“Muốn xác định việc trả lương có đúng không thì điều đầu tiên cần xác định đây là một nhân viên hay là một nhà thầu độc lập – independent contractor. Luật của Bộ Lao Động đặt ra có sáu điều để xác định xem đây là có phải là nhân viên hay không.”
GARDEN GROVE, Calif. (NV) – Gần 40 người đang làm việc trong các tiệm nail đã có mặt tại hội trường đài SBTN hôm chiều Chủ Nhật để tham dự buổi hội luận với đại diện Bộ Lao Ðộng Mỹ về việc trả lương đúng luật cho ngành nail.
Tại buổi này, ông Tony Phạm, phụ tá giám đốc của Văn Phòng Bộ Lao Ðộng tại Orange County và bà Lydia Nguyễn, thanh tra Bộ Lao Động, lần lượt trình bày các vấn đề liên quan đến mức lương tối thiểu, lương phụ trội, luật giữ sổ sách như thế nào cho đúng, sự khác biệt về luật lao động trẻ em, luật liên quan đến việc nhân viên phải được trả lương như thế nào và quan trọng nhất là những tiêu chuẩn để xác định xem người làm nail là một nhân viên hay một nhà thầu độc lập (independent contractor).
Từ trái: Ông Mai Phi Long, người điều hợp chương trình, bà Lydia Nguyễn, thanh tra Bộ Lao Động, và ông Tony Phạm, phụ tá giám đốc của Văn Phòng Bộ Lao Ðộng tại Orange County. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Bà Lydia cho rằng, “Muốn xác định việc trả lương có đúng không thì điều đầu tiên cần xác định đây là một nhân viên hay là một nhà thầu độc lập – independent contractor. Luật của Bộ Lao Động đặt ra có sáu điều để xác định xem đây là có phải là nhân viên hay không.”
Theo trình bày của bà Lydia, sáu điều đó bao gồm:
Thứ nhất là mức độ và tầm quan trọng của người đó đối với tiệm. “Người thợ nail đó có quan trọng đối với tiệm không? Tiệm nail có cần thợ nail làm việc không? Nếu câu trả lời là có, thì người đó chính là nhân viên.”
Thứ hai, sự lời lỗ của tiệm có ảnh hưởng đến người này hay không. Bà Lydia lấy ví dụ khi chủ tiệm lời cũng không chia thêm cho người này mà lỗ cũng không yêu cầu người này bù vào thì người này chính là nhân viên. Bởi nhân viên chỉ làm lãnh lương, tiệm lời lỗ gì thì nhân viên cũng lãnh chừng đó lương theo thỏa thuận.
Thứ ba, mức độ đầu tư vào cơ sở thương mại. “Người này có hùn vốn đầu tư không, có bỏ tiền mua ghế spa, sửa sang tiệm không. Nếu họ chỉ mang vào vài chai nước sơn hay dụng cụ làm nail thì không thể gọi là đầu tư hùn vốn, không thể gọi là independent contractor, mà chỉ là nhân viên.”
Thứ tư, người này có khả năng đem khách tới để tiếp khách nhưng người này không phải là người suy nghĩ ra cách phát triển tiệm, không phải là người bỏ tiền ra quảng cáo để mang lại thêm lợi nhuận cho tiệm nên không thể là “independent contractor” được, mà chỉ là nhân viên tới giờ thì làm, không có khách thì không làm.
Thứ năm, người này đến tiệm làm việc trong mối liên hệ như thế nào, có giờ giấc hẳn hoi theo quy định của tiệm, mỗi tuần mỗi lặp lại đều đặn hay là muốn làm lúc nào làm, muốn nghỉ thì nghỉ. Nếu người đó phải làm việc theo cách thức đều đặn, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với tiệm thì đó là nhân viên.
Người tham dự đặt câu hỏi với đại diện Bộ Lao Động. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Thứ sáu: việc quản lý giờ giấc làm việc của người này như thế nào. Nếu người này phải làm việc theo giờ giấc qui định của người chủ chứ không phải theo ý mình muốn thì đó là nhân viên.
Liên quan đến việc phải trả lương phụ trội cho nhân viên, một người tham dự đặt câu hỏi, “Người thợ nail làm việc ăn lương theo hoa hồng (commission), và dù họ có làm hơn 40 giờ mỗi tuần nhưng mức lương họ lãnh chia ra vẫn vượt qua khỏi mức lương căn bản. Vậy làm sao dung hòa giữa việc trả lương theo hoa hồng và trả lương phụ trội?”
Ông Tony Phạm, phụ tá giám đốc của Văn Phòng Bộ Lao Ðộng tại Orange County, giải thích bằng cách đưa ra ví dụ: trong tuần đó, người nhân viên làm việc 50 tiếng và được trả $600. Như vậy trung bình mỗi giờ là $12. Do người nhân viên làm dư ra 10 giờ so với qui định của luật Lao Động nên 10 giờ đó phải được trả lương phụ trội, bằng 1.5 lương bình thường. Nghĩa là mỗi giờ phụ trội, chủ phải trả nhân viên $18. 10 giờ phụ trội là $180. Như vậy, tổng số tiền tuần đó nhân viên được lãnh phải là $660 thì mới được xem là hợp lệ, là trả đúng.
“Tốt hơn hết là trả lương theo giờ.” Bà Lydia nói.
Ý kiến người tham dự
Ông Thành Nguyễn, chủ tiệm nail ở Garden Grove, cho biết mục đích ông đến với buổi hội luận là “Muốn nghe về luật mướn người làm nail, đúng luật là như thế nào, vì thường thì người làm nail muốn lãnh lương bằng 1099, trong khi luật đúng thì phải trả W2.”
Theo ông Thành, “Vấn đề ưu tư của cả chủ lẫn thợ nail hiện nay là đều muốn trả lương theo 1099 vì dễ cho chủ bởi họ không cần làm thuế mỗi kỳ trả lương, và cuối năm thì thợ tự khai thuế. Tuy nhiên, theo như cách nói của Bộ Lao Động thì họ muốn mình phải trả W2.”
Chị Nancy Trần, chủ tiệm ở Riverside thì tỏ vẻ không hài lòng về buổi hội luận vì “Tôi đến là để nghe coi luật có gì mới, và muốn nghe giải thích nhiều về những thắc mắc của tiệm nhưng mà hầu như không có câu hỏi nào được trả lời hết.”
Quả thực, hầu như phần lớn các câu hỏi được viết giấy gửi lên cho cử tọa đều thể hiện sự ưu tư của những người đang làm việc trong lãnh vực này về việc trả lương như thế nào cho đúng, cho thỏa đáng, theo 1099 hay theo W2, nếu hưởng lương theo “commission” mà trả W2 thì tính làm sao, hoặc cách tính giờ phụ trội trong ngành nail nghe ra chưa hợp lý... Nhưng do giới hạn về thời gian nên mọi người hầu như tự ở lại để trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Ông Jimmy Nguyễn, "đại diện cho hội USCA,” một hội bất vụ lợi được thành lập với mục đích truyền bá thông tin từ Bộ Lao Động và các cơ quan hữu trách để giúp cho người làm trong ngành nail có cơ hội hiểu về luật, làm cho đúng luật," cho rằng: “Thực sự trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì những thắc mắc, những vấn đề xảy ra trong tiệm nail không thể nào được trả lời đầy đủ, mà chỉ giải thích chung những vấn đề liên quan đến nhiều ngành chứ không riêng gì ngành nail. Riêng trong nghề nail thì lại có nhiều điều không thể nào áp dụng được theo cách nhìn, cách qui định của Bộ Lao Động. Hôm nay chỉ là một buổi sơ khởi để có một nhịp cầu giữa Bộ Lao Động và những người làm nghề nail, chứ chưa đụng đến những vấn đề cụ thể trong tiệm nail. Sẽ còn những buổi liên quan trực tiếp đến các vấn đề diễn ra trong tiệm nail, có thể nói là gần như đối đầu với Bộ Lao Động.”