main billboard

“Ðó là vì ai nấy đều nặng lòng với đất nước, dân tộc, quê hương với tuổi trẻ Việt Nam và nhất là với sự bảo tồn văn hóa tại hải ngoại."


WESTMINSTER, California (NV) - Vào ngày Thứ Sáu, 1 Tháng Giêng, 2016, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt sẽ mở cuộc tiếp tân, họp mặt và mừng năm mới tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, vào lúc 11 giờ sáng.

Cô Thy Linh, trưởng ban tổ chức, cho biết: “Hàng năm, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt thường tổ chức một buổi họp mặt, trước hết là để chúc Tết, cảm ơn những sự cộng tác của các hội đoàn, các trung tâm Việt Ngữ, thầy cô, và quý vị nhân sĩ trí thức đã cộng tác với câu lạc bộ trong năm qua, qua những lần chúng tôi tổ chức Ðại Nhạc Hội Hùng Sử Việt và một công tác kéo dài từ nhiều năm nay, đó là soạn thảo một cuốn Tự Ðiển Ngữ Vựng Việt Nam. Sau đó là để anh chị em trong câu lạc bộ kiểm điểm lại công việc đã làm được trong năm qua, rút kinh nghiệm, và đề ra chương trình hoạt động trong năm tới. Một tiệc vui nhỏ và một chương trình văn nghệ 'thả nổi' để mọi người cùng nhau vui chơi ca hát đón mừng năm mới.”

clb hungsuviet
Một màn trình diễn do tuổi trẻ Việt Nam thực hiện trong Ðại Nhạc Hội Hùng Sử Việt năm 2015. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Giáo Sư Song Thuận, chủ tịch Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt, cho biết: “Sau một năm hoạt động, đây là dịp để anh chị em trong câu lạc bộ nhìn lại những cố gắng đóng góp trong năm qua, vào sinh hoạt rất đa dạng của cộng đồng mình. Hai việc chính mà Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt đeo đuổi từ ngày được thành lập, trong hơn 20 năm nay, là làm sống lại tinh thần bất khuất của dân tộc, mở lại những trang sử cũ mà ông cha chúng ta đã đổ biết bao xương máu để gìn giữ, để cho các lớp trẻ hiểu biết thêm về lịch sử của dân tộc mình, một dân tộc mà thời nào cũng có những anh hùng, liệt nữ đứng lên bảo vệ đất nước trước sự manh tâm kiên trì muốn thống trị của phương Bắc trong suốt gần 5,000 năm cho đến tận bây giờ vẫn chưa từ bỏ. Việc thứ hai là mộng ước hoàn thành được cuốn tự điển để gìn giữ tiếng Việt được trong sáng, thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam.”

Cộng đồng người Việt ở Nam California và một vài nơi khác như Bắc California, San Diego, Michigan đã rất quen với những đại nhạc hội mà Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt tổ chức hàng năm. Mỗi đại nhạc hội là một chủ đề khi thì “Mê Linh Khởi Nghĩa,” khi thì “Phá Tống Bình Chiêm,” khi thì “Ta Muốn Cưỡi Cơn Sóng Dữ,” khi thì “Mài Kiếm Dưới Trăng,” v.v... nhất nhất đều nói lên được cái tinh thần bất khuất của một dân tộc nhỏ bé, nhỏ bé cả về đất đai và dân số trước một láng giềng phương Bắc lúc nào cũng muốn xâm chiếm, đô hộ. Cho dù đã bị ngàn năm Bắc thuộc nhưng vẫn quật khởi lên được để có Bạch Ðằng Giang, để có Ðống Ða, Hà Hồi mà thây giặc ngăn cả dòng chảy của sông Hồng.

Cái tinh túy trong những đại nhạc hội này là sự tham gia phối hợp của nhiều hội đoàn trong đó giới trẻ sinh hoạt rất nhiều. Ðó là các trung tâm Việt Ngữ, các tổ chức trẻ thuộc các tôn giáo Cao Ðài, Phật Giáo Hòa Hảo, Công Giáo và Phật Giáo. Một phần nữa trong chủ lực tổ chức là sự đóng góp của các hội đoàn cựu học sinh như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Petrús Ký, và Hội Bà Triệu. Do đó mỗi lần đại nhạc hội là mỗi lần làm xôn xao sinh hoạt cộng đồng.

Cho biết về sự cộng tác phong phú này, Giáo Sư Song Thuận phát biểu: “Ðó là vì ai nấy đều nặng lòng với đất nước, dân tộc, quê hương với tuổi trẻ Việt Nam và nhất là với sự bảo tồn văn hóa tại hải ngoại. Ðến với nhau vì một lý tưởng nên rất bền chặt, hơn 20 năm qua, không một tai tiếng, không một chia rẽ. Công việc được phân chia, ai nấy nhận lãnh đều cố gắng lo chu toàn trách nhiệm.”

Về công tác soạn thảo cuốn Tự Ðiển Ngữ Vựng Việt Nam, Giáo Sư Song Thuận kể: “Ðây không phải là công việc của một người, của một nhóm có chủ trương nào, mà mọi người tham gia vào Ủy Ban Soạn Thảo là những người, trước hết có nhiệt tâm trong việc bảo toàn tiếng Việt, văn hóa Việt. Ðó là các nhà trí thức, các giáo sư, nhà văn, nhà báo, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học. Họ họp nhau thảo luận về từng vần từ A đến Z, giải thích nghĩa từng chữ, phân tích từng vần vừa dựa trên lý luận, vừa dựa trên thói quen sử dụng và cũng dựa trên hoàn cảnh xã hội để ít ra người Việt khắp nơi thống nhất được chữ viết của mình. Ðây là một ước vọng quá to lớn nhưng thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối.”

Ðây quả là một nguyện vọng tốt đẹp và hết sức khó khăn khi mà tiếng Việt đang bị đứng trước những thử thách nghiệt ngã.

Nghiệt ngã thứ nhất là sau 1975, ở trong nước chương trình giáo dục của nhà nước CSVN coi nhẹ để đặt nặng lịch sử đảng và truyền bá sử quan Mác Xít. Gần đây Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo còn muốn loại bỏ môn sử chính thống mà cho hòa nhập với các môn công dân giáo dục, an ninh tổ quốc, v.v...

Nghiệt ngã thứ hai là ở hải ngoại, tiếng Việt vừa lai tiếng Hoa qua các phim bộ (thời gian đầu di tản) vừa lai ngôn ngữ mới từ trong nước.

Trong ý hướng đó, bốn năm qua, Ủy Ban Soạn Thảo tự điển tiếng Việt đã miệt mài làm việc mà mới chỉ đến được vần M và vần O. Cho dù cẩn trọng đến tối đa trong khả năng của mình, theo Giáo Sư Song Thuận, ủy ban này “chỉ mong đạt được sự tương đối để lớp trẻ có được căn cứ khi nói và viết tiếng Việt cho thống nhất trong khi chờ đợi một cuốn tự điển hoàn chỉnh được một Hàn Lâm Viện Việt Nam Tự Do sau này soạn thảo.”

“Những kết quả này, cho đến ngày hôm nay, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt có được chính là do sự đóng góp của nhiều người. Nên nhân đầu năm mới Dương Lịch, chúng tôi mong có dịp được nói lên lời tri ân với mọi sự đóng góp chung cho nền văn hóa Việt Nam,” Giáo Sư Song Thuận kết luận.