main billboard

 

Lúc đầu lão Hạnh thua to, gần cháy túi. Thế mà lão vẫn cười cười, không la hét, không chửi thề...

 xoc dia

Làng Giao Thủy nằm cạnh sông Thu Bồn. Sau này con cháu, đoán rằng cái tên của ngôi làng phát sinh do nơi hội tụ của con sông Thu Bồn - con sông lớn nhất xứ Quảng Nam - và con sông nhỏ hơn, sông Đào, chảy từ làng Ái Nghĩa sang. Chỗ giao nhau giữa hai con nước của hai con sông, nên cái làng bên cạnh hai con sông mang tên làng Giao Thủy. Làng cũng nổi tiếng vì có một lò ươm tơ, dệt lụa khá lớn, từ lâu đời. Sau này trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp, từ năm 1946 đến năm 1954, Giao Thủy còn là một vị trí quân sự quan trọng, Đồn Giao Thủy, kiểm soát sự qua lại của thuyền bè trên sông Thu Bồn, ngăn chận việc tiếp tế cho lực lượng Việt Minh, từ miền biển, miền đồng bằng, như gạo, bắp, mắm muối, vải vóc, thuốc tây, sách vở và mọi thứ cần dùng lên trên miền núi, qua tận Hạ Lào.


Giao Thủy là quê ngoại của tôi. Từ thuở bé, lên năm, bảy tuổi, tôi và cậu em út hay được cậu mẹ tôi dẫn theo trong các dịp về quê ngoại giỗ chạp, đám giỗ ông ngoại, bà ngoại và ngày Tết Nguyên Đán.

Cậu Tri, anh ruột của mẹ tôi thường hay kể cho chúng tôi nghe về Giao Thủy trong các dịp ông xách dù qua ở lại nhà tôi chơi, có khi vài tuần lễ. Mỗi lần ông đến ở lại chơi, nhà rộn rịp hẳn lên. Mẹ tôi và các chị tôi bận rộn tíu tít, suốt ngày. Mẹ tôi sáng sớm đã đi chợ để mua thịt cá, rau quả, để làm những bữa cơm thịnh soạn đãi ông anh. các chị tôi bận bịu nấu nướng, làm thịt gà, thịt vịt, làm món rau và chiên xào các món ăn do mẹ tôi hướng dẫn.

Cậu Tri được cậu mẹ tôi trọng nể, không những là một ông anh lớn trong gia đình, mà có lẽ do sự hiểu biết tường tận các vấn đề, từ làm ăn, mùa nào trồng loại hoa quả nào, mùa nào nên mua thêm gạo thóc, tích trữ, để đề phòng cho những năm mất mùa, thiếu gạo hoặc các loại mắm muối, trữ để ăn trong mùa đông mưa bão lớn. Với chúng tôi, con cháu, cậu Tri đôi khi dạy cho học, giảng vài cuốn sách và nhất là kể chuyện. Cái tài kể chuyện của ông lôi cuốn chúng tôi nhất. Mỗi lần ông đến chúng tôi thật mừng, dù đôi khi vì có ông đến mà bị đòn.

Bình thường cậu nghiêm nghị, ít nói, hoặc khi chúng tôi nghịch phá, làm ông mất giấc ngủ trưa, ông bực bội, la hét và cậu mẹ tôi, ít nhất cũng la rầy hoặc nặng hơn, kêu chúng tôi lên nhà trên, mỗi đứa lãnh năm ba roi đến quắn đít, khóc ấm ức. Những ngày “xấu” đó, ông giận, mắt trợn trừng, nhiều khi ông đi ngang qua chỗ chúng tôi đang bị quì, ông cú cho vài cú, muốn bể cái đầu.

Một lần, sau dịp Tết Nguyên Đán, đâu khoảng năm 1957 cậu ở lại chơi khá lâu, buổi chiều cậu hay ngồi ở hàng hiên, kể về những chuyện ngày xưa nơi quận Đại Lộc, quê chúng tôi. Lần đó cậu nói:
- Đất mình đang ở đây ngày xưa, cách đây có đến trên ba trăm năm, là vùng hoang vu, rừng núi và cây cỏ hoang dại. Đó là thời kỳ Đàng Trong có chúa Nguyễn, Đàng Ngoài có vua Lê và chúa Trịnh. Hai bên đánh nhau tất cả bảy lần, từ năm Đinh Mão 1627 đến năm Nhâm Tý 1672, tổng cộng 45 năm ròng rã.

Năm đó tôi đang lên học lớp đệ tứ, chuẩn bị thi trung học đệ nhất cấp, ngon lành lắm trước đám bạn bè. Trong các giờ học sử tôi đã học về thời kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh này, nhưng đã quên cả, nên cất tiếng hỏi cậu Tri:
- Trong bảy lần hai bên Trinh Nguyễn đánh nhau, bên nào thắng, bên nào thua?

Cậu lườm mắt, nhìn tôi:
- Thằng này học hành gì mà mau quên lịch sử quá vậy. Thôi ngồi yên nghe cậu kể đây nè.

Ông chẩm rãi uống ly trà, nói:
- Trong bảy lần đánh nhau, tất cả đều do Đàng Ngoài chủ động, đem đại quân vào tận Đàng Trong đánh phá, định chiếm đất, bắt chúa Nguyễn quy hàng, nhưng gần như không thắng trận nào, hay nói đúng hơn, quân lính đi xa, bệnh tật, thiếu lương thực, phải rút về. Chỉ có dân chúng hai bên khổ vì chiến tranh liên miên, vì sưu cao, thuế nặng cho chi phí chiến trận và chết chóc, tàn phá. Chiến tranh nào cũng vậy, chỉ người dân đen là khổ nhất thôi. Mỗi lần đánh nhau như vậy, bên Đàng Ngoài thua, số tù binh bị bắt, được chúa Nguyễn đem vào khai phá vùng Quảng Nam, vùng đất Chiêm Thành dâng cho nước Đại Việt hoặc bị ta đánh chiếm, hoặc như vua Chàm Chế Mân, dâng để cưới công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu xứ Chàm.

Tôi đưa tay nói:
- Dạ, con biết, đó là hai châu Ô và châu Rí, một phần của đất Quảng Nam và phần khác của đất Thuận Hóa, xứ Huế ngày nay.

Cậu gật đầu, nói tiếp:
- Các cháu biết rằng, ông bà mình ở xứ Quảng này là những người lưu dân, đi khai phá vùng đất mới, đầy sơn lam, chướng khí, bệnh tật, đói khổ. Muốn sống sót, người đi khai phá với đôi tay dũng mãnh, với trí óc đối đầu với thiên nhiên, phải đoàn kết nhau, cùng xông pha dành sự sống. Những người yếu đuối ngục ngã, con cháu, thế hệ kế tiếp bước lên. Sau một thời gian đói khổ, số đất đai khai phá càng ngày càng nhiều lên, cây trái đâm hoa, kết quả. Con sông Thu Bồn trong mùa nước lụt, tàn phá xóm làng, nhưng cũng mang đất núi, phù sa về làm tốt đất đai, vườn tược.

Bên này sông Thu Bồn là làng Giao Thủy, bên kia sông Thu Bồn là vùng Vĩnh Trinh. Hai làng giao hảo với nhau thuận hòa, kết tình sui gia, gã vợ, lấy chồng cho trai gái hai làng. Những năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng trúng lớn, Tết Nguyên Đán năm đó được dân hai làng ăn mừng, cúng quảy ông bà, tổ tiên, thần thánh hộ trì. Nhà khá giả nấu bánh tét, bánh chưn, bánh tổ, làm heo... ăn uống, rượu chè linh đình. Nhà nghèo khó cũng mua ít bánh trái, miếng thịt ngoài chợ để cúng và cho con cái có cái ăn trong ba ngày Tết.

Cuối tháng chạp ta, công việc đồng án đã nhẹ bớt, chỉ lo cày đất, chờ gieo mùa sau. Trai tráng trong làng được kêu gọi ra tay cùng đi dẫy mồ mã tiền nhân, ông bà, cha mẹ, thân thuộc đã qua đời.

Thời ông nội của cậu, các vùng Giao Thủy, Vĩnh Trinh đã trù phú, dân cư đông đúc, ruộng vườn tốt tươi. Xuân năm Ất Tỵ, dưới triều vua Thiệu Trị, bên tây lịch, đâu năm 1845, mọi người nô nức đón mừng Tết Nguyên Đán.

Cậu ngưng nói một chốc, quay qua vấn điếu thuốc rê, tôi nhân dịp đó, hỏi:
- Thưa cậu, sao cậu nhớ được những năm ta và năm tây hay vậy?

Cậu kê điếu thuốc rê vấn xong, vào chiếc đèn nho nhỏ bên bàn, đốt lửa, bập bập vài ba hơi, nói:
- Cậu nhớ được năm đó vì đó là năm sinh của ông nội cậu, năm Ất Tỵ, rồi sau này con cái tra ra năm tây 1845, hơn cả một trăm năm rồi, lịch sử chuyển vần. Thôi để cậu kể tiếp.

... Năm đó được mùa nên nhà nào cũng có cái ăn, cái để dành và ngày Tết có thịt thà, bánh trái và có tiền tiêu pha. Ngày Tết mừng vui xuân và hy vọng sang năm mới sẽ làm ăn khá giả hơn nên lại thêm chút rượu chè và tụ nhau lập sòng bài, ăn thua nhau chút đỉnh cho vui.

Cậu không biết rõ thuở đó ông bà mình đánh bạc kiểu nào nhưng chắc cũng đi đi lại lại, xóc dĩa, chẵn lẻ là dễ nhất thôi, như ông nội cậu kể lại. Chỉ có hai mặt, sấp ngửa hay chẵn lẻ, người nào dù dốt cách mấy cũng có thể chơi được nếu có tiền. Một người hay vài ba người có tiền nhiều, ngồi cầm cái. Dụng cụ chỉ có cái dĩa, cái chén ăn cơm và bốn đồng xu, một mặt sơn đen, một mặt kia sơn trắng. Người cầm cái xóc xóc cái chén dĩa úp lên nhau, rồi để xuống chiếu. Chiếc chiếu được kẻ làm đôi, bên chẵn, bên lẻ. Cứ thế ai muốn đặt tiền bên nào tùy theo lý xét đoán và chờ may rủi đến.

Người cầm cái sau khi xóc cái đĩa có cái chén úp ở trên, nói:
- Cất cái tay. Đặt tiền xuống đi. Ai muốn bên lẻ, đặt tiền bên lẻ. Ai muốn bên chẵn, đặt tiền bên chẵn. Xong chưa, cất cái tay. Ai đẩy tiền qua, tiền lại, nhà cái có quyền tịch thu tiền nghe chưa?

Mọi người hồi họp theo dõi, tim nhảy thình thịch, cầu mong mình thắng. Tên cầm cái xoay xoay cái chén, hô to làm mọi người hồi hộp thêm:
- Mở chén đây nè. Cất cái tay.

Tuy nói vậy ông ta vẫn chưa mở chén, lại còn xoay xoay thêm vài vòng nữa, rồi mới trịnh trọng nói lớn:
- Mở nè. Mở nè. Ồ, ồ , ba sấp, một ngửa nè. Lẻ. Lẻ nữa bà con ơi!

Quanh chiếu có tiếng la lớn mừng rỡ, tiếng nhảy lên cà tửng, cà tửng. Có tiếng thở dài, càu nhàu, chửi thề. Lẻ chi lẻ hoài. Tổ cha cái lẻ nè.

Mấy tên hùn với chủ cái, lẹ làng lùa tiền bên chẵn về bên mình và bắt đầu chung tiền cho bên trúng, bên lẻ. Tên chủ cái để cái chén úp vào cái dĩa trở lại, hô lớn:
- Cất cái tay bà con ới. Tui xóc đây nè. Lần ni ai đặt chẵn, trúng chẵn, ai đặt lẻ trúng lẻ. Đặt đâu trúng đó, ngày xuân, ngày tết thần tài gõ cửa, làm giàu mấy hồi. Mại dô! Mại dô. Bà con ơi!

Vừa nói, ông ta xóc xóc cái dĩa, mấy đồng xu bên trong nhảy lổn cổn, kêu lên leng keng, leng keng. Ông ta để cái dĩa xuống chiếu, la lớn như những lần trước:
- Cất cái tay nè. Tui mở dĩa đó nghe. Đặt tiền xong xuôi chưa? Mở dĩa nè.

Rình rang mãi, ông ta mới dỡ cái chén lên. Im phăng phắc. Tên phụ chủ cái la lớn:
- Chẵn, chẵn. Bà con ơi! Dữ chưa. Năm cái lẻ rồi mới chịu nhảy qua chẵn. Ai đánh chẵn lớn, trúng lớn. Ai đánh lẻ thì thua thôi.

Canh bạc càng lúc càng đông người tham dự, chen chúc nhau thử thời vận đỏ đen trong ngày xuân. Càng về khuya số người tham dự tuy ít hơn nhưng số tiền đặt xuống hình như nhiều hơn, nhiều hơn và quyết liệt ăn thua nhau hơn. Những người hết tiền hoặc chưa biết cách nào kiếm thêm tiền để trở vào gỡ số tiền vừa thua đậm, vẫn chần chừ, chưa chịu đi về, vẫn còn nhiều ấm ức, tức tối, vò đầu, vò tai, tiếc cho những quyết định sai lầm trong gang tấc làm thua tiền oan uổng quá.

Chiếu bạc càng về khuya đã chia ra hai phe rõ rệt. Phe của lão Hạnh bên Vĩnh Trinh và phe của mấy anh em bên tộc Lê, tộc Nguyễn, tộc Phan, tộc Trần bên Giao Thủy và có cả người từ Gò Nổi, bên tộc Hoàng, tộc Phạm lên chơi, tham dự vào.

Lão Hạnh thật xứng danh tay chơi lão luyện, từ chỗ đứng xớ rớ, coi chơi, chỉ cho mấy người đánh cò con, năm ba đồng bạc cắc, cũng bắt đầu ngồi sòng, cầm cái, sau khi bên cái thua liên miên, xấc bấc, xang bang. Mấy tay có tiền bạn của lão bên Vĩnh Trinh, Quế Sơn ghé vào tai lão nhỏ to, lão trấn an, cuối cùng đồng ý để lão đứng ra cầm cái. Lão nói dõng dạc:
- Để tui xóc cho, kỳ này tui bảo đảm sẽ thu tóm thiên hạ vào tay tôi, không mấy hồi. Tin tui đi. Làm thịt tụi này ngon lắm.

Lão cầm cái dĩa, cái chén lên ngắm nhía, săm soi một hồi. Lão cũng cầm bốn đồng xu sơn hai bên trắng đen, sấp ngửa, để trên lòng bàn tay, hất hất lên xuống, xem nặng nhẹ thế nào. Lão rít hơi thuốc rê Thanh Quít, nói nhỏ nhẹ:
- Tui làm cái đây nghe. Mình chơi cho đàng hoàng, ngay thẳng với nhau. Ngày xuân vui chơi thôi, bạc tiền là phụ nghe chưa? Ở đời muôn sự của chung mà!

Lão xóc xóc nhẹ nhàng, miệng cười cười, không la hét, cất tay, cất tay như mấy tên cầm cái trước đó. Mấy tên trong nhóm của lão cũng nhỏ nhẹ:
- Thôi bà con đặt tiền xuống đi. Ai trúng, được tiền. Ai thua keo này, ráng gỡ keo sau. Chơi cho vui ngày xuân, nghe bà con.

Lúc đầu lão Hạnh thua to, gần cháy túi. Thế mà lão vẫn cười cười, không la hét, không chửi thề. Càng về khuya, đám có tiền càng đến thêm, số tiền đặt xuống chiếu càng nhiều thêm. Lão Hạnh xóc xóc, vẫn nhẹ nhàng, cười cười, mắt xếch, long lanh trong đêm tối. Một ông bên tộc Nguyễn đùa:
- Kỳ này cho lão Hạnh mang khố rách, áo ôm luôn nghe bà con. Cho lão chỉ còn cái quần xà lỏn mặc đi về trên núi ở với khỉ thôi nghe.

Mọi người cười ầm. Lão Hạnh cũng cười sảng khoái. Lão để cái dĩa có cái chén úp bên trên xuống, nói:
- Mời mọi người đặt tiền xuống. Tôi dỡ chén đây nè.

Lão vừa nói vừa nhìn một lượt các món tiền đặt xuống, xem bên nào nhiều, bên nào ít. Thấy bên chẵn còn ít người đánh vì kỳ này, ai cũng đoán sẽ qua bên lẻ, sau hơn năm lần chẵn liên tiếp, lão Hạnh nói:
- Bán bên lẻ, ai mua không? Bán lẻ đây, bà con ơi!

Không một ai hưởng ứng, ai cũng đoán kỳ này phải qua lẻ thôi. Tiếng thúc dục:
- Sợ hả lão Hạnh? Chuẩn bị trò gì đây? Quân tử nhứt ngôn, nghe chưa?

Lão chỉ cười gằn, nhướng mắt, trả lời:
- Tui cất cái chén đây. Bà con coi cho kỹ nè.

Nói vậy nhưng lão vẫn rề rà, khỏ thật nhẹ ngón tay út vào cái dĩa, rồi mới chịu dỡ cái chén lên. Mọi người nín thở, chờ. Lão nói như rít lên:
-Chẵn. Chẵn. Chẵn nữa. Tui thắng lớn nghe chưa? Tổ đãi tui mà!

Từ đó lão Hạnh thắng liên tiếp. Tới gần sáng, mọi người thua xiểng liểng, sạch túi. Lão thong thả đứng lên, vê lại điếu thuốc rê Thanh Quit, hút bập bập, cười thích chí. Mấy tay đàn em của lão, thanh toán chiếu bạc, ra về, thắng lớn. Đám thua tiu nghỉu, lắc đầu, buồn bã, vừa đi vừa chửi rủa, ra về trong uể oải.

2.-
Trong kỳ cúng xuân ở nhà thờ làng Giao Thủy, mấy ông ngồi với nhau, nhớ lại canh bạc hôm Tết, vẫn còn tức, vẫn cãi nhau. Ông Nguyễn cao giọng:
- Các ông bị lão Hạnh bên kia sông bịp mà không ai biết. Từ lâu bên kia sông Thu Bồn, cái thằng ăn trộm này đã nổi tiếng một tay trộm cắp, tứ chiếng giang hồ mà các ông đi đánh bạc với nó thì kể như đưa trứng cho ác thôi!

Ông Phan, sau vài chén đế, mặt đã đỏ gay, mồm sùi bọt mép, nói như hét:
- Lại một tay phét lác nữa. Thua rồi mới dỡ giọng cha chú. Sao lúc đang vào sòng không giỏi lật tẩy nó trước mặt mọi người, nay nói làm chi?

Ông Huỳnh bênh ông Nguyễn:
- Ông ni nói nghe chướng quá hả? Thua mới rút khuyết điểm cho các canh bạc sau chứ! Thua một trận chứ có thua hoài, thua mãi đâu. Dịp nào khác đánh nữa, lột mặt nạ nó, thằng đại bịp ra, cho thiên hạ phỉ nhổ!
Ông Lê bình tĩnh hơn, kê lại:
- Tiền đâu nữa mà đánh đấm! Bao nhiêu tiền bán được của mùa lúa, mùa bắp vừa rồi, vào tay nó hết rồi. Lạng quạng năm nay mùa màng mà tệ hại, là đói to, không tiền đóng thuế, lại ngồi tù thôi, các ông ơi! Thôi không có cái màn cờ bạc nữa nghe chưa các ông? Mình là dân làm ruộng, chảy máu mắt mới kiếm ra vài đồng tiền cho vợ con sống, lại nướng hết cho cái thằng cù bơ, cù bất, đầu đường, xó chợ, cờ gian bạc lận. Gây sự với nó, tụi trộm cướp đó, nó lụi cho vài dao là rồi đời. Dẹp cờ bạc là tốt hơn cả. Mình ngu mình chơi cờ bạc với nó, mình thua, thì ráng chịu. Nay trong dịp cúng Xuân trong làng lại mang nhau ra chửi, thì chẳng ra cái thể thống gì cả!

Mỗi ông một tiếng, rượu vào lời ra, la hét vang trời. Các bà vợ sợ quá, kéo các ông về mới xong. Về đến nhà cũng chưa chịu vào cửa, còn đứng chửi thêm một hồi cho đỡ tức. Chửi cho đã nư, chửi cho đã cơn giận còn âm ỉ trong lòng.

Lão Hạnh và đám đàn em sau khi vơ vét một trận lớn, về Quế Sơn, ăn mừng chiến thắng và chuẩn bị cho các vụ kế tiếp. Tên Sáu Vẫu bàn:
- Đúng đại huynh là một thiên tài quán chúng, có một không hai trên cõi đời này. Đàn em xin hiến kế, mình đổi vùng kiếm ăn, về vùng khá giã hơn như Phủ Điện (*), dưới Phố (**) hay ngoài Hàn (***), nhiều tụi giàu có, buôn bán, nhẹ dạ, dễ gầy sòng hơn. Hơn nữa ngoài đó gần biển khơi, có động tĩnh gì, mình chạy ra khơi, đố cha thằng nào đuổi kịp mình!

Lão Hạnh chỉ cười mím chi, bảo:
- Thôi, ăn uống no say đi các chú. Tôi đã có kế sách cả rồi. Chú Sáu đề nghị cũng được lắm, mình cần bàn thảo lại nghe. Thôi các anh em, các chú vui say đi, nhưng đừng quên, mình còn nhiều vụ làm ăn lớn hơn nữa, nghe chưa? Phải lột sạch tụi nó.

Lão Hạnh đi ra, về chòi riêng của mình trong núi, không cho một tên bộ hạ nào biết cả. Từ lâu nay, không ai biết rõ lão ở đâu đến xứ này. Ngay cả cái tên họ, thân thế của Lão cũng thật mù mờ. Thằng Sáu Vẫu hay thằng Ba Lé, thì thêu dệt, nào lão võ nghệ cao cường, một mình lão đánh cả năm sáu trai làng lực lưỡng chạy te. Nào lão đã từng vào Bình Định, Phan Rang, Phan Rí luyện bùa ngãi Chàm, qua tận Cao Man học bùa Lỗ Ban, thư người đến chết mà không ai hay.

* * *

Buổi chiều xuống thật nhanh. Ánh mặt trời le lói sau rặng núi phía bắc, nhạt dần và lặn mất. Vài cơn gió lạnh thổi qua. Bọn trẻ chúng tôi rùng mình. Cậu Tri thắp lại điếu thuốc rê chỉ còn chút xíu, bập bập mấy hơi, nói:
- Các cháu thấy đó, cờ bạc là bác thằng bần, cửa nhà bán hết sa chân ăn mày. Cậu kể cho các cháu nghe câu chuyện này và khuyên các cháu, chớ dại sa vào cờ bạc hay nghe lời phỉnh gạt của các tay lừa đảo, làm khổ cho mọi người.

Vài hột mưa lạnh đã rơi lộp độp trên mái tranh. Cậu Tri đứng lên đi vào. Bọn con nít chúng tôi chạy ùa vào nhà bếp kiếm đồ ăn, tối rồi bụng đã đói.

XUÂN ĐỖ

Ghi chú:
(*) Phủ Điện: Điện Bàn
(**) Phố: Hội An
(***) Hàn: Đà Nẵng