main billboard

Một chút nỗi niềm của anh chàng phụ trách phần điếu văn trong ngày Hội Ngộ K2.

 


Từ hơn hai tháng trước ngày hội ngộ của các cựu SVSQ khóa 2 Học Viện CSQG tổ chức tại Nam Cali, tôi đã được anh Nguyễn Ngọc Thụy, một thành viên trong ban tổ chức yêu cầu soạn một bài “Tưởng Niệm Những Đồng Môn Đã Khuất”. Anh Thụy cũng đề nghị chính tôi sẽ đọc bài tưởng niệm này trong ngày hội ngộ. Đây là một việc làm đầy ý nghĩa nên dù biết khó khăn tôi vẫn nhận lời. Nhận lời xong tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là dịp để bày tỏ tình cảm thắm thiết gắn bó giữa những đồng môn còn sống và những đồng môn đã khuất. Lo vì việc đọc điếu văn rất khó, bộ môn này thật tình tôi chưa được học bao giờ mà chỉ đọc liều.
Trước đây chừng 8, 9 năm, hội cựu tù nhân chính trị Sacramento có tổ chức một buổi tưởng niệm anh linh các quân dân cán chính nạn nhân của CSVN tại thủ phủ Sacramento. Muốn cho cuộc lễ thêm phần ý nghĩa, nhiều hội viên đã đề nghị phải có phần văn tế. Cuối cùng Hội đã nhờ tôi soạn bài văn tế. Bài văn tế tôi viết tuy không đúng luật hoàn toàn nhưng về ý nghĩa thì cũng tạm được. Viết xong, vì kiếm không ra người đọc Hội lại giao nốt việc đó cho tôi. Thật tình tôi chỉ biết ngâm thơ mà cũng chỉ ngâm mò dã chiến tùy hứng chứ chẳng biết luật lệ gì cả. Nhưng nghĩ đã mất hết mấy ngày sửa đi sửa lại bài văn mà không dùng thì uổng lắm, tôi đành phải “đọc liều”. Không ngờ sau buổi lễ ấy nhiều người đã khen ngợi tôi đọc văn tế hay.
Nhiều năm sau đó, mỗi khi hội cựu TNCT Sacramento tổ chức lễ tưởng niệm tôi đều được giao phụ trách việc soạn và đọc điếu văn. Trong các buổi lễ tưởng niệm đó có một lần có phái đoàn của hội ái hữu CSQG Bắc Cali đến dự. Trong phái đoàn ấy có hai anh Thái Văn Hòa và Nguyễn Ngọc Thụy. Thấy tôi đọc điếu văn cũng “ra phết” hai anh Hòa và Thụy có vẻ hài lòng.
Thế rồi trong dịp Ủy Ban Hoàng Sa của GS Nguyễn Văn Canh tổ chức ngày Hoàng Sa tại San Jose, hình như là năm 2009, anh Thái Văn Hòa đã nhờ tôi soạn và đọc bài văn tế những chiến sĩ hải quân đã hi sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược năm 1974 (tài liệu để soạn do anh Hòa thu thập).
Chưa dừng ở đó, vào năm 2011 mới đây, trong dịp lễ giỗ cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tại Sacramento với sự có mặt của phu nhân Tổng Thống và nhiều tướng lãnh cùng nhiều viên chức hành chánh cao cấp của chế độ VNCH tôi cũng được ban tổ chức cử đọc điếu văn (do người trong ban tổ chức đã soạn sẵn).
Nói chung, tôi đã trải qua năm sáu lần đọc điếu văn. Mà thật tình mỗi lần được giao nhiệm vụ đó lòng tôi lại hồi hộp, lo lắng nhiều ngày. Không hồi hộp lo lắng sao được khi tôi biết tôi hơn ai hết, mình chỉ là thứ “hàng dổm”. Dù đọc thơ có hay mấy mà thay thế cho điếu văn nó cũng làm giảm tính chất “hồn xưa” rất nhiều. May mắn là tôi chưa thấy ai trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ trích những sai lầm.
Có lẽ vì những vậy mà anh Nguyễn Ngọc Thụy đã thản nhiên giao nhiệm vụ soạn và đọc bài tưởng niệm những anh linh cựu SVSQ K2 Học Viện CSQG nhân ngày hội ngộ 46 năm cho tôi.
Riêng tôi, lần này tôi cảm thấy lo lắng gấp bội các lần trước. Bởi lần này tôi phải soạn và đọc một bài tưởng niệm cho chính những anh em gần gũi nhất, cùng được luyện tài trau đức, cùng học cùng chơi dưới một mái trường Học Viện CSQG thân yêu với mình trong một thời gian mà nay họ đã khuất bóng. Tôi đã cố gắng viết một bài tưởng niệm thật ngắn gọn mà tương đối có ý nghĩa. Viết xong tôi đã chuyển cho một số anh em trong ban tổ chức xem để góp ý sửa đổi đàng hoàng. Bài tưởng niệm đó như sau:

Hoi Ngo_K2_232_1

TƯỞNG NIỆM CÁC ĐỒNG MÔN K2 HỌC VIỆN CSQG ĐÃ KHUẤT

Hỡi ơi,
Bốn mươi sáu năm xưa,
Ngàn chin trăm sáu bảy,

Bọn chúng ta cùng đầu xanh tuổi trẻ
Ôm chí trai hùng vùng vẫy bốn phương
Học Viện gặp nhau chung luyện trí đúc hồn
Nung nấu tài năng chờ ngày giúp nước!

Rồi tung cánh khắp bốn vùng chiến thuật
Kẻ Thành đô, người Bến Hải, Cà Mâu
Dù hậu phương hay lăn lộn tuyến đầu
Đều quyết một lòng vì dân trừ bạo!

Rủi vận nước đang gặp hồi suy bại
Khiến lũ bất lương đắc thế lăng loàn
Rước voi giày mồ, đất mẹ tan hoang
Đẩy dân lành xuống chín tầng địa ngục!

Hôm nay, chúng tôi
Những kẻ lưu vong may còn sống sót
Má hóp da nhăn, bạc thếch mái đầu
Tụ về đây ôn lại thuở bên nhau
Lòng chạnh xót cảnh người còn kẻ mất!

Vì lẽ đó, chúng tôi
Đốt hương tưởng niệm những đồng môn đã khuất
Bởi bệnh tật, già nua hay vị quốc vong thân
Dù nấm ấm mồ cao hay áo đất quan sương
Xin cầu nguyện thảy siêu sinh vĩnh cửu!

Cỗ bàn tuy đơn sơ
Hương hoa bánh trái
Vài chén rượu nồng
Nhưng mặn ân tình cố cựu thủy chung
Các đồng môn linh thiêng
Xin về đây chứng giám!

Thương ôi!
Thượng hưởng!
Hoi Ngo_K2_233
Sau khi bài tưởng niệm đã được coi như ổn định, tôi bắt đầu tập đọc. Lần này tôi muốn được đọc bài tưởng niệm theo giọng điếu văn thứ thiệt. Tôi ở gần nhà một người bà con là anh Trần Duy Phô, một người có giọng tốt đọc điếu văn hay tuyệt. Tôi đưa bài tưởng niệm trên cho anh Phô đọc thử, nghe anh đọc thật không thể chê vào đâu được! Đáng tiếc lúc ấy anh Phô đang bận chuẩn bị đi VN có việc. Thành ra tôi chỉ nhờ anh tập cho một lượt: anh đọc và tôi đọc theo. Sau lượt đọc ấy, một mình đọc lại tôi có cảm tưởng như chẳng còn khó khăn gì nữa. Ít nhất tôi cũng bắt chước anh được sáu bảy phần mười. Thế này thì không đáng lo nữa, về nhà tự tập cũng xong.
Nghĩ là thời gian còn dài, về nhà tôi tạm xếp bài tưởng niệm ấy lại để làm công việc khác. Nhưng chừng một tuần sau đem ra đọc lại thì ôi thôi, cái chất giọng điếu văn đã lặn đâu mất tiêu! Tôi cố nhẩm đi nhẩm lại để tìm lại nó nhưng không sao tìm ra được. Mấy ngày kế tiếp tôi vẫn cố thử tìm lại nhưng vẫn bất lực. Thôi thì cứ đọc theo kiểu ngâm thơ đợi khi anh Phô đi VN về hãy hay.
Khi anh Phô trở lại Mỹ thì ngày hội ngộ 46 năm của K2 đã gần kề. Trước khi về Santa Ana dự hội ngộ tôi lại ghé nhà anh Phô để nhờ anh hướng dẫn đọc lại cho đúng giọng điếu văn. Cũng như lần trước, vừa được hướng dẫn là tôi có cảm thấy như đã thuộc làu. Về nhà rảnh lúc nào là tôi nhẩm đi nhẩm lại cái giọng điếu ấy và chắc mẩm khi đọc nó trong cuộc hội ngộ sẽ gây nhiều xúc động cho thính giả.
Sáng thứ sáu 25/10 vợ chồng tôi cùng vợ chồng anh Trần Văn Hoàng đáp xe đò Hoàng đi Santa Ana. Chúng tôi ở lại nhà đứa con gái của tôi. Tại đây tôi lại đem bài tưởng niệm ra nhẩm đi nhẩm lại và rất mừng khi thấy không còn trở ngại gì.
Sáng thứ bảy 26/10, trước khi đi dự buổi tiền hội ngộ tại tư gia anh Trần Văn Tuất tôi lại đem bài tưởng niệm ra ôn. Một lần nữa tôi lại giật mình: cái giọng điếu văn tôi đọc hôm qua nay lại biến mất. Tôi cố thử đủ giọng cao giọng thấp khi mở đầu nhưng dù thế nào nó vẫn cứ lệch vào giọng ngâm thơ. Cái “vết xe ngâm thơ” như chờ sẵn, cứ cất giọng lên là nó sa vào tôi không sao cưỡng lại được! Đành phải chờ “thầy” hướng dẫn lại thôi.
Sau khi dự buổi tiền hội ngộ xong tôi gọi phone về anh Phô để nhờ hướng dẫn lại. Lần này tôi cẩn thận hơn, bảo đứa con gái tôi thu thanh khi anh Phô đọc để bắt chước đọc đi đọc lại cho chắc ăn. Trước khi ngủ tôi vẫn còn nhẩm đi nhẩm lại nó. Sáng hôm sau, tức là hôm hội ngộ chính thức tôi cẩn thận dành hết thì giờ vào việc ôn luyện. Khi đã tới nhà hàng điểm hẹn hội ngộ, dù gặp nhiều bạn bè tay bắt mặt mừng thăm hỏi đủ điều nhưng đầu óc tôi vẫn không rời khỏi bài văn tưởng niệm. Nỗi hồi hộp lo ngại cứ bám lấy tôi. Giờ này mà lạc giọng nữa thì hết phương! Có thể nỗi lo đó đã khiến tôi phát sinh nhiều khiếm khuyết trong việc xã giao.
Càng gần tới giờ hành lễ tôi càng hồi hộp. Nhưng tôi cũng có chút mừng vì lúc đó tôi vẫn còn ôn nhẩm được cái giọng điếu văn mà tôi cần.
Nhưng rồi trong lúc tôi đang ngồi tiếp tục ôn nhẩm thì anh bạn cũ Nguyễn Khắc Sanh đến. Sanh không phải chỉ là bạn đồng k2 với tôi mà còn là bạn học cùng lớp ở trường Quốc Học Huế nhiều năm trước kia. Tất nhiên là Sanh không biết “nỗi riêng” của tôi lúc ấy. Anh vô tư vui mừng nói chuyện với tôi làm tôi bối rối. Dù rất áy náy tôi vẫn phải tìm cách “trì hoãn khéo” với Sanh để tiếp tục ôn nhẩm bài tưởng niệm.
Nhưng hỡi ơi, sau cuộc nói chuyện với Sanh, cái giọng điếu văn của tôi đã cất cánh bay xa! Tôi đọc lại cách nào nó cũng vẫn chỉ thành ngâm thơ. Trong lúc tôi đang lung túng thì anh Nguyễn Văn Lợi tới kêu lớn:
-Trời ơi, sắp đọc điếu văn rồi sao anh còn ngồi đó?
Tôi giật mình đứng dậy bước lên chỗ hành lễ. Tất nhiên sau đó tôi chỉ còn đọc bài “tưởng niêm những đồng môn đã khuất” bằng cái giọng trọ trẹ thơ Huế. Quả thật đọc điếu văn mà thành ngâm thơ! Nhưng đành vậy chứ biết làm sao?
Thật tình tôi rất thất vọng vì chính tôi! Tôi đã cố gắng để đọc một bài tưởng niệm cho ra hồn theo điệu điếu văn thứ thiệt và đã mất công rất nhiều vì nó nhưng cuối cùng vẫn không thành! Đáng tiếc, còn thêm một điều quan trọng không kém nữa: vì chú quá chú tâm vào cách đọc bài tưởng niệm, tôi đã bị đẩy vào tình thế thiếu tế nhị khi gặp các bạn bè, nhất là với bạn Nguyễn Khắc Sanh. Rất mong khi đọc được những giòng tâm sự này các bạn sẽ hiểu cho tôi.
Về tới nhà tôi mới tức cười tự nhủ: Quả thật không thầy đố mày làm nên! Đồ dổm mà muốn biến thành đồ thiệt thật không phải dễ dàng!

K2 Ngô Viết Trọng