Chị về quê chồng đúng mùa hoa cà phê đang rộ. Gần 30 năm làm dâu, số lần chị về vào thời điểm cà phê đâm bông thật sự đếm chưa hết một bàn tay. Lần đầu tiên là dịp vợ chồng chị mới cưới nhau. Cà phê tuổi thanh niên, sức vóc, hoa trắng lớp, sáng vườn, cũng là lần đầu tiên chị biết hoa cà phê có mùi thơm ngọt như vậy. Khi ấy, chị thanh xuân, tất cả đều ở phía trước, đoàn tàu vừa nổ máy chuẩn bị cuộc hành trình. Hoa và hương cà phê chỉ là dữ liệu nhạt mờ, chẳng để lại dấu ấn gì sâu đậm; nói thờ ơ, vô cảm thì quá, nhưng bảo ấn tượng khó quên thì chưa hẳn. Chân trời bao la phía trước luôn khiến những người trẻ không muốn bị trói buộc cả trong suy nghĩ ở một nơi nào đó thật lâu. Và, quê chồng cũng chỉ là một trong những nơi chị đã đi qua, ghé lại, có chút vấn vương bởi sợi dây tình cảm, gọi là bền chặt thì chưa đủ nhưng nó sẽ là một phần đời sau này của chị khi lũ trẻ lần lượt chào đời.
Hoa cà phê mờ nhạt nhưng mưa cao nguyên thì nhớ mãi. Không phải nhớ những cơn mưa ầm ào trút nước, sấm chớp loằng ngoằng lấp lóa trên nền trời màu xám buồn, khiến người ta chỉ biết có hiện tại, không dám nghĩ đến tương lai hay nhớ về quá khứ, mà là con đường đất đỏ lầy lội làm bước chân nặng hơn bởi bùn quện vào giày, dép, cảm giác như nhấc không nổi mà phải lê.
Quê chồng chỉ là một nơi nôn nao đến để rồi bồn chồn đi, không hẳn bởi sự thiếu tiện nghi thành phố mà vì nó đơn điệu và yên tĩnh quá! Ngoài mưa cao nguyên, chút đọng lại còn là sương mù, mùi lá mục, mùi đất sớm, mùi sương mai, mùi nắng, dã quỳ nở vàng từ trên đồi tràn xuống thung lũng… Rời đi thì nhớ quay quắt dáng một người thoắt ẩn thoắt hiện ngoài vườn, trong nhà, nhớ gian bếp ấm sực mùi khói, tiếng nước reo… Tuy nhiên, tất cả những thứ ấy chỉ được kích hoạt khi có một, hai chi tiết nào đó chợt xuất hiện trong cuộc sống bộn bề. Rồi phai nhanh.
Một, hai lần khác chị ghé qua trên đường công tác vào mùa hoa cà phê. Đôi lúc nghĩ lại chị thầm trách mình nhưng chị cũng không rõ trách vì lý do gì. Một đời gắn bó dâu con mà ký ức hoa cà phê mờ nhạt quá hay mùi cao nguyên không đủ thôi thúc bước chân quay về? Chưa khi nào chị đi giáp vòng khu vườn cà phê vào mùa hoa, từ trong nhà nhìn ra chỉ thấy màu trắng lớp nổi trên nền lá xanh, xen kẽ vài cây sầu riêng, mấy cây bơ, giàn su su, chái bếp nhỏ cạnh giếng, hương thơm, dịu ngọt vào tận giấc mơ. Về sáng, thỉnh thoảng có tiếng cú mèo lảnh lót, vừa thách thức, vừa đe dọa nhưng chị chưa bao giờ lo lắng hay nghĩ đến việc đánh cược rủi – may vào tiếng kêu của nó. Không hẳn bởi sự bình an của năm tháng trôi qua mà vì chị biết, bóng tối của khu vườn cà phê không làm chị sợ hãi, ngược lại, còn như một chở che, êm đềm.
Bảo Huân
Từ đầu ngõ đã ngửi thấy hương hoa cà phê ngọt ngào lẩn quất trước mũi. Cái ngõ nhỏ ngày xưa chỉ toàn hàng rào và vườn, giờ loi nhoi nhà ống cao thấp không đều. Hai năm không về mà bỗng dưng thấy lạ dù nhà vẫn thế. Hai con chó hình như khác trước, chúng cứ sủa miết, dai dẳng, và nhảy chồm lên khiến tay chị thò thụt mấy lần mà không mở được chốt cổng bên trong. Mãi mới thấy mẹ chồng từ sau vườn bước ra. Chị nghĩ đôi mắt bà không còn tinh anh nữa khi bật ra câu hỏi lạ lẫm:
“Chị hỏi ai?”.
“Con đây mà mẹ không nhận ra sao?”.
“Không nhớ…”.
Dù đã được báo trước rằng mẹ chồng đã lẫn, quên nhiều hơn nhớ nhưng chị không khỏi hẫng hụt vì câu hỏi chủ – khách xa lạ ấy. Mở cánh cổng, mẹ chồng vừa xua lũ chó vừa nhìn chị với cái nhìn hồ nghi không biết là ai. Bỗng dưng ập đến trong chị là nỗi xót xa dâng tràn, và đến lúc, như thể, mọi nỗi nghẹn ngào dấy lên, chị nghĩ mình có thể ôm chầm lấy mẹ chồng mà khóc. Nhưng không, chị chỉ lẳng lặng theo bà vào nhà trong tâm trạng hỗn độn cảm xúc. Mọi thứ không có gì đổi khác, cũ kỹ và quen thuộc. Dường như mẹ chồng đã lờ mờ nhớ ra. Bà đi rót cho chị ly nước và ngồi xuống cùng chị. Bà kể hai vợ chồng em trai đi làm chiều tối mới về. Bà hỏi chị ăn cơm để bà nấu… Chị nói, không cần đâu mẹ, con tô mì gói cũng xong. Mẹ chồng vừa la lũ chó vừa bảo, mì gói thế nào, người sống phải có cơm chứ. Cục nghẹn lại bị đẩy lên, chị thấy cổ họng mình khô khốc, đắng nghét.
Chị ra sau vườn. Mẹ chồng đi sau. Hai con chó đi theo. Củi cà phê bó gọn, xếp ngay hàng thẳng lối một dãy dài. Vườn xưa. Cây sầu riêng vẫn còn, mấy cây bơ vẫn xanh lá, giàn su su lúc lỉu trái… Người đã nhớ nhớ quên quên nhưng hoa cà phê vẫn tràn ắp hương mùa cũ. Cà phê trai tráng sức vóc ngày nào giờ đầy vết hằn theo năm tháng nhưng hoa vẫn trắng, hương vẫn ngọt. Cây sống hết đời cây, người sống hết đời người, dù quẩn quanh hay tang bồng hồ hải. Một đời những đứa con phiêu bạt hay một đời mẹ chồng chỉ biết từ nhà ra chợ, sau vườn, trước sân thì cũng là những cuộc đời dần trải qua sáng, trưa, chiều, tối, nắng – mưa, gió bão – lặng yên. Mùa hoa qua nhanh rồi đến mùa trái. Nếu cái chu kỳ hoa – trái đã trói buộc biết bao con người thì cũng biết bao con người bỏ lỡ cái chu kỳ hoa – trái đó. Người ở lại thèm thuồng nhìn người đi xa, người đi xa lại quay quắt, thôi thúc trở về để rồi vội vã nôn nóng ra đi. Cuộc sống là như thế! Ai bảo thời gian vô hình? Lúc này đây, thời gian hiện rõ trên từng thân cây, trên nét mặt, dáng đi của mẹ chồng và cả trên gương mặt chị nữa mà chị đâu thấy. Bầu trời xanh, mây trắng ngàn năm không thay đổi. Con người sinh ra, lớn lên và tàn lụi theo quy luật cũng không thay đổi. Và lòng người với đủ tham – sân – si – hỉ – nộ muôn đời vẫn không thay đổi. Những ý nghĩ như thế cứ xáo trộn trong chị cùng với bước chân ngang, dọc khắp vườn mà chị không biết mình tìm kiếm thứ gì. Kỷ niệm thì quá ít, thương yêu gắn bó cũng không nhiều, nhưng, không hiểu sao cảm xúc cứ ùa lên từng đợt làm sống mũi chị cay cay, đẩy những giọt nước mắt chực trào.
Hai con chó chạy vụt lên phía trước vờn đuổi nhau ăng ẳng. Chúng đã nhanh chóng quen hơi chị hay chúng cũng có một linh cảm người nhà? Và, chị hiểu được rằng cái dáng người nhỏ nhắn bước theo sau chị vẫn đang hoài nghi không biết chị là ai, tại sao vô nhà rồi lại tự nhiên đi ra vườn như thế. Chị quay lại và đọc được nỗi băn khoăn rất rõ trong mắt mẹ chồng. Chị quay đi khi biết chắc những giọt lệ đã không kềm được nữa. Hoa cà phê sáng lóa trong nắng chiều, trước mặt chị là một màn sương trắng phủ mờ rồi nhòe đi. Thời gian như ngừng lại, đánh dấu một lần chị trở về, đối diện với một quá khứ trong trẻo, một hiện tại cô đơn và thậm chí hồn nhiên khi mẹ chồng bỗng buột miệng nói:
“Tôi cấy giỏi lắm đấy chị. Mình tôi chấp hết mấy chị em. Ruộng nương tôi làm bằng mấy người….”
Thời gian quay ngược về những năm 40 ở một vùng nông thôn Bắc Bộ, mùa nắng, mùa rét, mùa đầy ắp tiếng cười con gái, mùa tràn hương nếp mới, mùa những con trâu, bò thong thả gặm cỏ, ruộng trắng lớp cánh cò. Mùa bình yên, mùa hiền hòa, mùa thơm mùi cỏ dại, mùi đất, mùi nước, mùi mưa – nắng… Rành rọt từng chi tiết, tái hiện từng gương mặt người. Vậy mà chị là ai, người kể chuyện dường như không biết!
Hai người quay vào nhà. Có điện thoại của chồng. Sau những câu trao đổi anh ngỏ ý muốn nói chuyện với mẹ. Chị bật loa ngoài để mẹ chồng nghe cho rõ. Anh nói, đang ở nhà một mình. Và chị sững người khi nghe mẹ chồng hỏi thật to: “Thế vợ mày đâu mà ở nhà một mình?”. Thật sự, bà không biết chị là ai!
Mẹ chồng vào bếp. Bỗng dưng chị muốn dạo một vòng thị trấn khi cảm giác sự yên tĩnh của khu vườn làm chị thấy bức bối, tức thở.
“Con đi ra ngoài kia một lát, mẹ nhé”
“Không ở nhà ăn cơm còn đi đâu?”
“Sớm mà mẹ”
“Nhanh về ăn cơm nhé”.
Câu nói quen thuộc, đầy yêu thương sao chị lại nghe thành khách sáo? Bởi, chị là khách lạ, là người hàng xóm nào đó hay có thể một người cùng làng ngày xưa đến thăm.
Sau bữa cơm chiều có đông đủ vợ chồng em trai. Nhìn mẹ chồng nhẹ nhàng thoắt lên nhà trên, xuống nhà dưới chị lại nhớ da diết cái ngày mới về làm dâu. Những buổi trưa mẹ chồng đi chợ về, bà mua đi bán lại những thứ của người dân tộc trong buôn mang ra thị trấn. Cũng trên chiếc giường này bà ngồi vuốt thẳng thớm những tờ tiền và cất vào túi, cài kim băng cẩn thận; thỉnh thoảng lại thừ người, nét mặt đăm chiêu nghĩ ngợi, vẻ như đang tính toán một món lời – lỗ, thiếu – dư. Hay, dáng bà ngồi bên cửa sổ giở cuốn kinh và lần chuỗi. Hình ảnh ấy nhàn nhã, thanh thoát và nhân từ quá đỗi… Chị chợt giật mình, ký ức về một người trong tứ thân phụ mẫu mà ít ỏi vậy sao?
Chuyện rôm rả buổi tối, vậy mà sáng sớm hôm sau khi còn nằm lơ mơ trên giường, chị nghe tiếng mẹ chồng nói nhỏ với em trai:
“Có ai vào ở nhà mình vậy, coi kỹ đồ đạc kẻo mất!”.
Lòng chị bỗng dâng lên cảm giác vừa xót xa, thương cảm. Nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tâm hồn chị, rồi cô đặc lại thành một tảng đá đè nặng lên quả tim chị.
Chị bước ra sau nhà. Mẹ chồng đang ngồi trong bếp. Cái kiềng ba chân, đám xoong chảo, nồi niêu, chén bát, muội khói ám đen… muôn đời là chốn bình yên và cô đơn tuyệt đối của những người mẹ. Nơi đây, họ một mình lo toan, một mình suy nghĩ, thầm nhớ những đứa con và mong ngóng chúng trở về đông đủ để rồi ngậm ngùi, buồn bã (nhưng không dám biểu hiện ra) và gửi theo niềm hy vọng cùng lời cầu xin bình an khi chúng ra đi. Chị định vô bếp ngồi với mẹ chồng nhưng chợt nhớ có mấy thứ cần phải giặt. Nắng và gió cao nguyên mùa này khô nhanh. Tự nhiên chị thèm ngửi mùi nắng cao nguyên vương lại trên quần áo mang về nhà và tận hưởng chút thời gian chậm rãi và bình yên khi ngồi vò bộ quần áo bên thềm giếng, thỉnh thoảng vài ba câu vọng vào bếp với mẹ chồng. Trời cao nguyên chưa bao giờ xanh đến thế và hương cà phê bỗng dưng ngọt nồng quá đỗi!
Lúc sửa soạn đi đám cưới con gái một người bạn của chồng, nhìn ra ngoài cửa sổ chị thấy mẹ chồng mang quần áo của chị từ sau vườn ra dây phơi trước sân. Bà nói:
“Phía này có nắng mau khô”.
Chị vội đi khi có tiếng còi xe giục giã của em dâu.
Đám cưới vừa xong nghi thức sân khấu, cô dâu, chú rể chuẩn bị đi vòng các bàn để chụp hình thì trời nổi giông, lông lốc các thứ, rồi sấm chớp ầm ào, long trời, lở đất, buốt tai, tức ngực. Nhanh chóng sau đó, mưa không kịp vuốt mặt, bao nhiêu nước từ trên trời trút xuống như thác cùng một lúc. Dãy bàn phía ngoài nhem nhép, mọi người phải đứng lên dồn hết vào chính giữa rạp. Nước ngoài đường không kịp thoát dồn ứ vào bên trong khiến ai nấy vội co chân lên ghế. Cơn mưa vàng, mưa bạc cho cao nguyên. Mưa để cà phê bung trái. Cơn mưa đợi mưa chờ của người trồng cà phê. Nhưng đồng thời cũng là cơn mưa sốt ruột, giằng co với người khách phương xa khi bất giác chị nhớ đến quần áo trên dây phơi trước sân. Mẹ chồng có nhớ để lấy vô? Chị nhiều khi còn để quên quần áo phơi trên sân thượng hai, ba ngày mới lấy xuống. Vậy là hết hy vọng mang về đồng bằng mùi nắng cao nguyên vương trên quần áo. Ngày mai chị đã đi rồi!
Mưa mãi, kéo dài bao lâu rồi cũng dứt. Đường về không còn lầy lội như ngày xưa bước chân chị lê đôi dép nặng bùn. Sân trước, dây phơi trống không. Vào nhà, mẹ chồng đang lúi húi lau chỗ nước đọng. Chị đến bên bà và nói nhỏ để con làm. Mẹ chồng gạt đi, chị ra kia mà ngồi, để đấy cho tôi. Chị nhìn quanh không thấy quần áo ở đâu, trên va-li của chị cũng không có, mới hỏi mẹ chồng:
“Chắc mẹ lấy quần áo của con vào rồi?”
Mẹ chồng nhìn chị, đôi mắt linh hoạt, miệng nở nụ cười tươi, hồn nhiên:
“Làm tôi chạy muốn chết. Tôi lấy vào rồi!”
“Thế mẹ để đâu?”.
Mẹ chồng nhìn quanh quất:
“Không biết nữa. Tôi không nhớ để ở đâu!”.
Chị đi một vòng và thấy bộ quần áo cùng cái khăn mặt được xếp gọn để trên một cái bàn.
“Có đây rồi, mẹ”.
“Trí nhớ tôi tồi lắm chị ạ!”.
Ôm xấp quần áo khô mềm, thơm mùi nắng, chị đến bên mẹ chồng, khẽ nói:
“Con cám ơn mẹ”.
Đôi mắt trẻ thơ nhìn chị, nụ cười trẻ thơ mở ra, niềm hạnh phúc như thấm vào từng nếp xếp thời gian, rồi giãn ra, căng tràn…
Chị biết rất rõ, lần đầu tiên sau ngần ấy năm làm dâu chị mới nói lên lời cám ơn mẹ chồng, với một người đã lẫn, hoàn toàn không còn nhận biết chị là ai!
ĐTTT