Đ.M, nói là ngày “giải phóng” tưởng dân được sống sung sướng hơn, chứ tao là tao thấy đếch sướng gì, chỉ có khổ...
Chiều hè trên phố Sài Gòn, nắng chưa vội tắt, còn vương vấn vắt vẻo qua những hàng cây. Ông Tư ngồi trên cái ghế nhựa cũ kỳ bạc màu ven lề đường với điếu thuốc. Thấm thoát mà ông cũng gắn bó với cái nghề vá xe này được gần chục năm. Những ai thường đi qua đoạn đường này chắc cũng quen với hình dáng vừa đen vừa gầy,nét mặt cằn cỗi và nụ cười hiền hòa của ông. Ông ngồi đó hàng ngày, dưới bóng mát hàng cây với bộ đồ nghề sửa xe, bơm xe, vá xe cũ kỹ để kiếm sống qua ngày.
Hỏi đến tuổi tác thì ông Tư còn biết mình đã 68, còn hai năm nữa là được bảy chục. Nhưng hỏi đến quê quán thì ông cười rang, vì ông chẳng biết quê quán mình ở đâu nữa, số ông từ nhỏ đã lưu lạc từ bắc vô nam, nay đây mai đó. Chỉ biết mình sinh ra ở Hà Nam Ninh, một tỉnh cũ ở miền Bắc mà bây giờ đã được tách ra thành ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình. Lúc lên năm hay sáu tuổi, cha mẹ mất hết, đúng cái đợt di cư vô Nam, một thân một mình mồ côi cha mẹ, ông Tư đành theo mấy người trong làng vô Biên Hòa, Đồng Nai sống. Mới mười tuổi đầu, học đọc học viết được vài con chữ, ông phải bỏ học đi làm ở đồn cao su rồi sau đó dành dụm được ít tiền mới đi học nghề đóng giày. Làm thợ giày được vài năm, cứ tưởng cuộc sống ổn định, ai ngờ bị chính phủ gọi đi lính.
Vốn tính thích tự do, trước giờ sống một thân một mình, không thích sống kiểu phép tắc, kỷ cương, ông Tư gom tiền dành dụm rồi bỏ vô Sài Gòn để trốn lính. Sài gòn ngày ấy phồn vinh, cuộc sống xa hoa, tấp nập, nhộn nhịp và tự do. Vậy là ông thích, ông yêu Sài Gòn từ những ngày ông đặt chân đến mảnh nơi đây. Sài Gòn không phải quê hương ông, không phải nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng ông Tư thấy mình yêu mảnh đất này đến lạ. Ông thích dạo phố Sài Gòn về đêm, nghe nhạc Mỹ, đi uống rượu, nhảy đầm trong bar. Rồi như duyên phận, ông gặp bà trong một lần dạo phố đêm Sài Gòn. Hai người nên duyên vợ chồng, mở tiệm đóng giày cách trung tâm thành phố Sài Gòn không xa. Vài năm sau đó cũng mua được căn nhà gần khu chợ Lớn. Tiệm đóng giày của vợ chồng ông Tư ngày càng ăn nên làm ra, ông nhận thêm nhiều đệ tử ở mấy tỉnh lẻ ngoài miền trung vô học nghề. Thương hoàn cảnh côi cút, chân ướt chân ráo vô Sài Gòn lập nghiệp giống mình ngày trước, ông dạy nghề miễn phí cho gần chục đứa, tận tình chỉ dạy từng chút một, nuôi ăn ở trong nhà. Vậy mà cũng có đứa phản, đi ăn cắp mấy chỉ vàng của người ta rồi mang về bỏ vô nhà ông, gán tội cho ông ăn cắp của nó, xong nó lại lén lấy hết tiền của ông bà rồi bỏ trốn. Ông Tư bị cái án ba năm tù.
Năm ông ra tù cũng là năm Sài Gòn bị mất dưới tay cộng sản. Bà Tư với bốn đứa con nheo nhóc chờ ngày ông về nhà đoàn tụ mừng đến rơi nước mắt. Tay trắng, không tiền bạc, chỉ còn lại căn nhà để ở, chính quyền thay đổi, cuộc sống bấp bênh, ông như bị suy sụp giữa mảnh đất Sài Gòn, nơi mình từng đặt nhiều niềm tin về một cuộc sống tươi đẹp. Năm lần bảy lượt ông bà Tư cũng nghĩ đến chuyện dẫn bốn đứa con tìm đường vượt biên thoát nghèo, chạy trốn cộng sản nhưng đến cái ăn còn không đủ, thì tiền bạc đâu mà để vượt biên. Nghề đóng giày da của ông từ sau ngày “giải phóng” coi như bỏ, giày tây đóng không ai mua. Ngày trước ở Sài Gòn người ta thích mặc đồ tây, mang giày da, nhưng sau ngày “giải phóng” thì ai ai cũng toàn mang đôi dép nhựa, đôi sandal cao su. Cứ nhắc tới hai chữ “giải phóng” là ông Tư lại buộc miệng văn tục:
– Đ.M, nói là ngày “giải phóng” tưởng dân được sống sung sướng hơn, chứ tao là tao thấy đếch sướng gì, chỉ có khổ. Đời tao từ ngày ra tù cũng là lúc “giải phóng” đến giờ chỉ có khổ.
Mấy năm sau ngày 30/4/1975 đến nay, ông bà Tư vẫn sống ở căn nhà trong khu chợ Lớn, giao mối bánh phở, hủ tiếu ở chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Lớn để kiếm sống nuôi bầy con ăn học. Đến nay con cái đã có nghề nghiệp ổn định, đứa con lớn cũng gần năm mươi tuổi, cháu nội cháu ngoại cũng được tròn mười đứa, bà Tư chỉ việc ở nhà chăm lo cho bầy cháu, còn ông Tư ở nhà không quen, thích ra đường lang chạ, nên mới ngồi ngoài đường làm cái nghề vá xe, bơm xe này. Hỏi ra mới biết ông học lóm được nghề này khi còn ở trong tù. Ổng kể ngày đó ở trong tù, cứ nghĩ đời mình coi như xong, vừa buồn, vừa chán đời, vừa tuyệt vọng, ông nhờ mấy thằng bạn tù xăm lên cánh tay trái ba chữ “Đời không đẹp”.
Vậy mà giờ đây, sống gần bảy mươi tuổi. trải qua bao thăng trầm của cuộc đời ở mảnh đất Sài Gòn, vui có buồn có, đau khổ có vui sướng có. Ông Tư vẫn thấy đời còn đẹp lắm, vẫn yêu mảnh đất Sài Gòn này lắm.
– Chỉ có điều ngày ấy trong tù tao đường đột xăm ba chữ “Đời không đẹp” trên tay xong giờ muốn xóa thì lại xóa không được.
Ông ngồi cười giòn tan giữa những ồn ào tấp nập của dòng người trên đường phố Sài Gòn như muốn xóa tan những muộn phiền của cuộc đời.