Trong những năm cuối đời ông già dành cho việc tạo dựng hòn giả sơn...
Hồi ấy tôi là một cậu bé lên mười, đang học lớp nhất trường huyện. Từ nhỏ tôi đã để bộc lộ tính nhút nhát, tôi thích sống cô đơn, tôi khó lòng giao thiệp với ai, bởi thế tôi chẳng có bạn bè cùng lứa. Bạn của tôi thời đó chính là ông già xây dựng núi sông.
Trong những năm cuối đời ông già dành cho việc tạo dựng hòn giả sơn. Một hòn giả sơn đồ sộ công phu đặt trong cái hồ lớn xây bằng đá hoa cương hình bán nguyệt chiếm gần một nửa chiếc sân gạch ở mặt tiền ngôi từ đường họ Nguyễn.Trông cái công trình kỳ dị khổng lồ này tôi thấy chẳng giống mấy hòn non bộ cỏn con của những ông già làm quan lui về ẩn dật vui thú điền viên ở hai bên bờ sông An Cựu xứ Huế. Hòn giả sơn của ông cụ dựng lên đúng là một cõi giang sơn cẩm tú, có dãy núi cao vời vợi với những đỉnh núi nhấp nhô trông như hàng cột chống trời. Có miền trung du gò đồi thoai thoải nương chè rẫy sắn. Có miền bình nguyên xanh tươi ruộng lúa, có bờ biển uốn lượn quanh co ôm lấy chân núi, vỗ về bãi cát. Cảnh trí không chỉ có núi non hùng vĩ, sông dài cuồn cuộn, biển cả mênh mông mà trong cõi trần thế nhân tạo đó còn có đủ những con người với bao nhiêu cảnh sinh hoạt nỗi buồn vui, cơn nhọc nhằn, lúc an lạc, niềm hạnh phúc, thuở đớn đau đời thường.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu đây không hẳn là trò chơi lúc nhàn rỗi mà chính là cái chí, cái mộng lớn của ông lão muốn để lại một cái gì cho mai sau. Thuở ấy tôi cũng chưa biết câu chuyện ghi trong Kinh Thánh Cựu Ước về đấng hoá công tạo dựng cõi thế trong sáu ngày. “Thuở tạo sơn” của ông cụ công phu hơn nhiều. Nó kéo dài trong suốt nhiều năm.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên ông lão cho tôi đi theo lấy đá về làm hòn non bộ. Ông thuê chiếc xe bò của lão Hịch ra Hòn Chồng lấy đá san hô. Lúc đó ông già đã hơn bảy mươi nhưng vẫn còn nhiều sức vóc, ông với lão Hịch lấy xà beng nạy những tảng san hô to tướng, hè nhau bê lên xe. Tôi hỏi có cần chọn lựa gì không, ông nói chẳng cần, miễn là nó đủ lớn, về sau hình dáng thì do ta tạo lấy. Ông cụ còn nói thiên nhiên chưa hẵn đã hoàn chỉnh, phải có bàn tay con người. Lúc đó tôi nghe nhưng không hiểu, mấy ngày sau tôi mới được chứng kiến thế nào là tạo dựng núi sông.
Với chiếc rìu nhỏ ngày qua ngày ông lão đẻo tảng đá vôi. Ông lão cắt gọt nó theo cái mẫu nào đó mà ông đã có ở trong đầu. Vừa làm việc ông lão vừa kể chuyện đời xưa. Ông nhịn cả hút thuốc uống nước. Ông già nâng rìu lên bổ xuống, một mảnh san hô trắng xoá văng ra. Ông già dừng tay ngắm nghía, suy nghĩ lung lắm rồi mới chém tiếp rìu khác. Tôi thấy ông cụ làm việc một cách chậm chạp từ tốn, trong khi đó với tuổi nhỏ tôi lại nôn nóng mong cho chóng xong để thấy núi sông con người tạo dựng như thế nào. Để tìm tới cái đẹp, ông già chẳng bao giờ chạy đua với thời gian. Lúc đó tôi chẳng biết đây là một sự hy sinh, sau này nghỉ lại tôi mới thấy ngậm ngùi. Thời gian của người già eo hẹp lắm, ông cụ biết rất rõ điều đó nhưng vẫn chẳng vội vàng. Lần lần theo ngày tháng, những tảng san hô hiện ra thế núi dáng sông, hang động và những con đường ngoằn ngoèo luồn lách qua vực thẳm đồi cao. Tôi hỏi ông thứ đá vôi mềm quá, trắng quá làm sao cho giống được màu sắc đất đá trong thiên nhiên và làm sao cho vững bền theo năm tháng? Ông cụ nói ở dưới đáy biển mới đem lên, chúng còn mềm, thời gian và khí trời sẽ làm cho chúng ngả màu và hoá đá, lúc đó rìu thép chém vào toé lửa. Tuy nhiên ông cụ còn có cách làm cho mọi vật trông cũ kỹ giống như đã dãi dầu mưa gió hàng nghìn năm.
Ông sai lũ trẻ con trong xóm đi hái lá me đất, chanh rừng về nấu trong chiếc nồi đồng, loại nồi mười chứa được tới hai đôi thùng nước đầy. Ông ngâm đá san hô vào thứ nước đó. Chúng tôi đứng nhìn xem chất nước chua ăn mòn đá vôi sủi bọt trắng bốc mùi vôi nồng nồng. Sau nhiều ngày thứ nước chua hoá màu đen và những tảng đá vôi bị ăn mòn, nhiều hang hốc lồi lõm hiện ra, một sự nham nhở đầy nghệ thuật. Bây giờ chẳng cần đến sự tưởng tượng trông màu sắc và hình dáng những tảng đá giống như núi non bị gió mưa bào mòn. Ông cụ nói với chúng tôi trong đá san hô có chứa nhiều nước muối phải làm cho sạch thì sau này rong rêu mới bám vào và mọc lên được.
Ông cụ dùng xi măng gắn chúng lại với nhau, tôi cho rằng đây là giai đoạn khó khăn nhất, một loại công việc đòi hỏi tính chất sáng tạo rất cao. Ông gắn chúng lại ngắm nghía một lúc rồi lắc đầu tháo chúng ra. Ông làm đi làm lại như thế nhiều lần mới bằng lòng. Ông cụ nói thế núi hình sông không chỉ cần đẹp mà cần phải hiểm trở để có thể tựa vào đó để chống ngoại xâm. Tới lúc đó tôi mới hiểu được phần nào tấm lòng của con người kỳ dị này. Các việc khác tôi còn giúp ông cụ riêng phần sáng tạo này tôi chỉ biết chăm chú đứng nhìn. Tôi nheo mắt tưởng tượng ra một cảnh trí thiên nhiên mênh mông hùng vĩ. Mỗi khi có luồng gió thổi qua nước trong hồ sóng sánh tạo ra những đợt sóng vỗ tung gềnh dá.
Tôi nói: “Thưa cụ, cháu thấy bức tường phía sau đình làng, chỗ ấy ẩm thấp, suốt năm không có ánh mặt trời rọi tới, rong rêu mọc từng mảng lớn trông rất đẹp. Có thứ rêu xanh óng lên màu lục sáng như lớp tuyết trên áo dài nhung của má cháu. Mình lấy dao lóc từng mảng đem về gắn lên vách đá đẹp lắm”. Ông già nói :”Đó là làm theo kiểu bích thành của mấy nhà quí phái đất thần kinh, trông cũng đẹp, nhưng nhìn kỹ vẫn thiếu tự nhiên. Làm cách ấy là vội, không đẹp bằng để rong rêu mọc một cách tự nhiên. Phải có thời gian, cứ để cho ngày tháng lần hồi trang điểm cho chúng đẹp lên”. Ông cụ còn nói thêm rằng thứ đá san hô này tự nó hút nước lên, ngày sau tha hồ rong rêu mọc, chỉ cần đặt chúng vào chỗ không có ánh nắng chiếu thẳng vào nhưng cũng đừng tối tăm quá là được.
Quả nhiên năm sau trong những hang hốc một thứ rong xanh biếc dâng đầy, còn những chỗ đá sườn núi nhô lên vẫn là thứ đá chơ vơ dãi dầu năm tháng. Cũng thời gian đó, những cây đa , cây bồ đề, cây si rễ bám chằng chịt men theo kẽ đá trông hoang sơ, cổ kính.
Tôi khâm phục tính nhẫn nại hiếm có của ông già, mặc dù thời gian đối với ông cháy nhanh như tim pháo. Mùa đông năm đó ông lão yếu hẳn. Ông cụ ho rất nhiều. Ngày nào nắng thật tốt ông mới ra làm việc. Ông thường bị những cơn hen làm cho thở gấp và toát mồ hôi. Ông không còn sức ngồi lâu như trước, ông nghỉ tay sớm, vào nhà bắt ghế nhìn ra chỉ dẫn cho tôi làm. Lúc này tôi là một trợ thủ đắc lực của ông. Tôi gắn mảnh đá nhỏ làm chiếc bàn thạch cheo leo trên sườn núi cho mấy vị lão tiên ngồi đánh cờ, uống rượu. Tôi gắn lão tiều phu đốn cũi trên ngàn. Tôi gắn lão ngư dân buông cần ven sông. Tôi gắn người cày ruộng, kẻ quảy gánh rời phiên chợ chiều, mái tranh, đình làng thấp thoáng trong bờ tre. Ông cụ khen tôi có hoa tay. Ông còn nói tôi có cái “Tâm” hơn hẳn đám con cháu nhà ông. Nói xong ông tỏ ra buồn bã vô cùng…
Công cuộc tạo sơn chẳng bao giờ chấm dứt, hết đợt này tới đợt khác ông cụ còn nghĩ ra nhiều cảnh trí khác nhau. Trong chốn trần ai chật hẹp đó ông cố gắng tạo một cõi địa đàng có thực trên đời.
Đến khi công trình hoàn thành cũng là lúc ông cụ từ giã cõi trần. Mọi người xúm vào lo đám tang cho ông, riêng tôi nghĩ đến hòn giả sơn. Tôi vẫn cặm cụi làm nốt những công việc sau cùng. Nhìn con cháu ông chít khăn tang mặc áo sô sổ gấu tôi cũng muốn cái tiểu thế gian này để tang cho người sinh thành ra nó, tôi cắt một băng vải quấn quanh tảng đá cao nhất vượt lên trên tất cả giống như đỉnh núi thần tiên. Buổi chiều khi nhiều người chuyển quan tài ông cụ ngang qua chiếc sân gạch, trời im phăng phắc thế mà dải băng tang trên đỉnh núi bỗng nhiên lay động phất phơ giống như đưa tiễn người quá cố. Hàng cây cổ thụ cúi đầu ngậm ngùi thương tiếc. Cõi đất trời nhân tạo cỏn con chạnh lòng. Từ đây số phận của nó sẽ ra sao ?
Ông cụ mất đi rồi mấy người con ly tán mỗi người một nơi. Thỉnh thoảng họ có trở về. Cuộc tha hương cầu thực của những kẻ thiếu đức thiếu tài này hình như không mấy tốt đẹp. Họ trở về quê không phải áo gấm vinh qui mà trở về trong cái lốt nghèo nàn, không một chút đổi thay. Họ trở về với ý đồ bán nhà bán vườn, nhưng chẳng thoả thuận được với nhau cho nên những cuộc đoàn tụ kiểu đó không tránh được cãi vã xung đột.
Ông con cả, người dựa vào tục lệ trông coi từ đường. Ông này đọc sách báo và là người hay bắt chước. Lúc đầu ông theo kiểu cha ông làm nông, sau nghe người ta nói muốn phất lên phải bỏ nông theo công nghiệp. Ông làm vài nghề thủ công, song cũng chẳng thấy khá. Nhà ông đông con nên kinh tế ngày càng sa sút. Ông nhìn quanh thấy nhà hàng xóm lúc trước nghèo, bây giờ giàu lên cả, ông đâm hoảng tự trách mình không biết đổi mới cách suy nghĩ, cứ theo ba cái quyển sách cũ mà làm nên hư chuyện Từ đó ông bỏ cách làm ăn cũ, bắt chước người khác làm kinh tế thị trường.
Trong những năm đó, hòn non bộ không được ai coi sóc. Lâu lâu tôi có qua lấy gàu múc nước giếng đô đầy hồ, Cũng may hồ nước nằm trong bóng râm mấy cây cau nên nước trong hồ chậm hao hụt. Thời gian nhuộm tất cả một màu cũ kỹ rêu phong hoang tàn rất đẹp. Nứớc mát bốc hơi dìu dịu làn cho cây trên núi lúc nào cũng xanh tươi, rong rêu tha hồ mọc tràn trong mấy hang đá bò lan lên sườn núi. Phải chi lúc này ông cụ còn sống, thấy đựoc cái tác phẩm của mình tới thời kỳ nhan sắc toàn vẹn như một bông hoa mãn khai đẹp như thế này thì ông cụ hả hê biết chừng nào. Mấy chú cá rô lúc ông cụ thả vào hồ chỉ bằng hạt lúa nay đã lớn lên bằng bàn tay trẻ con , tung tăng đớp bóng đớp mồi. Trong hồ rong đuôi chồn, bèo tấm, bèo Nhật Bản đẻ con nở nhánh phủ tràn mặt nước. Nước hồ chuyển một màu xanh thăm thẳm như chất ngọc. Sen súng trồi lên mặt nước nâng những bông hoa màu hồng tươi ngan ngát, màu tím nao nao làm cho cả khu hồ trở thành giang sơn gấm vóc. Trên bờ mấy doi đất mà ngày xưa ông cụ cốt tạo ra những bình nguyên xanh tốt một thứ cỏ tóc tiên trông xa xa giống như một cánh đồng lúa chiêm mơn mởn ngày xuân. Những xóm làng mái ngói mái tranh ẩn hiện thấp thoáng trong sương mai giống như là những thôn bản trong mây. Vùng trung du nhấp nhô đồi nương và lên cao hơn nữa là dãy núi phía tây hùng vĩ với vách đá thẳng tấp, cheo leo mấy cội tùng. Tôi khâm phục ông cụ đã biết dùng thứ đá san hô với muôn vàn ống nhỏ li ti hút nước lên làm cho cả khu giả sơn lúc nào cũng mát và ẩm, cây cối rờn xanh, đá núi bóng lên giống như có dòng suối chảy tràn qua.
Người con trưởng của ông cụ nghe thiên hạ đồn lươn , ba ba, ếch xuất khẩu với giá cao , ông bỗng nhớ tới cái hồ nứơc có cái hòn giả sơn vô tích sự trong thời buổi kinh tế thị trường này, chỗ đó dùng cho việc nuôi lươn thì tuyệt. Ông gánh bùn đổ vào hồ, ngâm thân cây chuối cho nó thối rửa làm thức ắn cho lươn. Trong thứ nước đục ngầu hôi thối đó mấy con cá trồi lên mắt nước dể thở, cuối cùng cũng chết nổi xác lềnh bềnh. Cũng may hòn giả sơn chưa bị đụng chạm tới. Không phải người con tôn trọng công trình của cha ông, ông cũng dùng búa đập thử nhưng san hô đã hoá đá cứng quá không bị suy suyển gì. Nên ông con bỏ cuộc. Nhờ thế mà hòn non bộ vẫn còn nguyên.
Thời gian này thành phố giống như một con a míp ký sinh trùng đường ruột khổng lồ vươn những cái chân vô định hình về nuốt trọng ,miền quê yên tĩnh ven đô. Thoạt tiên cuộc xâm lăng bắt đầu từ những con đường rồi dần dần lan rộng ra. Đất đai hai bên đường hoá vàng cho nên bao nhiêu thửa ruộng loại nhất đẳng điền, đình làng, chùa miếu dần dần biến mất. Thay vào đó là khu rừng toàn bằng xi măng cốt thép, nhà cửa mọc lên như nấm. Về sau những cánh đồng xa cũng bị xoá nốt. Người ta lao vào cuộc chạy đua điên cuồng để mua bán đất.Thành phố không chỉ xâm lăng đất cát, nó nuốt cả con người. Bao nhiêu trai, gái, già trẻ, những người nông dân chân lắm tay bùn bị cuốn hút về thành phố. Họ chẳng có nghề nghiệp gì ngoài sức lao động. Họ tự nguyện chui vào cái guồng máy bóc lột tàn nhẫn này chỉ với đồng lương rẻ mạt. Đau đớn hơn cả là những cô gái quê. Họ giống như loài thiêu thân cháy trong ánh đèn đô thị . Thành phố nuốt đất nuốt người, nó còn truyền cho vùng nông thôn thanh bình tinh khiết bao nhiêu là thứ bệnh tật. Bây giờ tới đâu cũng nhe một thứ nhạc ồn ào, tiếng cười nói, chửi lộn, nhậu nhẹt , cử chỉ nhố nhăng, nói năng thô tục, nạn trộm cướp hút sách hoành hành.
Không biết rủi hay may mà ngôi nhà và vườn cây ông cụ tăng giá vùng vụt. Khu vườn nằm ven đường địa thế rất tốt nên ban đầu người ta còn tính theo mặt tiền để ấn định giá. Những năm sau thì tính theo mét vuông. Cứ mỗi mét vuông là một cây vàng. Với giá đó thì tất cả những người con , con trai, con gái, con dâu, con rể, kể cả những người trước đây mạnh miệng nhất chống lại việc bán đất cũng ngã lòng. Họ bán đất, bán luôn cả ngôi từ đường, chia nhau kéo về thành phố làm ăn. Về sau không thấy ai trở lại thăm chốn cũ nữa.
Người chủ mới đem xe ủi đất về ủi sập ngôi từ đường. Lúc đó tôi mười lăm tuổi. Tôi đứng bên hàng rào nhà mình trông sang. Chiếc xe ủi đất san bằng tất cả. Mới đó mà chẳng còn dấu vết cái nơi đã từng diễn ra bao nhiêu sự kiện to lớn của một đại gia đình kéo dài trong suốt thời gian mấy trăm năm. Bỗng nhiên chiếc xe ủi đất lùi lại rồi đổi hướng tiến ra sân gạch. Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn cảnh tượng đau thương sắp diễn ra. Chiễc xe thở phì phò như con quái vật cấm mấy cái móng vuốt bằng những lưỡi thép cày nát cái sân lót gạch Bát Tràng. Nó hả chiếc hàm thép tiến tới toan ngoạm hòn giả sơn. Tôi kêu thét lên. May qúa, vừa đúng lúc đó người chủ mảnh đất bảo dừng lại. Hình như trong cái đầu tóc chải nhẵn bóng của ông đã xuất hiện một cái gì. Có thể ông thấy tiếc một công trình hoàn hảo như thế. Cũng có thể ông thấy hòn giả sơn và chiếc hồ giúp cho việc trang trí cảnh sắc choi công trình kinh doanh của ông ta. Mở mắt thấy hòn giả sơn còn nguyên, tôi kêu thầm :” Ông cụ ơi! May mắn quá, giang sơn gấm vóc của chúng ta vẫn còn nguyên như ngày nào”. Sau này tôi mới biết mình đã tưởng lầm. Thà rằng lúc ấy nọ bị ủi sập còn hơn…
Người chủ mới xây một khách sạn nhiều tầng. Đây là một khách sạn quốc tế. Buổi lễ khánh thành tôi thấy mặt tiền cắm đầy cờ của nhiều nước. Người ra vào tấp nập, nhiều hơn cả vẫn là người ngoại quốc. Họ vui vẻ, hồn nhiên, thường vui đùa với trẻ con. Họ ăn mặc xuềnh xoàng, suốt ngày lang thang ngoài đường. Màu da họ lạ lắm. Lão Tư Bắp Sú có nghề liệm người chết nói :”Ngó giống con cua lột!” Còn mụ Bầu, một mụ đàn bà ốm nhom và miệng nhọn như con cá hố thì nói :”Coi bộ giống người bạch tạng”. Mấy người ngoại quốc ngạc nhiên khi thấy tờ giấy bạc của họ đổi được một xấp tiền dày cộm hàng vạn đồng. Người nước ngoài ngây thơ lắm, họ nhìn thấy hòn non bộ là mấy cục đá khô rốc, chồng chất lên nhau nằm trong cái hố trơ cả đáy, thì tưởng chỗ ấy là nơi chứa rác! Họ là người chuộng vệ sinh, không vất rác bậy bao giờ. Nay thấy cái nơi chưá rác làm một cách mỹ thuật công phu, họ thích lắm.
Họ ném vào đó lon bia, thùng chứa đồ hộp, giấy gói kẹo cao su, thùng xốp đựng đồ điện tử, bao thuốc lá, áo quần cũ, giấy tờ sách vở và đủ thứ thừa thãi, đồ bỏ đi của những nước giàu khác. Mấy người nghèo nghèo sáng sáng bới tung đống rác lên. Họ chửi lộn, đánh nhau để giành giật rác. Song bao năm qua trông họ vẫn nghèo nàn.
Bây giờ chỗ đó thành một đống rác khổng lồ .