Ông hơi giật mình khi thấy mái tóc dài liêu trai và màu áo tím quen thuộc...
Diễm Lan mồ côi mẹ, cô sống với bà ngoại trong một khu nhà tồi tàn ở vùng Khánh Hội. Dân ngụ cư ở đây đa số đều sống bằng những nghề lao động chân tay như thợ mộc, thợ hồ, phu khuân vác, đạp xe xích lô, bán hàng rong…
Buổi sáng, họ túa đi các nơi kiếm ăn, buổi chiều mới trở về cái tổ ấm thân yêu của mình, và những mái tranh nghèo lại toả khói lam những bữa cơm chiều. Dân trong xóm đa số là những người lương thiện, cũng có một số ít kẻ lưu manh, nhưng họ lường gạt, hoặc làm những chuyện xấu xa ở đâu không biết, đối với người lối xóm đồng cảnh nghèo, họ cũng tỏ ra tử tế, không doạ nạt, húng hiếp ai. Hai bà cháu sống yên ổn trong cái xóm nghèo đó cũng đã khá lâu. Nghe đâu gia đình cô lúc trước cũng thuộc loại giàu có, chỉ sau này mới xa xút. Bà ngoại buôn bán lặt vặt để nuôi cháu, đem hết tình thương ra bù đắp cho đứa cháu mồ côi. Diễm Lan được đến trường, được mặc quần áo đẹp như những con nhà khá giả khác, cô sung sướng sống trong sự bảo bọc, yêu thương của bà ngoại. Cho tới một ngày, cô đủ lớn khôn để hiểu rằng không có cha mẹ là một điều bất hạnh, một sự mất mát lớn lao, không gì có thể bù đắp. Cô chỉ biết mẹ cô chết lúc còn rất trẻ, năm đó cô mới lên ba tuổi. Nhưng còn cha? Diễm Lan cảm thấy vô cùng bối rối, và xấu hổ mỗi khi phải điền hai chữ “ vô danh ’’ vào mẫu khai lý lịch của nhà trường, chỗ trống để dành cho tên của người cha. Đã nhiều lần cô hỏi bà ngoại, thì bà chỉ nói:
- Cha cháu còn sống, nhưng không muốn nhìn cháu, thôi đừng hỏi nữa.
Điều này làm cô càng thêm thắc mắc và đau khổ, vì không muốn làm buồn lòng bà ngoại, cô không dám hỏi tới, nhưng nhủ lòng nhất định sẽ phải tìm hiểu. Con nhà nghèo, nhưng Diễm Lan có dáng dấp quí phái và rất xinh đẹp, càng lớn lên, cô càng giống mẹ như đúc, so với ảnh của mẹ cô chụp thuở còn là học trò, người ta cứ tưởng hai người chỉ là một.
Năm Diễm Lan mười sáu tuổi, bà ngoại cô qua đời vì biến chứng của bệnh tiểu đường. Trước khi mất, bà cầm tay cô dặn dò:
- Theo ý nguyện của mẹ cháu, lẽ ra bà không nói cho cháu biết cha cháu là ai, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Bà cứ tưởng có thể sống tới ngày nuôi cháu nên người, nào ngờ…
Trong tiếng khóc sụt sùi của cô cháu gái, bà bắt đầu kể:
- Gia đình mình trước đây ở Đà Lạt. Ông ngoại cháu làm nghề thầu cung cấp gỗ cho các xưởng cưa ở Sài Gòn. Dạo đó Đà Lạt còn nhiều khu rừng rậm, có những cây cổ thụ sống trên cả trăm năm, cho nhiều gỗ quí, thật là một môi trường thuận lợi cho những nhà khai thác. Ông ngoại là một trong số những người tiên phong đi khai hoang, một công việc nguy hiểm, nhưng kiếm được rất nhiều tiền. Gia đình mình khá giả nhờ đó, công việc làm ăn đang hồi phát đạt thì xảy ra một tai nạn, ông ngoại không may bị cây đổ đè chết. Lúc đó mẹ cháu mới vừa mười hai tuổi. Ông bà ngoại hiếm hoi, chỉ có một mình mẹ cháu, bên nội cũng chẳng còn ai, bà phải một mình bương chải nuôi con. Diễm Châu càng lớn càng xinh đẹp, nổi tiếng một thời là hoa khôi của trường Bùi Thị Xuân, thanh sắc không ai bì, chỉ phải cái tính hơi lãng mạn. Nhà không có đàn ông, thật khổ, bà mải lo kiếm sống, không ai kềm cặp, dạy dỗ, Diễm Châu không chú tâm vào việc học, mà chỉ thích mơ mộng những chuyện viển vông. Năm mười bảy tuổi, vì mê đóng phim nên Diễm Châu sa vào cạm bẫy của một ông đạo diễn, và bị ông này dụ dỗ đến mang thai. Ông Hoàng Vĩnh Điền tuổi gần bốn mươi, đã có gia đình, nhưng tính nết trăng hoa, chỉ thích lường gạt gái thơ. Ông này ngoài bộ mã điển trai, bằng cấp tốt nghiệp từ bên Pháp, lại giữ chức vụ giám đốc sản xuất kiêm đạo diễn của hãng phim Rạng Đông, một hãng phim lớn, khá nổi tiếng thời đó, nên ông là mục tiêu của các cô gái nhẹ dạ tìm tới, mong tìm một chút hư danh. Về phương diện nghệ thuật điện ảnh, ông là một đạo diễn tài ba, được thiên hạ nể phục, nhưng về tư cách thì ngược lại, thật đúng với câu hữu tài nhưng vô hạnh. Khi biết Diễm Châu mang thai, ông hoảng sợ, chỉ lo bà vợ ghen của ông biết được, thì ông sẽ tiêu tan sự nghiệp, bởi vì tất cả tài sản, sự nghiệp cũng như địa vị của ông ngày nay đều do một tay bà ta tạo nên. Để xoá tội, hắn lừa cho Diễm Châu uống thuốc phá thai rồi đưa về. Ngay hôm sau, hắn lên máy bay, đi Thái Lan, tiếng là để quay phim, nhưng kỳ thật là để đi trốn. Chẳng hiểu vì thuốc không đủ mạnh, hay vì số trời, nên Diễm Châu chỉ bị đau bụng sơ sài, nhưng vẫn giữ đưọc cái thai, vì thế nên cháu đã thoát chết. Biết được âm mưu khốn nạn của hắn, Diễm Châu mới kể hết, thú tội với bà. Lúc đó bà mới ngã ngửa trước sự thật phũ phàng, khỏi nói, cháu cũng hiểu nỗi đau đớn của bà lúc đó. Gia đình mình ở Đà Lạt, mấy đời được tiếng thơm, nay bỗng chốc có cô con gái chửa hoang, còn nhục nhã nào bằng? Nhưng mẹ cháu đang lâm vào đường cùng, làm sao bà nỡ bỏ mặc? Thế là để tránh búa rìu dư luận, bà đã phải bán hết nhà cửa, âm thầm bỏ xứ ra đi.
Hai mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn, nơi thị tứ đông đúc, không ai biết tung tích của mình. Mẹ cháu bụng mang dạ chửa, bà thì lạ nước, lạ cái, chưa tìm ra kế sinh nhai. Ngồi không ăn mãi, núi của cũng hết, huống chi vốn liếng đâu có nhiều, gia đình mình bắt đầu sa sút. Sanh cháu xong, bà ở nhà giữ cháu cho mẹ đi làm. Diễm Châu làm thơ ký kế toán trong một hãng buôn để nuôi gia đình, bà buôn bán để kiếm thêm, tiện tặn thì cũng đủ sống. Nhưng thuở nhỏ, cháu hay ốm đau, quặt quẹo luôn, ra vô bệnh viện thường như cơm bữa. Vì sanh thiếu tháng, các cơ quan chưa phát triển kịp, tim cháu có một lỗ thông nơi vách ngăn giữa hai buồng tim. Thỉnh thoảng cháu hay bị những cơn khó thở, mặt xanh đi, nhiều phen nguy kịch, phải chở đi cứu cấp. Đồng lương thơ ký ít ỏi của mẹ cháu không thể nào thanh toán được tiền thuốc men, tiền bệnh phí của cháu đã lên tới một con số khổng lồ. Cùng túng quá, mẹ cháu phải liều lấy trộm tiền của công quỹ. Việc đổ bể, sợ bị tố giác và bị đi tù, mẹ cháu phải ép lòng làm tình nhân của ông chủ hãng để có tiền chạy chữa cho cháu. Không may, bà vợ lớn biết được, đến bắt ghen, làm ầm ỹ và đánh mẹ cháu đến bị thương tật. Xấu hổ và nhục nhã, mấy mẹ con, bà cháu lại phải bồng bế nhau đi, dọn nhà đến xóm này từ dạo đó. Do ảnh hưởng thương tích của trận đánh ghen, mẹ cháu lâm trọng bệnh, không thể đi làm được nữa. Gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nghèo đói, bệnh tật cộng thêm nỗi uất ức đã lấy đi mạng sống của mẹ cháu.
Nói tới đây, bà ngưng lại để nghỉ, một cơn mệt dâng lên làm bà thấy khó thở. Bà nhắm mắt lại một lúc, khi mở ra, mắt bà đã mờ đi rồi, nhưng câu chuyện cần phải kết thúc, bà gắng gượng nói tiếp:
- Phần sau của câu chuyện thì cháu đã biết rồi. Cũng may, nhờ trời thương, cháu càng lớn lên thì bệnh cũng theo đó mà thuyên giảm, rồi hết hẳn. Mẹ cháu trăn trối không muốn cho cháu nhìn cha cháu. Nhưng, sau khi bà chết, họ hàng thân thích không còn ai, cháu sẽ bơ vơ không nơi nương tựa. Thôi thì hãy tìm đến với cha cháu, hy vọng vì tình máu mủ, ông ấy sẽ không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ…
Từ nãy giờ, Diễm Lan chỉ yên lặng lắng nghe, không nói một lời, bấy giờ cô mới ngẩng đầu lên, mắt đẫm lệ, cô nhìn bà ngoại trong cơn hấp hối, cảm thấy ruột gan như thắt lại. Cô nắm lấy tay bà, nghẹn ngào nói gần như thì thầm:
- Cháu biết sẽ phải xử sự ra sao, xin bà yên tâm. Thôi bây giờ bà ngủ đi, nãy giờ bà nói nhiều, mệt rồi.
Cô kéo chăn đắp cho bà, rồi rón rén đi ra cho bà ngủ, chính cô cũng cần được nghỉ ngơi, vì bỗng dưng cô cảm thấy choáng váng, hoa cả mắt. Khép nhẹ cánh cửa, cô lảo đảo đi ra nhà ngoài. Bà ngoại qua đời hai ngày sau đó.
Diễm Lan trải qua một cơn khủng hoảng, những tiết lộ của bà ngoại về người cha tàn nhẫn làm cô bàng hoàng, đau đớn và phẫn uất. Ông ta bây giờ đang sống sung sướng trong danh vọng, sang giàu, còn mẹ cô phải chết trong đói khổ, bệnh tật và oan ức. Cô tự nhủ, bằng bất cứ giá nào, cô phải đòi lại công lý cho mẹ, để mẹ cô có thể ngậm cười nơi chín suối. Tang ma cho bà xong, cô thu xếp nhà cửa, gởi người hàng xóm trông coi dùm, rồi khăn gói lên đường, đi tìm cha. Cô chỉ đem theo số bạc ít oi bà ngoại để lại, và một ít quần áo cũ của mẹ.
Thật chẳng khó khăn tí nào khi tìm ra tông tích một người giàu có, tăm tiếng trong một cái tỉnh nhỏ bé là thị xã Đà Lạt này. Diễm Lan đến trước ngôi biệt thự sang trọng, nằm ẩn mình dưới bóng mát của những hàng cây cao, trong một khu phố vắng vẻ, tĩnh mịch. Lúc đó đã hơn 7 giờ chiều, trời đã nhá nhem tối, thành phố vừa mới lên đèn. Ánh đèn vàng vọt, yếu ớt, nhưng cũng đủ soi sáng tấm bảng bằng đồng gắn trên cánh cổng, có in chữ nổi tên chủ nhân của ngôi biệt thự. Khẽ nhếch môi cười lặng lẽ, cô đưa tay lên bấm chuông…
Hoàng Vĩnh Điền, nhà đạo diễn, kiêm giám đốc của phim trường Rạng Đông đặt tập bản thảo truyện phim đang đọc dở qua một bên, rồi ngả đầu ra sau trong dáng điệu mệt mỏi. Chuông đồng hồ vừa gõ bẩy tiếng rời rạc, trời sắp tối mà vẫn nóng hầm hập, nực nội làm sao. Đà Lạt vào mùa hè thỉnh thoảng có những ngày oi ả, bầu trời như thấp hẳn xuống, tạo cảm giác ngột ngạt, khó thở, không một ngọn gió, nắng hanh làm khô da, nẻ môi. Thời tiết xấu tới nỗi những người khoẻ mạnh cũng cảm thấy khó chịu. Từ lúc thấy mình không được khoẻ, ông đã giảm bớt công việc, mướn người làm phụ thêm, để có nhiều thì giờ nghỉ ngơi.
Sau khi bà vợ già của ông qua đời, đã gần mười năm nay, ông không lấy vợ khác, chẳng phải vì trung thành, hay còn lưu luyến người vợ cũ, người đã tạo dựng cho ông cơ ngơi ngày hôm nay, mà chỉ vì ông thích đời sống độc thân, tự do, thoải mái hơn. Ông không thích sự ràng buộc, hơn ba mươi năm phải sống với bà vợ già, xấu xí, hợm của, lúc nào cũng gắt gỏng, cau có, làm cho ông chán không khí gia đình. Bà chết đi, ông cảm thấy như trút được gánh nặng. Gởi hai đứa con trai lớn đi du học bên Pháp, ông bây giờ tự do, thoải mái, tha hồ bay nhảy, ăn chơi mặc thích. Ông thay nhân tình như thay áo, nay cô này, mai cô khác, toàn những cô trẻ đẹp. Sống với họ một thời gian, khi cảm thấy chán, ông lại thay người mới. Những cô nhân tình đến với ông vì tiền, ra đi cũng được ông đền bù một số tiền, nên không phàn nàn chi hết, chưa bao giờ ông gặp rắc rối trong vấn đề ghen tuông cả. Ông quả là một người may mắn, công việc làm ăn đang hồi phát đạt, những phim do hãng ông sản xuất có rất đông khán giả, tiếng tăm ông nổi như cồn, số lợi nhuận thu vào không phải là nhỏ, ông sống đế vương như một ông vua nhỏ. Tình, tiền, danh vọng đủ cả, ông thoả mãn với lối sống của mình, chẳng gì làm ông bận tâm, ông an nhiên hưởng thụ cuộc đời. Thỉnh thoảng có những phút giây hiếm hoi nhớ về quá khứ, cũng làm ông băn khoăn, nghĩ ngợi đôi chút, nhưng rồi ông lại gạt đi, tự nhủ cái gì đã qua nên để cho nó qua. Chỉ có một điều làm ông bận tâm, là sức khoẻ của ông dạo này có hơi suy sụp, ông hay cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt. Ông đi khám bác sĩ, nhưng cũng không tìm ra bệnh gì, có lẽ chỉ tại tuổi già, năm nay ông gần sáu mươi rồi, và có lẽ cũng do hậu quả của những năm tháng dài ăn chơi vô độ, ông nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi là sẽ khoẻ lại.
Chiều hôm nay, cả nhà đi vắng hết. Ánh Tuyết, cô nhân tình trẻ đẹp của ông về Nha Trang thăm gia đình, ba tuần nữa mới trở lên. Chị bếp cũng đã ra về, sau khi rửa dọn xong chén bát của bữa cơm chiều. Ngoài kia, trời bắt đầu tối, phố xá mới lên đèn, ở trong phòng lạnh mãi cũng bí, ông cảm thấy ngột ngạt, nên đứng dậy, bước ra ngoài cho thoáng. Ông đi tản bộ trong vườn, cảm thấy dễ chịu hơn. Thình lình chuông cửa chợt reo vang, ngạc nhiên ông tự hỏi:
- Ai tới nhà mình vào giờ này nhỉ?
Ông lững thững bước ra cổng, bóng dáng một người con gái đứng khuất trong bóng tối làm ông chú ý, ông mở hé cổng và hỏi:
- Cô tìm ai?
Một giọng trong trẻo cất lên, chứng tỏ cô ta còn rất trẻ:
- Tôi muốn được gặp ông đạo diễn Hoàng Vĩnh Điền.
- Chính là tôi, cô tìm tôi có việc gì?
- Lát nữa ông sẽ rõ nguyên nhân. Ông mời tôi vào nhà chứ?
Vĩnh Điền chăm chú quan sát người con gái đang đứng nép sau cánh cổng, như để thẩm định giá trị của cô ta thuộc hạng người nào. Một ý nghĩ đểu giả chợt thoáng qua trong óc, ông mỉm cười, giọng bỡn cợt:
- Cô đến tìm tôi vào giờ này, hẳn là có chuyện cần? Nói ngay đi! để xem tôi có thể giúp gì cho cô? Nếu tôi đoán không lầm, thì cô muốn xin một vai phụ diễn trong bộ phim sắp tới?
Một tràng cười cất lên, tiếng cười nửa như mỉa mai, nửa như chế diễu, làm ông nhột nhạt, vội tắt ngay nụ cười:
- Ha ha! ông tưởng tất cả mọi người con gái trẻ tìm đến ông, đều chỉ vì mục đích đó sao? Ông lầm rồi, câu chuyện tôi sắp nói đây, quan trọng hơn nhiều. Nhưng chúng ta cứ đứng ngoài đường mãi ư?
- Thôi được, mời cô vào!
Ông mở rộng cánh cổng rồi đứng tránh qua một bên, bấy giờ cô gái mới bước ra vùng có ánh đèn. Ông hơi giật mình khi thấy mái tóc dài liêu trai và màu áo tím quen thuộc. Khi nhìn rõ mặt cô ta, Vĩnh Điền bỗng lùi lại một bước, mặt tái nhợt, giọng lạc đi vì sợ hãi:
- Có thể nào? không lẽ lại là…?
- Phải, không sai đâu. Cô ta cười nhạt, giọng mỉa mai, thì ra ông vẫn còn nhớ đến người xưa?
Ông bủn rủn cả người, lắp bắp:
- Diễm Châu? có phải Diễm Châu hay không? nhưng cô đã chết rồi kia mà?
- Đúng vậy, Diễm Châu đã chết thật rồi, nhưng chết đi đâu có nghĩa là mọi việc đều chấm dứt? ông đừng hòng mong thoát tội!
Giọng cô gái bỗng dưng trở nên khác lạ, nghe khao khao, giống như tiếng của người từ cõi âm, hai luồng nhỡn tuyến của cô ta sáng quắc như hai đốm lửa, chiếu thẳng vào mặt ông. Vĩnh Điền rùng mình, có cảm tưởng như oan hồn người chết vừa hiện về, ông sợ hãi vội đóng xập cổng, bỏ chạy thật nhanh vào nhà, ông nhào xuống giường, ôm ngực thở hổn hển như người sắp đứt hơi. Nằm một lúc cho tim bớt đập,Vĩnh Điền hít vô một hơi thật sâu, cố lấy lại bình tĩnh, sự việc xảy ra đột ngột quá, những chuyện ngày xưa, ông tưởng đã chìm trong quên lãng, bây giờ đột ngột quay lại trong đầu ông như một cuốn phim.
Suốt đêm hôm đó, ông lục đục không sao ngủ được, cứ nhắm mắt là những hình bóng oan khiên trong quá khứ lại hiện về làm ông sợ hãi. Ông tự hỏi có phải mình đang nằm mơ? Diễm Châu quả thực đã chết từ lâu lắm. Có lần đi đưa đám ma một người bạn tại nghĩa trang Gò Vấp, tình cờ ông đã trông thấy mộ nàng với tên, tuổi, hình ảnh khắc trên bia mộ rành rành, làm sao có thể lầm lẫn? Nhưng… nhưng mà… rõ ràng cô ta vừa hiện về, cũng với vóc dáng mảnh mai, mái tóc thề buông xõa ngang vai, màu áo tím quen thuộc ngày nào, cũng vẫn nụ cười có chiếc răng khểnh và nốt ruồi son trên môi… Bao nhiêu kỷ niệm cũ hiện về, ông mơ màng như đang sống trong dĩ vãng.
Bất chợt một luồng gió lạnh buốt thổi tới khiến ông rùng mình, Diễm Châu đột ngột xuất hiện ngay trước mặt ông, đang nhìn ông bằng cặp mắt oán hận. Ông sợ hãi, quỳ xụp xuống đất, van lạy:
- Tôi có lỗi với em. Xin Diễm Châu tha thứ cho tôi, bao nhiêu năm qua, tôi hối hận nhiều rồi.
Nhưng bóng áo tím lắc đầu như muốn nói:
- Tôi không tin, không tin…
Cô ta lùi dần, lùi dần, đến vách tường thì biến mất. Còn đang bàng hoàng không biết tỉnh hay mơ, thì một hồi chuông điện thoại reo vang, kéo ông ra khỏi cơn mộng du. Ông chụp vội lấy ống nghe, thoạt đầu, ông cứ tưởng là điện thoại của Ánh Tuyết, cô nhân tình trẻ đẹp của ông, cô ả có tính bốc đồng, hay gọi điện thoại vào những giờ giấc bất ngờ nhất, để nhõng nhẽo, vòi tiền, hoặc để kiểm soát xem ông đang làm gì. Nhưng không phải, bên kia đầu giây là một giọng nữ, giọng của cô gái lúc ban chiều:
- Ông đang làm gì thế? Tôi biết đêm nay ông không ngủ được, phải không?
- Cô… cô là ai? Vĩnh Điền hỏi, giọng lạc đi vì sợ, cô muốn gì?
- Tôi là ai? điều đó không quan trọng. Nhưng tôi tới đây để nói chuyện ngày xưa, nhắc ông phải nhớ đến những gì ông đã làm trong quá khứ.
Vĩnh Điền run lên lập cập:
- Có… có phải hồn ma Diễm Châu? Van cô tha tội cho tôi, việc xảy ra đã lâu, tôi bị lương tâm cắn rứt, tôi hối hận nhiều rồi.
- Tôi không tin là ông hối hận, nếu hối hận thì trong bao nhiêu năm qua, sao ông không đi tìm con ông? Ít ra ông cũng cần biết nó là trai hay gái? còn sống hay đã chết? sướng khổ ra sao? Đàng này ông ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng màng đến giọt máu rơi…
- Con tôi? Ông lắp bắp, làm gì có chuyện đó? tôi đã cho Diễm Châu uống thuốc phá thai rồi mà?
- Ông vừa thú nhận tội ác ông đã làm rồi đó nhé? Giọng cô gái đột ngột trở nên giận dữ, sau khi lừa người đàn bà uống thuốc phá thai mà ông nói dối là thuốc dưỡng thai, ông đã bỏ đi luôn, không bao giờ thèm quan tâm đến số phận của bà ta ra sao. Nhưng rủi cho ông, đứa bé không chết như ý ông mong muốn, nó ra đời trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Trong khi ông sống trên đống bạc, thì con ông đói lạnh, và mẹ nó chết vì không tiền chữa bệnh. Thật là tàn nhẫn… Hừm! người như ông làm gì có lương tâm mà bị cắn rứt? ông sẽ bị quả báo đó, ha ha ha…
Tiếng cười lanh lảnh như xoáy vào óc khiến ông bủn rủn, buông rơi điện thoại, đưa tay lên ôm lấy đầu, sợ hãi lẫn hoang mang. Cứ thế, ông thức trắng đêm, sáng hôm sau ông kiệt sức và đâm ra ngớ ngẩn. Những ngày tiếp theo, cảnh cũ lại tái diễn, bóng cô gái áo tím thấp thoáng sau cánh cổng, và những cú điện thoại lúc nửa đêm… Riết rồi ông đâm sợ những tiếng chuông cửa, và không dám nhấc cả điện thoại. Có đêm, ông tưởng như nghe thấy tiếng chân bước đi trên cầu thang, và ông đã kêu rú lên kinh hoàng khi nghe tiếng khóc than, rên rỉ, tiếng người cãi cọ ngay tại phòng đọc sách kế bên. Thật ra đó chỉ là âm thanh phát ra trong một phim kinh dị chiếu trên TV mà ông quên tắt. Bây giờ thì ông lẫn lộn, không còn phân biệt đâu là thực, đâu là mộng nữa. Ông bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả công ăn, việc làm, suốt ngày đi ra đi vào, lẩm bẩm nói chuyện với một người vô hình, một người mà ông ngỡ đã quên đi, nhưng trong thâm tâm ông vẫn biết là ông đã tự dối mình. Bóng hình của người đó vẫn ám ảnh ông trong suốt quãng đời mười tám năm qua, và bây giờ cái bóng đó đang lảng vảng quanh ông.
Ba tuần sau, trở về nhà, Ánh Tuyết kinh ngạc thấy Vĩnh Điền đã biến thành một người khác, ông gầy xọp đi, và đầu óc không còn tỉnh táo. Vội vã, cô đưa ông đi bệnh viện, tại đây họ làm đủ mọi thử nghiệm, nhưng cũng không tìm ra bệnh gì. Bác sĩ cho ông uống thuốc an thần, và ông lảo đảo ra về.
Đến mùa đông, sức khoẻ của Vĩnh Điền trở nên sa sút, nên ông ít đi ra ngoài. Loanh quanh trong nhà một mình, ông cảm thấy buồn chán và cô đơn hơn bao giờ hết. Phim trường đã đóng cửa, sang cho người khác, bạn bè không còn tới lui thăm viếng, Ánh Tuyết cũng đã bỏ đi, theo một anh tình nhân trẻ. Ông muớn một người khán hộ ở luôn trong nhà để chăm nom, săn sóc thuốc men, và đêm hôm cho có bạn. Lúc này ông hay bị mất ngủ, và thường xuyên phải dùng thuốc an thần. Ảnh hưởng của thuốc làm cho ông ngủ li bì, luôn luôn thấy ác mộng, có khi ông nằm mơ cả ban ngày.
Một buổi chiều cuối đông, sau một giấc ngủ dài do thuốc an thần, ông thức dậy trong trạng thái lâng lâng, nhẹ nhõm, ngực ông không còn đau tức và khó thở như mọi ngày. Bên ngoài, trời bắt đầu tối, bây giờ mới hơn 5 giờ chiều, mà mặt trời đã đi ngủ sớm, ánh sáng yếu ớt của buổi chiều còn sót lại, chiếu qua tấm mành buông kín, cho ông một cảm giác dễ chịu. Chắc ông ngủ quên lâu lắm, nhưng không thấy ai vào đánh thức. Thấy căn phòng hơi tối, ông đưa tay toan bật đèn, nhưng lập tức ngưng lại, vì chợt cảm thấy một sự gì khác lạ đang xảy ra ở trong phòng. Trong ánh sáng nhá nhem của buổi chiều tà, ông chợt trông thấy mờ mờ hình dáng của một người đàn bà đang đứng tựa bên cửa sổ, quay lưng lại ông. Tim đập mạnh, hồi hộp, thoạt đầu ông ngạc nhiên tự hỏi Ánh Tuyết đã về à? cô ta tới đây lúc nào? Nhưng rồi ông lại gạt ngay ý nghĩ đó, ông không tin Ánh Tuyết có can đảm trở về, sau khi đã cuỗm hết của ông một số tiền lớn và tất cả vàng bạc, nữ trang ông cất trong tủ. Ông nghĩ có lẽ ông hoa mắt nên trông lầm. Ông nhắm mắt lại, định thần một lúc, khi mở ra, ông vẫn thấy cô ta đứng nguyên chỗ cũ, đầu hơi cúi xuống như đang cầu nguyện. Một luồng gió lạnh từ đâu bỗng thổi tới, làm ông lạnh giá cả toàn thân. Ông khẽ liếc về phía cô gái, bây giờ ông mới để ý là cô ta có mái tóc dài, và mặc một cái áo kiểu xưa. Chắc chắn không phải là Ánh Tuyết rồi, vì Ánh Tuyết tóc ngắn. Một cảm giác rờn rợn làm ông nổi gai ốc, nhưng lạ thật, ông không cảm thấy sợ hãi. Dáng dấp của cô gái có một vẻ gì quen thuộc, làm ông cứ nghĩ ngợi mãi, ông rất muốn cô ta quay lại để ông có thể nhìn rõ mặt, nhưng ông không dám lên tiếng, chỉ sợ cô ta biến mất. Bây giờ trời đã tối hẳn, căn phòng trở nên âm u, dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Không thấy người y tá vào phòng cho ông uống thuốc như mọi khi, không nghe một tiếng động nào cả, mọi người đâu cả rồi? Mấy hôm nay, nhà ông nhộn nhịp lắm, khách khứa tới lui tấp nập, hai đứa con trai của ông từ bên Pháp cũng về thăm ông từ hai tuần trước, chắc sắp đến ngày chúng nó lên đường. Cảm thấy khát nước, ông toan ngồi dậy để lấy chai nước để trên cái bàn cạnh giường, nhưng vì yếu quá, nên việc này cũng làm ông mệt. Ông cất tiếng gọi, nhưng tiếng nói yếu ớt của ông không thoát ra khỏi cổ họng. Ông đành bất lực nằm im, lắng nghe một cảm giác lạnh buốt từ ngực đang từ từ lan xuống tới chân.
Hình như có người vừa bật đèn, một luồng ánh sáng kỳ lạ, giống như sương mù toả khắp căn phòng, che mờ mọi đồ vật, chỉ có cô gái là rực sáng và càng lúc càng rõ nét. Cô ta quay lại, Vĩnh Điền giật mình, nhận ra khuôn mặt xinh đẹp của cô nữ sinh hoa khôi trường Bùi Thị Xuân năm nào, ông thảng thốt kêu lên:
- Diễm Châu!
Diễm Châu, phải, người đó chính là Diễm Châu, mỉm cười dịu dàng:
- Ông vẫn chưa quên em ư?
- Làm sao tôi quên em được? Từ trong tiềm thức, hình ảnh của em vẫn in rõ rệt trong ký ức tôi. Nhắc chuyện ngày xưa, quả thật tôi đã làm điều sai quấy với em, nhưng chuyện xảy ra đã lâu rồi, bỏ qua cho tôi, em nhé?
Ông ngồi dậy, rời khỏi giường, cảm thấy thân mình nhẹ bổng như không còn một tí trọng lực nào cả, ông đưa hai tay lên, chới với bước về phía nàng, nhưng Diễm Châu lùi lại để tránh. Vĩnh Điền quỳ xụp xuống chân nàng, van lạy:
- Bây giờ tôi mới biết sám hối. Những gì tôi đã gây ra, không thể tha thứ được, tôi biết chỉ có cái chết mới có thể rửa sạch được tội lỗi của mình.
Diễm Châu nhìn ông bằng cặp mặt thương hại:
- Thì ông đã chết rồi. Nhìn kìa!
Ông quay lại, và nhìn thấy thân thể ông nằm ở trên giường, co quắp, hai tay ôm lấy ngực, miệng há ra như người đang kêu cứu, một dòng nước bọt xùi ra từ hai bên mép. Hai đứa con trai ông đứng bên cạnh giường, một đứa vuốt mắt cho ông, đứa kia đang từ từ kéo tấm mền trắng phủ kín toàn thân ông. Ô! thì ra ông đã chết thật rồi.