Qua hơn hai thập niên hoạt động, đoàn đào tạo nhiều lớp nhạc sĩ thiếu nhi và thiếu niên, mỗi năm đến trình diễn tại khắp các nơi. Không chỉ gìn giữ dòng nhạc dân tộc cho người Việt trên đất Mỹ, Lạc Hồng còn quảng bá nét văn hóa này đến với cộng đồng các sắc dân khác.
FOUNTAIN VALLEY, California (NV)- Đêm nhạc kỷ niệm 25 năm Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng hôm Thứ Bảy, 8 Tháng Mười Một, không chỉ là sự kiện đánh dấu hành trình hơn hai thập niên mà đoàn đã ra sức truyền niềm đam mê nhạc cổ truyền cho thế hệ trẻ, mà còn là một đêm văn nghệ rực rỡ dành cho những hàng ghế chật kín khán giả của rạp Saigon Performing Art Center.
Thiếu nhi đoàn Lạc Hồng đàn, ca, và múa bản Một Mẹ Trăm Con. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Với các màn trình diễn điêu luyện đầy màu sắc, các điệu dân ca tiêu biểu của ba miền đất Việt, những tiết tấu lúc êm dịu nhẹ nhàng, lúc giục giã gọi mời, đoàn Lạc Hồng đưa khán giả vào thế giới mê hoặc của nhạc cụ Việt Nam: từ đàn đáy, đàn tranh, đàn bầu, đến chiêng, trống, phách...
Bên cạnh đó, lễ kỷ niệm 25 năm Lạc Hồng có sự tham gia trình diễn của một số khách mời là những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực nhạc cổ truyền dân tộc, như nhạc sĩ Võ Vân Ánh với các bản nhạc mà chính bà sáng tác và phá cách, Thúy Anh hát chèo kiểu Bắc, Lê Hồng Quang với hai điệu lý miền Trung, ca sĩ Duy Trường với câu vọng cổ Nam bộ, nghệ sĩ Xuân Mỹ và Minh Hùng trong trích đoạn cải lương, cũng như nhiều ca nghệ sĩ khác.
Thành viên ban điều hành và ban quản trị đại diện nhận bằng tưởng lục từ các vị dân cử. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng là một phần quan trọng của Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống, thành lập vào những năm 1988- 1989 từ một nhóm nhỏ vài người yêu mến nhạc cổ truyền dân tộc.
Qua hơn hai thập niên hoạt động, đoàn đào tạo nhiều lớp nhạc sĩ thiếu nhi và thiếu niên, mỗi năm đến trình diễn tại khắp các nơi. Không chỉ gìn giữ dòng nhạc dân tộc cho người Việt trên đất Mỹ, Lạc Hồng còn quảng bá nét văn hóa này đến với cộng đồng các sắc dân khác.
Trong đêm kỷ niệm 25 năm thành lập đoàn Lạc Hồng, nhiều nhà lãnh đạo địa phương có mặt để cảm ơn đoàn đã góp phần giúp gìn giữ văn hóa dân dân tộc Việt. Dân cử tiểu bang tại địa hạt và dân cử các thành phố Westminster, Garden Grove, Fountain Valley, là một vài ví dụ tiêu biểu.
Các thành viên quản trị đoàn Lạc Hồng sau vài phút ngắn ngủi xuất hiện trên sân khấu để chào khán giả và nhận bằng tưởng lục, nhường lại sân khấu cho nghệ sĩ biểu diễn.
Những ngón đàn của các em đoàn Lạc Hồng đã giải thích cho những vô số lời khen ngợi mà đoàn có được.
Trên Đỉnh Phù Vân với vũ đoàn Việt Cầm múa phụ họa. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Những tiếng trống, tiếng chiêng giục giã nhan chóng dấy động khán phòng với tiết mục khai mạc, Hùng Sử Việt Nam. Dàn trống tiếp tục làm nền cho những em nhỏ hơn trình diễn điệu vũ Một Mẹ Trăm Con trong phục trang tộc người Gia Rai. Từ đây, khán giả được du ngoạn qua các vùng miền Việt Nam với các âm hưởng từ Bắc đến Nam.
Hát xẩm và hát chèo lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Lạc Hồng, nhanh chóng chinh phục khán thính giả. Chỉ với đàn đáy và phách, tiếng ngân điêu luyện của hai nữ ca sĩ đưa chất Bắc ngập tràn khán phòng, với bài xẩm Tiếng Chảy Đôi Dòng. Nữ nghệ sĩ đơn ca trích đoạn chèo Đường Trường Tiếng Đàn với sự duyên dáng xen chút đanh đá của gái Bắc cũng lưu lại dấu ấn khó quên.
Các tiết mục dựa theo làn điệu xứ Bắc biến tấu thật đa dạng, phong phú: Trên Đỉnh Phù Vân vốn ma mị nay có thêm phần biên đạo múa ấn tượng của vũ đoàn Việt Cầm, Bài Thơ Trên Võng do Giáo Sư Châu Nguyễn sáng tác và chính hai học viên Lạc Hồng trình bày êm đềm, trong khi bản Vũ Nón Quai Thao lại lả lướt, đủ sắc màu.
Nhạc sĩ khách mời Võ Vân Ánh biễu diễn đàn T-rưng. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Hai bài lý quen thuộc, Lý Qua Đèo và Lý Ngựa Ô, đưa khán giả rời Bắc để đến xứ Huế mộng mơ. Nhạc sĩ khách mời, Võ Vân Ánh, xuất hiện và trình bày ba bản nhạc dân tộc với ba nhạc cụ khác nhau, trong đó có đàn T-rưng, khiến khán giả trầm trồ thích thú. Các em nhỏ đoàn Lạc Hồng giới thiệu thêm những bản nhạc của các dân tộc vùng núi miền Trung với sự đáng yêu của mình, trong Chiều Trên Cao Nguyên và điệu múa Koho.
Dàn nhạc Lạc Hồng hòa tấu bản Khúc Hoan Ca để mở đầu cho phần thứ hai chương trình. Từ sự hào hùng gọi quân ra trận đến sự mừng vui thắng trận, các tiết tấu trên sân khấu làm chủ không khí và cảm xúc của khán giả.
Dàn nhạc hòa tấu. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Những giai điệu ngọt ngào của miền Nam, Lý Con Sáo Bạc Liêu, câu vọng cổ, và một trích đoạn cải lương, được các ca sĩ và nhạc sĩ trau chuốt, gởi đến người nghe.
Khán giả cũng được thưởng thức phần vũ đạo vừa chuyên nghiệp vừa đáng yêu trong Vũ Trống và Vỗ Cái Trống Cơm của các em đoàn Lạc Hồng và Việt Cầm.
Nhiều loại trống được sử dụng trong chương trình. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Sau khi khiến khán giả ngạc nhiên thích thú với bản nhạc phim God Father trình tấu bằng đàn bầu, chương trình khép lại với tiết mục hợp xướng do chính Giáo sư Châu Nguyễn, giám đốc nghệ thuật của Lạc Hồng và là thầy của biết bao lớp thiếu nhi trong đoàn, trực tiếp điều khiển.
Như MC Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng bày tỏ, lời hát trong liên khúc Hát Chèo Thuyền- dân ca miền Bắc và Tiếng Dân Chài- một tác phẩm tân nhạc của Phạm Đình Chương, nói lên được tinh thần “dù bao khó khăn vẫn sẽ giữ vững tay chèo” của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.
Giáo sư Châu Nguyễn điều khiển bản hòa tấu kết thúc chương trình. (Hình: Thiên An/Người Việt)
Dù đêm ca vũ nhạc kéo dài đến gần khuya, nhiều khán giả nán lại sau chương trình để dành tặng những tràng pháo tay và những lời khen tặng cho những công sức và thành quả của đoàn trong thời gian qua.
Chứng kiến những em bé ngày nào còn bỡ ngỡ trước những dây đàn tranh, đàn bầu, nay đã trở thành những thanh niên, thiếu nữ, không chỉ biết tiếng Việt và chăm chỉ tập dượt mà còn giúp thầy giúp cô đào tạo các lớp nhỏ hơn, những ai đã tin tưởng vào thế hệ trẻ và tin tưởng vào Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trong những thập niên qua có lẽ đang rất hãnh diện về niềm tin đó.