main billboard

 

Khởi đầu, bà Thân sắm gánh hàng xén ngồi chợ từ sáng đến trưa, chiều đi thị xã thanh toán nợ cũ và lấy hàng mới theo cách thức “gối đầu”...

hang xen

Thị trấn Châu Giang là khu thị tứ giáp ranh ba quận trong tỉnh QN. Nơi đây có lợi thế về ngành thương nghiệp nên đã hồi sinh mau chóng sau ngày chính quyền Quốc gia tiếp thu các tỉnh thuộc Liên khu Năm (Nam Ngãi Bình Phú) của Việt Minh . Nhà phố, chợ búa được xây dựng mỗi ngày mỗi khang trang. Trên thương trường, giấy bạc ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã lấy lại niềm tin trong lòng dân chúng thay thế tờ tín phiếu của Việt minh mất giá chẳng khác gì tờ giấy lộn. Nhu cầu sắm sưả của nhân dân suốt chín năm bị Việt Minh kìm chế giờ bộc phát dữ dội theo đà của xã hội được tự do kinh doanh.

Khởi đầu, bà Thân sắm gánh hàng xén ngồi chợ từ sáng đến trưa, chiều đi thị xã thanh toán nợ cũ và lấy hàng mới theo cách thức “gối đầu”. Dần dà bà tạo được sạp bán tạp hóa tại chợ thị trấn. Hàng hóa đựợc con buôn mang đến bỏ mối tận nơi. Bùi HữuThiệt con trai lớn, học trường Trung học ở thị xã giúp mẹ mua thêm những món hàng cần thiết theo “toa” mẹ ghi rồi chở về trong ngày cuối tuần.
Công việc buôn bán của bà Thân mỗi ngày mỗi phát đạt.

Giữa buổi chợ đang tấp nập người mua sắm, chợt có người con gái lạ mặt đến cửa hàng bà Thân mua một hộp pin đại. Khi trả tiền, cô gái kẹp sẵn một bức thư trong xấp bạc trao cho bà, nói nhỏ : “ Có thư của Bùi Mậu Thà” rồi tất tả ra đi . Bà Thân vừa kịp định thần thì bóng cô gái lạ đã mất hút. Bà vội bỏ xấp bạc có thư vào giỏ. Trống ngực bà đánh liên hồi, mồ hôi vã ra vì hốt hoảng, lo âu, vừa hồi hộp vui mừng. Muốn lấy thư giấu vào túi, nhưng nhìn trước, nhìn sau bà có cảm tưởng ai cũng chú mục vào cái giỏ có lá thư thằng Thà gởi từ miền Bắc.

Bùi Mậu Thà là con trai út của bà Thân, thông minh và lanh lợi . Từ lớp mẫu giáo đến hết bậc tiểu học luôn luôn đứng đầu lớp, lại còn có khiếu về môn họa và nhạc. Có lẽ vì tài năng phát triển sớm, nên Thà đựơc Việt Minh cho theo cha là Bùi Mậu Dinh cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954.
Thương thằng con mới mười hai tuổi mà phải xa mẹ, bà Thân nhớ con khóc cả tháng trời. Bùi Hữu Thiệt là con trai đầu lòng ở lại miền Nam, tính tình chững chạc, hiền lành, cũng thương nhớ em không kém, nhưng tỏ ra khí khái, thường dằn lòng mỗi lần mẹ khóc.
Thiệt bảo :
“Em Thà ra Bắc vài năm sẽ về, bên mẹ còn con. Thời gian hai năm có là bao, khóc hoài đổ bệnh, mẹ chết, con sống với ai”.

Nghe thằng con mười sáu tuổi khuyên điều hữu lý, bà Thân vò đầu con gượng cười làm vui và hứa với lòng sẽ không còn lưu luyến như thế nữa. Từ đó, bà dồn tâm trí vào công việc buôn bán, nỗi buồn nhớ lâu dần rồi cũng nguôi ngoai. Hôm nay bỗng dưng có thư thằng Thà.

Chiều , bà Thân dọn hàng sớm hơn thường lệ lấy cớ trong người khó ở. Vừa về đến nhà, bà vội vàng khóa cửa ngoài, vào buồng đóng chốt trong, còn quan sát xem có ai ghé mắt nhìn qua khe hở theo dõi mình không. Bà Thân hồi hôp lấy bức thư cất sâu trong túi áo lót ra xem. Thư viết từ Hà Nội đề ngày 7 tháng 7 năm 1959, so với ngày nhận thư mồng 9 tháng 8 năm 1960, như vậy thơ đi mất trên một năm. Nhìn nét chữ của con đã xa cách sáu năm trời, bỗng dưng nước mắt bà tuôn rơi. Bà nhớ lại hình ảnh thằng Thà vừa khôn ngoan vừa láu lỉnh, mỗi khi bà ở chợ về là nó chạy ra ngõ ôm cổ mẹ rồi lục gánh giành quà trước anh nó. Thế mà giờ đây thằng nhỏ sắp lên đại học.

Bức thư đã khuấy động nếp sống của bà Thân không ít. Khuôn mặt người con gái bí mật đưa thư như một bóng ma. Mở cửa hàng ra là bà sợ cái bóng người con gái ấy xuất hiện. Thời gian nầy chính quyền quốc gia đang rải người theo dõi các gia đình có thân nhân đi tập kết. Họ đã nhiều lần nhắc nhở bà con về âm mưu của Việt cộng lung lạc tình cảm. Ðăc biệt là các gia đình có liên hệ tập kết phải tỉnh táo đề phòng.
Bà Thân e “tai vách mạch rừng” nên đốt lá thơ, giấu luôn cả Thiệt. Nỗi sợ hãi trước cảnh khảo tra, tù tội, bà mong sao người con gái đưa thư đừng trở lại nữa. Nhưng tình mẹ thương con lại thôi thúc bà phải gởi tiền cho thằng con ở Hà Nội theo lời yêu cầu của nó đã viết trong thư.

Bùi Hữu Thiệt vào Ðại học tại Sài Gòn, bà Thân phải nhọc nhằn, bươn chải chu cấp cho con. Nhiều lúc nghĩ thương mẹ, Thiệt muốn bỏ học về nhà giúp mẹ buôn bán cho đỡ phần vất vả. Ý định đó đã bị mẹ phiền trách. Vì vậy, không còn gì hơn là Thiệt dồn hết tâm lực chăm lo học hành lấy được manh bằng đại học cho mẹ vui lòng.
Thiệt trọ học tại chùa D. Q., trụ trì là Ni Sư Thích Tâm Ngọc, tục danh Ðỗ thị Tình là em gái út của mẹ mình.

Sau ngày đình chiến theo Hiệp định Paris năm 1954, Tình kết hôn với một chính trị viên của bộ đội Việt Minh. Một tháng sau, chồng đi tập kết ra Bắc để nàng ở lại trong Nam. Tình có nhan sắc mặn mà nên lắm người tán tỉnh. Vài anh cảnh sát quận, dăm cán bộ Dân vụ năng lui tới trong nhà, khiến Tình lo ngại bỏ quê đến đất Gia Ðịnh vào chùa lánh thân giữ mình. Nàng có hạnh nguyện ở chùa hai năm, chồng về sẽ trở lại đời sống bình thường hưởng cảnh hạnh phúc trần tục. Thời gian kéo dài, người chồng năm xưa vẫn biền biệt. Tình không ngờ nàng đã chôn gíấu cuộc đời son trẻ của mình trong chiếc áo nâu sòng lại lê thê vô vọng. Và từ một ni cô “Kệ kinh câu cũ thuộc lòng, hương đèn việc trước, trai phòng quen tay.”*( Nguyễn Du) Tình đã trở thành Sư trụ trì thay Sư Bà Tâm Huệ viên tịch.

Bùi Hữu Thiệt vô tư, chỉ lo ăn học. Cho đến một hôm, Thiệt nhận được một số sách tái bản của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do một phật tử vô danh gởi tặng. Các tác phẩm nổi tiếng ngày xưa mà chàng rất mê đọc như Gánh Hàng Hoa, Ðọan Tuyệt… Thiệt giật mình bởi khoảng mười trang đầu là truyện, còn những trang trong thì in toàn tài liệu tuyên truyền của Việt cộng như “Những Mẫu Chuyện Trong Ðời Hồ Chủ tịch”, “Ba Mươi Năm Ðời Ta Có Ðảng”… Thiệt bắt đầu lo ngại và nghi ngờ những hoạt động của chùa D. Q. , vì vậy, chàng quyết định xin phép bà dì Trụ trì được vào ở khu nội trú sinh viên với lý do dành thì giờ đến thư viện đọc sách tham khảo.

Vừa tốt nghiệp đại học lại trúng đợt Tổng động viên, Bùi HữuThiệt không chần chừ nhập ngũ khóa Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức. Bà Thân bảo chạy giấy tờ hoãn dịch “hoàn cảnh con một” nhưng Thiệt từ chối. Chàng khuyên mẹ yên tâm, sau khi mãn khóa chàng sẽ làm đơn xin phục vụ tại đơn vị không tác chiến. Qua giai đoạn 2, Thiệt được chọn vào khóa sĩ quan kỹ thuật không quân.
Sau bốn năm phục vụ tại phi trường Biên Hòa, Trung úy Bùi Hữu Thiệt cưới vợ và yêu cầu mẹ bán nhà vào ở với chàng nơi cư xá không quân. Bà Thân luyến tiếc ngôi nhà, không nỡ dứt bỏ cái thị trấn mà bà đã gắn bó một thời, dù biết rằng nơi nầy không còn an ninh nữa.

Ðêm 24 tháng 3 năm 1975, quân Bắc Việt tràn ngập thị trấn Châu Giang. Người người tranh nhau rời thị trấn hướng về thị xã tìm nơi an toàn. Bà Thân mệt mỏi, cô đơn chẳng màng chạy lánh nạn. Bà chỉ sốt ruột lo lắng cho gia đình con trai ở phi trường Biên Hòa có mệnh hệ nào không. Bà hối hận đã không nghe lời con. Tháng trước đây, Thiệt có đánh điện nhắn mẹ vào Biên Hòa gấp vì tình hình bất ổn. Bà Thân cứ chần chừ mãi đến nay thì muộn rồi. Thôi thì phó mặc cho số mạng. Ý nghĩ như thế, nhưng trước tình hình bất lợi cho phía Quốc gia, trong thâm tâm bà lại xoay qua trông chờ cha con thằng Thà ngoài Bắc. Niềm hy vọng đoàn tụ với chồng con ngày càng gần giúp cho lòng bà yên ổn trở lại.

* * *
Chiếc xe con kiểu Liên xô băng qua cổng vào chùa D. Q., theo sau là chiếc Molotova chở đầy bộ đội cộng sản Bắc Việt, kéo theo một khẩu đại pháo. Tất cả dừng trước sân chùa. Người chỉ huy và hai lính bảo vệ xuống xe vào thẳng khu chánh điện.
A Di Ðà Phật, giọng trầm trầm của một Ni cô vẳng lên từ trên điện thờ. Trong bộ cà sa màu xám tro, Ni cô tiến đến trước mặt ba người :
- A di đà Phật, quý khách cần gì ?
Người chỉ huy lên tiếng :
- Tôi cần gặp chủ hộ ngôi chùa nầy.
- A Di Ðà Phật, Ni cô quay mặt đi vào cửa hông chánh điện. Một lát sau, sư Trụ trì đến trứơc mặt ba người đang giương mắt nhìn những tượng phật mạ vàng trên bàn thờ sáng trưng. Không biết trong đầu họ đang nghĩ gì trước cảnh chùa lộng lẫy đến khi vị Sư Trụ trì lên tiếng A Di Ðà Phật họ mới giật mình hỏi :
- Bà đứng tên chủ hộ chùa nầy ?
- A Di Ðà Phật, thưa phải .
- Tôi là Thủ trưởng của trung đoàn pháo, được cơ sở địa phương chỉ dẩn đến đây
thông báo cho bà rõ một pháo đội của lực lượng cách mạng sẽ đóng chốt tại vườn chùa
nầy.
Nghe giọng nói của người xứ Quảng vị sư Trụ trì ngước nhìn gương mặt người chỉ huy, đột nhiên sư cúi xuống thầm thì: “Ôi, Anh …” rồi ngã khuỵ xuống. Ba lính Bắc Việt quay lưng rời khỏi chánh điện. Các ni cô bên sau điện thờ vội chạy ra dìu sư phụ mình vào trong.
Ðặt sư nằm trên chiếc giường tại phòng tĩnh tâm, các đệ tử nhìn nhau lo ngại. Lần đầu tiên họ thấy tâm tư thầy bất an dường như có điều gì đó đang khuấy động đời sống tu hành . Họ nào biết khuôn mặt người chỉ huy Trung đoàn pháo đã đánh thức ký ức của Sư Trù trì nhớ lại kỷ niệm của hai mươi năm về trước. Lòng rạo rực yêu đương của người con gái trong tuổi xuân thì đã bị lừa dối làm con tin trong sách lược cài người của CS Hà Nội chuẩn bị cho cuộc lấn chiếm Miền Nam sau này càng làm nhói buốt tim bà. Khuôn mặt lạnh lùng khắc khổ của người chồng cũ khơi thêm nỗi đau làm rối loạn Bồ Ðề Tâm của bậc tu hành.
Sư trụ trì ngồi dậy, chậm rãi đi về hướng chánh điện gióng hồi chuông đảnh lễ trước điện thờ Phật rồi tọa thiền dưới chân Ðức Thế Tôn tụng tạng kinh Bát Nhã lấy lại sự yên tĩnh tâm hồn.

* * *
Hai mươi năm sống ở miền Bắc, Bùi Mậu Thà được chế độ đào tạo thành một bác sĩ. Đầu năm 1976, Thà về Nam gặp lại mẹ. Người anh cả Bùi Hữu Thiệt sĩ quan miền Nam đang ở trong tù. Bà Thân mừng rỡ khi gặp lại đứa con trai út sau bao năm chờ đợi. Bà đã ngoài sáu mươi tuổi, dành dụm được một số cây vàng, thương đứa con xa cách lâu năm nên chia cho Thà một nửa. Năm lượng vàng đối với một bác sĩ ở miền Bắc là cả một gia tài. Thế nhưng,vợ chồng hắn nghi ngờ số vàng mẹ chia có thể chỉ một phần mười hay một phần hai mươi.

Ba tháng sau do vợ hối thúc, Thà quay về đòi mẹ phải đưa thêm vàng. Mẹ thực lòng nhưng con không tin, bà cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Thương con, bà đã gom góp chút của cải cuối cùng chia đều cho hai đứa, thế mà hắn vẫn ngờ vực tấm lòng rộng rãi của mẹ. Bà giận lắm, bèn bảo :
- Năm cây vàng đó là ân huệ của tao cho, mầy chẳng có quyền gì đòi hỏi. Số còn lại là phần của thằng Thiệt, anh ruột mầy và một ít của tao dành để dưỡng già.
Thà nói :
- Bà quên rằng tên ngụy đó đã đi ngược lại truyền thống cách mạng của gia đình ta, mượn bom Mỹ giết chết người cha suốt đời tận tụy với Ðảng để lại những đứa con côi cút ở Hà Tỉnh.
Nhắc đến người chồng phụ bạc, bà Thân không nén được cơn đau. Lão Dinh ra Bắc chưa đầy ba năm là lấy người vợ khác, riêng bà vẫn chung thủy chờ chồng. Sau ngày Ba Mươi tháng Tư 1975 bà Thân mới biết được tin chính xác ông Dinh đã tử thương dưới chân súng phòng không đặt tại cầu Hàm Rồng trong trận máy bay Mỹ ném bôm.
Mối hận tình âm ĩ làm khô héo tim bà. Giờ đây chính miệng thằng con trai út giở giọng chửi anh ruột mình là ngụy lại còn bênh vực người cha đốn mạt , cơn giận ập đến như thác vỡ bờ, bà hét lên :
- Cả lũ bay là đồ bất nghĩa, vô ơn. Cút ! cút ra khỏi nhà tao ngay !
Thà đứng lên, từng bước một đến sát bà mẹ, miệng gầm gừ :
- Không cần bà đuổi, tôi đi ngay bây giờ, nhưng hãy đưa hết vàng đây.Vừa nói hắn vừa chụp lấy cổ mẹ hăm dọa. Bà Thân đưa cao hai tay dùng hết lực cấu vào mặt hắn. Cơn giận sôi lên, Thà siết mạnh tay hơn. Hơi thở bà Thân khò khè, chân tay giựt lên từng hồi rồi cả người bà rũ xuống. Thà hoảng hốt buông tay. Hắn vội vàng vào buồng ngủ lục tìm được gói vàng giấu bên dưới đầu giường rồi lên xe đò ra Bắc, trốn biệt từ ngày đó.
Sau cơn ngất vì nghẹt thở, bà Thân dần dần hồi tỉnh. Khi nhớ ra hành động của thằng con đòi thêm vàng, bà vội vã vào xem lại số vàng đã cất giấu thì hỡi ôi , thằng con khốn nạn đã lấy đi hết số vàng bà đã dành dụm, gồm 5 cây vàng cho thằng con lớn và 5 cây bà để dành dưỡng già. Bà Thân ngã vật trên giường rồi thiếp đi, đến ngày hôm sau bà trút hơi thở cuối cùng.

Ba năm sau ra tù, Bùi Hữu Thiệt ôm mộ mẹ khóc suốt một ngày. Chàng vì mẹ đã trễ chuyến bay cuối cùng ra hạm đội. Mẹ vì chàng quyết giữ năm cây vàng để chàng có phương tiện vượt biên đoàn tụ với vợ con đang ở nước ngoài. Thiệt giận em thì ít, nhưng căm thù chế độ đã tạo cho con người mang tính ác thú.

* * *

Người chỉ huy của Trung đoàn pháo Bắc Việt có toán quân đóng chốt tại chùa D. Q. bây giờ là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện . Ông vừa ký lệnh trưng dụng ngôi chùa D. Q. làm Trung tâm thương nghiệp và ra lệnh trục xuất tất cả những ai cư trú bất hợp pháp trong chùa.
Sư Trụ trì Tâm Ngọc buông tờ công lệnh có chữ ký của chủ tịch huyện Phan Văn Anh. Bà không tưởng tượng được lại có ngày oan trái đến với bà. Ngôi chùa đã che chở bà những năm tháng trẻ trung tránh cạm bẫy trần tục, giữ trinh tiết chờ chồng. Ngôi chùa đã che giấu cán bộ hoạt động nội thành mỗi khi cơ sở bị phá vỡ. Bà, các sư muội cùng thiện nam tín nữ đã góp công góp của xây dựng, tu sửa ngôi chùa để bây giờ “Cách mạng” gom vào tài sản nhà nước và tước đoạt quyền hành đạo của nhân dân.
Nỗi đau của bà là đã hi sinh cả một thời xuân sắc cho chồng, ngược lại chồng đã quên hẵn bà, xem bà như không còn hiện hữu trên cõi đời nầy !

Ðúng giờ Ngọ ngày Rằm tháng Tư Âm lịch (1978) Ni Sư Thích Tâm Ngọc đã châm lửa tự thiêu giữa sân chùa D. Q. để phản đối chính quyền cộng sản biến ngôi chùa thành trung tâm thương nghiệp. Công an thành phố đã cướp xác sư Trụ trì kín đáo mang đi. Trên cổng chùa, cửa chánh điện được dán đầy những bản sao lệnh trưng dụng ngôi chùa có chữ ký của Chủ tịch huyện Phan Văn Anh.
Ngày hôm sau, Nhật báo “Sài Gòn Giải Phóng” đăng mẩu tin ngắn :
“Một phụ nữ quê quán miền Trung tên Ðỗ Thị Tình mắc bệnh tâm thần, có lẽ vì trắc trở tình duyên nên đã tự thiêu tại sân chùa D. Q. Thi thể đã được chính quyền địa phương an táng.

Chủ tịch huyện Phan Văn Anh đọc lướt qua bản tin trên rồi bình thản đặt tờ báo lên bàn. Cùng lúc, ban văn thư mang vào văn phòng một phong bì lớn đề chính tên ông. Khui bao thư khác thường nầy ông lấy ra một chiếc khăn trắng đã ố màu có thêu hai đóa hoa hồng đan chéo với nhau, một lọn tóc đen dài và một lá thư. Ông tái mặt, vội vàng lùa những món “tang tóc” ấy vào ngăn kéo rồi thẫn thờ đọc lá thư :
Thưa ông Phan Văn Anh,
Tôi viết thư nầy với tư cách của một người phụ nữ mang tên Ðỗ Thị Tình.
Trước tiên, tôi gởi lại chiếc khăn tay mà ông đã tặng cho tôi trong ngày cưới, đó là món quà duy nhất của cô dâu nhận được khi về làm vợ ông. Thứ hai là lọn tóc của tôi đã cất giữ suốt hai mươi năm từ lúc vào chùa quy y. Tôi đã lặng người và khóc hết nước mắt khi mái tóc dài óng mượt của tôi được mẹ bảo dưỡng từ lúc còn bé thơ bị cắt đi. Người con gái mới hai mươi ba tuổi đời đã chịu xuống tóc vào chùa là một quyết định hi sinh vô bờ bến cũng chỉ vì muốn giữ lâý lòng trung trinh tiết nghĩa đối với chồng. Thế mà ông đã nhẫn tâm quên hẳn người vợ ở lại trong Nam. Ngày tôi gặp lại ông sau hơn hai mươi năm xa cách là lúc ông đưa đơn vị pháo đến giẵm nát cảnh chùa mà tôi đã tu tịnh trong suốt thời gian qua. Hành động tiếp theo cuả ông là ký lệnh biến chùa làm nơi buôn bán của nhà nước.
Thần tượng Cách mạng trong tôi hoàn toàn sụp đổ . Tài sản đồng bào miền Nam đã bị đảng các ông cướp đọat một cách trắng trợn và chà đạp lên cả quyền sống con người.
Khi ông nhận được thư nầy, tôi với tư cách là Sư Trụ trì chùa D. Q. đã tự thiêu để phản đối chính sách cướp chùa phá đạo của Cộng sản Việt Nam. Tôi vì Ðạo pháp mà thắp sáng ngọn lửa Từ bi Vô úy trong tinh thần Ðại ngã Tinh tấn của Phật Giáo để soi đường cho chúng sanh và hi vọng soi sáng cả lương tâm ông .
A Di Ðà Phật.
Ni Sư Thích Tâm Ngọc, trụ trì chùa D.Q.


Ðặt bức thư trên bàn, Phan Văn Anh đưa mắt nhìn khu cây kiểng trước phòng làm việc. Gương mặt ông tối sầm. Kéo chiếc hộc bàn ông nhìn lại lọn tóc đen tuyền nằm khoanh tròn trong bao nylon. Chợt khuôn mặt của người vợ trẻ ngày xưa như thoáng hiện chập chờn bên lọn tóc, ông trầm ngâm, nghĩ ngợi. Một hồi lâu, ông cầm điện thoại gọi phòng công an bảo vệ chính trị hỏi cái xác thiêu ở chùa D. Q. chôn ở nơi nào.
Một tuần lễ sau, đích thân ông lén lút đặt trên ngôi mộ người vợ cũ một bia đá có khắc hàng chữ : “Nơi an nghỉ của Sư Cô Thích Tâm Ngọc, Trụ trì chùa D. Q., tục danh Ðỗ Thị Tình, sinh ngày 18 tháng 4 năm 1931 tại Q. N. Chết ngày 15 tháng 4 năm 1978 tại Gia Ðịnh, thọ 47 tuổi”.
Ông âm thầm thực hiện công việc nầy có lẽ để lương tâm đỡ cắn rứt. Nhưng ông không ngờ cử chỉ đó đã giúp cho linh hồn người vợ chung tình được mau siêu thoát.

* * *
Trước khi thực hiện một chuyến vượt biển, Bùi Hữu Thiệt tìm đến mộ bà dì ruột Ðỗ Thị Tình thắp hương từ biệt. Nhìn tấm bia mộ không tên người phụng lập, lòng Thiệt quặn thắt. Thiệt chấp tay khấn nguyện : “ Dì đã hiến thân cho Ðạo Pháp mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Ngọn lửa Bi Trí Dũng của Phật pháp bùng lên từ thân xác Dì đã thắp sáng lương tri loài người và soi đường cho chế độ này ra khỏi vòng mê lụy.
Thưa Dì, ngày mai nầy con sẽ ra đi, không may gặp hiễm nguy, thân con có thể chìm tan trong biển cả mênh mông nhưng hồn con sẽ nhập cùng với hàng vạn linh hồn của những người bỏ nước ra đi bị tử nạn làm nên những con sóng thần đánh động lương tâm thế giới. Linh hồn Dì có linh thiêng xin phò hộ cho con trong chuyến đi này được bình yên đến được bến bờ Tự do . Con hứa với Dì , nơi vùng đất mới , con sẽ ươm mầm hạt giống Tự do để chờ ngày mang về trồng lại trên mảnh đất quê hương Việt Nam mà hiện nay đang tràn ngập cảnh khổ đau đầy máu và nước mắt !”