“Harvard đã cho biết sẽ tặng học bổng toàn phần. Trong khi mình thích Yale hơn vì tính xã hội và cộng đồng của trường, thì trường lại chưa có thông báo về danh sách học bổng...”
RESEDA, California (NV) - Harvard hay Yale? Đó là câu hỏi “đau đầu” mà Thắng Diệp, một học sinh lớp 12 sang Mỹ cùng gia đình chưa đến mười năm trước, đang đắn đo suy nghĩ. Trong số các trường đại học đã mời nhập học, Thắng vẫn chưa quyết định được mình sẽ chọn Harvard hay Yale cho những năm sắp tới.
Thắng Diệp và chị gái Châu Diệp. (Hình: gia đình cung cấp)
“Harvard đã cho biết sẽ tặng học bổng toàn phần. Trong khi mình thích Yale hơn vì tính xã hội và cộng đồng của trường, thì trường lại chưa có thông báo về danh sách học bổng...” Giọng nói của anh chàng hay cười này trầm lại phần nào khi được yêu cầu so sánh hai trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ mà mình sẽ phải chọn một.
Ngoài Harvard và Yale, Thắng cũng được thư mời học từ tất cả các trường khác mà anh nộp đơn: UC Berkeley, UC Los Angeles, UC Irvine, và UC San Diego.
Gương mặt sáng đằng sau lớp kính cận, giọng nói vui tươi, đặc biệt là sự hồn nhiên lẫn hóm hỉnh liên tục đem lại tiếng cười cho người đối diện, Thắng thuộc loại người dễ dàng được mọi người yêu mến.
Khi gia đình sang Mỹ năm 2006, Thắng bắt đầu học lớp 4. Như nhiều học sinh đến từ ngoại quốc, Thắng phải theo học các lớp đặc biệt cho các em chưa rành Anh ngữ. Nhớ lại, Thắng có thể kể cho bạn nghe những đêm đọc vang giữa nhà hết cuốn sách này đến cuốn sách khác - răng kẹp ngang cây bút chì - để tập phát âm sao cho đủ to để nghe được, và đủ chuẩn để hiểu được.
Chỉ một năm sau đó, được chuyển sang chương trình học bình thường, không những Thắng đạt điểm xuất sắc, mà còn được thầy cho đại diện trường tham gia cuộc thi speeling bee - thi đánh vần từ vựng Anh ngữ.
Harvard...(Hình: gia đình cung cấp)
Thắng nhanh chóng hòa nhập tại trường học. Bằng chứng là những thành tích đáng nể như bằng khen của tổng thống hay các vị trí dẫn đầu lớp.
Tuy vậy, theo lời Thắng, đằng sau những bằng khen là sự cố gắng không ngưng nghỉ. Để có được điểm học 4.7/4.0, mỗi mùa Thắng lấy từ bốn đến sáu lớp AP nâng cao.
“Hồi đó chưa biết tiếng Anh, mình phải bỏ nhiều giờ hơn các bạn rất nhiều để đọc và viết. Giờ tiếng Anh đã giỏi hơn rồi, nhưng vẫn phải cố gắng rất nhiều. Cái gì mình dở thì mình càng phải học. Với mình, các môn toán và khoa học thì dễ hơn là môn văn. Vì vậy mình cố lấy thật nhiều các lớp về luận văn, về triết học, để buộc mình phải đọc, phải viết, phải rèn bản thân,” Thắng chia sẻ.
Một ngày của Thắng bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng, đi học đến 5 giờ chiều, về đến nhà là tranh thủ ngủ vài phút và ăn tối, trước khi ngồi vào bàn học đến 2 giờ sáng.
Cuối tuần, ngoài việc tự học, Thắng tìm đến những nơi mình và bạn bè có thể làm việc thiện nguyện: từ dọn dẹp công viên, đến thăm người vô gia cư hay người già tại các viện dưỡng lão.. Thắng cũng chính là người đang giữ chức vụ chủ tịch của câu lạc bộ tình nguyện viên của trường.
“Quan trọng nhất có lẽ là phải biết cách sắp xếp thời gian. Mình muốn điểm cao, mình muốn sinh hoạt, làm từ thiện, muốn đi chơi với gia đình, với bạn bè... nhưng thời gian ít khi cho phép mình thực hiện được tất cả. Phải làm những việc quan trọng trước, và hy sinh những điều khác...” Thắng nói.
....hay Yale? (Hình: gia đình cung cấp)
Với Thắng, lấy nhiều lớp khó và chỉ huy nhóm tình nguyện viên là đồng nghĩa chấp nhận việc ngủ ít đi và không có giờ cho các sở thích khác như xem phim bộ hay học thể thao.
Nhưng với Thắng, sự hy sinh lớn nhất về thời gian vẫn là những lần không thể cùng ba mẹ đi ăn, đi chợ, hay phải bỏ lỡ một buổi gặp mặt của người thân.
“Hồi đó lúc mới qua thì tôi cũng lo không biết tụi nó có tiếp cận được văn hóa và lối sống ở Mỹ không. Nhưng chắc nhờ tụi nó biết ba mẹ đi làm cực, nên đứa nào cũng lo học. Thắng học giỏi cũng có công của chị nó làm gương,” ông Kế Diệp nói về con gái lớn Châu Diệp và con trai Thắng Diệp. “Trong sáu trường cháu xin học, thì hai trường giỏi nhất mà cháu đang băn khoăn chọn lựa lại là hai trường xa nhà nhất. Dù thế, và dù cháu chọn Harvard hay Yale, thì ba mẹ cũng tin tưởng và ủng hộ.”
Vậy thì, Harvard hay Yale?
Dù Thắng Diệp chọn đại học nào đi nữa, Harvard, hay Yale, hay bất kỳ trường nào khác, ý chí mạnh mẽ đằng sau tiếng cười luôn giòn tan của Thắng sẽ là chìa khóa mở ra mọi cánh cửa dẫn đến thành công.