main billboard

CHƯƠNG   VI

TRANH  THỦ  NHÂN  TÂM

6.1   QUYẾT ĐỊNH TÁO BẠO

 Trời vào cuối thu, thời tiết bắt đầu thay đổi. Những ngày nắng của mùa hạ oi bức qua đi nhường chỗ cho những đêm dài tưởng như vô tận. Gió lạnh từ phương Bắc kéo về làm cho tâm hồn người xa xứ chùng xuống. Những người HOÀI QUỐC lưu lạc trên vương quốc HỒ SINH cảm thấy băn khoăn lo lắng cho tương lai mập mờ. Doanh Tuẫn Giáo sau 4 tháng sôi sục lửa đấu tranh cũng bắt đầu chuyển hướng. Những diễn biến của tình hình buộc họ phải nghĩ đến kế hoạch “Trường kỳ kháng chiến”.

 Vào một đêmcủa tháng 11 năm Bính Dần 1986, ngoài trời gió lạnh rít lên từng cơn, xoáy buốt da thịt. Trên trời không một ánh sao, vạn vật như say sưa chìm đắm trong giấc ngủ. Trong một gian phòng nhỏ hẹp cạnh gian đại sảnh của Doanh Tuẫn Giáo, có một nhóm người đang ngồi quây quần chung quanh một chiếc bàn nhỏ. Họ là những thủ lãnh của Ban Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình. Khuôn mặt của họ thật nghiêm trọng chứng tỏ những điều đang bàn bạc thật quan hệ. Tình hình tại Doanh Tuẫn Giáo tuần lễ ấy cho thấy cuộc chiến đấu của Ban Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình như đi đến chỗ bế tắc vì thái độ ngoan cố của Triều đình. Thêm vào đó, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma cố tình mượn tay công luận Hồ Sinh để bẻ gẩy cao trào chống đối của những người HOÀI QUỐC trong lãnh thổ của Ông. Biết rằng không thể đứng mãi trong thế thủ, Doanh Tuẫn Giáo quyết định đổi chiến thuật, quyết định bước sang kế hoạch “Trường kỳ kháng chiến” và khai hoả kế hoạch bằng một chiêu thức ngoạn mục lấy tên là “Kinh Kha sang Tần”. Các thủ lãnh của Ban Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình đã nghiên cứu tình hình một cách tỉ mỉ, xem xét, bố trí và cắt đặt những công việc cần thiết trước khi cho thi hành kế hoạch. Dưới ánh sáng leo lét của ngọn bạch lạp độc nhất trong phòng, cuộc họp đêm ấy kéo dài đến khuya. Tất cả đều được bảo mật, ngay cả đến dân chúng vẫn thường ra vào Doanh Tuẫn Giáo cũng không một ai hay biết. Khi tiếng gà gáy sáng vừa cất lên, cuộc họp cũng vừa kết thúc. Ánh sáng của ngọn bạch lạp tắt phụt, những bóng đen âm thầm rời khỏi gian phòng họp và kể từ lúc ấy, kế hoạch “Kinh Kha sang Tần”bắt đầu.

6.2   KINH KHA CỦA DOANH TUẪN GIÁO

 Hai đêm sau, khi ngưòi dân cuối cùng ra khỏi Doanh Tuẫn Giáo sau buổi Tiểu Diên Hồng Hội ngột ngạt vì những biến chuyển bất lợi trong tuần, đoàn người ngựa của các nhóm nghĩa quân Chân Lý Thái Bình bắt đầu xuất hiện và tiến vào Doanh Phủ. Trên những con chiến mã đen tuyền, tất cả nghĩa quân đều mặc võ phục dạ hành bó chẽn màu đen. Khuôn mặt của họ che kín chỉ còn chừa lại hai mắt. Tất cả tập trung thành đội hình ở giữa sân tiền đường. Một người dáng dấp cao lớn như một thủ lãnh trao cho một nghĩa quân một mảnh giấy nhỏ chỉ vỏn vẹn có ba chữ: “Ải Phi Tràng”. Sau khi ra thủ hiệu báo cáo mọi việc đã xong, đoàn người ngựa âm thầm tiến ra khỏi cổng. Không một tiếng vó ngựa khua động vì tất cả chân chiến mã đã được bọc kỹ bằng những lớp vải dầy. Họ chia thành nhiều nhóm nhỏ và đi nhiều hướng khác nhau để tránh bị theo dõi. Trời tối đen như mực, nhà dân trong các Trấn đều đã cửa đóng then gài. Đoàn người ngựa biến mất sau những lùm cây rậm rạp.

 Sau đó không lâu tại Ải Phi Tràng, các nhóm nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình lại tái tập họp. Đây là giây phút hồi hộp nhất vì việc bốc thăm tuyển chọn những “Kinh Kha” sẽ xảy ra trong chốc lát. Tất cả mọi người đều nộp những tấm lệnh bài cá nhân của họ cho người thủ lãnh có vóc dáng cao lớn. Ông này bỏ tất cả vào trong một chiếc túi vải màu đen và trộn lẫn. Ông từ từ rút ra từng tấm lệnh bài để chọn đủ số người. Những người được chọn vội vàng xuống ngựa và tập trung vào một góc. Cuộc bóc thăm diễn ra chớp nhoáng. Những người không được chọn phụ giúp những “Kinh Kha” chất hàng chục túi hành lý nặng nề lên Thần Điêu Bố Inh Thất Nhị Thất. Sau đó là cái vẫy tay tạm biệt và đoàn dũng sĩ yên vị trên lưng con thiết điểu. Con chim khổng lồ vỗ cánh vài cái thật mạnh, gió buị tung lên cao, nó hét lên một tiếng thật to như xé rách màng nhĩ và phóng lên trời cao mất hút trong bóng đêm. Thần Điêu Bố Inh Thất Nhị Thất lầm lũi bay suốt đêm và khi những tia nắng ban mai bắt đầu xuất hiện trên nền trời mờ sáng, nó lao nhanh xuống một bãi đất trống. Xa xa qua làn sương mỏng, những “Kinh Kha” của Doanh Tuẫn Giáo đọc thấy ba chữ đại tự “Hoa Thạch Đông” hiện ra mờ mờ trên chiếc cổng lớn. Họ biết họ đang có mặt tại thủ phủ của đế quốc tạp chủng.

6.3   ĐẠI HỘI CÁC HOÀNG ĐẾ THIÊN GIÁO

 Tổ chức hành chánh của THIÊN GIÁO lấy Vương Quốc làm đơn vị căn bản. Tất cả đều đặt dưới quyền cai trị của Đại Đế Giang Phong Đệ II tại đế đô La Thành. Tuy nhiên các Hoàng Đế Thiên Giáo tuỳ theo địa dư và ngôn ngữ của vương quốc mình lại liên kết với nhau thành những Liên Quốc, chẳng hạn như Tạp Chủng, và hàng năm mở những đại hội để tham khảo, trao đổi và ấn định chính sách chung cho các Vương quốc trực thuộc. Năm Bính Dần 1986, các Hoàng Đế thuộc Liên Quốc Tạp Chủng chọn thủ phủ Hoa Thạch Đông cách Hồ Sinh hơn 2.000 dặm để làm nơi hội họp. Có tất cả hơn 350 Hoàng Đế và Phó Vương từ khắp nơi thuộc Liên Quốc Tạp Chủng về phó hội. Đại hội được khai mạc tại Hiếu Tân Đại Tửu Lầu nằm trên Thập Lục Đàng ở trung tâm thủ phủ Hoa Thạch Đông, một khu thị tứ rất sầm uất. Tất cả dân chúng của Liên Quốc Tạp Chủng đã theo dõi những tin tức liên quan đến cuộc đại hội thường niên năm ấy. Tất cả các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo khắp nơi tề tựu về đông đảo để tường thuật những chi tiết và diễn biến của cuộc đại hội. Những “Kinh Kha” của Doanh Tuẫn Giáo đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, cố gắng xâm nhập vào Hiếu Tân Đại Tửu Lầu, lợi dụng phiên đại hội có một không hai này để vạch rõ cho công luận và những nhà lãnh đạo Thiên Giáo chính sách cai trị khắc nghiệt và thất nhân tâm của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma của Vương Quốc Hồ Sinh. Ngày mồng 8 và mồng 9 tháng 11 năm Bính Dần 1986, đương lúc Hiếu Tân Đại Tửu Lầu đang tưng bừng đón rước các Hoàng Đế và Phó Vương về phó hội, những “Kinh Kha” của Doanh Tuẫn Giáo đã lén lút đột nhập vào Đại Tửu Lầu không một ai hay biết. Họ còn tìm cách mua chuộc bọn tiểu nhị của Đại Tửu Lầu để chiếm giữ những phòng trọ cạnh các gian đại sảnh lớn dùng để họp. Suốt ngày mồng 9 tháng 11 năm Bính Dần, các nghĩa quân đã âm thầm tránh mặt, tử thủ trong các phòng trọ, và chuẩn bị mọi công tác cho ngày khai hội ngày hôm sau.

6.4   KINH KHA LÀM LỊCH SỬ

 Sáng sớm ngày mồng 10 tháng 11 năm Bính Dần 1986, không khí trong gian đại sảnh của Hiếu Tân Đại Tửu Lầu thật tấp nập. Các Hoàng Đế và Phó vương của Thiên Giáo trong những bộ nhung phục võ quan đi đi lại lại, cười cười nói nói. Thấp thoáng bóng dáng của Quan Khâm Sai Phụng Lễ Nghi trong đám đông. Những người làm việc cho các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo lăng xăng với những dụng cụ cồng kềnh. Lúc bấy giờ, các “Kinh Kha” của Doanh Tuẫn Giáo cũng nai nịt gọn gàng trà trộn trong đám đông. Họ đảo mắt nhìn khắp gian đại sảnh để tìm kiếm chỗ ngồi của Vị Hoàng Đế Hồ Sinh. Cuối cùng họ cũng tìm thấy. Lập tức họ ra hiệu cho những người trong nhóm và theo dõi từng cử động của Ông.

 Buổi đại hội bắt đầu bằng nghi lễ tế tự long trọng, sau đó là phần mặc niệm các Hoàng Đế và Phó vương đã qua đời trong năm Bính Dần. Sau đó là phần giới thiệu tất cả những vị lãnh đạo Thiên Giáo về phó hội trong dịp ấy. Phần nghi lễ khai mạc kéo dài đến gần giờ Ngọ thì tạm ngưng để mọi người ra ngoài nghỉ. Nhận thấy cơ hội đã đến, các nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình lập tức bố trí những nơi quan yếu trong đại sảnh và bắt đầu hành động.

 Giáo Học Thiền Trang bằng một thủ pháp nhanh nhẹn chưa từng có, Ông tung mình nhảy sát lại ngưòi của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và vòng tay thi lễ theo bài quyền “Thần Tử Bái Long nhan”. Sau đó  Thiền Trang rút xoạc thanh kiếm Chân Lý Thái Bình nắm chặt trong tay. Trong một phút bàng hoàng, vị Hoàng Đế Hồ Sinh đứng chết lặng. Ký ức của Ông làm việc một cách dữ dội. Ông nhớ lại khuôn mặt quen thuộc của người kiếm khách Hoài Quốc đang đứng trước mặt. Đây là một trong số những người đã làm ông mất ăn mất ngủ trong bốn tháng nay. Và cũng chính ông đã ra chiếu chỉ “Tuyệt thông án” cho người thần dân chống đối này. Thế mà hôm nay kẻ đó lại có mặt tại đây, một nơi xa xăm cách vương quốc của ông hơn hai ngàn dặm. Linh tính của ông báo trước có chuyện chẳng lành. Ông vội phóng tầm mắt nhìn qua những người lố nhố trước mặt. Ông bắt gặp một vài khuôn mặt quen thuộc khác đã từng xuất hiện trên các Truyền Ảnh Trạm ở Hồ Sinh và nhất là trong buổi lễ Trao Gươm cho Tổng Trấn Lộ Dung. Họ đến đây với mục đích gì? Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma lúc bấy giờ đầu óc quay cuồng dữ dội. Ông vừa giận, vừa tức, vừa lo, vừa sợ . . .

 Giáo Học Thiền Trang ngắm sắc diện biến đổi nhanh chóng trên khuôn mặt của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma và biết chắc kẻ đối diện đang mất tinh thần, ông xoay tít thanh gươm Chân Lý Thái Bình trên tay trong thế “Thượng Nghị Kiếm”, yêu cầu vị Hoàng đế của Hồ Sinh thoả mãn những thỉnh nguyện của Doanh Tuẫn Giáo. Thanh kiếm trên tay của Giáo Học Thiền Trang đang từ uyển chuyển vội biến thế trở nên vũ bão lạ thường trong thế “Đoạt Hồn Kiếm”. Cũng lúc ấy, Thiền Trang thò tay vào ngực rút vội tờ hịch còn thơm mùi  mực có năm chữ lớn “Giáo Quyền hay Nhân Quyền”.  Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma với sự suy đoán nhanh chóng, biết những người của Doanh Tuẫn Giáo đang chuyển hướng cuộc chống đối của họ sang một vấn đề phức tạp: đó là Nhân Quyền. Điều này sẽ bất lợi hoàn toàn cho ông nếu những tờ hịch kia lọt vào tay của những nhà lãnh đạo Thiên Giáo trong cuộc đại hội. Ông còn bắt gặp hình ảnh nổi bật trên tờ hịch: Đoàn quân Cảnh Bị và bọn khuyển ngao mà ông đã dùng để ngăn chận những người Hoài Quốc chống đối trong buổi lễ Trao Gươm cho Lộ Dung. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma rút vội thanh kiếm đang đeo ở lưng múa ngay bài kiếm gia truyền của dòng họ Thạch là “Thệ Hứa Kiếm”, yêu cầu Giáo Học Thiền Trang viết vào sớ những gì ông muốn tấu trình và hứa sẽ cứu xét. Giáo Học Thiền Trang thấy đường kiếm quen thuộc của vị Hoàng Đế Hồ Sinh, biết khó lòng thành công bằng đường lối ngoại giao, ông chán nản thu kiếm lại rồi biến mất vào đám đông.

 Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma còn đang bàng hoàng vì những biến chuyển dồn dập vừa xảy ra, một mảnh giấy nhỏ chợt bay là đà xuống trước mặt ông. Nhặt vội mảnh giấy, ông đọc thấy những hàng chữ quen thuộc yêu cầu Hoàng Đế giải quyết gấp hai nguyện vọng của Doanh Tuẫn Giáo, đồng thời Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình quyết định phổ biến tờ hịch “Giáo Quyền hay Nhân Quyền” mà Giáo Học Thiền Trang hé mở cho ông xem thấy khi nảy đến tất cả mọi ngưòi có mặt trong cuộc đại hội. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma vừa lúng túng, vừa lo sợ. Ông nghĩ thời giờ đã quá trễ để làm những gì có thể ngăn chận việc phổ biến hịch. Ông vội lẫn vào đám đông và rảo bước nhanh về phòng trọ.

 Tục truyền rằng đêm hôm ấy, Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma tức tốc dùng thuật điện đàm viễn liên về Hồ Sinh chất vấn Tể Tướng Xú Uế Vân về sự có mặt của những người chống đối tại thủ phủ Hoa Thạch Đông. Tể Tướng Xú Uế Vân nghe tiếng nói giận dữ của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma thỉ bủn rủn tay chân, hồn phi phách tán. Sau đó Tể Tướng Xú Uế Vân tức tốc cho quân sang Dinh của Lộ Dung để hỏi cho ra lẽ. Lộ Dung cũng thất sắc, bàng hoàng như từ trời rơi xuống, tức giận vì bọn thám báo của Ông vẫn ăn no ngủ kỹ, không hay biết gì về những hoạt động của nhóm  Chân Lý Thái Bình. Mấy tuần lễ này ông còn nghe được nguồn tin bọn thủ hạ của ông cố gắng thành lập rất nhiều Bang, Hội, nói là để ủng hộ chính sách của Nhà Vua, nhưng thực ra chúng đang tạo thế lực và giành giật quyền hành lẫn nhau, chuẩn bị cho ngày Ông về Trấn nhậm Doanh Tuẫn Giáo. Một số bộ hạ thân tín của ông đã chống đối những Bang, Hội mới được thành lập vì những tên cầm đầu các Bang, Hội này chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt, một lũ ăn hại. Thảo nào mà nhóm Chân Lý Thái Bình rần rộ đưa người qua thủ phủ Hoa Thạch Đông mà bọn thủ hạ của Ông vẫn tỉnh táo không hề hay biết. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma nghe Tể Tướng Xú Uế Vân và Lộ Dung trả lời ấm ớ về hoạt động của nhóm Chân Lý Thái Bình thì tức giận tràn hông, mặt đỏ tiá tai, đập bàn rầm rầm, miệng không ngớt quát tháo bọn ăn hại Xú Uế Vân và Lộ Dung.

 Sáng hôm sau người ta thấy bọn tiểu nhị của Hiếu Tân Đại Tửu Lầu khệ nệ mang một cải bàn đúc bằng thép nguội vào phòng trọ của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma. Chúng lại khênh ra ngoài chiếc bàn cũ đã bị Hoàng Đế vỗ dập nát vì cơn tức giận đêm hôm trước. Tất cả Hoàng Đế và Phó vương có mặt trong cuộc đại hội chỉ trả một lệ phí tương đối vừa phải. Chỉ riêng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma ngoài khoản lệ phí ăn ở thường lệ còn phải trả thêm một phí khoản đặc biệt cho việc sửa chữa những đồ đạc của Đại Tửu Lầu bị hư hại vì tánh nóng nảy của Ông.

6.5   HỊCH ĐẶC BIỆT “GIÁO QUYỀN HAY NHÂN QUYỀN

 Trưa ngày 10 tháng 11 năm Bính Dần 1986, các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo rộn rịp sửa soạn cho cuộc hội Công Báo được tổ chức tại một gian phòng nằm cạnh gian đại sảnh. Như thông lệ hàng năm, đây là dịp để các cơ quan truyền thông để các Liên Quốc Tạp Chủng có cơ hội nêu lên những câu hỏi liên quan đến những đề tài được bàn thảo trong đại hội. Nhận thấy thời cơ thuận tiện, Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình quyết định dùng diễn đàn của cuộc hội Công Báo để gióng lên tiếng chuông cho công luận khắp nơi biết rõ về cuộc tranh đấu của người Hoài Quốc tại Vương Quốc Hồ Sinh. Lập tức Hảo hán Hồ Quang Nguyệt cùng một vài nghĩa quân cải trang thành những viên chức của hệ thống truyền thông, cổ đeo thẻ bài Công Báo, trà trộn vào phòng họp. Trong lúc mọi người đang say sưa theo dõi cuộc hội với những đề tài thời sự nóng bỏng của Thiên Giáo năm đó, Hảo hán Hồ Quang Nguyệt xuất kỳ bất ý phi thân lên bục cao nêu lên hai câu hỏi với các vị Hoàng Đế đang chủ sự cuộc hội.
 
 - Các Hoàng Đế Thiên Giáo nghĩ gì về Vương Quốc Hồ Sinh không thi hành điều Ngũ Bách Thập Bát trong bộ Tân La Luật khi người Hoài Quốc thỉnh nguyện xin thiết lập Thể Nhân Trấn?
 - Các Hoàng Đế Thiên Giáo có cảm tưởng như thế nào khi Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma của Vương Quốc Hồ Sinh đưa Cảnh Bị và khuyển ngao vào Đền thờ để đàn áp người Hoài Quốc?

 Khi Hảo hán Hồ Quang Nguyệt vừa dứt câu hỏi, các Hoàng Đế và các Phó vương cũng như tất cả các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo có mặt trong gian phòng hội đều nhốn nháo như ong vỡ tổ. Họ không ngờ trong một vùng đất nổi tiếng về tự do như Liên Quốc Tạp Chủng ở vào thế kỷ 20 thật văn minh lại xảy ra một việc trái cẳng ngỗng như thế. Họ lại càng khâm phục những người Hoài Quốc bé nhỏ đã vượt ngàn dặm từ bờ Tây của Tạp Chủng sang tận miền Đông để nêu lên sự thật phủ phàng của một Vương Quốc Thiên Giáo. Họ rất ngạc nhiên vì một Hoàng Đế Thiên Giáo luôn luôn kêu gọi yêu thương lại có thể dùng binh lực của Vương Quốc Thế Trần để đối xử một cách bạo ngược với những thần dân tay trắng như người Hoài Quốc. Và họ cố tìm cách liên lạc với các nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình để điều tra xem Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma là nhân vật liều lĩnh như thế nào mà lại có một đường lối cai trị hoàn toàn nghịch với chủ thuyết của Thiên Giáo.

 Lúc bấy giờ một số nhỏ nghĩa quân vội lập tức cho phổ biến tờ hịch “Giáo Quyền hay Nhân Quyền” đến các Truyền Ảnh Trạm và Công Báo đang có mặt trong gian đại sảnh. Trong khi đó, lực lượng nòng cốt của Chân Lý Thái Bình cho thi hành kế hoạch tinh vi khác. Họ chia các nghĩa quân ra thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm chịu trách nhiệm một tầng lầu của Đại Tửu Quán. Những nhóm nghĩa quân này với hành tung xuất quỹ nhập thần, lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma, mang tất cả các hịch  “Giáo Quyền hay Nhân Quyền” bỏ vào phòng trọ của các Hoàng Đế và Phó vương. Đây là sứ mạng cực kỳ khó khăn trong toàn bộ kế hoạch “Kinh Kha sang Tần” của Chân Lý Thái Bình, vì lúc bấy giờ Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma đã báo động với chủ nhân của Hiếu Tân Đại Tửu Lầu tìm cách ngăn cản việc rải hịch của người Hoài Quốc. Vì thế, các nhóm nghĩa quân đã phải thực hiện công tác này trong một thời gian kỷ lục rồi sau đó rút vào bí mật để bảo toàn lực lượng. Đêm hôm đó, quân thám báo của Chân Lý Thái Bình phúc trình cho các thủ lãnh về sự thành công của kế hoạch hịch “Giáo Quyền hay Nhân Quyền”. Họ cho biết các vị Hoàng Đế và Phó vương về phó hội đã chong đèn suốt đêm trong các phòng trọ để đọc tờ hịch của Doanh Tuẫn Giáo đã được biên soạn và ấn loát thật công phu. Hịch này được ấn hành một cách đặc biệt, hoàn thành trong một thời gian kỷ lục vào tuần lể trước ngày “Kinh Kha sang Tần”, trong đó tóm tắt tất cả những diễn tiến kể từ ngày người Hoài Quốc bắt đầu xin thiết lập Thể Nhân Trấn.

6.6   SỰ ỦNG HỘ CỦA CÔNG LUẬN

 Sáng sớm ngày 11 tháng 11 năm Bính Dần 1986, thời tiết thay đổi đột ngột, gió lạnh từ phương Bắc kéo đến mang theo những cơn mưa nặng hạt suốt ngày. Phố xá trong thủ phủ Hoa Thạch Đông vắng người qua lại, mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trong các lữ quán và trang trại của người dân. Lúc bấy giờ các thủ lãnh của Chân Lý Thái Bình quyết định bước sang giai đoạn kế tiếp. Họ nhận định rằng các tờ hịch “Giáo Quyền hay Nhân Quyền”được phổ biến ngày hôm trước không nhiều thì ít đã làm giao động tinh thần các Hoàng Đế và Phó vương trong cuộc đại hội. Do đó họ quyết định xuất đầu lộ diện toàn bộ lực lượng, công khai nói lên lập trường và nguyện vọng chánh đáng của dân chúng Hoài Quốc taị Doanh Tuẫn Giáo.

 Mặc dầu trời mưa như trút nước và gió lạnh như da cắt thịt, các nghĩa quân vẫn ngang nhiên đứng giữa trời để thực hiện cho bằng được kế hoạch. Tất cả nghĩa quân đều vận nội lực thâm hậu, sử dụng thuật “Thiết Bố Sam” làm cho da thịt trở nên cứng như gang thép để chống lại thời tiết lạnh lẽo của thủ phủ miền Đông Bắc.  Họ cho giăng những băng vải màu đỏ như máu, trên có kẻ những hàng chữ màu trắng trước cổng ra vào của Hiếu Tân Đại Tửu Lầu. Nội dung của những hàng chữ nhằm chống lại chính sách cai trị độc ác và thái độ lạ lùng của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma. Ngoài những băng vải to kể trên, nghĩa quân của Chân Lý Thái Bình còn đeo trên ngực những bảng nhỏ bằng giấy cứng cũng có cùng nội dung, và di hành chậm chạp, nối đuôi như một con rắn trong thế trận “Mãng Xà Uốn Khúc” trước cổng Tửu Lầu. Quả nhiên thế trận kỳ lạ trong kế hoạch tâm lý của nhóm nghĩa quân Hoài Quốc thâu lượm kết quả khả quan. Một số rất đông các Hoàng Đế và Phó vương từ trong tửu lầu nhìn thấy sự hy sinh gian khổ, dầm mưa giải nắng của các nghĩa quân nên đã bước ra ngoài cổng để thăm hỏi, ủng hộ tinh thần và hứa sẽ tìm đủ cách để giúp đỡ cho người Hoài Quốc Đa số các nhà lãnh đạo Thiên Giáo trong cuộc đại hội đã tỏ thái độ bất mãn, hoặc chống đối hoặc kinh ngạc về đường lối cai trị kỳ dị, thất nhân tâm của Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma.

 Một điểm đặc biệt trong kế hoạch “Kinh Kha sang Tần” này là sự ủng hộ ra mặt của những người bản xứ tại thủ phủ Hoa Thạch Đông. Những người bản xứ khi biết được Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma có đường lối cai trị hoàn toàn trái ngược với chủ thuyết yêu thương của Thiên Giáo, họ đã tức giận tột cùng và quyết chí tìm cho bằng được Ông để chất vấn. Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma khi hay tin tên tuổi mình đã bị nhóm chống đối công bố khắp nơi liền hoảng sợ, tìm cách lẫn tránh tất cả mọi người vì sợ những câu hỏi lôi thôi có thể làm thương tổn đến uy tín của một nhà lãnh đạo Thiên Giáo. Một mặt ông cố tránh né những người muốn tiếp xúc với Ông, mặt khác ông lại sử dụng đường lối ngoại giao mềm dẽo với những nghĩa quân, hy vọng họ sẽ giảm thiểu hình thức chống đối hoàn toàn bất lợi cho Ông tại địa điểm đầy những nhân vật tai mắt của Thiên Giáo. Do đó, trong hai ngày 11 và 12, Ông đã nhiều lần âm thầm đích thân ra tận chỗ các nghĩa quân Chân Lý Thái Bình đang di hành thế trận “Mãng Xà Uốn Khúc” để thăm hỏi và dùng đòn tâm lý xoa dịu những người đang chống đối. Nhưng các Kinh Kha của Doanh Tuẫn Giáo đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương với vị lãnh đạo của họ nên họ vẫn tiếp tục hoàn tất kế hoạch đã được giao phó.

 Tục truyền rằng Hoàng Đế Thạch Đỗ Ma kể từ lúc phát hiện nhóm Chân Lý Thái Bình đã liều lĩnh kéo quân vượt ngàn dặm xuất hiện tại Đại Hội Các Hoàng Đế Thiên Giáo để nói lên nguyện vọng của họ, Ông bắt đầu lo sợ thật sự. Ông ngầm thán phục sự kiên trì và quyết tâm của những người đang chống đối Ông. Ông liên tưởng đến hình ảnh đám người liều lĩnh này sẽ luôn luôn bám sát Ông như bóng với hình tại bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Họ sẽ xuất hiện tại các buổi tế tự do Ông chủ tế, hoặc những lần hội họp Ông phải tham dự, và nhất định họ sẽ lợi dụng những cơ hội như thế để phản đối chính sách cai trị của Ông, khiến cho uy danh của Ông sẽ bị thương tổn. Trong cuộc Đại Hội Các Hoàng Đế tại thủ phủ Hoa Thạch Đông, Ông đã cố né tránh công luận bằng cách tháo gỡ lệnh bài Hoàng Đế có khắc tên của Ông vẫn thường đeo trên ngực mỗi khi Ông bước ra ngoài gian đại sảnh. Đi đứng đâu đâu cũng vội vội vàng vàng và điều này đã làm cho Ông cảm thấy khó chịu như một kẻ tử tội đang trên đường đào thoát. Ông mong muốn những ngày đại hội qua thật nhanh và kết thúc ngay lập tức để Ông khỏi phải sống trong cảnh ngột ngạt, hãi hùng vì lo sợ. Cả trong giấc ngủ hàng đêm, Ông cũng không tài nào nhắm mắt được. Hình ảnh các nghĩa quân Hoài Quốc như những bóng ma dật dờ khi ẩn khi hiện lúc nào cũng ám ảnh Ông. Ông mệt mỏi, băn khoăn, lo lắng, đầu óc lâng lâng dịu vợi. Có những lúc tinh thần quá mệt nhọc, Ông tự trách Ông đã quá coi thường nhóm người Hoài Quốc đang tá túc trên quê hương của Ông. Ông tự nghĩ phải chi Ông thoả mãn hai thỉnh nguyện của họ ngay từ lúc ban đầu thì Ông đâu đến nỗi khổ sở như thế. Ông ước ao lịch sử có thể đi ngược để Ông có cơ hội thay đổi ván cờ.

6.7   TRANH GIÀNH QUYỀN LỢI

 Sau khi kế hoạch “Kinh Kha sang Tần” hoàn tất mỹ mãn, tạo được tiếng vang sâu rộng khắp nơi, Bang Phòng Thủ Chân Lý Thái Bình tiếp tục lắng dịu mọi hoạt động để chờ phản ứng của Triều đình.

 Trong lúc ấy, bên phía những người ủng hộ Tổng Trấn Lộ Dung, một vài sự rạn nứt nội bộ bắt đầu xuất hiện. Trong khi Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin Thiên Giáo chủ trương cứng rắn, kể cả việc bạo động, để giành quyền kiểm soát thì trái lại, tổ chức Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội lại có vẻ muốn theo đuổi đường lối ôn hoà. Sự bất đồng quan điểm trong hai tổ chức trên không lấy gì làm lạ. Trước hết Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin Thiên Giáo là thành phần nòng cốt bao gồm những thủ hạ thân tín đã theo phò Tổng Trấn Lộ Dung từ lâu. Họ đã tuyên chiến với Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình kể từ ngày cuộc binh biến bính dần bắt đầu khởi phát. Những thủ lãnh của tổ chức Tử Thủ Đức Tin như Khuyển Ngôn Đầu Đà, Võ Cổn Tú Tài, Tà Đức Nguyên . . . đã ôm ấp mối hy vọng to tát là một ngày đẹp trời nào đó khi Lộ Dung chễm chệ trên ngôi vị Tổng Trấn của Doanh Tuẫn Giáo, thì họ cũng sẽ được Tổng Trấn ban cho bổng lộc, chức tước. Mặc dù đã cố gắng tả xung hữu đột ngăn chận các cuộc tấn công của Chân Lý Thái Bình, Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin chủ lực của Lộ Dung cũng không tài nào bảo vệ nổi cho vị chủ tướng vì thực lực quá yếu kém. Điển hình là lần biểu dương lực lượng của Chân Lý Thái Bình tại Đền Thờ Vương Quốc ngày 9 tháng 8 năm Bính Dần 1986 tại Đền Thờ Đồng Tâm . Trong cả hai dịp này, bọn thủ hạ của Lộ Dung đã run sợ thật sự vì chính mắt họ đã tận mắt nhìn thấy lực lượng đông đảo của nhóm chống đối đang chống lại vị Tổng Trấn tham tàn. Trong lúc Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin bị nhóm Chân Lý Thái Bình đánh cho tơi tả, tưởng phải rã đám thì bất ngờ tổ chức Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội lại nhảy vào vòng chiến.

 Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội được cầm đầu bởi Trang Bất Lương, một kiếm khách hết thời vì có quá nhiều tham vọng. Trước kia Trang Bất Lương đã từng làm đến chức Chủ sự trong Bang Hành Sự của Doanh Tuần Giáo. Trang Bất Lương vì bất mãn cá nhân và nhất là chỉ ham chức tước danh vọng nên đã trở mặt chống lại dân chúng của Doanh Tuẫn Giáo. Nhận thấy Lộ Dung đang bị nguy khốn, Trang Bất Lương vội vàng chiêu tập một đám thủ hạ về  đầu quân dưới trướng của Lộ Dung. Tổng Trấn Lộ Dung trong lúc chán nản tuyệt vọng thấy có người nhảy vào tiếp viện thì cũng phấn khởi phần nào, Ông chiều chuộng, đối đãi hậu hỉ với Trang Bất Lương khiến Trang Bất Lương mơ tưởng đến nhiệm vụ quan trọng sẽ lọt về tay mình một khi giấc mộng Tổng Trấn của Lộ Dung đạt được. Vì thế, Trang Bất Lương càng ra sức đốc thúc thủ hạ hoạt động mạnh mẽ khắp nơi chống lại Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình. Chúng cho phổ biến tờ hịch “Tin Hão” để đối chọi với hịch “Chánh Đạo” của Doanh Tuẫn Giáo. Nhưng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa thì hịch Tin Hão về hình thức lẫn nội dung vẫn rất nghèo nàn nếu so với Hịch Chánh Đạo. Mặc dầu biết rõ ý đồ đen tối của Trang Bất Lương, những thủ lãnh của Đạo Quân Tử Thủ Đức Tin vẫn phải tươi tỉnh ngoài mặt để nhận sự tiếp viện của Hoài Quốc Nhân Dân Thiên Giáo Hội. Tuy nhiên bên trong họ vẫn lo củng cố thế lực để chuẩn bị nắm giữ những vai trò nòng cốt trong Doanh phủ một khi Tổng Trấn Lộ Dung đặt được nền móng cai trị tại Doanh Tuẫn Giáo. Dầu cố gắng che đậy thật kỹ càng, thỉnh thoảng vẫn có sự va chạm nội bộ vì sự tranh chấp quyền bính và chủ trương hoạt động của hai tổ chức.

 Một yếu tố khác làm cho những người ủng hộ Lộ Dung trở nên chán nản là thái độ bất cần của Triều đình. Trong những tuần lễ cuối tháng 10, một số thủ hạ của Lộ Dung đã liều lĩnh, chủ trương bạo động tại các Đền Thờ vì tưởng rằng làm như thế sẽ được Triều đình ban thưởng trọng hậu. Bọn chúng đã vô cớ chửi bới, tấn công người của Doanh Tuẫn Giáo cốt để cướp tinh thần của những người chống đối. Lập tức Bang Phòng Thủ Chân Lý và Thái Bình hô hoán khắp nơi, báo động với công luận Hồ Sinh về chủ trương gây cảnh “huynh đệ tương tàn” của Triều đình. Lúc bấy giờ, vì sợ công luận lên án, Triều đình vội vàng phủ nhận hành động của những người ủng hộ Lộ Dung và khép tội họ là những kẻ quá khích, vô đạo. Họ chán nản vì thái độ “đem con bỏ chợ” của Triều đình và rỉ tai nhau bỏ ngũ. Những sự rạn nứt nội bộ, cộng với thái độ “vắt chanh bỏ vỏ” của Triều đình và nhất là những tin tức liên quan đến hoạt động của nhóm nghĩa quân Chân Lý Thái Bình tại thủ phủ Hoa Thạch Đông càng làm cho thủ hạ của Lộ Dung chán nản và mệt mỏi. Vì thế, trong các buổi tế tự cuối tuần vào đầu tháng 11, nhóm ngưòi ủng hộ Lộ Dung bắt đầu thưa thớt, ít thấy xuất hiện và hung hăng như trước. Dầu vậy vẫn còn lác đác một vài tên ngông cuồng dùng những lời loạn ngôn nhục mạ người của Doanh Tuẫn Giáo, điển hình là Vãn Xú Đầu Đà, Trang Cống Tần . . .