main billboard

Mặt tôi đỏ lên. Tay tôi buông xuôi. Đầu óc tôi vần vũ mang mang. Biết nói chi đây?

lop hoc viet nguMáu gõ đầu trẻ trong tôi chắc đậm đặc lắm. Quanh quất trong nhà trông ra toàn những Đức Khổng đi lui đi tới. Đụng đâu cũng rặt những bộ mặt dạy dỗ thiên hạ không. Không hiểu đầu con nít có cái chi hấp dẫn mà cả ông nội lẫn ông ngoại, cả bố lẫn mẹ, thêm một lô bà cô bà dì ông chú ông cậu, cùng toàn thể anh chị em tôi bỏ cả đời ra mà gõ. Đó là những người tôi biết được. Lên xa hơn nữa, tổ tiên giòng họ tôi chắc cũng chẳng ít cụ không ”ngồi” nơi này thì cũng cầm roi mây nơi khác để cố nhét mớ chữ nghĩa vào những cái đầu chắc nhận nhiều roi vọt hơn là những lời dạy bảo.

Nghề giáo là cái nghề giữ người, đã nhào vô thì như cá vào lờ, chẳng biết làm sao mà chui lọt ra ngoài được. Nhiều lần tôi cũng cố nghĩ ngợi xem cái nghề được tôn phong là cao quí nhưng ít nuôi nổi người một cách đàng hoàng sao lại như một chất nhựa thượng hảo hạng dính quá là dính như vậy. Chẳng lẽ cứ ôm bụng rau để níu vào cái cao quí là lời giải thích thỏa đáng sao? Cứ suy trong bụng mình, tôi thấy cũng náo nức với những nghề hái ra tiền khác lắm chứ. Mà nghề nào, so với nghề giáo, chẳng là những nghề mà đồng tiền như những trái cây vừa chín tới trước mặt, trông thèm dễ sợ. Thế mà trăm người sa chân vào nghề giáo chẳng có lấy được mươi người gữ được chân ra. Nghĩ lung lắm thì cũng có lúc ngộ ra. Cái ngộ của tôi nghe ra cũng xót xa lắm. Đó là một khi đã là thầy rồi thì rất nhác nhớm co chân nhảy ra khỏi cái bục giảng, tuy cái bục giảng chẳng có gì ngoài vài viên phấn trắng lạnh lẽo tung bụi mù trời.

Biết được cái tổ con chuồn chuồn rồi thì dù có càu nhàu, dọa dẫm, bất mãn đến đâu đi nữa, rút cục chân cẳng vẫn cứ dính cứng như bị xiềng bị xích vào chiếc bàn, chiếc ghế mộc mạc đơn sơ. Dính đến nỗi cả giang sơn ngả nghiêng xoay ngược xoay xuôi gì thì tôi cô giáo vẫn cứ là tôi cô giáo. Chạy trời chẳng khỏi nắng, thứ nắng chói chang nhức đầu nhức óc. Nghề giáo của tôi chẳng còn chỉ là bục giảng, viên phấn và tâm huyết của người thầy mà còn là giáo án, lên lớp mẫu, họp tổ, họp nhóm, bồi dưững chính trị, bồi dưững chuyên môn và những nhu yếu phẩm, con cá bồi dưững, miếng thịt tiêu chuẩn treo lủng lẳng trên tay lái xe đạp sau tiết dạy cuối ngày. Cái gọi là thiên chức cao quí co cụm lại cũn cữn như vạt chiếc áo bà ba thế cho tà áo dài nhập nhằng chẳng che nổi đôi chân không dám cựa quậy vùng vẫy. Chỉ tới khi được bảo lãnh, bùi ngùi mà hớn hở bỏ xứ ra đi, chân cẳng mới rời được bục giảng, tay mới hết trắng màu phấn và hồn thì ngất ngơ như nuối tiếc một cái gì không có thật.

Nghề giáo cũ như một người tình của một cuộc tình không trọn vẹn. Nó nằm đâu đó trong tận cùng tâm tư nhưng gặp dịp là ngóc đầu dạy lúc nào không biết. Cú điện thoại của một ông bạn nhà giáo cũ (bạn tôi có ai không phải là nhà giáo không nhỉ?) như viên đá lửa nháng lên làm bùng trong tôi giòng máu cũ.

” Chị khỏe không chị? ”

Giọng nói vừa cẩn trọng vừa cố làm ra thân tình này làm tôi hình dung ngay ra cái dáng người vừa ốm vừa cao của thầy Trọng.

” Anh Trọng phải không? Cám ơn anh, tôi khỏe. Còn anh sao? ”

Cái giọng đầy nhiệt tình ngày xưa hình như chẳng hao hụt với thời gian.

” Lu bu lắm chị ơi. Gọi cho chị để mời chị tiếp tay đây. ”

Rõ chán cho cái tính tham công tiếc việc của ông giáo ham trường ham lớp ngày nào. Định hỏi thăm sức khỏe của ông mà ông để cho cái bàu máu nhiệt tình lấn lên trước. Người như vậy chắc như đinh đóng cột là phải khỏe. Còn phải hỏi han chi. Tôi dẹp cái ngữ ngàng qua một bên để đồng hành với bầu nhiệt huyết của ông bằng một câu nhún nhường cho phải phép.

” Tôi mà làm gì được! Chắc anh hết người rồi sao mà đòi đôi tay già của tôi tiếp vậy? ”

” Tội quá chị ơi! Chị già bộ tôi trẻ à? Việc là việc chung, mình còn làm gì được thì ráng cùng nhau làm chị ạ. Có việc này tôi nghĩ chỉ có chị mới có thể giúp tôi được thôi. Chắc chị không nữ từ chối chứ? ”

Vẫn cái tật quá nhiều nhiệt huyết xưa. Chuyện nói chưa ra đầu ra đũa gì mà tưởng như người nghe đã biết hết rồi. Tôi cười thầm trong bụng.

” Mà anh định sai tôi làm gì đã chứ? ”

” Ấy chết! Chị đừng dạy như vậy tội tôi quá. Chẳng qua là lớp Việt ngữ của Cộng đồng mình thiếu người dạy, tôi định nhờ chị giúp dùm ít giờ. Mà chị đừng có nại cớ bận làm ăn mà từ chối nghe. Ở đây ai cũng bận hết nhưng có thiện chí là có thời giờ à! ”

Ông Giám Học ngày xưa hiện nguyên hình lại. Giao cho ai việc gì thì chặn trước đường rút lui của người ta. Nhưng chắc lần này cú chặn hậu của ông chẳng cần thiết. Nghe thấy được đi dạy lại, cờ lớn cờ nhỏ trong bụng tôi mở tung ra. Tim tôi bắt đầu chạy nước rút. Tôi nhắm mắt cố dằn cơn xúc động. Máu gõ đầu trẻ trong tôi đỏ au trở lại. Tôi run run giọng.

” Giờ giấc ra sao hả anh? ”

” Chị yên tâm. Chỉ dám nhờ chị mỗi tuần ba giờ vào chiều Chủ nhật thôi. ”

” Vâng, anh để cho tôi tính rồi sẽ gọi lại anh sau nghe. ”

Nói cho điệu vậy thôi chứ còn tính toán nỗi gì. Tôi chỉ muốn mặc quần áo đi ngay bây giờ. Tôi lặng người cho những hình ảnh trường lớp cũ ào ạt như những đợt sóng xô đảy nỗi vui sướng của tôi. Rồi phấn sẽ lại nhuộm trắng tay, bảng đen sẽ mở rộng trước mặt và những mái đầu nho nhỏ sẽ ắp đày hạnh phúc tôi.

Lớp học là một tập hợp lạ lùng. Trai có gái có đã đành. Nhưng tuổi tác là một cách biệt rộng rãi. Năm sáu tuổi cũng có mà mười bốn mười lăm cũng có. Cái ngộ nhất là gần nửa lớp là những em lai.Đứa thì nói được tiếng Việt, đứa ngơ ngẩn chỉ biết gật và lắc. Ngay cả đến những đứa Việt hoàn toàn cũng có đứa chỉ nói lõm bõm hoặc hiểu tiếng Việt nhưng miệng cứng ngắc chẳng nói được chữ nào.

Hạnh phúc của tôi coi bộ vất vả. Tôi bặm môi vịn vào lòng yêu nghề mà nhích dần từng bước. Chẳng gì bắt tôi phải cố gắng, chẳng ai trả cho tôi một cắc thù lao, chẳng một chút gì ràng buộc nhưng sao tôi cứ vững chân tỉa dần những chông gai trên đường mà tiến tới.

Tôi thương những mái đầu cái đen cái vàng trước mặt tôi lúc nào không biết. Chúng có cái tội nghiệp của những trẻ mồ côi đang lần bước tìm về nhà. Tôi là người dẫn dắt chúng, cẩn thận dìu từng đứa, chỉ dạy cho từng cái chu miệng phát âm, cầm tay từng đứa vòng vèo viết từng chữ có dấu. Kết quả mỗi tuần như những viên thuốc bổ tiếp sức cho tôi đi tới.

Tôi được khuyến khích bởi những bậc cha mẹ bỏ những giờ nghỉ quí báu đưa đón con đi học một tiếng nói chẳng cần cho cuộc mưu sinh nơi chốn này. Họ nán lại trò chuyện, gợi ý, bàn bạc với tôi. Họ là những người Việt như tôi tuy con họ có thể mang màu tóc khác nên chúng tôi cùng có chung những lo lắng chỉ đường cho đám trẻ tìm về nguồn gốc của chúng.

Monique thì khác. Cô đầm rặt có khuôn mặt thanh thanh này không có một nét đen nào trên tóc, trên lông mày, trên mắt. Chỉ có từng chữ Việt phát âm hoàn hảo thoát ra từ đôi môi biết cười nhưng không biết che kín được hàm răng trắng đều như tấm hình quảng cáo của nha sĩ. Tôi vui với câu chào trong lần đầu gặp gỡ.

” Chào bà. ”

Miệng tươi, đầu cúi thấp, mắt như dè dặt đo độ phản ứng của tôi. Tôi tần ngần chào lại.

” Chào cô. Cô dẫn cháu tới học? ”

Giọng tôi thận trọng chậm rãi. Thật ra câu hỏi của tôi như một thăm dò, tôi chẳng nghĩ là cô đầm trước mặt hiểu được. Thấy tiếng chào của cô vững giọng quá tôi muốn thử cho biết.

” Thưa bà, vâng ạ. Tôi muốn cho cháu tới học vì ông già cháu là người Việt. ”

Tôi ngạc nhiên vì lối phát âm rặt giọng địa phương miền cực nam nước Việt, nơi tôi đã từng có thời ”ngồi” tới sáu năm. Nhưng tôi cũng bấm bụng cười vì lối dùng chữ khá tức cười của cô đầm chay này. Tôi tò mò thử tiếp.

” Cô muốn nói cháu có cha là người Việt? ”

Cô đầm không nhận ra chủ tâm của tôi, chẳng chút bối rối.

” Dạ, bà nói đúng, ông xã tôi là người Việt Nam. ”

Tôi cười. Cô đầm cũng nhoẻn miệng cười theo. Nghe được cái giọng chân chất của địa phương nơi khởi đầu những ngày dạy học. tôi thấy mọi sự trở nên ngộ nghĩnh lạ lùng. Tôi vui miệng.

” Cô nói tiếng Việt hay và rõ quá. Nếu chỉ nghe giọng nói mà không nhìn thấy mặt, tôi nghĩ chắc chắn là tôi tưởng đang nghe một người Việt nói tiếng Việt. ”

” Bà quá khen. Tôi còn phải học hỏi nhiều. ”

Tôi tò mò.

” Ai dạy cô nói tiếng Việt mà hay quá vậy? ”
Bặm môi, lưỡng lự, Monique như châm chọc.

” Không có ai dạy tôi cả. ”

Nhìn vẻ mặt chưng hửng của tôi, Monique chắc vừa lòng lắm. Cô tiếp.

” Tôi nghe và bắt chước ông xã tôi và các bạn của ông ấy. ”

Bụng tôi đã có ý nể cô đầm thông minh này. Tự học mà nói được tiếng Việt như vậy dễ có mấy người. Tôi thành thật khen.

” Như vậy chắc chồng cô hài lòng lắm nhỉ! ”

Monique chớp mắt đứng tần ngần, tay bối rối vuốt mái tóc nâu đã quá mượt mà, giọng không vui.

” Chẳng phải vậy đâu, bà ạ! ”

Không đồng tuổi tác nhưng dần dà Monique và tôi quả có một tình bạn. Tôi vì mến tấm lòng của cô đối với quê hương tôi, còn Monique nhìn tôi ra sao tôi cũng không rõ lắm. Có lẽ một chút nể vì, một chút quí mến và là một chốn cô có thể dễ dàng tâm sự được. Qua những cuộc gặp gữ mỗi tuần, qua những cú điện thoại khá thường xuyên, tiếng Việt của Monique đã được tôi uốn nắn thêm cho hoàn hảo. Và chúng tôi đã thân thiết chị chị em em với nhau.

Gần tết, lớp học của tôi cũng rộn ràng niềm vui nguyên đán. Các bậc phụ huynh sốt sắng góp tay với tôi để cho các em cảm được cái tết dân tộc. Mỗi người một tay, chỉ hơn tiếng đồng hồ, những trái bong bóng rộn ràng màu mè, những giải giấy ngũ sắc, phong pháo giả đỏ tươi, cành mai tíu tít hoa vàng đã đưa tâm hồn các em vào hội. Lại còn bánh mứt, hạt dưa, kẹo và nhất là những phong bao lì xì thắp sáng niềm vui trên nét mặt của từng em. Những bài hát, chuyện kể, những lời chúc, trò chơi lôi cuốn các em vào một không khí ngập tràn tết nhất.

Monique tích cực trong mọi việc. Tết hình như chẳng là cái gì xa lạ với cô. Cô chu đáo cả đến việc, trước khi chia tay, trao cho tôi một hộp mứt, mặt đày vẻ nghiêm trang.

” Em xin tết chị hộp mứt và cám ơn chị đã vất vả dạy dỗ cháu trong năm qua. Em mong được gặp chị trong ngày hội tết để mình vui tết với nhau. ”

Tết ngập đầy lòng tôi. Chưa bao giờ tôi nhận được món quà tết cảm động như vậy. Hộp mứt ngũ vị đày màu sắc được trao cho tôi bằng đôi tay trắng muốt nồng nàn ấm áp. Tết không chỉ quẩn quanh giữa người Việt với nhau mà đến với tôi bằng một ngả tưởng như chẳng biết tết là gì.

Tôi cám ơn Monique bằng một giọng xúc động khác thường. Tôi hứa sẽ gặp lại Monique trong hội tết để chúc nhau trước thềm năm mới. Mắt tôi nhìn thấy rất Việt Nam khuôn mặt tây phương này.

” Gia đình em chắc ăn tết lớn lắm nhỉ? ”

Monique nhún nhường.

” Cũng vậy vậy thôi chị ơi. Thì cũng bánh mứt. Bánh tét nghe chị. Nhân gì cũng có. Em ưa bánh mặn, còn ông xã em ưa bánh ngọt nhân chuối. Chị có biết em thích gì nữa không? Thích đêm giao thừa đi chùa xin xâm hái lộc. Em ham vui chứ mấy lá xâm nói chung chung vậy thì có ăn nhằm gì. Mà xấu tốt tại mình phải không chị? Em cứ nghĩ vậy nên trước tết, việc em lo trước tiên là mừng tuổi ông bà già chồng em ở Việt Nam. Tội nghiệp! ”

Mặt Monique thừ ra. Tôi gợi chuyện.

” Em cũng gởi tiền về Việt Nam à? ”

Câu hỏi không rõ nghĩa của tôi làm Monique bối rối.

” Gửi về thì sao hả chị? ”

” Đâu có sao! Chị thấy em giỏi quá! ”

Monique chớp mắt, giọng rầu rầu.

” Em không gửi thì ai gửi! Điện thoại về chúc tết thì cũng em thôi! ”

Tôi ngửi thấy mùi lạ trong câu nói dỗi hờn của Monique. Cái dáng ngồi buồn bã làm tôi cảm thấy áy náy với cô đầm nết na trước mặt. Tôi chẳng muốn khơi thêm chuyện có thể làm tôi bối rối. Tôi đang tìm lời để nhảy ra khỏi tình trạng bất ưng thì Monique đã ngửng phắt đầu lên hỏi bằng một giọng gay gắt.

” Sao đàn ông Việt Nam uống rượu nhiều quá vậy hả chị? Uống chai này qua chai khác, càng vui bạn thì càng uống nhiều. Uống vào rồi thì mặc hết mọi chuyện. Tết thì em quí nhưng chuyện tụ họp nhau nhậu nhẹt vui xuân đến xỉn cả đám thì em ghét thậm tệ. ”

Tôi còn biết nói sao. Đành ò ưa.

” Chị cũng nghĩ như em vậy. Cái gì quá đáng đều không hay cả. ”

Thằng Tony kéo tay mẹ đòi về. Tôi chụp lấy cơ may.

” Thôi, trễ rồi. Em cho cháu về. Mình gặp nhau ở hội tết nghe! ”

*
* *

Năm nào tôi cũng ghé qua hội tết. Phần để có dịp gợi lại những cái tết xưa, phần để hòa mình với đồng hương ké một chút hơi ấm khi đất trời đổi mới, nhưng phần đáng chú ý nhất là để có dịp mỗi năm một lần gặp lại bạn bè thân thuộc, chúc nhau ít câu cho phải phép. Thường thì chiều chiều tôi mới tạt qua, ở chơi cho tới khi bế mạc mới ra về. Năm nay, vì có hẹn với Monique, tôi phá lệ tới sớm.

Trên sân khấu đang có màn tế lễ. Các cụ ông xúng xính trong áo dài lam khăn đống đang ê a trước bàn thờ. Phía dưới, quây gọn ngay sát sân khấu, có vài chục ghế ngồi dành cho quan khách ngoại quốc và một số chức sắc trong cộng đồng Việt Nam.

Lần đầu tiên đi sớm gặp màn tế lễ, tôi dựa người vào cột chăm chú theo dõi. Các cụ đang nhịp nhàng tiến tới quay lui dâng rượu. Người nào cũng như cố ý chậm rãi trong từng cử chỉ trang nghiêm kính cẩn. Tôi liếc qua đám quan khách ngoại quốc. Họ ngồi thoải mái dán mắt lên sân khấu như đang được coi một tấn tuồng lạ. Tôi chắc họ chẳng bắt được cái trang nghiêm cần có của một buổi tế lễ hợp với khung cảnh đình chùa hơn là trên một sân khấu trống trải giữa những tiếng ồn ào của đông đảo người đi tới đi lui phía dưới.

Quanh tôi lao xao tiếng người ồn ào như chợ vữ. Gặp nhau, đập vai nhau, la hét mừng rữ, chúc nhau ầm ĩ, hầu như chẳng ai để ý đến những gì đang diễn ra trên sân khấu. Vào hơn nữa là khu bán thức ăn. Người mua tấp nập vào ra, tiếng mời chào khỏe khoắn của người bán lôi kéo khách, tiếng cười đùa vang dội. Trên những ghế đá, bục gỗ la liệt những người ăn uống thoải mái. Nhìn cảnh, thấy người, tôi thấy tội nghiệp cho sự trang nghiêm trên sân khấu đang được các cụ cố giữ như người níu sợi dây sắp đứt.

Tiếng chào của Monique kéo tôi ra khỏi những ý nghĩ chua chát đầu năm.

” Thưa chị. Chị tới lâu chưa? Tony chào cô đi con. ”

Thằng bé vòng tay lí nhí ngậm câu chào trong miệng trong lúc mắt láo liên nhìn quanh. Tôi vuốt cằm đứa học trò nhỏ, móc ví lấy ra bao lì xì mừng tuổi. Thằng bé chụp vội chiếc bao đỏ toét miệng cười. Monique nhắc con.

” Cám ơn cô đi con. ”

Tiếng cám ơn của Tony nhẹ như gió thoảng. Người thanh niên bên cạnh Monique nhìn tôi rụt rè bối rối. Tôi sững người trước khuôn mặt ngượng trân. Đôi mắt dò dẫm của tôi làm nhột nhạt thêm khuôn mặt vốn đã bối rối dữ. Monique nhìn qua nhìn lại bằng đôi mắt ngơ ngác. Bỗng anh thanh niên ngượng ngập chào.

” Chào cô. Cô còn nhớ em không? ”

Mặt tôi nhíu lại. Cả một đời dạy học đã có biết bao nhiêu khuôn mặt học trò. Làm sao tôi nhớ hết được. Nhưng khuôn mặt này tôi không thể quên. Chỉ chưa đặt nó vào đúng chỗ trong bộ nhớ của tôi thôi. Bộ óc đang bận rộn điều chỉnh quá khứ của tôi còn chưa ráp được tới đâu thì tai tôi đã bắt được cái tên.

” Em là Toàn đây. Toàn Đệ Ngũ Thoại Ngọc Hầu, thưa cô. ”

Tôi thở phào. Mảnh quá khứ đã rõ nét. Tôi không tin ở mắt mình.

” Em khác quá làm cô ngờ ngợ nhận chưa ra. Nhưng Toàn thì làm sao cô quên được! ”

Mặt Toàn chín đỏ. Cuộc gặp gữ như một bất ngờ thiếu thú vị. Monique vỗ tay reo lên.

” Ngộ quá! Dạy cha rồi lại dạy con. Vui thiệt! Ông xã của em đấy chị. ”

Quả tôi có vui. Niềm vui của nghề dạy học không phải là niềm vui mì ăn liền. Phải có thời gian mài giũa để khi gặp lại được học trò cũ, được học trò ân cần chào hỏi, nhắc lại trường lớp, lúc đó tâm hồn người thày mới rầm rộ hạnh phúc. Như thể được gắn huy chương trên ngực. Hạnh phúc của tôi khi được Toàn xưng tên xưng lớp xưng trường chào hỏi như là một thứ hạnh phúc quí hiếm. Vì Toàn là khuôn mặt nghịch ngợm phá phách thần sầu quỉ khốc hiếm gặp trong đờì dạy học của tôi. Tôi đã từng nhẫn nhục chịu đựng, nén lòng không đưa ra những hình phạt nặng nề, sợ đập vữ tương lai của một đứa trẻ đang nằm trong vòng tay chăm sóc của mình. Vậy mà tôi còn nhớ như in là đã cho Toàn đủ mọi loại hình phạt trừ hình phạt cuối là đề nghị đuổi khỏi trường đứa học trò không dạy nổi này. Vậy mà chính Toàn, đang đứng trước mặt tôi, hàng ria mép rậm rạp đang nhếch lên, cặp mắt xưa lì lợm nay dữ dằn đang cố làm dịu xuống, nụ cười bất cần xưa đang mềm lại. Tôi đọc được trên mặt Toàn nét mừng rữ pha chút ngượng ngập lính quýnh.

Tiếng chiêng trống nhộn nhịp trên sân khấu đưa đoàn lân ra đi vòng quanh khu hội chợ làm Tony nhảy cẫng lên kéo mẹ chạy theo. Monique xin phép tôi dẫn con đi. Còn lại Toàn và tôi, một thày một trò chẳng có những kỷ niệm ngọt ngào nơi trường lớp xưa, tôi chẳng còn tâm trạng của ngày cũ nhưng Toàn như vẫn chưa xếp lại được thời hoang đàng xưa.

” Em không ngờ được gặp lại cô ở đây. Chắc cô còn phiền em lắm nhỉ? ”

Toàn nói bằng cái giọng xúc động làm tôi muốn chảy nước mắt. Giọng tôi cũng xúc động không kém.

” Chuyện xưa em nhắc lại làm chi. Tuổi trẻ ai chẳng có những lỡ lầm. Điều đáng nói là có rút ra được kinh nghiệm gì cho cuộc sống của mình không. ”

Tôi giật mình ngưng lại. Máu mô phạm suýt làm tôi đi quá xa. Trước mặt tôi bây giờ có phải là Toàn học trò khi xưa đâu! Toàn đã trưởng thành, đã vợ con, đã như tôi trong cuộc sống. Tôi lảng qua chuyện khác.

” Cô mừng cho em có được vợ quí. Cô thấy Monique quá đỗi dễ thương. Đã dịu hiền lại còn say mê nói tiếng Việt, đưa con đi học tiếng Việt, xử sự như một người Việt mình. Uả! Mà sao chẳng bao giờ cô thấy em đi cùng Monique tới trường cả. Nếu em tới thì thày trò mình gặp nhau lâu rồi. Cô đâu có ngờ anh chồng tốt phước của Monique lại là em!”

Giọng nói vồn vã của tôi chỉ nhặt được nụ cười nhạt của Toàn.

” Em không có thời giờ. Nó thích thì để nó đi. ”

Tôi kín đáo bắt mạch cái giọng lạnh lùng của Toàn, hùa theo một cách ngượng ngập.

” Ừ, đời sống bên đây tất bật quá. Cô cũng vậy. Thấy thời gian như lúc nào cũng đuổi bén gót. Mệt chi lạ! Mới đó mà em đã vợ con chững chạc. Sao em tốt phúc gặp được Monique vậy? ”

Toàn tự nhiên rút thuốc cắm lên miệng, mồi lửa, kéo một hơi dài đủng đỉnh trả lời.

” Lỡ ấy mà cô! ”

Giọng Toàn mang vẻ bất cần nhắc tôi cái tính ương ngạnh ngày xưa của Toàn. Tôi cười cười mắng yêu.

” Lấy được vợ thương chồng thương con như vậy thì cũng đáng lỡ lắm. ”

Toàn nhìn thẳng vào mắt tôi.

” Lỡ thiệt đấy cô. Cô biết tính em lang bang từ hồi nhỏ đâu muốn đèo bòng vợ con chi. Ngặt cái là lỡ có thằng Tony nên kẹt. ”

” Kẹt như vậy còn bằng mấy tính toán. Vợ chồng là duyên số, cốt sao thương nhau là được. Cô thấy Monique thương em như vậy là quá quí rồi. Trời thương em đấy. ”

Toàn cười gượng.

” Cũng bởi vậy nên em mới kẹt hung. Đôi khi cũng thấy nó tội nghiệp nhưng tính em lông bông quen rồi. Mà thôi, thây kệ nó cô ơi, tới đâu hay đó! ”

Tôi thấy gan ruột như bị ướp muối. Xót xa cho Monique vô chừng. Tự nhiên tôi cảm thấy ngán ngẩm buồn rầu. Một bà bạn đi ngang qua ríu rít chào hỏi. Tà áo dài đỏ thắm tết nhất đốt lòng tôi lên. Toàn vớ được dịp may, chào tôi, kiếm cớ bỏ đi. Tôi theo bà bạn trầm mình vào trong biển người đang hối hả hội hè.

Chen vai thích cánh nhích từng chút trong không khí ồn ào túng rối, người tôi mệt lử muốn ra về. Loanh quanh thế nào tôi lại quay về chỗ cũ. Monique mừng rữ khi thấy bóng tôi.

” Em tưởng chị về rồi chứ! Đang rầu muốn chết! ”

Giọng nói như reo làm mấy người xung quanh ngạc nhiên thích thú nhìn cô đầm nói tiếng Việt chay. Tôi kéo Monique về phía góc tường tương đối vắng vẻ.

” Toàn đâu rồi? ”

Giọng Monique buồn so.

” Ảnh đi với bạn rồi. ”

” Lại đi nhậu hả? ”

Monique lắc đầu.

” Không, mấy ảnh kéo nhau đi casino. Em khổ lắm chị ơi! ”

Tôi ngạc nhiên nhìn đôi mắt ươn ướt của Monique, giọng dỗ dành.

” Ngày tết rủ nhau đi thử thời vận coi năm mới hên xui ra sao phải không? ”

Monique chấm nước mắt.

” Không phải đâu, hồi này ảnh đi đánh bạc liên miên à. Bao nhiêu tiền cũng hết! ”

Tôi phân vân chẳng biết nói sao. Ngày xưa tôi chẳng giáo hóa được đứa học trò ngỗ nghịch thì ngày nay Monique chắc cũng chẳng đủ sức cầm chân được anh chồng ham chơi. Tôi nén tiếng thở dài chặn đứng nơi cổ họng. Tội nghiệp cho Monique và cũng nẫu lòng cho tôi. Monique như một cây tầm gửi muốn dựa vào một thân cây tưởng là vững chắc lắm. Nhưng tôi biết tôi cũng chỉ là một thứ sậy èo uột.

” Chị là cô giáo của ảnh, chị khuyên ảnh dùm em được không? ”

Nét mặt chờ đợi của Monique làm nhói lòng tôi. Tôi nào có cây gậy quyền phép trong tay để có thể giúp được người con gái khốn khổ trước mặt. Ngày Toàn còn là học trò tôi, tôi đã xuôi tay bất lực, giờ đây đôi tay gày guộc yếu ớt của tôi còn làm được chuyện chi. Biết vậy nhưng tôi không nỡ bỏ mặc Monique.

” Ừ, em yên tâm, để chị nói. ”

Mặt tôi đỏ lên. Tay tôi buông xuôi. Đầu óc tôi vần vũ mang mang. Biết nói chi đây?