như một điều gì linh thiêng cao quý. Trước hết, nó giúp cho những người tham dự thêm lòng sốt sắng, hiệp thông với những diễn tiến quan trọng trên bàn tế. Kế đến nó còn biểu tượng sắc thái đặc thù của một dân tộc qua những lời kinh nguyện thâm sâu, những bài hát thánh thót bằng ngôn ngữ của họ. Triều đình khi ban hành lệnh cấm đoán các buổi tế tự đã mang đến sự thiệt thòi không ít cho họ về mặt tinh thần. Những lập luận do Triều đình đưa ra để biện minh cho sự cấm đoán như trật tự an ninh tại các buổi tế tự thật ra không phải do lỗi của những người ở Doanh Tuẫn Giáo. Sự rối loạn này bắt nguồn từ thái độ cứng rắn của Triều đình khi những người lãnh đạo cố tình áp đặt thế của kẻ có quyền, bất chấp thái độ chống đối của một đám đông. Một minh chứng hùng hồn về tinh thần kỷ luật và tôn trọng những nơi trang nghiêm đã được dân chúng tại Doanh Tuẫn Giáo thể hiện tại các buổi tế tự của người bản xứ sau khi chiếu chỉ cấm đoán được ban hành. Họ đã tham dự tế tự tại các Đền Thờ Vương Quốc, Đồng Tâm và Nữ Vưong Thái Bình với một tinh thần thật cao, chứng tỏ họ là những thần dân Thiên Giáo có kỷ luật. Tóm lại, việc cấm đoán các buổi tế tự của Triều đình, đối với họ, là một sự hành xử quyền hành quá cứng rắn, gò bó, hoàn toàn vô lý và bất công. Họ hy vọng Triều đình sẽ xét lại và giải toả lệnh cấm để mang lại an hoà cho vương quốc.