“Ngày 19 tháng 1 năm 1974, các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã một lần nữa xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.”
WESTMINSTER, California (NV) - Trên 300 đồng hương và cựu quân cán chính VNCH vào sáng hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Giêng, đã tập trung tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, để cùng các cựu chiến sĩ Hải Quân VNCH Nam California làm lễ tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa.
Rước linh vị 74 tử sĩ Hoàng Sa vào Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster,
để làm lễ tưởng niệm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Vào đúng ngày này 40 năm trước, các chiến sĩ Hải Quân của QLVNCH đã anh dũng chiến đấu chống hải quân Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, nơi mà chủ quyền và sự có mặt của Việt Nam từ bao đời nay đã được xác định. Cụ thể là vào thời các vua đầu nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị đã cắm mốc và cử quân binh đến các Hoàng Sa để canh gác và bảo vệ ngư dân Việt Nam. Ðó là nội dung bài phát biểu của trưởng ban tổ chức, cựu hải quân Trương Văn Song.
Cựu Phó Ðề Ðốc Vũ Ðình Ðào, chủ tọa buổi lễ, trong bài diễn văn khai mạc nhắc lại: “Ngày 19 tháng 1 năm 1974, các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã một lần nữa xác định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo này.”
Bài diễn văn của vị chủ tọa cũng nhắc đến tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Hải Quân VNCH, trong đó 74 chiến sĩ đã hy sinh mà chúng ta cùng làm lễ tưởng niệm lần này.
Nhắc lại chiến sử này, ông Ðào nói: “Cho dù không tái chiếm lại được, nhưng các chiến sĩ Hải Quân đã chiến đấu với tinh thần chống ngoại xâm của tổ tiên và một lần nữa minh xác Hoàng Sa là của Việt Nam.”
Vị sĩ quan chủ tọa cũng cho biết việc tổ chức lễ tưởng niệm lần này là nhằm:
-Tưởng nhớ và ghi ơn các tử sĩ hải quân anh hùng.
-Nhắc nhở tuổi trẻ Việt Nam hãy noi gương bất khuất.
-Tố cáo với quốc tế sự xâm lược của Trung Quốc và nhắc nhở cái họa phương Bắc.
-Lên án Cộng Sản Việt Nam đã khiếp nhược trước kẻ thù đã chiếm đất, biển đảo, đã dâng đất và biển đảo cho Trung Quốc mà Thủ Tướng CSVN Phạm Văn Ðồng đã ký xác nhận trong một công hàm ngoại giao ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố hải phận đường lưỡi bò.
Anh Huỳnh Duy Thuận, con trai của cố Ðại Úy Huỳnh Duy Thạch, phục vụ trên chiến hạm HQ10 bị đắm trong trận hải chiến, ôm bức di ảnh của thân phụ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Trong dịp này, cựu Phó Ðề Ðốc Vũ Ðình Ðào cũng nhắc đến những chiến công của QLVNCH trong đó có trận hải chiến Hoàng Sa. Những chiến công này đã là những trang sử oai hùng mà nay toàn dân Việt trong và ngoài nước đều đã ghi nhận.
Chấm dứt bài diễn văn, ông kết luận: “Dù đất nước đang thời kỳ đen tối nhưng anh hùng hào kiệt lúc nào cũng có trong dân tộc chúng ta nên chúng ta vẫn tin tưởng vào một ngày mai. Hoàng Sa chính là tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của chúng ta.”
Tiếp đó buổi lễ đã diễn ra với những nghi thức thật trang trọng. Một đoàn hầu kỳ do anh em cựu chiến sĩ hải quân VNCH phụ trách thể hiện được hết tính cách trang trọng mà ban tổ chức mong mỏi. Tiếp theo là lễ rước linh vị 74 chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa vào lễ đài. Nghi lễ truy điệu diễn ra đúng quân cách với lễ gác quân kỳ rủ trên giá súng có treo chiếc nón sắt khiến mọi người tưởng như anh linh của các chiến sĩ đã khuất cũng về minh chứng cho sự tưởng niệm của mọi người.
Triển lãm các chiến hạm Hải Quân QLVNCH ngay Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Một nghi thức tiến hoa cũng được ban tổ chức thực hiện để cho các đoàn thể trong cộng đồng được bày tỏ lòng tri ân trước bàn thờ đặt linh vị. Trong khi các thành viên của đoàn Thanh Niên Cao Ðài, của Hội Phụ Nữ Bà Triệu, của ban tế Hội Ðền Hùng Hải Ngoại và một vài đại diện trong cộng đồng thay nhau dâng từng bó hoa tươi trước bàn thờ linh vị, ban tổ chức xướng danh các anh hùng tử sĩ trong trận hải chiến Hoàng Sa trong đó có các chiến sĩ Hải Quân, các chiến sĩ biệt hải, công binh và một số dân chính làm việc tại hải đảo này hồi đó.
Ðiều rất đáng ghi nhận là trong suốt buổi lễ, mọi người thể hiện không khí trang nghiêm, khiến buổi lễ tăng thêm phần ý nghĩa.
Vào lúc 1 giờ trưa, phần nghi lễ chấm dứt, ban Tù Ca Xuân Ðiềm đã trình bày một chương trình ca nhạc đấu tranh rất đặc sắc, nung nấu lên tinh thần bảo vệ tổ quốc trong đó có việc phải giải thế chế độ cộng sản đã nhu nhược, yếu hèn dâng đất dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp Bắc phương mà các thế hệ cha ông đã bao đời gìn giữ, đánh đuổi quân xâm lược, bành trướng.
Nghi thức khai mạc lễ tưởng niệm. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Có mặt trong buổi lễ tưởng niệm này, một hậu duệ của các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã hy sinh là anh Huỳnh Duy Thuận, con trai của cố Ðại Úy Huỳnh Duy Thạch thuộc Hàng Hải Thương Thuyền phục vụ trên chiến hạm HQ10 bị đắm trong trận hải chiến, ôm bức di ảnh của thân phụ, nói với các phóng viên: “Tình cờ được biết có buổi lễ tưởng niệm này khi mới chuyển về sinh sống tại Nam California. Mọi năm vì sinh kế phải ở các tiểu bang xa nên chưa bao giờ có dịp được tham dự lễ tưởng niệm Hoàng Sa để tưởng nhớ đến cha đã hy sinh cho tổ quốc.”
Anh Thuận cũng cho biết thân mẫu của anh, tức phu nhân cố Ðại Úy Huỳnh Duy Thạch, vẫn còn ở Việt Nam và anh cho biết mẹ anh cũng không được hay biết gì về lễ tưởng niệm Hoàng Sa dù năm nay ở trong nước cũng có một vài nơi giới trẻ đã dám đứng ra tổ chức.
Trong khuôn viên tượng đài cũng có nơi triển lãm các chiến hạm của Hải Quân VNCH qua những mô hình như thật. Rất nhiều chiến hạm cũng như hải thuyền, giang thuyền chiến đấu được một số cựu hải quân và các bạn trẻ ngưỡng mộ Hải Quân VNCH kết dán lại từ những đồ chơi theo lời chỉ dẫn của các cựu sĩ quan cơ khí, pháo binh, hạm trưởng của Hải Quân VNCH.
Năm nay, lễ kỷ niệm Hoàng Sa đã không chỉ do Hội Hải Quân Cửu Long tổ chức như nhiều năm trước, mà được sự phối hợp tích cực của nhiều tổ chức quân cán chính VNCH và đồng hương người Việt.
Ðiều cũng đáng ghi nhận nữa là ở trong nước năm nay, nhiều tổ chức trẻ cũng đã đứng ra, kêu gọi mọi người tham gia kỷ niệm Hoàng Sa và công khai nhắc nhở đến chiến tích chống ngoại xâm của người lính Hải Quân VNCH.