Mỗi ngày, khoảng bốn giờ rưỡi chiều, khi nắng vừa dịu xuống, tôi và bạn chở nhau ra biển.
Từ đường lớn rẽ vào một lối cát ngoằn ngoèo, rộng đủ cho hai xe gắn máy lách nhau. Chạy thêm quãng ngắn, thấy mở ra một bãi đất rộng, bờ cỏ mấp mô, san phẳng làm sân đá banh, dựng hai khung thành không lưới. Trong khi bạn đá banh, tôi quẩy ba-lô, thẩn thơ vượt qua cồn cát hẹp, phủ đầy cỏ gai. Ra bãi, tôi tìm một nơi thưa dấu chân người, xa chỗ sóng xô bờ, thay quần tắm, trải khăn, mở ba-lô lấy ra chai nước lọc, và quyển sách. Rồi ngồi xuống, đảo mắt nhìn quanh.
Chéo rừng dương rũ bóng mát sau lưng. Ngoài khơi, biển lóa nắng nhấp nhô. Núi đồi chập chùng xa tắp. Mái cong Trùng Sơn Cổ Tự thấp thoáng sườn đồi bên trái. Vài khách sạn cao tầng lô nhô bên phải. Không biết vì sao, quang cảnh nhạt nhòa như bủa sương.
Tôi nằm xuống, mở ra trang sách làm dấu sẵn. “Nhân Vật“, tựa một tiểu thuyết không cốt truyện, không tình tiết, chỉ với dăm ba nhân vật. Không gian là chái bếp nhà sau, trong một ngôi biệt thự ở Sài Gòn, xây theo kiến trúc Tây phương của những thập niên giữa thế kỷ hai mươi. Có hàng ba lót gạch bông, hai bờ tường thấp tô vôi màu mỡ gà, chấn cột hình chai, bệ chưng hàng chậu con trồng cây cảnh cắt tỉa gọn ghẽ. Chính giữa, một bậc tam cấp dẫn vào cửa chính lúc nào cũng rộng mở. Hai bên hai khung cửa sổ lắp song sắt và cánh lá sách sơn màu thiên thanh. Một khoảng sân hẹp tráng xi-măng, chia nhà trên và nhà dưới, trồng một cây mận chua, rũ bóng mát, cận Tết đơm trái đỏ trĩu cành. Ở giữa là một gian bếp rộng, kê một dãy 4 hỏa lò, trần ám khói sạm đen, một tủ gác-măng-giê cửa lưới, chân dựng trong 4 chén con xăm xắp nước, và một đi-văng gỗ tạp.
Trong gian bếp nầy, nhân vật chính không tên riêng, được gọi là “chị” trổ tài nấu nướng ngày 3 bữa cho gia đình 7 người. Người cha là công chức cao cấp, có xe đưa đi đón về. Người mẹ đảm đương việc nhà. 5 người con, đứa trung học đứa tiểu học. Tác giả không cho biết, chị bếp học nấu ăn ở đâu mà rành rẽ nhiều món ngon 3 miền, nhất là những món Nam. Và nhân vật “cậu”, một bé trai 8 tuổi, học lớp tư. Cậu ít nói, tính tình nhu mì, nhạy cảm. Ngoài chuyện học, cậu loay hoay thơ thẩn với những món đồ chơi trẻ con: Những viên đạn thủy tinh, xấp hình con màu mè rực rỡ cột dây thun, cắt ra từ tấm giấy bìa mua ở tiệm tạp hóa, hộp thiếc đựng lỉnh kỉnh nhiều món đồ chơi bằng nhựa màu… Và quyển vở một trăm trang chép bài hát.
Sau khi đi học về hay những trưa Chủ Nhật, cậu thường quấn quýt cạnh chị, xem chị làm bếp.
Không hiểu tại sao, cậu nhớ hoài cách nấu cũng như hương vị một món đã được nhân vật chị khéo léo chế biến thành một khúc giao hưởng của khẩu vị luyến láy giai điệu ngũ cung.
Cho tới nhiều thập niên sau…
Những hình ảnh cùng nhân vật quá khứ của ý thức tôi thỉnh thoảng lại trở về, vụt hiện vụt tắt trong khoảnh khắc hiện tại, tròng tréo vào nhau. Không nguôi.
Bảo Huân
o O o
“Chị ơi, trưa nay chị nấu món gì vậy chị?”, nhân vật cậu thỏ thẻ.
“Chị đang bằm mấy miếng mắm cá lóc để làm mắm chưng, em à!”, chị đáp không ngẩng mặt.
“Má ưa ăn món nầy lắm!”
“Em cũng thích ăn mắm chưng…. “, giọng cậu rộn ràng, “nhưng em không ăn được chuối chát và rau dấp cá”.
“Má thích ăn mắm chưng kèm đủ thứ rau sống”, chị cười khẽ, giơ tay áo lướt ngang trán rịn mồ hôi, “với dưa leo, khế, chuối chát xắt lát. Chuối chát xắt xong phải ngâm trong nước nhỏ thêm vài giọt giấm hay chanh”.
“Chi vậy chị?”, cậu hỏi, leo ngồi co một chân trên ván, nghiêng mặt áp lên đầu gối, chăm chú dõi theo từng động tác của chị.
“Cho chuối khỏi bị thâm. Không thôi má rầy”.
“Em không ưa mấy món mắm”, cậu nhỏ nhẻ, “nhưng em thích ăn món mắm chưng chị nấu”.
Chị ngẩng đầu, nhoẻn cười nhìn cậu, hai gò má lấm tấm tàn nhang ửng hồng, vầng trán rịn mồ hôi.
“Chị để ý thấy mấy điều ngộ nghĩnh nầy: Người miền Bắc ăn hơi mặn, dân miền Trung hơi cay, còn người Nam hơi ngọt, béo và ưa rắc thêm đậu phộng giã nhuyễn”, chị bật cười rưng rức.
“Riêng mấy món mắm thì dân Bắc thích ăn mắm tôm, dân Trung thường ăn mắm ruốc, còn người Nam lại chuộng những món mắm cá đồng: Mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm nêm …”
“Còn mắm tép chua ngâm đu đủ xắt sợi nữa chị”, cậu góp lời.
“Đúng rồi, mắm tép chua ăn với thịt ba rọi luộc xắt lát kèm rau sống”, chị lại khúc khích.
“Nhắc tới rau sống… Thói ăn của người miền Nam là vậy đó. Gần như món nào cũng ăn kèm rau sống. Mấy món như bún thịt nướng, bún thịt bò xào, bún bì được ăn với rau sống xắt nhuyễn trộn giá sống hay bánh xèo, bánh khọt, bánh vá, chả giò được cuộn với xà-lách, rau sống đã đành, cả những món cuốn bánh tráng cũng vậy…”
Chị ngưng ngang, dừng tay, lấy dao vét mớ mắm bằm nhuyễn trút vô tô sành. Xong, chị tráng nước rửa sơ lưỡi dao, lật ngược cái chén sành, “liếc” qua lại vài cái lên đáy chén, quơ tay lấy miếng thịt ba rọi xắt hột lựu, bằm thoăn thoắt.
Cậu ‘ngấc’ đầu ngó chị. Hai mắt rực lên. Thính giác đón lấy lời chị thầm thì.
“Còn mấy chi tiết nầy nữa”, chị vừa bằm vừa nói. “Những món Bắc du nhập vô đây cũng được Nam hóa bằng cách cho thêm rau giá. Món phở được ăn kèm giá sống hay giá trụng, rau quế, ngò gai. Còn món bánh cuốn hay bánh ướt, dân Bắc chỉ ăn với vài lát giò lụa, chấm nước mắm nguyên chất, nhỏ thêm giọt tinh dầu cà cuống, sau khi di cư vô Nam được thêm giá trụng trộn rau quế, miếng bánh vá, … Ối, lung tung đủ thứ, tùy quán, tùy giá tiền… Xong rồi, em!”
Chị lẹ tay đổ mớ thịt bằm vô tô mắm, thêm một nhúm hành lá xắt nhuyễn, gia vị nửa muỗng cà-phê tiêu xay, một phần ba muỗng đường. Rồi chị đập 3 trứng vịt, tách lòng đỏ để riêng, cho lòng trắng vô tô thịt mắm, lấy đũa trộn đều.
Nắp nồi chưng cách thủy bắc lên lò nãy giờ cũng vừa sôi ấp úng. Chị cho tô thịt mắm bằm vô nồi, đậy nắp lại.
“Còn mấy cái lòng đỏ nầy, lát nữa chị sẽ đánh tan, chờ thịt chín, đổ lên mặt, hấp tiếp. Nhớ, không được đậy nắp cho trứng giữ màu vàng đẹp nghe em! “
Cậu đổi thế ngồi, thõng chân lắc lư, ngó vạt nắng trưa soi lên vách. Luồng khói bếp uốn éo theo giai điệu thầm thì của hương vị.
o O o
Sau bữa điểm tâm với dĩa bánh bèo, bánh quai vạt, bánh lá của sạp vỉa hè đầu ngõ, tôi bắc ghế ra ngồi ngoài sân, dưới tàn bưởi lão xõa bóng, lao xao chút gió từ bờ kè thổi về. Một mình, một ghế, một bàn con, một tách cà-phê sữa đá pha đậm… với nhiều ý nghĩ vẩn vơ. Chẳng hạn, về món bánh bèo.
Chiếc bánh bèo nơi đây nhỏ và dầy. Bánh quai vạt nhân đậu xanh, thỉnh thoảng thấy ửng đỏ con tép riu. Chiếc bánh lá màu xanh đọt chuối, hơi dầy, cũng với nhân đậu xanh, không phải loại bánh lá hay bánh nậm nhân thịt với nấm mèo bằm nhuyễn và tôm chấy của xứ Huế, được tráng mỏng tang, gói lá chuối. Có phải đó là một phiên bản khác của chiếc bánh giò đất Bắc? Dĩa bánh được rắc thêm mớ đậu xanh giã nhuyễn vừa, và một ít mỡ hành. Có 3 loại nước chấm cho khách chọn lựa: nước mắm chanh, nước mắm đậu phộng hay mắm nêm. Tôi chọn nước mắm chanh. Gọi là “nước mắm chanh”, nhưng khẩu vị tôi chỉ nhận ra chút cay, chút mặn, và nhiều vị ngọt.
Suốt dặm trường đất nước, món bánh bèo dường như chỉ có mặt từ Huế trở xuống. Bánh bèo Huế được hấp và ăn trong chén con với tôm chấy, mỡ hành, tép mỡ, chan nước mắm pha. Bánh vượt đèo Hải Vân xuống Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Thuận… sau khi hấp chín, được xúc ra từng chiếc, thấy có thêm đậu xanh hấp quết vụn. Tới Sài Gòn, xuống đồng bằng Cửu Long, chiếc bánh bèo lớn và mỏng hơn, có xoáy mũm mĩm. Một dĩa bánh bèo Nam gồm 5 hay 5 chiếc, lõm xoáy được phết một lớp đậu xanh quết mịn, rưới thêm ít tôm khô chà bông, mỡ hành và đồ chua, chan nước mắm chua ngọt. Đâu đã xong, có nơi, như ở chợ Búng, Lái Thiêu, còn được cho thêm bì và giá trụng trộn rau sống xắt sợi, trở thành thương hiệu “bánh bèo bì chợ Búng”, danh tiếng trong giới ẩm thực sành điệu ở Sài Gòn.
… Chợt, từ hàng rào thường xuân, bật tiếng khúc khích. Tôi quay đầu. Hai khuôn mặt trẻ con lấp ló.
“Chào bác”, một đứa rụt rè cất tiếng.
“Bác chào hai con”, tôi mỉm cười. “Hôm nay hai đứa không đi học sao?”
Thằng con trai láu táu:
“Dạ, thứ Bảy, Chủ Nhật tụi con không phải đi học”.
“À, hôm nay là Chủ Nhật…”, tôi lẩm bẩm.
“Sáng nay má con đi chợ mua đồ về làm mắm chưng”, đứa con gái thủ thỉ.
“Vậy à? Chắc má con nấu ăn ngon lắm?”
“Dạ, bữa nầy bữa kia…”, thằng con trai mau mắn. “Nhưng món mắm chưng, má con nấu ngon không chỗ chê. Có điều con không ăn được nhiều loại rau sống… dấp cá nè, tía tô nè, húng lủi nè. Con chỉ biết ăn dưa leo thôi”.
Lớp lớp hình bóng cũ sóng sánh trở về tâm tư tôi. Ngôi nhà thơ ấu. Gian bếp ám khói hỏa lò. Tủ gác-măng-giê dựng trên 4 chén sành con xăm xắp nước. Hương mắm muối thoang thoảng, bịn rịn như lời chia tay…
“Má con nói… nói…”, đứa con gái nhỏ nhẻ góp tiếng, chợt ngưng ngang.
Thằng con trai day qua ngó em, ánh mắt lau láu.
“Má nói, má… má… quen bác”.
Thằng con trai hích nhẹ vai em. Tôi ngẩn ngơ hình dung lại những khuôn mặt thuở xa xưa.
“Lâu quá, bác không nhớ. Má con tên gì?”
Đứa con gái liếc mắt ngó anh một thoáng, buông tiếng gọn lỏn:
“Trúc”.
Thuở ấy tôi đã 13, Trúc lên 6, là em út của bạn. Tôi thích chơi đá dế, nuôi cá 7 màu, bắn đạn, tạt hình, vích dây thun … nhưng thỉnh thoảng, chiều lòng Trúc, tôi cũng tập tành đánh đũa, nhảy lò cò, chơi bán hàng cùng em. Đôi khi em còn rủ tôi nấu ăn chung. Hỏa lò và nồi niêu soong chảo là những món đồ chơi bằng nhựa sắc màu rực rỡ.
“Hôm nay em nấu cơm 3 món canh xào mặn”, Trúc liến thoắng.
Em hái lá và bông dâm bụt, xắt nhỏ làm món thịt bò xào, lượm trái trứng cá chín rụng làm món cà chua dồn thịt, lấy lá và trái mận hồng đào xắt hột lựu, đổ thêm chút nước làm canh, và nhặt bông mai chiếu thủy rụng, giả làm cơm.
Chúng tôi xúm xít ăn cơm chiều dưới tàn trứng cá rụng bóng lốm đốm trên sân.
“Anh ơi…”, đang ăn chợt Trúc ngẩng mặt ngó tôi, ngập ngừng. Sợi nắng chiều đi lạc, soi hồng má em.
“Cơm em nấu ngon lắm!”, tôi vội vã.
“Sau nầy em… em… lớn, em với anh làm vợ chồng với nhau… được không anh?”, Trúc nói mau như sợ quên. “Nhe anh!”
Tôi buông chén đũa, ngó thẳng mặt đứa con gái. Không chớp. Hai gò má em đỏ bừng như trúng nắng.
“Chi vậy em?”, tôi ngơ ngác.
“Để em… em… nấu cơm cho anh ăn…”
“Má con khỏe không?”, tôi hỏi mà tâm tư bâng khuâng. Trong ký ức tôi, chợt rớt xuống cơn mưa ngày thơ ấu.
“Dạ, khỏe”, hai đứa nhỏ trả lời cùng lượt, rồi quay mặt ngó nhau, che miệng khúc khích.
“Má con nhắc bác hoài”, đứa con gái thỏ thẻ.
“Vậy à? Còn ba của tụi con đâu?”
“Ba tụi con chết rồi bác”, thằng anh láu táu…
Vừa khi ấy chợt nghe tiếng đàn bà vọng ra, kêu hai đứa vô ăn cơm.
“Tụi con đi ăn cơm nhe bác! Hôm nay má con làm mắm chưng”, đứa con gái thủ thỉ.
“Mắm chưng hoài, ngán muốn chết hà…”, thằng con trai rùng vai mấy cái.
“Mắm chưng ngon mà”, tôi cười khẽ.
Hai đứa nhỏ bỏ đi, còn vẳng lại tiếng đứa con gái nhỏ nhẹ, như lời an ủi:
“Em thấy má có mua trái dưa hấu…”
Câu chuyện chỉ bấy nhiêu thôi, mà không hiểu sao, khiến tôi lẩn thẩn cả ngày hôm ấy. Lâu lâu nhớ tới, tôi lại đưa mắt ngó qua khuôn viên nhà bên cạnh. Mọi thứ không còn như xưa. Ngôi nhà xây thêm lầu, tường vôi xanh da trời, mái ngói đỏ au như mới lợp lại. Cây trứng cá, cây bông dâm bụt không thấy đâu. Thỉnh thoảng một dáng đàn bà lúi cúi bên hàng lu đựng nước ngoài hiên. Chỉ một lần duy nhất, dường như linh cảm điều gì, bà ngẩng mặt ngó qua. Vài giây khựng lại thảng thốt. Trúc? Tôi trân trân bất động. Người đàn bà khẽ gật đầu, rồi quày quả bước vào trong.
Trưa ấy, sau khi trò chuyện với hai đứa nhỏ, đang ngồi ăn cơm với gia đình bạn, chợt nghe tiếng gọi cửa. Bạn tôi ra xem ai, lát sau trở vô, trên tay cầm hai cái đĩa con, một đựng miếng mắm chưng, một đựng mớ rau sống, khế và chuối chát xắt mỏng.
“Của nhà bên cạnh biếu ăn lấy thảo”, bạn đặt lên bàn, nhìn tôi tủm tỉm. “Có kèm thư riêng nữa nè!”, bạn đưa cho tôi tờ giấy gấp tư.
“Thăm anh,
hai đứa nhỏ vừa nói, anh thích ăn mắm chưng. Tiện dịp em vừa hấp xong một tô cho bữa cơm trưa nay, em xẻ biếu anh một phần ăn lấy thảo. Còn rau sống, khế và chuối xanh là cây nhà lá vườn.
Anh ơi, em không bao giờ quên bữa cơm em nấu anh ăn ngày xưa ấy.
Em chúc anh ngon miệng,
Trúc”
NND
(Đức, 07.2024)