"Chụp hình bằng máy điện thoại, trước hết không cần phải bận tâm về ánh sáng, màu sắc, vì đã được nhà sản xuất 'lo' rồi và chỉ cần chú tâm vào phối cảnh mà thôi,"
WESTMINSTER, California (NV) - Buổi nói chuyện với chủ đề “Chụp Ảnh Ðẹp Bằng Ðiện Thoại Di Ðộng” với nhiếp ảnh gia Lê Minh Khải của Hội Ảnh Nghệ Thuật, diễn ra từ 1 giờ trưa đến 3 giờ chiều Thứ Bảy, 19 Tháng Mười Hai, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, thu hút đông đảo người tham dự.
Nhiếp ảnh gia Lê Minh Khải (bìa phải) hướng dẫn người tham dự chụp hình bằng điện thoại di động tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Sau phần giới thiệu của Giáo Sư Lê Văn Khoa, thân phụ của nhiếp ảnh gia Lê Minh Khải, đèn tắt để mọi người theo dõi cuộc nói chuyện theo hình slide chiếu trên màn ảnh.
"Quý vị có biết là sau tấm hình chụp là hàng ngàn lời nói dối không? Chút nữa đây quý vị sẽ cùng tôi khám phá những kỹ thuật chụp ảnh đẹp với điện thoại di động, và tấm hình khi đến tay người xem có thể đã trải qua những gì," nhiếp ảnh gia Lê Minh Khải, nói bằng giọng từ tốn, trước khi chiếu trên 170 ảnh chụp ở các góc cạnh khác nhau, với kỹ thuật khác nhau.
"Chụp hình quan trọng nhất là phối cảnh, có nghĩa người chụp phải biết chọn góc nhìn, sao cho nổi bật chủ đề. Sau đó, tận dụng những kỹ năng của máy điện thoại để chụp hình cho 'đã'," ông Khải nói thêm.
Diễn giả giải thích những lợi điểm của chụp hình bằng điện thoại thông minh (smart phone).
"Chụp hình bằng máy điện thoại, trước hết không cần phải bận tâm về ánh sáng, màu sắc, vì đã được nhà sản xuất 'lo' rồi và chỉ cần chú tâm vào phối cảnh mà thôi," nhiếp ảnh gia nói.
Ông cho biết, máy điện thoại rất tiện dụng, khi dạo bờ biển, chụp cảnh mặt trời lặn. Máy còn có lợi điểm khi dùng để chụp cận cảnh. Chỉ cần giữ máy cho vững, nếu chụp hoa, nhớ để ý đến gió, vì có thể làm hoa di động khiến hình bị mờ.
"Nên chú ý khi chụp mặt trời sau hoa, ngược nắng. Khi chụp người, nên đứng lùi xa một tí để hình đỡ bị méo mó. Sau đó 'zoom' lại gần trước khi chụp. Khi chụp hình gia đình, chú ý bố cục. Chụp hình đèn trong lễ Giáng Sinh là dễ nhất, vì máy điện thoại tự điều chỉnh. Cứ thế mà chụp là OK," ông dặn dò.
Cách đặt máy ảnh để tạo hình. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Khi chụp cảnh, nên có người cho cảnh đỡ tẻ nhạt, nhưng phải để ý vị trí máy ảnh thấp hay cao, kết quả sẽ khác nhau. Khi du lịch, chụp cảnh cũng nên để ý góc nhìn, làm mờ cảnh phụ bằng những kỹ thuật trên máy computer.
"Cảnh ngoài trời, đôi khi bóng mây làm che mất tương phản màu sắc, nên chờ mây bay qua để lấy màu sắc. Đôi khi lại phải chờ mây che tiền cảnh để phần chính nổi rõ hơn. Góc đứng cho thấy ánh sáng khác nhau trên chủ đề. Lưu ý màn hình xéo lại tạo cảm giác thấy đối tượng trong hình cao hơn," ông giải thích qua những tấm hình ông chụp tháp Eiffel ở Paris.
Trong các điện thoại thông minh, phần chụp cảnh 180 độ hay còn gọi là Panorama.
"Panorama cho thấy sự thoáng rộng của nhà thờ. Máy ảnh khung đứng, đặt trên nền nhà, ngửa xéo lên để lấy nét cao vút. Hay nhìn một cỗ xe ngựa từ trên cao, cảm giác sẽ khác với nhìn ngang phần đầu của cỗ xe để thấy hình cô gái đứng giữa," ông Khải cho thấy hình chụp ở những độ cao khác nhau làm thí dụ.
Ông cũng nhắc mọi người cẩn thận khi tự chụp bằng những 'cây selfie'. Giơ cao điện thoại quá đầu người mới lấy được ảnh trung thực. Đôi khi, theo ông, cũng nên thử lấy một góc thôi, hay ảnh phản chiếu trên kính cửa sổ, những mảnh búp bê, hay chỉ một khuôn mặt búp bê khi để ống kính của máy ở sát sàn nhà và máy ảnh lớn khó lấy được góc này.
Về các bất lợi của máy điện thoại, ông nói: "Máy không cho điều chỉnh khẩu độ, tốc độ hay độ nhạy ISO, nhưng có máy cho giảm hay tăng độ sáng. Có máy cho chức năng HDR (High Dynamic Range) để làm cho hình sáng hơn.
"Tuy vậy, đa số hình phong cảnh, máy điện thoại cho hình tốt. Nếu tiền cảnh quá tối, đôi khi phải nhắm vào hậu cảnh để chủ đề sáng lên," ông nói.
Đông đảo đồng hương tham dự. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Kế đến, ông nói đến các công dụng của 'Flash' hay đôi khi không điều chỉnh được.
"Trường hợp này thì có gì lấy nấy. Đôi khi Flash không đủ mạnh làm hình ám sắc vàng quá nặng, phải dời chủ đề vào vùng tối để Flash có thể ảnh hưởng mạnh hơn, thậm chí có thể dùng Flash làm đèn pin để rọi sáng chủ đề. Đôi khi phải dùng tay che không cho ánh sáng hắt vô ống kính," ông dặn dò.
Ông cho biết chức năng Zoom (lấy hình gần lại) của máy điện thoại là do nhu liệu, nên dùng Zoom để đỡ lộ hạt (pixel). Ông cho thấy những bất toàn của việc dùng chức năng "Selective Focus," khiến một vài chi tiết, phải để ý, mới thấy.
Ông giải thích chụp hình dùng chức năng Panorama để lấy hình rộng hơn ảnh thường và những góc cạnh bị bẻ cong, gây ấn tượng lầm về kích thước trong ảnh, trừ vị trí trung điểm của cảnh muốn chụp là đúng sự thật. Chức năng này lấy ánh sáng tại vị trí "frame" đầu tiên, nên hình từ phải qua trái sẽ khác với khi di chuyển máy theo chiều ngược lại.
"Dùng diện thoại theo chiều đứng để lấy chiều cao, để máy ảnh hơi ngửa để thêm chiều cao. Chúng ta cũng có thể lợi dụng ấn tượn lầm để tạo ảnh, nhưng phải khéo để vật thẳng không hóa thành cong, và ngược lại. Dời diện thoại theo hình nan quạt để tạo sự méo mó.
Sau cùng, ông so sánh hình chụp bằng điện thoại và bằng máy nhà nghề DSLR và đưa ra những ưu khuyết điểm của hai loại máy.
"Quý vị thấy chưa, mình chụp hình dùng đủ mọi kỹ năng, mình dùng computer sửa cho đẹp. Hình người xem không phải là cảnh thật lúc chụp. Như thế có phải là bức ảnh là ngàn lời nói dối không?" diễn giả cười, kết luận.
Bà Trợ Trần, 62 tuổi, cư dân Midway City, tham dự, cho biết: "Tôi học hỏi được nhiều điều hay, dù đã hành nghề chụp ảnh được 30 năm."
Một người khác tham dự, ông Minh Lâm, 80 tuổi ở Santa Ana, tâm sự: "Tôi thu video cuộc nói chuyện, vì hay quá. Máy ghi hết rồi!"
Ông Cương Ngô, 64 tuổi ở Buena Park, tham dự, cho biết: "Tôi xài máy Samsung Note 4. Hôm nay tới nghe mới biết được thêm nhiều điều chưa biết!"
Cuối cùng là phần trả lời câu hỏi của người tham dự. Giáo Sư Lê Văn Khoa, sau đó, công bố sẽ tổ chức một lớp hướng dẫn chụp ảnh bằng điện thoại di động trong tương lai gần.
Giáo Sư Khoa cho biết, trước khi ra về, 60 người đã ghi danh trước để tham dự lớp học.
Mọi chi tiết, xin liên lạc bằng email cho Giáo Sư Lê Văn Khoa;