Nhân ngày Tết Nguyên Ðán sắp đến, Hạnh mang biếu Tuấn một chiếc áo vét-tông, loại hàng “xi-đa” của nước ngoài cứu trợ...
Hôm qua, nhân chuyến chở gạch ngói tại thị trấn Madagui, Hạnh đến khu kinh tế mới Cát Tiên để báo cho Cẩm Thi biết Tuấn được ra tù. Chậm lắm là ngày mai chàng sẽ về đến nơi. Ðó là tin tức Hạnh nhận được từ bức thư của cụ Thuần, bố nàng gởi về.
Nhân ngày Tết Nguyên Ðán sắp đến, Hạnh mang biếu Tuấn một chiếc áo vét-tông, loại hàng “xi-đa” của nước ngoài cứu trợ. Chiếc áo còn khá tốt, bằng loại vải nỉ màu xám xanh có những sọc nhỏ trắng vừa lịch sự lại vừa có thể “trị” được cái rét nứt da của mùa Ðông trong thung lũng đầy uất khí nầy. Ðược tin bất ngờ, Thi ôm chầm lấy Hạnh, vùi mặt vào vai bạn để che giấu những giọt nước mắt vui mừng.
Từ khi đứa con gái của Cẩm Thi và Tuấn bị bệnh sốt xuất huyết bỏ mình tại khu đầm lầy này, cuộc sống của nàng vô cùng ảm đạm. Nỗi đau buồn, thương tiếc đứa con thân yêu khiến Thi hụt hẫng. Nàng như chiếc lò xo mất hết xung lực. Tương lai là bóng mây chập chùng vây bũa, chỉ còn sót lại chút lửa sưởi ấm trái tim cô đơn của nàng là niềm hy vọng nhỏ nhoi vào ngày đoàn tụ của chồng. Ðã nhiều lần Hạnh khuyên nên bỏ khu kinh tế mới này đi nơi khác nhưng Thi không muốn rời xa nấm mộ đứa con gái yêu quý của mình.
Việc đầu tiên của Cẩm Thi là sửa soạn và quét dọn túp lều cho sạch sẽ, thoáng mát. Mua chiếc chiếu mới thay chiếc chiếu trải giường đã mòn, và một chiếc gối độn bông gòn dành riêng cho Tuấn.
Kéo tấm màn gió qua một bên để lộ chiếc giường với hai cái gối đặt song song bên nhau khiến lòng Thi bỗng dưng rạo rực, đỏ mặt thẹn thùng. Ðã mười năm vò võ đợi chồng, đêm về nghe ray rứt niềm cô đơn. Hôm nay, tinh thần phấn chấn, Thi chợt nhớ đến bài thơ của Tuấn gởi cho nàng ngày mới vào tù. Chàng đã dịch theo ý bài thơ Xuân Tứ của thi hào Lý Bạch nói lên tâm sự của người vợ chờ chồng:
Ðất Yên cỏ mọc tơ xanh
Bãi dâu đượm nét thiên thanh xứ Tần
Ngày về chàng nhớ bao lần
Bấy nhiêu lần thiếp như dần ruột đau
Gió xuân nào biết cho nhau
Bỗng dưng lay động màn sau làm gì ?!
Thi trải một tấm vải nhựa màu xanh nhạt lên mặt chiếc bàn nơi phòng khách. Cái áo vét-tông, quà Tết của Hạnh tặng cho Tuấn được choàng lên thành chiếc ghế dựa. Ðứng ngoài xa nhìn vào cái phòng khách tý hon ấy, lòng Thi thấy rộn lên những kỷ niệm êm đềm của ngày nào vợ chồng nàng đến thành phố Ðà Lạt hưởng tuần trăng mật sau ngày lễ thành hôn.
Trong căn phòng lớn của khách sạn, trên bàn xa-lông, một bình hoa tươi được chăm sóc mỗi ngày. Những đóa hồng nhung hàm tiếu hương thơm thoang thoảng. Chợt, Thi nảy ra sáng kiến phải có bình hoa trên bàn ăn. Chồng nàng dù là một quân nhân nhưng tâm hồn lại như một thi nhân, mơ mộng và đa tình. Ở đây đủ loại hoa rừng mình có thể góp nhặt được một bình hoa rực rỡ sẽ tăng thêm phần trang trọng cho bữa cơm đoàn tụ và mang chút hương vị ngày Xuân. Thi thầm quyết định.
Buổi sáng, khi sương đêm còn đẫm ướt lá rừng, mặt trời chưa nhuộm vàng trên đỉnh dãy núi cao, Thi đã cắp rổ đến ven rừng chọn cắt những cánh hoa dại có màu sặc sỡ nhất đem về chưng trên bàn ăn. Bên cạnh bình hoa, nàng đặt sẵn hai cái chén cùng hai đôi đũa. Nàng nấu một xoong cơm, đặc biệt gạo trắng không độn sắn như mọi ngày. Một đĩa thịt heo kho, một đĩa rau muống luộc. Thi nhớ lại những bữa cơm thịnh soạn ngày trước, Tuấn lúc nào cũng thích món cá biển chiên dòn. Nàng vội vã đóng cửa cẩn thận rồi đạp xe chạy ra chợ thị trấn Madagui cách nhà khoảng bốn cây số, mua cho được lát cá biển để đãi chồng.
* * *
Dưới bầu trời nắng ấm của tiết lập Xuân, con tàu Thống Nhất xuôi Nam lướt qua những cánh rừng cao su bạt ngàn của miền Nam. Trong toa tàu chất đầy hàng hóa, hai người, một già một trẻ ngồi bệt trên sàn tàu. Cả hai mặc áo quần tù. Thân thể người nào cũng gầy gò, xanh xao.
Cụ già ngồi bên lên tiếng hỏi :
- Hôm nay là ngày 29 tháng Chạp, chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa là lễ đón giao thừa, cậu định về đâu?
Người tù trẻ hướng mắt nhìn qua khung cửa tàu, buồn bã trả lời :
- Bố mẹ cháu đã qua đời từ lâu. Giờ đây cháu không còn một ai thân thích. Cách đây bốn năm vợ cháu sống tại khu kinh tế mới Cát Tiên có nhờ một người mang vào trại tù ít quà và một bức thư báo tin đứa con gái của cháu đã chết vì bệnh sốt xuất huyết. Từ đó đến nay bặt tin nàng. Tuy nhiên, cháu sẽ đến Cát Tiên tìm vợ cho trọn tình trọn nghĩa. Trong thâm tâm, cháu làm sao tin được mười năm qua nàng ở vậy chờ chồng. Ðiều bán tín bán nghi là bốn năm sau cùng, nàng không hề viết cho cháu một lá thư nào. Nếu vợ cháu có sang thuyền khác, cháu cũng chẳng hề giận hờn, trách móc. Cầu mong cho nàng có được hạnh phúc với người chồng mới.
Ông cụ nhìn người bạn tù trẻ, an ủi :
- Tuổi trẻ của cậu còn có điều kiện gầy dựng lại tương lai, bi quan làm gì cho mất nhuệ khí.
Tiếng còi tàu bỗng hú vang báo hiệu đến trạm dừng đã cắt ngang câu chuyện giữa hai người. Anh tù trẻ đứng lên, lễ phép bắt tay người tù lớn tuổi khi con tàu vừa ngừng hẳn trên sân ga. Ôm trên tay chiếc túi bằng bao cát, anh ta bước xuống tàu hướng về ngã ba Dầu Giây.
Chiếc xe khách hiệu Renault chạy ì ạch trên quốc lộ 20 trực chỉ đến huyện Ðạ- Hoai tỉnh Lâm Ðồng. Trải qua mấy tiếng đồng hồ ngồi ép mình trong lòng xe nhét đầy hàng hóa, người tù uể oải bước xuống xe tại ngã ba Madagui rồi thuê xe ôm vào khu kinh tế mới Cát Tiên.
Sau khi dò hỏi biết rõ nhà của Lê Thị Cẩm Thi đang ở, người tù xăng xái đến căn nhà lá nằm cạnh bờ suối. Lòng anh rộn ràng nhìn căn nhà trước mặt đứng im lìm như cam chịu cái nắng hầm hập của núi rừng. Cạnh nhà là con suối, nước chảy róc rách dưới những tảng đá nằm phơi mình giữa dòng nước trong. Anh hồi hộp tiến vào trước mặt nhà rồi gõ vào cánh cửa.
Yên lặng!
Người tù vòng ra sau nhà. Trên bếp là xoong cơm còn ủ than hồng. Anh lại vòng quanh ra phía trước. Nhìn qua cửa sổ nơi phòng khách, anh trông thấy trên chiếc bàn ăn với hai cái chén, hai đôi đũa và một bình hoa tươi. Anh nghĩ, có lẽ vợ anh chuẩn bị đón Giao thừa, rồi chú ý đến chiếc áo vét-tông đàn ông choàng trên lưng dựa của chiếc ghế ngồi khiến anh tái mặt. Nhìn sâu bên trong là chiếc chõng tre có hai cái gối đặt song song trên đầu giường.
“ Thế này là thế nào?”, người tù tự hỏi.
Rõ ràng là vợ anh hiện đang sống chung với một người đàn ông khác. Thoạt tiên, anh tự an ủi : “ mình tìm lầm nhà” nhưng khi tấm ảnh của con gái anh trên trang thờ đập vào mắt khiến anh lặng người. Trái tim anh tưởng chừng như có bàn tay vô hình bóp chặt, cơn đau đớn tận cùng làm tê liệt cả tứ chi. Nước mắt ứa ra chảy ràn rụa trên khuôn mặt xanh xao của người tù đang đứng chết lặng trước thềm nhà. Chợt tiếng chim khách vang lên trên ngọn cây cao bên dòng suối. Anh sực tỉnh, vội lấy bút viết vài dòng nguệch ngoạc vào một mảnh giấy nhỏ, gài vào cánh cửa liếp, rồi rời căn nhà như chạy trốn.
Cẩm-Thi lật đật đạp xe về nhà, mồ hôi ướt đẫm lưng chiếc áo bà ba. Trên ghi-đông xe treo lủng lẳng chiếc làn đựng lát cá và ve dầu phụng mới mua. Dựng xe vào gốc cây trước sân, nàng dáo dác nhìn quanh. Chẳng có ai. Thi yên tâm mở cửa vào nhà. Bất ngờ mảnh giấy nằm trong kẹt cửa rơi xuống đất. Mở mảnh giấy ra, Thi bàng hoàng nhận ra chữ viết của Tuấn : “Chúc mừng hạnh phúc mới của em. Vĩnh biệt con gái yêu thương của Ba” !
Thi vứt tờ giấy xuống nền nhà rồi ôm mặt khóc tức tưởi...
* * *
Thời gian thấm thoắt trôi...
Từ khi Tuấn rời căn nhà của Cẩm Thi, không ai biết điều gì đã xảy ra. Chuyện của hai người tưởng chừng như đi vào quên lãng.
Ðầu năm 1990, Hạnh và con đến Mỹ theo diện đoàn tụ với chồng. Hai năm sau 1992, ông cụ Thuần lên đường định cư tại Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. Người tù lớn tuổi cùng về với Tuấn trên một chuyến tàu xuôi Nam vào những ngày giáp Tết chính là ông Thuần bố của Hạnh. Hiện gia đình của họ sống sum họp tai thành phố Stockton thuộc miền Bắc California. Ðời sống của vợ chồng Hạnh đã tạm thời ổn định.
Hạnh đẩy chiếc xe đi chợ đựng đầy thức ăn băng qua khu parking đến xe của nàng đậu từ xa. Chợt một người đàn ông hai tay xách mấy túi nylon đựng thức ăn đi lướt qua mặt nàng. Nhìn nghiêng khuôn mặt người ấy có nét hao hao giống Tuấn. Nàng nhanh chân vượt qua để nhìn tận tường khuôn mặt của anh ta. Hạnh vẫn còn hoài nghi bởi đã gần hai chục năm rồi có thể bị nhìn lầm - nàng nghĩ. Nhưng để cho chắc chắn, nàng hỏi :
- Xin lỗi, có phải anh là Trương Ðình Tuấn, chồng của cô Lê Thị Cẩm Thi ở Việt Nam.
Người đàn ông ngạc nhiên đứng lại nhìn Hạnh một hồi lâu, lên tiếng :
- Xin lỗi, tôi chưa được hân hạnh biết cô. Ngưng một lát như để gợi lại trí nhớ của mình, anh ta tiếp :
- Vâng, tôi là Tuấn, người chồng trước của cô Thi.
- Thế ai là người chồng sau ? Hạnh bực bội xẵng lời.
- Làm sao tôi biết được ?
- Nầy anh Tuấn, anh đã nhận ra tôi là ai chưa ?
- Tôi nhớ đã có lần gặp chị nhưng quên tên.
- Hạnh đây, bạn của Cẩm Thi vợ anh đấy.
Tuấn vừa kịp ồ lên một tiếng thì Hạnh đã chận ngay :
- Tôi sẽ không xin lỗi anh cho dù lời nói của tôi sau đây có cộc cằn, thô lỗ : Anh là một người chồng rất hồ đồ và tàn nhẫn. Ðã sáu năm qua tôi cố ý tìm anh để thanh minh cho Thi, nhưng hoài công. Có lẽ Thượng đế thấy rõ lòng Thi, cho nên hôm nay trời dun dủi cho tôi gặp được anh. Tôi cần nói chuyện với anh về Thi, và sẵn dịp mời anh đến nhà sẽ gặp ông Thuần bố tôi. Ông cụ thường hay nhắc đến tên anh luôn. Ðây là số điện thoại và địa chỉ của tôi. Chiều mai tôi mời anh đến nhà dùng cơm gia đình. Hy vọng anh không từ chối. Tôi sẽ cho anh biết tin tức về Thi, một người vợ chung tình và rất đáng ca ngợi. Hạnh nói xong đẩy xe đi. Tuấn chần chừ muốn hỏi thêm điều gì đó, nhưng nàng không quay đầu lại.
Cuộc gặp gỡ giữa cụ Thuần và Tuấn khá cảm động. Hai người quấn quít bên nhau nhắc lại những năm tháng khổ lụy trong tù. Sau bữa cơm, Hạnh xin phép cha và chồng được nói chuyện riêng với Tuấn.
Nàng đặt hai ly nước trên chiếc bàn nhỏ dưới mái hiên trước nhà, rồi mời Tuấn ngồi.
Không cần mào đầu, Hạnh đi thẳng vào vấn đề :
- Ðã sáu năm rồi tôi và Thi mang uẩn khúc trong lòng chưa được giãi bày. Hôm nay, tôi mong muốn được anh giải thích nguyên nhân nào anh đã quyết định rời bỏ căn nhà của Thi ra đi không trở lại ?
Tuấn nhìn Hạnh, với ánh mắt đượm buồn chàng nhỏ nhẹ trả lời :
- Như chị biết đó, bốn năm sau cùng trong tù, vợ chồng tôi đã mất tin tức của nhau. Ngày tôi ra tù là hoàn toàn bất ngờ đối với Thi. Niềm hy vọng của tôi là Thi vẫn đợi chờ. Nhưng khi tìm đến căn nhà trong khu kinh tế mới Cát Tiên, thì than ôi, một cảnh tượng phũ phàng đập vào mắt tôi : Hai cái gối trên giường ngủ. Hai cái chén, hai đôi đũa, một bình hoa đặt sẵn trên bàn ăn. Còn có cả chiếc áo vét-tông đàn ông treo trên thành ghế dựa. Khung cảnh đó đủ nói lên cuộc sống hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Hẳn chị trách tôi không đủ can đảm để ngỏ lời chia tay với Thi chăng ? Ðúng vậy, tôi không thể chịu đựng thêm cơn đau xé lòng nếu phải đối diện trước cảnh vợ tôi cùng với người đàn ông khác dắt tay nhau về căn nhà hạnh phúc đó. Tôi không hờn giận Thi, chỉ buồn cho thân phận hẩm hiu của mình.
Nghe qua lời kể của Tuấn, Hạnh đưa hai tay lên trời, một cử chỉ phân trần rồi chua xót thốt lên :
- Thi ơi, mày đã đoán đúng với sự suy nghĩ của chồng mày ! Chúa ơi, chẳng lẽ Người sắp đặt ra cảnh chia lìa ấy sao ?
Hạnh hướng mắt nhìn lên bầu trời cao như đang cầu nguyện. Khi tâm tư bớt xao động, nàng lên tiếng :
- Ngày đó, tôi đã trách anh, trách thậm tệ, Tuấn ạ. Tôi trách anh đã hành xử hết sức độc ác đối với Thi. Bây giờ thì tôi hiểu. Sự lầm lẫn đó do ngoại cảnh tạo nên một cách vô tình nhưng không kém phần tai hại. Tuy nhiên, xin anh hiểu cho rằng, Thi trang trí chiếc bàn ăn đó là chuẩn bị cho bữa cơm đón anh về. Chính tôi là người báo cho Thi biết tin anh được ra tù qua thư của Ba tôi gởi. Chiếc áo vét-tông là món quà Tết của tôi đã mua biếu anh mặc ấm chống lại cái lạnh của khu rừng già. Anh có biết lúc anh tìm đến nhà là lúc Thi chạy ra chợ mua cho được khoanh cá biển mang về. Nó tâm sự : “Ngày trước Tuấn rất thích ăn món cá mình chiên”.
Nghe đến đây, Tuấn trố mắt nhìn Hạnh, da mặt của anh bỗng tái nhợt, những giọt mồ hôi rịn ra trên vầng trán đã xuất hiện vài nếp nhăn. Không để ý đến sự biến đổi tâm trạng của Tuấn, Hạnh tiếp :
- Sau khi đọc mảnh giấy anh để lại, Thi đã vật vã khóc suốt ba ngày liền. Rất may là tôi đến thăm kịp thời, không thì Thi đã quyên sinh bên mộ con gái rồi.
- Thế chị có biết hiện giờ Thi ở đâu. Nàng có khỏe mạnh không ? Tuấn nôn nóng ngắt lời Hạnh.
- Tôi đã an ủi và khuyên nhủ nhiều lần, Thi mới rời khỏi khu kinh tế mới. Tôi giới thiệu Thi với tổ hợp Gạch Ngói huyện Ðạ- Hoai của anh rể tôi. Họ nhận nó vào giữ chân thư ký kế toán. Ngày tôi rời Việt Nam lên đường sang Mỹ, Thi có xuống Sài Gòn tiễn mẹ con tôi lên máy bay. Hiện giờ, chúng tôi vẫn thư từ với nhau. Mới đây, tôi nhận được thư của Thi, có vài thay đổi trong cuộc sống của nó. Lát nữa, tôi sẽ cho anh xem thư của Thi. Bây giờ anh có thể kể cho tôi nghe về anh, từ lúc anh rời khỏi căn nhà của Thi ?
Ánh mắt thất thần của Tuấn ngước nhìn Hạnh. Chàng nâng ly hớp một ngụm nước cho thấm giọng, chờ hồi lâu chàng mới lên tiếng :
- Ngày đó, tôi rời khỏi căn nhà của Thi, nói đúng hơn là chạy trốn. Tôi lội bộ trên con đường đất đỏ dưới cơn nắng gay gắt đến bến xe đi Sài Gòn mà thần trí của tôi lúc bấy giờ không khác gì kẻ mộng du. Ðến Sài Gòn, tôi đã cố tâm tìm nhà của bác Thuần, bố chị trong khu Bàn Cờ nhưng người nào cũng lắc đầu không biết. Tôi đành đến nhà người bạn học của tôi hồi còn trung học tam trú qua một đêm. Phần vì sợ công an hỏi giấy tờ, phần cha mẹ của thằng bạn sợ người mặc áo quần tù, tôi đành gượng gạo mượn của bạn tôi bộ sơ-mi quần mặc tạm. Tôi biết cuộc sống của gia đình bạn tôi vô cùng gieo neo. Sáng ngày hôm sau, tôi đang lang thang trên đường Phan Thanh Giản, một người đạp xít-lô rà xe mời tôi. Chợt hắn la lên :
“ Ðại úy Tuấn ! Ðại úy về hồi nào ?” Tôi hoảng hốt quay nhìn hắn, thì ra là Trung sĩ Hiển, thuộc cấp của tôi ngày xưa. Hiển thúc tôi lên xe chở về nhà. Hắn đã nuôi tôi suốt mấy tháng trời và cũng nhờ Hiển bảo lãnh với chủ ghe cho tôi thiếu nợ để cùng với gia đình hắn vượt biển trong chuyến đi đầy nguy hiểm.
Hạnh ngắt lời :
- Thế bây giờ anh ở đâu ?
- Tôi thuê phòng của một gia đình người Việt trong thành phố nầy. Khi qua Mỹ rồi, tôi đã gởi cho Thi hai lần thư nhưng chẳng thấy hồi âm. Khi nghe chị kể sự thực về Thi lòng tôi vô cùng đau xót. Tôi hết sức ân hận sự hồ đồ của mình đã làm cho vợ tôi phải chịu muôn vàn đắng cay. Chợt Tuấn ôm mặt thốt lên: Lỗi tại tôi. Lỗi tại anh muôn phần,Thi ơi! Tuấn vừa nói vừa đấm vào ngực mình rồi ôm mặt khóc nấc lên. Chàng khóc tự nhiên trước mặt Hạnh. Những giọt nước mắt ướt đẫm lòng bàn tay chảy thành dòng rơi xuống nền hè.
Không để cho Tuấn thấy dòng lệ của mình cũng đang chảy ràn rụa, Hạnh đứng lên vào nhà. Nàng cảm thông cho Tuấn nhưng lại càng xót xa và thương cảm cho thân phận của Thi. Hạnh lấy giấy tissue chậm khô nước mắt mình trước khi mang cả hộp ra trao cho Tuấn.
Chờ cho Tuấn qua cơn xúc động, Hạnh đặt bức thư của Cẩm Thi trước mặt chàng. Tuấn vội lấy bức thư mở ra đọc :
“Ðạ Hoai, ngày...
Hạnh thân mến,
Không như những lần trước, lần nầy mình hồi âm thư của Hạnh chậm đến hai tháng. Một thời gian dài để suy nghĩ, đắn đo chọn cho mình một con đường thích hợp. Mình quyết định thôi việc trong Tổ hợp Gạch ngói của anh rể Hạnh. Vợ chồng anh chị Nghiêm xem mình như đứa em gái. Anh chị khuyên Thi nên lấy chồng để có nơi nương tựa. Anh còn giới thiệu cho mình ông cán bộ trưởng phòng thương nghiệp huyện. Một hôm anh ta đến văn phòng tổ hợp để ký hợp đồng trao đổi hàng hóa hai chiều, rồi rà rẫm bên Thi mở lời tán tỉnh. Bất chợt dạ dày của mình quặn thắt từng cơn, nước dãi tuôn ra đầy miệng. Không đè nén được, mình bụm miệng chạy ra ngoài nôn ọe như người đàn bà có triệu chứng cấn thai. Nhìn vào bụng mình, anh ta cười, nhe hàm răng vàng nhựa thuốc, bảo:
- Anh tình nguyện làm bố đứa bé trong bụng đấy.
Không có một lời tán gái nào bất nhã, vô duyên hơn câu nói của hắn. Máu nóng bốc lên tới đỉnh đầu, mình trả đũa ngay :
- Nếu sự thật đúng như vậy thì đứa bé vô phúc quá bởi nó có một người cha như ông !
Anh ta đi rồi mà nỗi ấm ức trong Thi vẫn còn. Hắn đã đánh giá những người vợ có hoàn cảnh như bọn mình như thế đấy. Mình gục đầu trên bàn khóc tức tưởi cho đến khi có tiếng kẻng dùng cơm tối vang lên.
Chẳng biết hiện giờ Tuấn ở đâu. Nếu anh ấy quẫn trí, rủi ro có mệnh hệ nào thì chính mình là người gây nên tội. Ðã mười mấy năm rồi mà hình ảnh của Tuấn không hề phai mờ trong tâm trí mình. Ðêm nào mình cũng mơ thấy anh ấy, khi thì trách hờn, khi thì âu yếm. Mình biết Tuấn đã phải chịu đựng nỗi đau xé lòng khi nhìn thấy cảnh trí trong nhà mình đã khiến cho anh hiểu lầm. Nghĩ đến thân thể gầy gò yếu đuốí của Tuấn thất thểu trên đường, nhiều đêm mình khóc, nước mắt ướt đầm cả gối. Tuấn không thể nào thấy được tình yêu của mình đã dành cho anh ấy sâu đậm đến mức nào.
Hương Thơ là đứa con gái duy nhất của mình và Tuấn. Nó mất đi đã mang theo một nửa trái tim của mình. Giờ đây Tuấn đã bỏ mình ra đi biền biệt là chàng đã làm khô héo nửa quả tim còn lại . Vì vậy Thi đã quyết định làm theo hạnh nguyện mấy năm nay là vào chùa tu tịnh. Mình nguyện dành phần đời còn lại cho Phật pháp. Hiện giờ mình đang ở chùa Sư Nữ thuộc xã Phương Lâm trên quốc lộ 20. Sư phụ chưa cho mình xuống tóc. Sư bảo: “Xuống tóc là đệ tử bắt đầu vào đời sống của một sa-di. Nhìn cặp mắt đệ tử, thầy biết con chưa dứt bỏ được trần tục. Bi lụy, sầu não, nhớ thương là những mối tơ vướng mắc của người bước vào đường tu tịnh. Hãy ở lại đây tu tập hằng ngày rồi đệ tử sẽ vứt bỏ dần mọi vọng tưởng, vọng động, phiền não và khổ đau. Mai sau tâm hồn con sẽ an nhiên tự tại”.
Hạnh ơi, hàng ngày mình cầu nguyện đức Phật A-Di-Ðà phò hộ cho gia đình bạn luôn luôn hạnh phúc nơi xứ người. Mình cầu xin đức Quan Thế Âm bảo hộ cho Tuấn vượt qua những thăng trầm và khổ đau trên đường đời. Cầu chúc Hạnh và gia đình thân tâm thường an lạc.
A Di Ðà Phật.
Lê Thị Cẩm Thi
Tuấn cẩn trọng xếp bức thư bỏ vào phong bì trao cho Hạnh. Chàng đứng lên, nói với Hạnh :
- Ngày mai tôi xin gấp giấy tờ về Việt Nam để gặp Thi. Hy vọng nàng sẽ tha thứ lỗi lầm cho người chồng nông nổi nầy. Tôi nguyện với lòng sẽ mang hạnh phúc cho nàng để bù đắp lại những năm tháng khổ đau mà vợ tôi đã trải qua. Lời tri ân gởi đến chị chưa đủ để đền đáp nghĩa tình mà chị đã dành cho vợ tôi. Cho tôi nhắn lời xin lỗi Bác Thuần và chồng chị. Tôi cần phải lên đường càng sớm càng tốt.
Ðưa tay ra hiệu chào tạm biệt Hạnh, Tuấn hối hả băng qua đường lên xe phóng về nhà.
* * *
Tuấn xuống phi trường Tân Sơn Nhất, bao xe taxi chạy thẳng đến Phương Lâm. Ngôi chùa Sư Nữ nằm sâu nơi chân núi cách quốc lộ 20 chừng vài cây số. Tuấn phải xuống xe lội bộ qua cánh đồng bắp. Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng trông uy nghi giữa vườn cây trái xanh tươi. Tuấn không đi thẳng vào chánh điện mà vòng qua khu nhà khách. Chợt vẳng lên tiếng A Di Ðà Phật, rồi một ni cô mặc áo nâu sòng, bưng trên tay một rổ trái cây từ góc vườn xuất hiện trước mặt chàng :
“A Di Ðà Phật, quý khách muốn vào lễ Phật” ?
Tuấn đứng như chôn chân nhìn người sư nữ. Sư nữ cũng nhìn chàng đăm đăm. Một khắc sau, rổ trái cây trên tay ni cô rơi xuống đất vung vãi, nàng nấc lên :
- Ôi anh Tuấn !
Người sư nữ khuỵu xuống. Tuấn vừa kịp đưa tay đỡ nàng rồi ôm chặt tấm thân tiều tụy của vợ vào lòng, chàng kêu lên :
- Thi ơi, tại anh mà ngày nay em ra nông nỗi này !
Tuấn áp mặt mình vào mặt vợ, nước mắt chàng làm ướt đẵm khuôn mặt tái xanh của Thi khiến nàng tỉnh lại. Mở mắt nhìn Tuấn và lệ nàng cũng bắt đầu tuôn chảy, chan hòa với nước mắt của chồng.
Từ nãy giờ, ni sư trụ trì đã chứng kiến cảnh trùng phùng của cặp vợ chồng sau mười sáu năm chia ly. Ngài nở nụ cười thanh thoát, rạng rỡ tâm Phật nói với hai người :
- A Di Ðà Phật, thầy mừng cho đệ tử được đoàn viên với chồng. Âu đó cũng là duyên nghiệp. Cầu mong cho con trở về với đời sống trần tục được nhiều phước hạnh và viên mãn.
Bước chân của vị sư già hướng về nơi chánh điện. Tiếp theo là tiếng mõ cầu kinh vang lên từ dưới chân bệ thờ của đức Thế Tôn.
Vầng tà dương rạng hồng tròn trịa gác mình trên đỉnh núi cao. Hai người vẫn chưa rời nhau, họ cùng quay nhìn về đỉnh núi hướng tây vừa xuất hiện bảy sắc cầu vồng khi ánh mặt trời sắp khuất sau dãy núi mờ sương như báo hiệu mùa Ðông đã qua rồi và mùa Xuân trở lại./