main billboard

Vấn lắc đầu mấy cái để xua đuổi những ý nghĩ thiếu thanh nhã. Chàng lẩm bẩm: Em xin lỗi chị, chút xíu nữa hiểu lầm...

nguoi chi ho

Vấn là bạn sách đèn từ thuở bé của Thạnh, anh của Trúc. Cha Trúc với mẹ Vấn là anh em cô cậu ruột. Do vậy, anh chị em Trúc dù lớn hay nhỏ đều là vai trên của Vấn. Với tình họ hàng ấy, Vấn vẫn hay đến nhà Trúc, nơi đầy đủ tiện nghi cho việc học hơn ở nhà để cùng học với Thạnh gần suốt tuổi học trò. Rất nhiều lần, nhất là vào dịp thi cử, Vấn ăn ngủ luôn tại nhà Trúc. Vấn chăm học, hiền lành, ít tiếp xúc với bạn gái. Trên mười tám tuổi Vấn vẫn chưa biết chuyện yêu đương. Cha Trúc vẫn hay đùa: “Có lẽ thằng Vấn sau này cha mẹ cưới vợ về cho cũng chẳng biết làm chi”.


Thạnh rất lười trong việc kềm cặp, chỉ dạy bài vở cho các em. Vì thế, Vấn thường thay Thạnh làm việc ấy, dần dần thành thói quen. Trúc nhỏ hơn Vấn năm tuổi, học sau Vấn ba lớp, ít nói, dễ bảo, siêng lo việc vặt trong nhà. Năm lên mười bốn tuổi, sau một trận sốt gần chết, Trúc bỗng phát mã, trở nên xinh đẹp lạ. Càng lớn Trúc càng trở nên hiền thục đoan trang hơn người. Những chàng trai xa gần đã bắt đầu ngắm nghé Trúc, mong được lọt mắt xanh. Nhưng ai nói gì cũng mặc, Trúc chỉ cười, không tỏ ra thân thiện với ai hết.
Vấn giảng bài cho Trúc là chuyện không lạ, nhưng từ khi Trúc trổ mã, Vấn dần thấy lòng mình khác khác, có lúc chàng đâm ra ngại ngùng, bâng khuâng. Đã nhiều lần Vấn lén ngắm Trúc say sưa. Chàng cứ suy nghĩ vẩn vơ như tiếc rẻ một cái gì mong manh sắp mất. Những suy nghĩ này dần dần củng cố nơi Vấn một niềm sùng kính ở Trúc. Khi bạn bè muốn nhờ Vấn làm chim xanh dẫn mối, Vấn thường ậm ự rồi lờ đi. Họ không ngờ chính Vấn lại muốn độc quyền che chở đùm bọc người chị họ ấy. Thật tình Vấn không hề mang một ý tưởng vẩn đục nào đối với Trúc. Chàng sùng kính Trúc như một tên nô bộc trung thành đối với một nàng công chúa. Vấn rất hân hoan khi giúp được một việc gì cho Trúc. Thái độ chẳng thân thiện với ai của Trúc đã làm Vấn
rất hài lòng.
Ở bàn học, Trúc vẫn hay ngồi đối diện với Vấn để tiện việc hỏi bài. Một buổi tối, Vấn đang chăm chú học bỗng cảm thấy như ai sờ soạng chân mình. Cái gì đó có vẻ mềm mát nhẹ nhàng mơn trớn tạo cho Vấn một cảm giác êm ái. Vấn đoán chừng là chị Trúc vô tình đưa chân chạm lên chân Vấn. Nhưng rồi Vấn càng ngạc nhiên thấy sự mân mê mơn trớn ấy cứ tiếp tục kéo dài làm cho Vấn cảm khoái tê mê. Chẳng lẽ chị Trúc dịu hiền của Vấn lại táo bạo đến thế sao? Vấn đang thắc mắc thì Trúc kêu buồn ngủ và đứng dậy bước đi mất. Vấn hết sức tiếc rẻ. Nhưng chàng lại ngạc nhiên vì thấy chân mình vẫn tiếp tục được vuốt ve mơn trớn. Chàng cúi xuống xem và bật cười, thì ra con chó nhỏ. Vấn lắc đầu mấy cái để xua đuổi những ý nghĩ thiếu thanh nhã. Chàng lẩm bẩm: Em xin lỗi chị, chút xíu nữa hiểu lầm. May quá! May quá!
Một lần thức học khuya, khi thấy người bần thần khó chịu, Vấn bước ra sân dạo một vòng. Vấn thấy phía xa hỏa châu soi sáng cả một góc trời và nghe rền tiếng súng. Bầu trời nơi ấy trông đẹp làm sao! Nếu không nghe tiếng súng thì ai có thể tưởng tượng nổi bao nhiêu cái chết thê thảm rợn người đang xảy ra ở đó! “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hoàn!” Rồi đây Vấn cũng sẽ làm một chiến sĩ với những mất mát mà nghìn đời con người vẫn mắc phải. Ôi, cái ngây thơ trong trắng của chị Trúc đâu có thể tồn tại mãi? Trúc càng lớn càng được nhiều người chú ý. Rồi chị sẽ lấy chồng. Còn Vấn, thân xác này cũng có thể trở thành tro bụi trong một góc núi, xó rừng nào đó. Những thương cảm chị Trúc dành cho Vấn được bao nhiêu? Nó sẽ hao mòn
rồi tan biến trong ký ức chị để nhường chỗ cho những mối bận rộn bên chồng con!
Sau một hồi suy tưởng, Vấn trở vào nhà. Mọi người đã đi ngủ hết. Riêng Trúc còn ngồi bên bàn học nhưng kê trán trên cánh tay kê lên cuốn tự điển Việt ngữ mà ngủ. Vấn nhìn quanh rồi nhẹ bước lại gần, lặng lẽ ngắm Trúc. Dường như chàng cảm nhận được rốt ráo cái vẻ ngây thơ, thanh cao nơi Trúc. Một mùi hương gì ngây ngây ngộ ngộ len vào mũi Vấn. Chàng tò mò cúi xuống gần đầu Trúc và hít nhẹ: Quả thật là mùi hương tóc. Thì ra tóc con gái có mùi hương. Mùi hương ngây ngây ngộ ngộ này chỉ có thể cảm nhận chứ không thể diễn tả bằng lời. Hàng trăm lần sát mặt vào đầu mẹ để nhổ tóc bạc Vấn có bao giờ nhận ra mùi hương đó đâu? Mái tóc đen óng ả như những gợn sóng của Trúc gợi cho Vấn một thoáng bùi ngùi. Rồi nó cũng sẽ xơ
bấn như tóc mẹ. Tuổi đời trôi vùn vụt, lá xanh nào không vàng? Bất giác Vấn vuốt nhẹ lên tóc Trúc. Trúc khẽ động đậy nhưng không ngẩng đầu lên. Vấn thấy dạn hơn, tiếp tục vuốt nhẹ nhiều lần cho đến khi Trúc ngồi hẳn dậy.
Vấn rụt rè nhỏ nhẹ :
– Tóc chị đúng là tóc mây! “Tóc mây sợi vắn sợi dài…”
– Cậu muốn nói mây để đan giỏ thắt gióng hay mây trên trời?
– Mây trên trời, chữ Hán gọi tóc mây là “vân mấn”. “Hiểu kính đản sầu vân mấn cải”. Soi gương buổi sáng bỗng dưng buồn vì thấy tóc thay màu đó chị.
Hai người im lặng một lúc, Vấn lại thở dài :
– Nếu ngày kia chị đi lấy chồng chắc em buồn lắm.
– Cậu nghĩ vẩn vơ lắm. Dù là cha mẹ hay anh em ruột cũng có ngày xa nhau. Đó là lẽ đời. Thôi, đi ngủ kẻo khuya rồi!
– Khoan đã chị, em muốn hỏi chị một việc.
– Cậu cứ hỏi đi.
– Em nghe thằng Thức nó theo đuổi chị dữ lắm, chị nghĩ thế nào?
– Vô duyên! Chị chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Nếu có gì chị cũng hỏi ý kiến cậu đã chứ! Cậu đi ngủ để dưỡng sức học bài thi, nghe lời chị.
Niềm hân hoan dậy lên trong lòng Vấn. Thì ra Trúc tín nhiệm Vấn đến thế! Trước khi ngủ Vấn còn mang mang nghĩ về mùi hương tóc.
Sáng kia, Vấn cùng Trúc trên đường đến trường, được chừng hai cây số Trúc bỗng kêu lên:
– Chết cha, bức vẽ hôm nay nộp chị đã để sẵn giữa bàn lại quên mất. Giờ trở lại lấy chắc trễ quá!
– Em đạp nhanh, để em đi lấy cho chị.
Trúc chưa kịp nói gì Vấn đã quay xe phóng như gió. Vấn trở lại kịp Trúc khi gần tới cổng trường Đồng Khánh. Lúc đó kẻng báo chuẩn bị vào lớp bên trường Quốc Học cũng vang lên. Trường Quốc Học và trường Đồng Khánh chỉ cách nhau một con đường Nguyễn Trường Tộ rất hẹp. Hai trường cùng hướng mặt ra đại lộ Lê Lợi chạy dọc theo bờ sông Hương thơ mộng, luôn được phủ bóng mát của những cây phượng lâu đời. Để tránh sự lộn xộn cản trở lưu thông, trường Quốc Học qui định vào lớp sớm hơn trường Đồng Khánh nửa giờ. Cũng để phân biệt hiệu lệnh, trường Quốc Học báo giờ bằng kẻng trong khi trường Đồng Khánh lại báo giờ bằng trống. Sau khi trao bức vẽ cho Trúc, Vấn toan quay xe để sang trường mình, bỗng thấy xe bị ai níu
lại. Thì ra mấy cô nữ sinh! Vấn chưa kịp hỏi thì phía trước lại có mấy cô khác ngáng xe cản đường. Các cô dần dần thắt chặt cả một vòng vây quanh Vấn mà cười đùa. Vấn không tài nào lách thoát ra được. Trúc đã vào cổng nhìn lui thấy vậy kêu lên :
– Đừng nghịch nữa mấy chị ơi, cậu ấy trễ học rồi.
– Binh bồ hả? Cho anh chị xa nhau luôn!
Trúc quê quá, nghẹn họng, đành dắt xe vào khóa lại. Vấn thì như con chuồn chuồn rách cánh lọt giữa ổ kiến. Những cô gái bình thường nhu mì, hiền dịu, không ngờ lại có lúc nghịch như lũ tinh nhền nhện. Một cô lẹ tay lôi cả vạt áo sơ mi Vấn đã bỏ vào quần ra ngoài. Vấn mồ hôi nhễ nhại, mặt mày tái mét, nhăn nhó chịu thua. Mãi đến lúc hồi trống chuẩn bị vào lớp của trường Đồng Khánh vang lên Vấn mới được giải thoát với nhiều tiếng cười đuổi theo:
– Mấy chị tha cho em đấy!
– Cho nó tởm, chừa cái thói đeo gái!
– Cho nó từ nay gặp các chị là cúi mặt tránh luôn!
– …
Buổi chiều về, Trúc hỏi Vấn:
– Tụi nó ác quá! Cậu vô lớp có sao không?
– Trễ hơn 20 phút. May gặp thầy Thường dạy Pháp văn quá hiền không thì cũng mệt. Từ nay em sợ đi ngang qua đó rồi. Thật là một kỷ niệm nhớ đời!
*
Buổi sáng nọ lúc ra chơi, Vấn đang thong thả dạo bước thì nghe mấy đứa bạn đang bàn chuyện Trúc. Vấn đi lại gần chúng.
– Này Vấn, có phải con Trúc chịu thằng Thức rồi không mày? Sáng nay tao thấy Thức và Trúc cùng mua vé xe đi Đà Nẵng với nhau tình lắm!
Vấn nghe qua choáng váng cả mặt mày. Nhưng Vấn cố làm tỉnh, đáp:
– Tao thật chưa biết. Nhưng chị ấy lớn rồi, có vậy cũng tốt thôi!
Miệng nói vậy nhưng Vấn đau điếng cả lòng. Thôi, xong rồi! Chị Trúc tệ đến thế sao? Thế mà chị nói có gì cũng hỏi ý kiến cậu đã! Vấn thẫn thờ đi vào lớp, gặp Thạnh trước hàng hiên.
– Chị Trúc đi Đà nẵng rồi hả anh Thạnh?
– Ừ, đi hồi sáng. – Thạnh đáp vô tình.
Vấn không hỏi thêm gì nữa. Chàng biết sáng nay Thức cũng không đến trường.
Thế rồi gần nửa tháng Vấn không đến nhà Trúc. Không những thế, Vấn tránh gặp luôn cả Thạnh. Ngày kia, khi đang cùng Phương đạp xe về nhà, Vấn thấy Trúc và Hường đạp xe đi trước mặt. Nếu đi một mình Vấn đã lẻn rồi, nhưng có Phương, Vấn không thể làm vậy. Phương lại cố ý xáp lại gần hai cô gái. Trúc thấy Vấn thì mừng rỡ ra mặt:
– Sao mấy bữa nay cậu không tới nhà? Chị định đến nhà cậu đấy. Hay chiều nhé, cậu ghé nhà chị chơi, luôn tiện giải giúp chị một số bài toán cùng quốc văn.
Vấn hững hờ nói:
– Mấy bữa nay em mệt mỏi quá, không muốn đi đâu, không muốn làm gì hết.
Hường xen vào:
– Lúc này thầy ra toán khó quá! Nhưng sao Trúc không nhờ anh Thạnh giải mà phải nhờ anh Vấn?
– Hường không biết đó, anh Thạnh cứ giải cho tao mỗi bài là đầu tao u lên mấy cục. Nếu cậu Vấn không giúp, tao thà chịu điểm kém chứ không nhờ anh Thạnh.
Vấn nghe Trúc nói thì động lòng nhưng chưa quên hết giận hờn:
– Nếu chiều thấy khỏe, em sẽ đến. Nhưng chưa chắc đâu nhé.
Buổi chiều Vấn không đến thật.
Hôm sau, khi đi học về đến nhà, Vấn thấy xe đạp Trúc đã dựng trong sân.
– Chị đợi nãy giờ. Cậu đã khỏe chưa? Sao chiều qua không lại?
– Em nghĩ để chị có thì giờ ôn lại chuyến đi Đà Nẵng đấy chứ!
– Ừ, bữa đó chị đi với mợ vô thăm cậu Túy đau nặng. Bây giờ cậu ấy đỡ rồi.
Vấn sượng sùng hỏi:
– Còn thằng Thức đi Đà Nẵng làm gì thế?
Bấy giờ Trúc mới vỡ lẽ. Nàng cười :
– Cái cậu này vô duyên thật! Anh Thức vô Đà nẵng đón xác người anh bị tử trận về. Cậu không thăm đám sao mà lại không biết? Bữa gặp ở bến xe nghe anh ấy nói chị mới biết đấy chứ.
Trúc đưa cho Vấn mấy cuốn sách Vấn ưa thích. Mặt Vấn lộ vẻ xúc động, thẹn thùng. Chàng đi ra cây khế ngọt sau vườn hái một mớ đem vào mời Trúc. Trúc vốn ưa khế ngọt. Nàng hồn nhiên nhai nhỏn nhoẻn trông cái miệng rất xinh. Vấn vờ vĩnh vừa nói tầm phào vừa nhìn Trúc ăn với vẻ mặt hân hoan. Hóa ra cái duyên của người đàn bà cũng hiển hiện luôn ở cái miệng lúc ăn nữa! Hèn gì ngày xưa An Lộc Sơn trong một buổi sáng phải thay mấy lần ngựa trạm vượt qua hàng ngàn dặm để hái trái vải đem về cho Dương Quí Phi ăn để ngắm!
Vấn tuy có ý ích kỷ với Trúc nhưng mộng ước cao nhất cũng chỉ gói ghém trong tình nghĩa nàng công chúa và tên nô bộc trung thành. Quá lắm Vấn chỉ nghĩ đến một nụ hôn cao khiết. Cái nết đứng đắn, hiền lành của Vấn đã thu hút được cảm tình mọi giới. Thật vậy, rất nhiều bà mẹ vẫn có ý muốn xây dựng Vấn với con cháu mình. Nhưng qua bao ngày tháng cả Vấn lẫn Trúc vẫn chẳng thấy ai có một người tình.
*
Rồi cũng đến ngày Vấn phải thôi học và chuẩn bị nhập ngũ. Ngày chia tay sắp đến, đầu óc Vấn cứ bị xoáy bởi những tình cảm ngang trái. Vấn muốn cố gắng nói với Trúc một điều gì. Một hôm biết Trúc nghỉ hai giờ chót, Vấn đến đón Trúc ngay trước cổng trường. Vấn ngập ngừng rủ Trúc đi xem phim. Trúc vui vẻ nhận lời. Thế nhưng vì bản chất thật thà thô vụng, suất phim hai giờ trôi qua mà ẩn tình của Vấn vẫn không lối thoát. Hai chị em lại đạp xe về. Lúc đó trời bỗng nổi mây rồi mưa tuôn dữ dội. Hai chị em may đến kịp cái quán nước dọc đường để trú ẩn. Buổi chiều bà chủ quán thường nghỉ bán sớm, quán không còn người. Trong quán chỉ có một cái chõng tre dành cho khách, chân chõng chôn cố định. Trời mưa to gió lớn, nước tạt
cả ba phía quán. Chỉ còn được một đầu chõng ít bị ướt mà thôi. Cái ướt lạnh khiến hai chị em phải xích sát vào nhau. Trận mưa kéo dài cả giờ không thấy giảm bớt. Trúc co ro trông như một con mèo ướt. Vấn nhìn Trúc thương cảm. Trúc bấy giờ trông rũ rượi quá. Trong cái rũ rượi đó, Vấn vẫn nhìn thấy một vẻ đẹp huyền hoặc mong manh. Hơi hướm con gái và lòng ích kỷ đã nhen nhúm trong đầu óc Vấn chút tư tưởng vẩn đục. Vấn bỗng thèm khát được ôm Trúc.
– Chạng vạng rồi làm sao mà về đây?
Cái giọng vừa bi thương vừa ngọt ngào của Trúc đã thức tỉnh, chận đứng Vấn kịp thời. Cũng may mấy phút sau thì trời giảm mưa, dịu gió, rồi tạnh hẳn. Trên đường về Vấn lại thầm nhủ: May phước quá! Nếu không tạnh kịp, không biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Chừng một tháng sau, Vấn vào trại nhập ngũ. Trong số những người đưa tiễn không có Trúc. Sau này Vấn có trách chuyện đó thì Trúc cho Vấn biết không đi đưa vì sợ lỡ xúc động có thể bị làm trò cười.
*
Nỗi buồn xa cách, nỗi cực nhọc đời lính, cảnh non xa nước lạ, đã khiến Vấn dễ dàng viết nhiều thư cho Trúc. Trúc cũng viết thư kể chuyện quê nhà khá đều cho Vấn. Sợ thiên hạ thấy cái quá lố của mình, Vấn cũng viết một số thư nói chuyện bâng quơ cho những người khác. Nội dung thư từ qua lại giữa Vấn và Trúc thường gói ghém nỗi niềm thương nhớ. Không một ai có lời lẽ buông thả, và cũng không ai nói đến một dự tính riêng.
Rồi thình lình Vấn không nhận được thư của Trúc nữa. Một tuần, hai tuần, rồi một tháng, hai tháng cứ trôi qua. Không còn kiên nhẫn được nữa, Vấn viết thư dò hỏi bạn bè. Thì ra Trúc đã lấy chồng! Chồng Trúc lại là Phương, bạn Vấn. Vui buồn không biết bày tỏ cùng ai nữa, chàng có cảm tưởng cuộc sống mình đã mất hết ý nghĩa. Còn đâu ánh mắt, nụ cười, giọng nói ngọt ngào thân yêu!
Một ý nghĩ bốc đồng lóe lên, Vấn đã cưới vợ một cách vội vàng. Chàng làm quen với Bích và tiến tới đi hỏi trong vòng một tuần. Hơn một tháng sau thì một lễ cưới đơn giản được tổ chức mà phía chàng chỉ có những người trong đơn vị tham dự. May mắn là Bích cũng hiền lành và rất chìu chồng. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Vợ chồng Vấn sống bên nhau rất đầm ấm. Bạn bè cứ đùa cuộc hôn nhân này là tình yêu đột xuất. Tuy đã tìm được hạnh phúc gia đình nhưng hình bóng Trúc vẫn không rời tâm khảm của Vấn. Vấn thường có những giấc mơ về Trúc, rất đẹp ban đầu nhưng phút chót bao giờ cũng hụt hẫng bùi ngùi.
Giữa cuộc sống phức tạp về mặt tâm tình của đời lính, nhiều khi Vấn lại thắc mắc cho chính mình. Sao chàng có một bản lĩnh phi thường đến thế nhỉ? Rõ ràng là mối tình đầu chàng đã dành cho Trúc. Thế mà qua bao dịp thuận lợi Vấn không hề lạm dụng, không hề xúc phạm đến Trúc. Phải chăng Vấn cũng là bậc thánh, đâu kém gì Quan Vân Trường ngày xưa!
Kỳ nghỉ phép về thăm nhà, Vấn đến nhà Trúc mấy lần nhưng không gặp. Một lần Vấn ghé trường học nơi Trúc dạy thì vừa lúc bãi ra chơi. Chào hỏi Trúc xong Vấn trách ngay:
– Chị lấy chồng rồi chẳng nghĩ tới ai hết. Em viết biết bao nhiêu thư chị cũng chẳng thèm trả lời.
Trúc cười nhăn nhó:
– Trời ơi, cậu nói chi mà tệ rứa! Chị có lỗi thật nhưng cậu cũng phải hiểu cho chị chứ! Đã theo chồng, chị đâu còn khoảng trời riêng nào nữa?
– Em nói vậy thôi. Thế anh chị thương nhau hồi nào mà em không hề biết?
– Thương chi mà thương. Hai ông già bàn với nhau rồi làm như bắt cóc vậy. Chị hết đường đành buông xuôi cho số phận.
– Bây giờ thì chắc anh chị sống hạnh phúc chứ?
– Chị cũng không biết nói sao cho đúng nữa. Nói thật với cậu nằm bên chồng mà có khi chị ngỡ như nằm bên khúc gỗ.
Thì ra lòng chị cay đắng đến thế. Lẽ nào? Vấn cũng biết khá rõ về Phương. Gia đình Phương có nề nếp nho phong và lại khá giả. Phương thông minh, đẹp trai, tính tình rộng rãi, sao chị Trúc lại nói như vậy?
– Chị nói đùa chứ! Phương đâu đến nỗi nào?
– Chị đâu nói giỡn với cậu làm gì. Khi nào tiện chị sẽ nói cụ thể hơn. Bây giờ sắp vô học rồi, cậu cho chị gởi lời thăm mợ Bích.
Rồi mọi chuyện lại trôi qua. Sau này Trúc và Vấn còn nhiều lần gặp nhau, nhưng ai lo chuyện nấy, chẳng ai còn nhắc lại chuyện cũ nữa.
*
Khi miền Nam sụp đổ, Phương và Vấn vào tù chung một trại. Thời gian đầu Bích hay theo Trúc cùng đi thăm nuôi chồng. Nhưng chừng hơn một năm thì Bích không đi thăm nuôi Vấn nữa. Trúc vẫn đi thăm Phương đều và có khi thuận tiện gọi thăm luôn Vấn. Vấn hỏi về Bích thì Trúc bảo Bích làm ăn gặp khó khăn, lại hay đau ốm. Vấn rất lo buồn về chuyện đó. Chàng biết rõ Bích thật thà đôn hậu, không được lanh lợi khéo léo, nuôi bốn đứa con không phải là chuyện dễ. Vấn chỉ còn tin vào điểm tựa: Tứ thân phụ mẫu dù già cả vẫn còn nguyên vẹn. Họ có thể an ủi, giúp đỡ, chăm sóc các cháu phần nào.
Ở trong tù chết chóc là chuyện thường xảy ra, nhất là chết bệnh. Hầu hết tù nhân đều bị thiếu dinh dưỡng, lại luôn phải làm việc quá sức. Cán bộ y tế thiếu, thuốc men thiếu, trại lại qui định quá khắc khe, hẹp hòi về con số có thể nghỉ bệnh hàng ngày cho mỗi đội tù. Nếu đội được ấn định tối đa hai người nghỉ bệnh mà gặp ngày đội có sáu người ốm thì trong số đó có bốn người dù lết không nổi cũng phải ra hiện trường làm việc. Cho nên, có nhiều người chiều nay đi làm về than mệt, hôm sau có tên trong lệnh tha ra khỏi trại là chuyện rất thường. Nếu không phải vào dịp lễ lạt mà buổi sáng khi tù sửa soạn đi làm có đọc lệnh tha thì chắc chắn là tha người đã chết. Không rõ những người vô phước ấy có tính trong danh
sách được nhà nước khoan hồng phổ biến trên báo chí hay không.
Sáng kia, khi nghe đọc một lệnh tha, Vấn bỗng giật nẩy mình: “…trại viên Nguyễn Đình Phương…”
Thôi rồi! Chị Trúc!
Vấn rất ân hận vì Phương có nhắn cho Vấn biết anh bị bệnh. Vấn định chiều đó đi làm về sẽ tìm cách đến thăm. Không ngờ chuyện lại xảy ra nhanh quá. Vấn nghĩ mình thật có lỗi lớn với Phương và chị Trúc.
Gần hai tháng sau Trúc lại lên thăm nuôi chồng. Thì ra cái tin Phương chết vẫn chưa về đến gia đình. Trúc gắng kềm hãm xúc động để xin thăm gặp Vấn. Trại vẫn có qui định cấm ngặt những kẻ vào thăm tù với dáng vẻ buồn bã hay khóc lóc. Dù báo tin dữ về cha mẹ hay vợ con, cả tù lẫn người thăm nếu để lộ chút xúc động là cuộc tiếp xúc bị cắt ngay. Vấn rất hổ thẹn vì chẳng biết gì nhiều về trường hợp của Phương để nói lại với chị Trúc. Phần quà mang theo Trúc đã giao hết cho Vấn. Chị khuyên Vấn cố gắng giữ gìn sức khỏe và hẹn có dịp sẽ lên thăm. Vấn hỏi về Bích và con cái thì Trúc chỉ cho biết gọn tất cả vẫn bình an, chỉ khó khăn về mặt kinh tế một chút. Vấn cũng đành tạm tin như vậy.
Gần một năm sau Trúc lại lên thăm Vấn. Cuộc thăm gặp rất ngắn. Trúc chỉ nói chuyện sơ lược. Nàng phải dành thì giờ đi thăm mộ Phương cho kịp trong ngày.
*
Khi ra tù Vấn mới rõ là Bích đã có vấn đề. Bích đã để hai đứa con lớn ở lại sống với ông bà nội, còn hai đứa nhỏ Bích đem theo về sống với cha mẹ mình. Cha mẹ Vấn không nói gì rõ lắm, nhưng theo nhận xét của Vấn thì hai ông bà không hài lòng về Bích. Những kẻ chung quanh thì người nói ngược, kẻ nói xuôi không ăn khớp nhau. Riêng Trúc có vẻ thông cảm hoàn cảnh Bích hơn hết. Trúc cho Vấn biết chỉ vì lo chạy ăn cho gia đình mà Bích bị kẻ bất chính lợi dụng. Bích về ngoại vì mặc cảm phạm lỗi, vì lòng tự ái đã bị tổn thương. Trúc khuyên Vấn nên tìm cách hàn gắn lại với Bích. Vấn nghe lời Trúc gặp Bích nhiều lần nhưng Bích vẫn từ chối:
– Em đã có lỗi, em không còn xứng đáng với anh.
Thế rồi nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm để nuôi con. Chị Trúc cũng tảo tần buôn bán lo cho ba đứa nhỏ ăn học.
*
Ngày tháng đang uể oải trôi thì bỗng thiên hạ xôn xao lên về chương trình xuất ngoại theo diện HO. Những điều kiện đòi hỏi để được xuất ngoại Vấn đều có đủ. Trường hợp Trúc có người bảo cũng đi được nhưng chưa ai thấy văn bản rõ ràng. Riêng Trúc lại không màng tìm hiểu đến chuyện đó.
Nhân một ngày giỗ chạp lớn có cả Trúc lẫn Vấn đi dự, bà con lại bàn tán chuyện đi Mỹ. Trước mặt mọi người, dì Sửu nói với Vấn:
– Vấn này, tao nói thế này mày nghe có được không? Bây giờ con Bích không chịu đi với mày. Tao hỏi nó có chịu ly dị để mày lập hôn thú với người khác không thì nó bảo chịu, chỉ xin giữ một đứa con để hôm sớm mẹ con nương tựa nhau. Mày qua Mỹ rồi cứ thỉnh thoảng gởi cho mẹ con nó một ít tiền là tốt đẹp mọi bề. Ở đây mà có tiền thì con mày cũng ăn học nên người. Hiện nay những người đủ điều kiện đi mà thiếu đôi thiếu cặp đua nhau lập hôn thú với người khác thiếu chi đó, sao mày chưa tính dứt khoát cho sớm? Mày không nghe trâu chậm uống nước đục đó sao? Hay mày lập hôn thú với con Trúc cũng được, cho mẹ con nó đi luôn thể!
Một số người cau mặt phản đối. Dì Hợi lớn tiếng:
– Chị Sửu nói gì kỳ vậy? Muốn loạn luân à? Chúng nó là chị em họ gần lắm mà!
Dì Sửu phân trần:
– Tôi nói chưa hết ý. Tôi nói lập hôn thú là lập tạm thời để ra đi thôi. Qua đến Mỹ lại ly dị, chị vẫn phận chị, em vẫn phận em. Nhiều người khác đã làm rồi đó, có sao đâu? Tao nói thế con Trúc nghe có được không?
Trúc đáp:
– Cám ơn cô đã giúp ý. Nhưng chuyện ra đi còn dài, đâu có gấp gáp gì. Nói thật, cháu cũng chẳng tha thiết gì lắm về chuyện ra đi.
Khi nghe dì Sửu gợi ý, Vấn tuy không nói gì nhưng trong đầu đã nẩy sinh những suy nghĩ mới. Trải qua bao năm bị bầm dập giữa biển đời tánh tình của Vấn đã trở nên thực tế hơn trước. Lời dì Sửu như một bó đuốc lớn soi đường trước lối đi mờ mịt đầy chông gai của Vấn. Bích vì tự ái không chịu đi, Vấn thì nghĩ mình vô tội sao lại phải xuống nước năn nỉ người có lỗi? Tại sao chàng không nắm bắt vận hội mới?
Rồi những ngày xanh đẹp như mơ của Vấn chập chờn sống dậy. Nào khi giảng bài, nào khi đạp xe song hành đến trường, nào khi ngắm chị Trúc nhai khế ngọt… Những kỷ niệm cứ vòng vòng trong đầu Vấn, khơi lên những cảm xúc bồi hồi, buồn buồn tủi tủi y như trong một cảnh mới đoàn viên sau bao ngày xa cách. Những chồi yêu bị lấp kín hơn ba mươi năm bỗng như xuyên thủng được lớp tuyết dày đang tan ra dưới ánh mặt trời. Mối tình đầu, vì liên hệ bà con, không thuận lẽ với truyền thống đạo đức dân tộc, Vấn đành cố nhịn mà lánh xa, nhưng làm sao quên được? Bây giờ cả hai đối tượng đều có một khoảng trời riêng khá rộng. Vấn đã có cơ hội để lộng giả thành chân. Vấn sẽ sống những ngày cuối đời hạnh phúc tràn trề…
Lòng xuân của Vấn lúc này như phơi phới đơm hoa. Vấn hẹn chị Trúc một buổi rộng rãi thì giờ để bàn chuyện đi Mỹ.
– Chắc chị còn nhớ câu chuyện trong ngày giỗ chạp?
– Cậu muốn làm theo lời cô Sửu hả? Theo cậu, chị có nên làm thế không?
– Dạ, chính em muốn như vậy đó!
– Rồi khi tới Mỹ mình sẽ làm gì nữa?
Vấn bối rối một lúc rồi nói:
– Dạ, dạ, xin chị hiểu cho lòng em… Nếu chị ghét em thì cứ lập thủ tục xa cách. Còn không thì cứ sống như vậy…
Nói xong, Vấn hồi hộp chờ đợi phản ứng của Trúc. Nhưng Trúc thản nhiên:
– Chị đã đoán biết ý nghĩ của cậu. Chị không muốn cậu động não nhiều nên sẽ nói một cách rõ ràng dứt khoát. Đàn bà vốn nhạy cảm lắm. Chị đã biết tỏng tâm sự của cậu từ một tiếng thở dài của cậu thời học trò. Cũng không che giấu làm gì nữa, chính chị cũng có một thứ tình cảm tương tự. Nhưng chị em mình đã dùng lý trí, dựa vào sức mạnh luân lý xã hội để vượt qua nó, nên đã tránh được bao nhiêu rắc rối phiền hà. Kết quả đó phần lớn cũng nhờ vào phẩm chất, tâm hồn cao thượng của cậu. Thuở đó, nếu cậu tiến xa hơn một bước, không biết chị có cản trở nổi không. Bây giờ nếu chị lập hôn thú với cậu để tới phương tây, chốn xã hội xa lạ và tự do, tình trạng chị em mình sẽ đi về đâu? Cái hoài bão bị đè nén
lâu ngày có cơ hội vùng dậy, không có sức mạnh xã hội can thiệp, liệu mình có giữ nổi không? Đành rằng mình có thể thỏa mãn chút ước vọng nhưng sẽ kéo theo bao nhiêu đổ nát. Con chị sẽ hết tin tưởng chị, con cậu sẽ coi thường cậu. Những đầu óc non nớt ấy nếu mất niềm tin, mất định hướng, tương lai chúng sẽ ra sao? Cậu hãy nghĩ lại đi! Bích nó đâu có phản cậu. Chẳng qua vì quá lo cho cậu và lũ con mà nó lỡ chân thôi. Cái họa đó khôn đằng trời cũng chưa chắc tránh được. Khi còn làm việc, cậu thanh liêm không có chút tư lợi phòng hờ. Khi cậu thất thế, vợ cậu phải khốn đốn để rồi phải vấp ngã. Người hiểu biết không ai cười cậu hết. Cậu có bổn phận phải chia xẽ nỗi đắng cay đó với Bích mới phải chứ! Hơn nữa, cậu với
Phương là bạn bè, cậu muốn mang tiếng lợi dụng vợ bạn không đây? Rồi chị đây nữa, cái danh tiết giữ gìn lâu nay nỡ nào lại để tay cậu chôn vùi? Việc này có thể dẫn đến hủy hoại bao nhiêu tư tưởng đạo đức phương đông mà lũ trẻ lâu nay được vun mớm giáo dục. Đừng coi thường đạo đức phương đông! Nếu thiếu nó, con người sẽ sống hỗn loạn, nhơ nhớp, đau khổ hơn. Khi còn trẻ bồng bột, mình đã thoát được lưới tình, bây giờ đầu hai thứ tóc, gánh thêm trách nhiệm với con cháu, lẽ nào lại buông xuôi? “Chữ trinh còn một chút này, chẳng cầm cho vững lại dày cho tan”! Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc thân xác còn gì mà gọi là trinh? Chữ trinh mà cụ Nguyễn Du nói đây chính là trường hợp chúng mình đấy Vấn ạ. Đừng để
người ta đánh giá mình quá thấp. Chị lúc nào cũng quí cậu như một viên trân châu. Gặp vận bỉ, ngọc có thể rơi lẫn vào bùn phân, nhưng không vì thế mà ngọc biến thành bùn phân. Chỉ cần qua một trận mưa lớn, bùn phân trôi hết, ngọc lại hoàn ngọc. Nếu cậu còn quí mến chị thì nên nghe lời chị. Bích đáng thương hơn đáng trách. Nếu cậu hàn gắn được với Bích không những lòng cao thượng của cậu được sáng tỏ mà còn là mối ơn phước lớn cho mấy cháu nữa!
Vấn ngồi lặng nghe Trúc nói với sự kinh ngạc thán phục. Cuối cùng, như cậu học trò trước cô giáo, Vấn cất giọng run run:
– Dạ, em cám ơn chị đã cho em một bài học lớn. Ngày trước đọc các sách nói về liệt nữ em vẫn nửa tin nửa ngờ, nhưng bây giờ nhờ chị, em tin trong đó có nhiều chuyện thật. Em rất sung sướng có được một người chị cao cả. Nỗi lòng em cũng được giải tỏa rồi. Em sẽ gắng làm theo lời chị.