Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất rất ngại khi phải trình bày họ bị trầm uất, lo lắng hay các bệnh tâm thần khác, do một truyền thống văn hóa lâu đời là làm như thế là ‘không tốt đẹp gì’
Vi Pham phỏng vấn bằng tiếng mẹ đẻ với 30 bệnh nhân người Việt. Photo Courtesy: http://www.ocregister.com/
Cali Today News - Nhưng các nhà nghiên cứu của Cal State Fullerton khi thực hiện cuộc phỏng vấn 30 bệnh nhân người Việt, lại muốn giúp đỡ cộng đồng Việt khi bức tường vô hình e ngại nói trên cần phải được phá đổ.
Vi Pham, người đã lớn lên ở Little Saigon và đang hướng dẫn công trình này, cho hay: “Cộng đồng Việt né tránh nói về bệnh tâm thần, vì cứ nghĩ nói cho người lạ biết chuyện “xấu hổ” trong gia đình là điều không nên”
Theo Pham thì chướng ngại này rất to lớn ở Little Saigon và giáo dục là con đường duy nhất giúp vượt qua nó. So với các sắc dân khác, người gốc Việt hay che giấu bệnh tâm thần của bản thân hay thành viên trong gia đình nhiều hơn.
Pham sắp phỏng vấn những bậc cao niên trong cộng đồng người Việt bằng tiếng mẹ đẻ và những câu hỏi rất phóng khoáng và sau đó giáo sư Yuying Tsong sẽ phân tích các câu trả lời.
Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa hai miền Nam –Bắc – chấm dứt vào tháng 4 năm 1975, Sài gòn rơi vào tay Cộng sản. Hàng ngàn người bị đưa vào trại cải tạo, chịu những chấn thương thể chất và tinh thần khủng khiếp. Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn khỏi đất nước, định cư tại Hoa Kỳ, không biết bao nhiêu mạng người đã bỏ lại ngoài biển khơi trong hành trình tìm tự do.
Hàn gắn những vết thương tinh thần như vậy không dễ tí nào, đặc biệt đối với người cao tuổi thường xem nhẹ sức khỏe tâm thần.
“Tôi không nghĩ họ hiểu,” ông Leslie Lê – 83 tuổi - nhận xét về các bác sĩ tâm lý, “Họ không hiểu những gì chúng tôi trải qua, vậy nên tôi không tin họ.”
Là một sĩ quan cấp tá trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, hàng năm trời ông Lê cảm thấy có lỗi, và giận giữ khi nhớ về những binh lính dưới quyền chỉ huy, những người đã hy sinh trong một chiến dịch ở cao nguyên, khi quân đội Mỹ yểm trợ thất bại. “Những binh sĩ dưới quyền tôi đã chịu mất mát rất nhiều,” ông Lê chia sẻ, “Điều này tôi giữ mãi trong mình.” Ông Lê kiểm soát những tình cảm này cho đến năm 2016 khi vợ và mẹ mất, trải qua đợt phẫu thuật tim. Biến động cá nhân cộng với ám ảnh chiến tranh đã khiến ông bị trầm cảm.
Chương trình này được một quỹ hổ trợ lên đến 30,000 đô la tài trợ, Giáo sư Tsong cho hay: “Khi có bức tranh rõ rệt rồi, chúng tôi sẽ tiến hành cách giúp đỡ cộng đồng gốc Việt phù hợp với truyền thống văn hóa của họ hơn”