“Mối liên hệ giữa Viện Việt Học và Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt đã trên 30 năm.
WESTMINSTER, California (NV) - “Hương Xưa” là chủ đề đêm văn nghệ do Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt và Viện Viện Học, Westminster, phối hợp tổ chức vào Thứ Bảy, 11 Tháng Bảy.
Ban Hợp Ca Lê Văn Duyệt với “Việt Nam Ngàn Năm Biển Hát.”
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Nguyễn Minh Lân, phụ trách Viện Việt Học, phát biểu trong phần khai mạc, “Từ năm năm qua, vào tuần lễ thứ hai của mỗi tháng, chương trình văn nghệ được tổ chức đều đặn tại Viện Việt Học đã được sự ủng hộ nhiệt tình của quý khán thính giả, và đêm nhạc hôm nay các đã được các tà áo Lê Văn Duyệt chuẩn bị thật chu đáo từ bao nhiêu tháng trước sẽ mang lại những giây phút nhẹ nhàng thoải mái cho quý vị. Xin chào đón nồng nhiệt các vị giáo sư và tất cả cựu học sinh Lê Văn Duyệt, các cơ quan tuyền thông.”
“Mối liên hệ giữa Viện Việt Học và Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt đã trên 30 năm. Năm 1984, Viện Việt Học may mắn có chân trong Ban Tổ Chức Giải Khuyến Học đầu tiên, lúc đó Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cựu giáo sư Lê Văn Duyệt, vừa định cư tại Orange County và bà là vị giám khảo trong kỳ thi này. Từ đó đến nay, bà đã đóng góp tích cực cho giải này và là đòn bẩy thúc đẩy cho việc thành lập nhiều trường Việt Ngữ sau này. Ngày 26 Tháng Hai, 2000, cô Mai đã viết lời giới thiệu khi ra mắt đêm nhạc Viện Việt Học. Từ đó mối giao tình giữa viện, các vị giáo sư và Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt ngày càng khắng khít,” ông chia sẻ tiếp.
Hai MC An Hảo, Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trung Học Lê Văn Duyệt, và Thúy Lan đã điều phối đêm nhạc thật ăn ý nhịp nhàng.
“‘Hương Xưa’ là dấu vết, là kỷ niệm đẹp, thơ mộng đã thấm sâu vào máu, ‘Hương Xưa’ kết tụ và ướm theo những bước chân chập chững, trong ngần của tuổi hoa niên, ‘Hương Xưa’ được nuôi từ lòng đất mẹ, của gió trăng, mưa nắng, biển dâu tưới xuống cuộc đời... mà trong bước đi của kiếp người, trong nỗi quạnh hiu, thoáng 'Hương Xưa' lại quay về ôm ấp vỗ về...,” MC An Hảo giới thiệu một thoáng chương trình.
Mở đầu là nhạc phẩm “Tình Hoài Hương,” sáng tác Phạm Duy, do tam ca Lê Văn Duyệt, gồm Thanh Hằng, Bình Hòa và Nguyệt Tánh, trình bày.
Nhóm tứ ca trình bày một ca khúc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp nối chương trình, nữ Giáo Sư Vũ Ngọc Mai đã gây một ngạc nhiên và thích thú cho thính giả khi trình bày nhạc phẩm “Dốc Mơ,” sáng tác Ngô Thụy Miên.
“Đêm đã về trên dốc, gió xôn xao ru yên tình mình. Em có về bên đó, dõi mắt trông theo trông tình bền...” Lời hát ru ngọt ngào cho một chuyện tình.
Không khí như lãng đãng trôi theo dòng thời gian thoảng qua với bao kỷ niệm xưa được Hòa Bình trình bày qua nhạc phẩm “Hương Xưa.” Ngay từ những ngày đầu sống trong miền Nam tự do nắng ấm, người nhạc sĩ ấy vẫn luôn nhớ về thời hoa gấm ngày xưa không thể nào quên được. “Và chúng ta bây giờ cũng vậy, xa quê hương nửa vòng trái đất, xin hãy nghe lại những tâm tư, những ước mơ về chốn cũ của Cung Tiến.”
“Trở Về Bến Mơ,” sáng tác Ngọc Bích, do Mai Lan, trưởng ban văn nghệ của hội, hát, Bùi Khanh với “Ai Về Sông Tương,” nhạc Thông Đạt, và “Nửa Hồn Thương Đau,” sáng tác Phạm Đình Chương, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền, do Vũ Đan, cựu hội trưởng, trình bày.
Tiếp tục chương trình, Nhóm Hương Xưa với nhạc phẩm “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội,” thơ Hoàng Anh Tuấn, Phạm Đình Chương phổ nhạc, do tứ ca Hồng Tước, Mai Phương, Như An và Vũ Khiêm, cựu nữ sinh Trưng Vương, trình bày.
Lan Anh, nền nã trong trang phục và dáng điệu cô gái Bắc, trình bày nhạc phẩm “Nhạc Sầu Tương Tư,” Phạm Đình Chương phổ nhạc thơ Hoàng Anh Tuấn.
Khi cuộc chiến Việt Nam bắt đầu gia tăng trong thập niên 1950 và thập niên 1960, nhiều nhạc sĩ đã đưa chinh chiến vào âm nhạc với tâm trạng lo buồn do xa cách, thế nhưng một nhạc sĩ, lúc nào cũng mang một niềm hy vọng, lạc quan về một tương lai thanh bình tươi sáng cho Việt Nam và một sự sum vầy cho những mối tình chia ly. Đó là Nguyễn Văn Đông, với “Hải Ngoại Thương Ca,” do Triệu Tường trình bày.
Đêm càng về khuya, không khí càng thì thầm da diết, chơi vơi theo những nhạc phẩm bất hủ khác, đã vượt qua biên giới của thời gian mà mỗi khi cất lên, những giai điệu ấy đã khiến người nghe xao xuyến chơi vơi...
Tam Ca Lê Văn Duyệt với nhạc phẩm “Tình Hoài Hương.”
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Ai Đi Ngoài Sương Gió,” “Buồn Tàn Thu,” “Cánh Hoa Duyên Kiếp,” “Cô Đơn,” qua các giọng ca Tánh Nguyễn, Kim Loan, Thanh Hằng, và Minh Nguyệt.
Tiếp tục chương trình với nhạc phẩm “Bên Nỗi Nhạt Nhòa,” sáng tác của Nguyễn Ngọc Phúc, Hồng Tước trình bày.
Đặc biệt, đêm nay có sự hiện diện của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, cựu học sinh Chu Văn An, một thân hữu của Lê Văn Duyệt. Trong tâm tình với khán thính giả, ông nói, “Tôi có một giấc mơ, đó là viết một bài hát cho quê hương và đất nước, đất nước tôi yêu từ những hoài vọng của lịch sử, từ những nỗi đau thương của quá khứ, tôi yêu cả những hy vọng trong tương lai và rất mong, chờ mong có một ngày về lại trên quê hương thật sớm. Bài hát của tôi sẽ mang từng chữ, từng câu của quê hương trên từng nốt nhạc.”
“Xin cho tôi được kể chuyện tình yêu quê hương của tôi bắt nguồn bằng hai chữ Việt Nam và xin để biển cả, đại dương hát lên tình yêu đó từ ngàn năm trước cho đến vạn năm sau. Khi mặt đất còn, biển cả còn, giấc mơ của tôi còn và lúc biển cả hát lên tiếng hát đó, niềm tự hào dâng lên trong lòng tôi, niềm tự hào tôi là người Việt Nam,” ông nói tiếp.
Sau đó, ban hợp ca Lê Văn Duyệt đã trình bày bài hát “Việt Nam Ngàn Năm Biển Hát” do ông sáng tác.
Chương trình được tiếp tục với nhiều ca khúc khác nữa, và đưa dẫn người nghe từ điệu Valse lả lướt đến Tango sôi nổi, đến Jazz thật liêu trai...
Nhạc phẩm “Tình Ca,” sáng tác Phạm Duy, do Ban Hợp Ca Lê Văn Duyệt trình bày khép lại chương trình đêm nhạc, hoàn mỹ với những nỗ lực mà hội đã chuẩn bị ròng rã hơn nửa năm qua.