Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc.
Tàu Cap Anamur. File photo
Đại Hội 35 Năm Cap Anamur, kỷ niệm ngày tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi cứu người vượt biển Việt Nam 35 năm trước, sẽ diễn ra trưa thứ Bảy ngày 9 tháng Tám, giờ địa phương tại cảng Hamburg thuộc thành phố Hamburg Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức
Thành phố Hamburg rộng thứ nhì nước Đức có nhiều người Việt sinh sống, có hai tượng đài thuyền nhân Việt Nam, một trong nghĩa trang thành phố từ năm 2006 và một tại cảng Hamburg từ năm 2009. Cảng Hamburg là nơi 35 năm trước tàu Cap Anamur bắt đầu ra khơi để thực hiện công tác nhân đạo tìm kiếm và vớt người vượt biên Việt Nam:
“Ngày 9 tháng Tám năm 1979 con tàu Cap Anamur bắt đầu khởi hành từ Hamburg, chuyến cuối cùng thì tàu cũng cập cảng Hamburg tháng Tám năm 1986. Ngày 9 tháng Tám năm 2014 kỷ niệm 35 tàu Cap Anamur cứu vớt thuyền nhân được làm ở tại Hamburg. Cộng đồng người Việt tị nạn toàn nước Đức nói chung và ở tại Hamburg nói riêng chân thành cảm ơn ông Neudeck và dân tộc Đức đã mở lòng nhân đạo, cứu vớt và nhận cho thuyền nhân Việt Nam được cư ngụ tại nước Đức.”
Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang.
-Lê Ngọc Tùng
Đó là lời ông Nguyễn Đình Phúc, một thành viên trong ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur, có người anh cả được tàu Anamur vớt hồi năm 1980.
Cap Anamur là kết quả vận động của một nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck, sau khi nghe thấy tin tức và những hình ảnh thương tâm về thuyền nhân vượt thoát khỏi Việt Nam bằng cách ra biển trên những chiếc ghe mong manh nhỏ bé.
Từ năm 1979 cho đến 1987, những chiếc tàu của Ủy Ban Cap Anamur, đã vớt tổng cộng 11.300 thuyền nhânViệt rồi đưa họ về bến an toàn. Trong mắt thuyền nhân Việt Nam tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, tàu Cap Anamur, tiến sĩ Rubert Neudeck, Ủy Ban Cap Anamur là những vị cứu tinh, những tên tuổi gắn liền với giòng lịch sử vượt biên gian nan của người Việt sau 1975.
Theo ông Lê Ngọc Tùng, cựu thuyền nhân, hiện là hội trưởng Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hamburg, nếu không có những chiếc tàu Cap Anamur đi vớt người vượt biên từ 1979 đến 1987 thì:
“Thống kê cho biết khoảng hai trăm ngàn người Việt Nam đi tìm tự do đã chết giữa biển. Nếu không có con tàu Cap Anamur thí chắc chắn số người chết giữa biển vì gặp hải tặc, bị sóng cuốn, bị thiếu lương thực vân vân sẽ rất là nhiều. Cap Anamur là con tàu của tình thương, đã vớt tổng cộng 11.300 người tất cả. Và không chỉ đơn giản 11.300 người này mà 11.300 người này sau đó còn bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang nữa để có một cuộc sống tự do.”
Nhà hảo tâm người Đức, tiến sĩ Rupert Neudeck. File photo.
Chính vì thế năm 2009 thêm một tượng đài tri ân chính phủ và người dân Đức được dựng lên tại cảng Hamburg. Đại Hội 35 năm Cap Anamur hôm nay cũng được tổ chức tại cảng này.
Một cư dân Hamburg trong Ủy Ban Cap Anamur, ông Nguyễn Hữu Huấn, từng được tàu Cap Anamur vớt, sau trở lại làm việc trên những chuyến tàu ra khơi cứu người này, kể lại:
“Năm 1980 tôi đi vượt biên lần thứ ba, ghe của tôi bị hải tặc cướp hai lần. Khi ghe lênh đênh ngoài biển và không còn dầu nhớt nữa, máy đã bị hư, thì chúng tôi được tàu Cap Anamur cứu.
Lúc đó trên tàu Cap Anamur có chiếc trực thăng, thấy được ghe của tụi tôi và tàu đã đến cứu, đó là khoảng tháng Ba năm 1980. Lúc đó cảm giác như là được sống lại, nhìn thấy con tàu đồ sộ, cái ghe của mình quá nhỏ nà con tàu thì quá to thì chúng tôi rất bàng hoàng, có thể nói là được một lần nữa tái sinh.
Thật tình mới đầu chúng tôi không biết đó là tàu của người Đức, nhưng sau khi biết chắc chắn đó là tàu của Tây Đức thì chúng tôi rất mừng. Tôi đã ôm chầm những người thủy thủ và tôi rớt nước mắt. Một số các em nhỏ thì chúng tôi phải bê lên từng người bởi vì đã bị say sóng hoặc là bị bọn hải tặc hiếp. Những người còn khỏe mạnh cũng vậy, trong ghe có một bà cụ lúc đó đã quì lạy từng người một. Cho đến ngày hôm nay những người được tàu Đức vớt, cũng như cá nhân tôi, đều biết ơn chính phủ Đức và những người đã tạo ra Ủy Ban Cap Anamur cứu sống cả đời chúng tôi.”
Hoàn tất sứ mạng cứu người
Thực tế, vì được tài trợ bởi chính phủ và người dân Tây Đức lúc bấy giờ, Ủy Ban Cap Anamur do tiến sĩ Rupert Neudeck thành lập đã có được 4 chiếc tàu trang bị như một bệnh xá di động. Cả 4 tàu Cap Anamur đều hoàn tất ngoạn mục sứ mạng vớt người trên biển cho đến khi chấm dứt năm 1987. Vẫn lời ông Nguyễn Hữu Huấn:
Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc.
-Nguyễn Hữu Huấn
“Ủy Ban Cap Anamur lấy mỗi con tàu đều là tên Cap Anamur hết. Bốn con tàu đi liên tiếp nhau chứ không phải đi vớt một lần bốn chiếc. Tôi được chuyến Cap Anamur số 1 vớt. Tàu Cap Anamur số 1 đi vớt người từ 1979 đến 1982, chia thành 29 chuyến thì đã vớt được 199 chiếc ghe. Tôi được chính phủ của tiểu bang Hamburg cho đi học tiếng Đức trong vòng 11 tháng. Cuối năm 81 tôi bắt đầu trở thành thành viên của Ủy Ban Cap Anamur, lên tàu đi vớt người ta tiếp và tôi đã đi liên tục trong 5 năm rưỡi. Cho đến khi chấm dứt vào năm 1987 thì chính thức ra năm 87 là tàu Cap Anamur số 4.
Rồi sau khi các trại tị nạn đã đóng cửa tất cả rồi, nghĩa là không được vớt người nữa và các nước không nhận người nữa thì những con tàu về sau là Năm và Sáu không vớt người mà chỉ dẫn dắt và cứu hộ trên con đường vượt biển, tìm cách đưa họ vào trại tị nạn thôi.”
Được biết những năm trước thì lễ kỷ niệm tàu Cap Anamur vẫn diễn ra tại thành phố Troisdorf mà tiến sĩ Rupert Neudeck đang sinh sống, cũng là nơi một chiếc ghe của người vượt biển được kéo về và trưng bày ở đó. Lý do Đại Hội 35 Năm Cap Anamur lần này được tổ chức tại cảng Hamburg là vì:
“Đây là lần đầu tiên tổ chức tại Hamburg, thứ nhất tại cảng Hamburg cách đây 5 năm đã có một bia biểu tượng tị nạn được đặt ngay tại cảng của Hamburg, đánh dấu nơi phát xuất và trở về của tất cả các con tàu Cap Anamur.
Lý do thứ hai, cũng là yêu cầu của tiến sĩ Rupert Neudeck người sáng lập Ủy Ban Cap Anamur hiện tại đã 75 tuổi và rất yếu, nói rằng đây có thể là lần cuối cùngthì ông mong muốn tổ chức ngày kỷ niệm 35 năm tại cảng đó.”
Ban tổ chức Đại Hội 35 năm Cap Anamur ước lượng khoảng một nghìn người Việt khắp nơi cũng như ở Hamburg về tham dự sự kiện đặc biệt này. Buổi lễ chính sẽ bắt đầu lúc 1 giờ rưỡi trưa ngày 9/8, giờ địa phương, với sự hiện diện của cựu phó thủ tướng Muetefering và đương kim phó thủ tướng người Đức gốc Việt Philipp Roesler, bên cạnh một số viên chức chính phủ liên bang hoặc tiểu bang trước kia cũng như hiện nay. Ngoài ra còn có vị tổng giám mục của tiểu bang Hamburg trong dịp này.
Đại Hội Cap Anamur lần thứ 35 sẽ kết thúc bằng một chương trình văn nghệ ca nhạc vào buổi chiểu, đánh dấu sự tri ân và dịp hội ngộ của những thuyền nhân may mắn được những chiếc tàu Cap Anamur cứu thoát từ đại dương mênh mông.