main billboard

Tháng 4/1975… tháng 4/2019, thời gian 44 năm cũng đủ cho một nửa đời người qua đi, nhưng có đủ làm lành lặn một vết thương lòng âm ỉ suốt bấy nhiêu năm ?!

 

 30 thang 4

Tháng 4/1975… tháng 4/2019, thời gian 44 năm cũng đủ cho một nửa đời người qua đi, nhưng có đủ làm lành lặn một vết thương lòng âm ỉ suốt bấy nhiêu năm ?!
Thời gian đó là cả một chuỗi dài thảm kịch đã xảy đến cho gia đình tôi, cũng như hầu hết các gia đình ở miền Nam Việt Nam, bao nhiêu là mất mát, chia lìa, chết chóc. Anh hai tôi bị tập trung cải tạo hơn 8 năm mới được tha về, anh bị đưa ra tận miền biên giới phía Bắc. Người vợ hiền yêu dấu đã một lòng chung thủy sắt son chờ chồng; chị lo buôn bán cực khổ vừa nuôi nấng dạy dỗ hai đứa con gái còn thơ dại, vừa tằn tiện gói ghém gửi đồ thăm nuôi chồng.
Sau này lúc anh được thả về kể lại, ngày 24/6/75 anh đi trình diện ở trường Trưng Vương, đầu năm 76 họ chuyển anh ra Bắc ở tận biên giới sát Trung quốc; rồi anh gửi thư về báo cho gia đình biết để gửi quà thăm nuôi. Lúc đó muốn gửi đồ cho những người đi cải tạo ở ngoài Bắc rất khó khăn, phải có phiếu gửi quà do các anh kèm trong thư qua bưu điện, mỗi phiếu chỉ được nặng 3 kilô qua bưu điện. Lúc đem đi gửi không được dán kín gói quà, phải mở ra cho nhân viên bưu điện xem xét rồi mới đóng gói tại chỗ. Gói quà gửi đi rất lâu mới tới tay người nhận, có khi nó đi lạc mất tiêu luôn chẳng biết nơi đâu mà khiếu nại.
Khi xảy ra chiến tranh Việt-Hoa, các anh đang bị tập trung ở các vùng biên giới, trong đó có anh hai tôi, được họ di chuyển về các tỉnh gần Hà nội hơn, anh hai tôi viết thư cho gia đình hay tin anh đang cải tạo ở Vĩnh Phú, chị hai tôi đã quyết định ra Bắc thăm chồng một chuyến. Chị dâu tôi tính cũng rất tự lập, chị biết các anh chị em bên chồng cũng như anh chị em ruột , gia đình nào sau 75 cuộc sống cũng rất khó khăn, nên chị âm thầm lo lắng sắm sửa chuẩn bị việc đi thăm nuôi, chị chỉ nói ra ý định khi việc chuẩn bị gần như hoàn tất, chỉ còn xin giấy phép đi thăm nuôi do chính quyền địa phương cấp, và mua vé xe lửa là xong; dù vậy các gia đình hai bên cũng kịp thời gửi theo chút ít thực phẩm khô phụ với chị.
Thế nhưng có một việc bất như ý xảy ra, gần tới ngày mua vé tàu lửa thì chị dâu tôi lại lên cơn suyễn nặng, vì chị vốn có gốc suyễn. Moị dự tính không lẽ bị huỷ bỏ, quà cáp, thức ăn khô, trăm thứ được đóng gói xong, làm sao bây giờ?!
Suy đi nghĩ lại cuối cùng chị ngại ngùng mở lời nhờ tôi thu xếp công việc riêng để đi thăm anh dùm chị, tôi chỉ đi một mình thôi. Chị nói chị sợ nếu chị đi một mình hay đi chung với ai mà giữa đường bệnh hoạn thì xảy ra nhiều chuyện phiền phức rắc rối lắm, chị biết căn bệnh của của chị khi lên cơn suyễn thì rất nguy hiểm nếu không có thuốc kịp lúc, chị không muốn nghĩ đến chuyện rủi ro nếu có mệnh gì bỏ hai con gái nhỏ bơ vơ côi cút trong khi ba chúng đi tù không biết ngày nào về.
Tôi rất hiểu và thương chị dâu, lại nữa chồng chị cũng là anh ruột của tôi, vì vậy tôi đã nhận lời nhờ của chị lo thu xếp để lên đường đi thăm anh .
Thế là giữa tháng 9/1979, từ ga Binh Triệu Sài gòn tôi mua vé xe lửa đi Hà nội, khởi hành từ tối thứ năm, đi suốt một chuyến không đổi tàu, chỉ ngừng lại các ga dọc đường, đến trưa chủ nhật thì đến ga Hàng Cỏ Hà nội. Lúc đi tàu tôi có ở chung toa với các chị cũng đi thăm chồng, các bác thăm con; thế là đồng cảnh tương lân, chúng tôi kết thân với nhau để dọc đường có bạn đồng hành, cùng bênh vực trông chừng các thùng quà không bị lấy mất khi tàu ghé qua các ga dọc đường, người lên kẻ xuống chen lấn đông đúc.
Mấy chị đi chung đã hỏi thăm đường đi nước bước rất cặn kẻ chi tiết do các bạn bè đã từng đi thăm thân nhân cải tạo ở miền Bắc kể lại nên các chị rành rẽ lộ trình lắm, trong đám chỉ có tôi là nhỏ nhất, lại đi thăm anh ruột, nên các chị coi tôi như em út tận tình chỉ bảo những điều cần làm, tôi cũng yên tâm trong suốt chuyến đi.
Xuống ga Hà nội chúng tôi đi xe xích lô đến khách sạn Đường Thành cách ga xe lửa cũng không xa lắm. Xe xích lô ở miền Bắc năm đó cũng giống như xích lô ở miền Nam, nhưng thấp và rộng bề ngang hơn, vì người ta thường dùng để chở hàng hoá hơn là chở người. Gọi là khách sạn chứ thật ra chỉ là một nhà trọ có nhiều tầng nhiều phòng, giống như một chung cư ở Sài gòn, rất cũ kỹ, có vẻ như đã được xây cất từ lâu lắm rồi, Tôi nghe kể khách sạn nầy thường xuyên có các gia đình từ trong Nam ra thăm tù cải tạo đến ở, riết thành quen thuộc đến nỗi ra Hà nội cứ kêu xe chở đến khách sạn Đường Thành là người ta biết ngay người đó đi thăm nuôi tù rồi.
Chúng tôi đi xích lô tới nơi, thuê phòng, rồi mang hành lý lên cất, tắm rửa cho sạch sẽ vì suốt ba ngày đi tàu có được vệ sinh cá nhân đầy đủ gì đâu! Mỗi ngày chỉ mua chút nước rửa mặt lau chùi qua loa thôi. Nghỉ ngơi giây lát chúng tôi rủ nhau ra phố, từ khách sạn nầy ra các phố Hàng gì đó nghe nói cũng gần. Kéo nhau xuống nhà khách, tôi hỏi cô nhân viên đang làm việc rằng muốn đi tìm mua một rương bằng nhôm để đựng đồ đạc thì phải mua ở đâu, vì trong thời gian đi tàu lửa, các bà đã bảo nhau ra Bắc nhớ tìm mua cái rương giống va li nhưng bằng nhôm, nó nhẹ và có khóa cho mấy ông tù coi như nó là cái thùng đựng thức ăn kín đáo và khá an toàn, mấy “ổng” khoá lại khi đi lao động mỗi ngày không sợ mất mát thức ăn do gia đình tiếp tế , nhất là đi từ miền Nam ra Bắc thì sẽ đem theo rất nhiều lương thực khô có thể để dành ăn được nhiều ngày. Cô nhân viên chỉ đường cho chúng tôi đi bộ ra phố Hàng Thiếc hay hàng Nhôm gì đó (không biết tôi còn nhớ đúng tên vì đã quá lâu).
Sau khi đi loanh quanh hỏi đường chúng tôi cũng tới đúng chỗ, rồi mỗi người vác về phòng một cái va li bằng nhôm cũng khá lớn, lớn hơn cái va li nhỏ được phép đem lên máy bay, mấy ông tha hồ đựng đồ ăn, chỉ sợ không có đủ thức ăn để đựng cho đầy thôi, coi vậy mà một mình tôi đã “cộ” tới hơn trăm kí lô hành lý khi đi gửi ở ga Sài gòn lúc đi, ngoài cái rương chất đồ kín bưng, còn dư ra một bao lớn như bao gạo hơn 50 kí, các thân nhân của gia đình tôi và bên gia đình chị dâu khi hay tin chị định đi ra Bắc thăm chồng, họ đã mang nhiều lương thực khô , quà cáp đến gửi biếu cho anh hai tôi, bởi thế cuối cùng phải nhận để không phụ lòng tốt của mọi người , hôm đi cân hành lý gửi trước, trọng lượng hành lý tôi mang theo tới 120 kí lô, chưa kể cái xách tay quần áo cá nhân và một túi thức ăn đem theo lên tàu lửa ăn mấy ngày đường cho đỡ ăn ngoài thêm tốn kém, chị tôi nấu cơm vắt chặt lại thành từng nấm nhỏ cho tôi ăn với thịt ram, dì tôi gửi cơm nếp lạp xưởng, bao nhiêu là tấm lòng thương mến cuả mọi người đã đi theo tôi suốt cuộc hành trình vất vả.
Sau khi thu xếp hành lý cho gọn gàng, bọn tôi bảo nhau đi ngủ sớm để khuya còn phải tiếp tục lên đường. Khuya hôm ấy, mới 3 giờ sáng cả bọn đã lục đục gọi nhau thức dậy, thu xếp trả phòng rồi gọi xích lô đi ra ga tàu lửa mua vé tàu đi Vĩnh Yên. Chúng tôi phải đi sớm để xếp hàng chờ đến gần sáng họ mới bán vé, vì số lượng người chờ mua vé rất đông, đi sớm mới mua được vé chuyến đầu tiên cho đúng theo lộ trình đã định. Mua được vé xong một cách vất vả chen lấn, lên được trên tàu lại càng gian nan, thật kinh khủng, nếu tôi đi một mình chắc chắn tôi không thể nào quán xuyến nỗi đám hành lý quá nhiều nầy, vì số hành khách đi tay không thì ít, mà số người đi buôn thì gấp mấy lần, hàng hóa chất ngổn ngang, tàu lại không có số ghế, mạnh ai nấy dành chỗ ngồi, hết chỗ thì đành đứng suốt thôi.
Chúng tôi đã được lưu ý coi chừng bị lấy cắp hành lý nếu không lanh mắt canh chừng, ở chỗ đông không trật tự dễ có người gian tham, thế là chúng tôi chia nhau đứng vòng quanh mớ hành lý, hai chị chen lên trước xách gọn tìm chỗ ngồi gần cửa lên xuống để tới ga xuống cho nhanh, chúng tôi mấy người còn lại lần lượt chuyển các rương lên toa cho hai chị đã lên trước giữ chỗ, lên hết được trên tàu tôi mới thở phào nhẹ nhỏm, mới sáng sớm đã ướt đẫm mồ hôi vì chen lấn.
Tôi không nhớ tàu đã chạy đi mất bao lâu, vì dọc chuyến đi tôi cứ lo ngó cảnh vật trên đường, cũng không khác gì ở miền Nam, cũng có những cánh đồng luá xanh rờn nhấp nhô trong gió sớm ban mai, những mái nhà tranh đơn sơ ẩn hiện, rải rác mấy con trâu ve vẩy đuôi gặm cỏ sớm. Không biết tàu đã ngừng ở bao nhiêu trạm, tôi mãi miết ngắm cảnh cho tới một lúc nghe có tiếng còi tàu vang to, có tiếng chị ngồi kế bên nói “Tới Vĩnh Yên rồi kia, xuống nhanh thôi cho kịp chuyến xe đò đi tiếp “.
Thế là mọi người thêm lần nữa chen lấn xuống, vì ở ga nầy không phải là ga chính nên tàu sẽ không ngừng lâu, tôi nhỏ con nhất nên nhảy thoắt xuống trước, trên tàu các chị nhanh chóng đẩy mấy cái rương lăn xuống, mặc kệ cho chúng móp méo, nhưng không bung ra vì chúng tôi đã khoá kỹ, cũng may ở ga này rất ít người xuống nên đỡ sợ mất cắp, thêm một việc may mắn nữa là bến xe đò ngay sát bên ga xuống nên chúng tôi đỡ tay xách nách mang đi xa. Có lẽ dân địa phương tại đây đã quen thấy hình ảnh của những người đi thăm nuôi tù rồi, tôi còn ngó quanh tìm người hỏi thăm thì đã nghe có tiếng lao xao “Mấy người đi bến Trang thăm tù trong Nam ra phải không? lên xe đò ngay đây nhanh lên kẻo xe chạy đấy “.
Bọn tôi đã thuộc lòng lộ trình đi rồi nên nghe hai tiếng tiếng Bến Trang là biết mình đã đi đúng đường, thế là lại kéo các rương đi theo người vừa lên tiếng hỏi, tôi thấy một chiếc xe, giống như chiếc xe đò đi tỉnh trong miền Nam, nhưng cũ kỷ hơn, trên xe đã có người ngồi, chắc tài xế chờ xe đầy người mới chạy. Bây giờ ngồi nhớ lại tuyến đường từ ga Vĩnh Yên tới Bến Trang, tôi không khỏi rùng mình, hồi đó bọn tôi đã gọi đó là chuyến xe kinh hoàng, cũng may thời gian đi chỉ khoảng hơn một giờ, chiếc xe nhét đầy khách và hàng hoá chất trên xe, cả trên mui. Khi chúng tôi bước lên xe thì làm gì còn chỗ ngồi, đành phải đứng chen chúc, tìm được chỗ vịn tay cũng không dễ, con đường đi gập gềnh đầy ổ gà lồi lõm, như là đường đất, lại ngoằn ngoèo, đường núi mà , vì tôi thấy nhiều dãy núi ẩn hiện xa xa suốt đường đi.
Có lúc xe nghiêng bên, khi thì nghiêng bên trái, tưởng chừng như xe muốn lật, mọi người té đổ vào nhau; lúc ấy tai nạn có xảy ra thì chắc phải kinh khủng lắm, khó giữ được an toàn tính mạng, vậy mà hành khách trên xe coi bộ đã quá quen thuộc cái chuyện đứng chen chúc nầy nên thấy mặt ai cũng tỉnh bơ như không có gì hết, chỉ có đám chúng tôi là sợ run, chắc có bà cũng đang đọc kinh cầu nguyện cho được bình an tới nơi. Sau nầy lúc thăm nuôi xong trở ra đi về cũng đi theo tuyến đường như lúc đi, thời gian thong thả nên lúc ngồi chờ xe, tôi có bắt chuyện với người dân địa phương mới được biết, thời đó từ Vĩnh Yên đi tới bến Trang rất ít dân ở, vùng đồi núi mà, phần đông là người thiểu số sống rải rác, họ ít có nhu cầu đi xa ra tận Vĩnh Yên (được biết Vĩnh Yên là thị xã chính cuả tỉnh Vĩnh Phú, cách Hà nội khoảng 60 km đường xe chạy , mấy chục năm rồi chắc chính quyền địa phương cũng đã tu sửa đường sá khang trang rồi để không còn những chuyến xe đò kinh hoàng nữa , chỗ giam giữ các sĩ quan quân đội VNCH gọi là trại tù Vĩnh Quang )
Trở lại việc đi thăm nuôi , tới bến Trang, vừa xuống xe tôi đã thấy ngay trước mắt, nào là một hình ảnh lạ lùng, ngộ nghĩnh , xe đạp có gắn yên to phía sau chắc chắn, người ta gọi là xe đạp thồ (để chở hàng hóa hơn là chở người ), rồi loại xe giống như xe hơi giống như xe ngựa ở Sài gòn hồi xưa nhưng nhỏ hơn nhưng do một con trâu kéo chứ không do ngựa, xe trâu nầy cũng chỉ để chở hàng thôi, tôi đoán chừng dịch vụ các loại xe “thồ”nầy chỉ mới xuất hiện sau 1975 từ khi các thành phần trong quân đội và chính quyền miền Nam Việt Nam bị bắt tập trung đưa ra miền Bắc, chắc chắn các gia đình thân nhân của những người nầy sẽ tìm đến nới giam giữ để thăm nuôi mang quà cáp rất nhiều, và họ sẽ cần các phương tiện chuyên chở đến tận vùng rừng núi xa xăm, chưa hề có một phương tiện giao thông tối thiểu.
Sau đó chúng tôi chia nhau thuê xe, phần tôi vừa thuê xe đạp, cả xe trâu vì hàng hoá của tôi quá nhiều, tôi mua thêm vài thứ ở mấy cái quán ngay đó trước khi bắt đầu chuyến hành trình chót đi vào trại thăm nuôi, một bịch đường cát mịn trắng , một thùng hồi đó gọi là bơ trắng cuả Liên xô, một ít chanh tươi và nếp. Đường vào trại thì không gập gềnh khó đi như con đường kinh hoàng vừa đi qua, chỉ là toàn là cát mênh mông như đi trong sa mạc, không có nhà cửa, bóng cây gì cả, tôi chẳng nhớ đã đi mất bao lâu thì đến trại, chỉ nhớ chúng tôi đi bộ theo sau những chiếc xe đạp thồ , người ngồi trên yên đạp rất chậm vì hàng hóa nặng, tội nghiệp mấy chú trâu cũng nặng nề kéo xe chất hàng đầy nhóc, người điều khiển cũng thường quát tháo thúc đẩy trâu đi, như kêu “thá, ví “ lúc trâu đi cày cấy ngoài đồng ruộng.
Đi một đỗi cả đoàn dừng lại vì trước mặt là một con sông nhỏ chảy qua, đúng hơn là con suối thượng nguồn nó không biết bắt đầu từ đâu, khi chảy qua khu vực nầy thì dòng nước ngang, bằng phẳng như một dòng con nhỏ, người địa phương nói có lúc nhằm mùa nước lũ thì dòng nước nầy chảy siết lắm, người bơi lội giỏi cũng khó vùng vẫy nỗi khi gặp cơn nước lũ nầy. Phương tiện duy nhất qua lại đây chỉ có một chiếc phà không chạy bằng máy móc, mà chạy do sức người kéo, có nghĩa là phà trông giống như chiếc cầu ván bắc qua sông, nhưng nó di chuyển được qua lại hai bờ, phà nằm sát trên mặt nước, sàn bằng loại gỗ ván gì đó đóng sát nhau rất chắc chắn để chịu đựng được sương gió tháng năm, không bị mục rữa vì lúc nào phà cũng chạm trên nước như chiếc ghe, hai thành vịn cuả phà rất kiên cố, phía trên dọc chiều dài phà là hai sợi cây cáp dài hai bên dính vào phà bằng bốn cái ròng rọc dùng để kéo cáp khi muốn qua lại hai bên bờ, nên cái tên bến Trang chắc là do từ đây. Hai sợi cáp được cột thật kiên cố vào bốn cái trụ hai bên bờ, muốn qua bên kia bờ không dễ chút nào, dù chiều ngang con suối không lớn bao nhiêu, nhưng nghe nói nó rất sâu, không ai dám mạo hiểm bơi qua, vì dưới đáy có những dòng nước ngầm chảy rất siết, sức một con người không thể nào kéo nỗi chiếc ròng rọc cho phà chạy đi, đây cũng là con đường độc nhất để đi ra đường lộ xe chạy, chắc mọi người đã hiểu vì sao các trại tù lại ở những vùng rừng thiêng nước độc , đường thoát thân (nếu ai có ý nghĩ nầy) chỉ duy nhất là độc đạo !
Muốn qua bến Trang, phải có ít nhất khoảng 10 người, người có sức khoẻ càng nhiều càng tốt, chia đều hai bên thành phà cho cân bằng sức rồi cùng nhau kéo sợi dây cáp theo ròng ròng rọc đưa phà qua bên kia bờ, cứ như thế phà qua lại sẽ qua lại nếu có đủ người kéo, mà đâu phải lúc nào cũng có nhiều người sẵn ở bến đâu, có khi chỉ có một hai người dành đứng chờ cả buổi mới đủ người kéo, nên chi khu vực nầy chỉ có người thiểu số ở, vì họ không có nhu cầu đi xa hơn bản làng của họ. Tôi quên chưa nói là phà bến Trang trọng tải rất nhiều, cả bọn tôi mười mấy người, mấy người được thuê đi theo, thêm các xe thồ, mấy con trâu, cùng bao nhiêu là hàng hóa, tất cả đều chất hết lên phà, rồi mọi người hẻ nhau kéo phà qua hết một lần thôi.
Qua phà rồi, bọn tôi lại tiếp tục đi bộ dưới cái nắng nóng bức, đường đi toàn là cát nóng, không có một bóng cây, xa xa là núi ẩn hiện chập chùng. Lúc mới qua phà đi thì còn thấy lác đác vài lụm cây thoáng bóng người, là nhà dân thiểu số. Càng đi tới thì con đường hun hút mênh mông, càng đi như càng đuối sức, nhưng nghĩ đến những anh, em, chồng, con mình đang bị tù khổ sở đói kém, bệnh hoạn thiếu thốn trăm phần, không biết ngày nào mới được cho về đoàn tụ gia đình, hay là họ phải bỏ thân trong trại tù, ý nghĩ nầy chính là động lực to lớn nhất giúp chúng tôi tiếp tục đi cho tới cùng.
Đường nào cũng đi tới La Mã, cuối cùng bọn tôi tới trại thì trời đã xế chiều, đêm nay chúng tôi phải nghỉ ngơi tại đây. Sau khi xuất trình mớ đơn từ giấy tờ lỉnh kỉnh, tên cán bộ cũng tử tế, cho biết ngày mai mới thăm nuôi được, vì nội quy của trại chỉ giải quyết thăm vào buổi sáng, hơn nữa lúc đó các anh đã đi làm việc không thể gặp thân nhân được, rồi chúng tôi được hướng dẫn vào dãy nhà dành cho các gia đình thăm nuôi. Như vậy cũng hay, tôi có thời giờ sắp xếp đồ đạc thêm gọn gàng để sau khi gặp mặt xong trở vào trại anh tôi sẽ mang đồ dễ dàng.
Buổi tối trại có máy phát điện nên trong phòng chúng có một bóng đèn vàng nhỏ treo trên trần, các bà khác lui cui nấu nướng các món ăn tươi cho các anh tù ngày mai, gian bếp kế bên tối om phải thắp đèn cầy leo lét, tiếng thì thào nói chuyện củacác bà cùng tiếng động của các đồ dùng trong bếp nghe cũng thấy vui tai, hầu như tình thương đã lấn át mọi mệt nhọc vất vả đi đường, mọi người nhanh tay chuẩn bị món ăn trước khi trời sáng quên cả buồn ngủ. Tôi cũng nấu cho anh hai tôi một khay nhỏ xôi nếp tôm khô lạp xưởng, còn thêm một hộp chè đậu xanh. Chuẩn bị mọi thứ xong, tôi ngã mình trên chiếc giường gỗ cố gắng chợp mắt vì thấy ngoài trời còn tối đen, hình như ở đây người ta không để ý đến thời gian, ở cái chốn lưu đày này xa hẳn thế giới loài người ngoài kia, thì một-ngày-cũng-như-mọi-ngày mà thôi !!

Rồi tôi ngủ thiếp đi cho tới khi mơ hồ có ai lay vai tôi, có tiếng lao xao bên tai, tôi mở mắt nhìn, qua khung cửa sổ trời hình như le lói sáng, có tiếng bảo nhau dậy nhanh thu xếp đồ đạc sắp tới giờ thăm nuôi. Không ai bảo ai mọi người nhanh chóng lo việc của mình, thu dọn vệ sinh khu bếp sạch sẽ, xếp giường chiếu gọn gàng. Tôi ra cửa ngó qua dãy nhà là phòng thăm nuôi thấy chưa mở cửa. Lát sau nghe có tiếng như kẻng gõ lớn vang vang, vì ở đây giống như là thung lũng, chung quanh toàn là núi cao, hình như là núi Tam Đão. Sau tiếng kẻng tôi nhìn ra phiá xa xa từng nhóm người xếp hàng đi tới, chắc là những tù nhân đang đi tới chỗ làm việc mỗi ngày, họ cúi đầu đi lặng lẽ khi qua ngang dãy nhà thăm nuôi, tôi thấy có người quay đầu nhìn, chắc ai trong số họ cũng mong một lần có tên trong số người được thăm nuôi.

Tôi thấy tim mình như thắt lại, mắt chợt cay cay, không biết anh hai tôi thế nào rồi, hồi đó lúc trong lính, vóc người anh ốm cao, không biết cái thời tiết khắc nghiệt cuả vùng rừng núi với thân phận cuả một tù nhân , liệu người anh cả thương yêu của tôi có chịu đựng nỗi ?! Tôi lắc đầu cố xua đi những suy nghĩ không hay đó, mong sớm đến giờ cho thăm để tôi được thấy mặt anh hai, tôi cố suy nghĩ tới câu chuyện sẽ trao đổi khi gặp mặt anh, những lời dặn dò cuả ba tôi, của chị dâu nhờ nói lại với anh. Tôi lo lắng không biết tôi có giữ nỗi bình tĩnh khi anh hỏi về những người thân trong gia đình, ngay sau anh đi tù, gia đình tôi đã xảy ra quá nhiều sự mất mát đau buồn , ông nội mất 76, năm 77 bà nội mất, và chỉ một tháng sau cùng năm thằng em út 15 tuổi chết đuối khi đi tắm suối gần trên rẫy của anh chị ba tôi ,thằng em kế tôi sau 75 thi rớt tú tài ở nhà bị phường liệt vào thành phần cần phài đi cải tạo lao động, họ đến nhà bắt đưa đi mất tiêu, mấy năm sau mới được tin thư về nó ở tận ngoài miền trung chỗ ở rừng sâu nước độc không thua gì chỗ ở của anh hai đâu, cũng không biết chừng nào mới được tha, nó viết thư về chỉ nói chừng nào lao động tốt sẽ được cho về ?!
Giây phút chờ đợi rồi cũng qua, các gia đình thăm nuôi được gọi vào ngồi một bên hàng ghế ở dãy bàn dài giữa phòng chờ gặp người thân. Tôi hồi hộp nhìn ra ngoài cửa vào, các anh đang đi theo hàng một chờ kêu tên bước vào, tôi dõi mắt tìm anh hai tôi trong đám người đứng kia, một ánh mắt thân thuộc tôi bắt gặp khi lướt mắt qua, anh hai tôi phải rồi, tim tôi bỗng đập mạnh, nước mắt chợt ứa ra, tôi nghẹn ngào kêu không thành hai tiếng “anh hai”. Các anh ngồi ở dãy ghế đối diện bên kia bàn, ở đầu bàn phía trong có tên cán bộ ngồi kiểm soát mọi hành động , lời nói cuả mọi người.
Anh hai tôi ốm quá, vóc người anh vốn đã dong dỏng cao, ốm từ lúc còn ở nhà , bây giờ anh như đứa con nít ốm còi người bé lại nhỏ xiú. Anh tôi ngạc nhiên khi thấy người đi thăm là tôi, là em gái chứ không phải vợ vì hầu hết mấy người chung quanh, toàn là vợ đi thăm chồng, chỉ vài người là cha mẹ đi thăm con, có một anh mẹ và em gái đi thăm, chỉ duy nhất có tôi đi một mình lại là em gái. Tôi đã phải giải thích lý do chị dâu không đi được, có kèm theo thư chị gửi cho anh, nhưng xem chừng anh vẫn chưa hoàn toàn an tâm, nhưng anh không hỏi về vợ và hai con anh nữa, xoay qua hỏi về gia đình, từng người trong nhà, tôi không dấu anh về ông bà nội mất, ba lên làm rẫy với anh chị ba, chị tư có gia đình là dược sĩ bị phân công xuống tận Cà mau, vì chồng chị cũng là một sĩ quan quân y VNCH, thằng sáu bị đi “cải tạo lao động” ở miền trung , nhà chỉ còn tôi và em gái út (lúc nầy tôi đã nghỉ dạy học ở Phan thiết về nhà ). Tôi đã cố dấu không nói gì về thằng em út, nhưng anh hai tôi như linh cảm điều gì cứ gạn hỏi tôi mãi về em, chắc tôi không quen nói dối, lại thêm chắc nét mặt tôi lộ vẻ xúc động khiến anh nghi ngờ hỏi mãi, cuối cùng nỗi đau đớn lâu ngày phải dồn nén , tôi bật khóc nức nở nói ra cái chết thảm cuả thằng em út vắn số, anh hai tôi lặng người khi nghe tin em, rồi nước mắt anh cũng chảy dài xuống áo, hai anh em ngồi đối diện cùng nắm chặt tay khóc , không để ý đến mọi chuyện chung quanh. Hồi đó ở nhà ai cũng thương thằng em út lúc nào nó cũng vui vẻ, như không hề biết buồn, nó đi học thì thôi, về nhà là nghe tiếng rồi, hồi đó đứa em gái út và thằng bé nầy như khác khẩu, hai đứa cứ gây nhau hoài, thằng út lâu lâu mét mẹ “chị bảy cú đầu con”. Sau 75,gia đình sa sút, sáng em đi học tôi cho ít tiền ăn sáng, lần nào cũng thấy nó mua khoai lang ăn, hỏi thì nó giải thích khoai rẻ mua nhiều ăn lâu đói hơn, tôi nghe em nói mà nghẹn ngào, nó đang tuổi lớn tuổi ăn mà !
Hai anh em tôi đang đắm chìm trong nỗi thương nhớ thằng em út, chợt nghe có tiếng lao xao chung quanh, thì ra đã hết giờ thăm nuôi, rồi tới phần trao quà trước sự kiểm soát cuả tên cán bộ. Họ cho nhận hết vì quà của ai cũng quá nhiều, mang nhiều quà cho bỏ đường xa tốn kém, chưa chắc có lần thăm sau, anh hai tôi nói vào trong họ sẽ kiểm soát xem thứ nào được phép nhận hay họ sẽ giữ lại, tất nhiên lúc đó các gia đình thăm nuôi đã về hết còn ai cho họ trả lại, đúng là một lũ ăn cướp !!
Tôi dặn dò anh hai về những gói quà gửi cho anh bằng cả tình thương gia đình gói ghém theo đó, tôi trấn an anh yên tâm về người vợ yêu quý của anh, chị ấy vẫn chung thuỷ nuôi dạy con chờ ngày anh được về sum họp, ba và các em của anh vẫn tôn trọng và thương yêu chị cùng hai cháu.
Anh em tôi chia tay nhau trong nghẹn ngào nuối tiếc, thật sự không biết đến bao giờ mới gặp lại, con số 10 ngày cải tạo phải nhân đến gấp bao nhiêu lần mới ra kết quả ngày về đây?!! Tôi khóc nước mắt chảy dài nhìn theo vóc dáng ốm yếu của anh phải ráng đẩy cái xe cút kít chứa quà thăm nuôi cho đến khi bóng anh khuất sau ngã rẽ.
Sau khi các gia đình thăm xong, thấy trời còn sớm chúng tôi tranh thủ thời gian để trở về Hà nội sớm, nếu không phải ngủ lại thêm một đêm nữa ở nhà thăm nuôi thì vô lý lắm, thế là cả bọn kéo nhau đi bộ ra bến Trang mong kịp có chuyến xe về Vĩnh Yên, tôi muốn trở về Sài gòn càng sớm càng tốt. Bận trở về không có hàng hoá nặng nề nữa nên chúng tôi đi nhanh hơn nhiều; tới bến phà có vài người ở chờ sẵn , cả bọn cùng ráng sức kéo dây cáp, cũng may con nước xuôi nên qua nhanh, chúng tôi kịp xe về Vĩnh Yên, rồi mua vé tàu về ga Hà nội, nghỉ lại một đêm ở khách sạn Đường Thành, khuya ra ga mua vé tàu thống nhất xuôi Nam, mang theo trong tiềm thức những dấu ấn sâu đậm về chuyến đi thăm tình nghĩa cho đến bây giờ…

bia mo viet dzung Tháng tư, ghé thăm Việt Dzũng, thời tiết mới đầu mùa xuân nên buổi sáng trời se lạnh, nghiã trang ngày thường vắng hoe, mộ VD theo đường xe đi vào nằm bên trái, tôi chạy xe đến cuối đường rồi vòng xe lại thật chậm nhìn những con số kẻ ở bờ lề bãi cỏ để tìm vị trí mộ, từ lần đầu tiên ghé thăm tôi đã ghi nhớ điểm đặc biệt chung quanh cho dễ tìm vào lần sau đến viếng, hầu như các bia mộ ở đây đều được xây nằm ngang trên mặt đất lẫn giưã bãi cỏ chứ không xây đứng như ở Việt Nam, nên rất khó tìm nếu không phải là thân nhân trong gia đình. Tôi ngừng xe, ngó quanh chỉ có mình tôi lúc này, không gian thật im vắng lặng lẽ; những lần trước ghé thăm tôi đều đi lúc sáng như thế nảy, tôi thích cái không khí yên tĩnh cuả một ngày mới đến, tôi muốn mang tấm lòng thật thanh thản bình yên vào đây, trước khi trở về với cuộc sống bận rộn chen chúc với cuộc sống ngoài kia.
Tôi bước đi giữa bãi cỏ còn ướt đẫm sương đêm, cũng khá lâu rồi tôi không ghé qua đây, tôi xem VD như người em cuả mình, VD bằng tuổi em gái út của tôi, tất cả chỉ do lòng cảm phục tài năng, ý chí tranh đấu cuả một người trẻ, tôi cũng đã nghe tên VD từ lúc tôi còn ở Việt Nam. Cũng như mọi lần ghé thăm, tôi mang bó hoa cẩm chướng trắng mà tôi rất thích, một ly cà phê đen, một tờ báo mới ra trong ngày, và ba nén nhang. Không khó khăn khi tìm thấy mộ VD, tôi lau mặt bia còn ướt lạnh sương đêm qua, tia nắng yếu chưa lên, loay quay mãi mới đốt được nhang vì gió, tôi thầm thì với người dưới mộ “em ơi, uống cà phê sáng nè, rồi đọc báo mới, không có điếu thuốc cho em ấm lòng, mong khói hương sẽ mang theo chút lòng thành cuả chị sưởi ấm em dưới lòng đất lạnh ..Việt Dzũng ơi, tuổi trẻ ở Việt Nam và ở hải ngoại vẫn đang nối tiếp bước chân cuả em tranh đấu cho một Việt Nam ngày mai độc lập tự do, hồn thiêng của em hãy luôn theo độ trì cho tuổi trẻ Việt Nam vững tiến em nhé..”. Tôi ngắt một cánh hoa đặt cạnh hình VD rồi chào từ biệt em trong nỗi ngậm ngùi…
Tháng tư, tôi ghé qua Đài-tưởng-niệm-thuyền-nhân nằm cuối góc cuả một nghiã trang gần khu “Little Saigon”, giờ này ở đây cũng vắng hoe.Trời nắng chói chang, chung quanh không có một bóng cây râm mát, bức tượng thuyền nhân giữa cái hồ nước nhỏ cũng đã bạc màu theo năm tháng gió mưa. Tôi đặt bó hoa dưới chân cái lư đồng thật lớn, loay quay đốt bó nhang mang theo, rồi thong thả đi vòng hồ nước cắm từng nén nhang vào các bia có khắc tên các thuyền nhân đã tử nạn trên đường vượt biển tìm tự do. Tôi chưa có lòng kiên nhẫn đếm tên các nạn nhân khắc trên bia, vì mỗi lần đến đây, nhìn các tên khắc trên bia, tôi nghe tim mình nhói đau, như nhìn thấy tên của chị tôi và hai con gái đã bỏ mình trên biển, thảm kịch của gia đình tôi cũng là thảm kịch cuả rất nhiều gia đình ở miền Nam sau ngày mất nước 30/4/1975, cái giá cuả sự tự do quá đắt. Bức tượng thuyền nhân đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh, gợi nhớ hình ảnh ba mẹ con cuả người chị thân yêu, chắc giữa giây phút sinh tử mẹ con chị cũng đưa tay kêu cứu trong tuyệt vọng trước khi xác thân chìm sâu dưới đáy nước mênh mông !!

tuong dai chien si viet my
Tháng tư, viếng Đài -Chiến-sĩ-Việt-Mỹ, hai bức tượng chiến sĩ, một Mỹ, một Việt, hiên ngang tay súng giữa trời, bên cạnh là quốc kỳ Mỹ-Việt phất phới trong gió, cái lư đồng to phiá trước hai tượng lúc nào cũng rực sáng ngọn lửa đấu tranh cho một nền hoà bình chân chính. Mỗi năm tại tượng đài này, ngày 30/4 quân dân Việt Nam đều có cử hành lễ tưởng niệm ngày quốc hận đau buồn cuả miền Nam Việt Nam, bài quốc ca Việt Nam vang lên hùng hồn trong khi quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cao hiên ngang trong gió, và tiếng nhạc “Hồn Tử sĩ” u uất cất lên, như tiếng vọng cuả hồn thiêng sông núi, của bao oan hồn tử sĩ đã hy sinh vì hai tiếng “Tự Do”.
Phía trước lối đi vào tượng đài nhìn bên trái là bàn thờ các vị tướng lãnh Việt Nam đã tuẩn tiết ngày 30/4 tại chính đơn vị của mình, tấm gương “Vị quốc vong thân” của các vị thật đáng đời đời cho hậu thế kính phục. Tôi lặng lẽ đốt hương tưởng nhớ, thành kính nghiêng mình trước di ảnh của các vị tướng anh hùng “Anh hùng tử chứ chí hùng nào tử!”. Và trong nỗi ngậm ngùi tiếc nhớ, tôi cúi chào từ giả Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ. Ngoài kia, dọc con đường Bolsa, khu “Little Saigon “, hai hàng quốc kỳ Việt-Mỹ đang phất phới trong gió, hình như có câu hát nào thoảng bên tai “Em vẫn mơ một ngày nào, trên quê hương không còn cộng thù, vê en nờ (VN) là Việt Nam kiêu hùng.” (lời bài hát Em vẫn mơ của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh ).
30/4/2019