Cũng nhờ đó, mỗi năm hội có thể có từ $4,000 đến $8,000 để giúp đỡ cho các anh em và gia đình ở Việt Nam,
GARDEN GROVE, California (NV) - “Ở bên đây có một số anh em cựu chiến sĩ Người Nhái còn nghĩ đến những anh em thương phế binh Người Nhái và gia đình tử sĩ còn đang ở Việt Nam, thành ra anh em mới ngồi lại với nhau tìm cách gây quỹ để có một ít ngân khoản gởi về giúp họ.”
Nghi thức khai mạc buổi dạ tiệc gây quỹ của Liên Đoàn Người Nhái.
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Đó là lời của cựu Người Nhái VNCH Phan Tấn Hưng nói với nhật báo Người Việt trong đêm Liên Đoàn Người Nhái Hải Quân VNCH tổ chức dạ tiệc gây quỹ tại Quốc Dương Dance Studio, Garden Grove, vào tối Thứ Sáu vừa qua.
Ông Hưng cho biết thêm, để thực hiện cho việc làm từ thiện này, lúc đầu, các anh em cựu Người Nhái bỏ tiền ra để đóng nguyệt liễm, nhưng số tiền thu được so với số cần thiết để giúp cho những anh em còn tại quê nhà không đủ, vì thế, họ tổ chức những buổi dạ tiệc để gây quỹ thêm.
Ông nói tiếp, “Hội Ái Hữu Liên Đoàn Người Nhái được thành lập vào năm 2003, đến nay cũng được 11 năm qua. Mỗi năm hội có tổ chức một lần vào mùa Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), chỉ trừ năm 2013, nghỉ một năm, vì mỗi lần tổ chức, họ rất hồi hộp vì sợ bị lỗ! Và như thế, sẽ bị mất nhiều công sức và cũng chẳng thu được tiền gởi về cho anh em và gia đình tử sĩ trong nước.”
Ban hợp ca Người Nhái trình diễn bài “Tình Yêu Thủy Thủ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Ngoài ra, những anh em có lòng trả nghĩa cho đồng đội, không có phương tiện nào khác ngoài việc tổ chức dạ tiệc gây quỹ. Và mỗi lần tổ chức thì nhờ có một số mạnh thường quân giúp đỡ, nếu bán vé không được nhiều, thì được số mạnh thường quân yểm trợ rất đông, thành ra trong 11 năm qua, chưa có năm nào tổ chức bị lỗ cả. Cũng nhờ đó, mỗi năm hội có thể có từ $4,000 đến $8,000 để giúp đỡ cho các anh em và gia đình ở Việt Nam,” ông Hưng nói thêm.
Trở lại buổi dạ tiệc gây quỹ, các thành viên trong ban tổ chức phần nhiều mặc quân phục Người Nhái. Có một số nữ ca sĩ đến yểm trợ cho buổi dạ tiệc cũng mặc đồ của binh chủng Người Nhái, có người mặc đồ hải quân và nhiều binh chủng khác trong QLVNCH.
Có rất nhiều đồng hương đến tham dự trong buổi dạ tiệc, và rất nhiều mạnh thường quân đến hỗ trợ cho hội. Trong số mạnh thường quân giúp đỡ có vũ sư Quốc Dương và cô Kim Ly, đứng ra tổ chức buổi dạ tiệc giúp cho hội.
Sau nghi lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Thuận, hội trưởng, có đôi lời cảm ơn mạnh thường quân và đồng hương đến tham dự.
Ông nói, “Sự hiện diện và ủng hộ của quý vị hôm nay chứng tỏ là quý vị vẫn còn nhớ tới những chiến sĩ vô danh đã dâng mạng sống của mình cho tổ quốc, hay đã hy sinh một phần thân thể cho dân tộc. Nhân dịp này, Hội Ái Hữu Liên Đoàn Người Nhái, Hải Quân QLVNCH, xin thay mặt cho gia đình tử sĩ và thương phế binh Người Nhái đang ở Việt Nam, chân thành cảm tạ quý vị.”
Ban tổ chức cho chiếu đoạn phim dài hơn 30 phút gồm 3 tiết mục: (1) Trận hải chiến Hoàng Sa giữa hải quân VNCH và Trung Quốc vào ngày 19 Tháng Giêng, 1974. (2) Tuyên ngôn của chính phủ VNCH. (3) Ba môi trường hoạt động của đơn vị Người Nhái.
Trong phần dạ tiệc có chương trình văn nghệ đặc biệt với sự đóng góp của nhiều ca nghệ sĩ địa phương và những tiếng hát trong thân hữu của Người Nhái, và phần xổ số gây quỹ.
Được biết từ ban tổ chức, tất cả những số tiền gây quỹ không ai được đụng ới, kể cả có xảy ra những việc gì cần hội giúp đỡ về tài chánh thì hội cũng không thể giúp được mà số tiền này chỉ đặc biệt gởi về cho thương phế binh và cô nhi quả phụ trong gia đình của Người Nhái đang sống tại quê nhà mà thôi.
Những cựu chiến binh và gia đình Người Nhái còn ở Việt Nam được chia làm ba toán, bởi vì hội không thể giúp đỡ hết một lần. Có khoảng 75 gia đình nằm trong danh sách được hội hỗ trợ hàng năm, gồm có: Toán A được ưu tiên đầu tiên gồm thương phế binh và gia đình tử sĩ. Kế đến là toán B gồm những gia đình nghèo, vì còn một số gia đình không có nhà để ở, họ phải che tạm bên vách nhà của người khác hoặc sống dưới những gầm cầu. Và toán C là gia đình con cái cần có việc làm để phụ giúp cho họ.
Ông Phan Tấn Hưng (trái), cựu chỉ huy trưởng Liên Đội Người Nhái năm 1964, và
ông Nguyễn Văn Thuận, Hội Ái Hữu Liên Đoàn Người Nhái. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Thương phế binh thì càng ngày càng ít, bởi vì họ từ từ qua đời, nhưng mỗi khi có một thương phế binh tạ thế, người quả phụ của họ được đưa qua danh sách của gia đình tử sĩ. Vì thế, số lượng thương phế binh thì càng ngày càng giảm và số cô nhi quả phụ thì càng ngày càng tăng. Và từ ngày hội thành lập đến giờ, chưa có kỳ nào hội có đủ khả năng để gởi tiền về cho những gia đình nằm trong toán C cả.
Cũng theo ông Phan Tấn Hưng, từng là chỉ huy trưởng Liên Đội Người Nhái vào năm 1964, Lực Lượng Người Nhái khi mới thành lập được gọi là Liên Đội Người Nhái và được thành lập chánh thức từ năm 1965, nhưng thật ra đã có văn thư thành lập từ năm 1963 vì chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã quyết tâm thành lập đơn vị Người Nhái kể từ năm đó. Lúc này, người Mỹ không chịu huấn luyện, nên chính phủ VNCH đã gởi 16 khóa sinh Người Nhái đầu tiên được đưa đi huấn luyện tại Đài Loan. Và khi học xong khóa này, họ về huấn luyện lại cho những Người Nhái khác.
Đến năm 1969, Mỹ mới bắt đầu huấn luyện đơn vị Người Nhái tại Việt Nam. Lúc đó, đơn vị Người Nhái còn được gọi là Biệt Hải, gồm ba nhóm: Biệt Hải Đà Nẵng, Biệt Hải Năm Căn, và Biệt Hải Sở Phòng Vệ Duyên Hải.
Đến năm 1970, vì nhu cầu chiến trường, quân số Người Nhái lên đến 600 người, kể từ đó, Bộ Tổng Tham Mưu mới cho cải danh là Liên Đoàn Người Nhái.