Núi Lam-Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc.
Lời Tòa Soạn.- Giữa tình thế có thể gọi là nguy nan của đất nước, khi chính quyền cộng sản Việt Nam có âm mưu rõ ràng đang âm mưu dâng đất cho Trung Cộng vào xâm chiếm nước ta, làm dấy lên phong trào phản kháng muôn người như một của dân chúng, đây là lúc chúng ta cần đọc lại bài Bình Ngô Đại Cáo của tổ tiên chúng ta vọng lại từ thế kỷ thứ 15. Năm thế kỷ trước đây nhân lúc nhà Hồ soán ngôi nhà Trần gây suy yếu cho đất nước, quân Tàu mở cuộc xâm lăng Việt Nam với một chính sách vô cùng bạo ngược nhằm đồng hóa dân tộc Việt Nam. Hãy nghe Nguyễn Trãi mô tả tình hình lúc đó để mà so sánh với đất nước ngày nay, bên cạnh quân xâm lăng cũng có một “bọn gian tà bán nước cầu vinh” : “Vì họ Hồ chính sự phiền hà/ để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khoa-liễm vét không sơn trạch.” Chính bọn gian tà thời nay của Việt Nam đã dắt díu nhau sang Tàu để thỏa thuận những gì trong hội nghị Thành Đô, mà dần dần, từng bước một, từng mảng đất đai, biển cả của tổ tiên Việt Nam đang bị người Tàu chiếm đoạt. Người dân biểu tình phản đối thì bọn đầu sỏ cũng chỉ biết cho chạy lại cái đĩa tuyên truyền cũ kỹ đã mấy mươi năm : do thế lực thù địch xúi dục. Lời lẽ của Nguyễn Trãi từ sáu trăm năm trước cứ như là đang diễn giải tình thế hiện nay : “Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người ; tham công một thời, chẳng bõ bầy trò dở duốc.” Cho nên chúng ta cần phải đọc lại BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO như là một bài học thiên cổ cho dân Việt Nam trước đã tâm xâm chiếm Việt Nam của Tàu có sự phụ giúp của “bọn gian tà”. Bài Bình Ngô Đại Cáo cùng lời giới thiệu và bình giải dưới đây chúng tôi mạn phép trích lại từ quyển 1 của bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Giáo sư Phạm Thế Ngũ, do Quốc Học Tùng Thư xuất bản lần đầu năm 1961 tại Sài Gòn. DĐTK
Bình Ngô Đại Cáo
Nguyễn Trãi
Tác giả Nguyễn Trãi (1380- 1442) đậu Thái Học sinh đời Hồ. Thân phụ là Nguyễn Phi Khanh đậu Bảng nhỡn đời nhà Trần. Sau cả hai cha con cùng làm quan trong triều đình nhà Hồ. Năm nhà Minh xua quân sang đánh Hồ (1406) thì Nguyễn Trãi mới 26 tuổi. Thế địch cường lăng, người trong nước lại chia rẽ, nên trong vòng mấy tháng, cuộc chống đỡ của họ Hồ sụp đổ, đất nước tràn ngập dưới gót giặc xâm lăng. Quân Minh muốn thanh toán những phần tử có danh vọng trong nước mà lại không tán thành sự hợp tác với chúng, nên bắt Nguyễn Phi Khanh đem về Kim Lăng. Nguyễn Trãi theo cha lên đến cửa Nam Quan xụt xùi không dứt. Cha bảo : “Con phải trở về nhà mà lo trả thù cho cha rửa thẹn cho nước chứ đi theo khóc lóc mà làm gì ?” Ông bèn quay về nung chí báo phục. Sau nghe tin có Lê Lợi nổi lên ở Thanh Hóa, tìm vào yết kiến, dâng bài sách bình Ngô, được Lê thu dụng, từ đó ở liền dưới trướng dự việc cơ mưu, và dòng dã 10 năm trong quân, ông đóng vai mưu sĩ, đồng thời đảm nhiệm tất cả công việc từ hàn, thảo mệnh lệnh cùng văn thư giao thiệp với quân Minh. Mười năm qua, cuộc kháng Minh cáo thành. Tháng chạp năm Đinh vị (1428), đạo quân cuối cùng của Vương Thông triệt thối về Tàu. Bình định Vương thiết đàn đại tế Trời đất và ủy cho Nguyễn Trãi viết một bài bố cáo thiên hạ về công cuộc đánh giặc cứu nước của ông. Bài “Bình Ngô đại cáo” ấy do Nguyễn Trãi làm, dịch ra Việt văn như sau (bản dịch trong sách Quốc văn cụ thể của Bùi Kỷ) :
1. Ôn lại lịch sử tiền triều
« Tượng mảng :
Việc nhân-nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý Trần gầy nên độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.
Vậy nên :
Lưu Cung sợ uy mất vía, Triệu Tiết nghe tiếng giật mình (1). Cửa Hàm tử giết tươi Toa Đô, sông Bạch đằng bắt sống Ô Mã (2). Xét xem cổ tích đã có minh trưng.” (3)
2.- Kể tội ác của giặc Minh
“Vừa rồi :
Vì họ Hồ chính sự phiền hà/ để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh đã thừa cơ tứ ngược (4), bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khoa-liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay quan quả điên liên (5). Kẻ hả miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay trúc rừng không ghi hết tội, dơ bẩn thay nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.”
3. - Thuật lại công cuộc bình định
a) Một ý chí sắt đá :
“ Ta đây :
Núi Lam-Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc.
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy nắng mưa, nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh, ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.”
b) Bước đầu gian nan :
“ Lại ngặt vì :
Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy-ác hiếm người bàn bạc. Đôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông (6); mấy thủa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả (7) ; thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương (8) ; thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch (9). Phần thì giận hung đồ ngang dọc, phần thì lo quốc bộ khó khăn. Khi Linh sơn lương hết mấy tuần ; khi Khôi-huyện quân không một lữ. Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma, cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Thế giặc mạnh ta yếu mà ta địch nổi, quân giặc nhiều ta ít mà ta được luôn.”
c) Những chiến thắng liên tiếp :
1. Giai đoạn trước : Từ Chí Linh ra Đông Đô
“ Dọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường-bạo. Trận Bồ đằng sấm vang sét dậy, miền Trà-lân trúc phá tro bay. Sĩ khí đã hăng, quân Thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan, Phương Chính, Lý An tìm dường trốn tránh. Đánh Tây kinh phá tan thế giặc, lấy Đông đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh kiều máu chảy thành sông, bến Tụy động xác đầy ngoài nội. Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lương lại phơi thây. Vương Thông hết cấp lo lường, Mã Anh khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao ; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiều lẽ tới lui, ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người ; tham công một thời, chẳng bõ bầy trò dở duốc. Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức (10), nhàm võ không thôi ; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng, đem dầu chữa cháy.”
2. Giai đoạn sau : Hãm Đông đô phá viện binh
“Năm Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang, Mộc Thạnh từ Vân Nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm đề ngăn lối Bắc quân, ta lại sai tướng chẹn ngang để chẹn đường lương đạo. Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi Lăng, hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã Yên. Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong, hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn. Lưỡi dao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vi thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá. đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương giang, Bình than máu trôi đỏ nước. Gớm ghê thay ! Sắc phong vân cũng đổi. Thảm đạm thay ! Sáng nhật nguyệt phải mờ. Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật ; quân Mộc Thạnh tan chưng Cần Trạm, chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh câu nước sông rền rĩ, thành xương Đan xá cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy ; các thành cùng khấu, cổi giáp xuống đầu.”
d) Thái độ khoan hồng với bọn tướng Tàu bại trận :
“Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội ; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cổ ngựa, về đến Tàu còn đổ bồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục ; ta muốn toàn quân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.”
4. - Nhìn vào ngày mai rạng rỡ
“Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang-san từ đâv mở mặt, xã tắc từ đây vững nền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tông, khôn thiêng, che chở giúp đỡ cho nước ta vậy.
Than ôi !
Vẫy vùng một mảnh nhung y nên công đại định, phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh. Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết.”
* * *
Mục đích bài cáo này là để cắt nghĩa và thuật lại cùng toàn thể quốc dân một công cuộc do một người xướng lên và theo đuổi bấy lâu cho đến giờ đây nên công rực rỡ. Công cuộc ấy là đánh đuổi giặc Minh để lấy lại độc lập. Người xướng lên ấy là Bình định vương Lê- Lợi. Nguyễn Trãi đã từ cương vị của vương mà lên tiếng bá cáo thiên hạ.
Mở đầu ôn lại lịch sử tiền triều, xác định ý chí sống độc lập và oai hùng của dân tộc. Độc lập nghĩa là nhất định không chịu thân phận phụ dung, lệ thuộc. Và oai hùng cho nên kẻ nào phạm đến tất được biết tay. Kế đó kể tội ác của giặc Minh. Nhà Minh sao chẳng xem lịch sử mà học lấy bài học cũ. Cớ chi thừa cơ gây hấn, xua quân sang nước ta. Để rồi gây ra bao nhiêu tội ác dã man. Tác giả gợi lại bức tranh đen tối đầy máu lửa và nước mắt của gần 20 năm bị chiếm đóng. Khiến cho người dân - người dân nạn nhân trực tiếp của bàn tay sắt của quân thù - xem đến còn dùng mình, sởn óc, lo hãi, bàng hoàng. May thay giữa cảnh non sông ảm đạm, dân tộc tôi đòi ấy, một ý chí xuất hiện.
“Ta đây: núi Lam sơn dấy nghĩa...” Tất cả những uất-ức căm thù cùng mong muốn rửa hận của quốc dân đúc kết vào một người : Lê Lợi. Vương thổ lộ cho quốc dân hay lòng dạ của ông : “căm nỗi thế thù, sống chết diệt giặc, đau lòng nhức óc, quên ăn vì giận, trằn trọc lo toan.” Vương tiết lộ với quốc dân những bước đầu trơ trọi ngặt nghèo của cuộc chiến đấu : “thiếu kẻ đỡ đần, ít người bàn bạc, đăm đăm con mắt, đằng đẵng cỗ xe, Linh Sơn lương hết mấy tuần, Khôi Huyện quân không một lữ.” Song đối tất cả những trở lực, Vương đã đem ý chí sắt đá của mình để vượt lên : “cố gắng, bền gan, chấp hết cả nhất sinh thập tử.” Và rồi dần dà được quốc dân hưởng ứng kéo đến dưới cờ, khiến cho thế yếu chuyển mạnh. Cuộc chiến từ thế thủ đổi ra thế công.
Từ đây bước vào phần chính của bài cáo, người đọc bị lôi cuốn bởi một hơi thở hùng ca (souffle épique) vào một chuỗi chiến thắng lừng lẫy. Giai đoạn trước, từ Chí Linh ra Đông đô, các trận Bồ Đằng, Ninh Kiều, Tụy Động đưa đến Vương Thông phải xin hòa. Giai đoạn sau, hãm Đông đô, đánh viện binh, các trận Chi Lăng, Mã Yên Sơn, Lê Hoa, Cần Trạm đưa đến Vương Thông lại một lần nữa cầu hòa. Khi mạt sát nhục mạ quân địch : “Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan - nó đã trí cùng lực kiệt - đứa trẻ ranh như Tuyên Đức (tức vua nhà Minh) - đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng.” Khi biểu dương sức mạnh quân ta : “Sĩ tốt ra oai tỳ hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha - Gươm mài đá, đá núi cũng mòn ; voi uống nước, nước sông phải cạn - Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”. Khi phác họa bức tranh chiến trường với những nét bi hùng : “Lạng giang Lạng Sơn thây chất đầy đường - Xương giang, Bình Than máu trôi đỏ nước - Suối máu Lãnh câu nước sông rền rỉ, thành xương Đan xá cỏ nội đầm đìa”. Tác giả đã luôn luôn kích dương sự rung cảm, trí tưởng tượng người đọc. Và đối với người đọc là quốc dân đương thời tai mắt còn nóng hổi những cảm giác của thời cuộc thì đây quả là một bữa tiệc văn chiến thắng. Người ta phải hồi hộp say sưa sống lại từng trận, từng trận vinh quang. Để cuối cùng vươn lên một thái độ cao ngạo, khinh bỉ trước cái quang cảnh triệt thối của tàn quân địch “ra đến bể chưa thôi trống ngực, về đến Tàu còn đổ bồ hôi”.
Nhưng sau hết, cũng để trở về một thái độ quảng đại bình tĩnh hơn, mà lại thoáng điểm vẻ ngậm ngùi. Chữ than ôi ! trong phần kết đành rằng chỉ là một công thức tán thán, nhưng nó cũng hắt thở một chút bùi ngùi. Hạnh phúc nào chẳng vương vấn đau thương. Tiếng kèn thắng trận nào chẳng nổi lên giữa tàn phá với rên la. Bấy nhiêu chiến thắng lừng lẫy, song đã phải trả giá hằng bao nhiêu hy sinh ! Tác giả chẳng muốn gợi ra. Chỉ như một đám mây đen che phủ mặt nhật. Giờ đây nhật nguyệt hối mà lại minh. Ngày mai của dân tộc còn dài. Giang sơn đã sáng rạng. Tác giả mời toàn thề quốc dân hãy vui mừng đón hội vĩnh thanh.
Bài này Nguyễn Trãi đã nhân danh Bình Định Vương mà viết. Song ông cũng đã đặt trong, con ngưòi và tư tưởng của ông nhiều lắm. Tư tưởng của ông mà cũng là ý thức hệ xoay chiều của thời đại. Nhà Trần đã thắng quân Mông cổ nhờ ở ý chí của một lớp vương hầu quý tộc cùng gia tướng. Đến Lê Lợi xuất thân chỉ là một nông dân áo vải, Nguyễn Trãi nữa đích xác là kẻ sỹ nguồn gốc bình dân. Cha xưa đời Trần tuy đậu Bảng nhỡn song vì trót nặng lòng với đôi mắt của một công nương mà bị triều đình cấm đường hoạn lộ. Cuối đời Trần khí thế của lớp vương hầu suy vi rồi tắt lụi hẳn sau mấy cuộc thanh toán đẫm máu dưới tay Hồ Quý Li. Sự vùng dậy yếu ớt, thảm bại của mấy ông Hậu Trần là một chứng cớ. Họ Hồ thất chính, thất trận đưa dân nước vào họa dầu sôi, lửa cháy mà bơ vơ như “con không cha, nhà không nóc”. Công cuộc kháng chiến kéo dài là vì đòi hỏi sự kết hợp của một lực lượng lãnh đạo mới. Lê Lợi bên cạnh Nguyễn Trãi người nông dân trung lưu sát cánh với nho sỹ đó là hình ảnh của lực lượng mới. Còn chủ nghĩa của họ ? Cái gì đã thúc đẩy nâng đỡ ý chí họ ? Tất chẳng phải ý niệm về triều đình với tôn miếu, thái ấp, với bổng lộc, hay ân huệ của một quốc công, hứa hẹn của một chủ soái. Mà là cảnh tượng dân đen trên lửa, con đỏ dưới hầm, là tình máu mủ là nghĩa đồng bào, và trên nữa ý thức về một lịch sử oai hùng mà mình phải tiếp tục. Đó chính là cái chủ nghĩa về dân tộc, về quốc gia vậy. Chủ nghĩa ấy ở đây lại hiện ra dưới ánh sáng của tư tưởng triết lý nho gia bắt đầu vững mạnh : quan niệm “thánh nhân tham thiên địa tán hóa dục” (quân thù làm “bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn”) quan niệm vương sư “điếu dẫn phạt tội”, không bao giờ “độc vũ cùng binh”, quan niệm kính Trời, thờ tổ... tất cả đều là dấu vết của một ý thức hệ nho gia sẽ bắt rễ, nảy ngành phát triển cực độ vào đời Thịnh Lê.
Nguyễn Trãi đã đem gởi vào bài cáo, cùng với phần báo cáo chiến thắng, những tư tưởng ấy của lực lượng lãnh đạo, mà suy lại thì là của chính ông. Ồng chính là phần tử có ý thức của lực Iượng ấy. Mười năm bên cạnh Lê Lợi hoạch sách, vận trù, ông đã là một bên cánh tay, đúng ra một phần khối óc của Lê Lợi. Mười năm điều khiển tình hình, theo rõi chiến sự, để đi đến buổi khải toàn, đại cáo, ông phải, là người biết rõ hơn cả, “sống” hơn cả, rung động hơn cả với cuộc kháng chiến của dân tộc. Cho nên ông đã đem tất cả tâm hồn mà viết ra một bài cáo vừa có sự thật chính xác, mà tình cảm sôi nổi sức sống dạt dào.
Phạm Thế Ngũ
Chú thích :
1. Lưu Cung là vua nước Nam Hán. Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng (938) mở đường tự chủ cho nước ta. Triệu Tiết với Quách Quỳ chỉ huy quân Tống sang đánh nước ta về đời nhà Lý (1076) bị Lý Thường Kiệt đẩy lui.
2. Nhắc lại những trận chiến thắng giặc Nguyên đời nhà Trần. Ta giết được Toa Đô ở Hàm tử quan (1285) đuổi quân Nguyên về lần thứ nhất, và bắt sống được
Ô - Mã-Nhi ở sông Bạch Đằng (1287) đuổi quân Nguyên về lần thứ hai.
3. Chứng cớ rõ ràng.
4. Thừa cơ hội hết sức làm điều tàn ngược.
5. Quan : người không có vợ ; quả người góa chồng ; điên liên : những kẻ không nơi nương tựa. Đều là hạng người cùng khổ trong xã hội.
6. Muốn tiến về phía Đông, đây muốn lấy Đông Đô.
7. Cổ xe để trống không bên trái, ý nói để đợi nhân tài giúp rợp,
8. Trông ra biển không thấy gì.
9. Vớt người chết đuối.
10. Vua Tuyên Tông nhà Minh, niên hiệu Tuyên-Đức.