Ông bà mình ngày xưa nói rất đúng : ‘Vui như Tết’. Qủa vậy, mấy tuần lễ cuối năm làng tôi lúc nào cũng đầy tiếng cười.
Cái ông Từ Hoè hội viên viễn cư mỗi năm từ miền tây về làng đã làm không khí làng nhộn nhịp hẳn lên. Ông ở những hai tuần, nay ăn nhà này, mai ăn nhà khác. Cái kho tiếu lâm của ông lớn vô tận. Tôi đi với ông hàng ngày mà chưa hề thấy ông kể lại một chuyện cũ. Lúc nào chuyện cũng mới. Chuyện đã hay mà tài pha mắm pha muối vào làm cho câu chuyện nào ông kể cũng hay hết sức. Cu bà B.95 và hai cô Huế thì mê ông như điếu đổ.
Ông này nhiều tài lắm, một trong những cái tài vặt mà tôi không để ý là tài chỉ huy. Ông chỉ huy mà như không chỉ huy, không áp đặt mà ai cũng nghe theo rắm rắp. Nổi cộm nhất là việc chạy bộ buổi sáng. Trong năm thì phe liền ông chúng tôi, tức các nhà đại quân tử và đại triết gia trong làng, thường cùng nhau đi bộ mỗi sáng thứ bảy và điểm hẹn là quán cà phê Starbucks ở ngã tư. Từ dịp tết vừa qua khi có ông về làng thì ông đề nghị chúng tôi đi bộ mỗi buổi sáng. Nói là đi bộ nhưng ông thường hướng dẫn chúng tôi chạy bộ nữa, đi một quãng, chạy bộ một quãng, vui đáo để. Khi các nhà quân tử bắt đầu thấy mệt thì vừa đúng lúc tới quán cà phê. Cái không khí vui và ấm trong quán đã làm chúng tôi hết mệt ngay lập tức. Không ai bảo ai, phe chúng tôi đến chiếm ngay một góc trong quán, nơi gần cái TV bự và gần cái bàn bày nhât báo. Nhóm chúng tôi thường phạm một cái tội là sáng nào cũng ra đây đọc báo chùa. Starbucks có lệ mua một sấp nhật báo để khách vừa uống cà phê vừa coi tin. Toronto có 4 tờ báo lớn và một tờ báo USA, sáng nào 5 tờ này cũng được bày sẵn trên bàn để đón chào các nhà quân tử chúng tôi. Ôi, vừa nhâm nhi cà phê nóng, vừa đọc các tin sốt giẻo, nào có gì sung sướng bằng ! Tôi vừa nói nhâm nhi cà phê nha, chứ không nói uống. Uống cà phê cái ực là không phải cách uống cà phê. Có nhâm nhi chút chút mới thấy cái vị cà phê nó thơm ngon, nó đăng đắng, nó ngậy ngậy, nó ngòn ngọt dịu dàng. Phe liền ông chúng tôi tự cho mình là vua biết ăn biết uống đấy, khiếp không các cụ ? Mỗi lần nhâm nhi cà phê xong thì ông ODP cũng như ông Từ Hoè đều gật gật cái đầu ra ý là rất hài lòng về ly cà phê đang uống. Mà quán này đâu có chỉ phục vụ một loại cà phê, họ có đủ loại cà phê ngon của thế giới. Quán này đâu có pha cà phê bằng kiểu cái nồi ngồi trên cái cốc như ở VN, họ pha bằng loại máy tối tân nhất. Bao nhiêu hương vị tinh hoa của cà phê đều tiết ra hết. Xin cám ơn Trời Phật đã cho chúng con được sống cùng với nhau hưởng những giây phút sảng khoái này.
Vì phe chúng tôi đên quán này thường xuyên và lâu năm nên chúng tôi cũng quen một số bạn da trắng. Họ cũng tới đây uống cà phê và đọc báo buổi sáng y như chúng tôi. Đọc báo xong thì chúng tôi quay ra nói chuyện, các thứ trên trời dưới biển. Các ông da trắng thì bao giờ cũng bắt đầu bằng chuyện thể thao. Nhờ nói chuyện với họ mà chúng tôi mới biết thêm các môn thể thao như dã cầu, côn cầu, foot ball của Bắc Mỹ. Thấy nhóm VN chúng tôi tuần này vui vẻ khác thường thì họ tỏ ra ngạc nhiên. Sau khi họ biết chúng tôi đang tuần lễ ăn tết thì họ mới à lên một tiếng rồi gật gật cái đầu. Chúng tôi kể cho họ nghe về cái tết truyền thống của quê hương VN, thì đáp lại họ cũng kể cho chúng tôi nghe về cái tết của xứ họ. Xưa nay tôi cứ nghĩ tất cả khách hàng da trắng ở quán này là một khối thuần chủng, ai dè, sai bét các cụ a. Trong số các vị da trắng thường đến đây uống cà phê, họ có nhiều gốc khác nhau. Ông gốc Đức, ông Tây Ban Nha, ông Colombia. Tôi già qúa mất rồi vì tôi đã quên khuấy rằng Canada là một nước của các di dân. Chỉ có ông Da Đỏ là có gốc lâu đời nhất ở đây mà thôi.
Thế là sáng hôm nay, đề tài cuối cùng chúng tôi nói trong quán là đề tài Tết trên thế giới. Không ngờ hay đáo để, các cụ ạ. Ông Columbia Nam Mỹ thì bảo rằng dân họ có phong tục là khi tết đến thì các thứ xấu trong năm cũ như tin người chết, như toa thuốc, như giấy đòi nợ, giấy toà án … tất cả cho vào cái bao, đề tên bên ngoài là ‘Mr Old Year’. Đúng lúc giao thừa thì hỏa táng cái bao này, coi như tống khứ những cái xấu của năm cũ. Ông Estonia thì cố gắng ăn 7 bữa trong ngày tết để mong no ấm cho cả năm mới. Ông Tây Ban Nha thì khi đồng hồ nhà thờ điểm 12 giờ lúc giao thừa thì ai cũng cố gắng nuốt cho nhanh 12 trái nho, trái nho to và tròn chỉ hạnh phúc toàn diện, nên ai cũng cố gắng nuốt cho kịp với tiếng chuông. Nuốt xong là phá ra cười và vỗ tay, rồi mới chúc mừng năm mới nhau. Ông Tô Cách Lan thì có thói quen mời một người đến xông nhà. Người này phải là liền ông, cao ráo, tóc đen, đẹp trai, học thức. Khi bước qua ngưỡng cửa thì đem một số quà tết đến, như mấy đồng tiền để chúc sự giầu có trong năm, như mấy cục than để chúc sự ấm áp trong nhà. Người Hy Lạp thì ngày tết có thói quen ăn một đồng bánh ngọt mang tên là St. Basil’s Cake. Trong nhân đồng bánh có mấy cục tiền vàng. Miếng bánh của ai có đồng tiền vàng thì người đó sẽ được hên cả năm.
Cứ thế trọn tuần sáng nào các nhà quân tử và tráng sĩ chúng tôi cũng gặp nhau uống cà phê, vừa nói chuyện với nhau, vừa nói chuyện với bạn bè da trằng. Thật là vui hết sức vậy đó. Riêng hôm chủ nhật, sau xuất cà phê, chúng tôi theo chân ông Từ Hoè về nhà cụ Chánh tiên chỉ để tổ chức một bữa ăn ‘nhà quê’. Ông Từ Hoè bảo cả bọn : Suốt một tuần lễ tết, ngày nào chúng mình cũng linh đình cơm gà cá gỏi, ngày nào cũng giò chả, cũng thịt gà, cũng thịt heo thịt bò, cũng bánh chưng bánh tét… Ngấy qúa rồi. Mời các bác về nhà cụ tiên chỉ, hàn sĩ này xin làm một bữa ăn dân giả, hoàn toàn không có một chút gì liên hệ tới món tết cả. Ai cũng gật gù, cho là chí lý. Ông Từ Hoè này giỏi thật các cụ ạ. Ông đã tính từ trước. Từ khi ông về làng ngày cúng Ông Táo, ông được Cụ Chánh chủ nhà trao cho chìa khóa nhà bếp. Ông toàn quyền muốn nấu món gì tùy ý. Ông đã mua sẵn các thứ để làm bữa hôm nay. Các cụ đã đoán ra những món gì chưa ? Ông bảo đây là món ‘nhà quê’ Bắc Kỳ mà ông thích từ bé : Đó là món canh ray đay nấu với cua đồng, ăn với cà ghém. Đó là món rau muống luộc chung với ‘rau rút’ miền Nam gọi là ‘rau nhút’. Món này chấm với nước mắm chanh ớt, riêng ông thì ông sẽ chấm với nước mắm tôm chanh ớt. Và món tôm cõng muối ăn với dưa cải chua.
Phe chúng tôi liền xắn tay áo nhào vào bếp, người rửa rau, người nhặt tôm, vui vẻ qúa chừng. Phe chúng tôi vừa làm, vừa bàn các vấn đề quốc sự, như chúng ta có nên về VN cướp một cái tàu của VC ra khơi đánh chìm mấy cái tàu của thằng Tàu Cộng đang hỗn láo kia không. Hay phe ta có nên lén đốt cái toà đại sứ của bọn Tàu ở Hà Nội không, hay có nên đi phá nhà tù cứu nhạc sĩ Việt Khang không. Trong khi các đại sư chúng tôi say sưa bàn các viêc quốc sự quan trọng như vậy thì bỗng nhiên cửa mở toang ra, phe các bà ào vào. Cái gì thế này? Thì ra cái anh John xưa nay có thói quen sợ vợ đã mật báo cho vợ biết bữa cơm dã chiến của chúng tôi. Thế là Chị Ba Biên Hòa đã lái xe chở hết phe liền bà tới và đòi ăn cơm ‘nhà quê’ với chúng tôi. May mà thức ăn có đủ do tài của ông Từ Hoè.
Mời các cụ cùng xơi cơm với làng tôi. Các cụ có thấy cơm tám nàng Hương trộn canh rau đay ăn với cà ghém chấm mắm tôm ngon không cơ ? Cụ cần canh ư? Thưa mời cụ xơi món nước rau muống luộc chói chanh. Xin nói nhỏ với các cụ điều này : món nước luộc rau thì Chị Ba Biên Hòa không thích, người Nam có ăn nước luộc rau bao giờ đâu. Chị chơi thân với bọn Bắc Kỳ chúng tôi đã bao nhiêu năm mà chưa hề bao giờ chị dùng món này. Cụ thấy nước rau muống thoang thoang mùi rau rút, một mùi thơm hoang dã nhà quê, phải không cơ ?
Nhìn mâm cơm VN, anh John thích qúa, bèn thưa: Tôi thấy cụ nhạc sĩ Trần Văn Khê thật là chí lý khi nói rằng mâm cơm VN là mâm cơm toàn diện và dân chủ, hơn hẳn mâm cơm các nước khác. Này nha, nó toàn diện bởi nó làm đã con mắt với món ăn có đủ mầu, nó đã cái mũi vì hương thơm ngào ngạt, nó đã cái miệng với vị mặn ngọt chua cay. Nó dân chủ vì ai muốn ăn món gi trước hay sau cũng được, hoàn toàn tự do, chứ không như ăn theo lối tây, họ mang từng món ra, ăn hết món này rồi mới bầy mòn khác, ngài không thích thì ngài rán chịu, hãy ngồi chờ. Rồi đến món tráng miệng của ông Từ Hoè mới hay qúa chứ. Ông Từ Hoè thổi cơm bằng nồi gang, ông cố tình cho lửa lớn vào phút chót nên cuối cùng, đáy nồi là một mảng cháy lớn. Các cụ còn nhớ cháy nồi cơm không, chao ơi nó ngon thần sầu, nó khơi dậy trong lòng mọi người những hình ảnh ngày xưa thơ ấu. Ăn xong cơm mà được ăn thêm một miếng cháy nữa thì chao ơi, bữa ăn trên thiên đàng cũng chỉ ngon như thế này là cùng. Ăn cháy, cụ phải ăn thong thả thì mới cảm thấy hết được các vị thơm ngon của miếng cơm đã cháy vàng.
Ăn cháy xong thì đến phần uống trà. Bữa nay không có trà tàu nha, vì bữa cơm theo lối nhà quê ngày xưa mà. Ông Từ Hoè đã lo liệu hết. Ông cho mọi người uống nước trà lá, đây là lá trà tươi do người bạn trồng được trà bên Mỹ gửi sang tết ông.
Ăn uống thỏa thuê xong thì đến phần văn nghệ. Cô Cao Xuân mới lên tiếng hỏi thần tượng Từ Hoè : Em chỉ biết bác là dân Bắc Kỳ nhưng không biết đích xác sinh quán. Bác có thể cho chúng em biết bác sinh ra ở miền nào không cơ? Thấy ông Từ Hoè lắc đầu thì ông ODP nhảy vào ngay. Chúng ta đã coi nhau như anh em ruột thì xin Bác Từ Hoè đừng giấu hai cô em này làm chi. Nếu bác ngại nói về mình thì Bác để tôi trả lời thay bác nha. Và không để ông Từ Hoè cho ý kiến, ông ODP nói ngay : hai chúng tôi quen nhau từ bé, nên tôi biết rất rõ về bác Từ Hoè này. Quê bác ở tỉnh Bắc Ninh. Nghe tới tên Bắc Ninh thì cả làng ồ lên một tiếng lớn. Ông ODP nói tiếp : Bắc Ninh ở phía bắc Hà Nội chừng 30 cây số. Đây là đất văn học của miền Bắc, cho nên chúng ta thấy bác Từ Hoè thông thái và văn chương chữ nghiã đầy mình là thế. Đây là đất xuất phát ngành hát quan họ, đất của sông Cầu, sông Tiêu Tương với tiếng sáo Trương Chi, đất của Chùa Lim, Chúa Dâu, Chùa Trăm Gian, đền Thánh Gióng, đất hai Bà Trưng khởi nghĩa. Bác sinh ra trong Vùng Quan Họ là quê hương của Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Cao bá Quát, của thân mẩu thi hào Nguyễn Du. Ông Từ hoè nghe một danh sách dài như vậy thì cho là qúa đủ bèn giơ tay xin ngừng. Ông bảo ông có số đỏ được hưởng đôi chút hương thơm của tiền nhân mà thôi. Hai Cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân thì vái ông Từ Hoè lia lịa : Sợ bác quá !
Bà cụ B.95 để cho dân làng nói chuyện chữ nghĩa một chập rồi cụ mới quay ra hỏi anh John là thần tượng của cụ : Mấy tháng trước trong một bữa họp làng anh bảo khi anh học tiếng Việt thì thấy cái mặt người VN toàn chữ M như mắt má mũi miệng… Nay anh còn thấy chỗ nào có chữ M như vậy nữa không?
Anh John gãi đầu gãi tai một lúc, chắc để moi móc trí nhớ, rồi anh thưa: Cháu không thấy chữ M ở chỗ khác, nhưng cháu thấy đàn ông VN có rất nhiều chữ ĂN. Các sinh hoạt của người con trai VN liên hệ rất nhiều tới tiếng ĂN, nhiều lắm, cháu xin kể sơ sơ thôi nha: Còn bé thì ăn học, xin tiền mẹ ăn bánh không được thì ăn vạ, lớn lên thì ăn chơi, ăn diện, nếu ăn nói bậy bạ thì bị ăn roi, ăn bạt tai. Lớn lên đến tuổi trưởng thành thì ăn cưới, ăn đời ở kiếp với vợ. Ban đầu thì ăn 3 thứ bánh : bánh hỏi, bánh cưới, rồi bánh khoái. Vợ có bầu thì ăn kiêng, không kiêng được thì ăn lén, hay ăn bánh trả tiền, Vợ bắt được ăn lén thì ăn bánh đập. ăn gậy, có nước phải đi ăn mày…
Phe các bà nghe đến đây thì hỏi ngay : Thế phe nữ chúng tôi thì có ‘ăn’ nhiều như vậy không? Anh John cười rồi đáp : Phe nữ thì không ăn nhiều, mà LÀM rất nhiều. Này nha : khi còn bé thì giúp mẹ làm bếp, làm rau làm cá làm dưa, lớn lên đến tuổi cập kê thì làm nũng, làm dáng, làm điệu, làm khổ đàn ông, làm lơ, rồi làm đẹp, làm đầu, làm tóc, làm lông mi, làm móng tay. Rồi tiến lên làm dâu, làm vợ, làm mẹ, rồi làm bà, làm bà nội làm bà ngoại…
Bà cụ B.95 nghe đến đây xong thì nói với anh John : Sao mấy chữ Ăn và Làm của Anh hiền qúa, ít tiếng cười qúa. Ngày tết ai cũng chúc làng ta đầy tiếng cười cơ mà. Được lời này như mở cõi lòng, anh H.O. nhảy vào ngay để tiếp sức cho anh John. Anh nói : Nhân nghe nói tới chữ Làm, chữ này nhắc cháu tới chữ L. Chữ L này đẻ ra nhiều chuyện cười lắm. Cháu chỉ xin kể sơ sơ hai chuyện thôi nha. Chuyện thứ nhất xảy ra trước 1975, thời Miền Nam có quốc hội. Hồi đó có 2 chủ tịch rất lâu đời. Ban đầu là Cụ Nguyễn Bá Lương, sau đó là Cụ Nguyễn Bá Cẩn. Thấy Cụ Bá Luơng rồi đến cụ Bá Cẩn, quốc hội VNCH chả có gì thay đổi, ông ký giả nổi tiếng VIP KK, tức luật sư Nguyễn Văn Chức, nói một câu để đời trên báo Sóng của Chu Tử . Ông bảo ‘ BL cũng y như BC, chả khác gì nhau cả’. Những kẻ có máu tốt thì coi câu này bình thường, nhưng kẻ có máu xấu thì BL với BC gợi ra nhiều thứ lắm, cười vỡ bụng luôn. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn cười. Cái Cụ VIP KK này tếu thâm thúy hết sức vậy đó.
Từ chữ L có nghĩa xấu này mới dẫn tới chuyện thứ hai, xảy ra sau 1975. Số là có một bà xồn xồn không biết do ăn uống làm sao mà oẹ ra máu, nôn ra máu. Anh cán bộ y tế ở xã không biết chữa làm sao nên chuyển bà ra sở y tế huyện. Trên phiếu chuyển anh y tá xã định ghi là ‘nôn ra máu’, nhưng vì anh ít học, xưa nay thường lẫn lộn chữ L với chữ N, chữ này viết ra chữ kia. Trên phiếu gửi, anh ghi bệnh nhân ‘ lôn ra máu’. Khi tới huyện, quan cán bộ huyện đọc lời trên phiếu bèn nói tướng lên : cái anh y tá xã này vô học, có mỗi dấu huyền với dấu sắc mà cũng quên. Nói xong anh lấy bút đánh dấu huyền vào chữ thứ nhất rồi chuyển bệnh nhân vào khu sản khoa!
Xin hết chuyện chữ L.
Cà làng nghe đến đây thì cười bò ra hết, ai cũng thương hại cái bà xồn xồn. Ông ODP kể thêm : Nó giống y như chuyện khi tôi mới đi tù cải tạo. Ngày đầu tiên, quan quản giáo bảo tù nhân: Tên tôi nà Nuân, chữ en nờ cao , các anh phải lói cho đúng.
Anh John biết cụ B.95 không thích những chuyện dính tới VC, bèn xua đuổi cái không khí VC bằng một chuyện khác. Anh kể rằng vừa rồi tình cờ anh đọc được bài thơ của GS Nguyễn Văn Cổn tặng GS Trần Văn Khê. Các bạn biết GS Cổn là ai không? Thưa, GS Cổn là bạn học với GS Hoàng Xuân Hãn, là người đã chứng minh rằng chữ quốc ngữ không phải do Alexandre de Rhôdes sáng chế, mà do nhà truyền giáo gốc Bồ Đào Nha tên là Gaspar de Amaral tìm ra. Ông Alexandre de Rhodes chỉ là người có công thâu thập tài liệu và hệ thống hóa chữ quốc ngữ mà thôi. GS Khê kể rằng hồi năm 1954, GS Cổn vì mến tài GS Khê nên đã tặng GS Khê một bài thơ mang tên là ‘ Nàng Nhạc’. Bài thơ khá hay nhưng tôi thích nhất hai câu lục bát cuối cùng này :
… Đêm nay em đến với mình
So giây nắn phím, tang tình tình tang
Đọc xong 2 câu này rồi anh John cười hê hê. Nghe tiếng hê hê thì chúng tôi biết có gì liên hệ tới dê xồm đây. Qủa đúng như vậy. Anh John nói : Đọc cả bài thơ thì những người có máu tốt đều cho là hay vì thơ muốn nói tới hồn nhạc đang đến với nhạc sĩ, còn tôi đây, chẳng may nhiều máu xấu thì tôi thấy nó khêu gợi qúa. Các bạn thử đọc lại 2 câu tôi vừa trích dẫn mà coi : Eo ơi, đúng là màn tình trai tài gái sắc yêu nhau, chứ còn gì nữa!
Cả làng bò ra cười. Qủa đúng vậy, ý về làm nhạc thì ít, mà ý về hành động yêu đương thì nhiều, nhiều qúa, so giây nắn phím… ấn tượng qúa.
Chị Ba nghe xong thì liếc mắt nhìn anh John, như gửi một thông điệp là ‘đủ rồi, hãy ngưng lại’. Anh John liền chuyển đề ngay.
Anh để cho phe các ông đập bàn đập ghế, phe các bà đấm nhau thùm thụp xong thì xin thay đổi không khí. Anh xin nóí một chuyện trong sạch trong một câu đố :
Trên đới có 2 điều khó đạt, đó là : gieo ý nghĩ của mình vào đầu người khác, và bỏ tiền người khác vào túi mình. Người đạt được điều 1 là các thày giáo. Người đạt được điều 2 là các nhà buôn . Đố các bạn biết, trên đời này ai đạt được cả 2 điều một lúc? Dân làng suy nghĩ một chập rồi có mấy câu trả lời : Đó là mấy người trong hội từ thiện đi quyên cúng. Đó là ông sư đi gây quỹ xây chùa. Đó là ông cha đi gây quỹ xây nhà thờ. Anh John đều lắc đầu. Cuối cùng thì mọi người tuyên bố chịu. Anh bèn cười rồi đáp : Đó là các bà vợ ! Bà vợ nào cũng đạt được cả hai điều, các cụ có thấy đúng không cơ?
Chị Ba Biên Hòa là người mau trí biết ngay là phe liền ông đang chuyển sang đề tài về đàn bà, đề tài các ông ưa mang ra diễu nhất, nên chị ra tay ngăn ngay. Chị bảo năm nay là năm rắn sao chưa thấy ai nói chuyện rắn ?
Bồ chữ Từ Hoè liền nhảy vào ngay, chắc để làm vui lòng Chị Ba. Ông xin kể chuyện con rắn trong Kinh Thánh. Rằng thuở ban đầu Chúa dựng nên vườn địa đàng với anh Adam và vợ là Eva, cùng muôn loài tạo vật. Chúa cho anh chị Adam làm chủ vườn địa đàng. Lúc đó anh chị và loài vật đều nói chung một thứ tiếng. Một hôm kia chị Eva đi dạo gần cây táo thì gặp một con rắn. Con này liền chào hỏi rồi nói rằng : Chị xinh đẹp như vậy nếu ăn trái táo trên cây này thì chị sẽ còn đẹp hơn nữa và sẽ thông biết hết mọi sự. Nghe bùi tai nàng liền hái một trái táo ăn. Ăn xong nàng hái thêm một trái táo đem về cho chồng.. Anh Adam ăn xong miếng thứ nhất thì chợt nhớ là Chúa đã cấm không được ăn trái này. Chúa đã dặn là anh chị có thể ăn mọi thứ trái trong vườn, trừ trái táo này vì nó là trái biết lành biết dữ. Nhưng đã lỡ mất rồi. Anh mắc nghẹn miếng táo ở cổ. Tự nhiên anh và chị thấy mình trần trụi và biết xấu hổ. Chúa đến thăm thì hai anh chị trốn vào bụi cây. Anh đổ tội cho Eva đã cám dỗ. Chị đổ tội cho con rắn đã cám dỗ. Vì anh chị không vâng lời Chúa nên bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng , phải vào cõi trần gian cực khổ này, và con rắn bị hình phạt suốt đời bò dưới đất. Từ đó loài người ai cũng oán con rắn vì bởi nó mà ta phải ở trần gian đau khổ này.
Bên trời tây, do ảnh hưởng của sách Kinh Thánh nên dân da trắng đều ghét con rắn. Họ coi con rắn là con vật xấu và là biểu hiệu của sự dữ. Việc này khác hẳn với quan niệm về rắn ở phương đông chúng ta.
Trong văn học sử VN có hai chuyện nổi bật về rắn. Chuyên thứ nhất kể về thần đồng Lê Quý Đôn ( 1726-1784). Ngay khi còn bé ông đã nổi tiếng thông minh. Một hôm có người bạn của bố đến chơi. Ông này muốn thử tài thần đồng nên bảo cậu bé hãy làm một bài thơ bát cú trong dó mỗi câu phải có tên một con rắn. Thần đồng nghĩ một chút rồi ứng khẩu đọc ngay :
Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt dăm ba
Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
Qủa là tuyệt bút vì câu nào cũng có tên một con rắn. Ngày xưa bài thơ này được chép trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bậc tiểu học lớp sơ đẳng, học sinh nào cũng phải học thuộc.
Chuyện rắn thứ hai liên hệ tới quan đại thần Nguyễn Trãi ( 1380-1442 ). Khi về già Cụ Nguyễn Trãi mới gặp Thị Lộ, nguời bán chiếu mà văn tài hiếm có. Cụ lấy bà làm thiếp. Rồi về hưu. Rồi Vua Lê Thái Tôn con vua Lê Lợi đi duyệt binh ở Chí Linh có ghé thăm cụ. Vua thấy Thị Lộ đẹp qúa bèn vời đến hầu. Đêm đó không biết Thị Lộ hầu làm sao mà vua băng. Triều đình luận tội giết vua nên ra án chu di tam tộc cả nhà Cụ Nguyễn Trãi. Sách chép rằng đây là việc rắn báo thù, vì trước đó, một buổi chiều các gia nhân trình cụ là ngày hôm sau họ sẽ dẹp vườn cỏ quanh nhà. Đêm đó cụ ngủ nằm mơ thấy một người đẹp mang bầu hiện ra xin cụ ra lệnh cho gia nhân khoan dẹp vườn cỏ, chờ nàng đẻ xong và tìm được một nơi an toàn khác. Cụ ngủ thiếp đi, và sáng hôm sau cụ dậy trễ thì gia nhân trình rằng đã dọn xong vườn cỏ . Họ bá cáo đã phá được một ổ rắn lớn. Hóa ra đây là rắn thần, nó đã cầu cứu trong giấc mộng.
Rồi ông Từ Hoè kết : Xin hết 2 chuyện có thực trong sử và văn học VN. Hiện nay thì tôi chỉ thấy có một việc liên hệ tới rắn là VC đang cõng rắn cắn gà nhà. Bây giờ ở quê hương, ai phê bình việc cõng rắn, ai chửi con rắn, tất cả phải vào tù ngay.
Đang lúc làng tôi vui vẻ ngày tết như vậy thì có tiếng chuông cửa. Chủ nhà ra mở thì Chúa ơi, chúng tôi có người khách qúy đến thăm bất ngờ. Đó là Cha Paolo, người bạn thân thiết của cả làng. Ông cha già Canada gốc Ý này đáng yêu vô cùng. Ông biết bây giờ đang là mùa tết VN nên trên đường đi thăm bệnh nhân ông xin ghé ngang để chúc tết. Cụ Chánh liền nháy mắt ông Từ Hoè. Ông này hiểu ý liền chạy vào nhà bếp rồi chạy ra bá cáo : Mọi năm khi cha đến thì chúng con mời Cha ăm cơm tết , nhưng hôm nay bữa ăn đã xong rồi, con xin phép gói biếu Cha một đặc sản tết để tối nay cha hâm nóng làm bữa ăn tối nha. Cha Paolo gật đầu cám ơn và hỏi thêm : Có phải ông gói cho tôi bánh chưng không ? Ông cha già này biết rõ chúng tôi như vậy đó các cụ ạ.
Và nước trà tươi được đem ra. Lần đầu tiên ông được nếm mùi trà tươi kiểu VN thì thích lắm. Và chúng tôi tiếp tục nói chuyện. Chúng tôi hỏi ông đủ thứ liên quan tới nhà thờ, tới giáo xứ, tới công tác thăm viếng bệnh nhân hàng ngày của ông. Ông Từ Hoè tỏ ra sung sướng nhất vì lâu lắm mới được gặp người bạn già thân yêu này. Chính ông Từ Hoè và gia đình cụ Chánh đã được nhà thờ Cha Paolo đứng ra bảo trợ từ trại tỵ nạn ĐNA và giúp định cư ở Toronto hồi năm 1980. Ông Từ Hoè nói với Cha Paolo : Con sắp về miền tây, xin Cha cho con một lời khuyên để làm hành trang mang về . Cha Paolo nói ngay :
Tôi mới nói như thế này trong bài giảng chủ nhật vừa qua tại nhà thờ. Trong bài Phúc Âm, Chúa dạy chúng ta đừng xét đoán anh em mình theo bề ngoài, bởi vì
- có những người ăn mặc sang trọng phú qúy mà tâm hồn rất hèn hạ nghèo nàn
- có những người nói năng lưu loát ngọt nào nhưng tâm hồn độc ác và rỗng tuếch
- có những người cho mình là đạo đức thánh thiện nhưng thực ra là người rất xấu xa tội lỗi.
Nói đến đây xong, Cha Paolo nhìn cả làng rồi vừa cười vừa thưa : Xin hết bài giảng. Nhân dịp lễ Tết VN, tôi và giáo xứ xin kính chúc các ông bà một năm mới mọi phước lành, nhất là không bao giờ kết án một ai theo vẻ bên ngoài. Dân làng đều vỗ tay nồng nhiệt và đến bắt tay ông rất chặt vì cha nói đúng qúa. Trước khi ra về, ông cha còn nói thêm câu này : Ở Canada ai cũng thừa ăn, thừa mặc, thừa thuốc men, nhưng thiếu 2 thứ này : Thiếu đi bộ và thiếu tiếng cười. Xin kính chúc năm mới ai cũng di bộ nhiều và cười nhiều.
Tôi xin chuyển lời chúc này của Cha Paolo tới tất cả các cụ trên thế giới.