main billboard

 

Bác Năm kéo chiếc bàn nhỏ tới khoảng cỏ xanh đang mọc lún phún sát gốc cây sồi già, để 2 chiếc ghế 2 bên, lấy điện thoại.

– Hello cha nội! Chạy qua ăn cá nục hấp cuốn bánh tráng rau muống.

– Ủa mùa này mà còn cá nục?

Khánh, người bạn già, cùng trang lứa, cựu trung úy pháo binh, dân Phú Nhuận, qua đây cũng 30 năm, về hưu 4 năm, hỏi.

– Cá tươi, thằng Mễ bán… Qua lẹ! Ừ! Bia thôi! 1 thùng 12 đủ rồi, tui còn nửa chai Scotch, dư say.

Bác Năm mua căn nhà có cây sồi mọc bên hông này đã 35 năm. Lúc từ trại tỵ nạn qua Vermont định cư, làm việc và dời về Boston.

Cũng như bác Năm cây sồi lúc đó còn trẻ, chỉ cao ngang mái nhà, bây giờ bác Năm đã già, về hưu, nên gốc sồi cũng to sần sùi tới 3 người ôm, tàn lá rộng tuốt trên cao phủ hết khu nhà, chỗ đậu xe và miếng đất nhỏ dọc bên hông nhà. Dưới bóng mát, gốc sồi là nơi nghỉ ngơi của bác Năm, suốt những ngày Hè, từ hồi còn làm việc cho đến bây giờ. Bác đặt cái bàn sắt, 2 chiếc ghế làm nơi uống trà, lai rai bia bọt với vợ, bạn bè, với Khánh, người bạn còn lại sau này.

Ông Khánh mang thùng bia lạnh đặt sát bàn, bác Năm vô nhà mang ra 2 dĩa 10 con cá nục, một rổ rau muống ngắt lá, rau thơm, dấp cá, xấp bánh tráng mỏng, chén nước mắm Phú Quốc đầy ớt đỏ xắt lát, pha nước cá hấp.

– Cá tươi rói hà, tụi nó câu dưới Florida.

Bác Năm lấy bánh tráng, nhúng nước, cuốn tròn nửa con cá với rau, cắn một miếng, mấy cọng rau muống kêu cái rạo.

– Cuốn với rau muống cọng, chấm mắm giằm ớt pha nước cá, đúng kiểu Quảng Ngãi.

– Lần nào ăn món này tao cũng nhớ con nhỏ bồ, chủ tiệm bán Don, cá nục hấp gần đầu cầu Trà Khúc bên Sơn Tịnh, Quảng Ngãi … Mẹ! Tao dân pháo binh mà pháo thua nó xa, ăn vô con cá nào, xả vô nó con cá đó.

Ông Khánh cười hà hà.

– Tao thì nhớ tiệm bà già vợ ở Nha Trang, bả làm món này mỗi cuối tuần khi tao từ trại Thùy Dương trong không quân về…

Bác Năm cụng ly, làm hết lon bia.

cay soi

Hồ Đắc Vũ

– … Nhưng kiểu khác, cá tươi mới từ biển về, nhỏ bằng 2 ngón tay, bỏ đầu, làm sạch, hấp và cuốn cả con cá với rau muống, dấp cá trồng trong chậu sành, sát bên bàn ăn ngoài hiên nhà, ngắt lên, rửa rồi cuốn, uống rượu nếp trắng, lần nào cũng say, mà say là ngu, ngu riết, lấy con gái bả luôn.

Ông Khánh khui 2 lon bia.

Chuyện hồi đi lính, chuyện sau 75, chuyện trại tỵ nạn, lúc mới tới xứ Mỹ, kể lể trăm lần vẫn xào tới lui mỗi khi bia bọt.

Bia ngà ngà, ông Khánh thầm thì.

– Chắc tui về Sài Gòn.

– Làm gì?

– Chơi vài tuần… Cha đi hông?

– Ờ để coi.

– Tuần tới tôi mua vé, đang hạ giá, thứ Hai cho tui biết.

– Ừa.

Cuối tháng 7 bác Năm theo ông Khánh về thăm Sài Gòn sau 35 năm ra đi.

– Anh chạy lên nhà hàng Brodard giùm.

Bác Năm nói với người tài xế tắc xi.

– Dạ! Ở đâu bác?

– Hồi xưa ở đường Tự Do, đường chạy ra sông Bạch Đằng.

– Dạ con không biết hồi xưa… Để con hỏi.

Anh điện thoại.

– Rồi! Cám ơn chị.

Tài xế quay lại

– Bây giờ là đường Đồng Khởi bác!

Bác Năm ghé Brodard, cũng may, họ còn giữ cái tên, chỉ thay tên đường.

– Cho tôi trà lipton chanh đường.

Nhưng tiệm hoàn toàn thay đổi, không còn chút hơi hám nào của Brodard, nơi bác uống trà lipton chanh đường, ăn sáng với mấy người bạn thời trung học bằng tiền bà già cho mỗi tháng.

Loanh quanh khu Tự Do, trưa bác Năm về Tân Định, ghé tiệm Huế ngày xưa ở đường Đinh Tiên Hoàng, nhưng bây giờ là tiệm xông hơi đấm bóp.

Bác Năm kéo chiếc ghế, ngồi xuống

– Cho tô hủ tiếu Mỹ Tho.

May! Tiệm hủ tiếu Thanh Xuân vẫn còn…

Tối ngà ngà mấy chai bia với con gà hấp muối ở tiệm Tàu, chợ Cũ, bác Năm đi bộ về khách sạn ở đường Lê Thánh Tôn

Ủa? Sao lạ, bụng dạ lại nôn nao nhớ Boston, nhớ căn nhà nhỏ, nhớ cây sồi già còn hơn nhớ Sài Gòn, Phú Nhuận ngày xưa.

Căn nhà 3 phòng ngủ xây theo kiểu xưa, 3 phòng ngủ nhỏ xíu.

Nhớ hồi dọn vô.

– Anh! Nhà này nhập cảng tới Boston hả?

– Là sao?

– Em đoán là nhập từ Nhật.

– !!?

– Tại phòng ngủ nhỏ tí tẹo…

Bả bước tới cửa.

– Nè! Em đứng gần đụng cửa…

– Thì tại em cao.

À! Vợ tôi cao thiệt, cao hơn tôi hết cái đầu.

– Ít tiền thì mua nhà nhỏ, thấp, em cao ráng chịu.

Vậy là bả giận luôn tới 3 tháng, với lý do.

– Anh xúc phạm chiều dài quý phái của em.

Nhưng được là, khu dân cư yên tĩnh, và tôi thích nhất là nhiều cửa sổ, phòng nào cũng 2 cửa sổ, phòng khách có cửa kính cao, chạy hết chiều ngang bức tường, nhìn ra vạt cỏ xanh trước nhà, bên kia là khu rừng cây trên dốc núi đá, sát hông nhà là cây sồi đầy tiếng chim hót và bóng mát.

Bác Năm bước ra cửa sổ, nhìn xuống đường Lê Thánh Tôn vắng tanh.

Ừ! Nhắc tới cây sồi bác Năm càng thấy nhớ nhà.

Dưới gốc sồi

Cuối Xuân, tuyết tan vừa lòi cỏ xanh, trời ấm trở lại là bác bày cái bàn sắt sơn trắng, 2 cái ghế ngay bên gốc cây, treo thùng ướp lên móc đã gắn sẵn để chứa nước đá ướp bia lạnh.

– Hê! Qua nhậu đầu mùa đi cha! Có mực ống tươi, mới mua trên chợ Việt Nam.

Ông Khánh chở thùng bia lớn tới, chị Năm đem ra dĩa lớn mực ống nhỏ bằng ngón tay mà chị đã lựa ở chợ.

– Mực nhỏ nhúng bia ăn với rau đủ loại, chấm mắm nêm mới ngon, 1 cuốn là 1 con, cụng ly là làm luôn 1 cuốn.

Chị lấy bánh tráng nhúng nước nóng, cuốn con mực với rau.

– Dzô cái anh Năm, anh Khánh.

Hết 1 tuần lang thang, bác Năm buồn, nhớ nhà, nên trả thêm tiền, lấy vé bay về Boston.

– Sao vậy cha?

– Tao hết hứng thú ở lại đây… Bạn thì không còn ai, ngủm gần hết, còn vài thằng lại lưu lạc thập phương tứ hướng, ba má qua đời lâu rồi, gia đình ở cha nó bên Pháp, bên Mỹ, Canada… cái Sài Gòn trong lòng tao như bị thiến…Chán ngắt! Quá xa lạ, tao về!

Bác Năm về Boston, Ông Khánh ở lại, cặp với em bồ nhí, sống luôn ở Sài Gòn.

Máy bay vòng Boston, chuẩn bị đáp xuống phi trường Logan.

Ngồi trên máy bay, bác Năm thấy rộn ràng trong lòng như ngày trở về Sài Gòn cách đây 1 tuần.

Thành, thằng con trai rước tại phi trường.

Đã 2 giờ sáng, bác Năm kéo va li vô căn phòng nhỏ, ôm chiếc gối, hít một hơi dài, nhìn quanh căn phòng thân mến. Chuyến bay quá lâu làm bác mệt, nên lăn ra giường ngủ khò.

Bác Năm mở mắt, nhìn đồng hồ trên tường, đã 10 giờ, buổi sáng yên lặng một cách lạ lùng.

– Ủa? Sao những tiếng chim hót quen thuộc đâu mất hết

– Mùa Hè, mấy bầy két thường chí chóe trên cây sồi từ sáng tới trưa mà!

– Sao lặng thinh vậy cà?

Bác Năm ngồi dậy, mở 2 cái cửa sổ, nắng sáng lùa vô.

– Nắng?

Bác Năm tới sát cửa sổ, nhìn ra ngoài.

– !!!.

Thành đang ăn sáng, bác Năm bước tới, run giọng.

– Con đốn cây sồi rồi?

Thành cúi mặt, nuốt miếng trứng.

– Dạ!

– Lúc nào?

– Dạ! Lúc Ba về Sài Gòn.

– Con có biết cây sồi là nơi chứa bao kỷ niệm cuộc đời của Ba với Mẹ con và bạn bè ở Mỹ? Là nơi Ba hưởng những ngày già còn sót lại của Ba không con?

– …

– Con có biết đó là nơi Ba thường ngồi một mình, nhớ người Mẹ đã qua đời của con không?

Thành ấp úng.

– Dạ biết Ba.

– Vậy sao con đốn?

Thành đứng dậy, bước tới kéo ghế.

– Dạ Ba ngồi.

Bác Năm ngồi xuống, bàn tay run run chùi giọt nước mắt chực rơi, ông nhìn ra cửa sổ, nơi cây sồi già đứng đó đã bao nhiêu năm.

– Trước khi Ba về Sài Gòn, con nhận thư báo của thành phố Melrose…

Thành bước tới kệ sách, lấy cái thư, đưa cho Ba.

-… Họ cho biết cây sồi đã chết từ dưới rễ, lên tới thân cây 1 năm rồi…

Bác Năm vẫn thất thần nhìn ra cửa sổ, cây sồi già sần sùi như mập mờ trong khoảng hông nhà đầy nắng, bác đứng dậy.

-…Và có thể trốc gốc bất cứ lúc nào khi trời mưa, hoặc gió lớn…

Bác Năm bước tới cửa sổ, nhìn ra cây sồi chỉ còn sát gốc, mặt gỗ vàng, lớn như mặt bàn ăn.

– … Cây sẽ đổ xuống sập nhà và gây tai nạn cho gia đình. Thành phố yêu cầu đốn bỏ cây. Mọi chi phí được đài thọ, ban cây xanh thực hiện việc cưa cây trong ngày… Ba thấy đó! Đây là yêu cầu của thành phố, con không thể không làm…

Bác Năm bước ra hông nhà, đứng lặng yên bên gốc sồi đã bị cưa.

Sáng thứ Bảy, bác Năm kéo chiếc bàn sắt, để ngay khoảng cỏ xanh sát gốc sồi, pha ly cà phê phin kiểu Sài Gòn, những giọt cà phê đen đậm đang chảy xuống ly thì điện thoại kêu.

Bà vợ đã ly dị của ông Khánh the thé.

– Cha Khánh chết rồi anh! Chết hôm qua… Sụm bà chè, Đột quỵ! Mẹ! Chả đâu chịu nổi con quỷ cái đó, nó có 25 tuổi hà! Sức voi cũng tiêu, nghe đâu thiêu bên đó luôn, gởi tro vô chùa.

Bác Năm run tay tắt máy.

– Trời đất!

Khánh, thằng bạn còn lại của Bác đã qua đời.

Trời bỗng xối cơn mưa rào.

Bác Năm ngồi yên trong mưa, nhìn phin cà phê, thở dài.

Hôm sau, nửa khuya, bác đổ bệnh chóng mặt, khó thở, Thành phải kêu 911 đi cấp cứu.

Hai ngày sau, Thành rước Ba về, bác sĩ cho biết, ông bị lên máu, nhịp tim không ổn định, cho về nhà uống thuốc, dưỡng bệnh, tránh rượu chè và những xúc động mạnh.

– Ba nghỉ ngơi, vài bữa là hết bệnh.

– Ờ hổng sao đâu con.

Chiều đó, bác Năm quay đầu giường sát tường bên kia, nằm dựa gối, đối diện 2 khung cửa sổ, nhìn ra nơi tàn cây sồi, che bóng ngày nào với những con chim cu rừng màu nâu lao xao.

“- Ủa Khánh hả? Về hồi nào.

– Tao về hôm qua! Buồn quá, tính qua mầy làm mấy chai cho vui.

– Mầy ở bển vui thú gái ghiếc mà buồn gì?

– Nên đổ bệnh tùm lum.

– Mai thứ Bảy, 6 giờ chiều ghé đây.

Sáng thứ Bảy, bác Năm lái xe lên Burlington, tới trại gà người Việt, mua 2 con vịt tơ lớn, họ làm lông, lấy tiết sẵn, ghé chợ mua rau, đồ phụ tùng cho món tiết canh vịt.

Đúng! Món tiết canh, cháo vịt biến mất từ ngày bà vợ ra đi, bả về chầu trời, mang theo món tiết canh vịt để đời lên trển, chừa lại nồi cháo lạnh tanh cho bác, 15 năm rồi, hơi tiết canh đã bay theo nhang khói.

– Bữa nay tui làm tiết canh cháo vịt, đãi thằng bạn chí cốt theo gái ở Sài Gòn, đổ bệnh trở về.

Bác Năm bày hết mọi thứ làm tiết canh vịt trên chiếc bàn ngay gốc cây sồi già.

Bác vắt miếng chanh vô tô, đổ 4 muỗng nước ấm, 2 muỗng nước mắm Phú Quốc, để trên mặt bàn sắt. Bác nhớ lại cách làm tiết canh của bà vợ. Lấy nửa lá gan vịt đã luộc sẵn, cái mề, ruột, tim, khúc cổ vịt, bỏ hết lên chiếc thớt, cắt nhỏ.

– Hổng phải dzậy anh Năm ơi!

Chị Năm bước từ nhà ra.

– Anh phải bằm nhỏ! Không cắt.

– Thì anh bằm.

Chị Năm chỉ rổ rau.

– Anh bằm thêm rau húng, rau mùi, ngò… Đúng rồi! Trộn chung vô một tô, chút nữa bỏ vô dĩa tiết canh.

Bác Năm rót một “sót” Tequila.

– Uống cái khai hỏa em!

– Uống rượu mạnh làm gì…

Chị Năm cằn nhằn.

– Hư gan, nát thận… Mau xuống dưới lắm.

– Cả mười mấy năm nay mới uống một hớp mà em.

Bác Năm cười.

Chị Năm tới ngồi ở bàn, bên gốc sồi với tàn cây to, che mát cả căn nhà, coi chồng biểu diễn đánh tiết canh vịt.

Bác Năm mở nắp tô nước sôi để nguội, bỏ muỗng bột ngọt, bày ra 2 chiếc dĩa hột xoài lớn, vô nhà lấy 2 chai nước suối đựng tiết vịt tươi ở nông trại đã hãm sẵn. Bác Năm đổ 2 lon tiết vô 2 tô lớn, thêm một chén nước sôi để nguội, dùng muỗng khuấy nhẹ, đều tay chừng 2 phút rồi rưới vô từng đĩa hột xoài.

Chị Năm đứng dậy, rải những gan tim cổ đã bằm lên trên, chừng 5 phút, chị sắp lá gan vịt luộc xắt lát để trên mặt lớp tiết đã đông.

Bác Năm quay lại vợ.

– Nè! Bí quyết của em đây.

Bác lấy đĩa ngò om cắt nhỏ với rau quế, rải đều trên dĩa tiết canh vịt mới đông một màu đỏ tươi.

– Còn lớp đậu phụng rang nữa anh Năm.

– Có!

Bác Năm vô nhà mang ra bao đậu phụng rang sẵn, lấy chai Tequila lăn trên bao cho bể ra, rắc đều một lớp thưa trên mặt 2 đĩa, đặt ngay ngắn trên mặt bàn.

– Em thấy chưa? Anh đã học được ngón nghề của em.

Chị Năm thỏ thẻ.

– Em biết anh Năm của em giỏi mà!… Nhậu với bạn cho vui, em đi.

Chị Năm đi nhanh vô khoảng rừng bên kia đường.

Cũng đúng lúc ông Khánh ôm 2 thùng bia Saporo tới, lấy 2 lon.

– Làm lon đi… Chà món hiếm đây!

Bác Năm.

– Cha ở Sài Gòn thì có ăn, 15 năm rồi, bữa nay tui mới làm, thêm cháo vịt về khuya nghen.

Gần hết 2 thùng Saporo, đĩa tiết canh vịt chỉ còn sót miếng nhỏ.

Bác Năm vô nhà đem ra 2 tô cháo bốc khói, đĩa thịt vịt thơm lựng.

– Giờ này ăn cháo khuya là đúng điệu.

– Mẹ! Cuộc tình so le của tui ở Sài Gòn cũng không ra gì.

– Sao.

– Con nhỏ trẻ quá, không làm ra tiền, chỉ ăn nhậu rồi “Ấy”

– Vậy vui!

– Tui phải xài Viagra, Xài nhiều… nên đứt bóng!

– Thôi! Bề gì cũng xong rồi, làm hết chai Tequila với mấy lon bia cho vui.

Hai người bạn già ngồi bên gốc sồi, cụng ly, gật gù nhắc chuyện xưa nay.

Đã 9 giờ tối.

Ông Khánh đứng dậy.

– Thôi! Tới lúc phải đi.

Bác Năm ngạc nhiên hỏi.

– Đi đâu cha?

Ông Khánh không trả lời, và cũng như chị Năm, ông đi thật nhanh vô khoảng rừng tối thui bên kia đường.

Bác Năm chưng hửng nhìn theo.

Còn lại một mình bên chiếc dĩa hột xoài sót miếng tiết canh vịt, chai Tequila thừa ngụm rượu dưới đáy chai, trên chiếc bàn nhỏ sát gốc sồi sần sùi.

Bác Năm thấy hụt hẫng trong lòng. Bác ngồi xuống ghế, rót hết chai Tequila, kéo chiếc dĩa hột xoài, đưa mấy ngón tay nhăn nheo, bốc miếng tiết canh cuối cùng, bỏ vô miệng, cạn ly Tequila, thở một tiếng dài …”

Sáng hôm sau, Thành chạy bộ về, không thấy bác Năm ra gốc cây sồi uống trà như mọi khi, anh gõ cửa phòng ông già.

– Ba! Dậy chưa Ba?

Thành hé cửa.

Trên giường, bác Năm mặc bộ đồ bà ba lụa mới mua ở Sài Gòn về, nằm dựa đầu vô tường, nhìn ra cửa sổ mở rộng, nơi tàn cây sồi ngày trước.

Khuôn mặt bác xanh xao, đôi mắt nhắm, miệng cười nhẹ.

Thành bước tới gần hơn, nắm tay bác Năm.

Anh quỵ xuống sàn nhà, hai tay ôm mặt.

Bác Năm đã ra đi!

HĐV