Có những bản tin mà bạn đọc thấy vô duyên, không cần thiết cho đời sống của mình và vì mình cũng không có nhu cầu quan tâm, thì đó chính là loại “tin chó chết!”
(Hình minh họa: RFA)
Theo danh từ báo chí “tin chó chết” là loại tin vô giá trị, quá nhỏ, không nên có trong một trang báo. “Tin chó chết” cũng thường được gọi là tin “xe cán chó…” là loại tin không ai cần biết, không làm ai quan tâm và nó cũng không ảnh hưởng đến ai. Các cơ quan báo chí truyền thông thường quảng cáo là mình có tin tức được cập nhật mới và nhanh nhất trong ngày về quốc tế, quốc nội trong các địa hạt pháp luật, xã hội, đời sống, chính trị, kinh doanh, kinh tế, công nghệ thông tin, game, giới trẻ, văn hóa, giáo dục, thể thao…
Loại tin lớn như Tổng Thống John F. Kennedy bị ám sát hay quân đội đảo chánh ở Thái Lan, nhưng cũng có những loại tin vặt vãnh như sở cứu hỏa vừa cứu một con chó rơi xuống giếng sâu, hay một em bé vừa nuốt phải một cây đinh nhỏ phải đưa vào bệnh viện. Tin lớn vì có liên quan đến vận mạng của một quốc gia, tin nhỏ nhưng người ta quan tâm vì thương yêu súc vật hay học hỏi kinh nghiệm trong việc chăm sóc con cái.
Về những khuôn mặt công cộng như nhân vật chính trị, tài tử sân khấu và điện ảnh, ca sĩ, thể tháo gia thì được các ký giả theo dõi, có khi rình mò, xâm nhậm vào nơi riêng tư để nghe lén, quay phim chụp hình để có những bản tin hấp dẫn cho những người hâm mộ họ. Nguồn tin một cô ca sĩ có bồ mới hay một tài tử có cái răng sâu cũng có thể trở thành một bài báo nhiều người tranh nhau đọc. Trong cái thế giới các “fans” có thể cúi xuống đế hôn mặt ghế mà thần tượng họ vừa nhấc đít bỏ đi, hay vật vã chen nhau ở phi trường ôm nhau khóc để đón một ca sĩ thời thượng Yesung hay nhóm Super Junior, thì loại tin xẩy ra chung quang “sao” rất được nhóm độc giả đặc biệt này quan tâm theo dõi!
Những tờ báo đăng loại tin này được xếp hạng là “báo lá cải!” (feuille de chou).
Nên hiểu lá cải ở đây là những tờ báo giật gân câu khách, có nghiệp vụ thấp kém, đưa tin không có nguồn đáng tin cậy, bất chấp các giá trị đạo đức nhằm mục tiêu gây sự chú ý của một số đông người, số phát hành rất lớn và lẽ cố nhiên là những tờ báo giàu. Những tờ lá cải nổi tiếng ở Anh Quốc có thể kể đến Daily Mail, Daily Express, rất giật gân, không thiếu cảnh hở hang trên trang báo. Độc giả của những tờ báo loại này không ít, Bild, tờ báo lá cải ở Đức có số lượng phát hành hơn 4 triệu bản mỗi ngày.
Có người cho rằng ở Việt Nam không hề có báo lá cải vì tất cả các cơ quan báo chí đều do nhà nước quản lý, dưới sự chỉ đạo của đảng, nhằm thông tin và tuyên truyền chứ không phải nhằm mục đích kiếm lợi nhuận, nhưng ở Việt Nam có một số tờ báo lá cải chạy theo những thị hiếu thấp kém của quần chúng, đăng những tin tức rẻ tiền. Gộp lại chúng ta có thể kết luận, trên báo lá cải, thường có loại tin chó chết!
Sau khi chiếm miền Nam, Bộ Công An CS đã phát hành những tờ báo Công An Nhân Dân ở Saigon, Hà Nội và ở nhiều địa phương. Đây là tờ báo bán chạy nhất, không những được bày trên sạp báo, mà còn được đưa vào tận các hóc hẻm của khu phố, ở bến xe, được dân lao động tranh đọc, lẽ cố nhiên là số bán bỏ xa những tờ báo chính thống của đảng như tờ Nhân Dân. Báo Công An Nhân Dân nhắm vào thị hiếu của đa số quần chúng, chuyên đăng những tin giật gân như giết ngươi, trộm cắp, hiếp dâm, lường gạt tình- tiền, ly dị, đánh ghen… là những nguồn tin trong địa hạt do công an phụ trách, điều tra, va chạm hằng ngày mà không cần phải có một hệ thống phóng viên đi lượm tin.
Đây là một tờ báo lá cải đúng nghĩa nhất hiện có ở Việt Nam.
Có những bản tin mà bạn đọc thấy vô duyên, không cần thiết cho đời sống của mình và vì mình cũng không có nhu cầu quan tâm, thì đó chính là loại “tin chó chết!”
Ngày nay, loại tin này đầy dẫy trên báo chí Việt Nam. Câu chuyện Việt Nam tham gia trận bóng Á Châu là chuyện “lớn” theo thị hiếu của dân Việt Nam, nhưng nguồn tin “Bố Mẹ đón Quang Hải về nhà bằng nồi.. lẩu bò” thì quả là quá đáng! Bản tin “Khả Ngân nấu món bánh mì xíu mại đã khách ngày Tết” cũng thuộc loại tin tương tự.
-“Ốc Thanh Vân xúc động khi Mai Phương lái xe đến chúc Tết.”
– “Hoàng Yến Chibi vào bếp nấu canh rau củ.”
– “Em chồng Tăng Thanh Hà học gói bánh Tét.” Chuyện Tăng Thanh Hà gói bánh Tét đã là câu chuyện nhảm, em chồng TTH học gói bánh thì có gì quan trọng?
Những câu chuyện về các “sao” khoe của, báo lá cải nước ngoài có lẽ cần theo gót Việt Nam:
-” Phan Thị Mơ được bạn trai tặng nhẫn 5.5 tỷ đồng.”
– “Hồng Dung đi giày Gucci nghìn đô la.”
– “Dung Mạnh, Tiến Minh mặc sơ mi của Than Browne.”
– “Á Hậu Huyền Mi khoe em trai cao 1m74.”
Đúng là xã hội này hết chuyện khoe!
Một chuyện cần nói thêm là hiện nay ở Việt Nam, trong khi hàng chục nghìn thiếu nữ vì nghèo đói, phải chịu ép thân lấy chồng Đài Loan, Trung Quốc là chuyện khá phổ biến, nhưng bị quên lãng, có khi không được khai thác trên báo chí, thì chuyện con gái Việt lấy chồng ngoại quốc “tại chỗ” được xem như là “mốt” thời thượng, được báo chí tô son, vẽ phấn. Đây rõ ràng là niềm mơ ước của các thiếu nữ, cho nên cuộc hôn nhân nào giữa một trai “Tây” và gái Việt cũng được đưa vào loại tình sử của thiên niên kỷ, khiến ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Ngày xưa, chuyện “con gái lấy Tây” bị dư luận dè bỉu chừng nào thì ngày chúng lại được tôn vinh, ca ngợi từng ấy. Chúng ta thử đọc qua vài bản tin trên báo Việt Nam hôm nay:
– “Á Hậu Ảnh 2006 Hoàng Oanh yêu bạn trai Tây,” – “được bạn trai ôm vào lòng đầy tình cảm!”
– “Tình yêu của thầy giáo Đức thay đổi cuộc cô giúp việc Sài Gòn.”
– “Anh kỹ sư Canada sụt 20kg vì yêu cô giáo Việt.”
– “Chàng trai Na Uy phải lòng người mẹ đơn thân qua tiếng ru ầu ơ.”
“Dân nào chính phủ nấy!” thì chúng ta cũng có thể nói, “độc giả nào thì báo nấy!” Nếu không thì còn ai đọc báo công an, ai hân hạnh biết được tin cô em chồng người mẫu nào đó học cách gói bánh Tét, em trai á hậu này cao một thước bảy, á hậu nọ được bồ Tây ôm vào lòng? Phải nói đây là những bản tin rẻ tiền, được xếp loại “chó chết!”
Trước hết báo chí trong chế độ này rõ ràng không tôn trọng và coi thường kiến thức của độc giả, hay cũng có một loại độc giả thấp kép luôn tin theo những gì báo chí đăng tải. Bản tin thời thơ ấu của bí thư Nguyễn Phú Trọng nhà nghèo, hiếu học, phải bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng thay đèn, học thành tài, làm đến chức Tổng Bí Thư, được đăng trùng lặp trên nhiều tờ báo lớn là một ví dụ.
Những bản tin được dàn dựng, nửa đêm giao thừa, tổng bí thư xuất hành đi chúc Tết công nhân hốt rác, trao phong bì cho một nhân vật, mà nhân vật này, mới hôm qua đã đóng vai nạn nhân bị mất tiền, được công an trao lại. Điều này chứng tỏ, giới truyền thông hôm nay rất vụng về, thiếu kiến thức và không có khả năng nghề nghiệp, chỉ có một mục đích là dùng nghề nghiệp để tâng bốc cấp trên, tìm đường thăng tiến. Đây là một nền báo chí bệnh hoạn, hoang tưởng, đi dưới sự soi đường của một chính sách ngu dân!
Người ta thường nói “chó chết, hết chuyện.” Ở đây hoặc là chó chưa chết, hoặc là chó chết rồi mà chuyện vẫn còn! (Huy Phương)