Tuần này, Tối Cáo Pháp Viện Liên Bang Hoa Kỳ bắt đầu xử 2 vụ kiện quan trọng liên quan đến hôn nhân đồng tính và quyền lợi của những người đồng tính khi sống chung với nhau.
Người Việt ghi lại cuộc trao đổi giữa tòa soạn với đặc phái viên Nguyễn Khanh hiện đang có mặt theo dõi phiên xử tại Washington D.C.
Người Việt (NV): Những điểm nào nổi bật trong 2 ngày sắp tới?
Nguyễn Văn Khanh (NVK): có 2 phiên tòa và cả 2 đều được cả nước Mỹ chú ý tới.
Phiên đầu tiên diễn ra vào sáng Thứ Ba, các vị thẩm phán Tòa Tối Cao đồng ý dành 60 phút đồng hồ để nghe lời trình bày của phe bênh vực và phe chống đối Proposition 8. Đây là luật đã được dân chúng tiểu bang California bỏ phiếu tán thành hồi 2008, trong đó quy định không chấp nhận hôn nhân đồng tính. Luật này sau đó bị tòa liên bang nói rằng vi hiến, bây giờ đưa lên Tối Cao Pháp Viện nhờ phân xử.
Sang ngày thứ Tư, Tòa Tối Cao dành tới 110 phút đồng hồ để nghe tranh cãi trong vụ kiện liên quan đến Luật Bảo Vệ Gia Đình (Defense of Marriage Act, gọi tắt là DOMA) được Tổng Thống Bill Clinton ký ban hành hồi 1996. Đại để luật này chỉ công nhận hôn nhân nam-nữ, không cho những người đồng tính được hưởng các quyền lợi như những cặp vợ chồng nam-nữ, chẳng hạn như không được hưởng quyền thừa kế gia tài, quyền được khai thuế chung, quyền được có bảo hiểm y tế v.v… Người đồng tính cho rằng luật này không công bằng vì hiến pháp quy định mọi người phải được đối xử như nhau, luật lệ của Hoa Kỳ cũng ghi rõ không được phân biệt giới tính.
NV: như vậy, có phải là các vị thẩm phán Tối Cáo Pháp Viện sẽ dựa vào hiến pháp để quyết định công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính không?
NVK: Không nhất thiết phải như thế. Các chuyên gia luật pháp Hoa Kỳ đưa ra rất nhiều dự đoán về kết quả phiên xử, và ít nhất có 4 dự đoán tôi thấy được nói tới nhiều nhất:
1- Chín vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có thể ra phán quyết công nhận quyết định của tòa dưới tức xác nhận Proposition 8 của California là vi hiến, nhưng vẫn dành quyền công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cho tiểu bang.
2- Các vị thẩm phán Tòa Tối Cao có thể đi xa hơn, ra phán quyết nói rằng vì Proposition 8 vi hiến, do đó California phải cho người đồng tính kết hôn, cấp giấy giá thú cho họ như những cặp vợ chồng nam-nữ khác.
3- Các vị thẩm phán Tòa Tối Cao cũng có thể đưa ra phán quyết nói rằng hiến pháp quy định mọi người đều được quyền bình đẳng, kể cả bình đẳng trong hôn nhân, tức công nhận hôn nhân đồng tính. Cũng có thể Tối Cao Pháp Viện sẽ định nghĩa hôn nhân không bắt buộc phải là sự kết hợp của một người nam và một người nữ.
4- Các vị thẩm phán cũng có thể nói rằng một mặt công nhận và có trách nhiệm bảo vệ quyền bình đẳng đã được ghi trong hiến pháp, nhưng đồng thời lại nói rằng một trong những nền tảng xây dựng quốc gia hoặc các tiểu bang chính là dân số. Do đó họ có thể vẫn dành cho tiểu bang quyền công nhận cho những cặp đồng tính chung sống với nhau, nhưng chữ “vợ chồng” vẫn chỉ được dành riêng cho đôi nam-nữ.
NV: proposition 8 là luật của tiểu bang California, liệu phán quyết của Tối Cao Pháp Viện liên quan đến luật của một tiểu bang có thể tạo ảnh hưởng ở tầm mức quốc gia không?
NVK: Câu trả lời là có, và chính điểm này khiến 2 phiên tòa trở thành sôi nổi hơn, được chú ý tới nhiều hơn.
Tháng Năm 2008, Tối Cao Pháp Viện California công nhận hôn nhân đồng tính, những người chống đối tìm cách bác bỏ phán quyết của Tòa Tối Cao Tiểu Bang bằng cách đưa vấn đề ra cho người dân bỏ phiếu. Kết quả đa số người dân California ủng hộ proposition 8, tức không công nhận hôn nhân đồng tính. Phe thua cuộc đưa vấn đề ra trước tòa liên bang để nhờ xét xử và phán quyết của tòa liên bang nói rõ “cử tri không thể dùng quyền của mình để tự có quyết định mang tính đối xử không công bằng đối với một tập thể khác, không cho tập thể đó được hưởng những quyền quan trọng như quyền được kết hôn mà không có lý do chính đáng về pháp lý”. Bất kể Tối Cao Pháp Viện Liên Bang đồng ý hay không đồng ý với lời lẽ của phán quyết của tòa dưới, quyết định của Tòa Tối Cao luôn luôn ảnh hưởng ở tầm mức quốc gia.
Một yếu tố khác nữa cũng đang được nói tới là đề nghị của chính phủ Obama được biết dưới tên “Giải Pháp Cho 8 Tiểu Bang” (Eight-State Solution). Hiện giờ nước Mỹ có 8 tiểu bang gồm Delaware, California, Hawaii, Illinois, Nevada, New Jersey, Oregon và Rhode Island không cho người đồng tính kết hôn (ban gay marriages) nhưng lại công nhận cho họ sống chung (O.K. with gay civil unions). Chính phủ Obama nói rằng những tiểu bang này vi hiến, dựa vào điều khoản quy định mọi người đều bình đẳng, và giải thích bình đẳng có nghĩa là “không được phân biệt đối xử với bất cứ ai, trong bất kỳ trường hợp nào”.
NV: Tại sao chính phủ Obama lại liên quan đến vụ xử này?
NVK: Luật Bảo Vệ Gia Đình được Tổng Thống Clinton ký ban hành hồi 1996, nhưng mới tháng trước trong bài báo đăng tải trên tờ The New York Times, ông Clinton cho rằng luật này không còn phù hợp nữa, nên bãi bỏ. Đó cũng là ý kiến của Tổng Thống Barack Obama, người công khai lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Hạ Viện Cộng Hòa bỏ ra nhiều triệu dollars để vận động duy trì luật Bảo Vệ Gia Đình”, phía hành pháp đưa đơn kiện trước tòa liên bang, nói rằng quyền bảo vệ một đạo luật là quyền của hành pháp chứ không phải quyền của lập pháp.
NV: Phía Thượng Viện thì sao?
NVK: Đến giờ đã có 2 vị Thượng Nghị Sĩ lên tiếng ủng hộ hôn nhân đồng tính, gồm ông Rob Portman của đảng Cộng Hòa và bà Claire McCaskill của đảng Dân Chủ.
NV: nộp đơn kiện trước Tối Cao Pháp Viện là bà Kristin Perry cho vụ kiện thứ nhất và bà Edith Windsor cho vụ kiện thứ nhì. Hai bà này là ai?
NVK: Bà Kristin Perry là người đang điều hành một tổ chức giáo dục, sống ở Berkeley, California với một người cùng giới tính tên là Sandy Stier, đang làm việc cho một cơ quan của chính phủ. Hai người muốn làm giá thú nhưng bị ngăn cản bởi proposition 8.
Bà Edith Windsor là một cựu nhân viên của hãng IBM, yêu một người phụ nữ tên Thea Spyer, sống chung với nhau từ năm 1967 cho đến ngày bà Spyer chết hồi 2009. Hai bà sang Canada làm giá thú, nhưng tờ giá thú này không có giá trị ở Mỹ vì luật Bảo Vệ Gia Đình không công nhận hôn nhân đồng tính, không cho những cặp đôi đồng tính được hưởng các quyền lợi dành cho cặp vợ chồng nam-nữ.
Khi bà Spyer chết đi, bà Windsor là người thừa hưởng tài sản và phải đóng hơn $363,000 tiền thuế. Nếu hôn nhân đồng tính được công nhận như hôn nhân nam-nữ, bà không phải đóng số tiền thuế này vì hưởng tài sản của người phối ngẫu (vợ hoặc chồng).
NV: Dân chúng Hoa Kỳ theo dõi các phiên xử này như thế nào?
NVK: phòng xử của Tối Cao Pháp Viện chỉ chưa được chừng 250 người, tứ thứ Năm tuần trước đã có người đứng xếp hàng đợi lấy vé vào dự phiên tòa. Hôm nay, thứ Hai 25 tháng Ba 2013, ở D.C. có tuyết, trời lạnh cóng, mà những người xếp hàng cũng không bỏ cuộc. Tổ chức Human Rights Campaign chuyên vận động quyền lợi cho người đồng tính thuê 2 người đứng xếp hàng để lấy vé, chi phí tốn 6,000 dollars.
Những người xếp hàng nói với báo chí là cả 2 phiên xử đều quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội nước Mỹ, đến nền tảng gia đình, có người còn nói quyết định của Tối Cao Pháp Viện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng đạo đức của quốc gia.
Trưa thứ Hai, báo chí được tin ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện John Roberts có một người em họ thuộc giới đồng tính, bà này sinh sống ở San Francisco cùng với người bạn gái, cả 2 được mời dự phiên xử với tư cách khách mời đặc biệt. Tức khắc tin này được xem là một trong những tin đáng chú ý trong ngày.
NV: Liệu có thể nói là với tin đó, vai trò của ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện trong phiên tòa trở nên quan trọng hơn không?
NVK: Chưa hẳn đã quan trọng hơn, lý do là vì ông Roberts nằm trong thành phần thẩm phán bảo thủ, được dự đoán sẽ không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Có 9 ông bà thẩm phán với 9 lá phiếu, trong đó 4 vị được liệt vào thành phần bảo thủ, 4 vị khác thuộc thành phần cấp tiến.
NV: Như thế, lá phiếu quyết định nằm trong tay ai?
NVK: Mọi người dự đoán lá phiếu quyết định nằm trong tay ông Anthony Kennedy, một vị thẩm phán bảo thủ nhưng thường bỏ phiếu ủng hộ ý kiến của các vị thẩm phán được gọi là cấp tiến. Trong một buổi nói chuyện với các đồng nghiệp chuyên săn tin ở Tối Cao Pháp Viện, tôi có nghe một người nói rằng bất kể phán quyết của tòa như thế nào, người ta cũng sẽ nói tới quyết định của ông thẩm phán Kennedy vì là phiếu của ông sẽ gây nên tranh cãi…
NV: Tại sao vậy?
NVK: Nếu ông Kennedy bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng tính, những người chống đối sẽ lên án ông, tương tự như lên án Tối Cao Pháp Viện về quyết định cho người phụ nữ được quyền phá thai. Nếu ông bỏ phiếu không công nhận hôn nhân đồng tính, ông cũng bị những người chống đối lên án, xem lá phiếu của ông là vật cản bước tiến hóa của xã hội, và họ sẽ nói rằng ông Kennedy quên 53% người dân Hoa Kỳ nói họ chấp nhân hôn nhân đồng tính.
NV: Xin cám ơn ông.