“Cái kỷ niệm 40 năm nó đặc biệt ở chỗ là cộng đồng người Việt ở hải ngoại đánh dấu một bước tiến hết sức là quan trọng đó là cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn giữ được màu cờ của mình ở hải ngoại này."
Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu châu ở Bruxelles, Bỉ để cùng biểu tình hôm 30/4.
RFA
Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia
Mỗi năm, cứ đến ngày 30 tháng 4 hầu như nơi nào có thuyền nhân, có người Việt tị nạn Cộng sản là nơi đó có tổ chức biểu tình. Ngày 30 tháng 4 năm nay, kỷ niệm 40 năm, các cuộc biểu tình càng có màu sắc đặc biệt hơn nữa. Tại Pháp, Đức, Bỉ… đều tổ chức biểu tình. Đặc biệt, tại Bỉ, nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu châu để cùng biểu tình. Từ quảng trường Schuman trước Quốc Hội Âu châu, một người đến từ rất xa: Dallas, Texas cho biết:
“Tôi tên là Hòa, đến từ Dallas, Texas. Tôi đến đây để dự kỷ niệm 30 tháng 4, 40 năm ngày mất nước. Tôi có chị bạn thân ở Hòa Lan, chị nói với tôi là 30/4 sẽ có một buổi biểu tình lớn, gồm rất nhiều nước. Vì thế, chị muốn tôi có mặt ngày hôm đó để ủng hộ cái sĩ khí của các anh em bên này. Sau đó vợ chồng tôi quyết định rất nhanh để mua vé máy bay qua đây. Mặc dù trời mưa gió nhưng được tưởng niệm cái ngày mà chúng ta mất nước, ngày đau buồn của tất cả những người Việt Nam. Tôi rất lấy làm hãnh diện và xúc động khi được cùng với tất cả các anh chị em ở đây tưởng niệm ngày 30/4, kỷ niệm 40 năm mất nước và đây cũng là điểm mốc cho tất cả những người Việt Nam phải nhớ lại quê hương đất nước của mình vaf nhất là những người chiến sĩ đã bỏ mình cho trận chiến này.”
Chương trình tưởng niệm 30/4 tại Bỉ năm nay gồm có 2 phần: từ 2-4 giờ biểu tình trước Quốc Hội Âu châu, từ 6-10 giờ tối là phần chia sẻ tâm tình giữa người Việt trong và ngoài nước về cảm nhận 30/4. Trước đó, một lá thư với chữ ký của 18 đoàn thể đã được gửi lên Quốc Hội Âu Châu để nói về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam và yêu cầu Liên Âu phải thúc đẩy Hà Nội hơn nữa về việc tôn trọng những ký kết mà họ đã thực hiện với Quốc tế.
Từ 2 giờ trưa, tại công trường Shuman đã có nhiều cá nhân, hội đoàn của khoảng 7 quốc gia tập hợp trước quốc hội âu châu, trung tâm quyền lực của Liên Âu để cùng tưởng niệm 40 năm mất nước. Có mặt trong cuộc biểu tình là anh Trần Quốc Hiền, một cựu tù nhân lương tâm vừa mới định cư tại Hòa lan năm ngoái, lần đầu tiên tham dự biểu tình 30/4, anh chia sẻ cảm tưởng:
“ Tôi là một người tù nhân lương tâm và tôi vừa định cư tại Hòa Lan và đây là lần đầu tiên tôi tham dự cuộc biểu tình tại Bỉ quốc tưởng niệm 40 năm quốc hận. Tâm trạng của tôi đối với cuộc biểu tình này mang cho tôi một cảm giác rất là ấm áp. Khi mà cộng đồng người Việt của chúng ta từ các quốc gia đều tụ họp về đây để nói lên tấm lòng tưởng nhớ đến quê hương đất nước, tưởng nhớ đến đồng bào của chúng ta ở quốc nội. Cuộc biểu tình này nó đánh dấu sự đoàn kết của người Việt khắp nơi trên thế giới nhất là nhân dịp 40 năm mất nước. Đó là cái làm cho tôi rất khích lệ để tham dự cuộc biểu tình 40 năm quốc hận. Khi mà đồng bào của chúng ta luôn hướng về quê hương mong cho quê hương có Tự do Dân chủ thực sự.và mong rằng đồng bào chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm ngày trên chính quê hương chúng ta.”
Dù sống ở Pháp đã gần 40 năm nay, nhưng chị Liễu chưa hề tham gia bất cứ một cuộc biểu tình nào. Nhưng lần này, đặc biệt kỷ niệm 40 năm mất nước, chị đã lấy một ngày nghỉ để sang đây tham gia biểu tình, chị nói lên cảm xúc của lần đầu tiên tham gia biểu tình:
“Tôi đến từ Pháp và tôi đã lấy một ngày nghỉ để mà tham gia cái ngày hôm nay, đối với tôi ngày hôm nay là một ngày kỷ niệm 40 năm rất đáng nhớ trong cuộc đời. Tôi rất là xúc động thấy tất cả mọi người, mặc dù đứng dưới mưa nhưng tinh thần dân tộc rất lớn. Tôi rất là cảm kích với tấm lòng đó của đồng bào ở nước ngoài. Đúng ra, ngày hôm nay người Việt Nam chúng ta cùng phải vui mừng để mà thấy đất nước thịnh vượng ấm no nhưng rất tiếc là đất nước chúng ta vẫn chưa thực hiện được điều đó, vẫn còn những bất công: dân nghèo bị mất nhà, dân oan bị đánh đập, đời sống công nhân yếu kém về vật chất và tinh thần, bị giới chủ bóc lột mà không được công đoàn bảo vệ. Tôi đến đây để góp tiếng nói cho đất nước của chúng ta và để chúng nhận rằng mình là người Việt Nam, mình đang ở đâu và mình phải làm gì cho đất nước của mình? Chính vì thế tôi sẵn sàng làm một cái gì đó dù chỉ là một công việc rất nhỏ để giúp cho những người nghèo, những người dân oan, cho những người dân Việt của mình sống một đời sống Tư do Dân chủ và Hạnh phúc nhiều hơn nữa.”
Phó Thị trưởng Thủ đô Bruxelles, Bỉ phát biểu trước đoàn biểu tình ở tòa nhà Quốc Hội Âu châu hôm 30/4. RFA PHOTO.
Và xa hơn nữa trên bờ biển Bắc Đại Tây Dương, từ Na Uy một đồng hương đã vượt gần 2000 cây số để đến đây, nói lên trăn trở của mình trong ngày này:
“Đáng lẽ năm nay 30/4 tôi sẽ biểu tình ở Na-Uy, nhưng tôi có người bạn bên Pháp nhưng tôi có vài người bạn bên Pháp mời tôi qua bên Pháp và đi từ Pháp qua bên Bỉ . Tôi cũng mong ước được hội họp với tất cả đồng hương từ các nước ở Châu Âu qua Bỉ để biểu tình. Hôm nay tôi rất là xúc động khi được đứng giữa Trung tâm Châu Âu cùng với mọi người biểu tình tưởng niệm ngày 30/4 40 năm dù thời tiết bị mưa gió nhưng tôi rất vui vì tất cả đồng bào của mình cũng có lòng hướng về quê hương đất nước và mong sao cho chế đô Việt Nam chóng sụp đổ để người dân có cơm no, áo ấm.”
40 năm gìn giữ màu cờ
30 tháng 4 ở hải ngoại mỗi năm đều đồng nghĩa với biểu tình, với tuyệt thưc với đêm không ngủ… hầu như năm nào anh Nguyễn Quốc Nam cũng tham gia biểu tình, nhưng 30 tháng tư năm nay có gì đặc biệt hơn với những 30 tháng 4 của 40 năm qua, anh Nam chia sẻ suy nghĩ của mình:
“Cái kỷ niệm 40 năm nó đặc biệt ở chỗ là cộng đồng người Việt ở hải ngoại đánh dấu một bước tiến hết sức là quan trọng đó là cộng đồng người Việt ở hải ngoại vẫn giữ được màu cờ của mình ở hải ngoại này. Đặc biệt là trong tháng tư này, ở trong nước đồng bào chúng ta trong nước dám chưng cờ ra, không sợ sệt nữa. Điểm cuối cùng cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của người tị nạn Việt Nam chúng ta có một đạo luật ở tầm vóc quốc gia để nhìn nhận ngày 30/4 là ngày tưởng niệm tất cả những đồng bào đã bỏ nước ra đi. Thì chúng tôi nghĩ rằng là ngày 30/4, 40 năm sau, nó hết sức là đặc biệt.”
Chị Đông Nghi từ Cologne, Đức quốc đã cùng gia đình qua Bỉ biểu tình, chị nhận xét:
“Sau 40 năm mất nước, lần đâu tiên tôi đến Bruxelles, tôi rất là cảm xúc bởi vì tôi thấy rất đông đảo và trong cuộc biểu tình hôm nay, tôi thấy có nhiều giới trẻ và giới trẻ thì rất quan trọng cho tương lai của đất nước.”
Từ một người còn rất trẻ, Anh Đinh Bảo Trụ, cư ngụ tại Bỉ, có mặt tại đây cũng cho biết lý do anh tham gia biểu tình:
“Em là một boat people, em đã đi năm 79. Em nghĩ rằng đây là một cái devoir (bổn phận) của em để tới đây tham dự để nhớ 40 năm nước Việt Nam. Tuy rằng em rời khỏi nước Việt Nam năm 9 tuổi nhưng em vẫn còn nhớ nước Việt Nam và thấy rằng mình ở nước ngoài thì không phải là nước của mình nên em cũng vẫn còn nhớ ạ.”
Cho đến một cụ già 85 tuổi cũng không thể ngồi yên tại nhà, ông Nguyễn văn Tánh nói:
“Tại sao mình phải ngồi nhà? Bao nhiêu anh em tranh đấu, họ đi mình cũng phải đi theo. Nhất là anh em ở trong nước, họ bao nhiêu cực khổ, ngoài này mình phải tiếp tay với họ, ngoài mình mình phải làm cái loa để tiếng nói của họ được thế giới bên ngoài nghe. Cho nên bắt buộc mình phải đi thôi.”
Mặc dù cuộc biểu tình bị ngắt quảng bởi những cơn mưa bất chợt, nhưng tiếng hô khẩu hiệu vẫn vang vang át cả tiếng rạt rào của những cơn mưa đá. Khoảng gần 4 giờ chiều thì trời tạnh mưa hẳn. Quảng trường Shuman trước tiền đình Quốc Hội Âu châu lại rực lên trong nắng và cờ vàng. Dù là một ngày trong tuần, nhưng số người tham dự biểu tình cũng đã lên đến khoảng 150 người, đó là một con số khích lệ cho Ban Tổ Chức. Có phải đó là nỗi thôi thúc 30/4 trong lòng mọi người. Bốn mươi năm đã qua mà vết thương vẫn chưa lành trong lòng nhiều người Việt hải ngoại; Để rồi mỗi năm, khi ngày 30 tháng tư đến, người ta lại nghe vang vang những tiếng hoan hô, đả đảo từ những góc phố, những quảng trường như một niềm trăn trở không nguôi.