Đào T. Thanh Tuyền
“Vậy là đã ngày thứ mười lăm con Hạnh Cát không về”. Ông buột miệng nói lên câu đó lúc ngồi một mình ở sofa nhìn ra bên ngoài. Mọi khi giờ này, ông thấy nó từ xa mềm mại, uyển chuyển những bước chậm, ánh đèn đường chiếu lên mình nó khiến bộ lông đen mượt, mịn như nhung ánh lên sắc vàng, đẹp huyền ảo. Nó khẽ giơ hai chân trước cào nhẹ vào cánh cửa lưới đồng thời ngoác miệng kêu lên đòi ăn.
Là con mèo không biết có chủ hay mèo hoang, hơn hai năm trước trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19, nó thường lảng vảng trước nhà ông với bộ dạng khá thê thảm ốm giơ xương, ghẻ lở đầy mình. Tuy nhiên thấy ông mở cửa bước ra, nó chạy trốn mất tiêu. Nghĩ nó đói nhưng nhát, ông để ít thức ăn trong cái chén và một chén nước dưới gốc cây trước nhà rồi ông lái xe đi đâu đó, hay đóng cửa ngồi trong nhà nhìn ra. Ông quan sát con mèo đi những bước dè chừng nghi ngại, đến chỗ chén cơm rồi nhưng nó chưa vội ăn, còn quay ngược xuôi nhìn quanh xem có gì nguy hiểm không. Vài ngày như thế, kiểu vừa làm quen, vừa làm phước, ông có gì cho nó ăn đó, nhưng ông thấy nó có vẻ không mấy thích thức ăn của ông, nó chỉ liếm láp qua loa rồi bỏ đi.
Ông sống một mình, khi nấu ăn, khi ông đi ăn ngoài, mà số lần ăn ngoài nhiều hơn nên ông phải tính việc mua thức ăn riêng cho nó. Vốn thích ăn ngon, ông chọn loại hảo hạng nhất cho con mèo là hải sản. Hơn hai năm trời, mỗi ngày nó ăn ba bữa và chỉ độc một món, không chán. Con mèo thật dễ tính.
Tuy nhiên, ông chỉ cho ăn mà không cho nó trú ngụ vì ông bị chứng dị ứng với lông động vật, phấn hoa, cỏ khô… không thể đưa nó vào nhà nuôi nấng được. Có một lần, ông đến nhà em gái nghỉ lại, đêm đó ông bị ngộp thở tưởng chết, phải vội vàng ra về. Vậy mà đến nhà là hết. Hóa ra nhà cô em dùng gối và chăn lông ngỗng. Thậm chí, chỉ cần đứng gần những cái áo lông ngỗng, ông cũng không thở được. Chứng dị ứng càng trầm trọng khi đến mùa phấn hoa, không khí toàn phấn hoa, bụi cỏ khô gây ngứa mắt, mũi rất khó chịu. Chốc chốc ông lại phải rửa mặt cho trôi hết phấn hoa, bụi cỏ khô. Chỉ mong có mưa làm sạch không khí. Hay có lần, ông đang lái xe bỗng chảy máu cam ròng ròng. Ông phải tấp vô lề, vào một tiệm ăn người Hoa xin rửa mặt. Ông chủ tiệm thấy máu cam chảy nhiều quá, lấy khăn ướp nước đá thật lạnh, đắp lên trán ông, mới hết.
Mỗi khi ăn xong, con mèo còn lẩn quẩn chơi trước nhà ông, cào giũa bộ móng chân vào gốc cây rồi nằm ườn ra giữa lối đi mà ngủ trưa; hay nhảy lên ban công tầng hai giỡn nắng, đùa với gió thật lâu mới rời đi. Những đêm trăng muộn, dường như biết ông thích ngắm trăng khuya, nó luôn nán lại đợi ông đóng hết các cửa, tắt đèn, mới bỏ đi. Ông không biết nó ngủ ở đâu. Nhiều lần ông tò mò nhưng không giải đáp được. Khu ông ở, nhà nào cũng kín như bưng, khó biết chỗ nó trú ngụ và ông thì chẳng có lý do gì để hỏi thăm hàng xóm về một con mèo vốn không phải là của ông. Vả lại, đang mùa dịch cao điểm, nhà nào biết nhà nấy, không ai tiếp xúc với ai, hỏi han chuyện một con mèo là điều rất vô lý.
Ông đặt tên cho con mèo là Hạnh Cát với ý nghĩa nó mang lại điều hạnh phúc tốt lành.
Thắm Nguyễn
Con Hạnh Cát được ăn đầy đủ trổ mã, mập mạp trông rất đẹp. Nhất là bộ lông màu đen của nó khiến đôi lúc làm ông ngắm say sưa quên cả việc đi chợ mua thức ăn. Ông suýt bị trễ mấy lần vì có những chiều Chủ Nhật ngồi chơi với con mèo, đến gần giờ chợ đóng cửa ông mới vội vàng lái xe đi.
Hạnh Cát còn là tên một người bạn học cũ của ông. Năm lớp 12, Hạnh Cát chuyển trường về học cùng lớp với ông. Nhớ lại cái ngày đầu tiên Hạnh Cát vào lớp, cả đám con trai như hóa đá nhìn cô bước vào chỗ ngồi. Ông nhớ dáng cao gầy của cô bạn học giỏi, ít nói, nhưng lúc nào cũng cười, nụ cười vừa e ấp, vừa bẽn lẽn thật dễ thương.
Hồi đó ông ngồi sau lưng Hạnh Cát. Có những buổi học, ông không nghe thầy giảng điều gì bởi mải chú mục vào mái tóc xõa dài, dày và đen mượt trước mặt. Thỉnh thoảng tinh nghịch, ông bỏ vào hộc bàn của Hạnh Cát mẩu giấy nhỏ vài câu tán tỉnh vu vơ. Về sau ông mới biết, hóa ra nhiều đứa con trai trong lớp cũng làm điều như vậy.
Sau này đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nghĩ về một thời vụng dại, ông chỉ tiếc sao ngày ấy không tặng cô bạn học cùng lớp một món quà nào đó. Ông quá yêu thích nhân vật Trương Tam Phong và mối tình đơn phương với Quách Tường trong “Ỷ Thiên Ðồ Long Ký”. Hai người chỉ gặp nhau đúng một lần thời thanh mai trúc mã rồi chia tay, nàng tặng lại chàng món quà là đôi tượng sắt La Hán mà ngày xưa Vô Sắc thiền sư gửi tặng cho nàng nhân ngày sinh nhật. Nhưng tình yêu đơn phương, thầm lặng của Trương Tam Phong thì mãi mãi còn đó, thanh khiết, vĩnh hằng. Cho dù Quách Tường có yêu ai, khổ lụy vì ai, Trương Tam Phong chỉ một lòng yêu nàng, một tình yêu bất tử.
Ngày ông ra nước ngoài, ông biết gia đình Hạnh Cát đi trước một tháng. Bặt tin từ đó. Nhiều năm, ông tìm nàng với những thông tin ít ỏi thời trẻ dại nhưng không lần ra manh mối nào.
Ông không chắc mình có một tình yêu vĩnh cửu như Trương Tam Phong hay không, nhưng cuộc đời ông cũng giống theo cách mà nhân vật đã chọn. Có phải tác giả muốn nói lên một điều rằng, con người luôn cô đơn, phải cô đơn, bắt buộc cô đơn? (*)
Từ khi có Hạnh Cát, ông cảm thấy vui hơn, dù ông và nó cả hai đều im lặng, nhưng đúng nghĩa như hình với bóng. Ông trong nhà, nó ngoài cửa, ông nhìn nó, nó nhìn ông. Ông đứng ở cửa sổ tầng trệt, nó ngồi ngắm trăng ở cửa lớn tầng hai. Ông lái xe về, bất kể đang ở đâu, nó biết nghe tiếng xe của ông để chạy ra đón. Ông thường dừng xe lại hay đi thật chậm vì sợ nó chui vào gầm xe.
Con mèo quấn quýt với ông không chỉ những bữa ăn, những đêm trăng hay lúc ông lái xe về mà còn như người bạn. Ông và nó hoàn toàn có thể “tri kỷ” được vì cả hai đều cùng không nói tiếng người. Ngày xưa, lúc còn sống, mẹ ông hay bảo rằng, ông là người có thể hàng tuần không nói lời nào. Có nhiều lý do để người ta lười nói, ít nói hay không muốn nói. Với ông là một chấn thương tâm lý từ hồi còn rất bé khi chứng kiến những cảnh đau thương trong chiến tranh, mà mẹ ông thường căn dặn không được hé lộ với ai vì có thể nguy hiểm đến tính mạng cả gia đình.
Hai tháng trước, ông mua cho con Hạnh Cát một cái dây đeo ở cổ, có gắn cái lục lạc, như một dấu chỉ rằng mèo có chủ. Mỗi khi nghe tiếng lục lạc leng reng thật dễ thương ông biết nó đến. Ông đã cho nó ăn hơn hai năm rồi, vì lý do bất khả kháng, ông mới để nó đi lang thang tìm chỗ ngủ, ông cũng xót lắm chứ.
Con mèo có sợi dây đeo cổ trông xinh hẳn ra, duyên dáng, điệu đàng và lịch sự. Không bói đâu ra được vẻ lấm lem bụi đời, ốm đói cù bơ cù bất ngày nào. Có đêm ngủ quên ở sofa, ông nghe tiếng lục lạc rung nhẹ hệt trong một giấc mơ êm đềm ngày còn bé. Ông gặp lại Hạnh Cát, nàng vẫn xinh đẹp, vóc gầy, chiếc cổ cao thanh tú và nụ cười e ấp. Ông đặt vào tay nàng mẩu giấy ghi lời tỏ tình vụng về. Nàng cười với ông, nụ cười tỏa nắng khiến ông ngây ngất. Có tiếng cào cửa và tiếng kêu “meo” nhẹ. Ông tỉnh giấc, buông lời mắng con Hạnh Cát: “Mày đi đâu mà mãi giờ này mới về đòi ăn, làm dang dở giấc mơ đẹp của tao”.
Rồi con Hạnh Cát không về thường xuyên nữa, nó cũng ăn ít hơn. Nhiều hôm nó chỉ liếm láp một chút rồi bỏ nguyên chén thức ăn. Có lúc ông bực mình vì nó cứ bỏ thức ăn hoài, ông lấy cây roi đánh nhẹ nó mấy cái. Con mèo phóng thẳng lên ban công nhìn xuống như trêu tức ông. Một lát nó bỏ đi.
Một ngày, nghe tiếng kêu xin ăn của con Hạnh Cát, ông lấy thức ăn ra cho nó. Vừa mở cửa, ông thấy thêm một con mèo mun nữa, nhỏ hơn, đi cùng với con Hạnh Cát. Con mèo này rất lanh, nghe tiếng ông mở chốt cửa nó liền biến đi mất hút. Ông vào trong nhà quan sát bên ngoài. Con Hạnh Cát qua loa chút xíu vài miếng rồi thì con mèo mun nhỏ từ đâu nhảy ra. Con Hạnh Cát đứng nhìn “bạn” ăn hết chỗ thức ăn, kiểu như canh chừng. Ông mới hiểu, hoá ra lâu nay con Hạnh Cát có… bồ. Hèn chi nó cứ thoắt ẩn thoắt hiện, đi về không đúng giờ giấc. Bây giờ còn mạnh dạn đưa bồ về ăn chung.
Vậy là ông phải lo thức ăn cho cả hai con mèo cho đến một ngày ông phát hiện ra cái bụng lùm lùm của con mèo mun nhỏ. Là lúc ông linh cảm mình có thể sẽ mất con Hạnh Cát. Khi con mèo mun nhỏ sinh ra lũ mèo con, Hội bảo vệ động vật sẽ hốt hết chúng về nuôi dưỡng.
Ông đoán không nhầm. Một ngày rồi một tuần, cả hai con mèo đều mất dạng, không thấy tăm hơi.
Chỉ còn lại mình ông như đã từng như vậy trước đó hai năm. Tuần trăng khuya vừa qua xong, những đêm ngủ muộn, nhìn lên ban công ông nhớ con Hạnh Cát quá chừng. Nó bây giờ ở đâu? Giờ này nó đã ngủ chưa?
Những sáng đi bộ thể dục về, ông lại nhớ con Hạnh Cát đứng chờ ông trước cửa và ngúc ngắc cái đuôi mừng rỡ khi thấy ông. Những chiều lái xe về, ông cứ nghĩ con Hạnh Cát đang đâu đó dưới đường và ông cũng chạy xe thật chậm như sợ sẽ cán vào nó dù ông biết chắc chắn nó không còn nữa.
Ông mở lại album hình ông chụp con Hạnh Cát nhiều sắc thái. Ông chợt nhận ra nó đẹp đến từng milimet. Bộ lông mượt mà đen tuyền, đôi mắt màu vàng, sắc hiền và buồn. Cái dáng nó nằm lả lơi no đủ, lúc nó điệu đàng chải tóc. Ðã có lần ông nghĩ phải cho nó ăn kiêng vì trông nó mập quá rồi. Khi nó bỏ ăn khiến ông phải cầm cây roi, và lúc nó đưa con mèo mun nhỏ về nhà…
Trong cuộc sống này có những thứ ta chỉ có thể nhìn thấy sau khi thời gian trôi đi. Chẳng hạn như, tại sao điều đó lại xảy ra, tại sao ta gặp những người đó và tại sao có sự trùng hợp như vậy… Ông bỗng nghĩ về câu triết lý thật lãng mạn mà ông từng đọc: «Nếu thật sự yêu ai đó hãy để người ấy ra đi. Nếu người đó quay về thì bạn mãi mãi có được họ, còn nếu không, họ vốn chưa bao giờ thuộc về bạn”.
Hạnh Cát, rồi em cũng bỏ ta đi.
Hạnh Cát, bao nhiêu năm rồi, bây giờ nàng ở phương trời nao?
Phải chăng yêu ai đó là chấp nhận rủi ro, cho đi mà không có nhận lại.
Tại sao tình đẹp luôn mãi mãi là tình yêu đơn phương.
ĐTTT
(*) Trong tiểu thuyết “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của Kim Dung, nhân vật Trương Tam Phong yêu đơn phương Quách Tường mà cả đời không lấy vợ.