Trong tiếng VN hình như chỉ có chữ ‘sợ vợ’ chứ không có chữ ‘sợ chồng’. Tại sao vậy? Thưa có lẽ sợ chồng là chuyện đương nhiên và hợp lý, không có gì đáng nói đáng bàn, sợ vợ mới là việc khác thường, mới đáng nói, nên mới sinh ra nhiều tiếng cười.
Canada đang vào hè. Thời gian đi nhanh qúa, mới ngày nào sáng dậy còn xúc tuyết, mới ngày nào ra đường còn mang áo lạnh. Tôi nói mùa hè đang đến, chứ nàng xuân vẫn còn lưu luyến miền đất hạnh phúc này, rừng hoa anh đào sau nhà vẫn còn nở rộ. Không phải nhà tôi trồng anh đào, mà vì nhà tôi nhìn sang được công viên High Park. Công viên này nổi tiếng đẹp vì có rừng hoa do Nhật Bản tặng năm xưa. Tôi yêu cái công viên này quá. Nó được xếp vào loại công viên đẹp nhất nước. Mùa thu thì thơ mộng vì lá vàng lá đỏ của rừng phong. Mùa xuân thì lộng lẫy vì những cành hoa anh đào trắng hồng. Mỗi lần nhìn thấy hoa anh đào thì tôi liền nhớ tới người Phù Tang. Ngày xưa khi chưa tới Canada thì tôi chỉ biết người Nhật đã đem cây anh đào sang tặng thủ đô Washington DC bên Hoa Kỳ. Nay sống ở Canada và nhà ở gần công viên nổi tiếng này nên tôi mới biết người Nhật cũng tặng cây anh đào cho thành phố Toronto .
Sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1959, Tòa đại sứ Nhật Bản đã tặng Canada 2000 cây anh đào, một nửa trồng ở thủ đô Ottawa, một nửa trồng ở công viên High Park gần nhà tôi. Đó là đợt thứ nhất. Đợt thứ hai vào năm 1984, tức 25 năm sau, ông Yoriki Iwasaki, giáo sư môn luyện kim thuộc trường đại học Toronto, tặng thêm một giống hoa anh đào khác để trồng cho khu vườn trẻ trong công viên. Chưa hết. Năm 2001, thấy dân Canada say mê anh đào, ông Tổng Lãnh Sự Nhât Bản ở Toronto tặng thêm một loại anh đào nữa tên là Fugenzo Sakura. Nhìn vào bản đồ công viên ta sẽ thấy có 3 khu trồng anh đào riêng biệt ghi dấu 3 lần Nhật Bản tặng hoa.
Ông ODP nghe tôi nói về hoa anh đào liền góp chuyện. Rằng trong tiếng Nhật, hoa anh đào gọi là Sakura. Người Nhật có một bài hát dân gian rất nổi tiếng, tên là Sakura, ai cũng biết. Ngày xưa ông đi tu nghiệp ở Nhật thì bài hát đầu tiên người Nhật hát cho ông nghe là bài Sakura. Cái đặc biệt của hoa anh đào là nhìn riêng từng bông hoa thì ta không thấy đẹp, nhưng hoa mọc chi chit trên cành thì trông nó đẹp thơ mộng vô cùng. Hoa này tượng trưng cho người Nhật. Cá nhân từng người Nhật thì không có gì xuất sắc, nhưng một nhóm người Nhật tụ lại thì nhiều sự xuất sắc hiện ra ngay.
Anh John cũng xin góp chuyện : Thấy công viên High Park nổi tiếng nhờ có hoa anh đào, nên Đại Học York ở Toronto, nhân lễ kết nghĩa anh em với Đại Học Tokyo năm 2003, cũng đã trồng 250 gốc hoa anh đào trước tòa viện trưởng.
Đó là chuyện hoa. Còn chuyện người Canada thì sao? Thưa chuyện người vào cuối mùa xuân này cũng ngon lành lắm.
Miền Toronto đông dân Việt Nam nhất nước Canada, đang sôi động với các buổi tiệc gây quỹ cho việc xây đài kỷ niệm người tỵ nạn CS, xây nhà cho người cao niên, xây viện bảo tàng thuyền nhân cho Ottawa, và đại lễ Phật Đản cùng các đại nhạc hội. Nhưng riêng tôi, một việc mà tôi cho là có ý nghĩa nhất trong năm là Trại Lên Đường. Hiện nay một nhóm người đầy tâm huyết đang chuẩn bị một trại hè cho lớp thanh niên. Trại mang tên là ‘Lên Đường’, mục đích là phát triển kỹ năng lãnh đạo cho lớp trẻ’ theo lối sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo. Trại loại này đã được tổ chức trong nhiều năm qua vào các mùa hè, từ năm 1996 đến nay đã thu hút 3.600 bạn trẻ từ khắp Bắc Mỹ. Năm nay số trại sinh được chọn sẽ là 300. Nơi hội tụ là Crieff Hills, gần thành phố Toronto. Đây là khu vực cắm trại của người Canada với đầy dủ tiện nghi. Chương trình sinh hoạt trong 4 ngày, từ 6 giờ sáng đến 12 gờ đêm, gồm sinh hoạt tâm linh, thể thao đá banh bơi thuyền, rồi hội thảo và học hỏi vể kỹ năng lãnh đạo và phát triển tình yêu quê hương VN, tối thì ca hát và lửa trại. Người đầu đàn của chương trình này là vợ chồng Cô Nguyễn Phúc Anh Lan, một trưởng Hướng Đạo kỳ cựu, người sáng lập Học Viện Công Dân, và nhà báo đại tâm Nguyễn Đạt của tuần san Thời Báo.
Tại Montréal, một thành phố nói tiếng Pháp ở Canada, xa Toronto chừng 5 giờ lái xe, cũng có một chương trình tương tự mang tên là Thế Hệ Kế Thừa, Generation’s Legacy. Mục đích là kêu gọi giới trẻ họp nhau học hỏi về văn hóa dân tộc qua thế hệ cha ông. Hiện nay phong trào đang cổ động giới trẻ VN nghĩ đến công ơn của tổ tiên bằng cách giúp việc gây quỹ cho chương trình xây viện Bảo Tàng Thuyền Nhân VN ở Canada.
Dẫn dắt chương trình này là BS Đào Bá Ngọc và Cộng Đồng VN Montréal.
Dân làng tôi có rất nhiều bạn thân ở Montréal thuộc tỉnh bang Québec. Nói tới Montréal thì mắt ai cũng sáng lên. Người yêu Québec nhất trong làng là ông ODP. Ông là dân học trường Tây ngày xưa, nói tiếng Tây như gió. Khi vừa tới Canada tỵ nạn thì việc đầu tiên là ông đi Montréal thăm bạn bè. Ông kể : mình là dân học trường tây thế mà mấy ngày đầu nghe dân Québec nói, mình chả hiểu gì. Hóa ra ở đây họ nóí tiếng Pháp của thế hệ ngày xưa. Tổ tiên của họ đến đây vào thế kỷ 17, nói tiếng Tây thế kỷ 17, và thứ tiếng Tây này tiếp tục truyền xuống cho con cháu. So sánh với tiếng Tây ở Paris thì đây là tiếng Tây nhà quê. Nhưng người ở Montréal, và nói chung dân Québec, rất tự hào về ngôn ngữ và lịch sử dòng dõi của mình. Họ xưng mình là ‘Québecois pure laine’, nghĩa là dân Québec chính gốc, là sợi len tuyền, không có lai căng gì hết. Tôi bảo họ nói tiếng Pháp nhà quê vì nhiều tiếng nghe buồn cười lắm. Chẳng hạn người rửa chén nhà hàng, tiếng Anh là dish washer, còn tiếng Pháp của họ là ‘plongeur’. Plongeur chính nghĩa là người thợ lặn! Trông vào cuốn điện thoại niên giám ta sẽ đọc thấy những tên họ, tên gia đình nghe rất mộc mạc ngộ nghĩnh, như Cụ Lafleur ( cụ bông hoa), Ông Laporte (ông cánh cửa), Bà Lamontagne ( bà ngọn núi) , Cậu Desjardins ( cậu mảnh vườn)… Mấy chục năm trước đây phong trào chủ trương Pháp Văn độc tôn rất mạnh, cái gì cũng phải dịch ra tiếng Pháp hết, bởi vậy nhiều nhà hàng đã dịch tên món Hot Dog là Chien Chaud (món chó nóng). Trên đường đi có bảng Stop, Stop là một ký hiệu quốc tế, nước nào cũng dùng, thế nhưng ở Montréal các cụ sẽ thấy họ không vẽ chữ Stop mà vẽ chữ Arrêt. Cụ nào không biết tiếng Pháp thì xin học thuộc chữ này nha.
Hiện nay chính quyền ở Québec thuộc đảng chinh trị cực đoan, họ đang lăm le trưng cầu dân ý để ly khai Quebec khỏi liên bang Canada. Chuyện này là chuyện qúa khích, do sự thù oán người Anh từ ngày xưa.
Tôi viết đến đây thì ông bưu điện tới. Ông trao cho tôi một bao thư lớn. A, đây là một cuốn sách do một ông bạn già của tôi bên Mỹ gửi tặng. Chính ông là tác giả. Ông bảo đây là những trang nhật ký ghi lại đời ông. Cuốn sách đã làm tôi cuời thích thú, đọc cả một buổi tối. Sỡ dĩ tôi bị cuốn hút là vì ông đã viết về những năm thơ ấu sống ở Thanh Hóa ngoài Bắc với ngôn ngữ Bắc kỳ rặt. Rồi ông theo cha mẹ vào Nam năm 1954. Ôi những năm đầu của một chú bé Bắc Kỳ sống ở Nam Kỳ, qua ngòi bút của ông, mới dễ yêu làm sao. Tôi thích nhất những trang viết về tiếng Bắc tiếng Nam. Nơi máy bay từ Hà Nội đáp xuống là ‘Tưng Sưng Nhức’. Mẹ ông sai ông đi mua lít dầu hỏa và bao diêm, bà bán hàng Nam Kỳ nghe chú nhóc Bắc Kỳ nói dầu hỏa và hộp diêm thì lắc đầu bảo không có, đến lúc ông chỉ vào mặt hàng thì bà phá ra cười. Chèng đéc ơi, đó là dầu hôi và hộp quẹt nha cha nội, hỏa hỏa với diêm diêm cái gì!
Chưa hết. Ông đi xích lô máy, ôi sướng làm sao, nhưng mải ngắm phố phường nên đi lố. Ông bảo bác tài lái xe ‘hãm xe’ lại mà anh ta không hiểu, cứ chạy phăng phăng. Rôi bác xích lô cũng cười hề hề, em phải nói dừng lại hay tốp lại, chứ hãm hãm cái gì! Bữa khác ông rủ bạn đi ăn cà rem. Lúc đó chính phủ cụ Diệm phát cho dân ‘ri cư’ mỗi ngày 14 đồng, tiêu thả dàn. Ông bảo bác bán kem cho ông cái kem nào ngon nhất. Bác bán hàng chọn cho ông một que kem tổ chảng mầu vàng. Trao kem xong thì bác đẩy xe đi. Ông bắt đầu ăn kem. Ông vừa cắn miếng thứ nhất rồi vất ngay que kem xuống đất. Ông bảo cái thằng Nam Kỳ này đểu. Nó đã bán cho ông một cái kem thiu, mùi thum thủm! Mãi về sau ông mới biết đây là kem Sầu Riêng ngon nhất đẳng. Về người dân địa phương thì chú Bắc Kỳ thấy phụ nữ Nam Kỳ ăn mặc qủa là kỳ. Mẹ ông thì răng đen, vấn khăn ngang và trùm khăn vuông đen ở đầu, còn chị Ba chị Tư ở đây thì mang khăn rằn ri ca rô ở cổ và cuốn trên đầu. Ông theo mẹ đi chợ thì hai mẹ con đều ngạc nhiên vô cùng khi Chị Ba bán hàng xé đôi tờ giấy bạc một đồng cái rẹt để thối lại cho mẹ con ông ‘5 hào’.
Các cụ đã thấy những ngày tháng di cư đầu tiên năm 1954 của chú bé Bắc Kỳ vui chưa. Ông bạn già của tôi có máu tếu. Ông còn kể chuyện ông đi học rồi đi làm, rồi đi lính. Ông ghi rằng trong bài học về tâm lý chiến, sĩ quan cán bộ đã nói về sự quan trọng của tình quân dân. Ông ta giảng bài thao thao rồi ông tóm tắt lại như sau :
…Trước khi đi sâu vào quần chúng thì người cán bộ phải biết vuốt ve quần chúng, đồng thời đề ra 3 điểm quan trọng. Sau khi vuốt ve và thấy quần chúng thỏa mãn tin tưởng thì ta nắm vững hai điểm trên rồi từ từ đi sâu vào điểm dưới. Vừa vuốt vừa đi sâu, thấy quần chúng thỏa mãn thì lúc đó người cán bộ mới được rút ra. Các bạn đã nhớ chưa?
Ông bạn già của tôi vui và tếu thế đấy. Ông đi tù VC, sau đó ông sang Mỹ theo diện H.O. Ông viết hết trong sách cuộc đời ông. Ông có 5 con, 7 cháu nội ngoại. Bút hiệu của ông là Thy Vy, sách mang tên ‘ĐI’, ông tự xuất bản, không ghi giá bán. Chắc ông in ra để lưu lại nguồn gốc cho con cháu và làm qùa cho bằng hữu. Hiện ông đang sống ở Nevada, xứ Cờ Hoa. Ông Thy Vy ơi, tôi thích cái tếu của ông qúa. Tôi nghĩ chính cái tếu này đã giúp ông vượt qua được bao sóng gió cuộc đời.
Tôi vừa đọc xong cuốn sách tếu trên đây thì ngày hôm sau ông bưu điện gõ cửa trao cho tôi một gói nữa, lại thêm một cuốn sách mới nữa. Các cụ đã thấy tôi có số làm quản thủ thư viện chưa? Sách này không phải sách tếu mà là sách rất nghiêm trang. Chắc các cụ không thể đoán là sách gì đâu. Thưa, đây là cuốn ‘ Ngày Cuối trong đời Socrates’ tác giả là Platon, và dịch giả là Đỗ Khánh Hoan. Socrates và Platon là ai thì tôi khỏi nói, các cụ hoc triết và văn chương đều biết cả rồi. Người mà tôi muốn nói ở đây là dịch giả Đỗ Khánh Hoan. Xưa nay tôi chưa hề thấy một vị trí thức khoa bảng VN nào mà tha thiết với văn học đến vậy. Đỗ Khánh Hoan là một tên tuổi lớn trước 1975 của VNCH, và ở hải ngoại hiện nay. Ông là giáo sư và trưởng ban Anh Văn của Đại Học Văn Khoa, Viện Đại Học Saigon trong nhiều năm. Các cụ nào ngày xưa học Văn Khoa hẳn phải biết GS Hoan. Ông vừa dạy học, vừa sáng tác vừa dịch sách, toàn những tác phẩm danh tiếng quốc tế. Sách của ông được tái bản nhiều lần. Nếu tôi không lầm thì tác phẩm đầu tiên của ông là cuốn Lịch Sử Văn Học Anh xuất bản năm 1969. Rồi Thơ Tagore như Lời Dâng, Tâm Tình Hiến Dâng, Tặng Vật, Lời Tôi Ca…. Rồi Cây Đàn Miến Điện. Rồi Nông Trại Súc Vật… Ông còn cộng tác với Nguyễn Tường Minh dịch những danh tác của Nhật bản như Kim Các Tự, Tiếng Sóng… Ra hải ngoại, ông dịch những danh tác của Châu Mỹ Latinh. Chưa hết. Điều mà tôi nể phục nhất là ông đã dịch những tác phẩm nặng ký về tư tưởng, như William Shakespeare, Đôn QuyXót, Illiad, Ođyssêy, trường ca Homer, Cộng Hòa của Platon…
Nhiều quá rồi, phải không các cụ. Đây là mới kể sơ sơ thôi đó. Cuốn mà tôi nhận được ngày hôm nay là cuốn Cụ tổ Platon viết về Cụ đại tổ Socrates, bản dịch ra Việt văn do ngòi bút thông thái và uyên bác Đỗ Khánh Hoan. Sách do Học Viện Công Dân ở Hoa Kỳ in và phát hành. Nghe nói ở VN hiện nay không có dịch giả nào đủ uy tín và thông thái như Đỗ Khánh Hoan nên trong nước hiện nay sách của Đỗ Khánh Hoan được giới trí thức qúy mến và in lại.
Từ đầu đến giờ các cụ toàn nghe chuyện sách vở, các cụ đã thấy mệt chưa?
Bây chừ xin được kể chuyện riêng tư. Xin khoe với các cụ là anh John và Chị Ba Biên Hòa mới rủ tôi tham dự một chuyến hành hương qua 3 nước Hy lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý Đại Lợi đầu tháng Năm vừa qua. Chuyến này do nhà thờ tổ chức, đông lắm, gần 30 chục người, đi 12 ngày. Vì là hành hương nên trọng tâm nặng về mặt tôn giáo. Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là thủ đô Athens của nước Hy lạp. Chúng tôi đã viếng rất kỹ miền Corintô nơi Thánh Phaolô tới giảng đạo trong 2 năm và viết những bức thư nổi tiếng có in trong Thánh Kinh, cũng là nơi ông bị bắt và đem ra tòa án. Rồi đoàn chúng tôi xuống tàu tới thành phố Ephêsô ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Thánh Phaolô đã giảng đạo 3 năm , nơi Thánh Gioan Tông Đồ đã sống với Đức Mẹ Maria, cũng là nơi Thánh Gioan viết bộ sách Khải Huyền nổi tiếng, cũng là nơi thánh nhân và Đức Mẹ qua đời. Chúng tôi được đến viếng căn nhà của Đức Mẹ ở. Các khu lịch sử này đã có hơn hai ngàn năm tuổi. Nhìn những kiến trúc vĩ đại bằng đá ngày xưa mà lòng tôi thấy kính sợ và kính phục vô cùng. Làm sao mà họ tay không làm được những cột đá vừa tròn vừa to, rồi chồng lên nhau, tạo ra những cột đá cao ngất. Điều lạ lùng là họ không đóng đinh, không xài xi măng mà những cột đá vĩ đại này đứng vững mấy ngàn năm. Lại còn những hoa văn trên đầu cột nữa chứ. Rồi đến những sân vận động, những rạp hát mấy ngàn chỗ ngồi nữa chứ. Người La Mã ngày xưa tiếng là mạnh nhất thế giới, cai trị hầu hết Âu Châu, thế mà khi chiếm xong Hy Lạp thì đã bị văn hóa Hy Lạp đồng hóa. Ngày xưa còn bé đọc sách Tân Ước trong Kinh Thánh, tôi cứ thắc mắc tại sao Thánh Phaolô đi giảng đạo ở ngoại quốc đã chọn đất Corintô và Ephesô mà không ở những nơi khác, lần này đến đây xem tận mắt tôi mới hiểu tại sao thánh nhân chọn những nơi này. Tại sao cơ ? Thưa, vì những nơi này là đỉnh cao của văn minh nhân loại lúc bấy giờ. Thánh nhân nhắm chinh phục những đỉnh cao. Tôi mê thánh nhân qúa. Ngài là bậc trí thức dấn thân. Ngài đang hăng say đi tiêu diệt tín hữu của Chúa Giêsu mà ngài cho là những kẻ theo tà đạo thì chính Chúa Giêsu hiện ra với ngài, biến ngài thành một tông đồ lớn. Chúa đã thay đổi ngài toàn diện, từ kẻ tử thù thành một cán bộ nồng cốt. Chính ngài kể ngài đã bị bắt bớ, đánh đập, bị đắm tàu, bị bỏ đói, bị hành hạ nhiều lần, mà ngài vẫn một lòng son sắt. Lý do ư? Vì chính ngài đã được Chúa Giêsu mạc khải, ngài đã nhìn thấy Chúa, nói chuyện với Chúa. Ngài không học đạo với một ai khác ngoài chính Chúa.
Vì mê thánh Phaolô mà tôi đưa các cụ đi xa qúa rồi, xin trở lại chuyến hành hương. Ban tổ chức chu đáo lắm. Ngoài mấy trọng điểm như Côrintô va Êphesô, họ còn dẫn chúng tôi đi loanh quanh mấy nơi khác, nhất là phố xá để phe các bà mua sắm. Sau 7 ngày viếng Hy lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, lúc ở khách sạn lúc ở trên tàu, sau cùng chúng tôi đến Ý Đại Lợi. Nơi dừng chân đầu tiên ở nước thứ ba này không phải Roma mà là Florence. Xưa tôi đã đi Ý nhiều lần nhưng chưa lần nào đến thành phố cổ kính và lịch sử này. Florence ở xa thủ đô Roma 4 giờ lái xe về hướng bắc. Tên Ý của thành phố này là ‘Florentia’. Nó được thiết lập đầu công nguyên. Đây là nơi quy tụ mọi tinh hoa của thời hoàng kim La Mã. Các cung điện nhà thờ đền đài, tất cả đều nguy nga và vĩ đại. Đây là sinh quán của những nghệ sĩ và thi sĩ đại danh như Dante, Michaelangelo, Leonardo… Vì đây là tinh hoa của Âu Châu nên Florentia được coi là cái nôi của phong trào Phục Hưng, hiện được coi là một trong những thành phố đẹp cổ kính nhất thế giới.
Rồi chúng tôi tới Roma, vừa kịp ngày thư Tư trong tuần để đi bái yết Đức Thánh Cha. Nói là bái yết cho ra vẻ được yết kiến bắt tay, Không phải vậy đâu các cụ ạ. Ngài tiếp hết mọi khách du lịch đến từ khắp nơi. Nơi ngài tiếp là quảng trường Thánh Phêrô, nơi các vị giáo hoàng gặp chung mọi người. Hôm đó trời nắng ấm thật đẹp. Chúng tôi tới nơi này lúc 9 giờ sáng mà công trường đã đầy nghẹt. Sách vở cho biết là nếu nơi đây đầy nghẹt thì số người tham dự là vào khoảng 300.000 người. Hôm đó đúng là đầy nghẹt. Chen mãi mới kiếm ra một chỗ đứng. Quanh tôi là cả một thế giới loài người thu hẹp, da trắng da vàng da đen đủ hết. Lọt vào tai tôi bao nhiêu là âm thanh lạ. Mãi 10 giờ Đức Thánh Cha Phanxicô mới xuất hiện. Ngài đứng trên một xe mui trần, chạy quanh công trường nhiều vòng. Dù bao nhiêu nhân viên an ninh vây quanh mà có tới mấy chục em bé lọt hàng rào đưa tới tận tay ngài cho ngài ẵm hôn. Tôi có nhận xét này, vừa qua màn ảnh truyền hình khổng lồ ở 4 góc, vừa được nhìn trực tiếp, vị giáo hoàng này hôn em bé nào là ngài hôn rất nồng nàn, chứ ngài không hôn ơ hờ cho có. Xe chạy tới đâu là nơi đó ầm vang lên tiếng hét ‘ Papa!, Papa!, Papa!’. Một ông Tây đứng bên tôi nói lớn : Khuôn mặt của ngài trông rất giống khuôn mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma. Giá mà hai vị lãnh tụ tôn giáo này cùng cầm tay nhau mà đi giảng đạo từ bi bác ái thì chắc chắn thế giới sẽ hòa binh ngay.
Đó mới là chuyện một buổi sáng thứ Tư ở khu công trường Thánh Phêrô. Đoàn chúng tôi còn đi thăm viện bảo tàng ở nhà thờ Sistine, còn đi công viên Trevi cho các bà ném đồng tiền. Các cụ biết thói quen này của du khách chứ? Người ta tin rằng ai đến Roma mà tới đây ném một đồng xu xuống suối thì thế nào trong tương lai cũng sẽ trờ lại Roma lần nữa, nếu ném 2 đồng xu thì tình duyên sẽ bền chặt, nhưng chớ ném 3 đồng xu nha vì con số 3 là số lẻ, không tốt…
Trên đây mới là vài nét sơ sài của chuyến hành hương dài ngày của nhóm chúng tôi. Tôi nói sơ sài vì còn bao nhiêu chuyện khác cũng vui và quan trọng nhưng không còn giấy, như chuyện các khách sạn, chuyện các chuyến đi cruise, chuyện các bữa ăn, chuyện đi shopping, chuyện các lần xém bị mất cắp, chuyện lạc nhau…
Thời tiết tháng Năm và tháng Sáu rất dễ chịu nên sẽ có nhiều chuyến hành hương và du lịch, tôi xin ghi mấy điều kinh nghiệm để trình các cụ sắp đi nha:
- Vì khách du lịch rất đông nên đoàn chúng ta rất dễ lạc nhau. Làm sao để đoàn nhận ra nhau từ xa nếu bi lạc trong đám đông? Cách tốt nhất là các đoàn viên nên đội mũ giống nhau, ở cổ quàng thêm một cái khăn giống nhau nữa thì tuyệt vời. Và đoàn trưởng nên cầm một lá cờ, hay một cái dù mầu riêng biệt. Tôi thấy có mấy đoàn đội mũ vàng, quàng khăn vàng, đoàn trưởng cầm một cái dù màu cũng vàng, thật là khôn ngoan.
- Ai cũng nên có một cái máy điện thoại di động, loại bỏ túi. Tôi thấy du khách hầu như ai cũng có. Nó vừa là cái tai cái mắt cho mình, vừa là máy chụp hình quay phim.
- Vì chúng ta sẽ đi bộ nhiều, nên mang theo áo mưa. Để cho gọn ghẽ, nên mua cái áo mưa nylon nhỏ xiu giá 1 đôla ở các tiệm bên đường. Hễ gặp mưa là bung nó ra. Sau cơn mưa thì vất nó vào giỏ rác, chả cần tiếc xót gì.
- Các cụ cao niên nên mang theo một cái gậy, loại gấp. Khi nào phải đi xa hay lên dốc thì bung cây gậy ra, nó là một cánh tay thứ ba, rất hữu dụng.
- Nên đem theo mì gói hay phở gói, loại để sẵn trong cái bát nylon. Nên mang theo đôi đũa và cái muỗng. Lúc nào đói hay nhớ cơm VN thì chỉ việc xin nhà hàng hay khách sạn chút nước sôi là xong ngay. Có mấy ông bạn rất khôn ngoan, các ông đem bát mì bát phở xuống ăn trong bữa buffet. Có tô mì nóng, lại có sẵn thịt gà, thịt bò, hải sản nấu sẵn trên bàn buffet, bạn chỉ việc gắp các thứ này vào tô mì tô phở, thế là bạn đã có một tô mì, tô phở ngon hảo hạng.
- Về bữa ăn, du khách thường có sự chọn lựa là hoặc ngồi bàn ăn có thực đơn rõ ràng và có người phục vụ, hoặc ăn theo lối buffet. Chúng tôi bao giờ cũng ăn theo lối buffet vì mình được chọn những thức ăn mình thích, nhiều ít do mình quyết định, chứ ngồi ở bàn ăn với thực đơn có sẵn thì bạn mất hết tự do. Bạn không có sự lựa chọn, người ta phục vụ thế nào thì bạn phải ăn thế ấy.
- Và điều cuối cùng rất quan trọng là các bạn phải rất cẩn thận về giấy tờ và tiền bạc. Những chỗ đông người như bến xe, cửa vào bảo tàng, cửa vào chợ là nơi các bạn dễ bị móc túi nhất. Ở đây có bọn móc túi chuyên nghiệp, chúng thường đi hai ba đứa với nhau, con trai lẫn với con gái. Một đứa sán lại nói chuyện với bạn thì đứa thứ hai thứ ba móc túi rạch bóp của bạn. Bạn nào đeo bị thì nên đeo bị ra trước ngực. Bạn xách ví thì nên cài thêm một cái kim bặng lớn ở đầu zipper. Cách an toàn nhất là nên mặc loại áo 4 túi hay 6 túi, kiểu áo giáp nhà binh. Các miệng túi nên gài thêm kim băng. Nên đi liền nhau, người này bảo vệ người kia. Con trai con gái nó sán lại thì gạt chúng ra. Tôi có bà bạn đeo ví trước bụng, đã đề phòng bọn móc túi, thế mà khi về tới khách sạn thì ví đã bị mở ra lúc nào không hay, thông hành và tiền bạc mất hết.
Trên đây là vài kinh nghiệm nhỏ xin trình các cụ sắp lên đường du lịch.
Về lại Canada, ba chúng tôi đem các chuyện hành hương này ra kể cho cả làng An Hạ nghe. Bà cụ B.95 thì cứ tiếc hùi hụi. Cụ bảo cụ biết là chuyến đi hấp dẫn qúa mà sức khoẻ không cho phép. Chị Ba Biên Hòa liền chiếu lại cho cụ xem những đoạn phim mà chị chụp được. Chiếu đến đâu chị dẫn giải đến đó. Phim của anh phim của chị, một bộ nhật ký sống động thật hấp dẫn. Cụ B.95 vừa xem vừa tấm tắc : đây là một phép lạ về truyền thông của thế kỷ.
Ông ODP tiếp theo ý đó ngay : Vì cái máy này mà kỹ nghệ máy chụp ảnh và kỹ nghệ phim nhựa đang giẫy chết. Trên báo chí hàng ngày ta thấy chỗ nào máy ảnh cũng quảng cáo bán hạ giá, đại hạ giá. Mà chẳng riêng gì kỹ nghệ máy ảnh và phim nhựa chết, mà loại điện thoại dùng giây cũng chết, nhà in báo giấy cũng chết, bưu điện phát thư cũng chết. Nhiều phép lạ đang nhãn tiền xảy ra. Cách đây 50 năm nào có ai tiên đoán được những thay đổi này.
Rồi cụ B.95 lại theo thói quen truyền thống đòi nghe chuyện cười. Cụ nhìn anh John là thần tượng của cụ. Anh John biết mỗi lần họp làng là mỗi lần anh phải mở đầu chương trình chuyện cười. Cụ thích chuyện cười của anh vì nó pha lẫn tiếng cười của dân da trắng với dân da vàng.
Anh John xin được tiếp câu chuyện tháng trước về đề tài ‘sợ vợ’. Trong tiếng Anh, ông chồng sợ vợ bị gọi là ông chồng bị gà mái mổ, ‘ hen-pecked husbands’. Người Canada thường không lấy đề tài sợ vợ ra diễu, mà họ lấy đề tài mẹ vợ. Còn người Việt mình thì chuyên lấy đề tài sợ vợ. Anh John bảo anh hết sức ngạc nhiên khi tìm các chuyện cười VN. Trong tiếng VN hình như chỉ có chữ ‘sợ vợ’ chứ không có chữ ‘sợ chồng’. Tại sao vậy? Thưa có lẽ sợ chồng là chuyện đương nhiên và hợp lý, không có gì đáng nói đáng bàn, sợ vợ mới là việc khác thường, mới đáng nói, nên mới sinh ra nhiều tiếng cười. Anh xin kể chuyện một anh chồng sợ vợ đặc biệt và một chị vợ bắt nạt chồng loại siêu việt.
Rằng có một ông kỹ sư kia nổi tiếng sợ vợ. Bữa đó hai vợ chồng đi phố. Bà vợ bảo : Phố xá đông người, anh giữ tiền cho chắc ăn, em mua cái gì thì anh mở ví lấy tiền trả nha. Anh chồng gật đầu chấp thuận. Hai người đến đầu chợ thì bà vợ nhìn chồng rồi cằn nhằn ngay : Phố xá đông người mà sao anh lớ ngớ như thằng ngố vậy? Anh cẩn thận nha, bọn móc túi đầy chợ đấy. Nói xong, bà vợ nhìn lại chồng, chắc bà thấy chồng là thằng ngố thật nên bà lại nói : Anh đưa hết tiền đây, em giữ cho chắc. Anh chồng bèn móc túi đưa hết tiền mang theo cho vợ. Bà vợ bỏ tiền vào sắc rồi đeo lên vai. Hai người đi vòng vòng một hồi lâu. Cuối cùng bà vợ tìm được một bộ áo ưng ý, trả gíá xong thì mở sắc lấy tiền. Khi nhìn xuống thì trời ơi cái sắc đã bị rạch, bao nhiêu tiền đã bị móc hết. Ông chồng liền nhỏ nhẹ : Phải chi lúc nãy em để anh giữ tiền thì đâu nên nỗi. Bà vợ liền gầm lên : Anh là đồ ngu! Tại sao tôi bảo anh đưa tiền mà anh cũng đưa? Anh phải biết ngăn cản tôi lúc đó chứ, thế mới là đàn ông, thế mới là chồng chứ. Anh lỗi sờ sờ như vậy mà còn đổ lỗi cho tôi!
Kể đến đây xong anh John tuyên bố hết chuyện. Anh bảo các bạn Canada trong sở nghe anh kể chuyện này thì thích lắm và đều nói : Anh chồng này chính là người bị gà mái mổ.
Kính chúc các cụ mày râu phe ta không bị gà mổ nha. Cương quyết nha.